Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





EDGAR ALLAN POE

(1809-1849)



Kiến Thức Văn Học

TÀI HOA MỆNH BẠC I  

KẾT

XI

(3/1846--1/1847)

(Ngoại ô New York)

            Poe vẫn nghèo rớt mồng tơi như bao giờ, luôn luôn mắc nợ hoặc tệ hơn là không một đồng xu dính túi. Trong khi đó, bệnh của Virginia càng lúc càng trở nên nặng, cần phải được thuốc thang chạy chữa. Nhiều ngày liên tiếp, nhà văn làm việc không nghỉ, đổ dồn tất cả sức lực vào cây viết nhưng cũng chẳng kiếm được cho gia đình bao nhiêu món tiền tối thiểu.

            Thế rồi tai họa này chưa qua thì tai họa khác đã dồn dập kéo đến. Tháng 3/1846, chỉ vì bức hí họa có tính cách nhạo báng châm chọc được vẽ ra bên dưới một bài viết mang tựa đề “The Literari” mà Poe đã bị Thomas Dunn English, ký giả của tờ tạp chí Evening Mirror chửi rủa thậm tệ bằng một loạt bài đăng trên tờ Evening Mirror. Ngôn ngữ của người này nặng nề quá khích đến độ Poe phải mang ra kiện người chủ báo. Kết quả, Poe được bồi thường thiệt hại danh dự 225 dollars; nhưng điều ấy cũng không tránh được đã để lại trong tâm hồn nhà văn một nỗi tổn thương sâu đậm.

            Tháng 5/1846, Poe dời cả gia đình, luôn cả con mèo tên Catterina, đến cư ngụ trong một căn nhà nhỏ như một túp lều ở Fordham, cách New York 13 dặm về hướng đồng quê. Tại đây, song song với cơn bệnh trầm trọng của Virginia, Poe cũng đã ngã bệnh lây lất. Số lợi tức mong manh kiếm được từ các bản quyền và cũng từ việc bồi thường của tờ Evening Mirror tiêu tan hẳn. Mùa đông đến, họ hết cả dầu đốt đèn.

            Thời gian này, có một người bạn vẫn thường xuyên đến thăm viếng cái gia đình nhỏ bé đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng cùng khổ ấy: bà Mary Louise Shew. Và bởi vì Poe chẳng có tiền để mời thầy thuốc, cũng bởi bà Shew có học qua khóa huấn luyện y khoa nên tự tay bà săn sóc cho cả Virginia lẫn Poe những gì cần thiết theo bệnh trạng.

            [Sau này, người đàn bà tốt bụng ấy đã kể lại về một lần đến thăm cái túp lều nhỏ của nhà văn và về tình cảnh của Virginia như sau: “ (...) Không có cái chăn nào trên giường ngoại trừ một tấm phủ màu trắng và những tờ báo. Trời rất lạnh, Virginia cứ rùng mình vì những cơn sốt của bệnh lao phổi hòa cùng những cơn rét theo cái giá lạnh bên ngoài. Nàng nằm trên một ổ rơm, cái áo khoác lớn của chồng phủ kín thân thể, và con mèo Caterina nằm ngủ bên cạnh. Con vật kỳ lạ dường như nhận thức được sự công dụng ghê gớm của nó đối với người bệnh. Con mèo và cái áo khoác là những vật sưởi ấm duy nhất cho người đàn bà trẻ đáng thương kia. (...)”]

            Một thông cáo xuất hiện trên một nhật báo ở New York kêu gọi lạc quyên cứu trợ gia đình Poe, đồng thời một thông cáo khác cùng luận điệu cũng được in trên một tờ báo ở Philadelphia, nhấn mạnh rằng “Poe không có tiền bạc cũng chẳng bạn bè gì cả...” N.P. Willis, bạn của Poe, lại viết một bài xã thuyết nhẹ nhàng trên tờ The Home Journal, trong phần đề nghị “một sự gỡ rối cho những kẻ lao động trí thức”, đã khôn khéo mang trường hợp Poe ra như một dẫn chứng, hầu lưu tâm quần chúng. Tất cả những điều vừa kể đã làm Poe nổi giận thật sự.

            Tuy nhiên, Virginia đã không còn cần bất cứ thứ gì nữa trên đời mà con người có thể giúp đỡ. Bệnh tình của nàng đã đến hồi chấm dứt.

            Ngày 29/1/1847, Poe viết lá thư ngắn cho bà bạn Mary Louise Shew như sau (*):

            “Fordham, 29/1/1847

            Bạn rất thân và rất tử tế,

            Virginia đáng thương của tôi vẫn còn sống dù rằng rất suy nhược và hiện đang đau đớn lắm. Có thể Chúa sẽ  rước linh hồn nàng đi sau khi nàng được gặp lại để cảm ơn chị lần nữa. Tấm lòng nàng –cũng như tâm hồn tôi—thì chứa chan vô hạn đến khó thể diễn tả cho hết sự biết ơn đối với chị. E rằng không bao giờ còn gặp lại chị nên nàng bảo tôi nhắn gửi đến chị cái hôn dịu dàng yêu thương nhất, và nàng sẽ chết an lành trong ơn phước của chị. Nhưng xin chị hãy đến, ngày mai xin chị hãy đến đi! Tôi hứa sẽ bình tĩnh như lời chị vẫn cao thượng ao ước cho tôi. Mẹ tôi cũng gửi đến chị tình cảm và những lời cám ơn nồng nàn nhất. Bà xin tôi hỏi chị rằng có thể nào chị thu xếp chuyện nhà để đến ngủ lại đây đêm mai với chúng tôi?

            Tôi phải ngừng để đi gửi thư này ngay. Chúc chị được nhiều ơn phước và xin tạm biệt.

            Edgar Poe.”

            Ngày kế tiếp, Virginia qua đời khi vừa 25 tuổi.

            Cái chết từ lâu đeo đuổi ám ảnh ý nghĩ Poe, bấy giờ trở nên là một sự thật đau đớn khốc liệt. Cuộc giã từ vĩnh viễn của người vợ trẻ –càng lúc càng đến gần hơn với hình ảnh người mẹ hoàn hảo mà Poe suốt đời tìm kiếm—đã khiến ông như bị rút hết cả năng lực. Nhà văn lại lao đầu vào những cơn say bí tỉ. Những đêm trắng lạnh và dài như vô tận trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô New York, Poe chúi đầu vào những ly rượu đắng trước sự chứng kiến đau lòng và bất lực của bà cô Clemm. Ông uống rượu càng nhiều hơn trước và không thể ngủ được nếu không dùng đến rượu hoặc không có sự hiện diện của bà cô bên cạnh giường. Sự sợ hãi cái chết từng bị ám ảnh khi còn bé, sự e ngại phải chống chỏi một cách đáng thương với định mệnh phũ phàng… tất cả mọi nỗi này đã trỗi dậy mạnh mẽ với nguyên hình trạng gai góc của nó, giống như một thứ bóng tối ghê rợn vây chụp tâm hồn nhà văn quãng đời đau khổ cùng cực này.

            Dẫu sao cũng không thể phủ nhận rằng cái chết của Virginia đã đánh dấu như ngày tàn của một thời kỳ ổn định nhất kể từ lúc lập thân trong toàn thể cuộc đời Edgar A. Poe.

XII

(2/1847 – 1848)

(Ngoại ô New York)

            Sau khi Virginia qua đời, cuộc sống Poe còn buồn hơn bất cứ tác phẩm nào ông đã viết ra. Tuy vậy, năng lực sáng tạo vẫn không rời bỏ nhà văn. Ông lại vùi đầu vào những trang giấy để tìm quên đau khổ và gầy lại nghị lực. Tác phẩm khoa học giả tưởng bằng thi ca Eureka được hình thành trong cùng thời gian với bài thơ mang đầy hơi hướm u ám “Ulalume” và một trong những bài nổi tiếng nhất của Poe: “The Bells”. Đặc biệt hơn, bài thơ “Annabel Lee” viết ra vài ngày sau cái chết của Virginia đã được gợi nhớ từ kỷ niệm khi còn niên thiếu, Poe từng ngồi một mình nhiều đêm cạnh bên nấm mồ của bà Stannard trong nghĩa trang lạnh lẽo:

            “Theo dòng triều dâng, tôi nằm bên cạnh

            Người tôi yêu, ôi! Sự sống của đời tôi!

            Ngủ yên trong nấm mồ bên bờ biển

            Giấc ngàn năm được ru bằng tiếng sóng thiên thu...”

            (And so, all the night-tide, I lie down by the side

            Of my darling –my darling-my life and my bride

            In the sepulchre there by the sea

            In her tomb by the sounding sea...)

            Cũng trong bài “Annabel Lee”, trước sự chết, Poe đã kiêu hãnh đến không còn sợ hãi mà thách thức rằng:

            “Chẳng thiên thần nào trên thiên đường cao đó

            Chẳng quỷ ma nào dưới đáy biển sâu

            Có thể tách chia hai linh hồn gắn bó

            Của tôi và của Annabel Lee xinh đẹp tuyệt vời”

            (And neither the angels in the heaven above

            Nor the demons down under the sea

            Can ever dissever my soul from the soul

            Of the beautiful Annabel Lee…”

            Tháng 6/1848, Eureka được xuất bản tại New York. Poe lại khởi sự viết một quyển sách mới dưới tựa đề: “Literary America”.

            Ngày 10/6/1848, trong một cuộc diễn thuyết tại Lowell (Massachusetts) của Poe, nhà văn gặp bà Nancy Locke Heywood Richmond (còn có tên gọi là Annie). Mối tình cảm thầm lén đã xảy ra giữa hai người sau đó, tuy rằng bà Nancy vẫn tiếp tuc sống cùng chồng tại Lowell.

            Ngày 17/7/1848, Poe trở lại Richmond và lưu lại đó ba tuần. Không ai biết được nhiều về những gì Poe đã làm ở Richmond, nhưng theo một nhân chứng kể lại thì ông thường “say bí tỉ, và diễn thuyết về Eureka cho khách hàng trong các quán rượu nghe.”

            Sau khi trở lại New York, một thời kỳ rối bời đã đến với Poe. Năm 1845, trong một chuyến đi đến Providence, Poe có gặp nhưng không trò chuyện với bà Helen Whitman, một góa phụ lớn hơn ông 6 tuổi, cũng là người làm thơ, rất ưa thích văn chương và có ít của cải riêng. Họ gửi cho nhau những bài thơ như một hình thức trao đổi, giao thiệp. Và rồi bất thần trong tháng 9/1848, Poe tìm đến Providence cầu hôn bà Whitman. Với một người đàn bà trung niên được nuôi lớn trong cảnh sống quá lễ nghi phong cách, danh vọng của Poe chưa đủ để chờ mong sự thành tựu của cuộc hôn nhân. Hơn nữa, gia đình bà Whitman cực lực chống đối chuyện này. Dù vậy, Poe vẫn khăng khăng tiến bước.

            Nhưng có một điều làm cản trở dự định của Poe mà bà Whitman cũng đang có khuynh hướng đồng ý: Từ một cách nào đó, bà nhận biết được, trong khi đang cầu hôn bà thì Poe vẫn còn đang dan díu tình cảm với bà Annie ở Lowell. Những lá thư tình “gửi Helen” dịu dàng không kém so với các lá thư chân thành “gửi Annie” trong cùng thời gian; xuyên qua đó, tác giả của chúng rõ ràng đang phô bày sự đắm say thật sự của một tình nhân, hơn nữa, một thi sĩ đang viết về tình yêu (một thể loại được Poe diễn tả thật hay như đã từng viết truyện ngắn, làm thơ hay viết các bài bình luận văn học.)

            Hẳn nhiên, khi nhận biết điều này, bà Whitman cảm nghe tổn thương dữ dội. Nhưng bà không thể phàn nàn rằng tình yêu Poe dành cho bà đã bị giảm sút, hay là từ trong sâu thẳm trái tim, ông lừa dối bà. Trái lại, xuyên qua những lá thư được tìm biết, cũng như những lá gửi cho chính bà, Poe đã tự tỏ ra rất thành thật trên những gì ông cần thiết.

           

            [Nếu phân tích, phải viết rằng, cuộc đời Poe quả là một giấc mộng dữ, nhiều kinh khủng hơn trong các truyện ông đã viết. Ngòi bút Poe phản ảnh một nội tâm xáo trộn không ngừng theo những ám ảnh về sự đau đớn, sự tàn nhẫn, sự chết yểu và sự hư rữa của một xác người bên trong nấm mộ. Trí tưởng tượng của Poe đã làm hủy hoại từ từ chính bản thể ông. Cậu bé nhậy cảm sống bằng những giấc mơ nay biến thành một người lớn ích kỷ, tự cô lập mình trên những giao thiệp xã hội. Dù rằng tình trạng sống rất nghèo nàn, Poe vẫn tỏ ra kiêu hãnh dữ dội và rất khó để quen biết. Ông không có bạn thân, cũng chẳng tìm được người nào có thể cho ông chấp nhận trên những điều kiện đồng vai đồng sức. Ông phàn nàn về sự cô đơn của mình nhưng không cố gắng để giải tỏa nó. Chỉ riêng với nữ giới, Poe lại mong chờ điên cuồng một tình bạn với họ. Nhưng luôn cả trên khía cạnh này, Poe vẫn bị giới hạn theo hình ảnh của người mẹ, giống như áng mây mờ che khuất tất cả những liên hệ sâu đậm giữa Poe và họ. Từ sau cái chết của Virginia, với Poe, tình cảm nam nữ chỉ  là để nói lên một cố gắng đáng thương trong sự ổn định lại chính con người nhà văn. Bà cô Clemm khi ấy đã quá già, không còn đủ sức đem lại cho Poe sự vỗ về an ủi mà ông khao khát một cách tuyệt vọng. Luôn tất cả mọi người đàn bà, chẳng ai đắp bù nổi cho Poe sự trống rỗng tâm tư và giúp ông tìm lại được lẽ sống đích thật.]

           

XIII

(10/1848 – 12/1848)

            Tháng 10/1848, sau khi gặp bà Whitman ở Providence, Poe đi thẳng tới Boston với một số lượng nha phiến đã mua, mục đích tự kết liễu đời mình. Điều này không làm cho Poe chết mà chỉ khiến ông bệnh rất nặng.

            Sau khi hồi phục, Poe gặp lại bà Whitman ở Providence và hứa rằng không bao giờ nghĩ đến điều cầu hôn nữa. Nhưng ngay ngày hôm sau của lời hứa đó, bất thần Poe lại xuất hiện tại nhà bà Whitman trong trạng thái khích động dữ dội. Tự thâm tâm, bà Whitman vẫn còn yêu và nghĩ rằng có thể hoán cải được Poe, nên đã hứa hẹn với ông một cuộc hôn nhân nếu như ông bằng lòng bỏ rượu. Dĩ nhiên là Poe rất đồng ý.

            Ngày 20/12/1848, Poe trở lại diễn thuyết ở Providence, và ngày 22/12/1848, cuộc hôn nhân được hai người đem ra thảo luận để cuối cùng đi đến quyết định sẽ chọn ngày cử hành hôn lễ.

            Đêm Giáng Sinh 1848, xui xẻo một điều, Poe được vài thanh niên trong tỉnh mời đi uống rượu đến say mèm và ngày kế tiếp, xuất hiện tại nhà vị hôn thê, áo quần xốc xếch, hơi men từ miệng toát ra nồng nặc. Bà Whitman, dẫu vẫn còn yêu và muốn làm vợ Poe, cũng không thoát được cái áp lực nặng nề mà bà mẹ và cả gia đình đang đè lên khi ấy. Bà đành dứt khoát từ hôn Poe. Poe đáp chuyến xe lửa kế đó trở về New York và dự định hôn nhân kể như chấm dứt.

            Trong một lá thư gửi bà Annie, nói về chuyện này, Poe đã thề rằng “Từ đây cố tránh xa cái thế giới độc hại của những người đàn bà trí thức!” Nhưng ông không tự giữ lời hứa để lại tán tỉnh ve vãn những người đàn bà khác, trong số có bà Sarah Anna Lewis (biệt danh Stella), một nữ thi sĩ ở Brooklyn có người chồng mướn Poe “điều chỉnh” những vần thơ của vợ. Sự giao thiệp giữa Poe với các người đàn bà này có lẽ đặt nền tảng trên vấn đề nhục dục, nhưng rõ ràng là ông rất khát khao tình bạn với phụ nữ, bởi vì từ sau cái chết của Virginia, một khoảng trống lớn đã chiếm hữu tâm hồn Poe và ông cần lấp kín nó đi.

            Chỉ có điều duy nhất Poe không bao giờ từ bỏ. Đó là cái ước vọng riêng mình làm chủ một tạp chí.

XIV

(Mùa xuân 1849 – 7/1849)

(Philadelphia)

            Mùa xuân 1849, Poe cố gắng thuyết phục E.H.N. Patterson ở Oquawka (Illinois) bỏ tiền ra tạo dựng một tờ báo, nhưng không thành công.

            Ngày 30/6/1849, Poe rời New York để đi Richmond, cũng trong chiều hướng tìm phương cách thực hiện một tờ báo.

            Ngày 2/6/1849, Poe tìm đến nhà một người bạn tên John Sartain ở Philadelphia trong trạng thái suy nhược trầm trọng. Tại đây, nhà văn kể cho Sartain nghe câu chuyện có một nhóm người trên xe lửa dự trù giết chết ông. Rồi lại nói dông dài rằng chính Poe đã bị giam lại trong nhà tù Moyamensing, để cũng tại đó, nghe được những âm thanh ghê rợn và chứng kiến những hình ảnh khủng khiếp. Xong, viết cho bà cô Clemm lá thư ngắn, trong có những câu Poe dường như trăn trối:

            “Con đang bệnh nặng, bị tiêu chảy và mắc chứng ho gắt cổ đến nổi bây giờ thấy rất khó khăn trong việc cầm lên cây viết. Khi nhận thư này, xin mẹ hãy đến ngay với con! Sự vui mừng gặp lại sẽ đền bù tất cả những nỗi buồn cho chúng ta. Có lẽ con sẽ chết thôi. Con không còn gì để ao ước kể từ khi hoàn thành xong tác phẩm ‘Eureka’ và cũng chẳng thể sáng tác gì nữa.”

            Rồi Poe xếp đặt với bà cô Clemm những giấy tờ cần thiết, dặn dò bà mọi điều phải làm trong trường hợp ông chết.

            Rõ ràng là những ám ảnh về sự chết của Poe thời gian ở Philadeklphia phát sinh từ nỗi suy nhược cực kỳ trên cả tinh thần lẫn thân xác.

                    

            [Một người bạn đã viết về sự kiện vừa nói như sau: “Khi tìm đến nhà ông John Sartain thì Poe đang ở vào tình trạng bị khích động dữ dội đến gần như điên loạn. Đầu óc Poe xem ra ngơ ngác và bị đè nặng bởi mối kinh hãi theo cái âm mưu mà ông cho rằng có kẻ nào đó đang cố tình làm hại ông. Người bạn lúc ấy cố gắng làm yên lòng Poe, nhưng Poe vẫn khăng khăng bảo là có kẻ đã theo đuổi ông đến tận nơi này. Và rồi xin một lưỡi dao, Poe nói, để cạo lớp râu ở môi trên của mình hầu đánh lạc hướng kẻ thù với cái bề ngoài khác lạ. Sau cùng, trước những lý lẽ viện dẫn mà ông Sartain đưa ra cố ý đem lại cho Poe cảm giác an ổn, Poe bỏ, không cạo râu nữa. Trạng thái khủng hoảng như thế của Poe đã làm ông Sartain lo lắng, để rồi khi đã nài nỉ Poe nằm yên được trong giường, ông còn lưu lại bên Poe suốt cả đêm để tiếp tục canh giữ.

            Tối hôm sau, Poe đòi đi ra ngoài về hướng bờ sông Schuylkill, có người bạn chí tình hộ tống bên cạnh. Trên đường đi, Poe nói không ngừng với giọng điệu hùng hồn và đầy nhạc tính về các âm mưu theo dõi của kẻ lạ. Ông Sartain cố tạo sự yên lòng cho Poe, nhưng vô ích. Poe vẫn bước về phía trước, băng ngang trên những con đường ngoằn ngoèo khác nhau với sự hăng hái và không chút nào tỏ ra mệt nhọc. Người bạn cố gắng lèo lái Poe theo hướng về nhà nhưng vẫn không hiệu quả. Khoảng nửa đêm, họ đến Fairmount và leo lên đỉnh cao. Tại đây, Poe vẫn cứ nguyên trạng thái khích động cũ, nói huyên thiên về hoàn cảnh cấp bách hiểm nguy mà mình đang vướng phải.

            Sự khích động này còn kéo dài cho đến vài ngày sau đó. Cuối cùng, Poe bỏ trốn khỏi nhà người bạn để đi lang thang trong các vùng ngoại ô lân cận. Không khí tươi mát đã làm dịu dần đi sự khủng hoảng trong cái đầu suy nhược ấy, khiến Poe tìm thấy lại chút ít bình tĩnh…”]

            Sau gần hai tuần lưu lại nhà John Sartain, ngày 13/7/1849, Poe rời Philadelphia để đi Richmond (Virginia), tiếp tục tìm phương tiện tạo dựng tờ báo mơ ước. Trạng thái tuyệt vọng đến gần như mất trí vẫn không ngừng xuất hiện nơi Poe. Trước khi rời Philadelphia, Poe đã viết cho bà Annie những lời này:

            “Tất cả những nỗi buồn của tôi thì không thể giải thích được nguyên nhân và điều ấy chỉ càng làm tôi thêm đau khổ. Trong hồn tôi đầy những điềm báo đen tối. Không có gì khiến tôi vui vẻ hay thoải mái. Cuộc đời tôi dường như đã bị tàn phá cả. Tương lai chỉ là một áng mây mờ ảm đạm. Tuy vậy, tôi vẫn sẽ chống chỏi tới cùng và ‘hy vọng lại tiếp nối hy vọng’”…

XV

(7/1849 – 10/1849)

(Richmond // Virginia), (Baltimore // Maryland)

            Poe đến Richmond ngày 13/7/1849 và được các người bạn cũ thời trung học đón tiếp nồng nhiệt. Điều quan trọng hơn cả là nhà văn đã gặp lại Sarah Elmira Royster, người yêu thuở nhỏ, bấy giờ đã trở thành một góa phụ độc lập trên nhiều cách. Poe cầu hôn Sarah và được bà nhận lời. Bà có ít vốn liếng của cải và hứa sẽ giúp ông hoàn thành tờ báo mơ ước. Một cuộc đời mới mở ra trước mặt làm cho tinh thần Poe trở nên phấn khích đến độ tự hứa một cách nghiêm trang (khi có một vị bác sĩ quen ở Richmond bảo rằng ông có thể chết vì rượu) là sẽ từ bỏ hẳn thứ độc dược nguy hại này.

           
               Ngày 17/8/1849
, Poe diễn thuyết về đề tài thi ca trước số đông thính giả chọn lọc ở Richmond.

            Ngày 14/91849, cũng cùng đề tài, Poe diễn thuyết tại Norfolk, rồi trở lại hai cuộc diễn thuyết khác –cùng đề tài—tại Richmond ngày 24 và 25/9/1849; số lợi tức thu được lên đến con số 1,500 đô la.

            Trong thành phố thời tuổi nhỏ, Poe thấy phấn chấn hẳn lên. Ông cùng bà Sarah lo toan đủ mọi lễ nghi cưới hỏi và dự trù sẽ đem bà cô Clemm về sống chung với họ tại Richmond.

            Ngày 28/9/1849, Poe đáp tàu đi Baltimore (Maryland) để trở lại New York chuẩn bị đám cưới. Những gì đã xảy ra trong vài ngày sau đó thì không bất cứ ai trên đời được biết.

            Vào ngày 3/10/1849, bác sĩ Snodgrass ở Baltimore nhận được một giấy báo khẩn cấp như sau: “Có người đàn ông mang tên Edgar Allan Poe, ăn mặc tồi tệ, đang ở tại khu vực đầu phiếu Ryan’s 4th. Ông ta bảo có quen với bác sĩ. Tôi nghĩ là ông ta đang rất cần được bác sĩ đến coi sóc bệnh trạng.”

            Theo lệ thường trong các tỉnh đang diễn ra bầu cử, có những nhóm người chuyên chận các khách lạ lại, mời họ uống rượu, rồi đem họ đi từ khu vực này sang khu vực khác, yêu cầu họ bỏ phiếu cho bất kỳ cử tri nào thuộc phe ủng hộ của nhóm người này. Và bởi vì Poe được tìm thấy tại khu vực đầu phiếu nên mới có dư luận cho rằng ông đã bị sử dụng trong việc gian lận phiếu. Câu chuyện đúng hay sai, chẳng ai có thể chứng minh rõ. Có điều, khi được tìm thấy thì Poe đang ở trong một quán rượu, vẻ ngây dại ngơ ngác, trên người khoác bộ quần áo không phải của mình, lại trông rất lôi thôi bẩn thỉu. 

            Poe được đem đến bệnh viện Washington College trong tình trạng hôn mê một khoảng ngắn. Sau đó, ông tỉnh dậy và tự chuyện trò một cách ngây dại với “những quỷ ma và các hình thể quái dị” trên tường (như lời thổ lộ của Poe). Tuy vậy, ông vẫn không đủ sáng suốt để nói rõ cho bất kỳ ai trong bệnh viện biết được những gì đã xảy ra với ông trước đó.

            Tình trạng nói nhảm vẫn tiếp tục, càng lúc càng dữ dội. Sau cùng Poe hoàn toàn suy nhược và trở nên mê thiếp. Trong bốn ngày liên tiếp, Poe chống cự với Thần Chết. Và rồi lúc 5 giờ sáng ngày Chủ Nhật 7/10/1849, sau khi kêu lớn: “Xin Chúa cứu vớt linh hồn đau khổ con!”, nhà văn trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh viện, trước sự hiện diện của vị bác sĩ, người nữ y tá, bà cô Clemm và luôn cả Sarah Elmira Royster, người yêu đầu đời và cũng là người đàn bà cuối cùng chấp nhận được cái định mệnh 40 năm cực kỳ bi thảm của nhà thiên tài văn chương hàng đầu của nước Mỹ: Edgar Allan Poe.

*

* *

            Tuy nhiên, như một thứ nợ đời chưa trả dứt, ngay trong cái chết, sự bất hạnh vẫn đeo đuổi lấy Poe như trong cuộc sống 40 năm qua. Vào tháng 6/1841, Poe gặp Rufus W. Griswold, một chủ bút thành công và gây được tiếng vang cho mình bằng những thủ đoạn nghề nghiệp hơn là bằng vào chính tài năng viết lách. Griswold tỏ ra không ưa Poe vì cá chất hững hờ khép kín có phần kiêu ngạo, đồng thời cũng do bởi tài năng thiên bẩm của Poe, (điều mà Griswold đã thiếu). Hai ngày sau khi nhà văn lớn qua đời, trên tờ New York Tribune thấy xuất hiện một bài tưởng niệm Edgar A. Poe, ký tên “Luwig”, nhưng được viết bởi Griswold, mở đầu bằng những câu thế này:

            “Edgar Allan Poe đã chết. Ông chết tại Baltimore ngày hôm kia. Lời cáo tri này làm nhiều người giật mình nhưng không mấy ai xúc động vì nó. Trong khắp nước Mỹ, thi sĩ được biết đến nhiều; ông có đông độc giả ở Anh và một vài nước thuộc lục địa Âu Châu, nhưng lại có rất ít, hay gần như chẳng có người bạn nào.”

            Sau đó, bài báo tiếp tục với những lời công kích cay độc, đầy ngụy tạo, nhắm thẳng vào nhà văn vừa mới nằm xuống.

            Griswold vẫn chưa chịu ngừng tại đó.

            Năm 1856, trong quyển sách tựa đề “The Works of the Late Edgar Allan Poe” do Griswold soạn, trong có bài “Memoir of the Author”, Griswold đã giới thiệu hình ảnh Poe như một người “hay nóng giận cãi cọ, thay đổi bất thường, tính nết khó chịu và nhân dáng lúc nào cũng ủ ê phiền muộn. Một thiên tài văn chương nhưng tác phẩm không chừng mực đều đặn. Trên nhiều phương diện, ông ta giống nhân vật Francis Vivian trong quyển ‘The Caxton’ của Bulwer. Sự đam mê trong ông được hiểu như những tình cảm tồi tệ mà mục đích của nó là chống lại hạnh phúc của con người. Bạn không thể cãi một vấn đề gì mà không làm nổi dậy mau chóng sự tức giận trong lòng ông ta. Bạn không thể nói về những sung túc, êm ấm bình thường mà không làm cho khuôn mặt ông ta trở nên tái mét, phát sinh từ cá tính ganh tị trong bản chất (…) Dường như trong ông ta không có một chút đạo đức tối thiểu nào và những gì đáng được nói đến trong con người kiêu ngạo ấy thì có rất ít, hoặc chẳng có chút nào sự thật xác đáng cả. Ông chỉ có một nỗi ham muốn quá độ đến trở thành bệnh hoạn (mà nói theo kiểu thông thường là cái tham vọng tột bực) ấy là sự ham muốn thành công, để từ đó có thể khinh bỉ trở lại một thế giới luôn luôn dè bỉu tính tự phụ của ông ta…”

            Rồi Griswold lại tiếp tục sửa chữa những tác phẩm của Poe, cho xuất bản thành bốn tập; trong tập thứ ba, ông ta chêm vào những kỷ niệm e còn tồi tệ hơn trong bài viết ký tên “Luwig”. Ông ta cũng “viết lại” vài lá thư của Poe, thêm với những lá khác hoàn toàn bịa đặt.

            Có nhiều người phẫn nộ vì hành động và thái độ này của Griswold nên đã lên tiếng bênh vực cho danh dự người quá cố, trong số có N.P Willis, bà Whitman và George Graham. Nhưng sự việc tồi tệ đã xong. Tại nước Anh, sự diễn giải của Griswold trên những việc này được chấp nhận trong nhiều năm bởi vì Griswold là người được gia đình Poe ủy quyền biên soạn lại những tác phẩm của Poe.

            Nhưng ở Pháp thì lại khác. Sau khi đọc bài viết của Griswold, Baudelaire(*) đã lên tiếng đặt vấn đề rằng: “Ai là người giữ được không cho những con chó ghẻ chạy rông trong nghĩa địa?”, rồi viết một loạt bài bình luận bênh vực Poe, dịch những tác phẩm Poe ra Pháp ngữ và cho phát hành riêng một số báo tưởng niệm nhà văn đau khổ. Kết quả, sau việc làm của Baudelaire, Poe trở nên là tác giả có ảnh hưởng rất lớn trong nền văn chương Pháp, đặc biệt trên thi ca Mallarmé, Verlaine, Rimbaud, Valéry… và nhiều văn thi sĩ trong phái Biểu Tượng (Symbolism).

            Tiếng tăm Edgar A. Poe trải suốt Âu Châu kể từ sau bài báo của nhà văn Pháp ấy. Vì thế mà ngày nay ở Âu Châu, tên tuổi nhà thiên tài văn chương có cuộc đời cực kỳ buồn thảm được biết đến nhiều hơn bất cứ tác giả Mỹ nào khác.

[]

Tài liệu tham khảo:
. “Edgar Poe, sa vie, son oeuvre”, (P.U.F., 1958).
. “The Life of Edgar Allan Poe, Personal and Literary”, 9G.E. Woodberry’s) (Boston 1909).
. “Edgar Poe” (A Colling) (Editions Albert Michel, 1952).
[]
(*) Chẳng hạn như sự sống lại của người vợ Poe trong tác phẩm Ligeia hay sự trở về khủng khiếp của Madeleine trong The Fall of the House of Usher.
(*) Riêng người em gái út tên Rosalie được một gia đình ở Richmond nhận làm con nuôi thời gian bà Elizabeth Arnold vừa mới chết. Nhưng cô bị mang chứng ngây dại không cách gì cứu chữa. Sau khi gia đình bảo trợ từ chối không nuôi nữa thì Rosalie sống lây lất từ nơi này sang nơi khác trong nhiều năm, cuối cùng được một cơ quan từ thiện ở Washington đem về cứu giúp và sống tại đó cho đến khi chết là vào năm 64 tuổi. (*)Năm 1943, nguyên bản lá thư này được bán đấu giá là 3.000 dollars.
(*) Có lẽ Poe lầm về thời gian bởi vì Virginia khởi bệnh từ tháng 1/1842, cho đến lúc Poe viết lá thư này, mới chỉ là 4 năm.
(*) Cũng tại nhà bà Mary Louis Shew ở New York sau khi Virginia đã chết mà Poe sáng tác bài thơ “The Bells” rất nổi tiếng, cảm hứng từ tiếng chuông nhà thờ gần đó lúc ấy đang đồ dồn dập liên hồi.
(*)  Charles Baudelaire, thi sĩ người Pháp (Paris 1821 – 1867).




VVM.14.12.2023-NVA406.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .