CẦN MỘT SỰ NHÌN NHẬN SÂU SẮC
VỀ THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TÚ XƯƠNG
N ghiên cứu, thẩm định con người cũng như thơ văn độc đáo của Tú Xương là một công việc đòi hỏi phải có sự minh triết cần thiết. Những công thức thông thường mà một số nhà phê bình văn học quen đem ra sử dụng, trong nhiều trường hợp đã tỏ ra mất hết hiệu năng. Chẳng hạn lúc đầu có người chê thơ Tú Xương là “nôm na mách qué”. Họ lấy tiêu chuẩn thông thường là thơ phải có ý tứ cao nhã, thái độ nghiêm túc, từ ngữ sang trọng v.v… để xét một thứ thơ đặc biệt là thơ trào phúng (luôn cần phải gai góc, gồ ghề, cay nghiệt, bất ngờ, và phải làm bật ra tiếng cười). Thế nhưng chẳng bao lâu, khi Tú Xương đã tung ra hàng loạt bài thơ châm biếm đặc sắc thì những kẻ dè bỉu thơ ông đều “tối mắt tối mũi” và chợt nhận ra ông là một tài năng dị thường ngoài sự tưởng tượng của họ. Thậm chí ngay cả bậc trưởng lão trong làng thơ đương thời là Tam nguyên Yên Đổ cũng phải kinh ngạc, thầm phục nhà thơ trào phúng đất Vị Hoàng và thốt lên câu nói “Kẻ kế tục ta là Xương chăng?” (thế nhưng chính Tú Xương lại chết trước Nguyễn Khuyến, thành thử câu “kế tục ta” trở thành… trái khoáy).
Không một ai dám coi thường những câu thơ như thế này của Tú Xương:
- Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ,
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh;
- Lúc túng toan lên bán cả trời,
Trời cười: thằng bé nó hay chơi.
Cho hay công nợ là như thế
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời;
- Nếu có khôn ngoan đã vợ nhờ,
Dại mà nhờ vợ vợ làm ngơ;
- Một tuồng rách rưới con như bố,
Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng;
- Người bảo ông điên ông chẳng điên,
Ông thương ông tiếc hoá ông phiền
… Khi cười khi khóc khi than thở,
Muốn bỏ văn chương học võ biền…
-Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trên đời
Vua, quan, sĩ, thứ người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người!
Hẳn những ai am tường văn chương cổ kim đều còn nhớ hai câu sau đây: VI NHÂN NAN (ngạn ngữ Trung Hoa) nghĩa là “làm người là việc khó”, và câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hung Petöfi “Người phải thật là người, không phải là con rối”. Lời chúc đanh thép “Sao được cho ra cái giống người” không những không quá đáng trong một thời buổi mà Tú Xương đã ví với cảnh “đêm sao đêm mãi thế ru mà”, trái lại nó là lời cảnh tỉnh cần thiết đối với đám “chúng sinh” đang chìm đắm trong cái đêm sâu ấy đến nỗi nhân phẩm của mình bị xuống cấp trầm trọng mà vẫn không hay biết, vẫn cứ tưởng là mình cao giá lắm!
Thơ Tú Xương bắt người ta cười và ngay lúc ấy làm cho người ta cảm thấy đau xót đến quặn lòng, đến rớt nước mắt. Đó là điều kì dị bậc nhất trong những điều kì dị mà phải một “quái nhân” như Tú Xương mới tạo được ra cho người đời. Chẳng hạn những câu thơ sau:
Van nợ lắm khi tràn nước mắt,
Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi.
Biết thân thuở trước đi làm quách
Chẳng kí không thông cũng cậu bồi.
Tú Xương suốt đời mang niềm căm giận tình trạng con người Việt Nam đương thời đang rơi vào nguy cơ đánh mất nhân phẩm, đạo đức, thuần phong mĩ tục của mình khi sa vào lối sống tư sản nửa mùa (một thứ “văn minh” thối nát) của xã hội phong kiến thuộc địa lúc đó. Niềm căm giận ấy là một động lực quan trọng để nhà thơ dũng cảm xông lên đảm lãnh trọng trách phê phán và cải tạo cuộc đời: quật tơi bời vào giấc ngủ u mê của những kẻ đang đánh mất dần nhân phẩm, đập nát những trò đời lố bịch mà nhiều người đang mù quáng tham gia, gào thét chỉ cho mọi người thấy cái vực thẳm mà họ đang rơi vào…
Chỉ trên cơ sở thấu hiểu cái trách vụ lịch sử đặt vào Tú Xương, chúng ta mới hiểu đúng được bản chất, thái độ ứng xử của ông với mọi hạng người, mọi hiện tượng xảy ra trong xã hội.
Tú Xương đã từng tỏ ra vô cùng thương cảm với chị em phụ nữ là nghệ sĩ hát cô đầu:
Chị em ta cùng nhau giữ giá
Đến bây giờ ngã cả chẳng ai nâng
Cũng liều bán váy chơi xuân.
(Tết cô đầu)
Thậm chí ông thông cảm được với cảnh ngộ trớ trêu của những “me Tây”, thực chất là những phụ nữ vì hoàn cảnh đặc biệt mà đành phải lấy Tây, nhưng rồi biết mình lầm và kiên quyết “giãy ra”:
Rứt cái mề đay ném xuống sông
Thôi thôi tôi cũng mét xì ông!
(Cô Tây đi tu)
Tú Xương đủ mẫn tuệ nhận ra rằng đó là những số phận của những con người đáng thương (chứ không phải những kẻ lưu manh). Nhưng trường hợp cô Kí thì sao?
Chúng ta hãy đọc lại toàn bài thơ:
MỒNG HAI TẾT VIẾNG CÔ KÍ
Cô Kí sao mà đã chết ngay?
Ô hay, trời chẳng nể ông Tây!
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày.
Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ,
Ông chồng thương đến cái… xe tay!
Gớm gan cho những cô con gái
Còn rủ rê nhau lấy các thầy!
Đối với cô Kí, Tú Xương giận nhiều hơn thương vì những tội sau đây:
Thứ nhất, chỉ vì ham chút “địa vị” rẻ tiền (được làm… vợ lẽ ông Kí) mà hi sinh nhân phẩm của một cô gái tơ trinh, cam lòng sống với một kẻ tốt mã giẻ cùi. Tú Xương vốn khinh bỉ những hạng công chức nô lệ như thế (Chẳng kí không thông cũng cậu bồi!).
Thứ hai, vì a tòng với kiểu tính toán vô sỉ của chồng, cô Kí đã cam tâm làm một việc bẩn thỉu: đem ngay “cái hồng nhan” của mình ra làm “mồi nhử” tên cẩm Tây (không ngoại trừ việc bán cả danh tiết) chỉ cốt được y che chở để kiếm chút lợi cho gia đình. Tú Xương nhìn rõ tính chất lưu manh đồi bại không thể tha thứ trong hành động xấu xa “đổi danh tiết lấy lợi lộc” của cô Kí. Ông đã nhân danh nền đạo đức cổ truyền của dân tộc mà lên án những hạng người “bán linh hồn mua hạnh phúc”. Cô Kí đã không còn có giá gì, vậy thì làm sao một con người sắc bén và coi nhân phẩm là trên hết như Tú Xương lại có thể làm thơ thương khóc cô như Nguyễn Du thương khóc nàng Kiều?
Xét ở phạm vi rộng hơn, sự nhìn nhận và thái độ cũng như hành động của Tú Xương với mọi hạng người, mọi việc trên đời đều luôn luôn nhất quán và chuẩn xác, căn cứ ở bản chất “trong một thi nhân có một thánh nhân” của ông. Trong làng thơ Việt Nam, ông là một nhà thơ đặc biệt minh triết và nhạy bén. Nghiền ngẫm thơ ông, tôi chưa hề thấy ông “đánh nhầm” ai bao giờ cả. Bất kì đòn nào ông ra cũng đều đích đáng. Xin nêu vài ví dụ:
Vì sao Tú Xương nặng lời nhiếc mắng ông cử Nhu?
Sơ khảo khoa này bác cử Nhu
Thật là vừa dốt lại vừa ngu.
Văn chương nào phải là đơn thuốc?
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu!
Bởi cử Nhu đã cam tâm mặt dạn mày dày làm một tên hề trong tấn tuồng khoa cử, tấn tuồng ê chề mà trong đó chính Tú Xương, một thi hào kiệt xuất của dân tộc, bị đánh hỏng lên hỏng xuống biết bao lần (Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy). Một khi trong đám quan trường còn một kẻ tầm thường và ngu dốt như cử Nhu đứng ra cầm trịch thì nhân tài quốc gia sẽ còn bị gìm xuống đất đen biết là bao nhiêu và biết đến bao giờ?
Vì sao Tú Xương đả kích bọn quan lại, móc ra cả những cái xấu xa vặt vãnh của chúng (da đen kịt, lưng mốc thếch…)? Vì ông thấy ở phố Hàng Song (Nam Định) cả một lũ vô lại hại dân hại nước, đạo đức thối nát:
Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố,
Đậu lạy quan xin nọ chú Hàn.
Ngọn roi của Tú Xương cũng không từ mà quất cả vào nơi đền miếu trong đó diễn ra những trò buôn thần bán thánh. Chính ông đã đặt ra một câu cật vấn hiểm hóc:
Đồng giỏi sao đồng không giúp nước,
Hay là đồng sợ súng thần công?
Tôi cho rằng, trong cái nhìn của Tú Xương có một con mắt thần; trong nhà thơ Tú Xương có một nhà tư tưởng sâu sắc; trong cốt cách Tú Xương có cốt cách của một bậc quốc sĩ – người suốt đời lo lắng, đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ những giá trị truyền thống về tinh thần, văn hóa và đạo đức vô cùng cao cả của dân tộc mình.-./.