Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


THẠCH ĐỘNG TIÊN SINH THI TẬP
TÁC PHẨM TRUYỀN ĐỜI CỦA PHẠM NGUYỄN DU

  


T rong kho tàng Thơ văn Hán - Nôm xứ Nghệ, Phạm Nguyễn Du đóng góp một lượng khá lớn, song, tiếc là chưa được nghiên cứu đầy đủ. Theo “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia” lâu nay, người ta mới biết đến một số thông tin về 3 tập:

1, “Đoạn trường lục” là một tập thơ khóc vợ, được ông làm từ lúc đưa linh cữu vợ xuống thuyền về quê cho đến khi trở lại Thăng Long. Các bài ở đây, nhìn chung đều có lời lẽ chân thực, thống thiết, đi vào chuyện riêng tư: tình vợ chồng, lòng thương nhớ, nỗi cô đơn... đánh dấu bước phát triển của thơ trữ tình Việt Nam; 2, “Nam hành kí đắc tập” gồm các bài thơ do ông làm và do ông sưu tầm. Ở phần thơ do ông làm khi vào ở Thuận Hóa, đều là những bài phản ánh tình cảnh nhân dân đàng Trong thời chúa Nguyễn, vạch trần những chuyện thối nát, bất công trong xã hội lúc bấy giờ. Mảng thơ này được xem là có giá trị hơn cả, vì thế ông được xem là một nhà văn hiện thực nổi tiếng ở thế kỷ 18. Phần thơ sưu tầm, ông giới thiệu một số sáng tác của Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tứ, Ngô Thế Lân, Trần Thụy, Phạm Lam Anh, Nguyễn Dưỡng Hạo... Nhờ vậy, sau khi kết hợp với phần văn học trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, mà đời sau có những tư liệu khá chính xác về văn học miền Nam dưới thời Trịnh - Nguyễn; 3, “Độc sử si tưởng” là tập thơ vịnh sử, gồm 169 bài (chưa làm xong, vì bận việc nên ông bỏ dở tập thơ), viết trong vòng một tháng, lúc ông đang ở nhà dạy học, vịnh 150 nhân vật, đủ các loại vua chúa, văn thần, võ tướng... từ đời Bàn Cổ đến đời Đường của Trung Quốc”. Còn, Thạch Động tiên sinh thi tập, thời xưng là một tác phẩm “Thi văn truyền thế” (文傳世), thơ văn truyền đời của ông thì chưa được khai thác được mấy.

Phạm Nguyễn Du (1740-1786), người xã Đặng Điền, tổng Đặng Xá, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An (nay là xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc). Năm 1773, dự thi Hương, ông đỗ Giải nguyên. Năm 1775, niên hiệu Cảnh Hưng 36, do con nhà dòng dõi thế gia nên ông được đặc cách vào triều giữ chức Thiêm sai tri hình phiên. Năm 1779, ông đậu Tiến sĩ Hoàng giáp thịnh khoa Kỷ Hợi, đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40, cùng khoa với Phạm Quý Thích. Năm 1781, ông nhậm chức Đốc đồng trấn Nghệ An, thay Hoàng giáp Bùi Huy Bích, người bạn tâm đắc của ông, vừa thăng Hiệp trấn, phụng mệnh nhập triều phụ chính. Hai ông thường cùng du ngoạn và trao đổi thơ chúc mừng nhau.

Trong Nghệ An thi tập, 143 bài thơ viết về đất và người xứ Nghệ, Bùi tiên sinh đã có tới 5 bài, dành cho Phạm Thạch Động tiên sinh:

Ký Đông Đài Phạm Thạch Động hạ phiên liêu chi chi mệnh” kèm theo lời chú thích: “Thạch Động thường dĩ thư hạ dư chi nhậm” - là bài thơ “Gửi thơ mừng Phạm Thạch Động nhậm mệnh “phiên liêu” (chuyển công tác mới):

 寄東臺范石洞賀番僚之命 (石洞常以詩賀余之任)

行人初自帝京來 / 為報番僚屬道 臺

 政府論思求曉事/ 聖朝獎拔善需才

胸中五鳳施康濟/ 目下千牛試剸栽

 遠轄未由通向遺/ 壟頭鄭重一枝梅

Phiên âm:

Hành nhân sơ tự đế kinh lai/ Vi báo phiên liêu thuộc đạo đài

Chính phủ luận tư cầu hiểu sự/ Thánh triều tưởng bạt thiện nhu tài

Hung trung “ngũ phượng”(1) thi khang tế/ Mục hạ thiên ngưu thí chuyển tài

Viễn hạt vị do thông hướng dị/ Lũng đầu trịnh trọng nhất chi mai(2)

Dịch thơ:

Hành nhân vốn tự đế kinh lai

Mừng bạn “thay phiên” thuộc đạo đài

Chính phủ bàn lo người hiểu việc

Thánh triều xét chọn kẻ cao tài

Trong lòng năm phượng dăng phô cánh

Trước mắt nghìn trâu thi chuyển ngôi

Xa cách chưa thông sang tặng bạn

Cúi cầu trịnh trọng “Một nhành mai”

(BVC dịch)

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Đoan Hương, người làng Đông Hải, huyện Chân Phúc (nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc), chị ruột Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh. Bà về với ông từ năm 16 tuổi, sinh 6 bận nuôi 2. Bà qua đời năm 29 tuổi, để lại cho ông niềm thương tiếc vô vàn người vợ trẻ. Đoạn trường lục là tập thơ “Ghi chép nỗi đau xé lòng”, ông viết về sự mất mát đau thương này.

Năm 1786, khi quân Tây Sơn ra Bắc Hà, ông lánh lên Thanh Chương và mất vào năm đó. Theo di huấn của ông, con cháu đưa ông về mai táng tại vườn nhà. Đền thờ ông gần đó, tựa lưng vào núi Lập Thạch, nơi từng in dấu chân ông thưở thiếu thời và là nguồn thi liệu của thơ văn ông.

Thạch Động tiên sinh thi tập, theo bản chữ Hán - Nôm, chép tay, mang số thư tịch Hà Nội, A.577 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, gồm 2 quyển, đóng gộp làm một, gồm 268 trang, chữ hàng 9, có trên 450 bài thơ và văn, viết bằng chữ Nôm và chữ Hán: Vịnh cảnh núi sông, di tích danh thắng; Giao lưu mừng tặng bạn bè; Đề thơ cảm nhận về những nhân vật trong Bắc sử; Và một lượng lớn thơ chữ Nôm (viết tay) như: Tế Tơ hồng, Tế ngu, Văn điếu, Văn tế Bà Chúa Liễu Hạnh… mang hơi hướng văn học dân gian xứ Nghệ. Đặc biệt còn có “Tỳ bà hành - Quốc âm diễn” là bản dịch sớm nhất của các Nho sĩ Việt Nam đối với bài Tỳ bà hành, một tác phẩm lớn của Bạch Cư Dị (772-846), nhà thơ lớn Trung Quốc nổi tiếng đời Đường.

Chưa thể làm nên công cán gì mà chỉ xin trích dịch và giới thiệu Lời nói đầu và một số bài thơ văn trong Thạch Động tiên sinh thi tập. Mong rằng, được coi như thể là đã chạm vào một góc nhỏ trong rừng văn thơ Thạch Động.

1. Lời đầu sách Thạch Động tiên sinh thi tập(3)

石洞先生詩集 公真福鄧田人復姓范阮字曰攸景興四十年己亥盛科進士省元進朝受校尉添差知刑番四十歲中會元公少以文章有大名魁磊之氣高邁一世三十六歲以世(旬)望進朝添差知刑番登第後講理學悉力討究著論語愚按

(撰)次論語中先後之序分聖學仕政四目各有條理有石洞詩文傳世西山之亂避地于清漳尋卒臨終口占云已矣英雄無用武果然天意喪斯文

Phiên âm:

Thạch Động tiên sinh thi tập

Công, Chân Phúc, Đặng Điền nhân, phục tính Phạm Nguyễn, tự viết: Du. Cảnh Hưng tứ thập niên Kỷ Hợi thịnh khoa Tiến sĩ, tỉnh nguyên. Tiến triều thụ Hiệu úy Thiêm sai Tri hình phiên.

Tứ thập tuế trúng Hội nguyên. Công thiếu dĩ văn chương hữu đại danh khôi lỗi, chi khí cao mại nhất thế.

Tam thập lục tuế, dĩ thế(4) vọng tiến triều, Thiêm sai Tri hình phiên. Đăng đệ hậu, giảng lý học, tất lực thảo cứu; Trứ Luận ngữ ngẫu soạn; Thứ Luận ngữ trung tiên hậu chi tự, phân học-thánh-sĩ-chính tứ mục, các hữu điều lý. Hữu Thạch Động thi văn truyền thế.

Tây Sơn chi loạn, tị địa vu Thanh Chương, tầm tốt. Lâm chung, khẩu chiếm vân: Dĩ hỷ anh hùng vô dụng võ/ Quả nhiên thiên ý táng tư văn.

Dịch:

Tập thơ Thạch Động tiên sinh

Ông, người xã Đặng Điền, huyện Chân Phúc. Ông (nguyên là họ Phạm, tên là Vĩ Khiêm), sau đổi là họ Phạm Nguyễn, tên Du. Năm Kỷ Hợi, Cảnh Hưng 40 (1779), đậu đầu tỉnh Giải nguyên. Vào triều giữ chức Hiệu úy thiêm sai tri hình phiên. Năm 40 tuổi trúng Hội nguyên.

Từ nhỏ, văn chương ông đã lỗi lạc, cao vượt hơn người. Vốn dòng dõi thế gia, 36 tuổi vào triều giữ chức Thiêm sai tri hình phiên. Sau khi đăng khoa, ông chú tâm nghiên cứu, giảng lý học, viết Luận ngữ ngu án, phân Luận ngữ theo thứ tự trước sau chia thành 4 mục: Thánh - học - sĩ - chính rành rõ phân minh. Ông có Thạch Động thi tập là tác phẩm truyền đời. Thời Tây Sơn kéo quân ra Bắc Hà, ông lánh lên Thanh Chương rồi chết tại đó. Phút lâm chung, ông buột miệng đọc câu: “Thôi rồi anh hùng không còn đất dụng võ/ Quả nhiên ý trời làm mất “tư văn”.

2. Núi Lập Thạch

Bài này, trong bản A.577, có tiêu đề là “Phụ lục”, hẳn là người sau mới bổ sung, mô tả cảnh trí đắc địa, nơi Phạm tiên sinh chọn làm gia trạch, minh họa cho hai bài thơ của Thạch Động và một bài trong Ốc Lậu thoại của Bùi Dương Lịch, viết về danh thắng này:

Núi Lập Thạch tọa lạc bên trái xã Đặng Điền, huyện Chân Lộc. Giữa bãi phù sa bằng phẳng dựng lên một ngọn núi tuyệt kỳ. Chân núi có hang động hẹp mà sâu, hiểm. Trong hang có hai chữ “Trần triều” (), không biết khắc tự đời nào. Về phía Nam, nổi lên những hòn đá cao thấp so le xen kẽ liền lũ xếp thành từng dãy. Trong số đó có một hòn xuất chúng, tựa như đầu người, gọi là hòn Tiên Nhân Thạch (人石), Đá Người Tiên. Mé Tây hòn đá có hồ. Thời xưa hải triều lên đến đó, nên hồ có tên là Hải Thủy Hồ (水湖), Hồ Nước Biển. Nay do đá hàu bồi kết, lâu ngày nên đã thay đổi nhiều theo lẽ “tang thương” của tạo hóa, bể dâu biến đổi. Vườn nhà Phạm Đốc Đồng ở trên hồ ấy, từng ghép sò hàu xây Cầm đài, nơi ngồi chơi đàn; Câu đài, nơi ngồi câu cá. Đặt nơi ngồi ngoạn cảnh, uống rượu ngâm thơ… Có thơ rằng:

 雙山天與我家私/ 仙座巍然瞰鉤磯

窗可菜兼床可酒/ 臺堪琴又局堪棋

 得亭容月池磨墨/ 有架藏書壁待詩

他日了清弧矢債/ 一驢上下掛吟卮

Song sơn thiên dữ ngã gia ti (tư)/ Tiên tọa nguy nhiên khám câu ki

Song khả thái kiêm sàng khả tửu/ Đài kham cầm hựu cục kham kỳ

 Đắc đình dung nguyệt, trì ma mặc/ Hữu giá tàng thư, bích đãi thi

 Tha nhật liệu thanh hồ thỉ trái/ Nhất lư thượng hạ quải ngâm chi.

Dịch:

Hai ngôi, một của trời, một của nhà ta

Tòa tiên nguy nga dòm xuống phiến đá ngồi câu cá

Cửa sổ có thể nơi dùng bữa kiêm giường ngồi uống rượu

Đài là chỗ chơi đàn lại là nơi thi thố cuộc cờ

Nơi ngắm trăng, còn có ao mài mực viết

Có giá sách, vách đang đợi chờ thơ

Ngày nào trả hết nợ “tang bồng hồ thỉ”(5)

Một con lừa, đeo be chén đó đây.

Lại có thơ vịnh ngọn Tiên nhân (僊人峰):

 石相望二水朝三 / 有石堂堂海水南

霜雪旬旬侵不老/ 星晨夜夜照何慚

兩間父母古今在/ 一世兒孫前後參

前與此翁成耐久/ 偷閒叉手各忘談

Thạch tương vọng nhị, thủy triều tam/ Hữu thạch đường đường hải thủy nam

Sương tuyết tuần tuần xâm bất lão/ Tinh thần dạ dạ chiếu hà tàm

Lưỡng gian phụ mẫu cổ kim tại / Nhất thể nhi tôn tiền hậu tham

Tiền dữ thử ông thành nại cửu/ Thâu nhàn soa thủ các vong đàm.

Dịch:

Đá, trông có hai; thủy triều ba(6)

Có ngọn núi đường hoàng ngăn nước triều Nam

Sương tuyết ngày ngày xâm không nghỉ

Trăng sao đêm đêm soi sao thẹn

Đôi bên phụ mẫu xưa nay còn đó

Một đàn con cháu trước sau còn đây

Đã cùng ông kiên trì nhẫn nại từ lâu

Thong thả dòm trộm nhau xoa tay, chẳng nói.

Ốc Lậu ngữ có thơ về hòn đá “Tiên nhân” (人石):

何年謫降此塵寰/ 不在蓬萊朗苑間

 桑齒莫愁天地改/ 湖山剩占古今閑

 兒孫前後長相並/ 人世東西總不關

經幾眛瞑風雨甚/ 知翁心事猶堅頑

Phiên âm:

Hà niên trích giáng thử trần hoàn/ Bất tại bồng lai lãng uyển gian

Tang sỉ mạc sầu thiên địa cải/ Hồ sơn thặng chiêm cổ kim nhàn

 Nhi tôn tiền hậu trường tương tịnh/ Nhân thế Đông Tây tổng bất quan

 Kinh kỷ muội minh phong vũ thậm/ Tri ông tâm sự do kiên ngoan.

Dịch:

Tự thưở nào rơi xuống trần gian

Không ở bồng lai hưởng chút nhàn

Tuổi tác mặc dầu trời đất biến đổi

Nước non riêng chiếm, xưa nay nhàn nhã

Cháu con sau trước luôn bền vững

Người đời đó đây, cửa không đóng

Trải qua mưa gió mịt mùng

Mới biết lòng ông cứng cỏi.

Chú thích:
(1) “Ngũ phượng” trong câu “Ngũ phượng tề phi”, để chỉ 5 vị Tiến sĩ đầu bảng từ 1 đễn 5.
(2) Sđd, bài 33, tr. 19, bản chữ Hán, chép tay, chữ viết tháo. Lưu Thư viện Nghệ An.
 (3) Lời đầu sách này, như được trích từ Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, Danh mục Phạm Nguyễn Du, bản chữ Hán in khắc ván, tr72b, chỉ khác 2 chữ đặt trong dấu ngoặc kép.
(4) Bản A.577chép nhầm là “tuân”.
(5) Tang bồng hồ thỉ: Ngày xưa, theo tục bên Tàu, hễ sinh con trai thì dùng cành dâu làm cung, cành bồng làm tên, bắn 6 phát: lên trời, xuống đất, 4 phía Nam Bắc Đông Tây. Tỏ ý cầu mong con trai đủ chí khí đi khắp đó đây.
(6) Ba mức nước thủy triều: cao, vừa, thấp.




VVM.18.4.2024.