Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
              


Lễ hội Phủ Dầy Thánh Mẫu Liễu Hạnh

LỄ HỘI THÁNH MẪU




Tổ Chức Thờ Mẫu

Mang tính chất bình dân, những nơi có thờ Thánh Mẫu không giống nhau. Có nơi được xây dựng lên như một loại đền phủ tráng lệ; đólà trường hợp đền Phủ Giầy, Phủ Sòng, Phủ Tây Hồ. Nhưng có khi chỉ là một am nhỏ bên cạnh một ngôi chùa hay ngôi đình. Cũng có khi được thờ trong Chùa theo kiểu "tiền Phật, hậu Mẫu". Thành thử, trong việc nghiên cứu tính cách thờ phượng tại một đền Mẫu, không thể nhìn hời hợt những cách thiết chế bên ngoài, mà cần phải được tiếp cận bên trong, đồng thời cũng hiểu được sự tổ chức cúng bái.
Chẳng hạn một đền thờ Mẫu thường xuyên tổ chức đồng bóng, thì lại được trang hoàng đủ nghi môn, trướng liễn, bát vật, ngũ sự. Tại Sài Gòn, những điện thờ Mẫu được tổ chức trong những ngôi nhà hẻo lánh trong những đường kiệt, nhưng bên trong thì trang hoàng bày biện muôn màu sắc.
Theo thống kê năm 1997, có đến 102 căn nhà thờ Mẫu khắp các quận huyện nội ngoại thành Sài Gòn. Cách thiết kế: Một ngôi đền thờ Thánh Mẫu bao giờ cũng chú trọng đến vấn đề phong thủy. Vì mang yếu tính "nữ", cho nên việc kiến thiết bên cạnh các giòng nước thường được đề cập đến. Hầu hết điện Mẫu đều được xây dựng bên cạnh một con sông (như điện Hòn Chén xây dựng trên núi Ngọc trản,cạnh con sông Hương) bên cạnh cửa biển (như đền Cờn dựng lên ở cửa Càn Hải - Nghệ An) bên cạnh một con suối (như đền Bắc Lệ - Lạng Sơn) cạnh một hồ lớn (như Phủ Tây Hồ ở cạnh Hồ Tây – Hà Nội).
Nếu trong trường hợp không thể chọn một địa điểm nào có "sơn triều, thủy tụ" bên ngoài, thì có thể tạo nên cảnh trí bên trong khuôn viên. Chẳng hạn như xây thêm hồ, ao, giếng để chứa nước. Các cửa của nơi thờ Thánh Mẫu bao giờ cũng được hướng vềphía có nguồn nước. Phải là nơi thủy tụ, thì giá trị và ý nghĩa tăng lên. Điều nầy thấy rõ tại điện Vân Cát ở Phủ Giầy hay đền Tiên Hương.

Trang hoàng đền Mẫu: Đi vào một đền thờ Mẫu, dù quy mô lớn hay nhỏ, có thể nhận biết được ngay với những tính chất đặc thù của nó. Điều nhận được đầu tiên là vô số những thể loại đồ vàng mã bày biện cao ngất; tuy nhiên tất cả đều theo lớp lang và mỗi loại đều nói lên được những giá trị riêng của nó, mà không thể thiếu được. Vì trong một đền thờ Mẫu, có đủ thể loại Mẫu và những nhân vật truyền thuyết khác như quan lớn Tuần Tranh, bà chúa Thượng Ngàn, tà thần, yêu thần,mà mỗi vị đều đòi hỏi những lối cúng tế khác nhau.
Quan trọng nhất trong việc trang trí là những chiếc nón, hài, thuyền rồng,đèn lồng, với kích cỡ và thể loại khác nhau dùng lúc thượng đồng. Tất cả đều dùng nhiều màu sắc sặc sỡ, hấp dẫn. Trong đạo thờ Mẫu,từ vị Thánh Mẫu cho đến hàng quan đều mang những gốc tích khác nhau của nhiều miền trong nước và lịch sử của mỗi vị cũng khác nhau.
Ngoại trừ những nơi thờ Mẫu chung với điện Phật, còn những điện thờ riêng biệt đều tuân thủ theo thể thức trình bày giống nhau theo ba tầng: tầng thượng, tầng trung và tầng hạ. Tầng thượng có đôi mãng xà, biểu hiện cho quan lớn Tuần Tranh (gốc rắn), một con màu trắng và một con màu sẫm. Tầng trung là nơi thờ Mẫu chính thức. Tầng dưới là nơi thờ Ngũ hổ. Rắn và hổ là những loài vật thiêng có chức năng bảo vệ cho vị Mẫu. Về mãng xà, nhiều nơi được thờ riêng, tức là đền thờ quan lớn Tuần Tranh. Đây là danh từ dùng để gọi một cách kính cẩn vị thần trông coi con sông Tranh ở Ninh Giang.
Giải thích về việc thờ cúng những động vật nầy, những nhà nghiên cứu nêu lên các giả thuyết khác nhau: (a) Có người cho rằng đó là những con vật biểu trưng cho cuộc sống thời hồng hoang. (b) Thuyết khác cho rằng: rắn và hổ đều là những con vật hung dữ có thể trấn áp những kẻ ác độc âm mưu hãm hại vị thần Mẫu (c) Ngoài ra, trong hình tượng Ngũ Hổ có năm màu sắc khác nhau được giải thích là biểu hiện về 5 phương vị: kim, mộc, thủy, hoả, thổ.

Đồng Bóng


Những điện thờ Mẫu thường được cúng tế theo định kỳ. Mỗi năm trong những ngày lễ vía lớn đều được cử hành đại lễ. Ngoài ra, những trường hợp tín đồ cần xin lễ đặc biệt để cầu khẩn cho gia đạo của mình cũng đến điều đình để lập lễ riêng. Mỗi đền Mẫu đều có ban điều hành. Ban nầy quy định các lễ lượt và người phụ trách. Việc tuyển chọn các thành viên rất khó khăn vì phải am tường nghi lễ. Họ cũng qua một kỳ tập dượt. Tất cả đều phải ăn khớp. Những người phụ trách hành lễ phải hiểu tường tận mọi nghi thức, mà trong đó việchầu bóng không thể thiếu.
Một nghi lễ thờ cúng Mẫu được phối hợp nghệ thuật diễn xướng, âm nhạc, hát văn và múa linh. Cung văn là người điều hành toàn buổi lễ. Những người lên đồng phải được tập luyện, hiểu được ý nghĩa những bài hát chầu để bắt nhịp, chuyển nhịp. Gọi nghi lễ nầy là thể loại "sân khấu thần tích" cũng là cách diễn tả thích hợp. Nghi lễ của từng buổi lễ rất phức tạp. Tuy nhiên một số lễ chính không thể nào thiếu sót là hầu bóng, lễ tôn nhang và lễ trình đồng. Loại tín ngưỡng bình dân nầy ảnh hưởng khắp nơi trong nước,và những loại hát thờ nầy rất thịnh hành; ở miền Bắc thì gọi là hát chầu văn (hầu văn) ở miền Trung và miền Nam thì gọi là hát lên đồng bóng.
Nghi thức của một buổi lễ chầu văn rất phức tạp, và thường phải theo quy trình sau đây:
Trước hết, người hầu bóng và cô đồng, cậu đồng,ông đồng, thành đồng... phải chuẩn bị cho đủ mọi thứ nghi lễ, thầy cúng,âm nhạc, người lên đồng, người phụ việc. Sau đó thì bắt đầu vào công việc Phụng thỉnh Chư Thánh nhập đàn. Mỗi lễ theo một nghi lễ Phụng thỉnh khác nhau. Người chủ lễ sau khi cúng nhập đàn, thì đọc dâng sớ. Nội dung lá sớ là nhân dân ý nguyện của đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đứng ra xin triệu tập những vị thần linh về chứng giám.
Thể điệu lúc nầy được trình bày theo loại Sai quan tướng như ý nghĩa của phần nhập lễ. Sai tướng rất khó khăn và phải do những cung văn hát theo nhịp đàn, trống phụ họa. Cung văn cất cao tiếng hát chiêu hồn nhập xác: "Thầy sai Đại Thánh Tề Thiên, Huyền công, dùng phép dẹp yên loài tà".
Đến khi những cô đồng,bà cốt đã bắt đầu chuyển thân để nhập hồn, biến đổi bộ điệu có những du hiệu bắt hồn thì cung văn đổi giọng ngay: "Cô rằng: cô đẹp nhất đời,Dáng đi, điệu múa, miệng cười có duyên. Rằng hồn ở chống Thiên Tiên,Siêu sanh Tịnh Độ, xuống miền trần gian...".
Khi cung văn hát theo những giọng Dâng Hương và Thét Nhạc thì bắt buộc phải đứng dậy để đàn và hát; cho đến khi đã được chuyển sang Hát Giải thì mới được ngồi xuống chiếu. Cứ mỗi lần chuyển thế ngồi, thì giọng đàn, tiếng hát cũng biến đổi theo ngay.
Hát bóng rỗi: Tổ chức hát bóng rỗi đúng theo nghi thức khá phức tạp; thông thường, phải qua nhiều phần. Phần đầu là Lễ Khai Tràng. Lễ nầy do dàn nhạc bóng rỗ diễn tấu qua 3 khúc nhạc và hát chính thức. Phần 2: lễ Chầu Mời và lễ Thỉnh Tổ. Những bài "chầu mời" gồm: Bài Bà, Bài Ông, Bài Cô, Bài Cậu. Những bài chầu mời chỉ cần theo đúng âm giai. Nội dung thì tùy theo linh vị chính và người tổ chức, tham gia để ứng biến theo cho thích hợp. 3 điều kiện căn bản trong bài chầu mời là: hợp với nơi diễn xướng, hợp với chủ miếu, hợp với từng người trong Hội. Giọng hát phải truyền cảm, ăn khớp nhạc điệu.

Lễ Thức Đồng Bóng Đền Thờ Mẫu

Hầu hết những đền thờ Mẫu được tổ chức vào khoảng thượng tuần đến trung tuần tháng ba âm lịch, như tại những miễu thờ miền Bắc và miền Trung. Chọn lựa thời điểm nầy, một phần theo những nghi lễ truyền thống của các Mẫu khác nhau; phần khác thì theo thời vụ của những nông dân chuẩn bị trước khi bướcvào vụ cày cấy mới. Điều nầy thường được giải thích như chu kỳ của vòng quay thiên nhiên, và cầu khẩn cho một mùa bội thu tương lai. Tuy nhiên, tại những đền miếu có sự phối tự giữa việc thờ Phật và thờ Mẫu, thì thời điểm cúng tế không theo hạn kỳ nhất định. Chẳng hạn những ngày lễ chính trong năm vẫn là lễ Nguyên đán, vía Di Lặc, ngày lễ Phật đản, lễ Xá Tội Vong Nhân. Sự phối hợp thờ cúng nầy đã lôi cuốn nhiều tín đồ tin tưởng khác nhau và trở nên đa dạng.
Có trường hợp khác biệt theo định kỳ hàng tháng; chẳng hạn như tại chùa Nam Nhã (Cần Thơ), đền thờ Mẫu tổ chức cúng tế mỗi tháng ba lần: ngày mồng 1, ngày 11 và ngày 21 âm lịch. Nhưng tại những chùa người Hoa, có thờ bà Thiên Hậu, thì ngày lễ vía lớn nhất trong năm nhằm ngày 23 tháng 3 âm lịch. Ở những đền miếu khác,như ở Dinh Cô (Long Hải, Bà Rịa), ngày hành lễ chính thức trong năm kéo dài từ 10 đến 12 tháng hai âm lịch. Cũng như cách thờ cúng khác nhau của mỗi chùa, trình tự tổ chức các buổi lễ cũng không giống nhau hoàn toàn.
Tại nhiều đền thờ ở Bến Tre, những nghi thức lễ lượt không khác gì với những lễ cúng khác, nhưng bao giờ cũng có hát bóng rỗi kế tiếp theo. Tại Long An, thông thường những lễ cúng đền miếu có thờ Mẫu (chính hay phụ) hay tại nhà riêng, sau nghi lễ chính thức, thường kèm theo hai lễ tục khác: hát bóng rỗi và diễn "chặp Địa Nàng". Tại tỉnh Định Tường, lễ tục tiếp theo là đồng bóng. (Theo Đại Nam Nhất Thống Chí). Nhìn chung lại, nếu thờ Mẫu ở một đền miếu riêng biệt, bao giờ cũng có hát bóng rỗi. Còn nếu thờ Mẫu chung với Phật hay Thần khác, không có hát bóng rỗi.Nhạc cụ: Những loại nhạc cụ được dùng trong việc hát bóng rỗi là: chiêng, trống cái, trống con, đàn nhị, kèn thau, sánh cái.
Theo tài lịêu được ghi chép trong cuốn "Địa chí tỉnh Long An" (in lại năm 1988) thì: Những nhạc cụ thông thường là: đàn kìm, đàn nhị, trống cái và trống cơm.Diễn Xướng Mời Tiên: Sau những nghi thức về Thỉnh Tổ và về Chầu Mời, nghi lễ kế tiếp là Diễn Xướng Mời Tiên.
Lễ nầy giống hệt như nghi thức "Xây chầu đại bội" trong lễ Kỳ Yên. Những nghi thức gồm có: Khai chiếu gió, nhật nguyệt, tam hiền, gia quan, Ông Đông, Thanh Đường hạ san,Hội Năm Bà, Bá Trạo nghinh bà. Nghi thức đầu là lễ Kỳ Yên. Kể từ Ông Đông trở đi là lễ Cúng Miễu. Ông Đông là người chủ trì cuộc lễ. Thanh Đường Hạ San là cung thỉnh vị Thanh Đường xuống chứng minh cho buổi lễ. Hội NămBà là nghi lễ mời chư Bà hiễn linh trong buổi lễ. Bã Trạo là nghi lễ của người dân làm nghề ngư phủ, theo triều nước lên, nước xuống, để nghinh đón Mẫu hiện ra (thường tổ chức vùng duyên hải). Những lễ tiết trong hầu bóng là căn bản để thờ cúng Mẫu. Cung văn và những người lên đồng (đồng ông, đồng bà, đồng cô, đồng cậu) phải là những người "nhà Thánh" sống trong nghề cúng lễ nầy và được tập luyện khá công phu. Thiếu đi, buổi lễ không giữ đượcý nghĩa linh thiêng của nó được.
Nhập đồng: Theo những truyền thuyết trong giới "phụ đồng" thì trong những lần lên đồng bóng, Thần Mẫu nhập vào thân xác của những bà đồng, ông đồng, cô đồng hay cậu đồng để đưa ra những chỉ dẫn, khuyến cáo hay phương thức giải trừ những tai ương. Có người hợp bóng vía thì nhập dễ dàng; số người nghịch bóng vía, thì không thể nào nhập được. Thậm chí có người ở xa đến, có thể nhập hồn mà không phải qua một nghi lễ nào để "dẫn xác đồng".
Nhập thánh: Trong đền thờ Mẫu thường thờ thêm các đấng thần thánh khác. Những nhân vật hay thần vật nầy thường có liên quan đến lịch sử của Thần Mẫu; cũng có thể là các vị thần được tôn thờ của địa phương; có khi được rước từ các đền khác đến. Thành thử, lễ lượt càng nhiều và đền thờ tấp nập thường xuyên. Trong các đền Thần Mẫu đều có thần phả. Các thần phả ghi đầy đủ ý nghĩa của từng Thần Mẫu và các thánh khác. Cung văn dựa vào đó để viết sớ tấu và đặt bài hát, bài vè.

D- Nghi Thức Cúng Mẫu:

1- Lễ tôn nhang: Tôn nhang là lễ bốc và đặt bát nhang thờ những vị thần mẫu trong trường hợp những người bị ốm đau đến cầu khẩn. Lễ nầy được cử hành ngày lối cửa chính vào đền thờ. Sau khi bốc, bát nhang được đặt tại cửa đền Mẫu vào những ngày rằm, mồng một với mục đích là ngăn ngừa và đẩy lui mọi bệnh tật cho thân chủ. Lễ tôn nhang được tổ chức như sau: trong trường hợp tín đồ đồng bóng thấy mình gặp nhiều điều không may hay đau ốm liên miên, làm ăn thất bại, bị lường gạt, tai ương trùng trùng, thất cơ lỡ vận,vợ chồng ly tán, con cái phá phách... thì phải "ra đầu" các quan mới khỏi.
Trước hết, tổ chức lễ đội bát nhang, dâng sớ, nêu rõ căn cơ, phủ nào, quan cai đồng là ai... nói chung trình bày mọi việc liên quan đến thân chủ và người chủ lễ. Vị chủ lễ đọc sớ, trình lễ, cầu khẩn và mong được Mẫu chiếu cố. Người đội bát nhang ngồi xếp bằng trước giá hầu; hai tay ngữa lên bắp vế, mắt nhắm, đội khăn phủ diện màu đỏ. Trên đầu dùng chân nhang tròn để đỡ bát nhang. Những người phụ thì giữ bát nhang cho khỏi đổ xuống. Cho đến khi nào, cung văn đàn hát và người đội bát nhang bắt đầu đảo tức là ứng nghiệm. Khi đảo nhanh tức là ứng nghiệm. Lễ xong, bát nhang được mang về nhà đặt trên bàn giữa nhà trong vòng một tháng.
Lễ trình đồng:
Trình đồng tức là trình diện con đồng với chư Mẫu.Cuộc lễ tổ chức trong vòng ba hôm, gồm có lễ mở đàn, lễ trình Mẫu và lễ tiễn đàn. Trong mỗi buổi lễ đều có hầu bóng, cung văn đọc sớ tâu, đồng nhập và phán xét.
3- Hát dẫn đồng: Một trong những loại tôn giáo hay hát thờ quan trọng nhất của người Việt là hát chầu văn. Những loại hát tôn giáo ở khắp ba miền đều có những tính chất khác nhau tùy theo phong tục thờ cúng, nhân vật thờ phụng và giai điệu của từng vùng. Hát chầu văn cũng như những lối hát tôn giáo khác là một nghi lễ quan trọng dùng trong tế tự.
Hát chầu văn mang nhiều tính chất bình dân hơn là hát cung đình. Tại những đền thờ trong nước như Điện Hòn Chén tại Huế, đền Phủ Giày tại Nam Định, điện Linh Sơn Thánh Mẫu tại Tây Ninh, đền Bà Chúa Xứ tại Châu Đốc, đền thờ Man Nương tại chùa Dâu, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, đền Công Chúa Thượng Ngàn, hằng năm đều tổ chức ngày cúng bái, lên đồng bóng.
Theo những nhà phân tách nhạc học thì đây là một thể loại ca nhạc phù pháp (lamaism), bùa chú (tantrism) của nhiều dân tộc khác thường dùng; mà ý nghĩa chính là tham gia công cuộc biểu dương, tôn thờ thần thánh, nhưng lại có giá trị thôi miên những người đóng vai chính trong việc đồng bóng, bằng ba nguyên tố căn bản là âm điệu bài hát, nhịp điệu điều hoà và nhất lànội dung của lời ca. Thái Lan, Ấn Độ, Tây Tạng, Kampuchia, những sắc tộc ít người miền núi Việt Nam cũng có những loại hát tôn giáo này.
Những nhà dân tộc học cho rằng: theo những tập tục tín ngưỡng của người bình dân Việt Nam, nhất là phụ nữ thôn quê cũng như thành thị, ngày trước họ thường tin tưởng và lo sợ trước sự hiện diện vô hình của những vị thần tiên, chư thánh, những vong hồn uổng tử thường hay lảng vảng chung quanh mình; những nhân vật huyền thoại nầy, theo họ thường hầu hạ chung quanh một đấng thần linh nào đó, đồng thời cũng có sức mạnh vạn năng chi phối tất cả những sinh hoạt của con người. Đó là đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, như thường thấy trong những trung tâm lên đồng bóng.
Điệu kể hạnh: Trong những thể điệu hát tôn giáo còn có lối kể hạnh cũng mang tính chất tương tự như thế. Kể hạnh tức là kể lại sự nghiệp, công năng, pháp thuật của những cao tăng thiền đức. Chẳng hạn như sự tích Ngài Pháp Loa, Trúc Lâm Tam Tổ, Từ Đạo Hạnh... Tại những ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm, trong những ngày giỗ tổ, thường có tổ chức kể hạnh.
Văn kể hạnh là lối văn khá phổ biến trong những chùa chiền Việt Nam. Trong lúc kể hạnh, nhóm biểu dương phân chia ra làm hai phần: phần rước tổ giành cho những vị cao niên lên tiếng chiêu hồn; phần tán dương công đức thuộc về những cô gái có giọng hát trong trẻo. Bên cạnh đó thì có những thấy căn cứ trên những bản Khoá Hư Lục và Tam Tổ Thực Lục để sửa chữa hay bổ sung lại.
Một trong những áng văn Kể hạnh nổi tiếng nhất có nhan đề An Tử Sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh. Nếu so sánh thì lối kể hạnh chú trọng về nội dung giáo lý trong khi đó thì chầu văn lại chú trọng đến giai điệu quyến rủ, biến chuyển không ngừng tùy theo người lên đồng đang ở trong tư thế nào. Những người tin theo đồng bóng cho rằng: trong thế gian nầy có ba cảnh giới khác nhau mà hồn phách của con người lần lượt phải trải qua: thiên đình, âm phủ và thủy phủ. Những vị thần linh trên thủ trong ba cảnh giới nầy có nhiều quyền hành vô thượng, mang những danh hiệu là Tứ Đại Thiên Vương, Nhị Thập Bát Tú, Thập Tam Hoàng Thái Tử, Ngũ Vị Vương Quan.
Chẳng hạn như tại điện Hòn Chén ở ngoại ô kinh thành Huế thì chầu văn thường gọi hồn của bà Thiên Y A Na, gốc Chiêm Thành; sau đó thì lại chuyển sang Phật Bà Nam Hải theo sự tích Việt Nam. Những cung văn phải sành nhiều loại nhạc khác nhau, sành về đàn,có giọng quyến rủ và biết tùy theo lúc để chuyển điệu không ngừng. Những cô Đồng, bà Đồng hay ông Đồng đều sành những lối múa kiếm, chèo thuyền, nhập xác thần linh khá nhanh chóng, Họ trở thành những người hầu bóng khá điêu luyện, và có thể nhanh chóng nhập xác vào các Ông Hoàng, Bà Chúa, đồng Cô, đồng Cậu.
Hát Chầu Văn
Hát văn: Hát văn là một hình thức diễn xướng dân gian, thường diễn xướng trong tín ngưỡng Tứ Phủ. Hát văn được phân chia ra làm hai loại: loại hát thờ và lọai hát thi. Hát thờ là loại hát nghi lễ, thường diễn ra khi lên đồng. Nội dung kể về sự tích của các nhân vật thần linh thờ phượng. Hát thi chỉ tổ chức vào tiệc mẫu đền Sòng hay tiệc Phủ Giày.
Mỗi khi hát văn và trình diễn minh họa vị thần, gọi là giá đồng. Hát văn được quy định chặt chẻ về làn điệu, nội dung và hình thức. Tuy nhiên hát văn lại không gò bó trong cách ứng đối Một bài hát chầu văn bao giờ cũng được phân chia ra những đoạn chính như sau: Phần nhập đề khi dâng hương và chiêu hồn mau chóng trở về để nhập xác.
Đọc lời phán của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phần chuyển đề trình bày tâm thành, ý nguyện, xưng tán công đức. Phần chính ca ngợi những nét đặc thù của ông Hoàng, bà Chúa, Thượng Ngàn, Thủy Cung, Thiên Đình, công đức vô lượng của đức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phần khuyến lễ hướng dẫn những con công đệ tử hết lòng cầu nguyện để con đồng chóng nhập. Qua những bài chầu văn đó thì các vị thần linh nầy, theo họ, có khả năng che chở, bảo vệ cho con người (những người cúng tế), để chống lại những loài yêu tinh, ác quỷ thường hay quấy phá.
Tuy nhiên, trong trường hợp muốn dễ dàng tiếp cận với những vị thần linh nầy, thì phải cần qua một nhân vật trung gian giữa thần và người: đó là những vị thuật sĩ, đạo sĩ, thầy phù thủy (cao tay ấn) những ông đồng, bà cốt có nhiều khả năng đặc biệt. Từ việc nhờ đến những người trung gian để thay mặt mình cầu xin những vị thần ban ân đức cho mình, đồng thời cũng tự nhận vai trò của mình là con công, đệ tử (tức là người hầu bóng) của thần linh, họ thường theo những nghi lễ, cúng bái, lập điện thờ uy nghi, lên đồng bóng, cúng cô hồn, và trong những thứ lễ nghi phức tạp, thì nhạc hầu văn đã đóng vai trò chiêu hồn rất quan trọng.
Thể điệu: Sáu điệu chính trong hát văn là: Bỉ: tiết tấu, trường độ không rõ ràng, mang tính ngâm ngợi, dùng làm phần mở đầu của các văn bản hát thờ. Dọc: nhạc khúc chiết, kết cấu rõ ràng. Cờn: chia hai loại: Cờn xuân và cờn oán. Cờn xuân là giòng nhạc trữ tình; cờn oán có tính buồn thảm.
Phú: nhạc chậm rãi, ngâm ngợi, nhịp điệu tự do,nhả chữ rõ ràng. Xá: nhạc có tiết tấu nhanh, vui, trữ tình, thường dùng để miêu tả các động tác múa trong hầu đồng, như múa mồi, hái hoa, múa quạt. Trong khi chầu văn chuyển sang giai đoạn nhập bóng, thì người cung văn đã bắt đầu chuyển thể điệu, từ hát dọc chuyển sang hát giọng cờn, rồi từ giọng cờn chuyển sang giọng phú, giọng dựng.
Theo những nguyên tắc chuyển điệu thì giọng cờn có nghĩa là tán dương công đức; giọng phú là trình bày những tài năng khác thường; giọng dựng là mô tả các khả năng siêu phàm để có thể giao cảm với con công, đệ tử đang cầu đảo. Những cách chuyển hệ nầy khá linh hoạt và người chầu văn dựa theo trình tự và cách ứng đồng để thay đổi. Những người vào đồng theo bóng cậu hay bóng ông thì chuyên về giọng phú hơn là giọng cờn và giọng dọc. Trên nguyên tắc căn bản thì lên đồng là cách biến thân hay hóa thân. Biến thân là đổi thân phận của mình, từ người bình thường ra kẻ thoát tục.
Hoá thân là chỉ vay mượn trong chốc lát một thân phận rồi sau đó chuyển sang thân phận khác. Chẳng hạn như chuyển từ Thánh Mẫu Thiên Y A Na sang bà Chúa Thượng Ngàn, bà Mẫu Thỏa, bà Chúa Xứ, Man Nương, Liễu Hạnh Công Chúa hay Kim Sơn Thánh Mẫu. Những thể điệu biến thân hay hóa thân đều dựa theotinh thần của người ngồi đồng, khi vui cũng như khi buồn. Mới nhập đồngthì giọng vui, khi tả tâm trạng cứu nhân độ thế thì chuyển sang giọng buồn. Nhạc cũng chuyển theo; khi giọng vui thì dùng đến giọng Bắc như: phú bình và phú dựng.
Phú chênh là phần chuyển tiếp từ vui sang buồn.Giọng buồn thì hát theo loại phú sầu và phú ai theo giọng Nam. Những thể điệu khác trong chầu văn tại Huế, Thừa Thiên thì gồm có: thể thỉnh nguyện, thể dâng hương, thể đổi nhịp, thể đảo và thể oán. Thể Thỉnh Nguyện dùng khi mới vào cuộc lễ đồng; thể Dâng Hương khi những con đồng đã nhận lễ vật; thể nhịp trình bày lời cầu nguyện, mong ước; thể Đảo là mong đạt được những giải đáp cần thiết cho người xin bóng;thể Oán trình bày sự tiếc nuối chưa dâng đủ lễ nghi để chóng lành bệnh. Cứ mỗi thể như vậy có hàng chục bài hát khác nhau. Theo nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba trong tài liệu "Hát chầu văn Huế", tính ra có trên 200 bài hát chầu văn được tìm thấy. Mỗi bài được đặt tên theo những chữ trong câu đầu của bài. Nhịp điệu chầu văn cũng phải thuận theo thể điệu; có khi là nhịp hai chữ chồng tréo có khi là ba nhịp hoà ca có khi là bảy nhịp trải đều (Tạp Chí Sông Hương).
Trong chầu văn, vai trò người cung văn vô cùng quan trọng trong việc dẫn nhập toàn bộ phiên chầu đồng bóng. Trong Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính cho biết tình trạng như sau: Bọn Cung văn đàn ngọt hát hay, thì đồng ban thưởng cho tiền, cho lộc; Nịnh hót khéo nữa thì cókhi đồng cởi cả ruột ban cho. Khung cảnh hầu đồng của con công, đệ tử(hầu đồng) khá phức tạp khi chầu chực nghe lời phán của con đồng: đồng phán ra những tiếng ỏn a ỏn ẹo mà truyền bảo người có bệnh; có khi đồng làm ra mặt giận hờn vì nhà chủ không thành, thì các người hầu bóng bên cạnh lại kêu kêu, khấn khấn, van van, lạy lạy, tâu trình cho được lòng đồng thì đồng lại hả hê truyền phán. Khung cảnh cứ thế mà thay đổi không ngừng.Tại những đền miếu có sự phối tự giữa việc thờ Phật và thờ Mẫu, thì thời điểm cúng tế không theo hạn kỳ nhất định.
Chẳng hạn : những ngày lễ chính trong năm vẫn là lễ Nguyên đán, vía DiLặc, ngày lễ Phật đản, lễ Xá tội vong nhân. Sự phối hợp thờ cúng nầy đã lôi cuốn nhiều tín đồ tin tưởng khác nhau và trở nên đa dạng. Có trường hợp khác biệt theo định kỳ hàng tháng; chẳng hạn như tại chùa Nam Nhã (Cần Thơ), đền thờ Mẫu tổ chức cúng tế mỗi tháng ba lần: ngày mồng 1, ngày 11 và ngày 21 âm lịch. Nhưng tại những chùa người Hoa, có thờ bà Thiên Hậu, thì ngày lễ vía lớn nhất trong năm nhằm ngày 23 tháng 3 âm lịch.
Ở những đền miếu khác,như ở Dinh Cô (Long hải, Bà Rịa), ngày hành lễ chính thức trong năm kéo dài từ 10 đến 12 tháng hai âm lịch.Trình tự tổ chức: Cũng như cách thờ cúng khác nhau của mỗi chùa, trình tự tổ chức các buổi lễ cũng không giống nhau. Tại nhiều đền thờ ởBến Tre, những nghi thức lễ lượt không khác gì với những lễ cúng khác, nhưng bao giờ cũng có hát bóng rỗi kế tiếp. Tại Long An, thông thường những lễ cúng đền miếu có thờ Mẫu (chính hay phụ) hay tại nhà riêng, sau nghi lễ chính thức, thường kèm theo hai lễ tục khác: hát bóng rỗi và diễn chặp Địa Nàng. Tại tỉnh Định Tường, lễ tục tiếp theo là đồng bóng. (Theo Đại Nam Nhất Thống Chí).
Múa Đồng Bóng
Trên bình diện chung thì có lẽ múa tôn giáo của người Việt không thể không có những tính chất chung của múa tôn giáo ở các nền văn minh nông nghiệp phương Đông. Tín ngưỡng dân gian là một trong những hình thức sơ khai của cáctôn giáo, cho nên trong số những loại múa tôn giáo trong thời cổ của một số địa phương, trước hết phải kể đến: múa ma thuật, múa lên đồng.
Trong Đạo Giáo có những yếu tố trong nền tín ngưỡng dân gian. Khi tôn giáo phát triển từ đa thần đến độc thần và các tôn giáo được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo đã dần dần chiếm địa vị quan trọng trong tâm linh của người Việt. Cũng như Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, Đạo Giáo cũng có những nghi thức cần thiết và những thể điệu trong khi hành lễ. Những thể điệu và nghi thức nầy trong Đạo Giáo cũng mang ý nghĩa là những tín hiệu thông tin giữa người và thàn linh trong Đạo Giáo. Theo một số quan niệm của người xưa, thì những phù thủy hay những ông đồng, bà cốt là những người giữ chức năng về tín hiệu thông tin đó. Những điệu muá: Tất cả được phân chia ra làm 8 loại múa lên đồng bóng:
(a) Múa kiếm : được dùng khi những quan lớn nhập vào con đồng. Những quan lớn được phân chia ra làm 4 loại: Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ. Khi múa kiếm thì phải có hai nhạc cụ phụ theo: đó là trống và beng beng. Quan trọng nhất trong múa kiếm là những động tác về tay. Chẳng hạn gác hai kiếm lên hai vai; chéo kiếm trước mặt, vừa múa vừa nhảy; dắt kiếm trở vào thắt lưng.
(b) Múa mồi : dùng những nhang đèn trong khi múa. Múa Mồi chỉ dùng trong trường hợp hồn nhập là mẫu Đệ Nhất Thiên hay trong trường hợp múa Chầu Bà. Mồi thường làm bằng giấy có tẩm thêm nến để bắt lửa, rồi sau đó xoắn theo kiểu dây thường, dài khoảng 2 tấc tây là vừa. Múa mồi cũng là loại múa đơn và không có kết cấu nào cố định cả.Những động tác chính trong loại múa nầy là: chéo tay trước ngực,hoa tay cầm mồi, uộn bàn tay trong các thế (tay thấp, tay cao; hai tay dang ngang hình cữ V...) đồng thời cũng kết hợp với những động tác nhảy từng bước ngắn; tất cả đều theo nhịp phách và trống.
(c) Múa chèo đò thường thể hiện trong khi con đồng thế thân cho cơ "Bơ Thoải". Văn chèo đò thường theo một thể điệu đặc biệt. Danhtừ "Bơ Thoải" là tiếng đọc trại ra và gọi tắt của Ba Thủy. Theo cách múa nầy, thì hai tay của con đồng cầm hai mái chèo, bên trên có buộc hai sợi chỉ màu đỏ. Cô đồng Bơ Thoải chống vào máichèo để múa. Những động tác chủ đạo bao gồm có: hai mái chèo rời;hai mái chèo nhập một. Những bước múa là: bước nhún tới, bước lùi lui, bước khoả chân,bước đá lùi. Loại nầy cũng thường là múa đơn nữ và không có kết cấu theo quy định sẵn
(d) Múa quạt thường thực hiện khi chầu đồng Đệ Tứ Khâm Sai Thượng Thiên. Đây cũng là loại múa đơn nữ, không theo một kết cấu nhất định nào cả. Loại nầy là điệu múa tôn giáo thuần túy của dân tộcViệt Nam. Quan trọng hơn hết là sự kết hợp những động tác của quạt với động tác nhảy chéo chân. Động tác của quạt thì gồm có: guộn quạt lại, giật quạt lên xuống, quay quạt theo vòng tròn hay bán nguyệt.
(e) Múa cung thường thể hiện khi xác động nhập là ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy hay ông Hoàng Ba. Một tay thì cầm cung, đồng thời chân nhảy theo một vòng tròn. Khi vừa quay cung thì mắt cũng hướng về phiá trước như tìm mục tiêu. Khi phát hiện được mục tiêu rồi, thì rút một que nhang lắp vào cung và quỳ xuống để bắn ra. (f) Múa thanh long chỉ dùng khi xác đồng là Quan Lớn Tuần Tranh (tức là Đệ Ngũ Long Vương) Múa thanh long thường có các loại trống to nhỏ đệm theo.
(g) Múa hèo thường có trống đệm theo qua những khúc múa. Những người múa thường phải theo một thế võ. Mỗi ông Hoàng đều phải dùng thế võ khác nhau.
Múa lân là phần sau cùng cũng là phần ngắn nhất trước khi chấm dứt buổi lễ. Bà đồng ngồi xuống chiếu trong khi đó thì những côhầu mời trà nước, bánh trái. Nhiều nơi giản lược tùy hoàn cảnh và phạm vi tổ chức.
Phân Loại
Những vị Mẫu nhân thần được phân chia ra làm hai biệt loại: Những vị Mẫu vốn là những nhân vật lịch sử có thực như Y Lan Hoàng thái hậu (đời Lý), bà Phạm Thị Ngọc Trần hoàng hậu (đời Lê). Loại thứ hai là những vị có gốc gác là những nhân vật huyền thoại như: công chúa Liễu Hạnh, bà mẹ của Phù Đổng Thiên Vương, bà Âu Cơ... Cũng có thể phân chia theo tước hiệu, theo ba loại khác nhau:Vương Mẫu, Quốc Mẫu và Thánh Mẫu.

a- Vương Mẫu

Vương Mẫu là vị Mẫu có liên quan đến vua chúa trong triều đình, dù là thực chất hay là huyền thoại. Chẳng hạn như bà mẹ của thánh Gióng, được tôn thờ là Đổng Xung Thiên Thần Vương Mẫu. Hiện nay đền thờ của bà được tổ chức, xây dựng rất hoành tráng tại xã Thị Cầu, thị xã Bắc Ninh. Căn cứ theo thần phả còn được bảo lưu tại ngôi đền thờ nầy thì bà là người nghèo khổ ở làng Phù Đổng (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội).

b- Quốc Mẫu

Những vị Thần Mẫu được dân chúng xưng tụng là Quốc Mẫu, thậm chí một số được triều đình trước kia sắc phong nổi tiếng là: Bà mẹ trong huyền thoại Âu Cơ. Căn cứ theo truyền thuyết ghi lại thì mà là "mẹ của tất cả con dân nước Việt", được ca tụng là Mẫu của cả nước nên được gọi tên là Quốc Mẫu. Nhiều sách sử khác lại gọi Âu Cơ là mẹ của giống giòng. Tương truyền bà là vợ của Lạc Long Quân, đẻ ra bọc trăm trứng (thần Bách Noãn) ở vùng rừng núi Cố Tích (trong khu vực đền Hùng ngày nay). Bọc nở ra một trăm người con; trong số 50 người theo Lạc Long Quân về miền duyên hải; trong khi đó thì 49 (hay 50) người con khác thì theo bà Âu Cơ lên núi. Người con trưởng nhận nhiệm vụ dựng lên nước Văn lang, tức là vua Hùng Vương thứ nhất. Khi nhận thấy phong cảnh trong vùng đất Hiền Lương tươi đẹp, cây cối sum suê, cuộc sống có thể đảm bảo, Mẹ dừng chân, cho đẵn gỗ chò để dựng nên nhà cửa,lập cơ nghiệp tại đây. Những đoạn sử thi chép về giai đoạn nầy trình bày như sau "Mẹ gọi nước Ghềnh Hạc dội về. Mẹ gọi gió Chằm Lâm thổi ngược trở lại. Mẹ uốn sông Cái chảy đằng trước, xếp núi non trùng điệp ở đằng sau. Mẹ bảo con cháu khơi thêm ngòi Văn Thủy bên trái, khơi ngòi Đại Lương bên phải. Mẹ bảo dân đào thêm Ao Muội và Móng Muội để thả cá. Mẹ dạy dân đắp những gò trồngcây; như Gò Cám, Gò Thị, Gò Xung. Mẹ tìm ra hạt lúa. Mẹ dạy dâncấy cày. Mẹ dệt vải che thân. Mẹ dạy nhồi bột với nước mía làm bánh voi..."
Đoạn trên đây được ghi trong thần phả. Cũng là đề tài trong những khúc hát dân gian. Như vậy, mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đã trở thành thủy tổ của Bách Việt. Tuy nhiên, bà Âu Cơ thì được thờ phụng ở nhiều nơi,trong khi đó thì đền thờ Lạc Long Quân chỉ được thờ duy nhất tại là Thuỷ Xá, vùng duyên hải Thái Bình. Theo những tục lệ thờ cúng,thì việc thờ bà Âu Cơ giống như thờ cúng tổ tiên trong tập tục,chứ không theo một dòng tín ngưỡng nào như phong tục thờ các vị thần gốc của nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á. Khi thờ cúng mẹ Âu Cơ được đặt tại đền, thì gọi là đền Quốc Mẫu. Tính ra có 12 đền thờ theo hệ thống nầy. Ngoài ra, một viện dẫn thứ hai nữa, khiến cho mẹ Âu Cơ trở thành Quốc Mẫu vì bà là mẹ của vua Hùng Vươngthứ nhất trong lịch sử. Theo quan niệm cổ truyền thì bà Âu Cơ là vị Mẫu nghi trong thiên hạ. Việc nhận định nầy nầy đã mấy nghìn năm đến nay trong tín ngưỡng vẫn không thay đổi.
- Một vị Quốc Mẫu khác cũng được thờ cúng nhiều nơi là Huyền Thánh Mẫu, tức là bà Phạm Thị Ngọc Trần. Bà là người vợ cả của vua Lý Thái Tổ (Lê Lợi). Thần phả viết: Bà là người ở xã Quần Đội, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hoá, làm vợ Lê Lợi ngay khi chưa có cuộc khởi nghĩa đất Lam Sơn. Trong thời kỳ chống lại quân nhà Minh, bà phải di chuyển không ngừng, lặn lội hầu chồng, phải trải qua không biết bao nhiêu cảnh gian truân. Năm Ất Tỵ (1425) Lê Lợi đem quân vào đánh lấy đất Nghệ An, khi nghỉ đêm tại xã triều Khẩu, nằm mộng thấy thần nhân đền Phổ Hộ (Lam Sơn) đến xin một người tỳ thiếp, hứa giúp đánh thắng quân giặc. Sáng sớm ra Lê Lợi đem câu chuyện ứng mộng hỏi các bà vợ, thì mọi người đều lo ngại. Riêng bà Trần thì vui vẽ nhận lời. Trong lần ấy, quả nhiên bà chết tại trận, nhưng Lê Lợi thì chiến thắng vẽ vang trong những biến chuyển trận địa không thể ngờ tới được, mà nhiều người cho là có thần giúp đỡ. Linh cữu của bà được đưa về, tới xã Thịnh Mỹ thì nghỉ lại qua một đêm, kiến đùn lên phủ lấy áo quan thành một đống trông như ngôimộ. Lê Lợi nghĩ đến chuyện nằm mộng trước đây, liền cho dựng đền thờ, sắc phong mỹ tự là Hiếu Nhân. Đến năm 1434, vua Lê Thái Tông lên ngôi, truy tôn mẹ là Cung Từ Quốc Thái Mẫu. Năm Thiệu Bình thứ tư (1437) lại truy tôn thụy hiệu là Cung Từ Quang Mục Thái Mẫu, lập đền thờ Cung Từ hoàng hậu ở xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hoá.
Một trường hợp đặc biệt: một vị nữ lưu Trung Hoa được thờ cúngvà trở thành Quốc Mẫu: đó là hoàng hậu vua Tống Độ Tông được triều đình tôn phong là Quốc Mẫu, cũng nằm trong trường hợp tương tự. Thần tích chép: vào cuối niên hiệu Trùng Hưng (1278 - 1279) quân Tống bị quân Mông đánh tan ở Nhai Sơn; vua Tống Bính phải đem gia quyến và bề tôi gồm hơn 800 người lên thuyền trốn ra biển. Trong khi thế cùng, lực tận, lại bị quân giặc đuổi theo gấp, vua tôi đã nhảy xuống sông tự tử. Tử thi thái hậu họ Dương và ba nàng công chúa trôi dạt vào cửa Cờn ở huyện Quỳnh Lưu; sắc mặt của họ vẫn hồng hào như khi còn sống. Dân chài lưới ở đây cho là linh dị,chôn cất tử tế và lập am để thờ phụng. Phàm những người vào lộng ra khơi, dân chài lưới hay những người làm nghề đi biển thường đến cầu khấn ở đền. Họ đều được độ trì bình yên.Khi vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, qua cửa Cờn,đêm nằm mộng thấy một nữ thần đến khóc lóc, tâu với nhà vua rằng: "Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, lại gặp sóng gió nên trôi dạt đến đây. Bấy lâu thần thiếp được Thượng Đế cho làm Thần Biển. Nay bệ hạ đem quân đi chinh phạt phương Nam thì thần xin được lập công". Khi tỉnh dậy nhà vua ngạc nhiên,liền cho gọi những vị bô lão trong vùng đến hỏi ngọn ngành vềtrường hợp nầy, rồi sau đó đã làm lễ kính tế. Khi lên đường, mặc dù trong mùa giông bão không ngừng, nhưng lại được sóng yên biển lặng, và sau đó chiến thắng vẽ vang tại thành Đồ Bàn.Đến lúc trở về, nhà vua lại sai quan Hữu ty lập đền thờ, sắc phong là Thượng đẳng Quốc Mẫu Vương bà, tứ vị Thánh nương. Về sau, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành (1469) qua cửa Cờn cũng đã vào đền thờ nầy để cầu đảo. Đến khi trở về, thuyền ngự đi qua cửa Biện, bỗng nhiên gió đông nổi lên, khiến cho thuyền bè đều phải theo chiều gió cuối cùng quay lại trước cửa đền. Nhà vua hạ lệnh làm lễ tế, lại sai quan lại địa phương tu sửa đền miếu,gia phong thêm phẩm trật cho Thần; nhân đó, gọi chỗ thuyền quay lại là xã Hồi Chu.
Trong hệ thống thờ những vị thần Quốc Mẫu, cũng có trường hợp đặc biệt: có vị không phải là mẹ vua, vợ vua, nhưng cũng được gia phong; đó là Diệp Phu nhân được suy tôn làm Quốc Mẫu Thánh ân.Đền thờ của bà lập ra ở xã Bách Lãm, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Thần phả không ghi rõ công đức của vị Quốc Mẫu nầy.Trong trường hợp đa số những vị được tôn phong làm Quốc Mẫu - dù trong thực tế hay trong huyền thoại đều là những phụ nữ có chồng,có con, tuy nhiên trường hợp của ba nàng công chúa con vua Tống Bính chưa hề làm vợ, làm mẹ, nhưng liên hệ với bà thái hậu họ Dương cũng vẫn được phong là Quốc Mẫu. Hàng năm, dù là dân sống bằng nghề ngư phủ, đi thuyền buôn hay không, cũng đều tôn kính, lễ bái và ái mộ những vị nầy.
Về Quốc Mẫu còn nhiều biệt lệ khác nữa; chẳng hạn như vị Thần Núi cũng được tôn phong làm Quốc Mẫu; đó là trường hợp thần núi Tam Đảo. Theo thần phả ghi lại tại đây thì vị Sơn nữ Thần linh Tam Đảo đã đem 3,000 quân xuống ngã ba Bạch Hạc tử chiến với quân giặc phương bắc xâm lược, giải nguy cho nước Văn Lang đời vua Hùng. Khi đã chiến thắng quân giặc, vị nữ thần núi nầy đã không chịu hưởng bỗng lộc của triều đình, từ chối mọi chức tước, trở lại với vùng núi thiêng. Vị thần nầy được sắc phong là Tam Đảo Sơn trụ Quốc Mẫu Thái phu nhân. Đền Tây Thiên được dựng lên trên đỉnh Tam Đảo. Nhiều huyền thoại chung quanh vị thần nầy; chẳng hạn như câu chuyện vua Hùng Vương thứ 17 đã đến vùng núi nầy, gặp nữ thần, lấy làm vợ. Dĩ nhiên chỉ là thoại, nhưng dân chúng vẫn tôn thờ và ghi trong thần phả.
Quốc Mẫu không hầu toàn là người trong đẳng cấp cao sang. Nhiều trường hợp đã thoát hẳn. Vào đời Lê Lợi, có đến năm bà Quốc Mẫu xuất thân là hạng nghèo nàn: bà mẹ bán dầu được thờ làm Quốc Mẫu trên núi Dầu, Thanh Hoá; bà lão bán nước vối làng Vàng (nơi thờ bà mang tên là đền Quốc Mẫu tại Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá); bà mẹ xé giải yếm (có đền thờ và một cánh đồng rộng mang tên là cánh đồng Mẫu Hậu ở Thọ Xuân, Thanh Hoá); bà mẹ bán rau (hiện còn có Bến Rau Quỳ ở xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, do vua Lê Thái Tổ đặt ra); bà Tân Thị Thắm ở làng Sặt, Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.
Tuy nhiên, dù trong giai tầng xã hội nào, địa vị nào, nhưng đã được tôn thờ là Quốc Mẫu (do triều đình ban phong), là đều mang những tính chất chung như sau: (a) Có những công trình cứu nhân độ thế. (b) Được dân chúng sùng bái, cầu khẩn hay triều đình sắc phong. (c) Dù trải qua bao nhiêu biến động xã hội, nhưng dân chúng vẫn dựng đền thờ và tu bổ không ngừng. (d) Hằng năm đều có những hội lễ lớn.Trong những cuộc gia phong Quốc Mẫu, có khi được tôn phong ngaytừ khi còn sống, nhưng khi chết đi, lại không được dân chúng lập đền thờ.
Đó là trường hợp của những người trong hoàng tộc, không được dân chúng quan tâm đến và cũng không liên hệ gì với dân gian cả như bà Trần Thị Dung, mẹ của Lý Chiêu Hoàng (tức là mẹ vợ của Trần Cảnh, vị vua đầu tiên trong triều nhà Trần; và cũng là mẹ vợ của Trần Liễu, thân phụ đức Trần Hưng Đạo. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép: Trần Thị xưng tán là Quốc Mẫu, vốn tước hiệu của Ngô phu nhân, tức là Hoàng hậu. Thái Tôn thấy Linh Tư đã từng làm Hoàng hậu của Lý Huệ Tôn, không nỡ gọi công chúa,cho nên phong làm Quốc Mẫu, cũng là tên gọi riêng của Hoàng hậu.

c- Thánh Mẫu

Ngoài Vương Mẫu, Quốc Mẫu ra, một số còn được tôn phong làm Thánh Mẫu, với ý nghĩa của bậc thần thánh. Sau đây là những trường hợp của Thánh Mẫu: Bà Y Lan, nguyên phi của vua Lê Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông.
Bà có tài tham gia quốc sự. Đương thời, khi vua Lý Nhân Tông mới 7 tuổi, bà đã cùng với Dương thái hậu buông rèm nhiếp chính, xét các công việc cùng với thái sư Lý Đạo Thành. Trong giai đoạn nhiếp chánh, bà từng thi hành chính sách giúp đỡ cho dân nghèo, khuyến khích dân chúng chăm lo phát triển nghề nông,nghề trồng dâu, chăn tằm. Sử chép: vào năm Long Phù thứ 3 (1103),thái hậu đã phát tiền trong kho nội phủ để chuộc những người con gái đã phải bán đi, đem gã cho những người goá vợ. Bà từng khuyên vua Lý Nhân Tông xuống chiếu định việc cấm giết trâu bò một cách bừa bãi, để dùng trong việc cày bừa. Thành thử, bà được dân chúng khắp mọi nơi ngưỡng mộ. Khi bà qua đời, nhiều địa phương trong nước đã lập đền thờ, để tỏ lòng biết ơn đức độ của bà. Tại đền thờ Yên Thái, vốn xưa là cung cũ của bà, có trên bức hoàng phi,đề từ "Lý Đại Mẫu Nghi".
Công chúa Liễu Hạnh mà sự tích và huyền thoại đã được nhiều người biết đến. Theo phần nhiều sách sử chép lại thì bà là con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi, bị đày xuống trần gian, thác sinh vào nhà họ Lê từ đời Thiên Hiệu (1557). Bố mẹ đặt tên cho nàng là Giáng Tiên, gả chồng năm 18 tuổi. Ba năm sau, khi nợ trần đã dứt,bà được gọi trở về trời, nhưng vẫn nhớ chồng con; thành thử Ngọc Hoàng lại phải cho nàng trở lại miền hạ giới. Nàng trở về thăm và sắp đặt lại gia đình, nhưng không lưu lại. Sẵn có phép nhiệm mầu khi hiễn thánh, bà thường vân du khắp nơi. Bà cũng thường ban nhiều ân đức cho nhiều người nghèo khổ khi cần đến bà.Nhưng rồi thời gian gia hạn cũng đã qua, bà lại xin Ngọc hoàng gia hạn thêm nữa. Nàng đã giáng sinh về vùng Phố Cát - Thanh Hoá,rồi sau đó ở vùng núi Sòng. Tại đây, triều đình cho quân lính đến tiễu trừ, vì cho bà là giống yêu quái. Nàng đã dùng phép thuật để chống lại, khiến cho quan quân triều đình thất bại. Về sau,nhà vua phải cầu viện vị đạo sĩ là Tiền Quân Thánh mới chinh phục được Nhưng đức Phật đã hiện ra để cứu bà. Thành thử, triều đình phải lập đền thờ, tôn là Mã Hoàng Công chúa, rồi sau đó được tônphong thêm là Chế Thắng Đại Vương. Vị nữ thần nầy rất linh thiêng, thường ban ân đức cho dân chúng,cho nên được mọi người tôn là Thánh Mẫu.Cũng theo những đoạn ghi chép trong thần phả thì vị Thánh Mẫu nầy cũngđã góp công đánh giặc ngoại xâm, cũng như đã giúp nhà vua trừng phạt một số người phản nghịch. Ở Vụ Bản (Phủ Giầy) Thạch Thành(Phố Cát), Hà Trung (Đền Sòng), dân chúng địa phương đã góp công của dựng lên những ngôi đền thờ lớn. Hằng năm đều mở hội phụng thờ vị Thánh Mẫu nầy. Những dịp lễ thường có tổ chức hội hè, rước kiệu, đồng bóng, phóng sinh, phóng đăng trong suốt một tuần lễ.Rất nhiều nơi khác trong cả nước đều xây điện thờ Liễu Hạnh CôngChúa.
Nhiều ngôi chùa lớn, được thiết kế theo kiểu "tiền Phật,hậu Mẫu" thì Liễu Hạnh Công Chúa được tổ chức cúng bái nhiều nhất. Theo giáo sư Trần Lâm Biền, trong giai đoạn suy thoái của Phật Giáo, nhiều ngôi chùa lại thờ thêm Liễu Hạnh Công Chúa, để thu hút tín đồ.Trường hợp Thánh Mẫu Ngọc Chi cũng được thờ phụng không kém. Bà tên là Diệp Thị Ngọc Chi, vợ của viên quan huyện, dưới thời cai trị của viên thái thú Tô Định.
Tên thái thú nầy đã sát hại chồng của bà, cho nên bà cùng với hai người con đã trốn đến vùng đấtYên Canh - Nhân Vũ (trong địa phận Vĩnh Phú ngày nay) tập hợp dân chúng lên đến hàng ngàn người, tham gia cuộc khởi nghĩa sát cánh với Hai bà Trưng. Sau khi chiến thắng vẽ vang, bà Ngọc Chi được phong là công chúa, người con cả được phong làm Tham tán, người con thứ được phong làm Điều vát tướng quân. Cả ba mẹ con về vùng Yên Canh -Nhân Vũ lập cung quán, đồn quân. Cả vùng đất rộng lớn, màu mỡ được khai phá, trồng trọt. Dân chúng được sống ấm no trong một thời. Thời gian sau đó bà và người con cả qua đời, dân chúng trong vùng thương xót lập đền thờ ngay tại chốn cung cũ. Khi Mã Viện kéo quân sang, người con thứ của bà chỉ huy quân lên biên ải, đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống ở trận tiền. Để tưởng nhớ công ơn của ba mẹ con bà, từ 2,000 năm nay, bà được tôn phong làm Thánh Mẫu, dân trong làng và những vùng lân cận thường hương khói thờ phụng. Từ các triều Đinh, Lê, Lý... bà được nhiều vị vua sắc phong tước vị và ban nhiều lời đẹp đẽ để biểu dương công đức của người Mẫu với non sông. Người con cả được các triều đình tôn là Hoàng Cả và phong tặng là Đại Vương Minh Láng Vũ ứng; người con thứ đượ tôn là Hoàng Mai, phong tặng là Đại Vương An Nghĩa. Cả ba vị đều được lập ba đền thờ, quanh năm dân chúng hương khói tưởng niệm.
Qua những chứng liệu kể trên cho thấy: những vị được tôn phong Thánh Mẫu dù xuất xứ nguồn gốc khác nhau, tuy nhiên, họ đều có điểm chung là những người phụ nữ giàu lòng từ bi, nghĩa hiệp,được dân chúng kính trọng và thờ phượng. Ngoài ra, sự hiễn linh của những vị Mẫu nầy cũng được mọi người xác nhận.Cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn như Thiên Hậu Thánh Mẫu. Nàng nguyên là con gái họ Ôn, người Phúc Kiến - Trung Hoa.Khi lên tám tuổi, nàng được phép học tiên; năng 12 tuổi thì luyện được kim đan, có biệt tài hô phong hoán vũ. Vị Thánh Mẫu nầy cũng từng bay ra ngoài biển khơi để cứu giúp cho những thuyền bè gặp hoạn nạn. Vào đời nhà Tống và nhà Minh được phong tước Luân Mẫu;đời nhà Thanh thì được phong là Thánh Mẫu. Những người Hoa chống lại triều Mãn Thanh, vượt biển ra đi đều thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu.Họ tin là Thánh Mẫu sẽ hộ trì những chuyến đi thành công.

Đền Phủ Giày ở tại làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là nơi thờ bà Liễu Hạnh Công Chúa.
Theo tục lệ trong vùng nầy thì hằng năm cứ đến ngày mồng một cho đến ngày mười tháng ba âm lịch tại đây thường tổ chức lễ hội Phủ Giày. Dân chúng trong vùng cũng như những nơi xa từ các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá đến dự lễ lên đến hàng trăm ngàn người. Một trong những nghi lễ thu hút nhất trong Hội Phủ Giày là chầu văn lên đồng bóng.Ở những truyện tích liên quan đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chúng ta thường gặp nhân vật nầy dưới nhiều dạng thức: môt người yêu, một người vợ, một người mẹ. Tất cả đều gần gủi với cuộc sống bình thường của mọi người. Thánh Mẫu Liễu hạnh hiện ra, khi là môt cô con gái, khi thì là môt nàng tiên (Giáng Tiên), khi là môt nữ sĩ(trong việc đối đáp văn chương với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan),khi là môt nữ tướng (giúp cho hai con đánh giặc) khi là môt vị Thần thưởng Thiện, phạt Ác (như việc chống lại quân binh chúa Trịnh quyết tiêu diệt đền thờ của Bà). Liễu Hạnh có hiếu theo Nho Giáo, có pháp thuật theo lão Giáo, lại có lòng từ bị hỹ xã, quy y theo Phật Giáo. Tuy nhiên, không môt tôn giáo nào có thể kìm hãm được những hành động của nàng được cả.
Nguyên nhân là vì: nàng là tiên nữ từ Thiên Cung. nàng vẫn cứ tồn tại, bất chấp tất cả mọi uy lực, luât lệ của vua Lê. Kể cả những lúc phải đánh nhau với những Thần Thánh nào đó, nàng cũng có trường hợp bị thua, nhưng kết quả vẫn là được tôn vinh, chứ không bị trừng phạt.
Tích:Theo Ngọc Phả được bảo lưu tại Phủ Giày thì tiểu sử của Liễu Hạnh Thánh mẫu được ghi chép đều đúng sự thực hoàn toàn, không pha trộn những huyền thoại như một số những nhân vật trong tục thờ Đạo Nội Tràng khác. Sự tích Liễu Hạnh Công Chúa được truyền miệng theo những nội dung khác nhau.Ngài sinh năm 1557 (triều vua Lê Anh Tông tức là Lê Thiên hựu đệ nhất), tháng Thìn, ngày Dần, giờ Dần. Tên thật của bà là Giáng Tiên, ái nữ của ông Lê Thái Công (Lê Công Chính) thân mẫu là Trần Thị Phúc, ở thôn An Thái, xã Vân Cát.Lê Công nguyên l7 dòng dõi họ Trần, nhưng vì hồi ấy nước Việt Nam ở trong tình trạng nhiễu nhương, nhà Hồ làm sự thoán nghịch, kế đến giặc Minh giả danh nghĩa "Phù Trần, diệt Hồ" đem quân sang xâm chiếm nước ta, cho nên những con chái họ Trần phần bị tàn sát, phần bị hành hạ rất nhiều. Gia đình ngài cũng như nhiều gia đình khác trong vùng phải đổi họ Trần ra họ Lê để tránh khỏi tai họa đó. Từ khi đổi họ Trần ra họ Lê, đến đời Lê Công tính ra được ba đời. Ông Thái Công vốn là người nhân hậu, thích làm việc thiện. Ông bà đã cao niên nhưng vẫn chưa con cái; về sau qua nhiều lần khấn đảo thì sinh được một trai. Năm sau đó thì bà Thái Công có thai đến 11 tháng vẫn chưa sanh ra. Bà đau ốm thường xuyên, ít ăn uống mà chỉ thích ngửi hương hoa. Người nhà nghi là bà bị tà ma ám ảnh, đi cầu khẩn nhiều nơi,nhưng sức khoẻ cứ suy nhược dần. Cho đến một hôm kia, vào tiết trung thu trong khi mọi người xem hoa,thưởng nguyệt, bỗng có một người ăn mặc rách rưới từ ngoài vào nhà ông Thái Công, tự xưng là có pháp thuật cao cường, có thể trị được chứng bệnh của bà Thái Công. Người nhà không tin, nhưng ông ta vẫn ân cần tiếp đón.Người lạ mặt nầy tiến vào giữa sân nhà, thò tay vào trong áo, rút ra một chiếc búa, nhảy lên trên đàn tràng, hò hét, ngữa mặt lên trời lâm râm tụng niệm. Trong khi mọi người đang phân vân hồ nghi, thì bỗng trông thấy người nầy hét to lên một tiếng, rồi ném mạnh chiếc búa vào chỗ Thái Công ngồi.Ông ta hoảng sợ, bất tỉnh nhân sự. Một lúc sau thì ông tỉnh lại dậy, và cũng ngay khi đó có tiếng trẻ khóc trong phòng của bà: bà ta sinh được một gái. Hương thơm bay ngào ngạt khắp nhà. Khi ngoảnh lại thì người lạ mặt cũng không còn thấy được nữa. Ông Thái Công cho biết: Trong khi mê man bất tỉnh thì thấy mình được dẫn đến một cung điện nguy nga của bà Vương Mẫu. Khi đó, một tiên nữ áo hồng sơ ý, đánh rơi chén ngọc, bị Vương Mẫu quở mắng. Tiên nữ bị giáng xuống trần và đầu thai vào gia đình của ông.Lê Công đặt tên người con gái nầy là Lê Thị Thắng. Tên riêng của nàng được dân chúng mệnh danh là Giáng Tiên, vì nàng có môt dung nhan kiều diễn, phảng phất tiên cách, đẹp như nàng tiên giáng trần. Giáng Tiên lớn lên, nhan sắc vô cùng kiềm diễm, học hành thông minh, có tài âm nhạc, soạn nhiều khúc từ phổ. Sống trong môt gia đình nền nếp, nho phong, sung túc, cho nên nàng đủ phương tiện theo đòi việc bút nghiên, thi thơ, kinh sử và nữ công: may vá, thêu thùa.Hồi bấy giờ Giáng Tiên thật là một thiếu nữ hoàn toàn nết na,duyên dáng, thông minh, lại có thiên tư về thơ phú và âm nhạc.Những khi rảnh việc trong nhà, Giáng Tiên thường dạo chơi quanh vườn nhà để ngâm thơ, vịnh phú và hoà nhạc. (Hiện nay vườn di tích ất vẫn còn ở phía sau phủ thờ mẫu tại xã Tiên Hương bây giờ). Về sau Giáng Tiên kết duyên với một thanh niên họ Trần, người ở thôn Vân đình, cũng thuộc xã Tiên hương, tên là Trần Đào Lang.Tục truyền rằng: Trần Đào Lang là môt cậu bé khi sơ sinh, không biết ai đem bỏ gốc cây đa đầu làng. Mưu hưu quan đã cao niên họ Trần không có con, người xã Tiên Hương, nhân đi dạo cảnh, bắt được,đem về nhà nuôi nấng và nhận làm nghĩa tử, lớn lên được sự rèn luyện của Trần Công, Trần Đào lang cũng có môt căn bản văn chương lỗi lạc hồi bấy giờ.Sau khi thành hôn, Đào Lang ra ý quyến luyến nơi phòng the, lộ vẽ trễ nãi việc học hành. Nhân lúc canh khuya dệt vải, Giáng Tiên làm mốt bài thơ 28 vị tinh tú, để khuyên chồng nên gắng sức trong việc kinh sử:"Nữ" nhan thùy vị viễn thư "phòng""Tất" bả "nguy" "tâm" định chủ "chương"Lân chẩn thất hư phân tích diệm,"Nguyệt" "đô" "mão" đốc tá "lầu" quang."Liễu" văn "tinh" bỉnh tu "tham" cứu"Cơ" truyền "ngưu" vĩ yếu tinh tường"Trủy" khoá "khuê" hàn tranh "quỷ" "đẩu"Võ môn "dực" vỹ sấn dương "cang".Sau khi nghe xong thì Đào Lang cũng đã họa lại môt bài thơ Đường luật có tên 28 vì sao để thông cảm với ý của vợ:Thôn "ngưu" quật "tỉnh" chí phương "cang""Cơ" thụ "sấm" truyền dĩ "tất" tường."Đẩu" "thất" "bích" đề kinh "qủy" đảm,"Nguy" "lâu" "khuê" vịnh động "tinh" quang."Dốc" tài thủy "vị" "đê" dương "liễu""Mão "dực' đa "tâm" "vỹ" bán "trương"Tố nhữ "thanh" "hư" ưng "chẩn" ngã,Quế chi "Nguyệt" "trủy" tuyển văn "phòng".
Ngay sau khi ấy, chàng Trần Đào lang trở nên chuyên cần với việc đèn sách như xưa.Giáng Tiên từ khi về nhà chồng, mọi cách đối xử với mọi người trên dưới rất thuân hoà, khiêm cung, nổi tiếng là người vợ hiền,dâu thảo; được môt năm sau sinh được một trai đặt tên là Trần Nhâm.Giữa lúc gia đình đang sống trong cảnh an vui, đầm ấm, thì Giáng Tiên tự nhiên lâm bệnh trong môt thời gian ngắn rồi qua đời. Năm ấy là năm 1578, ngày Mồng ba tháng Ba, thọ 21 tuổi. Mộ táng của nàng tại xứ cây đa Tiên Hương; hiện nay vẫn còn mô thời Giáng Tiên.
Năm 1938, những người trong họ Đào cũng với thiện nam, tín nữ thập phương đã góp công cửa để trùng tu lại thành môt ngôi lăng nguy nga tráng lệ như còn thấy hiện nay khi đến lễ bái.Người trong làng nghe câu chuyện nầy, nên lập đền thờ và gọi là Tiên Chúa.Hồn Tiên Chúa có lần về gặp chồng mình và cho biết hết mọi chuyện. Tiên Chúa rất linh thiêng và cứu giúp nhiều người. Tiên Chúa thường xuất hiện nhiều nơi.
Hội Phủ Giầy

Nếu muốn biết rõ nghi lễ thờ cúng Liễu Hạnh Công Chúa, tốt hơn hết là trở về với Hội Phủ Giầy. Đây là nơi quê hương của Công Chúa, mà những tín đồ qua nhiều đời đã xây dựng và trùng tu không ngừng để trở thành một quần thể kiến trúc rất nguy nga. Một hội đồng quản trị được luân phiên bầu ra để tổ chức cúng bái, trùngtu và phát triển. Hội Phủ Giầy có nhiều điện thờ. Điện chính là Phủ Tiên Hương là nơi thờ chính thức. Ngoài ra, Phủ Vân Cát (hay Phủ Vân) được gọi là Đền Trình. Lý do là trước khi đến hành lễ ở Phủ Chính, thì phải lễ tại Đền Trình, như để xin được phép cúng bái và cần khẩn.
Một hệ thống những đền thờ khác được dựng lên trong quần thể kiếntrúc nầy: đó là Đền Công đồng (thờ các quan Hoàng) Đình Ông Khổng(tương truyền là thờ ông Khổng Minh Không, tức là Nguyễn Minh Không, vị quốc sư đời Lý) Đền Vua, Phủ Nội (thờ những nhân vật bên nội của bà Chúa Liễu) Phủ Tổ (nơi cúng tế tổ tiên), Đền Thượng (thờ công chúa Thượng Ngàn) Đền Giếng (thờ Công chúa ThủyCung) Đền Cây Đa, Đền bà Chánh (do người vợ của một viên quan chánh án bỏ tiền ra xây), chùa Tiên Hương, chùa Long Sơn. Xem như vậy, việc tổ chức thờ cúng nơi đây khá phức tạp, nhằm mục đích để thoả mãn nhu cầu cúng tế của thập phương. Nhưng dù bất cứ đền thờ hay đình viện nào, thì việc tổ chức đồng bóng trong những ngày đại lễ vẫn là chủ yếu.
Phủ Chính là nơi trang trọng hơn cả. Phủ nầy có hướng chính nhìn ra dãy núi Tiên Hương, phía sau là núi Lập Sơn, đứng theo thế tiền án, hậu chẫm. Tất cả có ba toà đền xây theo kiểu trùng thiềm trùng ốc.Từ ngoài vào trong được gọi là đệ nhất toà, đệ nhị toà và đệtam toà. Trong số nầy, quy mô nhất là đệ tam toà, còn được gọi là hậu cung (hay chính cung), vì là nơi ngự của đức Thánh Mẫu. Những điệu thức kiến trúc chung quan toà nhà nầy gồm có: long, lân,quy, phụng, hình sóng nước. Nhiều bức phù điêu chạm khắc những hành trạng của Thánh Mẫu qua những lần giáng trần và hiễn thánh.Bên cạnh, có ba toà nhà phụ, xây theo hàng ngang: toà phương du(giành cho khách thập phương chuẩn bị trước khi vào hành lễ) nhà bia trống và nhà bia chiêng. Mỗi toà nhà đều xây mái đôi, có tám mái, hai tầng. Để điều hoà phong thủy, trước sân có lập hồ bán nguyệt.Trong chánh điện, có ba hình tượng khác nhau của Thánh Mẫu: hình tượng thứ nhất của Liễu Hạnh khi còn là con gái của ông Lê Thái Công(tên là Giáng Tiên) với những đường nét yểu điệu thướt tha; hình tượng thứ nhì là hình của tiên nữ thoát tục; hình tượng thứ ba khoác áo cà sa quy y Phật. Những tượng nầy được ghi chú đầy đủtrong thần phải của Hội Phủ Giầy. Trong huyền tích của Liễu Hạnh Công Chúa cũng ghi rõ ba giai đoạn nầy trong hai câu: "Nào Tiên,nào Phật, nào ta; Sinh sinh, hoá hoá, cũng là Bà đây".Từ ba pho tượng nầy, những sách sử biên soạn về Liễu Hạnh CôngChúa có những kiến giải khác nhau, mà chủ đích là khai triển cuộc đời của Thánh Mẫu.
Trong cuốn "Bà Chúa Liễu" của tác giả Hoàng Tuấn Phổ giải thích thêm rằng: "Tam vị nhưng là nhất thể; ba là một, một là ba. tương tự như thuyết Tam thế của đức Phật. Tam tôn của đạo Lão Tam tài của đạo Nho, Chúa Ba Ngôi của Đại Thiên Chúa..."Cũng hình ảnh ba tượng nầy được diễn lại trong những kỳ hội.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng một tháng ba (âm lịch), hội lễ Phủ Giầy khai kinh; lễ kéo dài trong suốt mười ngày đến ngày mười tháng ba mới hoàn mãn. Hội Thánh Vân Hương mỗi năm, dù thời chiến hay thời bình đã thu hút hàng chục vạn người trong chín tỉnh chung quanh vùng đến hành hương, cầu khẩn, lên đồng bóng. Trong suốt thời gian nầy, ba lễ trong mỗi ngày, người tham dự vô cùng đông đảo.Đây là một trong những ngày hội lễ lớn nhất trên đất Bắc. Bên cạnh lễ lượt, còn vô số những gian hàng dựng lên suốt một cây số:bán nhang đèn, bán ảnh tượng Thánh Mẫu, bán hương hoa, bán nước Thánh, nơi nghỉ chân, nơi giải khát...Suốt trong những ngày lễ, nghi thức tổ chức gồm có: Khai kinh,mộc dục, rước kiệu Thánh Mẫu, lập đàn chẩn tế, phóng sanh, phóng đăng, tế thập loại chúng sinh.Trong quy định của Hội Phủ Giầy, sinh hoạt nghi lễ theo chế định được ghi chép trong chánh lễ như sau:
Ngày thứ nhất: tổ chức Lễ Nhập Hội. Lễ nầy tổ chức theo nghi thức của lễ Mở Cửa Phủ như những đền lớn khác. Phủ Chính được quét dọn sửa sang, thiết trí rất trang nghiêm. Thoạt đầu, ba hồi chiêng trống bát nhã gióng lên. Những vị dự tế tiến vào Phủ dâng hương.Những tiên nữ trong đội múa lục cúng sắp thành 4 hàng vừa dâng lễ vừa hát xướng theo tiếng nhạc, tam thanh la và trống cơm. Sau đó là lễ tạ Thánh.Hồn chiêng trống thứ nhì lại gióng lên báo hiệu Thánh Mẫu đã chứng minh lễ vật. Pháo nổi vang lên và những giá đồng biểu diễn 43 vũ khúc mừng Thánh đản. Ngoài ra còn có những trò vui chơi khác, như múa lân, thi bơi trãi, ca nhạc với hàng trăm đoàn ca múa khắp nơi hội tụ về. Buổi chiều hôm đó, khắp 12 cửa điện trong đền Phủ Giầy đều có lên đồng. Khó tả hết tiếng nhạc, tiếng chầu văn, tiếng thét của đồng.
Ngày thứ nhì: Tổ chức lễ mộc dục. Mộc dục là tắm gội các pho tượng Thánh Mẫu. Bắt đầu là lễ rước nước. Nước nầy được rước từ đền Giếng ở Vân Giang đến. Đoàn rước nước gồm tám thanh nữ đồng trinh trong y phục tiên đồng, cùng khiêng kiệu nước về đến Phủ Chính. Lễmộc dục do bốn thanh nữ đồng trinh khác đảm trách, do sự điều hành của viên Chánh Bái. Tất cả phải được tập luyện từ nhiều ngày trước vànhững thanh nữ phải ăn chay trường từ 15 ngày trước đó.
Khi vào lễ, một bức màn hoa được căng trước của của đệ tam cung, nơi ngự của Thánh Mẫu. Những cô gái đồng trinh nầy dùng những tấm khăn đỏ nhúng vào nước giếng để lau mình tượng. Sau đó thì đến lễ ướp hương. Hương thơm được nấu bằng 5 thứ lá: trạch lan, trầm hương,uất kim cương, an tức và nhân long. Mỗi thứ lá có một màu khác nhau, trở thành màu nâu sẫm.Theo truyền thuyết, nước tắm và khăn lau mình mẫy của Thánh Mẫu trị bá bệnh. Hàng chục ngàn người sắp hàng để kiếm cho nước vài giọt nước "ngũ hương" hay lụa đỏ. Đi dự hội mà không xin được một chút nước hay chút khăn vải đỏ trong lễ mộc dục là thiếu sót lớn.Nhiều người rước lễ ra rồi bán lại, với giá rất cao.
Ngày thứ ba: Giỗ Mẫu bắt đầu. Lễ nầy được tổ chức theo đúng nghi thức của triều đình ngày trước, thuộc về quốc lễ. Quốc lễ đây tức là thập cúng. Chủ lễ là quan Khâm sai đại thần. Nếu không, triều đình đặc phong quan Tổng đốc tỉnh Nam Định làm chánh lễ.Thập cúng gồm có 10 cỗ lễ vật. Mỗi cỗ gồm: bánh dầy, chuối ngự,lợn suông (chọc tiết, cạo sạch lông, nhưng không luộc hay quay).Những cỗ cúng đều được quan Tổng đốc giám định. Tổn phí do ruộng kỵ thuộc loại nhất đẳng điền. Lễ giỗ nầy được tổ chức rất trang nghiêm. Trang hoàng đủ theo nghi thức triều đình quy định, gồm:cờ tiết mao, lọng xanh lọng vàng, chiêng trống, bát bảo, lộ bộ.Nếu thiếu phải báo lên quan Tổng đốc để trưng triệu.Ngày thứ ba quan trọng hơn hết. Những ngày kế tiếp (từ ngày 4 đến ngày 10) chỉ để lên đồng bóng và xin xăm.

Thỉnh kinh: Trong những ngày hội Phủ Giầy có tổ chức nhiều cuộc rước mà trong đó quan trọng nhất là đám rước Thỉnh Kinh. Trong huyền thoại Công Chúa Liễu Hạnh được đức Phật hộ trì, cho nên nhiều chùa chiền trong vùng đều có thờ Tam Toà Thánh Mẫu là Mẫu Liễu vào hàng đầu.Lễ rước tổ chức vào những ngày 5, 6 và 7 tháng ba trong dịp lễ.Ngày đầu tiên đám rước thỉnh kinh đi từ phủ Giáp Ba sang chùa Thông;ngày hôm sau thì đám rước từ phủ Vân Cát sang chùa Dần. Cuối cùng ngày thứ ba thì đám rước từ phủ Chính Tiên Hương đến chuà Gôi. Lễ xong thì rước trở về lại. Đám rước sau cùng được xem là lớn nhất.Việc tổ chức đám rước đều tuân thủ theo một số quy định: đi đầu đám là những bà, những cô trong hội Phủ Giầy, áo quần sặc sỡ, cầm phướn; tiếp theo là những người đi cà khêu cao lênh khênh. Rồi đến những đoàn múa rồng, múa lân nổi tiếng từ nhiều xã kế cận đến tham dự. Những đoàn người kể trên mở đầu để khai lộ.Phần chính của đám rước tiếp theo. Trên một chiếc kiệu, vị hoàthượng chùa Tiên Hương khoác y vàng, tay cầm trượng dẫn đầu. Những vị thượng toạ theo sau cùng tụng kinh, gõ chuông khánh. Bốn chiếc kiệu rước Thành Mẫu cùng chư thánh thần khác tiếp theo, có lọng vàng, tán quạt theo hầu. Trên những chiếc kiệu có sắc phong và bát nhang thờ bà Chúa Liễu. Kiệu nầy do những trai tân (gọi là giai tế) họ Trần Lê khiêng mà thôi. Ba kiệu sau là loại kiệu võng rước cáctiên nữ khác, do những cô gái đồng trinh khiêng đi. Những cô gái nầy áo dài màu, mặc váy, quấn khăn, thắt lưng nhiều màu. Họ đi đứng nghiêm chỉnh và được tập luyện từ trước. Đi sau bốn kiệu thờ là các đồ lộ bộ, bát bảo và phường bát âm. Nhạc hoà âm những khúc Lưu Thủy, Hành Vân rất ăn nhịp. Theo sau là đoàn ca múa điệu lục cúng và điệu ngũ âm.Theo hầu các kiệu có các chức sắc trong tỉnh, trong huyện trong xã. Có khi, triều đình cắt cử một vị quan đại thần đến để hầu Mẫu. Tùy theo chức tước và tuổi tác, những viên chức đi theo hàng đôi, hai tay khoanh lại. Tất cả đều mặc lễ phục rất trang nghiêm.Sau cùng là những người trong phường đồng bóng, chầu văn và tín hữu thập phương đi theo hàng lối. Cung văn sắp theo hàng, mặc áothâm, thắt lưng màu đỏ (cao niên) hay màu xanh (thanh niên). Một số người còn mang lình.
Lình là những chiếc dùi bằng sắt, nhọn hoắc, đâm thủng qua má, qua thái dương. Trong số những tín hữu theo hầu, có người đã nhập đồng, hò hét vang lên và nhảy theo điệu đàn; trong trường hợp nầy, cung văn lại dẫn đàn và hát chầu văn theo. Có khi 20, 30 người cùng lên đồng một loạt.Hai bên đường dân chúng đón xem, miệng khấn niệm khi kiệu Mẫu Liễu ngang qua.
Đám rước kéo dài trên ba cây số và dân chúng dừng chân bên ngoài của chùa Gôi trong khi viên chức và sư sãi vào chùa cử hành lễ thỉnh kinh.Trên đây là những nét chính của một lễ rước trước đây. Ngày nay,hình ảnh đó đã thay đổi nhiều và chỉ còn hình thức của một đám rước đơn giản. Ở những địa phương khác có thờ Mẫu Liễu, tổ chức ngày hội lễ Liễu Hạnh Công Chúa tập trung vào ba lễ chính: lễ nhập hội, lễ mộc dục và lễ giỗ Mẫu. Nghi thức cũng được giảm thiểu.Trong suốt những ngày hội Phủ Giầy, đồng bóng đóng vai trò quantrọng nhất. Cung văn, con đồng sinh hoạt từ phủ nầy sang phủ kia tưởng như không bao giờ dứt. Trong bất cứ buổi đồng bóng nào, việc đầu tiên là ca ngợi công đức và uy nghi của Liễu Hạnh Công Chúa. Bài chầu văn đó được khao mào như sau:Cảnh địa linh Nam sơn, phủ Ngãi,Giữa huyện Thiên, An Thái xã danh.Họ Lê nổi dấu trâm anh,Cài về Trần thị phúc lành thư hương.Nguyệt tròn gương gió vàng hiu hắtQuế đưa hương ngào ngạt gần xa.Mãn tuần bên tỏ Hằng Nga Đã cam đức trọng sinh ra trưởng thành.Tóc mây xanh mày ngài, mặt ngọc,Tựa da ngà chân chuốt hài hoa.Hình dong: cá lặn, nhạn saVí so quốc sắc, ắt là không hai.Chồn Đèo Ngang cùng nơi Phố Cát,Có môt bầu gió mát, trăng thanh.In đồ bái cảnh rành rành Lầu Tần há sánh thị thành khôn so.Trúc sáo gió thông ru đàn suối Chiu líu lo phượng ruỗi loan ca.Bốn phương danh nức tiếng bà,Cứu linh thiên hạ, ta bà giải vây.

Thờ Mẫu ở Miền Nam

Những người từ Thuận Quảng đến khẩn hoang lập ấp, những người Hoa chống Mãn Thanh đến tụ cư ở miền Nam đã kiến tạo những đền thờ Mẫu rất sớm. Gia định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức ghi lại:Những lớp người nầy đã tin vào đồng bóng, kính trọng những nữ thần như Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, quen gọi người phu nhân tôn quý là "Bà", Bà Hoả Tinh, Bà Thủy Tinh, cô Hồng, cô hạnh..."Trong Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn khi chép về việc xây dựng vùng đất Hà Tiên cũng đã viết: Ở châu Hòn Khoai thuộc huyện Long Xuyên, có thờ Thiên Hậu Linh Thần.
Kiến trúc và bài trí:Trong cách kiến trúc và bài trí điện thờ Mẫu, mỗi vùng có những dạng khác nhau. Thông thường, những điện thờ Mẫu nhiều nôi thường được tổ chức "phối tự" (thờ chung) cùng với việc thờ Phật, theo kiểu tiền Phật hậu thần hay ngược lại. Có nơi lạithờ trong môt miễu riêng, hoăc đứng biệt lập, hoặc ở sân chùa.Khi chép về sinh họat tín ngưỡng trong vùng Biên Hoà cũng viết: Núi Bà Rịa phía bắc có ngôi đền Thần Nữ, núi Thủy Vân ngoài mỏm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi là mỏm Đinh Cô; núi Thần Mẫu, trong động có đền Thần Nữ.Những tài lịêu nghiên cứu khác cho biết nhiều vùng khác cũng nổi tiếng trong việc tôn thờ Mẫu, như ở Tiền Giang tại thôn Mỹ Đông,tổng Lộc Mỹ có miếu thờ Trinh Nữ; tại xã Kim Đông, bên bờ sông Thủ Thừa có miếu thờ Hoả Tinh Nương Nưong, được vua Tự Đức phong làm Thượng Đẳng Thần. Tại tỉnh Long An, tục thờ Mẫu cũng khá phổ biến, nhiều gia đình thờ Mẫu ngay trong nhà mình. Ở huyện Châu thành tỉnh Tây Ninh, xã Phước Hiệp Thịnh có chùa Thái Lâm nơi chính điện thờ cốt Phật, phía sau lại thờ Linh Sơn Thánh Mẫu. Ở tỉnh Sông Bé có nhiều nơi là miếu Bà, lập lên vào thế kỷ XIX và phát triển nhiều nơi khác. Ở vùng Bà Rịa - Vũng Tầu, tại thị trấn Long Hà, có miếu thờ Bà Thuỷ (Mẫu Thoải) thu hút khách hành hương đông đảo trong toàn vùng vào mùa lễ hội Bà. Ở tỉnh An Giang, có chùa Tây An nổi tiếng, ngay trong điện thờ Phật, cũng có đặt tượng Cửu Thiên Huyền Nữ, thờ Bà Chúa Ngọc, Chúa Tiên và Cô hai hiên. Tại trung tâm thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, cũng có nhiều miếu thờ Bảy Bà. Ở tỉnh Cần Thơ, tại chùa Nam Nhã thờ Tam Thánh: Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử ở gian chính giữa, hai bên lại thờ Cửu Thiên Huyền Nữ và Quan Thánh.
Phía ngoài trước chùa có miếu thờ Thổ Thần và miếu thờ Mẫu. Ở tỉnh Bến Tre, chỉ trong 7 xã An Đức,An Bình Tây, Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, Tân Xuân, Phước Tuy và Phủ Ngãi của huyện Ba Tri có nhiều miếu thờ Bà trong xã, thôn hay trong gia đình. Ở huyện Bình Đại thuộc Bến Tre, mỗi làng đều có một miếu thờ Bà Chúa Xứ và miếu thờ Bà Thiên Hậu. Ở xã Mỹ Thạch, thị xã Bến Tre, có miếu thờ Cửu Vị Thánh Nương bên cạnh Tiền Hiền,Hậu Hiền.

Tại Sài Gòn, ít nhất là 30 đình miếu có thờ Mẫu. Hai trung tâm thờ Mẫu nổi tiếng nhất của miền Nam là đền thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc, tỉnh An Giang và điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen, Tây Ninh.Nhìn chung, việc thờ Mẫu rất phổ biến khắp các đình miếu, nếu không thờ ngay trong chánh điện, thì cũng được thiết lập am thờriêng ở sân; đó là miếu của Cửu Thiên Huyền Nữ, Ngũ Hành Nương Nương, Bà Chúa Xứ Nương Nương, Chúa Ngọc Nương Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Linh Sơn Thánh Mẫu, Kim Hoa Thánh Mẫu, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thủy Long Thần Nữ, Bà Mẹ Thai Sinh...

Lễ thức:

Thời điểm: hầu hết những đền thờ Mẫu được tổ chức vào khoảng thượng tuần đến trung tuần tháng ba âm lịch, như lại những miễu thờ tại tỉnh Bến Tre hay tại Sông Bé. Chọn lựa thời điểm nầy, môt phần theo những nghi lễ truyền thống của các Mẫu khác nhau; phần khác thì theo thời vụ của những nông dân chuẩn bị trước khi bước vào vụ cày cấy mới. Điều nầy thường được giải thích như chu kỳ của vòng quay thiên nhiên, và cầu khẩn cho môt mùa bội thu tương lai.Tuy nhiên, tại những đền miếu có sự phối tự giữa việc thờ Phật và thờ Mẫu, thì thời điểm cúng tế không theo hạn kỳ nhất định. Chẳng hạn: những ngày lễ chính trong năm vẫn là lễ Nguyên đán, vía Di Lặc, ngày lễ Phật đản, lễ Xá Tội Vong Nhân. Sự phối hợp thờ cúng nầy đã lôi cuốn nhiều tín đồ tin tưởng khác nhau và trở nên đa dạng.Có trường hợp khác biệt theo định kỳ hàng tháng; chẳng hạn như tại chùa Nam Nhã (Cần Thơ), đền thờ Mẫu tổ chức cúng tế mỗi tháng ba lần: ngày mồng 1, ngày 11 và ngày 21 âm lịch. Nhưng tại những chùa người Hoa, có thờ bà Thiên Hậu, thì ngày lễ vía lớn nhất trong năm nhằm ngày 23 tháng 3 âm lịch. Ở những đền miếu khác,như ở Dinh Cô (Long hải, Bà Rịa), ngày hành lễ chính thức trongnăm kéo dài từ 10 đến 12 tháng hai âm lịch.

Trình Tự Tổ Chức:

Cũng như cách thờ cúng khác nhau của mỗi chùa, trình tự tổ chức các buổi lễ cũng không gióng nhau hoàn toàn. tại nhiều đền thờ ở Bến Tre, những nghi thức lễ lượt không khác gì với những lễ cúng khác, nhưng bao giờ cũng có "hát bóng rỗi" kế tiếp thao.Tại Long An, thông thường những lễ cúng đền miếu có thờ Mẫu(chính hay phụ) hay tại nhà riêng, sau nghi lễ chính thức, thường kèm theo hai lễ tục khác: hát bóng rỗi và diễn chặp Địa Nàng. Tại tỉnh Định Tường, lễ tục tiếp theo là đồng bóng. (Theo Đại Nam Nhất Thống Chí).Nhìn chung lại, nếu thờ mẫu ở môt đền miếu riêng biệt, bao giờ cũng có hát bóng rỗi. Còn nếu thờ Mẫu chung với Phật hay Thần khác, không có hát bóng rỗi.Nhạc cụ: Những loại nhạc cụ được dùng trong việc hát bóng rỗi là:chiêng, trống cái, trống con, đàn nhị, kèn thau, sánh cái. Theo tài lịêu được ghi chép trong cuốn "Địa chí tỉnh Long An" (in lại năm 1988) thì: Những nhạc cụ thông thường là: đàn kìm, đàn nhị,trống cái và trống cơm.
Hát bóng rỗi: Tổ chức hát bóng rỗi đúng theo nghi thức khá phức tạp; thông thường, phải qua nhiều phần. Phần đầu là Lễ Khai Tràng. lễ nầy do dàn nhạc bóng rỗ diễn tấu qua 3 khúc nhạc và hát chính thức. Phần 2: lễ Chầu Mời và lễ Thỉnh Tổ. Những bài "chầu mời" gồm: Bài Bà, Bài Ông, bài Cô, Bài Cậu. Những bài chầu mời chỉ cần theo đúng âm giai. Nội dùng thì tùy theo linh vị chính và người tổ chức, tham gia để ứng biến theo cho thích hợp. 3 điều kiện căn bản trong bài chầu mời là: hợp với nơi diễn xướng, hợp với chủ miếu, hợp với từng người trong Hội. Giọng hát phải truyền cảm, ăn khớp nhạc điệu.Phần mở đầu của chầu mời bao giờ cũng có những lời chúc tụng.Chúc tụng phục, lộc, khang, ninh. Chúc tụng quốc tái, dân an.
Lời ca phổ thông nhất như sau: "Con rước bà về, "Xin bà chứng lễ: "Bà chứng lễ nầy; phù hộ chủ gia. "Cầu chúc chủ gia: "Vợ chồng, con cái, "An cửa, an nhà, "Tài vô, lộc tới, "Con cái giàu sang. "Bà ban giàu sang chốn nầy, "Bà ban gia chủ vui vầy (...)"
Lễ Diễn Xướng Mời Tiên:
Sau những nghi thức về Thỉnh Tổ và về Chầu Mời, nghi lễ kế tiếp là Diễn Xướng Mời Tiên. Lễ nầy giống hệt như nghi thức "Xây chầu đại bội" trong lễ Kỳ Yên. Những nghi thức gồm có: Khai chiếu gió,nhật nguyệt, tam hiền, gia quan, Ông Đông, Thanh Đường hạ san,Hội Năm Bà, Bá Trạo nghinh bà.Bốn nghi thức đầu là lễ Kỳ Yên. Kể từ Ông Đông trở đi là lễ Cúng Miễu. Ông Đông là người chủ trì cuộc lễ. Thanh Đường Hạ San là cung thỉnh vị Thanh Đường xuống chứng minh cho buổi lễ. Hội Năm Bà là nghi lễ mời chư Bà hiễn linh trong buổi lễ. Bá Trạo là nghi lễ của người dân làm nghề ngư phủ, theo triều nước lên, nước xuống, để nghinh đón Mẫu hiện ra (thường tổ chức vùng duyên hải).

Thiên Y A Na:

Trường hợp Thánh Mẫu Thiên Y A Na được thờ tại đền Pô Nagar của Chăm - Pa cũng chứa nhiều huyền thoại không kém. Nội dung thần phả của bà chứa đựng những giá trị hoà hợp hai lớp văn hoá Việt Chiêm. Sự tích của Thánh Mẫu nầy pha trộn lẫn lộn tính chất thần và người. Thiên Y A Na vốn là vị Thần Mẫu của người Chăm - Pa PôInư nagar. Thần phả ghi đại cương: Bà là người được trời sai xuống trần gian, để tạo ra vạn vật, lúa gạo. Chính bà đã sinh ra loại hoa Chăm - Pa, có nghĩa là gỗ trầm hương. Theo tín ngưỡng của Chăm - Pa thì Thánh Mẫu Thiên Y A Na là hoá thân của ánh mây trời và cũng là bọt biển trôi khắp mọi nơi. Bà cai quản tất cả mọi nơi, mọi trường hợp, được xem là "Mẹ lớn của tất cá các mẹ". Bà thường hay cưỡi con voi trắng (như phù điêu tại đền Pô Nagar - Nha Trang) thường đi mây về gió để ban phước cho mọi người khi niệm đến danh hiệu của bà. Bà ngự trong những toà tháp cổ của người Chăm - Pa, được xây dựng từ ngàn năm trước đây, để người dân trong vùng bất cứ thuộc tộc hệ nào cần đến bà.Theo truyền thuyết thì nơi khai sinh ra bà là xã Đại An, gần Cù lao Huân, tỉnh Khánh Hoà. Được nuôi dưỡng trong một gia đình nghèo khổ, nhưng về sau vì nhớ đến quê hương cũ của mình, hoá thân vào gỗ trầm hương. Nàng đã gặp một vị hoàng tử, kết hôn,sinh hạ được hai người con. Nhưng về sau, bà trở về thăm cha mẹ nuôi, không trở lại nữa. Bà siêu hoá, trở về trời. Nhà Nguyễn đã phong cho bà Thiên Y A Na là Hồng nhân Phổ tế Linh ứng Thượng đẳng thần. Theo bài văn bia của cụ Phan Thanh Giản ở Tháp Bà Nhatrang có đoạn: Cổ nhân gọi là là Thiên Y A Na Diễm Phi chúa Ngọc Thánh phi. Tín ngưỡng dân gian của người Việt gọi bà là Chúa Ngọc. Nhà Nguyễn cho lập đền thờ tại Hòn Chén; hang năm đều chocúng tế, coi như Thánh Mẫu...

Linh Sơn Thánh Mẫu:

Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen Tây Ninh cũng do vua nhà Nguyễn tôn phong. Tương truyền dưới chân núi Bà Đen có hồ nước rộng;những đem khuya thanh vắng, trên mặt hồ có thuyền rồng dạo chơi.Từ xa, nghe vẳng trong thuyền có tiếng ca hát tuyệt vời. Người địa phương cho là linh dị. Họ lập đền thờ trên núi.

2- Tín ngưỡng Thần Mẫu

Mang tính chất bình dân, những nơi có thờ Thánh Mẫu không giống nhau. Có nơi được xây dựng lên như một loại đền phủ tráng lệ; đó là trường hợp đền Phủ Giầy, Phủ Sòng, Phủ Tây Hồ. Nhưng có khi chỉ là một am nhỏ bên cạnh một ngôi chùa hay ngôi đình. Cũng có khi được thờ trong Chùa theo kiểu "Tiền Phật, hậu Mẫu".Thành thử, trong việc nghiên cứu tính cách thờ phượng tại một đền Mẫu, không thể nhìn hời hợt những cách thiết chế bên ngoài, mà cần phải được tiếp cận bên trong, đồng thời cũng hiểu được sự tổ chức cúng bái. Chẳng hạn một đền thờ Mẫu thường xuyên tổ chức đồng bóng, thì lại được trang hoàng đủ nghi môn, trướng liễn, bát vật,ngũ sự. Tại Sài Gòn, những điện thờ Mẫu được tổ chức trong những ngôi nhà hẻo lánh trong những đường kiệt, nhưng bên trong thì trang hoàng bày biện muôn màu sắc.
Theo thống kê năm 1997, có đến 102 căn nhà thờ Mẫu khắp các quận huyện nội ngoại thành Sài Gòn.Cách thiết kế: Một ngôi đền thờ Thánh Mẫu bao giờ cũng chú trọng đến vấn đề phong thủy.Vì mang yếu tính "nữ", cho nên việc kiến thiết bên cạnh các giòng nước thường được đề cập đến. Hầu hết điện Mẫu đều được xây dựng bên cạnh một con sông (như điện Hòn Chén xây dựng trên núi Ngọc trản,cạnh con sông Hương) bên cạnh cửa biển (như đền Cờn dựng lên ở cửa Càn Hải - Nghệ An) bên cạnh một con suối (như đền Bắc Lệ -Lạng Sơn) cạnh một hồ lớn (như Phủ Tây Hồ ở cạnh Hồ Tây - HàNội). Nếu trong trường hợp không thể chọn một địa điểm nào có"sơn triều, thủy tụ" bên ngoài, thì có thể tạo nên cảnh trí bên trong khuôn viên. Chẳng hạn như xây thêm hồ, ao, giếng để chứa nước. Các cửa của nơi thờ Thánh Mẫu bao giờ cũng được hướng về phía có nguồn nước. Phải là nơi thủy tụ, thì giá trị và ý nghĩa tăng lên. Điều nầy thấy rõ tại điện Vân Cát ở Phủ Giầy hay đền Tiên Hương.

Trang hoàng thờ cúng Mẫu:

Đi vào một đền thờ Mẫu, dù quy mô lớn hay nhỏ, có thể nhận biết được ngay với những tính chất đặc thù của nó. Điều nhận được đầu tiên là vô số những thể loại đồ vàng mã bày biện cao ngất; tuy nhiên tất cả đều theo lớp lang và mỗi loại đều nói lên được những giá trị riêng của nó, mà không thể thiếu được. Vì trong một đền thờ Mẫu, có đủ thể loại Mẫu và những nhân vật truyền thuyết khác như quan lớn Tuần Tranh, bà chuá Thượng ngàn, tà thần, yêu thần,mà mỗi vị đều đòi hỏi những lối cúng tế khác nhau. Quan trọng nhất trong việc trang trí là những chiếc nón, hài, thuyền rồng,đèn lồng, với kích cỡ và thể loại khác nhau dùng lúc thượng đồng.Tất cả đều dùng nhiều màu sắc sặc sỡ, hấp dẫn. Trong đạo thờ Mẫu,từ vị Thánh Mẫu cho đến hàng quan đều mang những gốc tích khác nhau của nhiều miền trong nước và lịch sử của mỗi vị cũng khác nhau.Ngoại trừ những nơi thờ Mẫu chung với điện Phật, còn những điện thờ riêng biệt đều tuân thủ theo thể thức trình bày giống nhau theo ba tầng: tầng thượng, tầng trung và tầng hạ.
- Tầng thượng có đôi mãng xà, biểu hiện cho quan lớn Tuần Tranh (gốc rắn), một con màu trắng và một con màu sẫm. - Tầng trung là nơi thờ Mẫu chính thức. - Tầng dưới là nơi thờ Ngũ hổ. Rắn và hổ là những loài vật thiêng có chức năng bảo vệ cho vị Mẫu.
Về mãng xà, nhiều nơi được thờ riêng, tức là đền thờ quan lớn Tuần Tranh. Đây là danh từ dùng để gọi một cách kính cẩn vị thần trông coi con sông Tranh ở Ninh Giang.Giải thích về việc thờ cúng những động vật nầy, những nhà nghiên cứu nêu lên các giả thuyết khác nhau (a) Có người cho rằng đó là những con vật biểu trưng cho cuộc sống thời hồng hoang. (b)Thuyết khác cho rằng: rắn và hổ đều là những con vật hung dữ có thể trấn áp những kẻ ác độc âm mưu hãm hại vị thần Mẫu (c) Ngoàira, trong hình tượng Ngũ Hổ có năm màu sắc khác nhau được giải thích là biểu hiện về 5phương vị: kim, mộc, thủy, hoả, thổ.

Nghi Thức Thờ Cúng:

Những điện thờ Mẫu thường được cúng tế theo định kỳ. Mỗi năm trong những ngày lễ vía lớn đều được cử hành đại lễ. Ngoài ra,những trường hợp tín đồ cần xin lễ đặc biệt để cầu khẩn cho gia đạo của mình cũng đến điều đình để lập lễ riêng.Mỗi đền Mẫu đều có ban điều hành. Ban nầy quy định các lễ lượt và người phụ trách. Việc tuyển chọn các thành viên rất khó khăn vì phải am tường nghi lễ. Họ cũng qua một kỳ tập dượt. Tất cả đều phải ăn khớp. Những người phụ trách hành lễ phải hiểu tường tận mọi nghi thức, mà trong đó việc hầu bóng không thể thiếu.
Một nghi lễ thờ cúng Mẫu được phối hợp nghệ thuật diễn xướng, âm nhạc, hát văn và múa linh. Cung văn là người điều hành toàn buổi lễ. Những người lên đồng phải được tập luyện, hiểu được ý nghĩa những bài hát chầu để bắt nhịp, chuyển nhịp. Gọi nghi lễ nầy là thể loại "sân khấu thần tích" cũng là cách diễn tả thích hợp. Nghi lễ của từng buổi lễ rất phức tạp. Tuy nhiên một số lễ chính không thể nào thiếu sót là hầu bóng, lễ tôn nhang và lễ trình đồng.

Hầu Bóng:

Những lễ tiết trong hầu bóng là căn bản để thờ cúng Mẫu. Cung văn và những người lên đồng (đồng ông, đồng bà, đồng cô, đồng cậu) phải là những người "nhà Thánh" sống trong nghề cúng lễ nầyvà được tập luyện khá công phu. Thiếu đi, buổi lễ không giữ được ý nghĩa linh thiêng của nó được.Theo những truyền thuyết trong giới "phụ đồng" thì trong những lần lên đồng bóng, Thần Mẫu nhập vào thân xác của những bà đồng,ông đồng, cô đồng hay cậu đồng để đưa ra những chỉ dẫn, khuyến cáo hay phương thức giải trừ những tai ương. Có người hợp bóng vía thì nhập dễ dàng; số người nghịch bóng vía, thì không thể nào nhập được. Thậm chí có người ở xa đến, có thể nhập hồn mà không phải qua một nghi lễ nào để "dẫn xác đồng".Những cung văn thì lo việc dẫn đàn và hát xướng, điều hành. Những con công, đệ tử, nam hay nữ thì chuyên việc "minh họa thể hiện bóng Thánh". Lại thêm hàng chục người phụ lễ. Đó là chưa kể đến những người chăm lo việc thủ đền, thủ nhang, viết sớ, giải quẻ.Thông thường, một tổ chức lễ Thánh phải đủ những thành phần nầy;thiếu đi, sẽ thiếu ý nghĩa và lôi cuốn.Trong đền thờ Mẫu thường thờ thêm các đấng thần thánh khác. Những nhân vật hay thần vật nầy thường có liên quan đến lịch sử của Thần Mẫu; cũng có thể là các vị thần được tôn thờ của địa phương;có khi được rước từ các đền khác đến. Thành thử, lễ lượt càng nhiều và đền thờ tấp nập thường xuyên.Trong các đền Thần Mẫu đều có thần phả. Các thần phả ghi đầy đủ ýnghĩa của từng Thần Mẫu và các thánh khác. Cung văn dựa vào đó để viết sớ tấu và đặt bài hát, bài vè. Những nghi thức cúng tế cũng được ghi theo.

Lễ Tôn Nhang:

Tôn nhang là lễ bốc và đặt bát nhang thờ những vị thần mẫu trong trường hợp những người bị ốm đau đến cầu khẩn. Lễ nầy được cử hành ngày lối cửa chính vào đền thờ. Sau khi bốc, bát nhang được đặt tại cửa đền Mẫu vào những ngày rằm, mồng một với mục đích là ngăn ngừa và đẩy lui mọi bệnh tật cho thân chủ.Lễ tôn nhang được tổ chức như sau: trong trường hợp tín đồ đồng bóng thấy mình gặp nhiều điều không may hay đau ốm liên miên, làm ăn thất bại, bị lường gạt, tai ương trùng trùng, thất cơ lỡ vận,vợ chồng ly tán, con cái phá phách...thì phải "ra đầu" các quan mới khỏi. Trước hết, tổ chức lễ đội bát nhang, dâng sớ, nêu rõ cơ, phủ nào, quan cai đồng là ai... nói chung trình bày mọi việc liên quan đến thân chủ và người chủ lễ.Vị chủ lễ đọc sớ, trình lễ, cầu khẩn và mong được Mẫu chiếu cố.Người đội bát nhang ngồi xếp bằng trước giá hầu; hai tay ngữa lên bắp vế, mắt nhắm,đội khăn phủ diện màu đỏ. Trên đầu dùng chân nhang tròn để đỡ bát nhang. Những người phụ thì giữ bát nhang cho khỏi đổ xuống. Cho đến khi nào, cung văn đàn hát và người đội bát nhang bắt đầu đảo tức là ứng nghiệm. Khi đảo nhanh tức là ứng nghiệm. Lễ xong, bát nhang được mang về nhà đặt trên bàn giữa nhà trong vòng một tháng.

Lễ Trình Đồng:

Trình đồng tức là trình diện con đồng với chư Mẫu.Cuộc lễ tổ chức trong vòng ba hôm, gồm có lễ mở đàn, lễ trình Mẫu và lễ tiễn đàn. Trong mỗi buổi lễ đều có hầu bóng, cung văn đọc sớ tâu, đồng nhập và phán xét.

3- Hát Chầu Văn

Một trong những loại tôn giáo hay hát thờ quan trọng nhất của người Việt là hát chầu văn (hầu văn). Những loại hát tôn giáo ở khắp ba miền đều có những tính chất khác nhau tùy theo phong tục thờ cúng, nhân vật thờ phụng và giai điệu của từng vùng. Hát chầu văn cũng như những lối hát tôn giáo khác là một nghi lễ quan trọng dùng trong tế tự. Hát chầu văn mang nhiều tính chất bình dân hơn là hát cung đình. Tại những đền thờ trong nước như Điện Hòn Chén tại Huế, đền Phủ Giày tại Nam Định, điện Linh Sơn Thánh Mẫu tại Tây Ninh, đền Bà Chúa Xứ tại Châu Đốc, đền thờ Man Nương tại chùa Dâu, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, đền Công Chúa Thượng Ngàn,hằng năm đều tổ chức ngày cúng bái, lên đồng bóng. Theo những nhà phân tách nhạc học thì đây là một thể loại ca nhạc phù pháp (lamaism), bùa chú (tantrism) của nhiều dân tộc khác thường dùng; mà ý nghĩa chính là tham gia công cuộc biểu dương, tôn thờ thần thánh, nhưng lại có giá trị thôi miên những người đóng vai chính trong việc đồng bóng,bằng ba nguyên tố căn bản là âm điệu bài hát, nhịp điệu điều hoà và nhất là nội dung của lời ca. Thái Lan, Ấn Độ Tây Tạng, Kampuchia, những sắc tộc ít người miền núi Việt Nam cũng có những loại hát tôn giáo này.Những nhà dân tộc học cho rằng: theo những tập tục tín ngưỡng của người bình dân Việt Nam, nhất là phụ nữ thôn quê cũng như thành thị, ngày trước họ thường tin tưởng và lo sợ trước sự hiện diện vô hình của những vị thần tiên, chư thánh, những vong hồn uổng tử thường hay lảng vảng chung quanh mình; những nhân vật huyền thoại nầy, theo họ thường hầu hạ chung quanh một đấng thần linh nào đó, đồng thời cũng có sức mạnh vạn năng chi phối tất cả những sinh hoạt của con người. Đó là đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, như thường thấy trong những trung tâm lên đồng bóng.

Văn Kể Hạnh:

Trong những thể điệu hát tôn giáo còn có lối kể hạnh cũng mang tính chất tương tự như thế. Kể hạnh tức là kể lại sự nghiệp, công năng, pháp thuật của những cao tăng thiền đức. Chẳng hạn như sự tích Ngài Pháp Loa, Trúc Lâm Tam Tổ, Từ Đạo Hạnh... Tại những ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm, trong những ngày giỗ tổ, thường có tổ chức kể hạnh. Văn kể hạnh là lối văn khá phổ biến trong những chùa chiền Việt Nam. Trong lúc kể hạnh, nhóm biểu dương phân chia ra làm hai phần:phần rước tổ giành cho những vị cao niên lên tiếng chiêu hồn; phần tán dương công đức thuộc về những cô gái có giọng hát trong trẻo.Bên cạnh đó thì có những thấy căn cứ trên những bản Khoá Hư Lục và Tam Tổ Thực Lục để sửa chữa hay bổ sung lại. Một trong những áng văn Kểhạnh nổi tiếng nhất có nhan đề An Tử Sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh. Nếu so sánh thì lối kể hạnh chú trọng về nội dung giáo lý trong khi đó thì chầu văn lại chú trọng đến giai điệu quyến rủ, biến chuyển không ngừng tùy theo người lên đồng đang ở trong tư thế nào. Những người tin theo đồng bóng cho rằng: trong thế gian nầy có ba cảnh giới khác nhau mà hồn phách của con người lần lượt phải trải qua: thiên đình, âm phủ và thủy phủ. Những vị thần linh trên thủ trong ba cảnh giới nầy có nhiều quyền hành vô thượng, mang những danh hiệu là Tứ Đại Thiên Vương, Nhị Thập Bát Tú, Thập Tam Hoàng Thái Tử, Ngũ Vị Vương Quan. Chẳng hạn như tại điện Hòn Chén ở ngoại ô kinh thành Huế thì chầu văn thường gọi hồn của bà Thiên Y A Na, gốc Chiêm Thành; sau đó thì lại chuyển sang Phật Bà Nam Hải theo sự tích Việt Nam. Những cung văn phải sành nhiều loại nhạc khác nhau, sành về đàn,có giọng quyến rủ và biết tùy theo lúc để chuyển điệu không ngừng. Những cô Đồng, bà Đồng hay ông Đồng đều sành những lối múa kiếm, chèo thuyền,nhập xác thần linh khá nhanh chóng, Họ trở thành những người hầu bóng khá điêu luyện, và có thể nhanh chóng nhập xác vào các Ông Hoàng, Bà Chúa, đồng Cô, đồng Cậu.

Nội Dung Chầu Văn:

Một bài chầu văn bao giờ cũng được phân chia ra những đoạn chính như sau: Phần nhập đề: dâng hương và chiêu hồn mau chóng trở về để nhập xác. Đọc lời phán của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phần chuyển đề:trình bày tâm thành, ý nguyện, xưng tán công đức. Phần chính: ca ngợi những nét đặc thù của ông Hoàng, bà Chúa, Thượng Ngàn, Thủy Cung, Thiên Đình, công đức vô lượng của đức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phần khuyến lễ:Hướng dẫn những con công đệ tử hết lòng cầu nguyện để con đồng chóng nhập.Phần cầu đảo và lễ bái. Qua những bài chầu văn đó thì các vị thần linh nầy, theo họ, có khả năng che chở, bảo vệ cho con người (những người cúng tế), để chống lại những loài yêu tinh, ác quỷ thường hay quấy phá. Tuy nhiên, trong trường hợp muốn dễ dàng tiếp cận với những vị thần linh nầy, thì phải cần qua một nhân vật trung gian giữa thần và người: đó là những vị thuật sĩ, đạo sĩ, thầy phù thủy (cao tay ấn) những ông đồng, bà cốt có nhiều khả năng đặc biệt. Từ việc nhờ đến những người trung gian để thay mặt mình cầu xin những vị thần ban ân đức cho mình, và đồng thời cũng tự nhận vai trò của mình là con công, đệ tử (tức là người hầu bóng) của thần linh,họ thường theo những nghi lễ, cúng bái, lập điện thờ uy nghi, lên đồng bóng, cúng cô hồn, và trong những thứ lễ nghi phức tạp, thì nhạc hầu văn đã đóng vai trò chiêu hồn rất quan trọng.

Hát Chầu Văn:

Loại tín ngưỡng bình dân nầy ảnh hưởng khắp nơi trong nước,và những loại hát thờ nầy rất thịnh hành; ở miền Bắc thì gọi là hát chầu văn (hầu văn) ở miền Trung và miền Nam thì gọi là hát lên đồng bóng.Nghi thức của một buổi lễ chầu văn rất phức tạp, và thường phải theo quy trình sau đây: Trước hết, người hầu bóng và cô đồng, cậu đồng,ông đồng, thành đồng... phải chuẩn bị cho đủ mọi thứ nghi lễ, thầy cúng,âm nhạc, người lên đồng, người phụ việc. Sau đó thì bắt đầu vào công việc Phụng thỉnh Chư Thánh nhập đàn. Mỗi lễ theo một nghi lễ Phụng Thỉnh khác nhau. Người chủ lễ sau khi cúng nhập đàn, thì đọc dâng sớ. Nội dung lá sớ là nhân dân ý nguyện của đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đứng ra xin triệu tập những vị thần linh về chứng giám. Thể điệu lúc nầy được trình bày theo loại Sai quan tướng như ý nghĩa của phần nhập lễ. Sai tướng rất khó khăn và phải do những cung văn hát theo nhịp đàn, trống phụ họa.Cung văn cất cao tiếng hát chiêu hồn nhập xác: "Thầy sai Đại Thánh Tề Thiên, Huyền công, dùng phép dẹp yên loài tà". Đến khi những cô đồng,bà cốt đã bắt đầu chuyển thân để nhập hồn, biến đổi bộ điệu có những du hiệu bắt hồn thì cung văn đổi giọng ngay: "Cô rằng: cô đẹp nhất đời,Dáng đi, điệu múa, miệng cười có duyên. Rằng hồn ở chống Thiên tiên,Siêu sanh Tịnh Độ, xuống miền trần gian..."Khi cung văn hát theo những giọng Dâng Hương và Thét Nhạc thì bắt buộc phải đứng dậy để đàn và hát; cho đến khi đã được chuyển sang Hát Giải thì mới được ngồi xuống chiếu. Cứ mỗi lần chuyển thế ngồi, thì giọng đàn, tiếng hát cũng biến đổi theo ngay.

Những Âm Giai:

Trong khi chầu văn chuyển sang giai đọan nhập bóng,thì người cung văn đã bắt đầu chuyển thể điệu, từ hát dọc chuyển sang hát giọng cờn, rồi từ giọng cờn chuyển sang giọng phú, giọng dựng.Theo những nguyên tắc chuyển điệu thì: giọng cờn có nghĩa là tán dương công đức; giọng phú là trình bày những tài năng khác thường; giọng dựng là mô tả các khả năng siêu phàm để có thể giao cảm với con công, đệ tử đang cầu đảo. Những cách chuyển hệ nầy khá linh hoạt và người chầu văn dựa theo trình tự và cách ứng đồng để thay đổi. Những người vào đồng theobóng cậu hay bóng ông thì chuyên về giọng phú hơn là giọng cờn và giọng dọc.Trên nguyên tắc căn bản thì lên đồng là cách biến thân hay hóa thân. Biến thân là đổi thân phận của mình, từ người bình thường ra kẻ thoát tục; Hoá thân là chỉ vay mượn trong chốc lát một thân phận rồi sau đó chuyển sang thân phận khác. Chẳng hạn như chuyển từ Thánh Mẫu Thiên Y A Na sang bà Chúa Thượng Ngàn, bà Mẫu Thỏa, bà Chúa Xứ, Man Nương, Liễu Hạnh Công Chúa hay Kim Sơn Thánh Mẫu. Những thể điệu biến thân hay hóa thân đều dựa theo tinh thần của người ngồi đồng, khi vui cũng như khi buồn. Mới nhập đồng thì giọng vui, khi tả tâm trạng cứu nhân độ thế thì chuyển sang giọng buồn. Nhạc cũng chuyển theo; khi giọng vui thì dùng đến giọng Bắc như:phú bình và phú dựng. Phú chênh là phần chuyển tiếp từ vui sang buồn.Giọng buồn thì hát theo loại phú sầu và phú ai theo giọng Nam.
Những thể điệu khác trong chầu văn tại Huế, Thừa Thiên thì gồm có: thể thỉnh nguyện, thể dâng hương, thể đổi nhịp, thể đảo và thể oán. Thể Thỉnh Nguyện dùng khi mới vào cuộc lễ đồng; Thể Dâng Hương khi những con đồng đã nhận lễ vật; Thể Đổi Nhịp trình bày lời cầu nguyện, mong ước; Thể Đảo là mong đạt được những giải đáp cần thiết cho người xin bóng; Thể Oán trình bày sự tiếc nuối chưa dâng đủ lễ nghi để chóng lành bệnh.Cứ mỗi thể như vậy có hàng chục bài hát khác nhau. Theo nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba trong tài liệu "Hát Chầu Văn Huế", tính ra có trên 200 bài hát chầuvăn được tìm thấy. Mỗi bài được đặt tên theo những chữ trong câu đầu của bài. Nhịp điệu chầu văn cũng phải thuận theo thể điệu; có khi là nhịp hai chữ chồng tréo có khi là ba nhịp hoà ca có khi là bảy nhịp trải đều (Tạp Chí Sông Hương). Trong chầu văn, vai trò người cung văn vô cùng quan trọng trong việc dẫn nhập toàn bộ phiên chầu đồng bóng. Trong Việt Nam Phong Tục Phan Kế Bính cho biết tình trạng như sau: Bọn Cung văn đàn ngọt hát hay, thì đồng ban thưởng cho tiền, cho lộc; Nịnh hót khéo nữa thì có khi đồng cởi cả ruột ban cho. Khung cảnh hầu đồng của con công, đệ tử(hầu đồng) khá phức tạp khi chầu chực nghe lời phán của con đồng: Đồng phán ra những tiếng ỏn a ỏn ẹo mà truyền bảo người có bệnh; có khi đồng làm ra mặt giận hờn vì nhà chủ không thành, thì các người hầu bóng bên cạnh lại kêu kêu, khấn khấn, van van, lạy lạy, tâu đối cho được lòng đồng thì đồng lại hả hê truyền phán. Khung cảnh cứ thế mà thay đổi không ngừng.Múa tôn giáo: là một hình thái múa dân tộc, múa tôn giáo là múa phục vụ cho tôn giáo dưới dạng những lễ nghi hay mang nội dung tôn giáo, do những người hành nghề tôn giáo hay những giáo dân tổ chức biểu diễn(Theo Fromaget và Saurin). Trên bình diện chung thì có lẽ múa tôn giáo của người Việt không thể không có những tính chất chung của múa tôn giáo ở các nền văn minh nông nghiệp phương Đông.Tín ngưỡng dân gian là một trong những hình thức sơ khai của các tôn giáo, cho nên trong số những loại múa tôn giáo trong thời cổ của một số địa phương, trước hết phải kể đến: múa ma thuật, múalên đồng. Trong Đạo Giáo có những yếu tố trong nền tín ngưỡng dân gian. Khi tôn giáo phát triển từ đa thần đến độc thần và các tôn giáo được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo đã dần dần chiếm địa vị quan trọng trong tâm linh của người Việt. Cũng như Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, Đạo Giáo cũng có những nghi thức cần thiết và những thể điệu trong khi hành lễ. Những thể điệu và nghi thức nầy trong Đạo Giáo cũng mang ý nghĩa là những tín hiệu thông tin giữa người và thàn linh trong Đạo Giáo.

Theo một số quan niệm của người xưa, thì những phù thuỷ hay những ông đồng, bà cốt là những người giữ chức năng về tín hiệu thông tin đó.Nhà xã hội học Durkheim phân tách: theo quan niệm của người xưa,thì những phù thủy là những kẻ có khả năng thông đạt với tinh linh, đi vào vũ trụ được. Vũ trụ đây theo nghĩa là lên trời hay xuống tận âm phủ. Khi tinh linh được triệu về trong lễ cúng thì được nhập vào thể xác của họ trong một thời gian nào đó.Với nhận định đó, khi tác động vũ trụ (chẳng hạn như cầu mưa) thì phù thủy "dùng những pháp thuật của họ". Điều nầy xuất phát từ một giả thuyết cho rằng: con người và vũ trụ có cùng một bản chất, và thường tác động qua lại với nhau. Vô hình dung, những người sử dụng pháp thuật được coi là có khả năng tiếp xúc với vũ trụ. Với họ thì pháp thuật là những phù phép nhắm áp đặt ý chí của một kẻ có uy lực lớn lên trên ngoại cảnh (ví dụ như những phù thủy trừ tà ma). Trong những nghi lễ nông nghiệp tại Nhật Bản, thì những điệu múa cầu mưa đều là những hành động pháp thuật (theo Maspéro). Những phù thủy, theo người xưa, có thể làm mưa bằng những động tác, bằng những tiếng gầm tương tự như tiếng sấm để tác động vào thiên nhiên. Trong khi đó thì một số người dự lễ (Nhật Bản) lại đeo mặt nạ như loài ếch, khi tiến, khi lùi, báo hiệu cho cơn mưa. Căn cứ trên như di vật thời cổ, những nhà khảo cổ học có thể giúp ta giả định rằng múa ma thuật là một loại múa rất cổ, và gần nhưcổ nhất là loại múa săn bắt của con người thời đồ đá cũ. Động tác múa là động tác mô phỏng theo sinh hoạt của loài thú tương ứng. Để cho những cuộc săn bắt thành công, người xưa thường mô phỏng cảnh được mồi bằng động tác. Để cho con thú không đi xa khỏi đất săn, người xưa mô phỏng theo cảnh con thú tha mồi trở về. Một trong những biện pháp thông quan với thần linh là tạo nên dáng bên ngoài của thực thể mà họ hiện thân. Thông thường là nhữngphục trang, nhất là dùng mặt nạ, có khả năng thực hiện mục đíchấy theo tư duy của họ. Tại Bali, các điệu múa Barong của phù thủy Rangdar chứng tỏ rằng hiện tượng đeo mặt nạ có thể tự đặt mình vào một cảnh quan về phương diện pháp thuật.Theo một số tôn giáo, thì múa là một tiết mục trong những buổi lễ thường kỳ. Mở đầu là sự kích động bằng múa hát. Sự kích động nầycó thể tác động đến thần kinh bản thân của phù thủy, nhưng không bao giờ đẩy họ đến trạng thái không tự chủ được. Như vậy thì phù thủy vẫn tỉnh táo trong khi hành lễ. Những người mê tín tin rằng múa phù thủy có những tác dụng sau đây:(a) Chữa lành một số bệnh, bằng cách tìm ra linh hồn của người ốm;vì họ cho rằng linh hồn đó đi lang thang đâu đó, hay bị một tinh linh khác làm lạc hướng nên sinh bệnh. Khi phù thủy múa, làm những động tác như: lay, gọi, giữ chặt, giằng co, tức là vật lộn với quỷ thần ám ảnh. Theo những nhà tôn giáo học, muá ma thuật, theo quan niệm cũ,là hướng tới một thần linh hay một tinh linh lợi hại nào đó.(b) Tạo cho người nhận pháp thuật (con bệnh) một khả năng vững mạnh nào đó, có thể chống đỡ lại những loài ma quỷ quấy phá,tấn công. Những thể điệu múa ma quỷ chú trọng nhiều nhất là múa tay. độngtác nầy gồm có ba loại: Động tác thể hiện trạng thái xuất thần: đảo người, rung người, quay cuồng.Động tác thể hiện pháp thuât: ấn quyết (tức là những tín hiệuthông tin giữa người và qủy thần liên hệ). Động tác minh họa nội dung của những lời cầu khẩn hay ước nguyện nào đó.Tuy nhiên trong những quang cảnh cúng tế tại đền thờ, điệu múa thường bị gói trọn trong một không gian chật hẹp, cho nên đội hình và những động tác múa cũng thường bị hạn chế.Những đạo cụ thông thường của phù thủy khi múa gồm: nén nhang (người Việt) chuông rung (người Dao) chùm quả nhạc (người Tày) trống cơm (người Chàm). Chuông hay trống dùng để áp đảo những quỷ thần.

Múa Lên Đồng:

Múa lên đồng cũng là một biểu hiện của loại múa tôn giáo. nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo học Đông Phương thường bỏ công nghiên cứu về múa lên đồng. Mỗi năm vào khoảng tháng ba âm lịch, thì hội Phủ Giầy (Nam Định)chật ních những loại con hương, đệ tử về cúng lễ. Theo tục lệ thì "Tháng tám giỗ cha; tháng ba giỗ mẹ"; giỗ cha là giỗ đức Trần Hưng Đạo ở đền Kiếp Bạc; giỗ mẹ tức là lễ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Thành Mẫu được thờ tại các đền Phủ Giầy. Tại Huế, Liễu Hạnh Công Chúa được thờ tại điện Hòn Chén. Múa lên đồng được phân chia ra làm hai loại: loại múa của các bà đồng chuyên nghiệp và loại múa con hương,đệ tử (con thánh). Con thánh hiểu theo nghĩa mê tín là những đứa con là bố mẹ đẻ không thể nuôi sống được, cho nên đã bán cho Thánh, được thuốc giải, cứu sống được. Bà đồng là những người làm nghề lên đồng bóng chuyên nghiệp. bà đồng cũng tương tự như những bà "then" chuyên cúng bái của dân tộc Tày ở Cao Nguyên.Mọi lễ lượt đầu chuẩn bị chu đáo. Cuộc lên đồng chính thức thực hiện bắt đầu khi bà đồng phủ diện. Phủ diện tức là đắp chiếc khăn màu đỏ lên trên đầu và mặt. Cô hầu là những người trở giúp cho bà đồng. Thánh giáng là trạng thái của bà đồng đảo người tức là đã được hồn nhập. Nhiều hình tượng khác nhau trong khi lên đồng; như vậy thì y phục của từng nhân vật cũng khác nhau. Đổi giá tức là chuyển từ nhân vật nầy sang nhân vật kia. Trước tiên và cao nhất là mẫu Thượng Thiên. Mẫu nầy đứng hành đầu và trang trọng nhất; sau đó chuyển sang Mẫu Thoải. Mẫu Thoải có thể là Liễu Hạnh Công Chúa, bà Thiên Y A Na hay Linh Sơn Thánh Mẫu. Khi thay đổi thì những điệu múa thích hợp cũng thay đổi theo từng vị Mẫu hay Quan Hoàng.

Những Điệu Muá:

Tất cả được phân chia ra làm 8 loại múa lên đồng bóng:
(a) Múa kiếm: múa kiếm được dùng khi những quan lớn nhập vào con đồng. Những quan lớn được phân chia ra làm 4 loại: Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ. Khi múa kiếm thì phải có hai nhạc cụ phụ theo: đó là trống và beng beng. Quan trọng nhất trong múa kiếm là những động tác về tay. Chẳng hạn: gác hai kiếm lên hai vai; chéo kiếm trước mặt, vừa múa vừa nhảy; dắt kiếm trở vào thắt lưng.
(b) Múa mồi: múa mồi là dùng những nhang đèn trong khi múa. Múa Mồi chỉ dùng trong trường hợp hồn nhập là mẫu Đệ Nhất Thiên hay trong trường hợp múa Chầu Bà. Mồi thường làm bằng giấy có tẩm thêm nến để bắt lửa, rồi sau đó xoắn theo kiểu dây thường, dài khoảng 2 tấc tây là vừa. Múa mồicũng là loại múa đơn và không có kết cấu nào cố định cả.Những động tác chính trong loại múa nầy là: chéo tay trước ngực,hoa tay cầm mồi, uộn bàn tay trong các thế (tay thấp, tay cao;hai tay dang ngang hình cữ V...) đồng thời cũng kết hợp với những động tác nhảy từng bước ngắn; tất cả đều theo nhịp phách và trống.
(c) Múa chèo đò: múa chèo đò thuờng thể hiện trong khi con đồng thế thân cho cơ "Bơ Thoải". Văn chèo đò thường theo một thể điệu đặc biệt. Danh từ "Bơ Thoải" là tiếng đọc trại ra và gọi tắt của Ba Thủy.Theo cách múa nầy, thì hai tay của con đồng cầm hai mái chèo, bên trên có buộc hai sợi chỉ màu đỏ. Cô đờng Bơ Thoải chống vào mái chèo để múa. Những động tác chủ đạo bao gồm có: hai mái chèo rời;hai mái chèo nhập một. Những bước múa là: bước nhún tới, bước lùi lui, bước khoả chân,bước đá lùi. Loại nầy cũng thường là múa đơn nữ và không có kết cấu theo quy định sẵn.
(d) Múa quạt: múa quạt thường thực hiện khi chầu đồng Đệ Tứ Khâm Sai Thượng Thiên. Đây cũng là loại múa đơn nữ, không theo một kết cấu nhất định nào cả. Loại nầy là điệu múa tôn giáo thuần túy của dân tộc Việt Nam. Quan trọng hơn hết là sự kết hợp những động tác củaquạt với động tác nhảy chéo chân. Động tác của quạt thì gồm có: guộn quạt lại, giật quạt lên xuống, quay quạt theo vòng tròn hay bán nguyệt.
(e) Múa cung: múa cung thường thể hiện khi xác động nhập là ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy hay ông Hoàng Ba. Một tay thì cầm cung, đồng thời chân nhảy theo một vòng tròn. Khi vừa quay cung thì mắt cũng hướng về phiá trước như tìm mục tiêu. Khi phát hiện được mục tiêu rồi, thì rút một que nhang lắp vào cung và quỳ xuống để bắn ra.
(f) Múa thanh long: múa thanh long chỉ dùng khi xác đồng là Quan Lớn Tuần Tranh (tức là Đệ Ngũ Long Vương) Múa thanh long thường có các loại trống to nhỏ đệm theo.
(g) Múa hèo: múa hèo thường có trống đệm theo qua những khúc múa. Những người múa thường phải theo một thế võ. Mội ông Hoàng đều phải dùng thế võ khác nhau.
(h) Múa lân: múa lân là phần sau cùng cũng là phần ngắn nhất trước khi chấm dứt buổi lễ. Bà đồng ngồi xuống chiếu trong khi đó thì những cô hầu mời trà nước, bánh trái.
Múa lục cúng:
Phật Giáo du nhập vào nước ta vào thế kỷ sau Công Nguyên. Vào Việt Nam, Phật Giáo đã hội nhập với dân tộc tính Việt Nam. Trở thành quốc giáo vào đời Lý, đến đời Trần, Phật Giáo hãy còn thịnh, đời Hậu Lê trở đi thì nhường chỗ cho Nho Giáo, nhưng trong dân gian thì vẫn bành trướng. Những nghi thức Phật Giáo rất nhiều; hàng năm có nhièu ngày lễ viá quan trọng. trong những ngày lễ Vu Lan, Phật Đản, nhiều nơi có tổ chức múa lễ tiết. Trong những múa lễ tiết thì múa lục cúng là quan trọng và thịnh hành nhất. Theo truyền thuyết thì muá lục cúng do Bồ tát Mã Minh và Long Thọ sáng ác ra, được du nhập từ Ấn Độ sang Việt Nam. Cũng có ý kiến cho rằng: điệu múa lục cúng do những thiền sư Trung Hoa đưa sang Việt Nam vào Đàng Trong vào thế kỷ thứ XVII.Những giả thuyết trên đây một phần nào đã dựa vào những đặc điểm sau đây: dấu vết của điệu Mudra trong các thế tay của múa lục cúng.Hình tượng lục hoa tiên nữ. Tất nhiên là những thể điệu ngoại nhập phải hoà hợp với văn hoá Phật Giáo bản địa để thành một hình thức múa tôn giáo dân tộc.

Từ những thế kỷ trước, hàng năm tại những chùa trong địa hạt Thuận Thành, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Thường Tín, cứ đến ngày lễ Phật Đản thường có múa cúng dường Phật, mà trong nghi thức có dâng lên sáu vật cúng. Về sáu vật nầy, những giải thích đã không đồng nhất. Theo nhà nghiên cứu tôn giáo Lâm Tô Lộc thì sáu vật nầy là:hương, hoa, trà, đăng, quả thực. Nhưng theo Phan Kế Bính thì lục cúng gồm: hương, hoa, đăng, đồ, quả, nhạc. Chỗ khác nhau là "trà"và "đồ", "thực" và "nhạc". "Đồ" ở đây là một thứ nước hương thơm để tẩy uế trước khi hành lễ theo tập tục của Ấn Độ; "thực" là oản, một thứ vật cúng bằng xôi nén (oản xôi). Về thể điệu: Lục cúng là điệu múa gồm có sáu người. Ngày trước,dẫn đầu đội hình múa là hai vị tăng, chân dàn, tay ấn. tay dâng vật cúng nào thì chân chạy theo đội hình có nhiệm vụ làm rõ ý nghĩa của từng vật cúng. Chẳng hạn như khi đăng "hoa", thì chạy theo hình bông hoa 4 cánh. Bốn cánh đây có nghĩa theo "tứ đế".Khi múa dâng "trà" thì lại chạy theo hình chữ "thủy" (là nước).Có nhiều nơi thì sáu tay ấn phải làm rõ nghĩa của từng chữ hương,hoa, đăng, trà, quả, thực.Mỗi lần dâng lễ vật cúng nào thì có một đoạn hát múa đi theo. sau khi chuyển xong đội hình, người múa dừng lại, xếp thành hìnhtượng. Môt vị sư vào tụng một đoạn kinh.Nhưng về sau thì những vị tăng không tham gia múa nữa, mà chỉ có 6 chú tiểu hay những thiếu nữ trong lứa tuổi 12 đến 13. Cứ như lời hát trong lục cúng nêu rõ: -"Lục hoa tiên nữ, đồng lai tiến cúng hoa đăng; đồng lai hiến vũ hoa đăng"Không giống như ở sơ kỳ của sự phát triển lục cúng, mà nội dungđược thể hiện ngay trong lời giáo đầu của lục cúng: - "Nay dâng hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Sáu mùi đều hương vị ngát lừng.Lòng kính thành xin Phật chứng minh. Cầu thiên hạ thái bình an lạc".Về sau thì điệu muá lục cúng đã có phần biến thể; thay vì lụccúng thì đây lại là điệu múa đèn (hoa đăng).
Những chiếc đèn chậu hình vuông, có cán cầm tay. Những động tác tay không còn thể hiện nội dung lục cúng nữa, mà lại tập trung theo kỹ thuật múa đèn.Đội hình của múa cũng không theo chữ "thủy", chữ "điền" như trước kia nữa. Sự hiến cúng đều theo điệu múa và trong trường hợp nầy chỉ dâng lên ba vật cúng: hương, hoa và đăng.Khi hiến cúng đọc lên: "La liệt hương, hoa, kiến bảo đàn. Trùng trùng Phật cảnh, nhất hào đoan".Đây là một điệu múa dùng đội hình và cỗ (hình tượng) để diễn đạt nội dung lời hát theo điện tán trong chùa. Trong điệu múa nầy,động tác về tay chủ yếu là chao đèn. Người múa theo các đội hình như đường thẳng, đường số "8", đường đan chéo vào nhau và hình hoa hồi. Khi chạy quanh một góc nào đó, theo từng hướng đông,tây, nam, bắc, thì tay trong thấp, tay ngoài cao. các thế tay cơ bản được kết hợp với các thế chân, như: ký, cầu, tấn, trung, ngồi,và các động tác tay chân như giậm chân, đá, tọa, quay. Đội hình chủ yếu kết hợp với các tuyến múa là: hai hàng chạy đối xứng; cả tốp 6 người cùng nhau chạy theo hình hoa hồi có 4 cánh. Thủ pháp biểu hiện khá độc đáo trong lục cúng là những hình tượng để thể hiện nội dung của đoạn hát.
Tên của mỗi cỗ cúng có khi được gọi theo hai chữ đầu của mỗi bài.Những loại cỗ là: cỗ la liệt, cỗ giác hoàng, cỗ tướng hảo, lấy tên từ những đọan hát theo lục cúng:
- Cỗ la liệt: đây là khúc múa theo một loại hình tượng được xếp đặt bằng cách chồng người. Ba người đứng thành hàng ngang, gác tay lên vai nhau và dang tay ở hai đầu hàng ngang. Người đứng giữa dùng làm trụ cho vững chắc, cõng người thứ tư lên vai. Người thứ năm và người thứ sáu ngồi trên những cánh tay gác lên vai của những người đứng dưới. Tất cả đều cầm đèn.
- Cỗ giác hoàng: đây là khúc múa lục cúng gần giống như điệu cỗ la liệt, tuy nhiên người thứ tư đứng trên vai người đứng giữa dùng làm trụ chính.
- Cỗ tướng hảo: đây là khúc múa chia làm hai phần: ba người đứng dưới theo hình hàng ngang, ba người kia thì đứng lên trên vai của ba người trước đó. Tất cả đều cần đèn cả hai tay. Theo nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba (tạp chí Nghệ Thuật7/1987) thì điệu múa lục cúng ở Việt Nam đã biến điệu rất nhiều nếu so với xuất xứ từ Ấn Độ. trong khi các nước theo Phật Giáo khác như Kampuchia, Thái Lan, Sri Lanka thì vẫn nguyên bản của xứ Ấn.

Về những sinh hoạt tín ngưỡng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nhiều tài liệu Địa Chí, Văn Hoá cho biết:
- Núi Bà Rịa phía bắc có ngôi đền Thần Nữ, núi Thủy Vân ngoài mỏm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi là mỏm Đinh Cô; núi Thần Mẫu, trong động có đền Thần Nữ.
- Tại tỉnh Long An, tục thờ Mẫu cũng khá phổ biến, nhiều gia đình thờ Mẫu ngay trong nhà mình. Ở huyện Châu thành tỉnh Tây Ninh, xã Phước Hiệp Thịnh có chùa Thái Lâm nơi chính điện thờ cốt Phật, phía sau lại thờ Linh Sơn Thánh Mẫu.
- Ở tỉnh Sông Bé có nhiều nơi là miếu Bà, lập lên vào thế kỷ XIX và phát triển nhiều nơi khác.
- Ở vùng Vũng Tàu, tại thị trấn Long Hà, có miếu thờ Bà Thủy (Mẫu Thoải) thu hút khách hành hương đông đảo trong toàn vùng vào mùa lễ hội Bà. Ở tỉnh An Giang, có chùa Tây An nổi tiếng, ngay trong điện thờ Phật, cũng có đặt tượng Cửu Thiên Huyền Nữ, thờ Bà Chúa Ngọc, Chúa Tiên và Cô hai hiên.
- Tại trung tâm thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, cũng có nhiều miếu thờ Bảy Bà.
- Ở tỉnh Cần Thơ, tại chùa Nam Nhã thờ Tam Thánh: Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử ở gian chính giữa, hai bên lại thờ Cửu Thiên Huyền Nữ và Quan Thánh. Phía ngoài trước chùa có miếu thờ Thổ Thần và miếu thờ Mẫu. Ở tỉnh Bến Tre, chỉ trong 7 xã An Đức,An Bình Tây, Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, Tân Xuân, Phước Tuy và Phủ Ngãi của huyện Ba Tri có nhiều miếu thờ Bà trong xã, thôn hay trong gia đình.
- Tại làng Hằng Thanh, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, có thờ Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Vị Thánh Nương ngay trong chính tẩm.- Ở huyện Bình Đại thuộc Bến Tre, mỗi làng đều có một miếu thờ Bà Chúa Xứ và miếu thờ Bà Thiên Hậu. Ở xã Mỹ Thạnh, thịxã Bến Tre, có miếu thờ Cửu Vị Thánh Nương bên cạnh Tiền Hiền,Hậu Hiền.
- Những tài liệu nghiên cứu khác cho biết nhiều vùng khác cũng nổi tiếng trong việc tôn thờ Mẫu, như ở Tiền Giang tại thôn Mỹ Đông,tổng Lộc Mỹ có miếu thờ Trinh Nữ; tại xã Kim Đông, bên bờ sông Thủ Thừa có miếu thờ Hoả Tinh Nương Nương, được vua Tự Đức phong làm Thượng Đẳng Thần.
- Tại Sài Gòn, ít nhất là 30 đình miếu có thờ Mẫu.Con số thống kê năm 1985 trong số 264 ngôi đình trong thành phố Sài Gòn có tới 42 ngôi đình còn bàn thờ bà Ngũ Hành, bà Linh Sơn,bà Thiên Hậu và Tứ Vị Nương Nương. Tại đình Nhơn Hòa, quận I SàiGòn, bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ và Ngũ Hành Nương Nương đặt trong chính điện rất trang trọng.
- Tại chùa Tây An, Châu Đốc An Giang, bên trong có bàn thờ Bà Chúa Xứ; hai bên có Chúa Ngọc và Chúa Tiên đứng hầu. Lại có bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ và bàn thờ Cô Hiên, mà dân chúng quen gọi là"Phật Cô".
- Chùa Ba Chúc (An Giang) thì bên trong thờ theo kiểu Tiền Phật,hậu Mẫu; bên ngoài chùa thì có miếu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ.
Trong những trường hợp dựng miếu, dù mang tính chất thờ thánh mẫu riêng biệt, tuy nhiên vẫn diễn ra tính chất hỗn dung, hoà hợp trong vấn đề tín ngưỡng.Chẳng hạn như miếu thờ Bà ở chùa Cao ở thị xã Bến Tre, thời gian qua, bên cạnh bàn thờ bà chuá Xứ (núi Sam) vẫn còn trần thiết thêm bàn thờ Thần Tiền Hiền và Thần Hậu Hiền nữa. Theo những nhà nghiên cứu phong tục thì việc hỗn dung nầy có hai ý nghĩa: (a) Có thể thoả mãn được nhu cầu tâm linh của mọi tầng lớp người (b)Trong trường hợp việc thờ vị Thần Thánh nầy không được cúng tế đầy đủ thì việc thờ Thần Thánh kia sẽ lôi cuốn thêm vào. Ngoài ra, việc tập trung thờ cúng tại một địa điểm thì tính chất hội tụ vẫn cao hơn.Hai trung tâm thờ Mẫu nổi tiếng nhất của miền Nam là đền thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc, tỉnh An Giang và điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen, Tây Ninh. Tại những vùng có nhiều người Hoa cư trú, như tại Chợ Lớn, Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mâu, Cần Thơ, Sóc Trăng... trong nhiều đình miếu thờ Thần, thường có bàn thờ bà Thiên Hậu; lại có thêm Tứ Vị Nương Nương. Chẳng hạn như Thất Phủ Miếu của người Hoa tại số 14 đường Nguyễn Chí Thanh, thị xã Vĩnh Long, trong chính điện thì thờ Quan Công; bên phải thì thờ bà Thiên Hậu, bà mẹ Thai Sinh và Tứ Vị Nương nương bên trái. Tất cả đều được trang hoàng lộng lẫy.Cùng với những ngôi đình miếu, các ngôi chùa cũng là những không gian có thờ Thánh Mẫu. Gia định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức ghi lại:Những lớp người nầy đã tin vào đồng bóng, kính trọng những nữ thần như Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, quen gọi người phu nhân tônquý là "Bà", Bà Hoả Tinh, Bà Thủy Tinh, cô Hồng, cô Hạnh..."Trong Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn khi chép về việc xây dựng vùng đất Hà Tiên cũng đã viết: Ở châu Hòn Khoai thuộc huyện Long Xuyên, có thờ Thiên Hậu Linh Thần.
1- Ngũ hành Nương Nương Ngũ hành Nương Nương là năm vị nữ thần quan trọng trong lễ bái của dân gian Việt Nam, biểu tượng cho năm chất cấu tạo ra vũ trụ.Theo quan niệm cổ truyền thì vũ trụ sanh nên biẻu tượng những nhân vật nữ được gọi là "Năm Mẹ": Thổ Đức Thánh Phi, Hoả Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thuỷ Đức Thánh Phi và Môc Đức Thánh Phi. Người bình dân thường tin rằng: Năm vị nữ thần nói trên có những quyền năng đối với các nghề liên quan đến đất đai, củi lửa,kim loại, nước nôi và cây gỗ (Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ). Do đó,được đông đảo quần chúng tôn thờ dưới mọi hình thức, nhất là những vùng nông thôn và ven đô.bài vị của Ngũ Hành thường được thờ trong những am, miếu, điện;gần đây có phong trào thay thế bài vị của Ngũ hành Nương Nương bằng những loại tượng đúc bằng xi măng hàng loạt; mỗi vị sơn môt màu riêng, phù hợp với năm tính chất: vàng, đỏ, xanh, trắng và tím. Ngoài Ngũ Hành Nương Nương vừa nói trên, có nhiều nơi lại còn thờ thêm "Nhị Vị Công Tử" hay là "Nhị Vị Công Nữ", gọi làThánh Cô và Thánh Cậu. Theo những nghiên cứu của các nhà phong tục học thì đây là sự ảnh hưởng của cách thiết lập những điễn thờnữ thần Thiên Y A Na (Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc), tức là biến tướng của Bà Mệ Xứ Sở Pô Inưga của người Chăm Pa (Chiêm Thành).Ngũ Hành Nương Nương đã được những vị vua đầu triều Nguyễn bantặng mỹ tự là "Tư Hóc Mặc Vận Thuận Thành Hoà Tự Tư Nguyện Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần. Tại vùng Thừa Thiên Huế có đến 37 đền miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương và được vua Tự Đức truy tặng mỹ tự đó.
2- La Sát Thánh Nương Toàn danh hiệu của vị nữ thần nầy là Phổ Thiên Chi Hạ La sát Thánh Nương, còn được gọi là "Bà Thánh Anh La Sát". Nguyên gốc từ loài "chằn" Rashasha của đạo bà La Môn, được hội nhập vào tín ngưỡng của người Khmer, rồi được dân gian hoá, thờ phượng trong nhiều đền miến. Theo Phật Giáo thì quỷ La Sát Ha Ly Đế (Hariti)hay bắt con nít đem về cho con mình ăn thịt; sau đó, đức Phật (?)cảm thương, nên đã dùng phép thần thông bắt đức con của con quỷ ấy tên là Tân Già La (Pingala) nhốt dưới môt chiếc bát. Qủy La Sát thương con, cho nên đã đến cầu khẩn xin đức Phật tha tội. Đức Phật khuyên mẹ con chúng quy y Phật Pháp, cải tà quy chánh, nhưng con qủy nầy lại ngần ngại, vì lũ con quá đông, nếu bỏ thịt người thì tất cả những đứa con của mình đều đói khát. Dức Phật hứa giúp chúng, cho nên, ngày nay mỗi trưa, trước khiu lên qua đường thọ thực, chư tăng có tục cúng mẹ con quỷ La Sát và các loài ma qủy khác. Về sau, quan niệm La Sát Nương Nương (tức Thiết Phiến Công Chúa), mẹ của Thánh Anh Đại Vương (tức Hồng hài Nhi) trong truyện tây Du Ký nhập vào trong sự tích nầy.Theo những truyền thuyết trong dân gian thì La Sát Nương Nương có 26 người con, thường làm hại trẻ sơ sinh và thiếu nhi. Như vậy,đây là vị thần vừa mang tính ác, lại vừa mang tính thiện, cho nên cũng thường được cầu cúng. Bài vị La sát Thánh Nương thường được thờ trong miếu trước sân đình, hẫu cần có Chúa Động Tiên Nương(Bà Chúa Động), Cô Hồng, Cô hạnh.
3- Thất Thánh Nương Nương Thất Thánh Nương Nương còn được gọi là Bảy Bà tức là bảy nàng tiên ở cung Diêu Trì của Tây Vương Mẫu và thường phục vụ cho nhân vật nầy. Các nàng tiên nầy là nữ thần của giới đồng cốt ở Trung Quốc, có tên theo màu áo thường mặc của mỗi người như Hồng Tiên Nương, Thanh Tiên Nương, Tử Tiên Nương, Bạch Tiên Nương, Hoàng Tiên Nương. Lục Tiên Nương và Lam Tiên Nương. Trong Tây Du Ký có kể lại những nhân vật nầy. Môt số nơi khác thì Thất Thánh Nương lại đồng hoá với Thiên Y A Na cho nên bàn thờ lại còn thêm môt người con trai và một người con gái. Thất Thánh Nương Nương thường thờ bằng bài vị, có nơi được tạc bằng tượng có tô màu theo kiểu áo. Phổ biến về việc thờ nầy trong vùng Cai Lậy, Cái Bè,Vĩnh Long.
4- Kim Huê Thánh Mẫu: Nhân vật nầy thường được thờ cúng trong cộng đồng người Hoa khắp nơi. Kim Huê Thánh Mẫu thường được ghi trên tranh tượng là Huệ Phước Phu Nhân tức là vị nữ thần trông coi về việc sinh đẻ củacon người. Thông thường, những gia đình nào hiếm muộn con cái thường lễ bái, cầu đảo vị Nữ thần nầy, thậm chí trong những khi thượng đồng nữa.Tại miền Nam Việt Nam, môt số đình làng hay chùa làng cũng thờ Kim Huê Thánh Mẫu bên hông chánh tẩm. Thành thử có câu:Phương Hoàng đua, chim sẻ cũng đua,Anh đến chơi, trước miễu sau chùa.Đụng người buôn bán, quê mùa thiếu nhi.Lại có nơi dựng ngôi miếu riêng, rộng lớn để thờ Kim Huê Thánh Mẫu. những nơi thờ nầy thường thờ bằng cốt tượng gần môt Bà Chúa Thai Sanh và 12 bà mụ bồng 12 đứa trẻ sơ sinh, trông coi việc sanh tử trong môt giáp. Có nơi lại còn bày thêm 3 pho tượng khác(Tiên Sư, Tổ Sư, Thánh Sư các nghề nghiệp trong vùng), tục gọi là"Ba Đức Thầy", nhưng trong quần chúng lại thường gọi lầm là "mười hai bà mụ, mười ba (?) đức thầy".

4- Vân Hương Thánh Mẫu

Trong Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An có đoạn viết về việc thờ cúng tại điện Hòn Chén làng Hải cát như sau:- Đền thờ nầy ở xã Khuất Phố (Hải Cát cũ), huyện Kim Trà. Tục truyền rằng: Thần là người đàn bà, cũng rất linh ứng. Hàng năm,đầu xuân đảo vũ, mở hội đua thuyền, quan bản hạt thân hành chủ tế; sau đó được mưa ngay... (trang 176).Điện Hòn Chén được trùng tu vào đời vua Đồng Khánh.Tương truyền rằng: Thân mẫu của nhà vua nôn nóng không biết ngày nào con tai của mình được lên ngai vàng, cho nên đã đưa lễ vật thường xuyên đến đền nầy để cầu xin. Thần ứng mộng và sau nầy ngày tháng lên ngôi đều đúng. Cũng vị lẽ đó cho nên nhà vua sau khi lên ngôi, đã nhận là "đệ tử" của Thánh mẫu. Điện được xây dựng thêm nhiều và lễ bái càng đông... tại điện Hòn Chén có ảnh của vua Đồng Khánh.Nguồn gốc:Qua những cuộc nghiên cứu hiện nay, đạo Thiên Tiên Thánh Mẫu trở thành môt thứ tín ngưỡng phức hợp, bao gồm việc thờ cúng mẫu từ bắc, tín ngưỡng có nguồn gốc địa phương, lại cộng thêm việc thần thánh hoá ông cha của vua Đồng Khánh và các vua sau. hàng năm có những ngày lễ "Tháng bảy lễ cha, tháng ba lễ mẹ".Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng; Thờ Mẫu ở Huế có những hình thức tín ngưỡng của người Chăm Pa, nhất là việc thờ cúng Thiên YA Na. Hiện nay, lễ nầy vẫn còn như lối "múa bóng" của người ChămPa tại Phan Rang, trong hội Chà Căn (Rija Nugar) hội Chà Rây(Rija Harey) hội Chà Pròong (Rija Prăng) hội Chà Dậu (Rija Tadau)ở các tỉnh phía Nam.Về tín ngưỡng đồng bóng tại Huế thì lại thường lấy các thần thánh được thờ ở điện Hòn Chén và tục "tháng bảy lễ cha, tháng ba lễ mẹ", trùng hợp với ngày giỗ đức trần Hưng Đạo ở đền Kiếp Bạc (HảiHưng) và ngày giỗ Liễu Hạnh Công Chúa thờ ở Phủ Giầy (Núi Gôi thuộc hà Nam Ninh). Trong những ngày lễ kễ trên tại điện Hòn Chén, việc lên đồng bóng, đàn hát chầu văn được coi là nghi lễ chính của đạo Tiên Thiên Thánh Giáo.-./.




VVM.18.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .