Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
              



ĐI TÌM VÓC DÁNG NGOẠI HÌNH
VUA QUANG TRUNG




Q uang Trung Nguyễn Huệ là vị anh hùng lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc: đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1785); đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn chia cắt đất nước ta suốt hơn hai thế kỷ, đưa non sông quy về một mối (1785 – 1786); tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng đất nước thoát khỏi nạn ngoại xâm (1789). Chỉ mấy năm ngắn ngủi, chiến công nối tiếp chiến công, đã đưa ông lên hàng những thiên tài quân sự tầm cỡ thế giới. Hình ảnh của ông mãi mãi tượng trưng cho tinh thần bất khuất, ý chí quật cường của dân tộc ta. Việc tìm hiểu ngoại hình cũng như chân dung của ông góp phần làm thỏa mãn tấm lòng ngưỡng vọng của chúng ta đối với người anh hùng dân tộc.

Hình ảnh Quang Trung qua ghi chép

Sử sách xưa ghi chép về ngoại hình của nhân vật lịch sử rất sơ sài. Theo Hoàng Lê nhất thống chí thì vẻ mặt của Quang Trung rực rỡ, nghiêm nghị: “Vua Lê sai các quan lần lượt đến yết kiến. Thấy thần sắc của Bắc Bình Vương rực rỡ, nghiêm nghị, ai cũng run sợ, hãi hùng”. Rực rỡ, đó là vẻ rạng rỡ của người chiến thắng. Nghiêm nghị, đó là cái uy vũ của Quang Trung, khiến cho kẻ thì run sợ, hãi hùng. Sử gia nhà Nguyên mô tả: “Huệ tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện, là người thông minh, giảo hoạt, giỏi chiến đấu, người người đều kinh sợ” (Đại Nam chích biên liệt truyện). Cũng một sử gia nhà Nguyễn khác mô tả cụ thể hơn: “Huệ ban đêm ngồi không có ánh đèn, ánh sáng từ đôi mắt soi sang cả chiếu, lúc lâm trận thì anh hùng lẫm liệt, cho nên mới bình định được phương Nam, tiến đến đâu thì không ai hơn được” (Tây Sơn thuật lược). Có lẽ tác giả của cuốn sách trên thấy Nguyễn Huệ ban đêm làm việc không đèn mà nói quá lên như thế chăng? Nhưng dù sao thì qua hai cách mô tả trên, có thể thấy Nguyễn Huệ có một đôi mắt rất sang, đó là cặp mắt thông minh, sắc sảo (mà sử giả nhà Nguyễn do ác cảm nên dung từ “giảo hoạt”). Cặp mắt đó soi thấu tận tim gan người đối thoại, khiến cho kẻ dưới quyền không dám dối trá, còn kẻ thù thì run sợ.

Tác giả Minh đô sử lại cho chúng ta hình ảnh một Nguyễn Huệ rất đĩnh đạc với nhung phục chỉnh tề, dung mạo hùng vĩ, trong một cảnh tượng rất đẹp. Đây là cảnh Nguyễn Huệ trong lần tiến quân ra Bắc diệt Trịnh (1786): “Văn Huệ tiến quân đến bến Tây Long, ngồi đĩnh đạc trên tấm ván cao đặt trong thuyền, dung mạo hùng vĩ, nhung phục chỉnh tề, các tướng ĩ đứng vòng hai bên tả hữu, trông thấy, ai cũng nói: “Bắc Bình Vương là vị thần sống vậy”. Rồi cùng nhau tấm tắc khen ngợi mãi không thôi”. Trong trận tổng tấn công mùa xuân năm Kỷ Dậu, ta cũng thấy hình ảnh một Quang Trung rất đẹp, qua cách mô tả của một người nước ngoài: “… Ông liền bỏ voi, dùng ngựa. Theo lời đông, ông đeo hai thanh kiểm, chạy ngang dọc, đã chém rơi đầu nhiều tướng rá và binh lính Trung Hoa, ông luôn miệng hô xung phong và lúc nào cũng có mặt ở tuyến đầu của trận chiến” (Nhật ký của Hội truyền giáo Bắc kỳ).

Nhưng có lẽ không có hình anhe nào đẹp bằng hình ảnh Quang Trung cưỡi voi tiến vào thành Thăng Long giữa mùng 5-1 Kỷ Dậu với “chiếc áo bào màu đỏ đã bị nhuốm đen vì khói thuốc sung”, trong cảnh:

Ba quân đội mũ chỉnh tề tiến
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
Mây tạnh mù quang trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai sát cánh cùng nhau nói
Cố đo vẫn thuộc núi sông ra.

(Ngô Ngọc Du – Long Thành quang phục kỷ thực).

Một hình ảnh đẹp đẽ, oai hùng, đầy chất lãng mạn mà mấy trăm năm sau, khi tưởng tượng đến cảnh này chúng ta vẫn không khỏi xúc động, tự hào.

Chân dung Quang Trung

Các họa sĩ nhà Thanh đã để lại một bức họa về Quang Trung rất đẹp. Trong bức họa này, Quang Trung cưỡi trên mình ngựa, đầu đội mũ trụ, mình khoác nhung phục, trong tư thế của một võ tướng oai phong. Như chúng ta đã biết, năm 1790, vua Càn Long nhà Thanh tổ chức mừng thọ “ bát tuần vạn thọ” (sinh nhật 80 tuổi), có yêu cầy đích than quốc vương An Nam đến Yên Kinh triều kiến để tăng thêm phần trọng thể. Tất nhiên, Quang Trung không thể thỏa mãn đòi hỏi đó, bởi vì:

Một là, nước ta vừa trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc ở phía Bắc. Trong Nam, Nguyễn Ánh mấy lần lăm le trở lại đứng chân ở Gia Định. Người đứng đầu nhà nước có bao nhiêu công việc cần kíp phải giải quyết, làm sao có thì giờ để đi sang Trung Hoa, mà nhanh nhất cũng phải mất 7 – 8 tháng (trong thực tế, đoàn của quốc vương giả xuất phát từ phú xuân ngày 29-3, đến Yên Kinh, khi trở về tới biên giới Việt – Trung đã là 29-11, tức là đúng 8 tháng).

Hai là, năm trước (1789) Quang Trung vừa tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh, Ai có thể lường trước được những mưu mô xảo quyệt, những hiểm họa bất ngờ từ phía vua nhà Thanh hay thân nhân của những tướng sĩ vừa chết trận một khi Quang Trung lưu lại lâu trên đất Trung Hoa? Chính vì cậy mà Quang Trung nhất quyết không đi; còn Càn Long thì đòi cho bằng được. Việc đó đặt các viên quan lại thừa hành vào một tình thế rất nan giải. Để giải quyết bế tắc, Phúc Khang An, tổng đốc Lưỡng Quảng (mới được thay Tôn Sĩ Nghị) bèn gợi ý với ta cần phải có một Quang Trung giả. Đây là một giải pháp tinh tế, không kém phần mạo hiểm nhưng không còn cách nào khác. Bởi vì chỉ cần một sơ suất nhỏ làm công việc bị bại lộ thì sẽ ảnh hưởng khôn lường đến quan hệ bang giao giữa hai nước, đến tính mạng của cả đoàn sứ bộ của ta, cũng như ngay chính mạng sống của Phúc Khang An. Chính vì vậy mà đoàn sứ bộ phải được chuẩn bị rất kĩ lưỡng, các thành viên trong đoàn sẽ phải là những tay đóng kịch giỏi. Những vai kịch đó không phải chỉ diễn mấy giờ trên sân khấu mà là cả mấy tháng trời trên đất Trung Hoa, mà vai kịch khó khăn nhất sẽ là Quang Trung giả, bởi vì tất cả mọi sự chú ý đều hướng vào ông. Ngoài việc đóng kịch giỏi thì ông còn phải là người thông minh, nhạy bén, ứng đối nhanh và nhất là phải có ngoại hình giống Quang Trung, không giống được 100% thì cũng phải đến 80-90% rồi hóa trang thêm. Bởi vì, Quang Trung là một người nổi tiếng, sẽ có rất nhiều người biết ông. Đây lại là một sự kiện ngoại giao quan trọng nên rất nhiều người chú ý đến, trong đó có không ít sự tò mò, thóc mách (không ngoại trừ có cả điệp viên dò la tình hình trong vai những người phục dịch). Thế nhưng, sứ đoàn của ta đã hoàn thành xuất sắc chuyến đi, vở kịch được đóng khéo đến mức cả triều đình nhà Thanh và Càn Long không mảy may nghi ngờ. Trước khi đoàn ta ra về, Càn Long đã cho mời họa sĩ đến để vẽ chân dung cho Quang Trung. Bức vẽ đó đã được lưu giữ trong kho tang cổ họa Trung Hoa, sau đó được in trong sách Mãn Châu cổ họa, các sách báo của ta đã in lại từ sách này. Đây là chân dung Quang Trung giả, nhưng như chúng tôi đã phân tích ở trên, ít nhất thì cũng có đến 80-90% giống Quang Trung thật. Nó là một bức họa quý giúp chúng ta hình dung được diện mạo của Quang Trung.

Tượng Quang Trung

Pho tượng này được thờ trong chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) mà chúng tôi đã có dịp mô tả trong bài Thử giải nghĩa đôi vế đối ở chùa Bộc. Chùa Bộc nằm cách gò Đống Đa khoảng 300m. Mùa đông năm Mậu Thân (1788), khi quân Thanh sang xâm lược nước ta, chùa Bộc nằm trong phạm vi đóng quân của tướng giặc Sầm Nghi Đống. Khi đô đốc Long đem quân tiêu diệt cứ điểm này, chùa bị cháy trụi vì trận “rồng lửa” của quân ta. Sau khi giải phóng Thăng Long, Quang Trung đã cho xây dựng lại chùa Bộc. Ở đây còn nhiều di tích của triều đại Tây Sơn như tấm bia đá tạc năm Quang Trung thứ 4 (1792) và quả chuông đồng đúc thời Cảnh Thịnh (1797). Nhân dân khu vực Khương Thượng nói chung và các vị sư sãi chùa Bộc nói riêng chịu ơn của Quang Trung và triều đại Tây Sơn. Năm 1802, khi triều đại này sụp đổ, một số quân tướng của Tây Sơn để tránh sự trả thù của triều Nguyễn đã vào gửi thân tại chùa này và được các vị sư sãi chùa Bộc bao bọc che chở. Một trong số đó có ông Nguyễn Kiên, trước là chỉ huy một đội tượng binh của Tây Sơn (Sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789, chùa Bộc là địa điểm tập kết tượng binh của Quang Trung. Hiện nay ở đây còn di tích hồ Tắm Tượng. Có thể Nguyễn Kiên đã quen biết các vị sư  sãi chùa Bộc trong thời gian này). Nguyễn Kiên vào ẩn trong chùa, tu hành, sau này trở thành vị sư trụ trì chùa. Năm 1846, khi sự trả thù của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn không còn gắt gao như trước, ông đã cho tạc bức tượng Quang Trung (dưới dạng tượng Đức ông) để thờ. Nguyễn Kiên là tướng của Tây Sơn, vì vậy trong tâm khảm của ông, hình ảnh Quang Trung không bao giờ phai mờ. Các nghệ nhân đã tạc pho tượng Quang Trung còn hai pho tượng hai vị đại thần, một văn quan một võ tướng (nhiều người cho rằng đó là Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở), tuy nhiên hai pho tượng này được tạc sơ sài, không có cá tính. Tất cả sự chú ý, công phu, tài khéo léo của nghệ nhân đều tập trung việc khắc họa nhân vật chủ chốt là Quang Trung. Vì vậy, ta có thể coi pho tượng này là hình ảnh thật của Quang Trung. Tuy nhiên, để tránh sự xoi mói của quan quân nhà Nguyễn, các nghệ nhân xưa đã không thể tạc hoàn toàn chính xác theo hình ảnh thật của Quang Trung, mà phải khôn khéo che mắt kẻ thù. Sự che mắt đó thể hiện ở đôi tai và bộ rây của pho tượng được tạc theo khuôn mẫu ước lệ, truyền thống. Nếu chúng ta bỏ qua hai chi tiết ước lệ này thì giữa chân dung vua Quan Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ và pho tượng Quang Trung ở chùa Bộc sẽ có sự tương đồng.

Tìm lại vóc dáng ngoại hình cũng như chân dung của vua Quan Trung là thể hiện long ngưỡng mộ của chúng ta đối với vị hoàng đế anh hùng. Mặt khác, việc đó sẽ giúp tích cho các nhà điêu khắc, các nhà điện ảnh, sân khấu thể hiện hình tượng Quang Trung trong tác phẩm của mình được chân thực hơn, chính xác hơn.-./.

* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003,  Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
(Ảnh do Mạc Văn Trang sưu tầm trên Google)




VVM.19.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .