Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



“TRĂNG” TRONG BÀI HÁT
THƯƠNG QUÁ VIỆT NAM CỦA PHẠM THẾ MỸ

  


T HƯƠNG QUÁ VIỆT NAM LÀ MỘT BÀI CA VỀ TÌNH TỰ DÂN TỘC :

Đây là một ca khúc của người nhạc sĩ họ Phạm – Phạm Thế Mỹ. Nội dung nói về tình yêu thắm thiết đất nước Rồng Tiên với tượng trưng là: ánh Trăng, tiếng Chim, cánh Hoa, và trái Tim của đất nước Việt Nam mến yêu:

Trăng sáng ngời trên môi hoa. Trăng lên tiếng hát vui đêm già
Trăng sáng ngời trên non xa. Trăng xua bóng tối trong hồn ta.
Sáng lên Trăng, sáng lên Trăng. Sáng cho người tìm về bên nhau
Sáng lên Trăng, sáng lên Trăng. Sáng cho tình người nở đêm sâu.

- Không chói lòa như mặt trời, không xa xăm như những vì sao, là hành tinh phản chiếu ánh sáng của vầng thái dương, Mặt Trăng mang bản thể âm, đã phát tỏa một diện mạo của sự hiền hòa, hấp dẫn, chuyển hóa huyền ảo.

Mặt Trăng đã cho nhân loại từ thơ ấu nguyên thủy đến văn minh tha hồ ngắm nghía, gửi gấm, phóng chiếu tưởng tượng và thêu dệt huyền thoại. Chỉ với vài vết loang mờ đen trên mặt Trăng, mà con người ở những chỗ đứng khác nhau trên địa cầu, đã nghĩ ra những hình ảnh đầy phong phú. Người Tầu xưa đã vẽ lên mặt Trăng một huyền thoại Hằng Nga bay về trời cùng hình ảnh con thỏ ngọc nghiền thuốc trường sinh

Còn chúng ta, những cư dân văn minh Thần Nông Việt Nam chân chất, chung tình nhìn lên mặt Trăng và kể với nhau về chú Cuội và cây đa có lá chữa bệnh, giúp con người trường sinh…Mỗi nền văn minh, mỗi dân tộc ngay từ thời thơ ấu lịch sử của mình đã đăng ký với mặt Trăng một tác quyền riêng, dù là truyền khẩu.

Conn người đã bước lên mặt Trăng từ 42 năm trước với phi hành gia Mỹ Neil Armstrong, người từng điều khiển con tàu Apollo 11 đáp xuống mặt Trăng năm 1969. Chính thông qua những cuộc chinh phục ngoại giới vô tận, vũ trụ con người mở mang cõi nội giới sâu thẳm của mình, để mình được là mình, mình hiểu mình hơn.

- Tuổi thơ chúng ta không ai không thuộc bài hát thiếu nhi “Bóng Trăng trắng ngà” của cố nhạc sĩ tiền bối Lê Thương:

Bóng Trăng trắng ngà, Có cây đa to, có thằng Cuội già,
Ôm một mối mơ, ôm một mối mơ.
Cuội ơi, ta nói Cuội nghe: Ở trên Cung Trăng mãi làm chi?
Các em thích cười muốn lên cung Trăng, cứ hỏi ông Trời
Cho mượn cái thang, cho mượn cái thang…

Hầu như tuổi thơ mọi người, cứ mỗi lần bất chợt ngắm vầng Trăng sáng , lại liên tưởng đến mùa Trăng Trung thu. Trong ký ức lưu giữ đến giờ, ta vẫn nhớ Trung thu là Tết trông trăng của trẻ em. Trung thu gắn với Trăng. Tháng Tám nước ta trời hay mưa. Rằm năm nào Trăng sáng thì vui, còn tổ chức trống ếch rước đèn chỗ này chỗ khác. Đèn Trung thu tự làm lấy là chính. Em nào khéo tay thì làm đèn kéo quân, đèn lồng, còn vụng về chỉ làm được đèn ông sao hoặc con cá cụt vây. Tìm dây kẽm cuộn thành lò xo gắn vào giữa để nhét ngọn nến. Như có thứ nến khác không phải bằng sáp ong mà rất tuyệt, đó là nhân hạt bưởi. Ngay từ tháng 7 ta, nếu ăn bưởi phải giữ lại hạt, bóc vỏ ra, xỏ vào que tre thật thẳng, xếp khít nhau, đem phơi nắng thật khô. Đêm Rằm, lôi những ngọn đuốc ngọn đèn nhỏ xíu xinh xinh bằng hạt bưởi ra đốt thật thú vị. Hạt khô nhưng có tinh dầu, cháy đượm, sáng, nổ lách tách, tỏa mùi thơm dễ chịu và đặc biệt ra gió chắng mấy khi tắt.

Trẻ em ở thành phố thiếu hẳn thứ quan trọng nhất: ông Trăng. Trăng thành phố chịu lép vế dưới ánh điện nên vô vị lắm. Cứ mờ mờ nhàn nhạt, dường có dường không. Nhưng Tuổi thơ người viết được may mắn sống ở thành phố Hà Nội, tuy Trăng nhàn nhạt, nhưng an ủi là nhờ có hồ Hoàn Kiếm cây xanh tươi mát bao quanh hồ, lại học trường Nguyễn Du (nay là Hàng Vôi) ở gần hồ, nên nhớ lại thường vẫn nghêu ngao hát bài “Đêm Trung thu” sau đây, vì lâu ngày quá nên không nhớ tên nhạc sĩ sáng tác bài này:

Đêm Trung thu là Trăng Việt Nam tươi mới
Đêm Trung thu đèn sao, cờ bay phấp phới
Tiếng trống khắp nơi, câu ca vang trời
Ấy Tết Thiếu nhi, là muôn người múa vui tươi !

Hiện nay, trẻ em thích hát bài ca sau đây:

Tết Trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong Ánh Trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm…
Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu.

Đã hơn 60 năm, hồi ấy Bà ngoại tôi thường tụ tập con cháu trước sân nhà, nằm cạnh một cái ao lớn ở quê Pháp Vân, Thanh Trì, gió vi vu thổi cùng với hơi nước bay lên rất mát mẻ, Bà phân phát Bánh Trung thu, rồi kể chuyện cổ tích chú Cuội ngồi gốc cây đa, chuyện Hằng Nga – Hậu Nghệ, khiến lũ nhò chúng tôi mê tít thò lò.

Thấy buồn vì trẻ em bây giờ hầu như không còn biết sự tích chú Cuội, cây đa, không biết làm lồng đèn giấy bóng kính nữa. Dẫu biết thời buổi hiện đại hóa, mọi sinh hoạt vui chơi đều được công nghệ hóa, khỏi mất công làm, đỡ mất thời gian, nhưng sao vẫn thấy áy náy, tiêng tiếc một cái gì đó rất xưa nhưng quý giá vô ngần và không bao giờ còn có thể trở lại.

Giờ đây, mỗi năm tới mùa Trung thu - Tết trông Trăng của trẻ em, người viết nhớ lại hình ảnh như hiển hiện trước mắt: nhiều học sinh của trường Nguyễn Du xếp hàng đi rước đèn xung quanh hồ Gươm, nhớ lại, cảnh tượng ánh đèn giấy bóng kính màu sặc sỡ, lung linh đi quanh hồ như một con Rồng dài , đẹp ơi là đẹp. Lòng bỗng nhớ Trăng hồ Gươm thật là da diết! Nhớ quá đèn ơi!

Em nghe gì không hỡi em? Con Chim nó hót vang đầu Hè
Em thấy gì không hỡi em? Con Chim nó múa trên cành tre
Hót đi Chim, hót đi Chim. Hót cho mặt trời hồng quê ta
Hót đi Chim, hót đi Chim. Hót cho đời nhọc nhằn trôi xa
Chim trên đồng, Chim trên non. Chim tung cánh xóa tan sương mù
Chim trong hồn, Chim trong tim. Ôi thương quá tiếng Chim Việt Nam.

Thời Thượng cổ, nước ta có tên là Lạc Việt, một xứ trong Bách Việt. Tiếng Lạc có nguồn gốc từ Chim Lạc (là giống chim ăn tôm, cá, to con, mỏ dài, chân cao, sải cánh rộng, cùng họ với giang, sếu, cò, có thói quen di trú và có tiếng kêu cạc, lạc, nay gọi là Hạc) do người xưa đã theo đường di trú của chim Lạc mà đến lập nghiệp tại nơi này.

Thời đại xa xưa, khoảng 2.000 TCN, ở lưu vực sông Âu tỉnh Chiết Giang bên Trung Quốc ngày nay, cư dân là người Việt có gốc MONGOLOID (cùng với Australoid thuộc Đại chủng Á, Mongoloid gồm các chủng Bắc- Đông- Nam Mongoloid và Indien, là một trong 2 Đại chủng tộc chính thuộc Khối Úc Á – còn lại Khối Phi-Âu) sinh sống bằng nghề đánh cá, săn bắn và trồng trọt hoa màu, đời sống eo hẹp, không được trù phú mấy.

Nơi đây quần tụ vô vàn giống chim Lạc, đẻ trứng vung vãi khắp bờ nước, hàng năm cứ đến mùa đông, có gió bắc thì bay đi hết về phương nam. Người ở lại phải chịu rét mướt, thiếu thốn lương thực, tôm cá ít, trứng chim không còn, phải đào củ, hái rau rừng ăn tạm. Đến khi có gió nam, đàn chim lũ lượt bay về, béo tốt, lại đẻ nhiều trứng. Năm nào cũng như thế mãi, hết mùa rét lại trở về, mạnh mẽ hơn trước. Thế thì nơi chúng đến phải là miền trù phú.

Một số cư dân liền dùng thuyền độc mộc theo luồng gió bắc và hướng đi của chim Lạc đi sâu xuống miền nam, thấy ở đây mọi sự đều tốt đẹp, đất đai màu mỡ, tôm cá, thú rừng rất nhiều, người bản địa lại thưa thớt, lạc hậu. Do không có sự va chạm nên không có những vụ xua đuổi đánh giết nhau giữa thổ dân và dân di cư đến lập nghiệp. Di dân liền khai thác vùng Giao Chỉ bấy giờ còn gần như hoang dã, sống chung hòa bình với người bản địa, chỉ dẫn cho họ những cách bắt chim, bẫy thú khéo léo, hiệu quả hơn. Dân Lạc Việt nhập cư cùng với dân bản địa Indonesien thuộc AUSTRALOID (Đại chủng Úc, gồm các chủng Negrito, Melanesien, Austalien, Tasmanien, Polynesien và Ainu) cùng nhau sống chung trên đất Giao Chỉ, tạo nên giống người Kinh Việt Nam, không giống như mọi dân Bách Việt khác, cũng khác hẳn với người Hán.

Dân tộc Việt thuộc cả 2 Đại chủng Mongoloid và Australoid nên tổ tiên ta đã có tinh thần quật khởi, quyết không đề Trung Quốc đồng hóa, quyết giữ nền tư chủ mãi mãi của mình.

Do người di cư theo hướng đi của chim Lạc mà đến, nên gọi là Lạc dân, ruộng đất họ khai thác được gọi là Lạc điền, các người cai trị dân gọi là Lạc Tướng, sinh sống trong đất nước gọi là nước Lạc Việt.

Đất nước ta có rất nhiều giống Chim, mà nổi tiếng là các giống Chim sau đây:

Chim Cuốc: Cuốc rất quen thuộc với các học sinh khi là dấu hiệu báo tin kỳ nghì Hè sắp đến:

Ai xui con Cuốc vào Hè?
Cái nóng nung người nóng nóng ghê.
( bài Vào Hè của Dương Bá Trạc)

Bà Huyện Thanh Quan cũng viết về chim Cuốc trong bài Qua Đèo Ngang:

Nhớ nước đau lòng con Cuốc Cuốc (Quốc)
Đau lòng mỏi miệng cái gia gia (Da da, gà gô)…

Chim Sâm Cầm: Hồ Tây Hà Nội xưa có loài chim nhò gọi là Sâm Cầm, vì nó hay ăn sâm từ Tầu bay sang, nên có tên như vậy, trong bài hát Nhớ mùa Thu Hà Nội, Trịnh Công Sơn viết:

Hồ Tây chiều Thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi
Màn sương thương nhớ bầy Sâm Cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…

Chim Sít: trong bài hát dân ca miền Bắc “Trống Cơm” có câu:

Một đàn (tang tình) con Sít (ô mấy) lội lội sông (ô mấy) đi tìm
Em nhớ thương ai, Đôi con mắt (ô mấy) lim dim…

(Chim Sít là loài chim nhỏ lội dưới nước, nhiều sách viết sai thành con nít)

Con Sáo: trong “Lý Con Sáo” dân ca miền Trung viết:

Ai đem con Sáo sang sông
Để cho để cho con Sáo (ô tang ô tang tình tang)
sổ lồng (ô tang tình tang) xa bay xa, bay xa xa…

Chim Quyên: trong bài dân ca miền Nam “Lý Chim Quyên” viết:

Chim Quyên (guầy) ăn trái (quây) nhãn nhãn lồng
(ư) nhãn nhãn lồng ơ con bạn (ơ) mình ơi!...

Quạ: trong bài dân ca “Lý Quạ kêu” viết:

Kêu cái mà Quạ kêu, Kêu cái mà Quạ kêu,
Quạ kêu nam đáo tắc đáo nữ phòng, người dưng khác họ chẳng nọ thời kia
Nay dìa mai ở, ban ngày thì mắc cỡ tối ở quên dìa…

Hoa Cúc vàng trên sân anh. Xinh như áo mới em ngày nào
Hoa nắng vàng trên quê anh. Xinh như má thắm em ngày xanh
Nắng lên đi, nắng lên đi. Nắng lên hồng nụ cười quê em
Nắng lên đi, nắng lên đi. Nắng lên hồng ruộng mạ xanh thêm
Hoa tìm người Hoa yêu thương. Hoa thơm ngát thế gian đêm buồn
Hoa trong hồn Hoa trên môi. Ôi thương quá cánh Hoa Việt Nam!

Nước ta có rất nhiều loài Hoa, mà nổi tiếng là các loài Hoa sau đây:

Hoa Sen: Hoa sen là loài cây thân mềm sống chủ yếu ở các ao hồ. Sen có giống hoa màu đỏ, cánh kép gọi là Sen quỳ; lại có giống Sen trắng. Một giống khác có thân, lá, hoa đầu nhỏ gọi là Sen tịch thượng (ngồi trên) vì giống này được trồng vào chậu nước hay bể cạn…Có thuyết cho rằng Sen đã có mặt trên trái đất hàng trăm triệu năm trước đây. Gần đây các nhà khoa học đã phát hiện được một hạt Sen cổ, khi đem ươm giống vẫn mọc được bình thường.Hoa sen được xếp vào bộ Tứ quý đại diện cho 4 mùa: lan, sen cúc, mai. Trong đó, Sen là biểu tượng của mùa Hạ. Sen cũng được xếp vào một trong bốn cây biểu tượng cho đức tính thanh cao “tứ quân tử” là tùng, trúc, sen, cúc.

Cây Sen có tác dụng chữa bệnh, nâng cao thể lực trong một số bài thuốc cổ truyền. Hoa sen làm đẹp cho đời – những người đang sống trên dương thế. Nhụy sen có những hạt trắng gọi là “hạt gạo” dùng để ướp trà cho thứ “trà sen cao cấp”. Hạt sen là nguyên liệu để nấu chè, hoặc hầm với chim, gà…đều là những món ăn ngon và bổ dưỡng. Lá sen dùng để gói xôi, gói cốm, gói quà; lá sen phơi khô dùng bảo quản hàng và chống ẩm rất tốt. Hoa Sen nở về mùa hè, hương thơm dịu nhẹ, thoang thoảng lan xa trong gió, cách xa đầm sen, người ta đã cảm nhận được hương thơm quyến rũ của nó.

Năm 2011, Bộ Văn hóa tổ chức cho người dân bình chọn Quốc hoa của nước ta, và đa số đã bình chọn Hoa Sen Hồng làm Quốc hoa của Việt Nam.

Hoa Cúc: Cúc là một trong bốn cây cảnh được ví như bốn người bạn thân ‘tứ hữu” (tùng, cúc, trúc, mai). Cúc tượng trưng cho tâm hồn thanh cao của những người muốn xa lánh vòng danh lợi.

Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm) trong bài “Đối Cúc” dưới đây, thi sĩ dường như lại hóa thân thành Cúc. Nói theo Trang Chu thuở xưa: “Không biết Thám Hàm hóa Cúc, hay Cúc hóa Thám Hàm” :

Ức nhân như Cúc, Cúc như nhân
Liêm quyển tây phong tửu bán huân
Nguyệt đạm sương thanh thu kính tiểu
Phân minh sắc tướng nhận tiền thân.

Tạm dịch:

Nghĩ ta là Cúc, Cúc là ta
Gió tây rèm cuốn, rượu la đà
Trăng nhạt, sương trong, lối thu nhỏ
Phân minh Cúc ấy, tiền thân a?

Dáng hoa Cúc rất đẹp, hương thơm dịu dàng và kín đáo, thơm cả lá và cành. Các giống hoa Cúc đều có màu sắc thanh nhã. Hoa Cúc không chỉ làm đẹp cho cuộc sống và thỏa mãn thú chơi hoa của nghệ nhân, mà còn được dùng để ướp trà, lấy hương pha chế rượu cúc. Cúc là một người bạn tâm tình, là một thứ hoa có nhiều ý nghĩa cả về mặt nghệ thuật và y học.

Hoa Đào: Mùa xuân đến mang theo những cành Hoa Đào tươi thắm tô điểm cho ngày Tết ở Hà Nội. Cây Đào chỉ trồng được ở miền Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra), là loại hoa nở vào mùa xuân, dịp Tết Nguyên Đán. Từ lâu, người Việt Nam thích chơi hoa Đào trong dịp Tết vì hoa Đào màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn trong năm.

Đào có 4 giống: - Đào bích: có màu hồng thẫm, sai hoa là một loài hoa đào trồng để lấy hoa phục vụ trong những ngày Tết, ngày xuân - Đào phai: hoa màu hồng nhạt, cũng sai hoa và thường được trồng để lấy quả, - Đào bạch: ít hoa hơn, có màu trắng, tương đối khó trồng, -Đào thất thốn: cây thấp nhỏ, hoa nhỏ và nhiều màu, màu đỏ thẫm thường được trồng vào chậu uốn thành các dạng thế.

Đã từ lâu, cứ vào dịp năm mới, cành Đào là một thứ không thể thiếu đối với nhiều gia đình ở miền Bắc để đón xuân. Ngày nay hoa Đào Việt Nam cũng đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thi sĩ Nguyễn Du đã dựa vào Bài thơ “Đề tích sở kiến xứ” (Đề nơi đã gặp) của Thôi Hộ viết về hoa Đào rất thú vị, trong Truyện Kiều như sau:

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa Đào năm ngoái còn cười gió đông.

Hoa Mai vàng: Hoa Mai vàng thuộc họ hoàng mai, vốn là một loại cây rừng, có thân, cành mềm mại hơn cành Đào. Hoa mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành, ở cuống lá và hơi thưa. Hoa có màu vàng, hương thơm e ấp, kín đáo, thường có năm cánh, nhưng cũng có loại có đến 8-9 cánh, loại này chỉ mọc trên núi rừng Trường Sơn.

- Mai vàng có giống sau khi cho hoa, còn kết quả màu đỏ nhạt bóng như ngọc.- Mai Tứ quý là mai nở bốn mùa, còn - Nhị độ Mai là mai nở hai lần trong năm (khác Mai thường, chỉ nở hoa một lần). Còn có - giống hoa nước là Mai Chiếu thủy, cây lá nhỏ, hoa mọc thành chùm, màu trắng, nhỏ và thơm, thường ghép vào núi đá cảnh ‘non bộ’, cây ra hoa vào mùa xuân. Hoa Mai vàng chỉ có ở các tỉnh từ trung Trung Bộ trở vào Nam.

Văn nhân ví Mai là tiên, vì có vẻ thanh cao, không sợ tuyết sương và có sắc đẹp, hương thơm. Trong Chinh Phụ Ngâm, lời hẹn của người ra đi chinh chiến có hoa Mai làm chứng về thời điểm:

Thuở đăng đồ Mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ Đào bông.

Nguyễn Du đã dùng hoa Mai để tả sắc đẹp cùa Thúy Kiều:

Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Cốt cách ở đây chính là để chỉ vóc dáng mảnh dẻ, thanh nhã như cành Mai.

Bao nhiêu đèn, bao nhiêu hoa. Bao nhiêu nến thắp lên trong hồn
Yêu quê Mẹ, yêu quê Cha. Yêu luôn những mái tranh làng xa
Thắp Tim lên, thắp Tim lên. Thắp cho tình người dậy trong ta
Thắp Tim lên, thắp Tim lên. Thắp cho mặt trời dậy trong ta.
Yêu thương người, yêu thương ta. Yêu luôn những thú hoang rừng già
Yêu bạn bè như yêu ta. Ôi thương quá Trái Tim Việt Nam!

Ngôn ngữ chúng ta có một chữ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, trở thành một cách sống, đó là “chữ Tâm”.

“Tâm là Trái Tim”. Luân lý Việt Nam từ đời xưa thường dạy: phải lấy “Chữ Tâm” làm đầu trong đối xử nhân thế. Hiểu rộng ra, đó là một cách sống: luôn luôn bình dị, bao giờ cũng ân cần, tử tế với mọi người và sẵn lòng giúp đỡ người khác, nếu có thể. “Chữ Tâm” ấy cũng nhắc nhở ta phải biết nhường nhịn và tôn trọng quyền lợi, tình cảm của người khác đang sống quanh ta.

“ Tâm là tấm lòng”, theo nhiều người nhận định, chữ “lòng” là một chữ có tính cách Việt Nam nhất, “lòng” đã được nói lên từ rất lâu trong tiếng nói dân tộc cách nay hàng ngàn năm. Trong những trang chữ Nôm vào đời Trần còn lưu giữ được mà học giả Đào Duy Anh đã dày công phiên âm trong cuốn “Chữ Nôm”, thì chữ “lòng” xuất hiện rất nhiều: “lòng vay vít”, “niềm lòng vằng vặc giác ý quang quang”, “nặng lòng trần”, “cây bách là lòng”…Về chữ “lòng” trong Truyên Kiều của Nguyễn Du có những câu:

Cốt người cũng ở lòng người mà ra
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Ngọc Hân công chúa trong “Ai tư vãn” Khóc vua Quang Trung) viết:

Càng trông càng một xa vời
Tấc lòng thảm thiết chín trời biết chăng?

“CHỮ TÂM CỦA CÁC ANH HÙNG DÂN TỘC ĐỐI VỚI NON NƯỚC VIỆT: Trong bài Việt Sử ca:

Hùng Vương - Thục – Trưng – Tiền (Hậu) Lý – Ngô –
Đinh – Tiền Lê – Lý –Trần -Hồ -
Lê Sơ – Mạc – Lê (Trung hưng) –Tây Sơn – Nguyễn.
Lịch sử Tiên Rồng!

Các nhà nghiên cứu ghi nhận là: Chỉ từ vương triều Tiền Lý với vua Lý Nam Đế, là vị vua lần đầu tiên xưng vương (các vương triều trước đó chưa có tài liệu chính xác). Nhờ danh tướng Phạm Tu – được Họ Phạm tôn là Thượng Thủy tổ Họ Phạm - đã chiến thắng quân Lương ờ phương Bắc và Champa ở phương Nam, từ đó, Lý Bí mới lên ngôi vua. Chính “chữ Tâm” của danh tướng Phạm Tu và vua Lý Nam đế đã mở đầu cho công cuộc bảo vệ và xây dựng non sông Tiên Rồng.

Kế tiếp là vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần , Hồ, Hậu Lê, Mạc và cho tới Tây Sơn, “chữ Tâm đã được phát triển tối đa để chống lại biết bao cuộc xâm lăng cúa phương Bắc. Đặc biệt là “chữ Tâm của hoàng đế Quang Trung”. Chúng ta đều biết là, sau chiến thắng giặc Xiêm ở Rạch Gầm, quân Thanh ở Đống Đa, “chữ Tâm” của vị Hoàng đế, đại anh hùng dân tộc, không chỉ với chiến công hiển hách mà còn là “tấm lòng” với văn hóa, giáo dục Viêt, Quang Trung là vị hoàng đế đã quyết định dùng chữ Nôm trong văn bản chính thức của triều đình, Quang Trung cũng là vị hoàng đế rất trọng hiền tài, đã coi La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp là người Thầy, đích thân Hoàng đế đến thăm Thầy và mời tham gia chính sự. Con nhà võ Nguyễn Huệ, bách chiến bách thắng, đại anh hùng dân tộc lại có cái “tâm hồn” Việt, trọng văn hóa Việt, bản sắc Việt. Thật là hiếm có!

Hội đồng Họ Phạm Tp.HCM đã cung kính và trọng thể Giỗ Tổ Họ Phạm “Danh tướng Phạm Tu” lần thứ hai, vào sáng ngày 20- 7 âm lịch và Đêm nhạc Họ Phạm đã diễn ra vào buổi tối cùng ngày tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi Tp.HCM, với sự hiện diện của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ Họ Phạm khác. Đêm nhạc đã được bà con Họ Phạm và quan khách tán thưởng nhiệt liệt.-./.

(Tham khảo: các sách báo nói về Trăng, Chim, Hoa và trái Tim Việt Nam)




VVM.19.4.2027.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .