Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             





BẢNG NHÃN LÊ QUÝ ĐÔN
VÀ NHỮNG BÀI VĂN NÔM
LƯU GIỮ TẠI ĐẠI HỌC YALE – HOA KỲ




L ê Quý Đôn làm quan đời Lê trung hưng, nhà văn hoá được mệnh danh là bác học Việt Nam thời quân chủ. Tương truyền Lê Quý Đôn có trí nhớ siêu phàm. Theo Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn  được xem là "thần đồng": năm lên 5 tuổi, đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi. Năm 12 tuổi, học khắp kinh, truyện, sử, các sách bách gia chư tử. Năm 18 tuổi, đỗ Giải nguyên. Năm 27 tuổi, đỗ Hội nguyên. Kì thi Đình tiếp theo, Lê Quý Đôn đỗ Bảng Nhãn (lúc này triều đình không lấy đỗ Trạng nguyên). Vậy là cả 3 khoa thi, Lê Quý Đôn đều đỗ đầu.

Lê Quý Đôn đã viết khoảng 40 bộ sách, gồm hàng trăm quyển, bằng chữ Hán: Dịch kinh phu thuyết,Thư kinh diễn nghĩa, Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục, Nghệ văn chí, Vân Đài loại ngữ, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt văn hải, Đại Việt thông sử, Đại Việt sử ký tục biên, Bắc sứ thông lục, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Âm chất văn chú, Lịch đại danh thần ngôn hành lục, Liên châu thi tập, Quế Đường thi tập, Quế Đường văn tập…

Riêng tác phẩm Nôm của Lê Quý Đôn từ trước đến nay chỉ công bố mấy bài : Rắn đầu biếng học; Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử; Mẹ ơi, con muốn lấy chồng (văn kinh nghĩa); Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công tô điểm má hồng răn đen (văn sách); Bài khải trong Bắc sứ thông lục.

Số lượng tác phẩm Nôm ít ỏi trên có thể do đã bị huỷ hoại trong điều kiện sống khắc nghiệt, bão lụt, chiến tranh liên miên ở vùng đồng bằng Bắc bộ cùng phương tiện lưu giữ bảo quản sách thô sơ với vài giá sách, hòm gỗ sơ sài… Trong hoàn cảnh ấy, ngoài những gì ta còn giữ lại được ở Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia, các tủ sách của các nhà nghiên cứu trong nước… thì một số thư viện lớn ở Paris và thư viện của Đại học Yale ở Connecticut, Hoa Kỳ đã lưu giữ được nhiều văn bản Hán Nôm nước ta.

Yale, là viện đại học tư, một trong các đại học lâu đời nhất của Mỹ, gồm cả thảy 12 trường đại học, đã đào tạo nhiều nhà khoa học và nhiều nguyên thủ như các Tổng thống Mỹ William Howard Taft,  George Bush, George W. Bush, Gerald Ford, Bill Clinton, Thủ tướng Ý Mario Monti, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tansu Çiller, Tổng thống Mexico Ernesto Zedillo, Tổng thống Đức Karl Carstens , Tổng thống Philippines José Paciano Laurel , Tổng thống Latvia Valdis Zatlers , Thủ tướng Đài Loan Jiang Yi- huah ,Tổng thống Malawian Peter Mutharika …


Sách trong các thư viện của Yale được xem là tài sản quý giá nhất. Yale có cả một hệ thống thư viện: thư viện Tưởng niệm Sterling , thư viện Sách hiếm và Bản thảo Beinecke, thư viện Y học John Hay Whitney, thư viện Luật Lillian Goldman , thư viện Nghệ thuật Haas, thư viện Walpole Lewis, thư viện Mudd, Thư viện Khoa học Kline, thư viện âm nhạc Irving S. Gilmore… Từ thế kỉ XVIII, những người điều hành Yale đã viết thư đề nghị các nhà khoa học góp sách cho thư viện và Isaac Newton , John Woodward … cùng nhiều nhà khoa học, trí thức khác đã gửi các bản thảo khoa học và nhiều sách cho Yale và đặc biệt nhất là Yale đã có được tủ sách Hán-Nôm mua lại của Maurice Durand gồm 264 quyển(1).


Maurice Durand (1914-1966) là người Pháp sinh trưởng tại Hà Nội, là học giả nổi tiếng về ngôn ngữ, văn học Việt Nam. Durand thông thạo tiếng Việt, chữ Hán và chữ Nôm. Cha ông là Gustave Durand, giỏi chữ Hán, làm Trưởng phòng dịch thuật tại Tòa án Hà Nội thời thuộc Pháp. Mẹ là bà Nguyễn Thị Bình, người Kiến An, Hải Phòng. Ông học tại Đại học Sorbonne (Pháp), Năm 1946, dạy văn tại Trường Trung học Sài Gòn rồi về làm giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO : École française d'Extrême-Orient) tại Hà Nội từ năm 1954 cho đến năm 1957. Trở về Pháp, ông phụ trách nghiên cứu lịch sử và ngữ văn ở Ecole pratique des Hautes Etudes (Trường Cao-học Thực-hành) Paris. Dù ở Pháp, M. Durand vẫn liên lạc thường xuyên với Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, tiếp tục biên soạn và xuất bản nhiều tác phẩm viết về văn hoá Việt: La pagode Một Cột, La pagode Lý Quốc Sư, La Complainte de l'Epouse du Guerrier de Đặng Trần Côn, Connaissance du Vietnam, Technique et Panthéon des médiums vietnamiens, L'imagerie populaire vietnamienne, Les impressifs en vietnamien, La transcription de la langue vietnamienne et l'oeuvre des missionnaires français, Le Phan Trần, Mélanges sur Nguyễn Du, Introduction à la littérature vietnamienne, L'oeuvre de la poétesse vietnamienne Hồ Xuân Hương, L'Univers des Truyện Nôm… (2) (Chùa Một Cột, Chùa Lý Quốc Sư, Tiếng than chinh phụ của Đặng Trần Côn, Tri thức về Việt Nam, Kỹ thuật và đền thánh của người hầu đồng Việt Nam, Tranh dân gian Việt Nam, Những ấn tượng trong tiếng Việt, Việc phiên âm tiếng Việt và công việc của các nhà truyền giáo người Pháp; Truyện Phan Trần, Tạp văn về Nguyễn Du, Dẫn nhập vào Văn học Việt Nam, Tác phẩm của nhà thơ Hồ Xuân Hương, Thế giới truyện Nôm…)

Riêng thời còn làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ, M. Durand đã thuê người viết tay, sao chép lại các văn bản, các sách chữ Nôm. Điều đáng nói là các bản chép tay trên những quyển vở 100 trang này có lẽ do các đồ sinh vừa giỏi Hán Nôm vừa thạo quốc ngữ nên phía dưới các dòng chữ Nôm là các phiên âm quốc ngữ rõ, đẹp. Chữ viết bằng bút ngòi thép, nét bút tròn trịa, uyển chuyển. Ngoài những bản chép trên giấy vở còn có những nguyên bản viết bút lông trên giấy dó, không chua phiên âm quốc ngữ(3) hoặc những bản in mộc bản (4).Tất cả đã được Yale chụp microfilm, đưa vào bộ sưu tập số hoá, lưu giữ trong 121 hộp tại Thư viện Tưởng niệm Sterling giúp những ai muốn tìm hiểu văn hoá Việt dễ dàng tìm đọc và sao chụp lại (5).

VĂN THƠ NÔM CỦA LÊ QUÝ ĐÔN TẠI ĐẠI HỌC YALE


Tại thư viện Sterling có nguyên một cuốn chép văn Nôm của Lê Quý Đôn, gồm 95 trang, mục lục có 10 bài :

         1. Lấy chồng cho đáng tấm chồng (văn sách).

         2. Chổng mông gào chồng phú ;

         3. Hà Thành kĩ nữ oán từ ;

         4. Khuê phòng ngâm khúc ;

         5. Thị Lịu trần tình khúc ;

         6. Lẳng lơ phú ;

         7. Quá xuân nữ phú ;

         8. Mẹ ơi con muốn lấy chồng (tinh nghĩa) ;

         9. Thi hỏng tự cười mình phú;

         10. Văn tế trận vong tướng sĩ




Trong 10 tác phẩm ấy, chỉ có bài đầu tiên được ghi là Bài văn sách của Bảng nhãn Lê Quý Đôn, 7 bài tiếp theo không ghi tên tác giả, nghi là của Nho sinh sáng tác thêm; 2 bài cuối là Thi hỏng tự cười mình có ghi tên tác giả Nguyễn Khuyến; Văn tế trận vong tướng sĩ là của Thượng thư Vũ Lượng. Việc pha tạp trong tập chép tay này có thể hiểu được là do hoàn cảnh sáng tác, truyền thông thời bấy giờ : người sáng tác văn thơ chỉ để thoả thú vui chữ nghĩa. Viết xong thì đưa cho một số bạn bè thân quen đọc nên cũng chẳng cần ghi tên mình vào tác phẩm (ví dụ : hiện nay tìm được 8 bản chữ Nôm Chinh phụ ngâm diễn âm khác nhau nhưng tất cả đều không có tên tác giả). Những tác phẩm ấy được chuyền tay, ai thấy hay thì sao chép lại rồi truyền tụng lan rộng ra, nhiều khi « tam sao thất bổn », sinh ra nhiều dị bản. Người có điều kiện thì thuê thợ khắc mộc bản để in. Lại có khi lại có tình trạng mạo tác ; viết xong thơ, văn nhưng không ghi tên mình mà lại đề tên Hồ Xuân hương, Lê Quý Đôn… chẳng hạn.

Thực tế này đã gây khó khăn không ít cho người nghiên cứu khảo sát. Dù vậy, càng có nhiều nguồn tư liệu thì công việc khảo sát càng rộng đường tìm hiểu. Do vậy những thư tịch Hán Nôm lưu trữ được trong thư viện của Đại học Yale là nguồn tư liệu đáng quý cho chúng ta hôm nay.

CHÚ THÍCH:
(1)–(2)Theo Nguyễn Ngọc Bích "THẾ-GIỚI TRUYỆN NÔM" CỦA MAURICE DURAND-http://cothommagazine.com/CoThompdf/CT66/CT66D.pdf
(3) Ví dụ: Kiến văn tiểu lục, Trình Quốc Công thi tập (AB.635)
(4) Ví dụ: Kim Vân Kiều tân truyện.
(5) https://findit.library.yale.edu/





VVM.13.3.2022
| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com