Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



KIM TUẤN (1940 – 2003)

ANH CHO EM MÙA XUÂN –
TIẾNG THƠ KIM TUẤN




Mời qúy vị mở nghe Anh Cho Em Mùa Xuân nhạc hoà tấu

P hải nói sau 75,mỗi năm – mỗi Tết bên cạnh mai vành,bánh chưng xanh,dưa hành,câu đối đỏ còn có nhạc xuân nhưng khoản này do hạn chế phổ biến nên dân tình miền Nam đón Tết cảm thấy thiếu thiếu … khắc khoải – đâm ra lại càng đau đáu nhớ. Nhạc xuân thời chiến gắn với không gian văn hóa ngày cũ đầy nỗi niềm tâm sự .Giờ đây theo thời gian phôi phai - không gian nghe-người nghe nhạt nhòa - giai điệu xuân xưa chỉ còn là hoài niệm riêng tư trong góc khuất tâm hồn của những ai còn nhớ …

Tôi lần dấu tìm đến bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân”của Kim Tuấn – (Nguyễn Hiền phổ nhạc với tựa Anh cho em mùa xuân) chợt bắt gặp “Thời của trái tim hồng”(*) - tập thơ thanh mảnh,tranh bìa là nét cọ hư ảo của Trịnh Công Sơn – xuyên suốt (29 bài) là giọng thơ hiền hòa,êm dịu nồng nàn nghe rất Huế - thủ thỉ gọi mời…

Thơ Kim Tuấn như ủ men làm rạo rực lòng người,làm xốn xang cả trời xuân - chất nhạc tự có trong thơ anh đã được nhạc sĩ Nguyễn Hiền khéo léo khai thác tinh tế :

- Anh cho em mùa xuân
nụ hoa vàng mới nở
chiều Đông nào nhung nhớ
đường lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây

-Anh cho em mùa xuân
mùa xuân này tất cả
lộc non vừa trẩy lá
thơ còn thương cõi đời
con chim mừng ríu rít
vui khói chiều chơi vơi

(Nụ hoa vàng mùa xuân – trang 66)

Nhà văn Võ Hồng trong thư riêng ngày 8/7/1971 - (in bìa sau tập thơ), đã cảm nhận “…Tôi được đọc thơ anh đã lâu,nhất là cứ vào tối ba mươi tết mỗi năm là tôi đón đợi nghe bài thơ được phổ nhạc của anh.Có một cái gì dịu dàng trong đó.Có không khí của mùa xuân trong đó,mùa xuân trong lòng người xưng em. Anh cho em mùa xuân.Tôi liên tưởng đến bài Sonnet của Arvers.Nhất định là nó sẽ sống như Sonnet d’Arvers, như Valses của Johann Strauss…”.

Thơ Kim Tuấn sâu lắng tha thiết – hình tượng thơ có sức gợi mở liên tưởng phong phú,tạo được hiệu quả cảm xúc thẩm mĩ :

- Bàn tay có gì đâu,sao nói thật nhiều điều
Có mười ngón để đếm ngày,đếm tháng
Đếm những giờ hạnh phúc bên nhau
Đếm những trang thư dù mực đã nhạt màu
Những trang thư đọc hoài không biết chán
(Bàn tay – trang 8)

- Tháng giêng Saigon anh làm thơ yêu em,câu thơ dung dị ,đẹp như lời tỏ tình sóng sánh mật đời yêu thương – gửi đi và cài lại :

Buổi chiều mù mưa bay xa trời thành phố
Tháng giêng Saigon – nỗi lòng anh thế đó
Rất nồng nàn,khi nghĩ đến em yêu …

Tháng giêng Saigon cho tròn nghĩa yêu thương
Đường về nhà em hàng cây vừa thay lá
Như sóng xôn xao,sóng vỗ về bến đá
Lúc em qua cầu em đến cùng anh
(Tháng giêng Saigon anh làm thơ yêu em – trang 11)

Cũng cần nói thêm về bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân, Kim Tuấn cho biết :

- “Tôi làm bài thơ này để nhớ về quê mẹ : Hà Tĩnh – vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo với mơ ước “Đất mẹ gầy có lúa” – có lúa chứ không phải cỏ lúa như nhiều người vẫn hát nhầm (cỏ lúa thì phải nhổ đi chứ ai lại mơ ước có thêm!). Bài thơ này tôi sáng tác vào đầu thập niên 1960, sau đó in trong tập Ngàn Thương (chung với Định Giang) và được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thành ca khúc. Đã có nhiều ca sĩ thể hiện bài hát này nhưng tôi thích giọng ca của Hà Thanh hơn cả và điều làm tôi ray rứt là cho tới nay vẫn chưa nói được với nữ ca sĩ này một lời cám ơn…”

Kim Tuấn đã thổ lộ như vậy trong một cuộc phỏng vấn trung tuần tháng 11/2002 tại văn phòng Trường dạy tiếng Anh và dạy nghề Thăng Long(Q.4). Kim Tuấn đột ngột qua đời vào lúc 1 giờ ngày 11/9/2003 bởi căn bệnh nhồi máu cơ tim.

Trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thơ Kim Tuấn

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã kể lại trường hợp ông đã phổ bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của Kim Tuấn như sau :

- “Đó là ngày mùng 5 Tết 1962, tôi đi làm trong một không gian vẫn còn hơi hướm tết. Đến sở, trên bàn làm việc của tôi có một tập thơ còn thơm mùi giấy mới. Đó là tập 40 bài thơ của các nhà thơ Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn và một người nữa tôi không nhớ tên. Tôi lần giở đọc qua từng bài và bắt gặp bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân.

“Đó là một bài thơ ngũ ngôn đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc. Vậy là chỉ trong buổi sáng hôm đó tôi phổ nhạc xong bài thơ. Điều buồn cười là tôi lấy luôn 3 câu thơ đầu tiên phổ thành 1 câu nhạc (Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ…) thấy rất “ngọt” nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc. Tôi lấy câu thơ đầu tiên để đặt tên cho ca khúc này. Sáng hôm sau có một nhà thơ còn rất trẻ xưng tên là Kim Tuấn đến gặp tôi, hỏi : “Có gửi cho nhạc sĩ một tập thơ, không biết đã nhận chưa ?”. Tôi trả lời : “Nhận được rồi và riêng bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của Kim Tuấn thì tôi đã phổ thành ca khúc”.

“Kim Tuấn rất ngạc nhiên và sau khi nghe tôi hát thì anh rất vui. Tình cờ ông Giám đốc Hãng đĩa Asia cũng có mặt. Ông ấy lấy bài hát giao cho ca sĩ Lệ Thanh thâu đĩa và sau đó hát trên đài phát thanh. Từ đó, tôi và Kim Tuấn đã có một mối quan hệ – mối duyên văn nghệ rất tốt đẹp… 3 ngày trước khi tôi lên máy bay sang định cư ở Mỹ (1988), Kim Tuấn rủ tôi đi uống cà phê, chúng tôi đã chia tay nhau thật vui vẻ. Ai ngờ, đó là lần cuối cùng của chúng tôi…”. (Nguồn internet)

Giữa bộn bề của đời sống,thơ là tiếng lòng sâu thẳm,là phương tiện giãi bày - kết nối với tha nhân - trò chuyện với chính ta – vì lý do nào đó tiếng thơ tắt lịm trong cõi lòng của một dân tộc yêu thơ chắc chắn“cái tôi chủ thể - cái tôi trữ tình” sẽ rơi vào cô đơn ghê gớm !

Đến với “Thời của trái tim hồng”,chạm vào giai điệu anh cho em mùa xuân giữa thời khắc giao mùa – ta nghe như đầy vũ trụ xuân hồng miên viễn .

(Saigon,05/01/2014)




VVM.17.12.2023-NVAKV.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .