Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        



NGÀY XUÂN
ĐỌC THƠ LÁO VÀ THƠ NGÔNG

  


T rong cuộc sống của con người, nói láo thì không ai ưa, nhưng thơ láo lại được nhiều người thích. Kể cũng lạ ! Nghĩ cho cùng thì đó cũng là vì hợp với tâm lý người đời. Bởi lẽ khi nói láo, người ta thường có mục đích chẳng tốt đẹp gì : hoặc gạt người đối thoại để lấy một món tiền, để khất một món nợ hoặc để nhờ sự giúp đỡ, chở che hay chí ít cũng để người nghe mắc lỡm mà cười chơi. Và người nói láo cố sức che giấu sự nói láo ấy để người nghe lầm tưởng mình nói thật. Có thể nói đó cũng là sự gian dối hay lừa đảo. Ngược lại, người làm thơ láo thì không hề có mục đích vụ lợi nào, chẳng cần giấu diếm điều gì, cứ nói thẳng ra rằng “tôi đang nói láo đây”, ai muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi, không ép. Phải chăng cái sự “nói thật” rằng “tôi đang nói láo đây” đã làm cho người nghe thích thú?

Ta con ông Cống, cháu ông Nghè (1),
Nói láo trên trời dưới đất nghe.
Sức khỏe Hạng vương (2) cho một đấm,
Cờ cao Đế Thích (3) chấp đôi xe.
Nhảy ùm xuống biển lôi tàu lại,
Chạy tuốt lên non bắt cọp về.
Dạo nọ vào chơi trong nội phủ
Ba ngàn công chúa phải lòng mê. (4).

(“Nam thi hợp tuyển” của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc)

Trong khi làm thơ nói láo, càng láo nhiều, người ta càng thích, láo đến độ không ai tin nổi thì tức là đã thành công, chẳng hạn bài thơ nói láo dưới đây mang màu sắc thời sự, làm vào khoảng đệ nhị thế chiến, của một tác giả khuyết danh :

Ta con Sớc-Siu, cháu Hao-Ơ (5),
Nói láo Âu nghe, Á chẳng ngờ.
Bom H (6), vẽ bùa, ngòi tắt tịt,
Dĩa bay, niệm chú, cánh xuôi lơ.
Lên chơi sao Mars (7), trời đen kịt,
Xuống tắm sông Ngân, nước đục lờ.
Năm ngoái chu du vòng thế giới
Thấy chàng họ Hít (8) đứng ngâm thơ !

Ở Việt Nam ta, thi sĩ Tản Đà rất thích thơ nói láo, chính ông cũng đã làm thơ nói láo và dịch thơ nói láo :

Ngồi rỗi ăn không, nói láo chơi,
Ai nghe, nghe gẫu một đôi lời.
Văn trương (chương) lớp trước còn đâu nữa,
Trữ (chữ) nghĩa bi (bây) giờ có thế thôi ! (9)

Nghe chuyện ma ai mà không thích dù biết rằng đó chỉ là chuyện láo vì có ai trông thấy ma bao giờ đâu. Biết là láo mà vẫn thích vì chuyện ma luôn ly kỳ và hấp dẫn, nhất là kể vào những đêm không trăng sao ở thôn quê, bên ngoài trời tối đen như mực và mưa thu rả rích, trong nhà chỉ đốt một ngọn đèn nhỏ, ánh sáng mờ ảo lung linh chiếu những bóng người chập chờn lay động trên bức vách. Trong khung cảnh ấy mà nghe chuyện ma thì thật tuyệt.

Nhưng chuyện ma cũng chưa thú bằng chuyện hồ ly và hồn hoa hiện lên thành người đẹp để kết duyên với các văn nhân thi sĩ đa tình mà nhà văn đại tài của Trung Quốc là Bồ Tùng Linh kể trong tác phẩm Liêu Trai chí dị. Ai cũng biết những chuyện ấy đều là láo cả mà ai đọc đến cũng phải say mê :

Mưa lạnh, đèn tàn, kể láo chơi.
(Bồ Tùng Linh)

Đề từ cho cuốn Liêu Trai chí dị, nhà thơ tài hoa Vương Ngư Dương (tức Vương Sĩ Trinh) đời Thanh đã làm bài tứ tuyệt như sau :

Cô vọng ngôn chi, cô thính chi,
Đậu bằng qua giá, vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỉ xướng thi (10).

Tản Đà dịch :

Nói láo mà chơi, nghe láo chơi,
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.
Chuyện đời hẳn chán, không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.

Tản Đà thường tự hào rằng ông dịch bài này chỉ trên một chuyến tàu điện từ bờ hồ về đến báo quán.

Theo các nhà nho thì khi làm bài thơ này, Vương Ngư Dương đã dùng bốn từ coi như gợi ý của Tô Đông Pha “Cô vọng ngôn chi !” (cứ nói láo đi !). Nguyên lúc bị biếm ra Hoàng Châu, Tô Đông Pha tức Tô Thức (1036-1101), một đại thi hào đời Tống, thường cùng khách dạo chơi mỗi sáng. Trong khi đi dạo, Tô tử bảo họ kể chuyện khôi hài, chuyện phóng đãng hay chuyện ma quỉ để ông nghe. Ai không có chuyện thì ông bảo : Cứ nói láo đi ! (cô vọng ngôn chi !).

Bồ Tùng Linh rất thích bài thơ đề từ của Vương Ngư Dương nên họa lại như sau :

“Chí dị” thư thành, cộng tiếu chi,
Bố bào tiêu sác, mấn như ti.
Thập niên phả đắc Hoàng châu ý,
Lãnh vũ hàn đăng, dạ thoại thì (11).

Nguyễn Huệ Chi dịch :

“Chí dị” làm xong, cất tiếng cười,
Tóc mai trắng nõn, áo bào tơi.
Mười năm mới hiểu lời Tô tử (12),
Mưa lạnh, đèn tàn, kể láo chơi !

**

Thơ láo là thế, còn thơ ngông thì sao? Ngông có nghĩa là hành động, nói năng quá lẽ thường ở đời, bất cần sự khen chê của kẻ khác. Người ngông thường là người bất đắc chí, không được toại nguyện ở đời như Phạm Thái, Tú Xương, Tản Đà…

Phạm Thái (1777-1813) tự là Đan Phượng, hiệu Chiêu Lỳ, đạo hiệu Phổ Chiêu thiền sư, quê trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Hà Bắc). Ông mưu việc cần vương không thành, yêu say đắm nàng Trương Quỳnh Như thì nàng tự tận vì bị mẹ nàng ép duyên, không chịu gả nàng cho Phạm Thái, vì thế mà ông sinh ra bất đắc chí, uống rượu như hũ chìm. Bài thơ yết hậu của ông dưới đây rất được truyền tụng :

Sống ở dương gian đánh chén nhè,
Chết về âm phủ cắp kè kè.
Diêm vương phán bảo :“Rằng chi đó ?”
-“Be” !

Ông đã coi thường cái chết và coi thường cả Diêm vương !

Tú Xương (1870-1907) học giỏi nhưng thi mãi chỉ đỗ được cái tú tài, mà tú tài thời ấy không được ra làm quan. Muốn làm quan, ít nhất phải có cử nhân. Cho nên ôm mối bi phẫn trong lòng, cộng thêm cái nghèo mạt rệp cứ bám sát không rời khiến ông bộc lộ ra thành lời thơ rất ngông :

Ông trông lên bảng thấy tên ông,
Ông tớp rượu vào, ông nói ngông.
Trên bảng, năm mươi thầy cử đội,
Bốn kỳ, mười bảy cái ưu thông !

(Đi thi nói ngông)

Thi hỏng mà lại có tên trên bảng ! Mỗi kỳ thi hương theo lệ chỉ lấy 50 cử nhân mà ông là người thứ 51 ; bốn kỳ thi chỉ lấy tối đa 16 cái ưu, mà ông được đến 17 cái, đúng là nói ngông !

Ngông đến nỗi lúc túng quá nhưng không có gì để bán, bèn toan bán cả trời :

Lúc túng toan lên bán cả trời,
Trời cười : thằng bé nó hay chơi.
Cho hay công nợ âu là thế
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời.

(Tự cười mình)

Làm thơ bán trời tuy ngông nhưng không phải không có căn cứ vì ông dựa vào mấy câu tục ngữ :“Bán trời không chứng, bán trời không văn tự, bán trời không mời thiên lôi” chỉ người làm việc liều lĩnh, ngông cuồng.

Tản Đà (1888-1939) cũng ngông không kém. Năm 1912, sau khi thi hỏng ở trường Nam Định, ông làm bài thơ Tự trào rất ngông, mà hai câu kết như sau :

Bởi ông hay quá, ông không đỗ,
Không đỗ, ông càng tốt bộ ngông !

Chán cảnh đời ô trọc nơi trần thế, Tản Đà mơ tới thiên cung. Một đêm, đang nằm ngâm thơ dưới trăng, chợt có hai tiên nữ hiện xuống tươi cười mời ông lên ngâm thơ cho Trời nghe. Nghe xong, từ Trời cho đến tiên đều khen hay cho nên :

Chư tiên ao ước tranh nhau dặn :
-“Anh gánh lên đây bán chợ Trời !”

Hai từ “chợ Trời” ở đây mới lý thú làm sao ! Hiểu là chợ ở trên Trời cũng được, mà hiểu là “chợ trời” ở thế gian cũng chưa chắc đã sai. Văn chương mà đến nỗi phải “gánh” đi bán ở “chợ Trời” thì thật là….

Thấy thi sĩ tài hoa, Trời bèn gọi Thiên Tào lại hỏi lai lịch nhà thơ :

Thiên Tào tra sổ xét vừa xong,
Đệ sổ lên trình Thượng đế trông :
-“Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới vì tội”ngông” !

(Hầu Trời)

Thì ra Tản Đà ngông là vì thế.

Nếu cái ngông của Tú Xương là đòi bán Trời để có tiền tiêu thì cái ngông của Tản Đà là viết thư gửi lên Thiên đình xin cưới một cô con gái của Trời khiến Trời cũng phải bật cười mà mắng :

Khách hà nhân giả? (13)
Cớ làm sao suồng sã dám đưa thơ?
Chốn thiên cung ai kén rể bao giờ?
Chỉ những sự vẩn vơ mà giấy má.

Rồi Trời ân cần giải thích vì sao phải từ chối lời cầu hôn :

Chức Nữ tảo tùng giai tế giá,
Hằng Nga bất nại bão phu miên.

(Cô Chức Nữ đã gả sớm, cho đi theo chồng rồi – tức Ngưu Lang, Còn cô Hằng Nga không quen cái sự ôm chồng mà ngủ, chỉ thích ngủ một mình)

Trời chỉ có hai cô con gái, vậy có còn ai đâu để gả cho ngươi? Thế là :

Mở then mây, quăng trả bức hồng tiên,
Mời khách hãy ngồi yên trong cõi tục (14)

(Trời mắng)

Cái ngông của Tản Đà là cái ngông nên thơ, rất đáng yêu.

***

Thơ láo và thơ ngông thật thú vị nhưng cũng rất khó làm cho hay, nếu không có cái “duyên thầm” thì dễ trở thành nhạt nhẽo. Thơ láo và thơ ngông là một nét đặc thù trong thơ Việt, và số tác giả của loại thơ ấy chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, lẽ nào ta không trân trọng? ./.
_______________________________________
(1) Ông Cống tức là Hương cống hay cử nhân, ông Nghè là tiến sĩ (học vị trong các kỳ thi chữ Hán ngày xưa).
(2) Hạng vương tức Hạng Võ (tên là Hạng Tịch), vua nước Sở, sức mạnh vô địch, cùng Lưu Bang diệt Tần, sau bị Lưu Bang (Hán Cao Tổ) đánh bại, phải tự sát ở bến Ô giang.
(3) Đế Thích : vị tiên rất cao cờ.
(4) Bài này có nhiều dị bản. Chúng tôi chọn bản hợp lý nhất.
(5) Sớc-Siu : Churchill (1874-1965) cố Thủ tướng Anh ; Hao-Ơ : Eisenhower (1890-1969), cố Tổng thống Mỹ.
(6) Bom H : bom khinh khí (H: ký hiệu của Hydrogène : khinh khí).
(7) Sao Mars : sao Hỏa hay Hỏa tinh.
(8) Hít : Hitler (1889-1945), lãnh tụ đảng Quốc Xã Đức hồi đệ nhị thế chiến.
(9) Chép đúng theo di bút của Tản Đà.
(10-11) Chữ “thi” đúng ra là chữ “thì” theo bản sao hiện còn, nên Bồ Tùng Linh mới họa lại là “thì”.
(12) Tô tử tức là Tô Đông Pha hay Tô Thức ; hiểu lời Tô tử tức là hiểu bốn chữ “Cô vọng ngôn chi !” (Cứ nói láo đi !).
(13) Khách hà nhân giả? : người khách đó là người nào thế?
(14) Bài “Trời mắng” là một bài hát nói, nhưng vì cái chất “ngông” rất lý thú nên cũng xin chép vào đây. Vả chăng hát nói cũng là tiền thân của thơ tám chữ (Hoài Thanh).





VVM.13.3.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com