SƯ CÔ & NGÔI CHÙA THỜ ĐỨC ÔNG
N gày sinh Quán Thế Âm Bồ Tát (19- 3 Âm lịch) chúng tôi có cơ duyên về lễ chùa Hưng Giáo- xã Tam Hưng- huyện Thanh Oai- Hà Nội. Qua những cánh đồng, loang loáng ánh nước, lúa Xuân xanh mượt mà, vào làng Tam Hưng tĩnh lặng. Ngôi chùa làng thênh thang dưới bóng cây bồ đề trên năm trăm năm tuổi. Những pho tượng Phật đá trắng ẩn hiện dưới mái tam quan. Vườn chùa thơm hương hoa Bưởi, hoa Ngâu, hoa Chanh, hoa Mộc. Những cây nhãn, quéo, đa, đề cổ thụ, ôm ấp mái chùa nâu. Sư cô dáng nâu sồng, má lúm đồng tiền, mềm mại, thanh tao, mời chúng tôi lễ Phật.
Cảm giác nhẹ nhàng thánh thiện tràn ngập trong tôi. Ngôi chùa quê. Sư cô chân quê tuổi bốn mươi, mặt trái xoan, đôi mắt phảng phất hồn Việt cổ, ẩn dật, đức hạnh, từ bi, trinh trắng.
Sư cô dẫn chúng thăm toàn cảnh chùa Hưng Giáo. Ngôi chùa cổ đã bị san bằng để xây nhà văn hóa. Nhưng nguồn năng lượng Tâm linh Mẫu Phật luôn tỏa sáng. Chùa còn bia, còn cây bồ đề, cây cổ thụ xuyên năm tháng. Hồn thiêng Mẫu Phật thấm từng tấc đất, gốc cây, lá cỏ. Dân làng dịch bia, đòi dựng lại mái chùa hồn quê trên nền cổ xưa. Sư cô được giao trụ trì, hơn mười năm qua, đã nhẫn nại, kiên cường dựng lại chùa thiêng, cảnh Phật huy hoàng làng quê.
Trong Tam Bảo hệ thống tượng Phật hoàn toàn mới. Có tượng Phật Tam Thế, tượng Thích Ca sơ sinh, là một cậu bé Ấn Độ bụ bẫm, mình trần, quấn khố, tóc đen, gương mặt thơ ngây, hồn nhiên, một tay chỉ lên Trời, một tay chỉ xuống Đất. Chúng tôi rất vui vì Tam Bảo vẫn có Tòa Cửu Long, giữa Tòa Cửu Long là tượng Mẫu Phật Hương Vân Cái Bồ Tát. Tượng một bà sư già đầu trọc, mặc váy, ngực trần hiện đôi bầu vú sữa, một tay chỉ lên Trời, một tay chỉ xuống Đất. Hình tượng Người Mẹ Việt có thật trong đời. Mẹ sinh con và tu thành Phật. Mẹ Đỗ Quý Thị- Hương Vân Cái Bồ Tát. Mẹ của đức vua KInh Dương Vương.
Hình tượng Tòa Cửu Long và Mẫu Hương Vân Cái Bồ Tát thờ Tổ Tiên Bách Việt và Mẫu Phật Việt, ngự trong các ngôi chùa cổ Việt được ghi trong phả cổ, giờ đây trở nên linh diệu gần gũi với chúng tôi. Phân biệt rất dễ dàng với tượng Thích Ca sơ sinh.
Ngôi Tam bảo còn có tượng Ngọc Hoàng Thượng đế mặc áo hoàng bào, râu trắng dài, đội vương miện. Chúng tôi hiểu đó là Kinh Dương Vương. Đối diện là tượng Thánh Mẫu, trang phục hoàng hậu, vợ vua Kinh Dương Vương.
Ngoài trời trước Tam Bảo, sân vườn mênh mông. Sư cô dẫn chúng tôi thăm bốn khu vườn tượng, mô tả bốn quãng đời tu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sinh ra. Tìm Đạo và ngộ Đạo dưới gốc Bồ Đề. Hành Đạo. Nhập Niết Bàn.
Vườn Lâm Tỳ Ni với các pho Tượng mô tả hoàng hậu sinh Thích Ca Mâu Ni sơ sinh.
Dưới gốc cây Bồ Đề linh diệu, tượng Đức Phật Thích Ca Thiền định trên tòa sen, dưới tòa sen là một thân rắn cuộn tròn làm đệm tượng. Đầu rắn vươn lên phía sau đầu tượng Phật, hóa chín cái đầu rắn, tạo thành tán lộng che đầu tượng Phật. Đây là một tích trong Kinh Phật, mà sư cô làm bài thi tốt nghiệp Đại học Phật giáo. Nó thể hiện lòng từ bi cảm hóa quỷ rắn, hung tà, ác tham, là sức mạnh phi thường của Phật Pháp và Tâm Linh. Đại Bi. Đại Hùng. Đại Trí tuệ. Bất diệt.
Pho tượng Phật giáo hóa chúng sinh dưới hai cụ quéo cổ đại, thần lực uy linh, hướng về Tam Bảo, thơm mát tình quê Việt. Tượng Phật nhập Niết Bàn. Phật nằm nghiêng phía trái nụ cười hàm tiếu tặng thế gian. Thanh thản hồn làng.
Những pho tượng lớn, mô tả bốn quãng đời tu của Đức Phật đều bằng đá trắng, được tạc từ vùng Non Nước- Đà Nẵng chuyển về. Cảnh chùa, cảnh Phật huy hoàng giữa làng thôn Việt được phục dựng thế kỷ XXI. Hiếm nơi nào có được.
Sư cô kể, mọi việc thiết kế, xây dựng chùa, giám sát thi công, hệ thống tượng, hệ thống chữ, hoa văn… đến tiền của sức dân gom góp, từng viên gạch, ngói, cây hoa… đều đến với sư cô trong giấc ngủ chập chờn, mơ thực. Tâm linh mach bảo. Phật gia hộ độ trì. Tổ Tiên, Thần linh dạy. Sư cô chỉ huy, điều hành mọi việc, tổng thể, chi tiết, chính xác, tiết kiệm. minh bạch.
Chúng tôi trò chuyện với các cụ ông, cụ bà thôn Tam Hưng và các bạn trẻ đang hoan hỷ giúp sư cô sơn son thếp vàng cửa võng, đại tự, trong Tam Bảo, chăm cây hoa, quét dọn vườn chùa. Họ nói “Chùa làng được dân yêu trọng, tự nguyện gom góp từng ly, từng lai, sửa sang dần, mỗi ngày một hoành tráng, trang nghiêm”.
Biết chúng tôi mê đắm khám phá chùa làng, sư cô hôm nay hơi mệt và bận việc là thế, vẫn nhanh nhẹ dẫn chúng tôi đi ô- tô quanh xã Tam Hưng, lên làng trên, xóm dưới thăm hai ngôi chùa, sư cô được giao trụ trì.
Ngôi chùa thờ pho tượng Đức Ông
Xã Tam Hưng- Thanh Oai- Kinh đô cổ của Bách Việt còn rất nhiều cây bồ đề, cây đa, si, quéo cổ thụ, bên cạnh miếu cổ, ao láng, giếng tròn, to. Đấy là dấu tích Văn hóa Tổ Tiên Việt linh thiêng dăm, bảy ngàn năm trước, chúng tôi không thể nào biết hết. Chỉ biết dân làng Tam Hưng đời nối đời, giữ từng gốc cây, khói hương thờ mả Tổ.
Xã Tam Hưng hiện có bảy ngôi chùa, sư cô được giao trụ trì ba ngôi. Hằng ngày, đi xe máy lại qua, xây chùa mới.
Ngôi chùa mới sư cô đang xây dựng tại thôn Lê Dương, xã Tam Hưng- Thanh Oai- Hà Nội ngự đầu thôn, vươn ra cánh đồng mênh mông. Trời xanh lộng gió mười phương, tám hướng. Mái chùa cong nhấp nhô mấy tầng đang xây, rộng tám mẫu đất, khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Chẳng hiểu sức mạnh nào mà một vị sư cô mỏng manh như cành liễu, sống ẩn dật giữa thôn làng, có thể làm nên điều kỳ diệu này.
Sư cô nhẹ nhàng nói:
- Con người sinh ra từ tinh cha, huyết mẹ và thần thức vũ trụ. Khi sống chịu luật Nhân Quả. Khi chết chỉ mang theo được hai cái: Nghiệp Thiện và Nghiệp Ác. Ai sống Thiện, chết mang Nghiệp Thiện, thần thức sáng, nhẹ bay lên. Ai sống Ác chết mang Nghiệp Ác, thần thức đen, tối, nặng, không thoát lên được, vật vờ thành ma quỷ ám trần gian.
Kinh Phật dạy:
Ta đi với nghiệp của ta
Dù cho tốt xấu tạo ra tự mình
Theo ta như bóng với hình
Ta thọ quả báo phân minh kiết tường.
Nhà chùa đi tu từ năm học hết cấp ba. Được sư thầy Thích Đàm Pháp dạy dỗ, mười tám năm qua, đã hết mình tu học, thương người hơn thương mình, chia cơm, sẻ áo, truyền Phật Pháp, được Phật tử hiểu và thương lại. Dân làng thôn Lê Dương mộ Đạo, tự nguyện nhường đất, góp tiền của, công sức, xây chùa. Mỗi người dân già trẻ, gái trai trong thôn tự nguyện ra xây chùa, giá thành xây dựng giảm một nửa.
Tôi hỏi xin tư liệu lịch sử chùa thôn Lê Dương, sư cô bảo các cụ trong làng giữ. Chỉ biết ngôi chùa bị giặc Pháp đốt cháy, còn một pho tượng Đức Ông bằng đồng đen không cháy. Dân làng bỏ pho tượng Đức Ông xuống ao. Không ngờ cả làng bị sốt la liệt. Họ kinh sợ. Bảo nhau vớt tượng Đức Ông từ ao, xây ngôi miếu nhỏ thờ cúng trên nền chùa cháy. Ngôi miếu rất thiêng. Dân làng đời nối đời khói hương, nguyện cầu. Nay cơ duyên đến, sư cô được giao sứ mệnh xây chùa thôn Lê Dương.
Gian nhà thờ Tổ đã hoàn thiện. Những pho tượng Phật đồ sộ bằng lõi gỗ mít do mọi người công đức, ngự về thơm ngào ngạt. Sư cô thỉnh chuông cùng chúng tôi lễ Mẫu, Thần, Phật và Pho tượng Đức Ông trang phục hoàng bào, bằng đồng đen được sơn màu đỏ, giữ bí mật.
Một khám thờ Đức Ông lớn bằng gỗ, trạm trổ hoa sen, tùng, cúc, trúc, mai, năm tầng cửa võng, bốn cột, hai mươi mái, góc nào cũng có mái, như một cung điện để Ngài ngự trong cung, chờ sẵn để khi xây xong chùa sẽ rước Ngài ngự một gian thờ.
Sư cô bảo Ngài dạy như thế. Ngài thường về dạy sư cô trong giấc mơ. Bức tường xây khuôn viên chùa hơi chật, Ngài dạy xây rộng hơn, sư cô phải phá tường đã xây, làm lại theo ý Ngài.
Chúng tôi chưa có tư liệu về ngôi chùa thôn Lê Dương nhưng biết pho tượng đồng linh thiêng, bất diệt thờ trong chùa thôn Lê Dương là một vị Tổ Tiên Bách Việt có công lớn được dân tôn thờ thành Thánh, Thần. Muôn đời tỏa hào quang cùng con cháu giữ làng, giữ nước.
Ngôi chùa cổ thờ Mẫu Phật
Trên đường trở lại chùa Hưng Giáo, sư cô mời chúng tôi thăm ngôi chùa cổ nguyên vẹn hương quê của Tổ Tiên giữa thôn Lê Dương, xã Tam Hưng- Thanh Oai- Hà Nội.
Ngôi chùa thấp nhỏ ẩn giữa cây vườn. Hương Bưởi ngan ngát dấu rêu phong. Giếng nước cổ. Những tấm bia cổ chưa người dịch. Gốc cây, ngọn cỏ, viên gạch, lối đi nguyên sơ, thanh tịnh. Ngôi chùa có gian tiền tế phía trước, cột gỗ lim đen bóng. Ngôi Tam Bảo bên trong nho nhỏ một gian hai trái. Hệ thống tượng đất chính giữa Tam Bảo không nhiều. Đó là những pho tượng Mẫu Phật Việt. Không có tượng Phật Tam Thế. Không có tượng Phật Tố Ấn Độ. Không có tòa Cửu Long. Không có tượng Ông Thiện, Ông Ác. Không có ban thờ Đức Ông. Không có tượng Bát Bộ Kim Cương. Không có tượng mười tám vị La Hán.
Tôi ngắm kỹ bức tượng nhỏ đứng một mình, đặt trước Tam Bảo, sau mới đến các hàng tượng khác. Tượng một bà sư già, đầu trọc, mặc váy, một tay chỉ lên Trời, một tay chỉ xuống Đất. Đó là tượng Mẫu Phật Hương Vân Cái Bồ Tát linh thiêng, Mẹ của chúng ta. Không còn nghi ngờ bàn cãi. Ngôi chùa cổ thôn Lê Dương thờ Mẫu Phật Hương Vân Cái Bồ Tát.
Đất chùa rất rộng, đã xây trụ sở Ủy ban, nhưng họ chuẩn bị trả cho sư cô tôn tạo ngôi chùa cổ.
Tôi dạo vườn chùa. Mùi đất hoang hoải. Hương Bưởi dịu dàng. Tôi nhặt đầy tay hoa Bưởi. Nguyện cầu và tin sư cô sẽ bảo tồn nguyên vẹn ngôi chùa cổ thờ Mẫu Phật Việt còn sót lại lên vùng Kinh đô cổ Bách Việt. Trở lại chùa Hưng Giáo. Tôi bất ngờ lạc vào phòng nuôi trẻ bị bỏ rơi. Sư cô đang nuôi bảy đứa trẻ bị bỏ rơi trong chùa. Như Thị Kính. Sư cô bận trăm công, ngàn việc, vẫn dành Tình Mẫu Phật chăm bọn sơ sinh bị mẹ nó mang đến chùa bỏ lại.
Tôi bất ngờ ôm lấy một bé trai hơn mười tháng tuổi, bụ bẫm, thơm như trái táo. Mặt tròn trĩnh, mắt đen lấp lánh, hai má hồng, vừa ngủ dậy. Tôi ôm chặt, hôn hít má, trán, cổ bé. Tôi càng ôm chặt, bé càng im thin thít. Cậu có vẻ hợp hơi với tôi, tỏ ra vô cùng ấm áp, hạnh phúc, an vui. Bỗng nhiên, nước mắt trào. Tôi thầm thì nói với bé: ”Kiếp trước bà là bà nội của con. Bà xin sám hối vì bà đã không dạy được con trai mình, để cho nó gây tội ác với con. Để con bị bỏ rơi khi mới ba ngày tuổi. Lạy Phật từ bi đã cứu sống, nuôi dưỡng con”. Bà vãi và ni tiểu ngồi trên giường ôm một bé khác, nghe tôi nói, cả hai đều rớm lệ.
Tên của cậu là Thích Minh Đăng. Tôi lưu luyến đặt bé xuống giường. Cậu bước đi loạng choạng như muốn theo tôi. Nước mắt tôi rơi. Sám hối. Đầu hàng tội ác tính dục trần tục. Ni tiểu ôm cậu vào lòng bảo ”Niệm Phật đi”.
Nam Mô Hương Vân Cái Bồ Tát
Nam Mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Ni cô đãi chúng tôi cơm chay, rau củ vườn chùa. Món rau lang luộc chấm tương Cự Đà và khoai sọ nấu canh... dẫn chúng tôi về ngôi nhà xưa thương mến của gia đình Mẫu Mẹ Hương Vân Cái Bồ Tát, Mẹ Âu Cơ.
Chia tay chúng tôi, sư cô níu dặn: ”Cô có viết gì về chùa Tam Hưng thì nói tên của sư thầy cháu là Thích Đàm Pháp. Nhờ có Thầy mà cháu tu được như ngày nay. Thầy luôn ở bên cháu cùng trụ trì ba ngôi chùa làng Tam Hưng- Thanh Oai”.