Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


BÁT NHÃ TÂM KINH
KHÔNG PHẢI LÀ KINH
DO CHƯ TỔ ĐẠI THỪA VIẾT

  


N hiều người cũng đã biết là những Bộ Kinh ĐẠI THỪA là do Các TỔ ĐẠI THỪA viết sau khi Phật nhập diệt khoảng 500 năm (mà có người đã cực lực phản đối, cho đó là KINH NGỤY TẠO, không phải là lời của Phật thuyết) . Xen lẫn trong đó có BÁT NHÃ TÂM KINH là bộ Kinh ngắn gọn nhất, chỉ có 260 chữ cũng song song lưu hành mà từ xưa đến nay hầu hết Tu sĩ và nhiều Phật Tử cũng tụng đều hàng ngày. Theo nhiều người thì tụng những Kinh đó được sự phù hộ của Chư Phật để mọi việc được hanh thông.

Từ lúc bắt đầu vào tu học cách đây gần 50 năm thì tôi cũng đã đọc BÁT NHÃ TÂM KINH rồi. Nhưng chỉ đọc qua mà không tìm hiểu kỹ. Đến ngày nay, khi muốn đúc kết một số Kinh đã đọc cho ngắn gọn, dễ hiểu. Khi đọc tới BÁT NHÃ TÂM KINH, đối chiếu với cách giải thích về cách hiểu, hành, kết quả tu Phật được ghi trong đó với những Bộ Chính Kinh khác, thì thấy có sự khác biệt rất rõ ràng. Với kinh nghiệm đọc khá nhiều Bộ Chính Kinh cũng như nghiên cứu kỹ càng và cũng đã áp dụng được đôi phần Con Đường tu Phật, tôi xin khẳng định : Qua những gì được viết trong Kinh, tác giả của BÁT NHÃ TÂM KINH chưa phải là Bậc Giác Ngộ, mà nhiều lắm chỉ đạt Quả Vị A La Hán mà thôi. BÁT NHÃ TÂM KINH không phải là Kinh được Chư Tổ viết ra như những Bộ Kinh ĐẠI THỪA khác.

Xin lần lượt phân tích dưới đây.

Bản Việt dịch của BÁT NHÃ TÂM KINH :

Ngài Quán Tự Tại khi hành thâm sâu về Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật thì soi thấy Năm Uẩn đều là KHÔNG, do đó vượt qua mọi khổ đau, ách nạn.

Này Xá Lợi tử ! Sắc chẳng khác gì KHÔNG, KHÔNG chẳng khác gì SẮC. SẮC chính là KHÔNG, KHÔNG chính là SẮC, ThỌ, Tưởng, Hành, thức cũng đều như thế,

Này Xá Lợi Tử ! Tướng KHÔNG của các Pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng thêm, chẳng bớt.

Cho nên trong cái KHÔNG đó, nó không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, không có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, không có Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, không có Nhãn Giới cho đến không có Ý thức giới.

Không có Vô Minh mà cũng không có hết Vô Minh.

Không có già, chết mà cũng không có hết già, chết.

Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo

Không có Trí cũng không có Đắc, vì không có sở đắc

Khi vị Bồ Tát vào trí huệ này thì Tâm không còn chướng ngại, vì tâm không còn chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng đạt cứu cánh Niết Bàn.

Các vị Phật ba đời nương theo Trí Huệ Bát Nhã này mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Cho nên phải biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa này là Đại thần chú, đại minh chú, là chú vô thuợng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ khổ não, chân thật không hư dối.

Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba La Mật Đa là phải nói đến câu chú :

Qua rồi, qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, Giác ngộ rồi đó. (nguồn Internet).

Theo đây thì BÁT NHÃ TÂM KINH tự khẳng định : “ Phải biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa này là Đại Thần Chú, đại minh chú, vô thượng đẳng chú, luôn trừ các khổ não chân thật không hư dối và Chư Phật Ba Đời nương theo trí Huệ Bát Nhã này mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nói đến chú này thì phải nói là “ Qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, Giác Ngộ rồi đó”…

Khi tìm hiểu về xuất xứ của BÁT NHÃ TÂM KINH trên mạng, tôi thấy có bài viết của Nhà nghiên cứu VŨ THẾ NGỌC, phản biện ý kiến của Giáo Sư Jan Nattier khi bà này đưa ra bài viết có tựa đề “TÂM KINH, MỘT VĂN BẢN CHỮ HOA NGỤY TẠO” đăng 1 chuyên trang Phật Học năm 1992. Nội dung bà hoài nghi xuất xứ của Kinh là do người Trung Quốc viết, liệt kê ra có 5 điểm khác biệt, và cho rằng không tìm thấy bản gốc tiếng Phạn.

Phần tôi thì tôi không lưu ý Kinh được viết bằng tiếng Phạn hay tiếng Trung Quốc, xuất hiện thời nào, mà chỉ lưu ý nội dung được truyền tải trong Kinh. Vì người Trung Quốc cũng có đến 5 Vị Tổ chính thức được Truyền Y Bát, và “Phật trước Phật sau đều bình đẳng”. Như vậy, dù là Phật trước xuất xứ ở Ân Độ hay Phật sau sinh tại Trung Quốc cũng không thành vấn đề. Miễn là những gì vị đó viết để lại mà có giá trị đối với con đường tu Phật. Có thể thực hành. Mang lại kết quả Giải Thoát, thì người sau như chúng ta cứ mang ra mà học hỏi, thực hành, không phân biệt thời gian xuất hiện cũng như xuất xứ.

Muốn biết quyển Kinh có phù hợp với Đạo Phật hay không thì trước hết chúng ta phải nắm được tôn chỉ cũng như cách thức thực hành đưa đến kết quả mà Bộ Kinh đó hướng dẫn. Đồng thời chúng ta phải biết được mục đích của Đạo Phật được Đức Thích Ca khai mở mà Chư Tổ kế thừa, cũng như cách thức thực hành để đạt mục đích, mới có thể so sánh quyển Kinh đó có phù hợp hay không.

Trong BÁT NHÃ TÂM KINH, tôi thấy có những điểm cần lưu ý sau :

1/-: Chỉ cần Thấy Ngũ Uẩn là kHÔNG thì vượt qua mọi khổ đau, ách nạn.

2/- SẮC không khác gì KHÔNG, SẮC tức là KHÔNG. THỌ, TƯỞNG, HÀNH THỨC cũng đều như thế. Tướng KHÔNG của các Pháp chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng thêm chẳng bớt chẳng sạch chẳng nhơ và trong cái KHÔNG đó, không có Sắc, Thọ, Tưởng, hành thức, mắt, Tai, Mũi, lưỡi, Thân, Ý…cho đến không có KHỔ, TẬP, DIỆT ĐẠO, không có Đắc vì không sở đắc.

3/- Vào trí huệ Bát Nhã thì Tâm không còn chướng ngại. Vì không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng là đạt cứu cánh Niết Bàn.

4/- Ba đời Chư Phật nương Trí Bát Nhã này mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

5/- Nói đến Bát Nhã là nói đến “qua rồi, qua rồi, đến bờ kia rồi, Giác Ngộ rồi”..

Trước hết, xin tóm tắt Con đường tu Phật theo Đức Thích Ca và Chư Tổ trong khá nhiều Bộ Chính Kinh mà tôi đã đọc, để có dữ liệu về :

1/- Lý do tu Phật.

2/- Cách thức tu.

3/- Kết quả tu Phật. để đối chiếu với BÁT NHÃ TÂM KINH. Tôi thấy như sau :

Vì thấy con người có cuộc sống không đầy trăm năm, mà suốt thời gian đó hứng chịu quá nhiều nỗi Khổ nênThái Tử Sĩ Đạt Ta bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con ngoan ở lại kinh thành để một mình gia nhập vào đoàn Du Tăng, mong tìm được cách thức để giải Thoát khỏi những nỗi Khổ của kiếp sống.

Sau 6 năm học với nhiều vị Thầy mà không có kết quả, Đức Thích Ca đã một mình ngồi Thiền Định dưới cội Bồ Đề. Rạng sáng đêm thứ 49, Ngài đã “Đắc Đạo”. Đạo mà Ngài “Đắc được là : Tìm ra thủ phạm đã gây ra cảnh Sinh Tử Luân Hồi và những nỗi Khổ cho kiếp người cũng như phá nát dụng cụ xây nhà của hắn. Điều đó được nói rõ trong lời tuyên bố của Ngài khi vừa Xả Thiền, đứng dậy :

“Ta lang thang trong vòng luân Hồi qua bao nhiêu kiếp. Tìm mãi mà không gặp KẺ LÀM NHÀ. Hỡi KẺ LÀM NHÀ, từ đây ta đã gặp được người rồi. Ngươi không được xây nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn cả rồi. Rui mè của ngươi cũng tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô Thượng niết Bàn. Ta đã hoàn toàn Giải Thoát”.

Qua lời tuyên bố đó, ta thấy Đức Thích Ca đã tìm được thủ phạm đã xây lên những NGÔI NHÀ SINH TỬ. Đó là CÁI VỌNG TÂM của mỗi người. Chất liệu của nó là NGHIỆP. Do chính mỗi người đã tạo NGHIỆP mà phải xoay vần hết SINH lại TỬ, TỬ rồi lại SINH để TRẢ NGHIỆP, gọi là Luân hồi. Tu Phật chính là để kết thúc Vòng Luân Hồi đó.

Từ đó đến cuối đời, Đức Thích Ca đã dành hết thời gian để truyền lại con đường mà Ngài đã thực hành và đạt kết quả. Con đường đó gọi là ĐẠO PHẬT. ĐẠO có nghĩa là CON ĐƯỜNG, PHẬT là Giải Thoát.

. Mục Đích của Đạo Phật là để giúp cho người hành trì theo được Giải Thoát hết Khổ. Tuy nhiên, không giống như một số tôn giáo khác áp đặt sẵn niềm Tin, tín đồ chỉ việc thực hành. Đạo Phật bắt buộc người tu phải tự tìm hiểu, gọi là tự khai mở Trí Huệ.

Người muốn giải Thoát thì phải biết điều gì đã ràng buộc. Do vậy mà người tu phải Tư Duy, Quán sát. Trước khi Tư Duy, Quán sát thì phải được bảo vệ trong vòng đai an toàn, tức là phải giữ một số GIỚI. Do vậy người tu theo Đạo Phật có chuỗi việc phải thực hành. Đó là GIỚI ĐỊNH HUỆ, VĂN TƯ TU và BÁT CHÁNH ĐẠO.

Giới là để hạn chế những cách suy nghĩ, hành động tự do trước kia. Nhưng chỉ là “Những gì minh không muốn người khác làm cho mình thì cũng đừng làm với người”. Đó là SÁT, ĐẠO, DÂM, VỌNG NGỮ và TỬU. Phối hợp với BÁT CHÁNH ĐẠO, để từ suy nghĩ cho đến lới nói, cách sống, nghề nghiệp để sinh sống cũng đều phải chân chánh. Thiếu những điều kiện đó thì không thể tu hành thành công.

Nói về sự quan trọng của GIỚI đối với người tu Phật, Kinh ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN viết : “Nếu có 100 hay 1.000 vị A La hán, thì từ vị đầu tiên đến vị cuối cùng đều nhân Giới mà được Đạo” . Do đó, người tu Phật không được rời Giới.

Cách để nhận biết người ở trong Giáo Pháp của Đạo Phật thì Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết : Trước khi Đức Thích Ca nhập diệt, Ngài đã cho đệ tử thông báo cho mọi người rằng ai có thắc mắc gì thì đến hỏi. Ngài sẽ trả lời. Lúc đó có ngoại đạo tên Subhadda đến gặp Phật và hỏi :

“Bạch Thế Tôn. Có nhiều đạo sĩ, giáo sĩ, lãnh đạo các giáo phải và giáo đoàn, là những người đứng đầu những tập đoàn tôn giáo nổi tiếng, những nhà truyền giáo trứ danh được nhiều người tôn sùng như Prana Kassapa v.v..Tất cả những vị ấy có thông suốt chân lý như họ đã nói vậy không ? hay chỉ có vài vị thông suốt còn những vị khác thì không ?

Phật dạy : Trong pháp luật nào nếu không có BÁT CHÁNH ĐẠO thì ở đó không có Đệ Nhất Sa Môn, không có Đệ Nhị Sa Môn, không có Đệ Tam Sa Môn, không có Đệ Tứ Sa Môn. Trong giáo đoàn nào có Bát Thánh Đạo thì trong đó có Đệ Nhất Sa Môn, Đệ Nhị Sa Môn, Đệ Tam Sa Môn, Đệ Tứ Sa Môn. Chính trong giáo đoàn này có Bát Chánh Đạo. Vì vậy, ở đây có Đệ Nhất Sa Môn, Đệ hị Sa Môn, Đệ Tam Sa Môn, Đệ Tứ Sa Môn, các nơi khác không có. Này Suhadda, Nếu các Đệ tử hành đúng giáo huấn, có đời sống chơn chánh thì thế gian này sẽ không vắng những bậc A La Hán”.

Tức là Phật khẳng định : Giáo Pháp nào không có BÁT CHÁNH ĐẠO thì không có người chứng đắc, Quả Vị. Chính trong Giáo pháp của Đạo Phật có BÁT CHÁNH ĐẠO nên mới có Tứ Quả, và BÁT CHÁNH ĐẠO cũng là tiêu chí để xem người tu đang ở trong hay ngoài Giáo Pháp của Đạo Phật.

Cách thức tu Phật theo Chính Kinh :

Người tu theo Đạo Phật là vì muốn Thoát Khổ. Theo Đạo Phật, sở dĩ con người phải Khổ là do cái VỌNG TÂM. Vì thế, người tu Phật được dạy phải TÌM CÁI TÂM, vì nó là nguyên nhân của mọi Sinh Tử, Khổ đau. Kinh dạy : Giải Thoát hay ràng buộc đều do TÂM, nên phải tìm TÂM.

* Ngũ Tổ dạy : “Nếu không thấy Tâm thì học Pháp vô ích”.

* Kinh TÂM ĐỊA QUÁN viết : “Trong ba cõi lấy Tâm làm chủ. Người quán được tâm được Giải thoát cứu cánh. Người không quán được Tâm ở mãi trong triền phược”...

* Tổ Đạt Ma dạy : “Muốn tìm Phật thà tìm Tâm”. “Tức tâm tức Phật”.

Tâm là phần VÔ TƯỚNG ở trong Cái Thân mà chúng ta chỉ nghe nói, nhưng chưa biết được nó. Vì vậy mà phải QUÁN CÁI THÂN, QUÁN CÁC PHÁP để tìm nó. Tức là hành giả dùng thì giờ không bị quấy rầy, ngồi yên một nơi nào đó để tập trung tư duy mà Quán sát, gọi là THIỀN QUÁN. Do cái VỌNG TÂM vô hình, vô ảnh mà lại là nguyên nhân của mọi Sinh Tử, Khổ đau, nên người muốn Giải Thoát thì phải tìm cho được NÓ.

QUÁN CÁI THÂN để thấy nó gồm NGŨ UẨN : Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Ý. Mỗi môn có một phạm vi hoạt động riêng, là Nhãn giới, Tỷ Giới, Ý thức giới.v.v…Soi xét nó để thấy nó tuy rất nhanh nhạy, có thể nghe, nhìn, đứng, ngồi, nằm, đi, chạy, cầm nắm, suy nghĩ, làm đủ mọi việc nhưng tự nó không thể hoạt động mà chịu sự điều khiển bởi một cái gì đó mà ta không thể nhìn thấy được. Phật gọi đó là Cái TÂM. Khi nó chưa tỉnh ngộ thì gọi là cái VỌNG TÂM. Người tu phải tìm cho được nó gọi là TÌM TÂM. Gặp được NÓ rồi thì giáo hóa nó, cho nó “Phản Vọng Quy Chân” như trong những bức tranh THẬP MỤC NGƯU ĐỒ đả vẽ. Bao giớ thuần hóa được con TRÂU TÂM thì người chủ mới “thỏng tay vào chợ” được.

Trong TÂM lúc nào cũng đầy dẫy những tư tưởng lao xao,khởi, diệt, có cả tốt lẫn xấu.Những tư tưởng còn khuynh hướng xấu như Tham Lam, Sâm Hận, si mê, đố kỵ, ganh tỵ.. được Phật gọi là CHÚNG SINH. Đạo Phật cho rằng muốn Thành Phật, tức là được thanh tịnh, thì phải làm HẠNH BỒ TÁT, tức là phải ĐỘ SINH, là chuyển hóa những CHÚNG SINH, cho nó bỏ đi những ý tưởng xấu, trở lại thanh tinh, gọi là “Đưa được một Chúng Sinh thành Phật”. Bao giờ tất cả Chúng Sinh đều “Được Độ”, tức là được thanh tịnh, an ổn, gọi là về Phật Quốc rồi, thì hành giả sẽ có được cuộc sống an vui, hạnh phúc tại trần gian gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn.

Như vậy, ngoài đi trong BÁT CHÁNH ĐẠO, người tu sẽ có một số việc phải thực hành. Đó là : GIỚI ĐỊNH HUỆ - VĂN TƯ TU – QUÁN SOI – TÌM TÂM - THẤY TÂM – TU TÂM – ĐỘ SINH.

Phân tích những điểm cốt lõi trong BÁT NHÃ TÂM KINH :

1/- BÁT NHÃ TÂM KINH cho rằng chỉ cần “Chiểu kiến Ngũ Uẩn giai không” là độ hết Khổ ách.

Câu trả lời cho phần này như sau :

Con đường tu Phật đòi hỏi cả một quá trình VĂN-TƯ-TU. Tức là khi Nghe pháp rồi thì phải TƯ DUY để có sự hiểu biết. ĐẠO PHẬT là Đạo Độ Khổ, mà Cái Khổ là do Có Cái Thân. Vì vậy mà phải Soi, Quán Cái Thân. Khi Soi NGŨ UẨN, ta thấy đó là nói về những thứ trong Cái Thân của mỗi chúng ta, gồm SẮC,THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC. Thân chúng ta đang tồn tại, vì vậy mà hàng ngày phải đối đầu với bao nhiêu nỗi Khổ của Sinh, Lão Bệnh, Tử và biết bao nhiêu Phiền Não. Vì thế, Đạo Phật đưa ra Tứ Khổ Đế để cho con người nương theo DIỆT ĐẾ, ĐẠO ĐẾ đểThoát Khổ.

Muốn THOÁT KHỔ thì phải biết điều gì đã gây ra cái Khổ. Theo ĐỨC THÍCH CA : ĐÓ LÀ CÁI VỌNG TÂM, tức là CÁI TÂM MÊ LẦM của mỗi người. Chính nó đã xây lên Ngôi Nhà Sinh Tử để rồi như con Tằm làm kén, tự sống, tự chết. Cái VỌNG TÂM này không có hình tướng nên mỗi người phải tự tìm lấy. Khi gặp được thì gọi là THẤY TÁNH hay Thấy được BẢN THỂ TÂM. Khi Thấy được nó rồi thì chuyển hóa nó, để nó “Phản Vọng quy Chân”.

Kinh Lăng Nghiêm dạy : “Gút ở đâu thì mở ở đó”, tức là phải trực tiếp mở Gút. Cái VỌNG TÂM là nguyên nhân của KHỔ, của SINH TỬ thì phải Tìm Nó. THẤY được nó rồi còn phải chuyển hóa nó để nó từ VỌNG trở thành CHÂN. Từ MÊ trở thành NGỘ. Làm gì có chuyện chỉ cần Soi Thấy mà đã hết Khổ ? Một thí dụ cụ thể là có một chủ vườn trồng một loại hoa. Nhưng có loài sâu nào đó cắn rể làm cây hoa không lớn lên được thì người chủ vườn phải đi tìm con sâu đó rồi trừ khử nó đi thì cây hoa mới lớn lên được. Đâu phải chỉ cần Thấy con sâu là vườn hoa sẽ tươi tốt lên ?

Vì vậy, nếu chỉ Soi thấy Ngũ Uẩn là KHÔNG trong khi nó ĐANG CÓ, thì không thể nào vượt qua ách nạn được, vì Cái Thấy chỉ là lý thuyết, chưa đưa vào thực hành thì làm sao có kết quả ?. .

2/- BÁT NHÃ TÂM KINH chỉ đưa hết Các Pháp về KHÔNG. Thu tóm tất cả Các pháp vô một chữ KHÔNG. Cho rằng tất cả là KHÔNG. Vì KHÔNG, SẮC không khác gì KHÔNG, SẮC tức là KHÔNG. THỌ, TƯỞNG HÀNH THỨC cũng KHÔNG KHÁC GÌ KHÔNG. NHƯ VẬY THỌ TƯỞNG HÀNH THỨC CŨNG LÀ KHÔNG. Do nó KHÔNG nên không có sinh không diệt, không nhơ, không sạch, không tăng không giảm. Trong cái KHÔNG đó không có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân Ý cho đến không có KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO, không có Đắc vì không sở đắc…Trong khi đó, thực tế là mỗi chúng ta đang hiện diện. Tất cả đều CÓ. Có Thân, có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, kể cả những Pháp diễn ra chung quanh, sao lại nói rằng KHÔNG, rồi cho như thế là Vô Đắc vì Vô Sở Đắc ?

3/- Trí BÁT NHÃ chỉ là cái Trí Huệ để hướng dẫn người tu Quán, Soi. Khi có kết quả thì gọi là LÝ. Hành giả phải mang cái Lý soi được đó ra áp dụng gọi là SỰ. Thấy được cái TÂM. Biết nó mê mờ thì chuyển hóa nó, cho nó “phản Vọng quy chân”, Điều phục Cái TÂM cho nó từ động loạn trở về với cái Tâm thanh tịnh. Chưa điều phục thì Cái TÂM vẫn tiếp tục MÊ LẦM. Chưa dẹp chướng ngại thì chướng ngại vẫn còn nguyên đó, đâu có phải chỉ cần vào Trí Bát Nhã mà không còn chướng ngại nữa ?

Niết Bàn không phải là ảo tưởng, mà nghĩa của Niết Bàn là “ra khỏi rừng mê”. Hành giả khi hết mê lầm sẽ không còn bị các pháp khảo đả nữa mà được an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn, là một tình trạng có thật mà người hành xong sẽ đạt được. Trong khi đó, BÁT NHÃ TÂM KINH cho rằng chỉ cần nhờ Trí Bát Nhã mà hết điên đảo mộng tưởng nghĩ là đạt Niết Bàn. Cho rằng đạt Niết Bàn là điên đảo mộng tưởng là hoàn toàn sai so với Giáo Pháp của Đạo Phật..

4/- Cái THẤY CÁC PHÁP là KHÔNG là Pháp chứng đắc của bậc A LA HÁN, không phải là của Phật. Vì để Thành Phật là ĐỘ SINH. “Độ tận Chúng Sinh” thì gọi là Thành Phật hay GIẢI THOÁT. Không phải là chỉ Thấy Cái KHÔNG là đã thành Phật !. Nếu tất cả đã là KHÔNG, thì Không Chúng Sinh, Không cả Phật, không cả Mình, thì lấy ai qua bên kia bờ, lấy ai Giác Ngộ mà cho là qua bờ rồi, Giác Ngộ rồi ?

5/- Kinh này chỉ nói về cái KHÔNG, mà chỉ là cái LÝ KHÔNG, chưa đưa vào SỰ. Hoàn toàn không đề cập gì đến Cái TÂM. Không biết gì về Hạnh Bồ Tát. Chưa làm công việc ĐỘ SINH thì làm sao trừ được KHỔ mà cho rằng đây là Chú cao nhất, có năng lực trừ Khổ ? Chỉ có thấy cái LÝ KHÔNG CỦA CÁC PHÁP thì làm saoThành Phật mà dám ngạo mạn cho rằng Ba đời Chư Phật y theo Trí Huệ này mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ? .

6/- Cái THẤY CÁC PHÁP LÀ KHÔNG là không thực tế, vì hiện tại, tác giả đang hiện diện tức là CÁC PHÁP ĐANG CÓ. Hàng ngày tác giả vẫn phải mặc áo, ăn cơm, sao nói Các Pháp là KHÔNG ?

Hơn nữa, CÁI THẤY CÁC PHÁP LÀ KHÔNG chưa phải là cái Lý rốt ráo của Đạo Phật, bởi mâu thuẫn với thực tế. Trong GÓP NHẶT CÁT ĐÁ có câu chuyện : một Thiền Sinh đến báo cáo với Thiền Sư Dokuon : Bạch Thầy, “Con thấy các pháp là KHÔNG. Không ta, không người, không nhân, không quả, không thiện, không ác, tất cả đều KHÔNG”.. Thiền Sư Dokuon đang hút thuốc, bèn vác điếu đập cho anh ta một phát. Anh ta lãnh cái điếu liền nổi sùng lên, hỏi : “Sao Thầy lại đánh tôi ?” Thiền sư Dokuon hỏi lại : “Nếu tất cả là Không thì cái gì đang nổi Sân lên đó ? “ . Đó là câu trả lời thực tế cho những người tưởng tượng Đắc cái KHÔNG, cho là CÁC PHÁP ĐỀU KHÔNG !

Hiện tại chúng ta đang sống trong pháp CÓ. Người mới Soi quán thấy được CÁI KHÔNG, rồi dừng ở đó, cho CÁC PHÁP LÀ KHÔNG là những người chưa soi hết lý lẽ của Đạo Phật.

Thật vậy. Phải chăng một thực tế không thể chối bỏ là ta đang hiện hữu, đang tồn tại, tức là đang CÓ ? Mọi người đã sinh ra, lớn lên, đã học biết bao điều, làm bao nhiêu việc. Mọi người đều CÓ cảm giác. CÓ hiểu biết. CÓ cả những nhu cầu, như : Đói phải ăn. Khát phải uống. Lạnh phải ủ ấm. Nóng nực phải cần gió mát. Bệnh phải uống thuốc. Phải học hành, làm ăn. Phải tiếp xúc, đối phó hàng ngày với biết bao nhiêu vấn đề của cuộc sống ? Hơn thế nữa. Chẳng những chỉ CÓ TA, mà còn Có cả một thế giới cùng chung sống trên trái đất, trong đó có phải, quấy, hơn, thua, giàu, nghèo, cao, thấp, tốt, xấu, suớng, khổ, sống, chết… diễn ra mỗi ngày. Khi muốn tu hành thì Có biết bao nhiêu Tôn Giáo cho ta chọn lựa. Mỗi tôn giáo lại Có biết bao nhiêu thầy. Con đường tu hành theo Đạo Phật lại CÓ nhiều Pháp Môn, CÓ biết bao nhiêu điều cần tìm hiểu, cần hành trì. CÓ bao nhiêu Pháp phải Hành, CÓ nhiều Quả Vị phải đạt đến. Tất cả đều CÓ, sao bảo rằng Tất cả là KHÔNG ?

Các pháp CÓ hiện diện khắp nơi. Ngay cả vào tu hành cũng phải CÓ kinh sách để tham khảo, Có việc Ác phải trừ, CÓ việcThiện phải tập. Phải Thiền, Quán. Phải Giữ Giới, lập Hạnh…. Mọi thứ đều CÓ. Mở mắt là đã Thấy, đã Nghe những PHÁP CÓ xôn xao quanh mình. Vậy thì KHÔNG chỗ nào ?

Từ thực tế của cuộc sống, ta thấy : Phải chăng, đã đành : “Sắc bất dị Không” nhưng người đẹp vẫn ưa nhìn hơn là người xấu. Câu khen vẫn thích nghe hơn là câu chê. Lời thanh vẫn êm tai hơn lời tục. Giao du với người tốt vẫn thích hơn là người xấu. Dễ thân cận, gần gũi với người hợp với mình hơn là người đố kỵ, hay chê bai, chỉ trích mình. Làm ăn hanh thông vẫn hơn là thất bại nghèo túng, nợ nần bủa vây ?

Phải chăng “CÓ cũng như KHÔNG” nhưng CÓ tiền vẫn hơn là KHÔNG tiền ? “Thọ bất dị Không”, nhưng khi bụng đói, không thể dùng câu Kinh hay lý luận để ru ngủ, vẫn cần phải Thọ thứ gì đó, dù ngon, dở, cho bao tử thôi kêu réo ?

Hàng ngày ta vẫn gặp đủ thứ vấn đề. tất cả đều cần đến pháp CÓ. Phải Có tiền để chi dụng. Phải Có nhà cửa để trú ngụ, Áo quần để che thân. CÓ thuốc men khi trái gió, trở trời. Phải giáo dục con cái. Phải tính toán để chi tiêu hợp lý. Hàng tháng phải CÓ bao nhiêu thứ để chi : điện, nước, tiền chợ, tiền gạo, tiền học cho con cái, tiền tang ma, hiểu hỉ… thì làm sao biến tất cả thành KHÔNG để không phải đối phó với chúng ?

Các Pháp dù sẽ qua đi, sẽ về KHÔNG. Nhưng mọi người vẫn xây dựng những công trình, vẫn nghiên cứu để phát minh thêm nhiều sản phẩm phục vụ cho cuộc sống, cho con người, để thế giới ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn. Những nhà khoa học vẫn tìm tòi những cách trị bệnh mới để cuộc sống con người khỏe mạnh, chất lượng hơn,. Nếu cho rằng các Pháp là KHÔNG thì ai còn thiết tha suy nghĩ, tính toán, làm ăn, xây dựng cuộc đời nữa, kể cả tu hành ?

Nói về việc tu hành. Nếu quy tất cả thành một chữ KHÔNG, ai chấp nhận tu hành đều phải vào CỬA KHÔNG MÔN. Sống ép xác, ăn chay. Mặc y hoại sắc. Bỏ hết nhà cửa, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Chuyên tâm tu niệm. Bỏ hết việc đời để cầu mong mai kia về Tây Phương Cực Lạc hay Đông Phương tịnh quốc. Vậy thì cuộc sống có ý nghĩa gì ? Không lẽ sống chỉ để chờ chết để được lên Niết Bàn ? Vậy thì nếu Biết Bàn chỉ là phương tiện của Đức Thích Ca, không thật có thì chẳng lẽ chúng ta phí phạm một kiếp sống mà Phật dạy là “Nhân thân nan đắc” ? Trong khi đó, Đạo Phật rất là thực tế. Giải Thoát phải được thực hiện ngay tại cuộc sống đầy phiền não, chuyển hóa Cái Tâm để mọi người sau khi tu học thì vẫn tiếp tục sống tại trần gian đầy phiền não mà phiền não không còn vùi dập được nữa, như Hoa Sen vẫn nở trên bùn, mà không vương mùi bùn.

Đạo Phật không dạy người tu Thấy đời là KHÔNG, rồi bỏ đời, vô Chùa xây tường cao, cửa lớn hoặc trốn lên non cao, động vắng để các Pháp không tiếp xúc được rồi nghĩ rằng mình đã thanh tịnh, đã Thoát Pháp, đã chứng Niết bàn ! Ngược lại, Đạo Phật dạy người tu nhìn thẳng vào cuộc đời, tìm thủ phạm của những nỗi Khổ, xem nó là ai ? ở đâu ? rồi chuyển hóa nó để biến trần gian đầy đau khổ trở thành Niết Bàn thanh tịnh.

Chính vì vậy mới có THIỀN QUÁN, để sinh TRÍ HUỆ. Có GIỚI để đối trị THAM LAM, SÂN HẬN, SI MÊ vô độ. CóTứ vô lượng Tâm là TỪ BI HỈ XẢ để cái Tâm nhẹ nhàng. Có LỤC ĐỘ để “ ĐỘ” Lục Đạo. Có Tứ Nhiếp là Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi hành, Đồng sự, để đi vào đời mà không bị chướng ngại. Có BÁT CHÁNH ĐẠO để có Cái THẤY Chân chánh (Chánh Kiến) Suy nghĩ cũng phải chân chánh (CHÁNH TƯ DUY), Lời nói Chân Chánh (Chánh Ngữ), Sự nghiệp Chân Chánh (Chánh Nghiệp) Nuôi thân mạng một cách Chân Chánh (Chánh Mạng). Tinh Tấn trong những cái Chánh (Chánh Tinh Tấn) Từ cái Niệm khởi cũng chân chánh (Chánh Niệm), Sức Định cũng Chân Chánh (Chánh Đinh).

Tóm lại, BÁT CHÁNH ĐẠO nhằm giữ cho THÂN, KHẨU, Ý của người tu luôn chân chánh, vì :

. CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG, thuộc về THÂN

. CHÁNH NGỮ thuộc về KHẨU

. CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH KIẾN, CHÁNH NIỆM, CHÁNH ĐỊNH thuộc về Ý

. CHÁNH TINH TẤN cho cả ba Thân, Khẩu và Ý.

Người tu hành luôn giữ THÂN GIỚI, TÂM HUỆ. Luôn tinh tấn Hành những Thiện Pháp và xa lìa những Ác Pháp để Thân, Tâm lúc nào cũng được thanh tịnh. Sau khi điều phục xong Cái Tâm của mình, người tu còn có bổn phận phải “Mồi ngọn Vô Tận Đăng”, mang Ánh Sáng Giải Thoát đến với tất cả mọi người, để tất cả đều hết Khổ, hết Phiền Não trong kiếp sống.

Người tu xong còn phải đền TỨ ÂN để trả nợ cho những bậc sinh thành, dưỡng dục, Ân Đất nước đã che chở, Ân Thầy, Ân Phật đã chỉ dạy, Ân Chúng Sinh đã hỗ trợ cho họ những bước tiến tu. Không những thế, họ còn phải hoàn thành những Tướng Tốt của Phật bằng cách cư xử với những người thân trong gia đình và Thầy, bạn cùng những người trong xã hội, đâu có phải hoàn tất con đường tu hành rồi bay về cõi nào để sống vì chê “đời là ô trược” , bởi chính cuộc đời đã nuôi dưỡng con người từ lúc chào đời cho tới lúc hết kiếp bằng công sức đóng góp của bao nhiêu thành phần. Từ hột gạo, ngọn rau, chén nước, cho tới những tiện ích của cuộc sống. Khi đau bệnh thì có thầy thuốc cứu chữa. Tất cả đều do cuộc đời cung cấp. Cuộc đời như thế thì ô trược chỗ nào ?

Cho nên, chỉ những người hiểu sai về ĐẠO PHẬT mới chê cuộc đời, mới tách riêng để sống bên lề cuộc đời mà không tiếp tay xây dựng. Những người cho rằng cuộc đời là KHÔNG, Các Pháp là KHÔNG như trong BÁT NHÃ TÂM KINH là những người chưa học hết Giáo Pháp của Đạo Phật, mà viết ra để phổ biến thì rất tai hại cho người tim hiểu, tu hành theo Đạo Phật, vì sinh Đoạn Kiến. Người tin theo lý luận của Kinh sẽ không muốn phát tâm tu hành nữa, coi như Thấy như vậy là đã xong, vì “Ba đời Chư Phật đều y theo Kinh này mà thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Kinh khẳng định như thế !

Với những điều kiện cần thiết để hỗ trợ người tu theo Đạo Phật thành công là GIỚI và BÁT CHÁNH ĐẠO, cộng thêm là Tư Duy, Soi Quán để tìm nguyên nhân của nỗi Khổ và cách thức để chuyển hóa MÊ thành NGỘ, PHIỀN NÃO thành BỒ ĐỀ là ĐỘ SINH, để kiếp sống còn lại được an lạc giữa cảnh trần đầy phiền não, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn, thì BÁT NHÃ TÂM KINH không hề nhắc đến. Chỉ quy các Pháp về KHÔNG, để tất cả không còn gì, kể cả Chứng Đắc, đạt Niết Bàn. Chỉ Quán Soi, Thấy cái LÝ suông của chữ KHÔNG mà cho rằng đó là Vô thượng Chú, có năng lực trừ Khổ chân thật không hư dối ! Không Hành gì hết mà cho là “đã qua bờ, đã Giác Ngộ, là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” . CÁC PHÁP LÀ KHÔNG mà Có trừ phiền não, Có thành Vô Thượng Vô Đẳng Chánh Giác. Có Giác Ngộ..rõ ràng là mâu thuẫn !

Không có đường lối tu hành. Không có kết quả thực tế. Cái Lý không vững, cho nên hoàn toàn không phải là KINH do Chư Tổ ĐẠI THỪA viết. Lối diễn tả của BÁT NHÃ TÂM KINH giống như của những người bên THIỀN TÔNG. Vừa Khai được Một Công Án, không liên quan gì đến Cái Tánh, đã cho rằng mình Thấy Tánh, Thành Phật “còn cao hơn cả Phật” ! Cũng may mà không thấy ai tự xưng là bậc Giác Ngộ nhờ Ngộ Bát Nhã Tâm Kinh. Nếu không, chúng ta lại có thêm những bậc Đại…TƯỞNG Giác Ngộ, chưa xuất phát mà cứ tưởng mình đã qua bờ bên kia !

Tháng 3/2024




VVM.12.4.2024.