Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



BÀNG BÁ LÂN – ĐOÀN VĂN CỪ - ANH THƠ



Phong trào THƠ MỚI (1932 – 1945) như một vườn xuân trăm hoa đua nở. Bên cạnh những xu hướng thơ hăm hở biểu đạt tâm tư tình cảm và suy nghĩ của con người thời đại “văn minh”, “Âu hoá” hoặc nhằm tới những cách tân về nghệ thuật, vẫn tồn tại một xu hướng thơ độc đáo chủ trương dùng nghệ thuật thơ mới để đặc tả phong cảnh nông thôn, khắc hoạ phong tục, sinh hoạt và bản tính của con người Việt Nam truyền thống.

Đại biểu cho xu hướng này là các nhà thơ Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ. Bên cạnh họ là những nhà thơ kiệt xuất như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử…

Chúng ta đều biết bản sắc của dân tộc được hình thành trong cả quá trình lịch sử lâu dài hằng nghìn năm và có sức sống trường tồn.

Xu hướng “thơ đồng nội” của nhóm thi sĩ sông Thương (Bàng Bá Lân, Anh Thơ) và nhà thơ thành Nam Đoàn Văn Cừ, trải qua hơn 70 năm thử thách của thời gian và lịch sử, đã làm sáng tỏ một chân lí: những tác phẩm văn chương mang đậm bản sắc dân tộc đã chứng tỏ một sức sống bất tận, đã gây được những xúc động sâu xa trong lòng người đọc, bởi đó là những tiếng nói ruột rà thân thương nhất của tâm hồn dân tộc ta.

Dường như các nhà thơ này có tiên cảm rằng cuộc duy tân của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, cho dù có thể mang lại những thành tựu mới mẻ, nhưng đồng thời nó cũng có thể làm mất đi những giá trị cao quý về văn hóa, tinh thần, phong tục – kết quả của cả mấy ngàn năm văn hiến.

Giữa một bên là “văn minh”, một bên là những giá trị truyền thống, thái độ và tình cảm của các nhà thơ này rõ ràng nghiêng hẳn về những giá trị truyền thống. Chính vì vậy toàn bộ sự nghiệp thơ ca của họ trong cả thời kì tiền chiến hầu như chỉ gồm những áng thơ “đồng nội”!

Những tác phẩm thơ của họ tạo thành một bộ sưu tập vô cùng giá trị để lại cho hậu thế, trong đó diễn tả cái đẹp thuộc về quê hương đất nước và con người Việt Nam đã tồn tại từ ngàn đời nhưng đến đầu thế kỉ XX thì có vẻ đang đứng trước nguy cơ bị xói mòn và mất mát.

Thơ Bàng Bá Lân già giặn, điềm đạm và sâu sắc bởi ông đã quan sát cuộc sống nông thôn Việt Nam hồi ấy không chỉ bằng cặp mắt tinh tường mà còn cảm được cuộc sống ấy bằng trái tim của một nhà nhân văn chủ nghĩa đích thực:

Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì,
Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót.
Họ là những nông phu nghèo hậc chót,
Không có trâu nên phải làm… trâu.
Họ bừa ngầm một thửa ruộng chiêm sâu.
Nước đến bụng , ôi, rét càng thêm rét!
Áo rách tướp hở ra từng miếng thịt
Tím bầm đen trong gió lạnh căm căm..


(Người trâu)

Nếu nhà nhiếp ảnh lớn Võ An Ninh đã ghi lại cho hậu thế những hình ảnh thương tâm về nạn đói năm 1945 thì thơ Bàng Bá Lân cũng ghi lại thực trạng cảnh chết đói ấy khiến ngày nay đọc lại, lòng chúng ta vẫn còn đau tê tái:

Đói tứ Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.
Khắp đường xa những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.
Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma…


(Đói) Còn đây, cảnh quê yêu dấu dưới ngòi bút của Bàng Bá Lân:

Mùa thu có những hội làng,
Có cây đu buổi xuân sang dập dìu.
Gió vi vu tiếng sáo diều
Ru hồn mục tử chiều chiều trên đê.
Chợ làng có lắm quà quê,
Bánh đa, bánh đúc, bánh kê, bánh giày.
… Đêm dài nhịp tiếng võng đưa,
Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về…

Thơ Đoàn Văn Cừ không trải rộng và hàm chứa nhiều tâm sự như thơ Bàng Bá Lân, nhưng có lẽ ông là cây bút đặc sắc nhất của làng thơ Việt Nam kim cổ vẽ được những bức tranh đời sống động, náo nức lạ thường. Có thể coi thơ ông như những thước phim vô giá ghi lại được sắc nét sinh hoạt của một thời quá khứ ở nông thôn Việt Nam. Với Đoàn Văn Cừ, đó chính là những cảnh đời kì thú trên thế gian, và tình cảm của nhà thơ đã lan truyền mạnh mẽ sang bất cứ người nào đọc thơ ông:

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ,
Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ
Để lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt gánh đôi bồ
Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
…Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi,
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
… Chợ tưng bừng như thế tới gần đêm,
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,
… Ánh dương vàng trên có kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.


(Chợ tết)

Nữ sĩ Anh Thơ cũng là một cây bút đặc biệt tài hoa trong việc miêu tả phong cảnh và sinh hoạt nông thôn. Nhưng khác với Đoàn Văn Cừ thường miêu tả “dài hơi” và tỉ mỉ, Anh Thơ chỉ phác hoạ vài nét chủ yếu của một cảnh tượng, gói gọn trong một bài thơ thường gồm 3 đoạn với tổng cộng 12 câu - tựa như một thể sonnet của Việt Nam! Trong hình thức thơ ngắn gọn ấy, Anh Thơ đã bộc lộ khiếu quan sát vô cùng tinh tế:

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.


(Chiều xuân)

Những mô tả của Anh Thơ tuy hết sức chân thực nhưng lại toát lên một vẻ đẹp lạ thường, nhắc nhở cho chúng ta biết có một tình yêu quê hương ẩn náu rất kín đáo phía sau cái phong cảnh ấy:

Trời quang quẻ đêm nay không mưa nữa
Nước trong ngòi chảy tắm mấy ngôi sao.
Tầu chuối láng che mặt trăng xấu hổ,
Khóm tre già đợi gió đứng bên ao…


(Đêm xuân)

Người đọc tự hỏi: cảnh hay người đây mà “tắm”, mà “xấu hổ”, mà “đợi”?

Một điều thú vị đặc biệt ở Anh Thơ, đó là chất “nữ tính” lặn vào trong mỗi câu thơ tả cảnh:

Ngoài đồng vắng – trời đêm mà che nón?
Có hai người đi lẻn tới nương dâu.
Và lại có cả một đôi đom đóm
Bay dập dìu như muốn phải lòng nhau.


(Đêm xuân) Thiết tưởng một nhà thơ phái nam khó lòng viết được những câu thơ duyên dáng và thần tình như thế!

Anh Thơ không có chủ trương ngụp lặn vào chủ nghĩa tình cảm hoặc vào “thế giới ái tình” như thường thấy ở các nhà thơ phái nữ sau này. Trong bối cảnh của một xã hội còn chưa đi quá xa trên con đường “Âu hoá”, nữ sĩ luôn giữ vẻ hồn nhiên, thơ trinh khi quan sát cảnh đời. Chính vì vậy mà những “bức tranh quê” của Anh Thơ mới trong trẻo đến nhường ấy! Vả chăng sự hồn nhiên trong trắng là bản chất từ xa xưa của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Phương Đông nói chung, và điều đó luôn được coi là của báu, là niềm tự hào của dân tộc chúng ta.

Đọc thơ Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, cũng như đọc thơ Nguyễn Bính, chúng ta có cảm tưởng họ là những nhà thơ nặng lòng hoài cổ. Điều đó có thể hiểu được: cuộc sống cứ trôi qua, có ai níu kéo được? Tuy nhiên tâm hồn các thi nhân ấy như muốn cưỡng lại quy luật phôi phai đó của cuộc đời. Họ đã đem hết tinh hoa của tư tưởng và tài nghệ văn chương mô tả sâu sắc cuộc đời ấy để níu kéo nó, và sợ nó mất đi, họ tìm cách khắc hoạ nó vào vĩnh cửu của thi ca. Đó là tâm huyết của những nhà thơ yêu quê hương đất nước, yêu dân tộc thiết tha. Mỗi áng thơ của họ đích thực là một viên ngọc quý chỉ xuất hiện ở một thời điểm đã lùi xa vào dĩ vãng. Chính vì thế những áng thơ ấy, với thời gian càng được chúng ta trân trọng.




VVM.17.12.2023-NVAKV.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .