Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



“GIÁO ĐƯỜNG IM BÓNG” & “NGÀY VỀ”
CỦA NGUYỄN THIỆN TƠ & HOÀNG GIÁC



NHỮNG NHẠC SĨ TIỀN BỐI NỀN TÂN NHẠC VN.

-Nguyễn Xuân Khoát (1910–1993) là một nhạc sĩ và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông được coi là Người anh cả của nền tân nhạc Việt Nam, sinh ngày 11/2/1910, quê ở Hà Nội. Ông học đại hồ cầm tại Viễn Đông Nhạc viện, một nhạc viện do người Pháp lập ra tại Hà Nội từ năm 1930. Ông có thể chơi thành thạo violin, piano và nhất là contrebass.

Sáng tác đầu tay của ông, bài Bình minh (thơ của Thế Lữ) được in trên tờ "Ngày Nay" năm 1938. Ông là người kiên trì bảo vệ và phát huy tính dân tộc trong âm nhạc, các ca khúc của ông mang đậm chất liệu âm nhạc dân gian. Ông được truy tặng Giải thưởng HCM đợt I về văn học nghệ thuật (1996).

-Đỗ Nhuận (1922 - 1991) là một nhạc sĩ. Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội nhạc sĩ VN khóa I và II từ 1958 đến 1983, một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cách mạng. Ông còn là nhạc sĩ Việt đầu tiên viết opera với vở Cô Sao. Đỗ Nhuận sinh ngày 10/12/1922. quê ở Hải Dương. Ông từng sống nhiều năm ở Hải Phòng - cái nôi của tân nhạc với những Văn Cao, Lê Thương, Hoàng Quý... Năm 14 tuổi, ông tham gia hướng đạo sinh, hát những ca khúc Pháp và châu Âu. Năm 1939, ông sáng tác ca khúc đầu tay vào tuổi 17 là bản "Trưng Vương", sau đó "Đoàn lữ nhạc","Du kích sông Thao".

Con trai của ông là Đỗ Hồng Quân, hiện là Chủ tịch hội Nhạc sĩ VN.

-Phạm Duy (5/10/1921 – 27/1/2013), tên thật Phạm Duy Cẩn là nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của VN. Ông thường được coi như nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc VN. Một số người yêu nhạc Phạm Duy nói với BBC họ cảm thấy buồn và tiếc là ông qua đời khi nhiều tác phẩm còn bị cấm.

Bản thân tác giả của hai trường ca chưa được cấp phép Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam (trong đó có bài “Việt Nam! Việt Nam” –xứng tầm Quốc ca) còn nói thêm ông cảm thấy "hoàn toàn thất bại" khi người Việt còn chưa thực sự hòa giải cho dù đất nước đã thống nhất từ lâu. Phạm Duy là “đại lực sĩ” với sức sáng tác vô song: tính cho tới tháng 1/2014, có 244 ca khúc được cấp phép lưu hành (trong số đó có 53 ca khúc ngoại quốc do ông đặt lời Việt), trong số khoảng hơn 1000 (2000 (?) ca khúc do ông sáng tác hoặc viết lời.

- Văn Cao (15//11/1923 – 10/7/1995) sinh tại Hải Phòng, nhưng quê gốc tỉnh Nam Định. Ông là một nhạc sĩ, họa sĩ,nhà thơ, là tác giả của Tiến quân ca - quốc ca VN cũng là một trong những gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc.

Sự kiện Nhân Văn - Giai Phẩm: Năm 1955, Văn Cao cầm bút trở lại, viết bài cho đặc san Giai Phẩm. Tháng 2/1956, bài thơ Anh có nghe không được đăng trên Giai phẩm mùa Xuân. Như những nghệ sĩ khác của nhóm NV-GP, tuy có muộn hơn, đến tháng 7/1958, ông phải đi học tập chính trị. Ông ngưng sáng tác, đến cuối năm 1975, ông viết Mùa xuân đầu tiên, ca khúc mới phát hành đã bị tịch thu. Nhưng tại Moskva vẫn hát Mùa xuân đầu tiên, con gái ông nhận nhuận bút cho 100 Rúp.

Thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, Văn Cao sáng tác các ca khúc lãng mạn Bến xuân, Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi,... ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc VN.

Nhạc sĩ Văn Cao được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đánh giá một cách rộng rãi là một trong ba nhạc sĩ nổi bật nhất của nền tân nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20, cùng với Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.

Hoàng Giác (1924 – 2017) –Nhạc sĩ tuổi thọ nhì nước.

Là nhạc sĩ và ca sĩ nhạc tiền chiến nổi tiếng của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông sáng tác không nhiều, song lại sở hữu một số tác phẩm nổi tiếng được biết đến rộng rãi.

Hoàng Giác sinh năm 1924; quê gốc của ông là làng Chèm, nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cha của Hoàng Giác là một người chơi đàn bầu rất hay nhưng lại ham mê môn quyền anh, từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc Kỳ. Bản thân Hoàng Giác cũng là người say mê thể thao. Thuở nhỏ, ông học trường Bưởi. Từ khi còn là học sinh, ông đã tìm tòi học hỏi nhạc theo các tài liệu sáng tác cũng như hòa thanh của Pháp. Năm 1945 ông viết ca khúc đầu tay "Mơ hoa".

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Hoàng Giác cùng gia đình sơ tán lên chiến khu Việt Bắc. Cuối năm 1946, ông sáng tác bài hát "Ngày về" khi còn là một đội viên trong đoàn tuyên truyền của cách mạng được trở về thăm gia đình sau những chuyến đi công tác. Theo Hoàng Giác, Ngày Về là ca khúc ông ưng ý nhất. Bài này đã được nhiều ca sĩ thu âm như tài tử Ngọc Bảo, Ái Vân, Mai Hoa, Anh Thơ,... Năm 1948, Hoàng Giác trở lại Hà Nội và là một ca sĩ được nhiều người yêu mến.

Hoàng Giác sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 ca khúc. Trong số đó, có những bài hát nổi tiếng và vượt thời gian như "Mơ hoa", "Ngày về", "Lỡ cung đàn",...Ông khiêm tốn: "Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu."

Hoàng Giác chuyên sử dụng nhạc cụ là đàn Hạ Uy cầm và từng nhiều năm làm giảng viên ghi-ta tại Trường Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương và Trường Âm nhạc dân lập.

Ông lập gia đình với bà Kim Châu vào năm 1951. Từ khoảng nửa sau thập niên 1960, gia đình ông rơi vào cảnh sống cơ cực ở miền Bắc bởi VNCH ở miền Nam sử dụng nhạc bản "Ngày về" của ông để làm nhạc hiệu cho chương trình "Chiêu hồi". Hai ông bà có người con trai là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Ngày 14/9/2017, Hoàng Giác qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 94 tuổi.

Những bóng hồng trong thơ nhạc: Ngày về trong giấc mơ hoa

Số tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng trong số đó đã có 2 tuyệt phẩm là Mơ hoa và Ngày về. Đó là niềm hạnh phúc và cũng là “tai ương” cho tác giả.

Định mệnh đã đưa đến cho vợ chồng Hoàng Giác-Kim Châu, với một người vợ “trên cả tuyệt vời” để đồng cam cộng khổ, để là điểm tựa tinh thần cho chồng trong giai đoạn lao đao nhất của đời mình. Nói về sắc đẹp, bà Kim Châu được tôn vào hàng “giai nhân đất Hà thành”. Biết bao chàng công tử phong lưu cầu cạnh được kề cận bên người đẹp, thế nhưng bà Kim Châu đã rũ bỏ tất cả để về “nâng khăn sửa túi” cho chàng nhạc sĩ tuy nghèo nhưng rất mực tài hoa, đúng như ước nguyện của mình.

Bạn học cùng lớp với ông nhiều người sau này trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Dzoãn Mẫn (tác giả Biệt ly), Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân), Đoàn Chuẩn (tác giả Thu quyến rũ)… Hoàng Giác được học nhạc trong nhà trường nhưng cũng giống bạn bè đồng lứa, còn mày mò tự học thêm. Những sáng tác đầu tay của thế hệ ấy đa phần ra đời trong giai đoạn này.

Người đẹp Hà thành

Nhưng bản nhạc đầu tay của Hoàng Giác không phải làm tặng cho… người đẹp Kim Châu. Ông kể: “Lúc bấy giờ, chúng tôi phần nhiều ở lứa tuổi 18, 19, cho nên rất mơ ước có những bài hát của người Việt làm với lời Việt. Lứa tuổi chúng tôi lúc đó hầu hết là học sinh, đều say sưa viết. Mơ hoa cũng là một trong những bài tôi viết thời đó. Đấy là năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp Trường Bưởi, ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô mới tuổi 16 thôi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài để tặng cô ấy, tức nhiên trong lòng đã mang một giấc mơ. Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”.

Tác phẩm của Hoàng Giác không chỉ có Mơ hoa và Ngày về mà còn có cả Lỡ cung đàn, Quê hương, Hương lúa đồng quê, Bóng ngày qua… và ba ca khúc hợp soạn với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ: Tiếng hát biên thùy, Qua bến năm xưa và Trên đường về; nhưng nhắc tới Hoàng Giác là người ta nhớ ngay đến hai ca khúc đầu tiên, đặc biệt là Ngày về – nhạc sĩ đã làm trên đường công tác được về thăm nhà. Năm 1951, sáu năm sau những rung động đầu tiên trong tâm hồn thanh khiết của “giai nhân đường Quán Thánh” – định mệnh hình như cũng biết được tâm nguyện thầm kín của nàng nên đã run rủi cho song thân của Hoàng Giác cậy nhờ mai mối đi hỏi cô Kim Châu cho con trai họ. Cả Hà Nội xôn xao. Bao nhiêu chàng trai thất vọng. Cũng có người can ngăn bố mẹ nàng không nên gả con gái cho “thằng nghệ sĩ nghèo rớt mồng tơi”. Thế nhưng có ai biết được ước mơ của nàng, và nàng đã hân hoan chấp nhận lời cầu hôn. Thế là người đẹp Kim Châu trở thành “bà Hoàng Giác” năm 19 tuổi (chồng 37, hơn vợ 18 tuổi).

Cuộc sống êm đềm của đôi vợ chồng Hoàng Giác – Kim Châu chỉ kéo dài được khoảng hơn 15 năm thì tai họa ập xuống, khi bài Ngày về được chọn làm nhạc hiệu cho chương trình “Tiếng chim gọi đàn” (tên một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Quý) – một chương trình “chiêu hồi”. Ngày Về lại rơi vào trường hợp “nhạy cảm” nhất cho nên không chỉ tác giả mà cả gia đình của ông cũng chịu nhiều hệ lụy. Tai họa này đã biến bà Kim Châu từ một người vợ yếu đuối đã tự gắng gượng và trở thành “lao động chính”, một mình bà phải chạy vạy, lo toan chuyện cơm áo để nuôi sống chồng con.

Ngày Về - Hoàng Giác

Tung cánh chim tìm về tổ ấm/  Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm     

   Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi/   Luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh      

Tha thiết mong tìm về bạn cũ/  Nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió      

  Vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây/ Mờ khuất xa xôi nghìn phương.   

ĐK1: Trên đường tha hương, vui gió sương/ Riêng lòng ta mang mối nhớ thương     

  Âm thầm thương tiếc cho ngày về/ Tìm lại đường tơ nay đã dứt.    

   Nghe tiếng chim chiều về gọi gió/ Như tiếng tơ lòng người bạc phước       

Nhắp chén men say còn vương bóng quê hương    Dừng bước tha hương lòng đau (còn ĐK2).   NS Hoàng Giác–Kim Châu (trước 2017) & NS Thiện Tơ –Hà Tiên (lúc ông 95t và bà mất).

Nguyễn Thiện Tơ – Nhạc sĩ tuổi thọ nhất , qua đời ngày 18 tháng 8 năm 2022 tại Hà Nội .

Sinh ngày 29/7/1921 tại Hà Nội, xuất thân trong một gia đình công nhân (xưởng in Viễn Đông) tại căn nhà số 22 phố Charron (nay là Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Thiện Tơ là người sáng lập nhóm Myosotis cùng với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh,… nhưng theo nhạc sĩ Phạm Duy thì Thiện Tơ là một nhạc sĩ độc lập, tức là không thuộc nhóm nhạc nào.

Năm 1938, khi mới 17 tuổi, Thiện Tơ sáng tác bản nhạc đầu tay "Giáo đường im bóng" viết về một cô gái theo đạo Thiên Chúa, 16 tuổi và tên là Hà Tiên. Thiện Tơ hoàn thành phần nhạc của ca khúc Giáo đường im bóng trước, sau đó nhà thơ Phi Tâm Yến – bạn thân của ông – viết lời. Ban đầu cuộc tình giữa Thiện Tơ và Hà Tiên không được gia đình cô chấp nhập bởi ngăn cách tôn giáo. Về sau hai ông bà đã thuyết phục được gia đình và thành hôn vào năm 1944. Thiện Tơ tiếp tục dạy ghi-ta và ghi-ta Hawaiian. Trong số những người học ông, có những nhạc sĩ nổi tiếng như Doãn Mẫn, Đoàn Chuẩn và Nguyễn Văn Quỳ.

Sau ngày quân đội Việt Minh tiếp quản Hà Nội, Nguyễn Thiện Tơ về Đài Tiếng nói Việt Nam, thổi sáo trong dàn nhạc của đài. Đến năm 1959, ông chuyển sang dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch. Năm 1965, ông chuyển về hãng Phim truyện Việt Nam. 

Giai thoại về ca khúc "Giáo đường im bóng"

Nguyễn Thiện Tơ là một nghệ sĩ guitare Hawaiian nổi tiếng thời ấy song song với sáng tác nhạc. Ca khúc "Giáo đường im bóng" là ca khúc đầu tay của ông, xuất phát từ nỗi nhớ cô gái xứ đạo – mối tình đầu của ông. 

Tại căn nhà số 22 phố Charron ngày ấy, có một cậu con trai khoảng 12 tuổi rất mê âm nhạc. Nghe tin có thầy giáo Trần Đình Khuê mở lớp dạy guitare hawaiian, cậu lập tức xin bố đi học. 14 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ – tên cậu bé – mang đàn đến nhà thầy giáo Khuê. Học được 3 tháng, cậu đã được biểu diễn cùng thầy trên Đài phát thanh Pháp. Hai, ba năm sau, Thiện Tơ học tiếp Tây ban cầm, do một người Pháp dạy. Chàng thanh niên bắt đầu sử dụng hai thứ nhạc cụ này biểu diễn ở các phòng trà và ấp ủ ý định sáng tác. 

Sau đó ít lâu, thỉnh thoảng Thiện Tơ lại được mời đi biểu diễn từ thiện. Mỗi lần, chàng nghệ sĩ trẻ được mời vể biểu diễn tại Nam Định. Khi biểu diễn xong, đang đứng đàng sau cánh gà, có một cô gái trẻ, đẹp nhờ chàng lên hộ dây đàn. Nàng có vóc người mảnh mai, gương mặt thanh tú thêm nét quý phái khiến chàng lần đầu tiên nhìn đã cảm mến ngay. Khi nàng đàn và hát xong, rất nhiều người rắc kim tuyến giấy vào nàng, riêng chàng trai Hà Thành làm nàng phải quay lại nhìn rồi thẹn thùng quay đi, không phải vì nắm vụn giấy mà là đôi mắt đăm đắm của chàng. Một vài hôm sau, có một chương trình thể thao, nàng đến xem, hy vọng sẽ gặp chàng ở đó và nàng đã không thất vọng. Nhận ra nàng, chàng chỉ cười chào mang tính xã giao, rồi về trước. Từ lúc đó, chương trình thể thao ấy với nàng không còn gì hào hứng nữa, nàng cũng bỏ ra về. Rồi một hôm, qua một người bạn, chàng biết nàng tên là Vũ Hà Tiên, sắc đẹp và tài năng cầm ca thuộc hàng nổi tiếng của thành Nam, chàng mới cùng người bạn ghé chơi nhà nàng.

Hôm ấy, nàng yêu cầu chàng đàn một bài nàng thích là bài "Forget me not"… Họ đã say nhau từ lúc đó. Cũng từ đấy, họ thỉnh thoảng thư từ cho nhau rồi hẹn gặp nhau. Có lần, họ củng nhau đi chơi bằng tàu điện khắp Hà Nội, những khoảnh khắc ấy kéo dài 6 năm. 6 năm "tình trong như đã…" nhưng tình yêu vẫn chữa vượt cái nắm tay. Chàng bên lương nàng bên giáo. Để yêu nhau, họ không thể vượt qua rào cản của tôn giáo.

Có những lần, chàng gần như tuyệt vọng khi nghĩ rằng tình yêu sẽ không đi đến đâu nên viết ca khúc "Giáo đường im bóng", ấy là năm 1938, lúc chàng 17 tuổi và nàng 16 tuổi. Sau khi đọc lời ca, thi sĩ Phi Yến đã sửa lời để tác phẩm hoàn thiện với những câu như " lá êm êm rơi trên gương hồ, hình như mối tơ duyên xa mờ…Sóng rung rinh hồ xưa đây, hồn tôi nhớ nàng mê say, ngày xa ấy u trầm quá…. Và sóng mắt huyên còn biết đâu tìm". Viết xong, chàng cũng không gửi cho nàng và nàng cũng chưa biết ý đồ cũa chàng trong bài hát đó.  Họ tiếp tục yêu trong lặng thầm, bởi ngăn cách tôn giáo. Hơn nữa gia đình nàng không đồng ý cho nàng lấy anh nhạc sĩ "lênh đênh". Có nhiều lúc chàng không làm chủ được nỗi nhớ, nỗi thất vọng mơ hồ, cầm bút viết nhạc để bày tỏ nỗi lòng. Do đó mới có những "Nhắn gió chiều", "Trên đường về", "Đêm trăng xưa", "Ngày vui đã qua", "Cung đàn xuân xưa" trong làng nhạc tiền chiến. 

Nhưng rồi nàng cũng thuyết phục được gia đình, chấp nhận không có kim cương và nhẫn quý trong ngày cưới để làm vợ anh nhạc sĩ ấy. Lấy nhau rồi, người đẹp thành Nam yên vị với công việc của người vợ, còn chàng nghệ sĩ Hà Thành tiếp tục dạy guitare hawaiienne và Tây ban cầm (dạy từ năm 1940). Trong những học trò của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ ngày ấy có những người đã đi vào lịch sử tân nhạc như Đoàn Chuẩn, Dzoãn Mẫn…. 

Cô gái xứ đạo ngày xưa, người mà nhạc sĩ Thiện Tơ gửi tiếng thương qua gió chiều thuở nào, giờ đây đã gần trăm tuổi. Ông bà vẫn sống ở giữa ngôi nhà 22 Mai Hắc Đế. Bà Hà Tiên vẫn còn giữ bài thơ ông gửi cho bà và những tấm hình thuở thiếu thời. Cây đàn guitare hawaiian không còn nữa nhưng vẫn còn cây đàn Tây ban cầm, thỉnh thoảng ông lại đưa ra gảy.

Nhạc sĩ Phạm Duy có lần kể rằng, không chỉ ông đã từng thầm yêu trộm nhớ bà Hà Tiên. Ngoài ra, nhạc sĩ Lê Thương cũng yêu bà ấy. Tuy nhiên, bà Hà Tiên không biết gì đến tình cảm của hai ông nhạc sĩ nổi tiếng kia. Còn người đời thì nhận biết mối tình thầm kín của nhạc sĩ Lê Thương qua bài Nàng Hà Tiên của Lê Thương.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ giờ đã qua đời. Bà Hà Tiên, người vợ nhất mực yêu chồng, nể phục tài năng, đạo đức, lối sống của chồng, gắn bó và cùng chồng làm nên một gia đình Hà Nội đúng chất nhất, cũng sống rất thọ so với tuổi trời, nhưng bà cũng đã về với vĩnh hằng.

LỜI KẾT

Nhạc sĩ Hoàng Giác: Cuộc sống êm đềm của ông và bà Kim Châu chỉ kéo dài được khoảng hơn 15 năm thì tai họa ập xuống, khi tuyệt phẩm  Ngày Về được chọn làm nhạc hiệu cho chương trình “Tiếng chim gọi đàn” (tên một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Quý) – một chương trình “chiêu hồi” của VNCH ở miền Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ: nồi tiếng với “Giáo đường im bóng"

Mối tình nhạc sĩ Thiện Tơ - Hà Tiên trắc trở: Chàng bên lương nàng bên giáo. Cả hai tranh đấu để yêu nhau. Về sau hai ông bà đã thuyết phục được gia đình và thành hôn vào năm 1944. Năm 1938, khi mới 17 tuổi, Thiện Tơ sáng tác bản nhạc đầu tay "Giáo đường im bóng". Đây là bản nhạc Noel xưa nhất, đã gần 80 tuổi:

"Giáo đường im bóng" -Nhạc: Nguyễn Thiện Tơ - Lời: Phi Tâm Yến

           Nhớ tới đêm đầy ánh sáng/ Hương trong gió tràn mênh mang      

           Giây phút như ngừng thôi rơi / Tiếng kinh muôn lời      

           Dáng xinh xinh bao tiên kiều / quỳ ngân Thánh kinh ban chiều      

           Trong giáo đường đêm Noel ấy /; ngàn đời tôi mến yêu       

          Tiếng A men đều âm u

         Hòa theo gió vàng đêm thu/ làm xao xuyến tâm hồn quá       

         Thời khắc mơ/ Thánh giá xa vời lắm với chuông chiều ngân       

          Hồn thánh thót mưa dầm buồn tới âm thầm

         Nơi Giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng       

          Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ (còn Lời 2).  

Người yêu ca nhạc cũng chỉ ao ước là làm sao không để cho thời gian quên đi những ca khúc đẹp đẽ của một thời của những nhạc sĩ tiền bối thời kỳ đầu, đặc biệt là hai nhạc sĩ: Hoàng Giác (thọ 93 tuổi) và Nguyễn Thiện Tơ (sinh 1921, bằng tuổi P.Duy). Đây là hai Lão nhạc sĩ có hai phu nhân là “tuyệt thế giai nhân” và có tuổi thọ nhất nước.

(Tham khảo: Sách báo - Internet)




VVM.14.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .