Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






NƯỚC
VÀ NỀN MINH TRIẾT NHÂN BẢN VIỆT NAM


Cây có gốc mới xanh cành tươi ngọn,
Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu.

(Ca Dao)

I. Lời Mở Đầu:

1.1 Nền Văn Hóa Nông Nghiệp Trồng Lúa Nước

Cho đến nay thì không còn nghi ngờ gì nữa, khảo cổ học đã tìm được những chứng tích dân tộc Việt Nam là chủ nhân của nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước ổn định lâu đời hàng ngàn năm trước Tây Lịch, có địa bàn sinh hoạt ở châu thổ sông Hồng và sông Mã, khác hẳn với văn hóa du mục của Hoa tộc, phát tích ở Tây Bắc sông Hoàng Hà (1).

Will và Ariel Durant đã viết trong cuốn lịch sử Trung Quốc rằng sự phát triển của lịch sử Trung Quốc trải qua hai giai đoạn: hướng tiến của Hoa tộc thời thượng cổ là từ Tây sang Đông, còn từ nhà Hạ trở về sau thì từ Bắc xuống Nam.

Với sự bành trướng về phương Nam của đế quốc Trung Hoa, nền văn hóa du mục của Hoa tộc đã du nhập, hấp thụ tinh hoa – kinh nghiệm sống hài hòa, lý đối lập thống nhất- của nền văn hóa nông nghiệp Bách Việt, trong đó có Lạc Việt. Chính lý đối lập thống nhất đó trở thành hạt nhân, làm nền tảng xây dựng Kinh Dịch của Trung Quốc.

Với lối tư duy phân tích của văn hóa du mục, Hoa tộc đã nhanh chóng chi tiết hóa, hệ thống hóa và phong phú hóa những tinh hoa của văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước, phát triển thành nền văn hóa tổng hợp du mục nông nghiệp, với một lâu đài tri thức đồ sộ, rồi đến lượt Hán tộc phát huy ảnh hưởng trở lại các dân tộc phương Nam.

Điều đó quá hiển nhiên, nhưng cần biết rõ ràng cái gì có nguồn gốc ở tại Việt Nam sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn lối suy tư, cách ứng xử, cũng như phong cách và tâm hồn người Việt Nam khác hẳn người Trung Hoa ở phương Bắc và các nhóm thuộc chủng tộc Bách Việt sống ở đồng bằng sông Hoàng Hà và sông Dương Tử.

Thấu hiểu yếu tính gốc và nắm vững những nét đặc trưng nền tảng văn hóa Việt Nam không phải chỉ nhằm quay về quá khứ để hoài cổ mà là đi tìm những gia tài quý báu cha ông đã để lại mà chúng ta vô tình đánh mất để phát huy và vận dụng cái gia tài quý báu đó hướng về tương lai. Đó là điều cần phải làm trong việc nâng cao dân trí và khai tâm trong xu hướng toàn cầu hóa, chứ không phải ngồi ca ngợi cái hào quang khá khứ của tổ tiên. Hơn nữa, chính việc nghiên cứu về truyền thống Việt Nam, về nhưng nét đặc trưng của văn hóa dân tộc giúp ta biết được làm thế nào đặc tính văn hóa dân tộc, đặc tính con người Việt Nam và xã hội Việt Nam được tạo thành.

Để nhận biết được những đặc trưng của văn hóa Việt Nam, chúng ta phải quan sát với một tầm nhìn tương đối dài qua thời gian, với môi trường sống.

Có thể nói rằng chính nghề nông trồng lúa nước đã thay đổi lối sống hái lượm săn bắt sang lối sống định canh định cư. Chính cây lúa đã củng cố và phát triển cái nhìn thảo mộc với thích nghi trong nếp sống tương nhượng quần cư hài hòa trong xóm làng (hòa cả làng) của nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước. Nó khác hẳn với cái nhìn du mục của nếp sống chăn nuôi theo bầy đàn với đánh đập la hét của Trung Quốc. Chính cây lúa làm cho con người trầm tĩnh, hiền hòa, càng ngày càng thể hiện tánh người, với nếp sống hài hòa, “sống cùng với mọi người và để mọi người cùng sống với mình” (Trần Gia Phụng) và cùng thăng tiến.

Hài hòa giữa thân và tâm để chuyển hóa tâm thức, hài hòa giữa người với người để chung sống yên vui thanh bình, hài hòa giữa người với thiên nhiên để con người bước vào tiến trình thăng hoa theo chiều kích tâm linh phát triển tình thương và trí tuệ, với định hướng con người tương thông với thiên nhiên: hòa cùng vũ trụ.

Nhà nông theo dõi thời tiết, quan sát nước thủy triều, đợi đúng lúc sới đất, gieo hạt giống, nhổ mạ, cấy lúa… rồi chăm sóc bảo vệ cây lúa để nó phát triển, đâm bông kết hạt và cuối cùng thu hoạch gấp trăm, gấp ngàn lần số hạt giống đã gieo.

Có lẽ ngày nay nhà nông đã quá quen thuộc với công việc trồng trọt, thu hoạch mùa màng nên không thấy có gì là huyền diệu. Tuy nhiên đối với nhà nông ngày xưa, nhất định họ phải có niềm tin mãnh liệt vào sự sống và sự thăng hoa của vạn vật thì mới có quyết định xây dựng nếp sống định cư định canh.

Nói một cách ngắn gọn, cây lúa nước đã làm cho dân Việt Nam trở thành Người hơn với nếp sống hài hòa đầy tình nghĩa: coi nhau như bát nước đầy là hơn, có qua có lại mới toại lòng nhau, công bằng là đạo người ta ở đời, thương người người lại thương ta, với đạo lý thương người như thể thương thân.

Chính cây lúa đã giúp cha ông chúng ta sớm ý thức được “mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau”. Sự phát triển của cây lúa tùy thuộc vào thời tiết, độ ẩm, không khí, ánh sáng mặt trời, nước, hạt giống, phân, sự chuyên cần săn sóc như nhổ cỏ, tát nước. Người nông dân biết rất rõ: muốn cho cây lúa nẩy mầm và phát triển tốt tươi thì phải hội đủ những điều kiện hỗ trợ kể trên. Sau khi giác ngộ, Đức Phật gọi cái thấy đó là duyên khởi và thuyết phục dân Ấn Độ vận dụng cái thấy đó vào cuộc sống. Nhưng Ngài hoàn toàn thất bại vì cho đến khi Ngài nhập Niết Bàn xã hội Ấn Độ vẫn còn phân chia đẳng cấp vô cùng khắc nghiệt cho mãi đến thế kỷ 19 mới giảm dần.

1.2 Vị Trí Của Nước Việt Nam

Với vị trí bán đảo nhìn ra biển Đông, nước mênh mông trải rộng tận chân trời. Cả nội địa, châu thổ sông Hồng có nhiều sông nhỏ sông lớn, chằng chịt như những mạch máu trong cơ thể, tiện lợi cho trồng trọt và đánh bắt cá. Một khi nghề trồng lúa nước trở nên căn bản của đời sống kinh tế thì nước trở thành yếu tố vô cùng quan trọng. Nước là yếu tố hàng đầu: nước, phân, cần, giống…. Ở vùng châu thổ sông Hồng, mọi thứ đều phải thích nghi với nước: từ thực vật, động vật đến con người.

Thời xưa, lễ cầu mưa là một nghi lễ quan trọng được ghi lại qua hình khắc họa trên trống đồng: tiếng trống ầm vang tượng trưng cho tiếng sấm trước và trong khi mưa; đánh trống cầu mưa, đánh trống cứu hạn.

Đối với người Việt xưa, nước vô cùng quan trọng và thiêng liêng vì nó là nguồn sống của muôn loài. Sống ổn định lâu đời trong nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước, nhờ thường xuyên quan sát môi trường nước, cha ông chúng ta đã tích lũy được một kho kinh nghiệm sống hài hòa và sự hiểu biết tuy đơn giản nhưng chân xác và sâu sắc.

Chính kinh nghiệm sống hài hòa và sự hiểu biết đó đã xây dựng nền minh triết nhân bản Việt Nam với nhân sinh quan nhân bản và nhân chủ, lấy tình thương xây dựng tâm thức dân tộc và lấy con người làm trung tâm cho mọi sinh hoạt vật chất và tinh thần, xã hội quan bình đẳng tự do và dân chủ, vũ trụ quan tương khắc tương sinh (tác động hỗ tương, đối lập thống nhất….

1.3 Người Việt Nam Gọi Quê Hương Mình Là Đất Nước (Quốc Gia)

Ông cha chúng ta thường nói: đất chở trời che, đất mẹ trời cha. Từ sự thể nghiệm lý tắc đối lập và tương hợp của sự vật, người Việt từ ngàn xưa đã sớm biết vận dụng lý âm dương kết hợp và vận hành vào cuộc sống. Sự hiểu biết này được biểu tượng qua đất và nước. Đất có màu mỡ mùi vị (hữu ngã), nước tinh khiết (vô ngã); Chính bên có bên không này đã bổ khuyết cho nhau một cách huyền diệu. Đất vừa tinh lọc vừa chứa đựng vừa chuyên chở; nước che chỡ, thấm vào đất đem cái nhu thuận giúp đất mềm mại, màu mỡ hơn; từ đó mầm sống sinh sôi nẩy nở. Đất có cá tính độc đáo là phân tích, phân loại, loài nào ra thư ấy, đồng thời cũng là nơi tàng chứa. Tính bất động của đất được nước khởi động dây chuyền chuyển hóa, nhờ sự kết hợp bổ sung kỳ diệu các đặc tính của nhau; Nhìn xuyên suốt chúng ta chỉ thấy duyện hợp mà không tìm được bờ mé của nhau.

Đất là thịt, nước là máu là khí tiết của châu thân; “cuống nhau” nối liền mẹ và con cùng được gửi vào đất, qua biểu tượng “hương quả”, người Việt đã sử dụng được sự tương thông của thiên nhiên, “một là tất cả, tất cả là một”; xuyên suốt ngàn đời tổ tiên vun bồi để cho con cháu; và chỉ với hơi thở trong tĩnh lặng con cháu quên mình, quán chiếu được tổ tiên.

Nhờ kinh nghiệm quan sát, quán chiếu sự vật, tâm thức của người Việt Nam luôn luôn thích ứng và đáp ứng được mọi sự giao lưu của các dòng sinh hóa, mà vẫn giữ được bản sắc của dân tộc. Hiểu nghiệm (sự hiểu biết qua kinh nghiệm sống) từ Thiên Thư Vô Ngôn của Trời Đất (Thiên Nhiên) qua đặc tính của đất và nước, người Việt phát triển tâm linh, nhũng không thiết lập hệ thống triết học, hoặc các hệ thống tôn giáo với giáo điều, vì vạn vật không ngừng chuyển biến và lòng người luôn tìm cái thích nghi. Khởi đi từ đất và nước, rồi lại trở về nguồn cội đất và nước (thiên nhiên). Đất và nước là biểu tượng tĩnh và động, âm và dương…, Tiên là Đất và Rồng là Nước. Thần hóa Tiên – Rồng, Âm – Dương thành cha mẹ chung của dân tộc Việt Nam và vận dụng đặc tính của đất và nước vào cuộc sống. Người Việt Nam không dùng hình thức tôn giáo lấy kinh điển, hình tượng để ràng buộc con người. Chính những thứ đó được coi như công cụ để soi mòn tinh anh tự nhiên của con người, nếu không muốn nói thui chột tâm linh của con người. Từ cái không, cái vô ngôn trong thiên nhiên qua cuộc sống thực tại lấy tình thương xây dựng tâm thức dân tộc thì cần gì bóng tối của mặc khải, cần gì vọng tưởng trong tương lai sau khi chết…; nó chỉ là làng khói chiều bên thôn xóm mà thôi. Chỉ có hiện tại là thực. Thuận lý theo thiên nhiên, sống trọn vẹn với cuộc sống với cái thực tại trong tính người và tình người. Tình yêu quê hương đất nước là tình thương đích thực đem ra để gìn giữ cái lý cái lẽ tự nhiên của sự sinh tồn và cuộc sống trong hài hòa với tình thương trí tuệ, nghĩa là không chấp nhận sự áp đặt và lệ thuộc những thứ do con người bầy đặt rườm ra để thỏa mãn đầu óc chiếm hữu và độc tôn.

Tánh của nước là tinh khiết và vô ngã sinh ra cùng vũ trụ, vạn vật không mang hình dáng mầu sắc, mùi vị nhũng hiện hữu và thường hằng bao trùm vũ trụ với đầy đủ yếu tính của tánh không, vận hành chu kỳ tang hợp của vật thể từ vi tiểu đến cực đại, theo chiều thời gian mà tánh không vẫn trọn vẹn. Càng ẩn tàng càng thuần thiết, nước mạch càng sâu càng quý, càng lên cao tưởng chừng như không có, mà vẫn hiện hữu. Tiềm lực thì diệu hiển như suối nguồn, dũng mãnh như sóng cả, êm ả, như luồng gió thoảng, mạnh bạo như cơn lốc xoáy, nguồn sức mạnh dầu dưới dạng thể nào cũng không có giới hạn để cảm nhận được gió là nước và nước là gió không biên ngần. Sống thuận lý theo thiên nhiên trong trời đất, nhân sinh quan của con cháu Tiên Rồng với đặc tính của nước là một, nói nôm na đó là nền minh triết nhân bản Việt Nam.

Anh hùng dân tộc thời nào cũng có dù thiên tài hay nhân tài phát sinh từ dân giả, tinh anh phát tiết thi thố tài năng trong tinh thần trong sáng không vướng bận, ngàn đời kết động thành hồn thiên sông núi, để rồi thế hệ con cháu khi ngưỡng nhìn với nỗi hoài cảm chan hòa tâm hồn thành lòng yêu nước thương nòi, đem bảo vệ đất nước và lưu truyền mãi cho mai hậu.

1.4 Người Việt Nam Gọi Quê Hương Mình Là Nước: Nước Văn Lang, Nước Việt Nam

Về nguồn nơi người Việt là về với sự thuận lý theo thiên nhiên. Trong cái biến dịch tự nhiên của đất trời đã trở thành nguồn cảm hứng cho sự sống. Con người chuyển dịch nó vào dòng sống sinh động qua thời gian bằng những kinh nghiệm sống, tức là lăn trôi theo dòng đời. Từ cái thấy trung thực từ lòng người luôn rộng mở bằng cái hư không của vũ trụ để sống trọn vẹn với cái hiện tiền, nên mới có tiến trình thăng hoa cuộc sống và con người và ngược lại. Người Việt Nam thấy và sống trọn vẹn với cái hiện tiền: Thấy như vậy là y như vậy. Thấy vậy mà không phải như vậy, tức là thấy được cái bản chất thật sự của sự vật.

Cuộc sống luôn được nuôi dưỡng và ôm ấp bởi NƯỚC, mà nước là suối nguồn vô tận của thiên nhiên; thấy được như thế và khởi đi từ đó, con người hòa vào thiên nhiên, và cuộc sống và nước là một, tất cả đều là một; vượt ngoài cái thấy và biết đó, dừng chân ở bất cứ sự giới hạn nào của CHẤP trước, tức là lấy cái hữu hạn bao trùm cái vô hạn; đó là một tiến trình của sự hủy hoại bản tính tự nhiên của thiên nhiên và của con người.

Nước không có đi và đến, nước là một biến dịch không ngừng nghỉ, nhưng tính tinh khiết của nước không bao giờ thay đổi (nước tự thanh lọc); và nước không để lại một dấu vết gì khi chuyển hóa hay biến dịch. Lòng người Việt Nam hay dòng tâm thức Việt Nam đã bao gồm tất cả những yếu tính của nước: linh động, thích nghi, thu nạp, dung hóa, tự do, bình đẳng, không chấp, vô vi, tự thanh lọc, thăng hoa (bốc hơi),… và bao gồm của thuộc tính mâu thuẫn (cương nhu, cường nhược, động tĩnh,…).

Lòng người và thiên nhiên là một, nên nơi nào con người có nếp sống hài hòa, nơi đó cây cỏ, sinh vật tốt tươi nẩy nở tràn đầy nhựa sống. Ngược lại chung quanh những lò sát sinh, nơi xã hội con người phát triển bản chất hung tàn thiếu tính người và tình người thì bông hoa đẹp và nguồn sống tươi mát được thay thế bằng những cảnh vật cằn cỗi thiếu nhựa sống.

Các yếu tính của nước đã trở thành những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam. Cho nên dân tộc Việt Nam đã xây dựng được nếp sống thuận lý theo thiên nhiên, sống trọn vẹn với cuộc sống (với cái hiện tiền), trong tính người và tình người là sống đạo. Gọi “nước” là đặc tính gốc của nền minh triết Việt Nam nhân bản Việt Nam là như vậy.

Dân tộc Việt Nam ngày nay có mặt trên khắp năm châu và hội nhập dễ dàng vào các nền văn hóa nợi họ cư ngụ đã hùng hồn chứng minh người Việt Nam được nuôi dưỡng trong nền giáo dục nhân bản tâm linh, với cẩm nang dịch lý: học ăn, học nói, học gói, học mở. Nó có thể đáp ứng được nhu cầu tâm thức của con người trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, trước nhu cầu cầu tiến hóa của nền TIN HỌC. Trong nếp sống tự nhiên của người Việt Nam đã được người thầy vi diệu (là thiên nhiên bao gồm cả nước) khai tâm bằng tình thương vô tận, ứng dụng các yếu tính của nước vào dòng tâm thức. Người Việt Nam đã nâng cao sự hiểu biết nơi cuộc sống nơi hiện tiền. Nếp sống nhân bản và thực hiện dung hợp được tự do bình đẳng với đạo lý “thương người như thể thương thân” bằng TRI THỨC (trí tuệ và tình thương chứ không phải là trí thức) nơi con người, do nếp sống tương nhượng hài hòa qua lăng kính nhân bản nhân chủ và hiện thực mà có được, chớ không phải lập đi lập lại một khuôn thước nào hay do một sự ban phát của đấng vô hình nào.

Biên cương và lãnh thổ VIỆT NAM đang bị uy hiếp nặng nề và nguy hiểm bởi chủ nghĩa bá quyền Hán tộc; chúng ta phải biết vận dụng cẩm nang dịch lý: học ăn, học nói, học gói, học mở, để thực hiện nhu cầu bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc tùy theo môi trường sống của nó, nghĩa là xóa bỏ biên giới ngăn cách lòng người, xóa bỏ chấp trước của “kiến bò miệng chén”, coi đối lập là bổ sung, chấp nhận dị biệt “rằng trong lẽ phải có người có ta”. Như vậy cộng đồng người Việt ở hải ngoại phải là một thành phần dân tộc, một thực thể chính trị, nếu không muốn nói một nước Việt Nam hải ngoại không biên giới, học hỏi tinh hoa của nhân loại để phong phú hóa dòng tâm thức và dòng sống dân tộc, đồng thời đem những tinh hoa của dân tộc (mang tính nhân bản và hiện thực và xem con người và thiên nhiên là một với nhân sinh quan coi mọi người trong xã hội như ruột thịt trong đại gia đình nhân loại – bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy răng khác giống nhưng chung một dàn – sống cùng với mọi người và để mọi người cùng sống với mình và cùng thăng tiến…) cấy trồng vào những nền văn hóa của các cộng đồng dân tộc bạn. Đó là phần đóng góp của người Việt vào cộng đồng nhân loại để tạo dựng nền thái hòa thích ứng cho cuộc sống toàn cầu hóa ngày nay.

Để làm sáng tỏ cái nhìn nhân bản và hiện thức của tổ tiên, con người tự ý thức quay về với chính mình (trăm hay xoay vào lòng), (vì) ngọn đèn được tỏ trước khêu bởi mình, là dang tay cùng nhau tạo dựng và phát huy vườn hoa nhân loại muôn màu muôn sắc. Cải thiện con người tức là cải thiện môi trường sống và ngược lại; còn như cố tình duy trì và phát triển bản chất ích kỷ, chấp trước, kiến bò miệng chén, gà què ăn quẩn cối xay, hẹp hòi trong tư duy của cuộc sống, chạy đua tranh giành, chà đạp bản tánh tự nhiên tốt đẹp của con người thì chẳng khác nào trồng toàn là cỏ dại thay thế vườn hoa tươi đẹp vậy (2).

2.0 NƯỚC: Đặc Tính Gốc Của Nền Minh Triết Nhân Bản Việt Nam

* Đất Nước: Quê hương, quốc gia.

Khởi thủy, một vùng đất với thành phần chủ yếu là nước. Nước để giải khát, nấu ăn, tẩy xóa chất dơ bẩn, bụi bậm, v.v…, để trồng trọt, trồng lúa nước…, nước nuôi dưỡng muôn loài.

Đi sâu vào đời sống nông dân trồng lúa nước thì đất và nước là điều kiện quan trọng hàng đầu. Nước nuôi dưỡng cây lúa để sinh sản ra thóc gạo nuôi sống con người. Bởi thế, nông dân trồng lúa nước từ lâu đã coi đất và nước như mẹ cha, Tiên – Rồng, Âm – Dương sinh ra muôn loài.

Những kinh nghiệm cụ thể, đặc tính thiên nhiên của đất, nước, núi, lửa, v.v… chẳng hạn, chuyển vào tâm thức con người Việt rồi phản ảnh qua tâm thức dân tộc để trở thành đặc tính văn hóa. Kết quả là ý niệm quốc gia có nghĩa là đất nước:

“Đất nước” hai lần đau ngựa đá,
Non sông” muôn thuở định âu vàng.
(vua Trần Nhân Tông)

Đất được coi như yếu tố tĩnh. Nước luôn luôn chuyển động, chảy xuôi dòng là yếu tố động.

Đất và nước, tuy khác nhau, đối lập nhau nhưng được kết hợp trong một xu thế thống nhất: đất nước = quốc gia .

Trong ý niệm “đất-nước”: đất – yếu tố tĩnh (Âm – Tiên) – biểu tượng cho sự ổn định; nước – yếu tố động (Dương – Rồng) – biểu tượng cho sự năng động, biến hóa, linh hoạt: luồn, lách, thấm, chảy khắp nơi. Nước không có hình dáng nhất định, chảy vào vật gì thì mang hình dạng của vật đó. Nước có khả năng thích nghi cao độ trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi biến đổi: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Ở ao thì ngưng, ở sông thì chảy.

Tuy nhiên, sự linh hoạt chỉ mang lại hiệu quả khi được tiến hành trên cơ sở của sự ổn định. Vì thế, cốt lõi văn hóa Việt – Đạo Sống Việt – là kết hợp kỳ diệu của sự ổn định (Tiên) và sự linh hoạt (Rồng). Sự kết hợp kỳ diệu này được thể hiện trong mọi lãnh vực – trong cách nghĩ, cách sống, cách ăn uống, cách giữ nước, cách đánh giặc và kiến quốc….

Chính sự kết hợp kỳ diệu – ổn định (tổng hợp) như đất và linh động (phân tích) như nước – trong cuộc sống đã dần dần tạo nên ở người Việt một tinh thần hài hòa và lối tư duy đối lập thống nhất. Sự kết hợp kỳ diệu này đã dẫn đến tinh thần cởi mở, khai phóng, dung hóa và khả năng Việt hóa kỳ diệu của dân tộc.

Người nông dân trồng lúa nước coi đất và nước là nguồn sống của con người và muôn loài; đất nước là mạch sống của dân tộc; đất và nước vô cùng quan trọng và thiêng liêng trong tâm hồn họ; và họ muốn trao truyền sự thấy biết đó trong một thông điệp cho mai sau.

Chính vì thế mà cha ông chúng ta đã dùng Rồng, biểu tượng cho cha, ở dưới nước, Tiên tượng trưng cho mẹ, ở trên đất, trên non và thần hóa đất và nước thành cha mẹ chung của dân tộc, “thần tổ kép Tiên Rồng”, để nhắc nhở, con cháu hãy học hỏi ở đất và nước, tức thiên nhiên, vì thiên nhiên là cội nguồn của văn hóa Việt Nam.

Điều đó cho thấy lối nhìn liên tưởng đối ứng của cư dân trồng lúa nước rất phong phú và linh động. Chính cái nhìn đó giúp cha ông chúng ta sớm ý thức vận dụng lý đối lập thống nhất, với biểu tượng Tiên Rồng để diễn đạt tư tưởng và sự hiểu biết của mình khi quan sát thiên nhiên vạn vật (Thiên Thư Vô Ngon của Trời Đất), để củng cố và phát huy nếp sống tương nhượng hài hòa, lấy tình thương xây dựng tâm thức dân tộc.

Việc hợp nhất đất nước,… là phản ảnh lối tư duy đối ứng với cái nhìn liên tưởng đối ứng, chính là sự khái quát hóa đầu tiên của người Việt cổ về lý vận hành âm dương (lý đối lập thống nhất, lý tắc Tiên Rồng).

Qua kinh nghiệm sống với nghề trồng lúa nước và sự hiểu nghiệm lý đối lập trong thiên nhiên, người nông dân Việt quán chiếu được mọi sự vật trên đời hầu hết đều có hai mặt: úng- hạn, nắng-mưa, sáng-tối, sướng-khổ, nam-nữ… Không có khó ắt không có dễ vì khó-dễ cùng nhau mà thành, ngắn-dài cùng nhau so sánh.

Nói cách khác, mọi sự vật, mọi trạng thái, mọi hiện tượng kết hợp thành từng cặp bổ túc và bổ nghĩa cho nhau qua sự tương phản. Và nếu được kết hợp, chúng sẽ chuyển hóa thành một thể tổng hợp mới hài hòa trọn vẹn. Ban ngày – ban đêm hợp lại thành một ngày trọn vẹn. Người nam hoặc người nữ sẽ chưa thành nhân nếu chưa kết hôn với nhau để cùng xây dựng một mái ấm gia đình, sinh con đẻ cái.

Qua sự quán chiếu đó, nông dân Việt rút ra được kinh nghiệm sống: muốn đạt được sự hài hòa thì phải tương nhượng, thích nghi để kết hợp (thống nhất) các mâu thuẫn, dị biệt (đối lập). Sự hiểu nghiệm này được cha ông chúng ta thần thoại hóa qua truyện Con Rồng Cháu Tiên. Rồng và Tiên – hai mặt của một thực tại – qua biểu tượng thần tổ kép Tiên-Rồng nói lên sự chuyển hóa, thăng hoa thành một thể tổng hợp mới hài hòa và trọn vẹn hơn.

Do đó, nhân sinh quan của nông dân trồng lúa nước, lấy hài hòa làm chủ đạo cho mọi liên hệ ứng xử: hài hòa giữa người với người, hài hòa giữa người với thiên nhiên, phối hợp trời- người-đất. Và muốn đạt được hài hòa thì phải chấp nhận dị biệt: Rằng trong lẽ phải có người có ta, trong lối ứng xử “có qua có lại mới toại lòng nhau”, “coi nhau như bát nước đầy là hơn”, với đạo lý “công bằng là đạo người ta ở đời.”. Từ đó, con người mới thực hiện được sự phân công hợp tác một cách tốt đẹp.

Nhân sinh quan này bắt nguồn từ vai trò bình đẳng giữa con người với trời đất. Vì thế, cốt lõi của nhân sinh quan này là nhân chủ: trí tuệ, tình thương và sức lực của con người là chủ yếu, vai trò của người nữ được trân trọng, nam nữ bình đẳng, tình gia tộc thắm thiết, tình hàng xóm láng giềng khắng khít, lấy tình nghĩa làm đầu, cùng chia sẻ ngọt bùi cay đắng nên sự hợp tác chặt chẽ, sự phân công hợp tình hợp lý, tinh thần trách nhiệm cao do ý thức cộng đồng sâu sắc (3).

* Nước: Quê hương, quốc gia, đất nước.

Đối với nghề trồng lúa nước, nước là yếu tố quan trọng hàng đầu: nước, phân, cần, giống…. Đất mà không có nước là đất chết, không có sự sống.

Mặt khác, nước cũng là yếu tố hàng đầu trong việc hình thành xóm làng, làng nước, nước Văn Lang, nước Việt Nam, quốc gia dân tộc. Mặt khác không có nước, không thứ gì có thể tồn tại.

Như trên đã trình bày, nước nuôi sống cây lúa… Dần dần, cư dân trồng lúa nước ý thức nước sản sinh và nuôi dưỡng muôn loài: sự sống bắt nguồn từ nước. Nước được coi như bà mẹ sinh sản và nuôi dưỡng vạn vật.

Từ nhận biết đó, cha ông chúng ta tiến đến chỗ chỉ dùng một yếu tố duy nhất là nước để chỉ ý niệm quốc gia: nước Văn Lang, dựng nước, cứu nước, giữ nước, “sông núi nước Nam vua Nam ở” (Lý Thường Kiệt), yêu nước… Thánh Gióng, Thánh Tản Viên hay Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ hoặc bác nông phu, người đánh cá… đều là con của các vua Hùng thuộc nước Văn Lang. Gọi quê hương mình là nước là ảnh hưởng của môi trường sinh hoạt trồng lúa nước.

Dùng đất và nước để chỉ ý niệm quốc gia rồi chuyển ra dùng một yếu tố duy nhất: gọi quê hương mình là nước, nước Việt Nam. Một sáng tạo độc đáo! Một cái thấy chân xác!

Đó là tín hiệu chuyển hóa tư tưởng. Điều này cho thấy cha ông chúng ta đã trực nhận đưa nhị nguyên (đất và nước) vào nhất nguyên (nước) tức đưa trạng thái phân biệt vào trạng thái vô phân biệt. Đó là cái biết không phân biệt của dân tộc Việt.

Nước là cơ sở hình thành tinh thần tổng hợp và dung hóa của dân tộc Việt, trên nền tảng của cái nhìn và lối tư duy đối ứng. Tinh thần tổng hợp và dung hóa đó là nền tảng cho cái thấy không hai trong nếp sống Việt, trong nền minh triết nhân bản Việt Nam. Những yếu tính của nước giữ vai trò chủ đạo, trong việc hình thành bản sắc dân tộc và con người Việt Nam.

Cái biết không phân biệt đó là nền tảng của đạo sống Việt, phát xuất từ kinh nghiệm sống hài hòa với nghề trồng lúa nước, và sự quán chiếu nước với cái nhìn liên tưởng và tư duy đối ứng; nó hóa giải, điều hợp cặp mâu thuẫn giữa hai đầu cực đoan của cái biết phân biệt. Cái biết không phân biệt đòi hỏi sự tôn trọng, chấp nhận nhau: “Rằng trong lẽ phải có người có ta” và hợp tác trong tinh thần: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, với đạo lý “công bằng là đạo người ta ở đời”, “thương người như thể thương thân”.

Cái biết phân biệt hai đầu cực đoan – có không, tốt xấu, thiện ác, v.v… – là nguyên nhân phát sinh các tư tưởng “duy” (duy tâm, duy vật, duy lý, duy sinh, duy linh, duy thần v.v…) đối nghịch nhau, tranh chấp một mất một còn, gây ra chiến tranh triền miên khắp nơi. Nó cũng là nguyên nhân phát sinh đối nghịch, hỗn loạn, khủng hoảng, bế tắc trong xã hội và làm khổ lụy con người trong đời sống vật chất và tinh thần.

Bước vào thế kỷ 21 rồi mà loài người vẫn chưa ra khỏi được mê hồn trận của “cái biết phân biệt cực đoan”, chấp trước ….

Bất cứ chủ trương nào có ý định đồng nhất, xoá bỏ tính đa dạng, sự khác biệt trong đời sống con người thì dù nhân danh bất cứ ý thức hệ hay lý tưởng cao đẹp nào cũng không những chỉ làm khổ lụy con người mà còn triệt tiêu mọi cơ hội tiến bộ và phát triển, và hủy hoại bản tính tự nhiên của con người.

Hiểu như thế, sự khác biệt không dẫn tới mâu thuẫn đối nghịch, hỗn loạn chiến tranh, bế tắc và hoàn toàn không gây trở ngại và mâu thuẫn với hài hòa. Chính cái biết không phân biệt, đối lập thống nhất, mà ngày nay gọi là thống nhất trong đa dạng sẽ hóa giải, điều hợp những khác biệt, đa dạng để con người có thể chung sống hài hòa.

Cái biết không phân biệt trong nền minh triết Việt được huyền thoại hóa qua biểu tượng thần tổ kép Tiên-Rồng (đối lập thống nhất) và qua hình ảnh Thánh Tản Viên nắm trục gậy thần có đầu sinh đầu tử (trục sống-chết) để phục vụ nhân sinh và được tặng quyển “sách ước không có chữ”, biểu tượng cho cái tâm vô phân biệt.

Biết là trục của sống. Khôn cũng chết, dại cũng chết, “biết thì sống. Nhưng phải sống với điều mình biết thì mới thật sự biết đích thực. Biết mà không sống với điều mình biết chỉ là cái biết của sách vở, không đem lại lợi ích bao nhiêu cho con người và cuộc sống. Cái biết thật sự là cái biết không phân biệt.

Cha ông chúng ta đã huyền thoại hóa chân lý đó, triết lý sống đó – “biết-làm-sống”, “sống- làm-biết” hợp nhất – qua hình ảnh Tiết Liêu trong truyện Bánh dày-Bánh chưng (nghĩ ra cách làm bánh, tự tay làm lấy, phổ biến cho toàn dân làm bánh để dâng cúng tổ tiên và tiêu dùng).

Đối với nông dân trồng lúa nước, nước là yếu tố cần thiết quan trọng hàng đầu, không có không được. Để giữ nước, người nông dân đắp bờ, chia ruộng thành từng khoảnh nhỏ. Ở miền núi người ta giữ nước bằng hệ thống ruộng bậc thang. Để giữ nước bên cạnh hồ, đầm,..v.v… do thiên nhiên tạo ra, con người còn đào ao, đìa, v.v… và nạo vét lòng sông. Để dẫn nước, bên cạnh các sông, rạch, lạch, xẻo do thiên nhiên tạo ra, người ta còn đào thêm các sông đào, kênh, mương, rãnh, v.v… Để điều chỉnh nước, người ta làm các cống, rãnh, v.v… Cha ông chúng ta từ xưa đã sáng tạo ra các dụng cụ tưới, tát nước hiệu quả như gầu dai, gầu sòng….

Nước là mạch sống của con người và vạn vật muôn loài. Nói cách khác, không có nước con người không thể sống được. Nước đã trở thành yếu tố thiêng liêng trong tâm thức của người Việt Nam. Cha ông chúng ta gọi quê hương mình là nước trong ý nghĩa muốn luôn luôn nhắc nhở con cháu không được quên liên hệ giữa người dân và tổ quốc (đất nước) như liên hệ cá nước, lúa và nước hay con người và nước: Không có nước, con người không thể sống được. Trong lịch sử nhân loại chưa hề có một dân tộc nào mất tổ quốc (nước) mà có thể nẩy nở và tồn tại. Dân tộc Do Thái sở dĩ còn tồn tại đến ngày nay vì họ giữ được quyết tâm nuôi dưỡng đất nước trong lòng người Do Thái tha hương để trở về giành lại tổ quốc.

Người Việt Nam coi quê hương mình, nước mình cần thiết, quý báu, thiêng liêng như người nông dân trồng lúa nước quý trọng nước. Người Việt Nam giữ nước mình như nông dân giữ nước cho ruộng lúa và luôn luôn tìm cách làm thơm cho quê mẹ. Về mặt tâm lý có thể nói người Việt Nam đã thể hiện lòng yêu nước một cách sâu sắc, linh động, kiên cường, bất khuất trong lịch sử đấu tranh bảo vệ nước Việt Nam.

* Nước: Đặc Tính Gốc của Nền Minh Triết Việt.

Có lẽ trên thế giới chỉ có người Việt Nam gọi quê hương mình là nước, và cũng chỉ có dân tộc Việt mới có trò giải trí “múa rối nước”, rồi nào là “hội nước”, đua thuyền cầu mưa, đánh trống cầu mưa, đánh trống cứu hạn, v.v…

Người Việt còn dùng hình ảnh nguồn nước để so sánh công lao nghĩa lớn của bà mẹ: “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Nước đi vào cõi sâu thẳm của tâm hồn người Việt xưa và qua huyền thoại đã trở thành cốt lõi của tiếng nói tâm thức vô cùng thiêng liêng của dân tộc. Lòng sùng kính vua Rồng ở cõi nước là do ảnh hưởng của môi trường sinh hoạt trồng lúa nước và sự nhận biết sự sống bắt nguồn từ nước, qua sự quán chiếu nước hằng ngày.

Rùa vàng là biểu tượng của thế lực vô địch và huyền diệu của nước. Rùa vàng từ nước lên giúp vua Thục xây thành Cổ Loa và dâng móng chân để làm lẩy nỏ cho vua; rùa vàng dâng kiếm báu cho vua Lê Lợi để giúp vua giải phóng đất nước. Xong việc, vua trả kiếm trở về với nước qua sự tích Hồ Hoàn Kiếm.

Vua Thục mắc mưu kẻ địch và không dựa vào dân mà chỉ trông cậy vào thành kiên cố với nỏ thần nên thua trận và phải nhảy xuống biển (xuống nước) tự tử. Câu chuyện được huyền thoại hóa với tâm thức của dân tộc, vua cầm sừng tê giác nhảy xuống biển và rùa vàng rẽ nước mở đường cho vua trở về thủy cung ở dưới nước. Phải chăng trong tâm tư của người Việt xưa, tất cả đều bắt nguồn từ nước rồi lại trở về với nước?

Thánh Tản Viên được trao tặng “sách ước không có chữ”, từ nước, ở thủy cung…

Nước được huyền thoại hóa thành bố Rồng. Nói đến Rồng là người ta nghĩ ngay đến nước (Rồng hút nước làm mưa) cho nên, qua huyền thoại, khi người dân Việt gặp cảnh khó khăn, cấy lúa thiếu nước, quốc gia ( = nước ) lâm nguy thì gọi: “Bố ở phương nào xin đến cứu chúng con”. “Bố” là nước, là tinh thần dân tộc, là minh triết nhân bản Việt Nam, là nội lực của dân tộc.

Nước trở thành biểu tượng cho văn hóa tâm linh với hình ảnh “ly nước trong” trên bàn thờ tổ tiên. Lễ vật dâng cúng ông bà phải có ly nước trong. Về sau có trà có rượu (vẫn là nước) nhưng không thể thiếu “ly nước trong” vì không có nước không có gì có thể tồn tại. Cho nên câu ca dao “uống nước nhớ nguồn” không phải chỉ nhớ nguồn gốc tổ tông, dân tộc mà còn có ý nghĩa sâu sắc hơn: nhớ vận dụng đặc tính của nước (đặc tính cốt lõi) vào đời sống để thăng hoa cuộc sống và con người.

Giá trị tâm linh đó, bắt nguồn từ cái thiêng liêng trong tâm hồn người Việt cổ, hết sức bền vững và có thể nói nước là yếu tính cốt lõi của văn hóa dân tộc. Không một sự thay đổi về chế độ chính trị, về trạng thái xã hội, về giá trị cấu trúc và chức năng của gia đình có thể làm cho giá trị tâm linh ấy mất đi. Giá trị văn hóa tâm linh của văn hóa dân tộc tồn tại mãi mãi với người Việt Nam.

Chính yếu tố tâm linh đó (hồn thiêng sông núi hòa quyện với dòng tâm thức dân tộc) đã kết chặt con người với đất nước, là chất keo trong nhiều mối tương quan của con người trong cộng đồng dân tộc. Yếu tố tâm linh đó đã theo dõi mỗi bước đi của dân tộc, đưa đường chỉ lối, dẫn dắt lúc gian nan, gây phấn khởi lúc vinh quang.

Chính nhờ thường xuyên quan sát nước với kinh nghiệm sống hài hòa trong nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước ổn định lâu đời, chứ không phải do mặc khải hay bộ kinh sách nào, mà cha ông chúng ta ý thức được sự sống bắt nguồn từ nước.

Từ cơ sở đó, người Việt cổ nghiệm biết rằng chân lý không ở đâu xa mà ở ngay trong đời sống và trong chính con người mình. Con người chỉ cần để tâm theo dõi, quan sát và học hỏi để thấy, biết, giác ngộ. Triết lý sống, minh triết nhân bản Việt Nam rút ra từ đời sống, từ sự, từ vật, từ thể nghiệm về cuộc sống hằng ngày.

Từ xưa đến nay, biết bao nhiêu người nhờ quan sát dòng nước hoặc ngắm nhìn chính mình mà giác ngộ chân lý.

Mặt khác, trong lãnh vực chính trị ở thập niên 40, nhà cách mạng mà cũng là một nhà tư tưởng Lý Đông A đã phát hiện sức mạnh vô địch (sức mạnh nội tại) nằm trong bản chất tưởng như yếu mềm của nguồn nước như hạt nhân làm bùng nổ các cuộc cách mạng “tức nước vỡ bờ”. Ông đã viết: Nguyên lý của dòng sống máu một dân tộc có thể lấy nguyên lý của thủy lực học (science hydraulique) mà chứng minh. Làn gió đáy sẽ thổi dạt dào các luồng sóng đáy, sức nước nguồn từ mỗi “vỡ bờ” sẽ bằng tất cả sức mạnh của các bế tắc thời đại với lượng nước bị ứ tắc mà vỡ lở ra trong một phạm vi quy định bởi sức lực, quy tắc và tinh thần nội tại… Các lần vỡ bờ từ Đinh, Trần, Lê, Nguyễn Huệ sẽ tái diễn trên một nền tảng to rộng và cao độ hơn bằng cả một sức lực lịch sử và nhân chủng tích góp, theo lý tắc Totem Rồng Tiên của dân Bách Việt ngàn năm trước mà giải quyết vấn đề Đông Nam Á, tức là Đại Nam Hải Úc Châu một cách thỏa đáng. (Thái Dịch Lý Đông A – Huyết Hoa)

3.0 Những Đặc Tính của Nước

Điều nhận thấy trước hết, nước, bao gồm cả tĩnh lẫn động, nhu lẫn cương.

3.1 Tính Tĩnh Của Nước

Nước gợi lên hình ảnh vật thể lỏng, mềm (đến độ không thể dùng tay nắm bắt được) nhu thuận, tĩnh lặng, êm đềm. Người ta thường nói tĩnh lặng như mặt nước hồ thu, và ví tâm (an tịnh) như mặt hồ tĩnh lặng.

Trong nền minh triết nhân bản Việt Nam, người trưởng thành là người biết chấp nhận những thách đố của hoàn cảnh mà lòng tĩnh lặng, sống an nhiên tự tại. Thánh Tản Viên được tặng quyển sách ước không có chữ, biểu tượng con người đạt đến trạng thái tâm tĩnh lặng đó.

3.2 Tính Động Của Nước

Nước cũng tượng trưng cho sự di động, phát triển mở rộng. Trong thiên nhiên nước luôn luôn chuyển động, chảy xuôi dòng, tràn lan, bốc hơi, không thể đóng khung cố định; cứ từ cao nước chảy xuống thấp, bất chấp đồng bằng hay vực thẳm, chỗ nào cũng len vào được.

Từ cơ sở đó ông cha ý thức mọi vật luôn luôn chuyển động như nước. Không có cái gì đứng yên mà phát triển được. Có là do có vận động của vật chất và tinh thần, của hai yếu tố đối lập như động-tĩnh, trống-mái, cha-mẹ, ngày-đêm, nắng-mưa, úng-hạn, có-không, giây nóng-giây nguội, âm điện tử-dương điện tử, âm dương (Tiên Rồng), v.v… trong chu kỳ vận động có tiệm tiến và nhảy vọt, lượng đổi thành chất, v.v….

Nước sông, nước hồ, nước đại dương mênh mông có khi tĩnh lặng như mặt nước mùa thu; có khi sóng gào thét, bọt trắng ngang trời, trời mờ đất tối. Nhưng sóng lớn, mưa to, lũ lụt cỡ nào rồi cũng trở lại trạng thái bình thường tĩnh lặng, trở về thế quân bình kỳ diệu của nước. Từ đó, chúng ta thấy được một đặc tính tuyệt vời của nước: đặc tính cân bằng (thế quân bình).

Cũng thế, chính nhờ biết giữ thế quân bình trong bất kỳ trường hợp hoặc hoàn cảnh nào, dù có đảo điên hay nghiêng ngả đến đâu, dân tộc Việt vẫn nhanh chóng trở về được thế quân bình với vẻ dịu hiền, khoan hòa của (Tiên) dân tộc mình.

Thế quân bình truyền thống này còn được biểu hiện trong nghệ thuật kiến trúc ở các đình chùa, lăng tẩm…, thậm chí ngay cả trong việc dựng nhà tre, nhà gỗ của người dân Việt, trong đó rui, kèo, cột, xà, đòn tay… đều liên kết, chống đỡ cho nhau để tạo thành thế quân bình vững chắc. Về thơ ca, thế quân bình được biểu hiện trong niêm luật của thể thơ lục bát thật vững chãi. Về mặt tâm lý, thế quân bình biểu hiện trong sự điều hòa tình cảm và lý trí.

Nói theo quan niệm của y học Đông Phương chỉ có sự quân bình trong thể xác và tinh thần mới mang lại sự sống vui tươi khoẻ mạnh. Mất quân bình là đưa đến bệnh hoạn, là làm chết người.

Nhờ có được sự quân bình đặc biệt trong mọi sinh hoạt cũng như trong tâm hồn khiến người Việt Nam dễ dàng chấp nhận mọi quan niệm một cách hợp tình hợp lý, dung hòa được mọi ý kiến dị biệt. Đó là một trong những bí quyết sinh tồn của dân tộc Việt Nam, trong nếp sống, sống cùng với mọi người và để mọi người cùng sống với mình va đồng tiến.

3.3 Tĩnh và Động Kết Hợp Trong Một Thể Thống Nhất

Nước gợi lên hình ảnh tĩnh và động kết hợp trong một thể thống nhất, không thể tách rời ra được. Nước bao gồm cả tĩnh lẫn động, nhu lẫn cương. Nước gồm thâu được cả những thứ đối nghịch nhau vào một thể thống nhất. Chén nước mắm gồm cả mặn, ngọt, chua, cay gợi lên hình ảnh thể thống nhất đó.

3.3.1 Động Tĩnh

Việc kết hợp những cặp đối lập động-tĩnh, đất-nước, cha-mẹ, trống-mái… chính là sự khái quát hóa đầu tiên trên con đường dẫn đến lý đối lập thống nhất. Lý đối lập thống nhất có đặc tính giống với nguyên tử nghĩa là gồm thâu được cả những thứ đối lập: âm điện tử, dương điện tử và trung hòa tử.

Điều đó cho thấy: để tâm theo dõi, quan sát, học hỏi những đặc tính của nước để ứng dụng vào việc trồng trọt, trồng lúa nước, dần dần người nông dân ý thức được mọi vật, mọi hiện tượng, mọi trạng thái đều có hai mặt đối lập. Không có ngắn thì không thể biết được dài. Sở dĩ biết động là nhờ so sánh với tĩnh. Ngày-đêm, nắng-mưa, úng-hạn, vui-buồn, tốt-xấu, v.v… cũng thế.

Sự hiểu biết này được ghi trên trống đồng qua hình chấm đặc nằm trong chấm rỗng trong một dãy hình tròn có tiếp tuyến kế tiếp nhau. Đó là khái niệm đối lập thống nhất rỗng-đặc, tĩnh- động, đất-nước…. Nguyên lý đối lập thống nhất dần dần trở thành hạt nhân của triết lý sống hài hòa trong nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước ở Việt Nam.

Về sau người ta tổng quát hóa hai mặt đối lập của thực tại bằng hai từ âm dương, rồi âm dương được cụ thể hóa thành thần tổ kép Tiên Rồng, qua hình ảnh Mẹ Tiên Âu Cơ và Cha Rồng Lạc Long, cha mẹ chung của dân tộc Việt Nam.

3.3.2 Nhu-Cương

Ngắm nhìn dòng nước, người Việt Nam thấy không gì uyên chuyển mềm mại như nước, nước vấp phải bao nhiêu vật cảng, vật rắn…, xong nó vẫn tự tìm lấy đường đi về biển…, chúng thủy triều Đông. Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông (Trần Quốc Vượng, Văn Hóa Việt Nam Tìm Tòi và Suy Ngẫm, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2000, Trang 45).

Nước là vật thể lỏng, mềm mại, uyển chuyển nhất, song không gì thắng nổi. Chính sức mạnh vô địch của nước nằm trong bản chất tưởng như yếu mềm ấy: nước chảy đá mòn, sắt ngâm trong nước lâu ngày cũng phải rỉ, lửa gặp nước phải tắt. Khi sóng biển nổi lên gào thét, mưa to sóng lớn, những con thuyền, những con đê kiên cố, chỉ trong phút chốc liền biến thành bùn nát. Những thứ nhu chứa đựng trong cương, lực to lớn của nó còn mạnh hơn thuần cương. Người Việt Nam thường chủ trương lấy mềm thắng cứng, lấy yếu thắng mạnh. Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo:

               Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục
                     Lấy yếu chống mạnh, hay đánh bất ngờ,
                    Rút cuộc, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn,
                     Đem chí nhân mà thay cường bạo.

Khi cần nhẫn nhục thì tỏ ra nhu thuận bề ngoài như tính yếu mềm của nước; nhưng duy trì ý chí bất khuất bên trong như sức mạnh ẩn tàng của nước.

Lịch sử cho thấy chính sách ngoại giao của ta đối với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc là chịu triều cống, xưng thần, nhưng cương quyết chống lại ý đồ xâm lăng, đô hộ, đồng hóa để bảo vệ chủ quyền độc lập của đất nước và nhất là giữ gìn bản sắc dân tộc.

Để chống lại quân xâm lược hùng mạnh từ phương Bắc, dân tộc ta biểu dương sức mạnh vô địch của nước. Dù chiến thắng vẻ vang trên các trận chiến Bạch Đằng, Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa…, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn chủ động cầu hòa, chịu triều cống, xưng thần, thể hiện mặt uyển chuyển nhu thuận của nước để đem lại sự an vui thái bình cho toàn dân. Đó là cách chấm dứt chiến tranh hết sức khôn ngoan và sáng tạo của người trí.

Tôi (Trần Quốc Vượng) gọi cái bản lĩnh – bản sắc biết nhu, biết cương, biết công, biết thủ, biết trông trời trông đất trông mây…, rồi tùy thời mà làm ăn theo chuẫn mực “nhất thì nhì thục”… ấy, là khả năng ứng biến của người Việt Nam, của lối sống Việt Nam, của văn hóa Việt Nam (Trần Quốc Vương, sđd, Trang 49).

3.4 Lý Tương Đối

Sự sống bắt nguồn từ nước. Nước cần thiết cho sự sống của con người. Nhưng nước cũng là mối hiểm nguy đe dọa con người: nào là chết đuối, đắm thuyền, sóng thần, mưa bão lũ lụt….

Nước cũng là một tai họa lớn mà dân Việt từ ngàn xưa đã phải lo chống đỡ vất vả: nạn lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng như phản ảnh trong câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh. Câu chuyện đã trải qua một quá trình lịch sử hóa và thời đại hóa rồi huyền thoại hóa gợi lên hình ảnh nhân dân ta chống nạn lũ lụt ở châu thổ sông Hồng thật cao đẹp và hào hùng.

Từ kinh nghiệm sống cụ thể đó cho thấy nước có thể đỡ thuyền, nhưng cũng có thể làm đắm thuyền, người cư dân trồng lúa nước đã rút được bài học: trong phúc có họa, trong họa có phúc, trong tốt có xấu, trong xấu có tốt, sau cơn mưa trời lại sáng, v.v….

Triết lý sống nhân bản và hiện thức, hợp tình hợp lý đó được huyền thoại hóa và bác học hóa qua biểu tượng thần tổ kép Tiên Rồng với óc tưởng tượng vô cùng phong phú đầy sáng tạo trên nền tảng của tư duy đối ứng, với cái nhìn liên tưởng: tướng và dụng của Rồng là dương, nhưng thể của Rồng là âm (ở dưới nước, tiềm phục), tướng và dụng của Tiên là âm nhưng thể lại là dương (ở trên núi, tươi sáng). Nghĩa là trong âm có dương, trong dương có âm, trong họa có phúc, trong phúc có họa.

Tất cả đều tương đối nghĩa là bao giờ cũng có phần đối đãi của nó, tốt và xấu, thiện và ác, cao thấp… Những cặp tương đối đó luôn luôn nằm sẵn trong mọi sự, mọi vật và bất cứ trong đời sống ta lúc nào cũng thấy nó hiện lên, “nay cười, mai khóc”. Nhận rõ được lý tương đối ấy của nước, của sự vật trên đời thì “được không nên quá vui mừng, mất không nên quá buồn phiền.” Nhờ thế mà lòng mới bình tĩnh an nhiên như nước trước mọi biến cố của cuộc đời.

3.5 Tư Duy Đối Ứng

Những kinh nghiệm cụ thể nhận thức được trong khi quan sát nước và môi trường sống, chuyển hóa vào tâm thức, phản ảnh trong tư tưởng, lối tư duy đối ứng và tổng hợp. Lối tư duy đối ứng này có thể gặp trong mọi lãnh vực. Chỉ cần xét đến ngôn ngữ của người Việt thì thấy ngay. Người Việt nói đến đất thì phải nghĩ đến nước, nói tới cha là nghĩ đến mẹ. Nào là non sông, nước non, vui buồn, sống chết, thành bại, đầy vơi, vuông tròn, hay dở, mùi vị, lý tình, v.v….

Tâm tư người phương Tây thích hợp với luận lý đơn thuần, hay là hay, dở là dở, không có hay dở cùng chung trong một thể duy nhất. Họ khó mường tượng được có cái gồm cả vuông tròn, đầy vơi vào một thể:

Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương.

Trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu:

Cuộc thành bại hầu càn mấy lúc,
Lớp cùng thông như đốt buồng gan.

hay trong Kiều:

Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài.
Sắn bìm chút phận con con,
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng.
Chọc trời khuấy nước bóng câu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
Một mình luống những đứng ngồi chưa xong,
Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan.

Hầu hết các huyền thoại, truyền thuyết Việt đều được xây dựng trên nền tảng của tư duy đối ứng với biểu tượng để minh họa lý đối lập thống nhất ở những góc độ và những dạng khác nhau. Tác giả các huyền thoại Việt thường dùng lối liên tưởng đối ứng và cảnh giới thiên nhiên để chuyển tải những ý tưởng của người Việt cổ khi quan sát vũ trụ vạn vật: Âu Cơ (núi), Lạc Long Quân (nước), mẹ Tiên cha Rồng, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Gậy thần (núi) Sách ước (nước), bánh dày (tròn) bánh chưng (vuông), v.v….

Lối tư duy đối ứng là tụ điểm hóa giải đối lập, vượt thoát mâu thuẫn để đi đến tổng hợp hài hòa (đối lập thống nhất), hòa cả làng, không còn ranh giới lý và tình.

Thần tổ kép Tiên Rồng là biểu tượng tư duy đối ứng diễn đạt quan niệm đối lập thống nhất trong tư duy người Việt cổ.

3.6 Tính Không Chấp

Nước không chấp chặt một hình dạng nào, thích nghi với mọi hoàn cảnh, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, ở ao thì ngưng, ở sông thì chảy.

Nước tiếp nhận tất cả, nhưng chẳng có gì của riêng mình. Nước cũng không chấp vào một thể nào, khi ở thể lỏng, khi ở thể khí, khi ở thể rắn tùy theo môi trường.

Cũng như bản chất bất định hình và bất định thể của nước, dân tộc Việt Nam không chấp chặt vào một hệ thống tư tưởng hay một thứ chủ nghĩa hoặc hệ thống tín ngưỡng nào. Họ xem hiện tượng ngoại nhập như rế dép giày (có rế thì đỡ nóng tay, có dép có giày thì đỡ nóng chân). Chính vì thế mà Nho-Lão-Phật đồng lưu hài hòa dưới thời Lý, Trần. Từ cơ sở đó, cha ông chúng ta cũng ý thức được rằng mọi hành động muốn đạt kết quả tốt phải biết tùy thời, tùy chỗ, tùy việc, tùy người: Đắc thời đắc thế thì khôn, sa cơ rồng cũng như giun khác nào.

Đây không phải là thái độ ba phải mà là triết lý sống đặt nền tảng trên cái biết của nền minh triết nhân bản Việt Nam: khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống. Phải biết tùy nghi thích ứng, tùy thời mà thuận, tùy thời mà chống để giữ thế quân bình động.

Triết lý sống đó được huyền thoại hóa qua thần tổ kép Tiên-Rồng: triết lý sống hài hòa đặt nền tảng trên lý tắc Tiên-Rồng. Có lúc hùng mạnh, tung hoành như Rồng, đôi khi phải nhu thuận uyển chuyển như Tiên; luôn luôn linh động như nước không chấp chặt mặt Tiên hay mặt Rồng; phải biết thời biết thế để tùy thời, tùy chỗ, tùy việc, tùy người mà ứng xử; phải biết chấp nhận dị biệt, coi đối lập là bổ sung, không độc quyền chân lý: rằng trong lẽ phải có người có ta.

Con người không nên câu nệ vào một nguyên tắc cứng nhắc, một khuôn mẫu nhất định mà phải tùy, phải lựa, phải liệu: tùy cơ ứng biến, tùy mặt đặt tên, liệu bò lo chuồng, chọn mặt gởi vàng, liệu cơm gắp mắm, lựa gió xoay chiều, lựa lời mà nói, v.v….

Tuy nhiên, tất cả mọi thích ứng, mọi thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh đều đặt trên căn bản tình người, mà tình người thì bất biến, không thay đổi. Có thể nói đạo sống Việt lấy con người toàn diện làm trung tâm cho mọi sinh hoạt vật chất và tinh thần, chứ không phải thượng đế hay tinh thần hoặc vật chất; nghiã là không duy gì cả. Lấy tình thương xây dựng tâm thức dân tộc. Thuận lý theo thiên nhiên, sống trọn vẹn với cuộc sống (với cái hiện tiền) trong tính người và tình người ngay tại đây và bây giờ.

Có thể nói mà không sợ vọng ngôn, tất cả sự hiểu nghiệm (sự hiểu biết qua kinh nghiệm sống) về nguyên lý vận hành của âm dương, tóm lại chỉ có một chữ THỜI. Bỏ chữ THỜI thì hành động nào cũng sẽ hỏng, không những hại mình, hại người mà còn nguy hiểm cho xã hội nữa (đắc thời đắc thế thì khôn, xa cơ Rồng cũng như giun khác nào).

Chính tinh thần không chấp, không có gì, như “cõi trống” là điểm đặc sắc của nền minh triết nhân bản Việt Nam. Tâm không chấp như biển cả bao la có thể dung nạp mọi dòng nước đổ về, uế tạp hay trong lành, đủ màu sắc mùi vị đều có thể dung hòa chung thành một cõi mênh mông. Tâm không chấp là tụ điểm hóa giải mâu thuẫn, đối nghịch và phát sinh sức mạnh nội tại, nền tảng xây dựng tinh thần khai phóng, cởi mở và dung hóa.

Tâm không chấp thấm sâu vào cõi sâu thẩm của tâm thức người Việt Nam, nên khi tiếp xúc với đạo Phật, người Việt Nam đã tiếp nhận lý thuyết của đạo Phật một cách dễ dàng như đón nhận cố nhân. Ông cha ta đã diễn tả tâm chấp trước qua hình ảnh vô cùng cụ thể và sống động: kiến bò miệng chén, gà què ăn quẩn cối xay. Tâm không chấp được huyền thoại hóa qua biểu tượng quyển sách ước trắng tinh không có chữ (xem Gậy Thần Sách Ước, Đạo Sống Việt, 2000, Trang 209-313). Với tâm không chấp trước, thuận lý theo thiên nhiên, sống trọn vẹn với cuộc sống (với cái hiện tiền) trong tính người và tình người là sống đạo, ngoài ra không có đạo nào khác.

Đức Phật đã dạy rằng ai hiểu không chấp trước là hiểu toàn bộ giáo lý của ta. Phật tử Việt Nam quên rằng xã hội Ấn Độ là xã hội phân chia đẳng cấp vô cùng khắc nghiệt, nghĩa là tâm của người Ấn Độ chấp trước cứng nhắc như tảng đá. Cho nên sau khi giác ngộ Đức Phật đi khắp nơi thuyết phục dân Ấn Độ tu tập để phá bỏ cái tâm chấp trước, nhưng hoàn toàn thất bại; cho đến khi Đức Phật nhập Niết Bàn, xã hội Ấn Độ vẫn còn phân chia đẳng cấp. Hiện nay tâm chấp trước của người dân Ấn Độ vẫn còn rơi rớt ở một vài nơi. Trên thực tế người Phật tử khi hấp hối vẫn chấp chặt giáo lý của đạo phật, không ai bỏ bè, chấp chặt pháp môn, thầy, viện chủ cho đến khi tắt thở. Hướng ra ngoài, chấp chặt giáo lý, thầy, viện chủ, v.v… thì làm sao trực nhận được phật tánh của chính mình.

Tâm chấp trước của những người bị điều kiện hóa bởi ý thức hệ hoặc tôn giáo luôn luôn được cũng cố trong miền sâu thẩm của tâm thức. Đó là rào cản ngăn cách lòng người, đưa đên chia rẽ, đố kỵ, hận thù và chiến tranh. Cho nên việc khẩn thiết hiện nay là mọi người, người Việt Nam nói riêng, nhân loại nói chung, phải tự ý thức thực hiện cuộc chuyển hóa tâm thức, cuộc chuyên hóa thật sự về toàn bộ cơ cấu tâm lý con người, mà không kêu cầu đến tôn giáo hay ý thức hệ hoặc chủ nghĩa để phá bỏ rào cẳn ngăn cách lòng người cùng nhau xây dựng nên văn minh nhân bản trong nhưng thập niên tới.

2.7 Tinh Thần Không Phân Biệt

Nước thu nhận tất cả, không hề phân biệt. Bất cứ thứ gì cũng có thể ném vào nước, dơ hay sạch, bất cứ mùi vị hay màu sắc gì. Nếp sống tương nhượng hài hòa chan chứa tính người và tình người của nông dân trồng lúa nước, dần dần xây dựng tinh thần không phân biệt: “ghét người thì lại quá ra ghét mình”, đưa đến “thương người như thể thương thân”. Tinh thần không phân biệt được huyền thoại hóa qua hinh ảnh Thánh Tản Viên không những vận dụng gậy thần để phục vụ nhân sinh, giúp vua an dân thịnh nước mà còn cứu con rắn bị trẻ em đập chết. Hành động đó thể hiện tình thương không phân biệt người và vật. Chính vì thế mà Thánh Tản Viên mới được vua Thủy Cung tặng quyển sách ước trắng tinh không có chữ, biểu tượng con người đạt đến trạng thái “tâm không phân biệt, tâm không”, lòng trong trắng không chấp chặt bất cứ thứ gì.

Một truyện cổ tích kể rằng: một vị quan mặc áo triều bào để vào chầu vua. Trong lúc đó, thị tỳ bưng vào bát cháo nóng, lính quýnh làm đổ tô cháo và nước cháo làm dơ bẩn cả bộ triều phục. Vị quan vội vàng hỏi ngay:

Con có bị bỏng không? Câu chuyện đơn giản có tính cách đề cao lòng quảng đại của vị quan, thể hiện tinh thần không phân biệt: vị quan không nghĩ đến chiếc áo, không nghĩ đến việc sắp sửa đi chầu vua, cũng không nghĩ đến cái lỗi lầm bất cẩn của người thị tỳ; trong lúc đó chỉ có

con người đối với con người, ông sống với cái đau đớn của con người bị bỏng. Cái đau đớn vì bị bỏng là cái hiện tiền, cái đang xẩy ra, là chân lý trước mắt; ông sống trọn vẹn với cái đang xẩy ra khiến không còn cái tâm phân biệt, chỉ còn “thương người như thể thương thân”. Nó thể hiện nếp sống, sống trọn vẹn với cái đang xẩy ra (cái hiện tiền) trong tính người và tình người, chan hòa tình thương.

2.8 Thích Nghi, Thâu Nạp, Dung Hóa

Nước dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh và có thể thu nạp tất cả mọi vật. Nước cũng lại là dung môi có thể hòa tan đa số vật thể khác. Thu nạp tất cả, nhưng vẫn giữ bản chất của mình. Mọi thứ ném vào nước đều được nước dung hóa một cách hài hòa.

Dân tộc Việt Nam nắm bắt, học hỏi được tính thích nghi, uyển chuyển và linh động của nước. Hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt thế nào họ cũng chịu đựng nổi, dễ thích ứng với những thay đổi lớn lao của thời cuộc, hoàn cảnh. Thích nghi nhưng vẫn giữ được đặc tính riêng của mình, không để bị đồng hóa. Lịch sử cho thấy sau hơn một ngàn năm bị Hán tộc đô hộ với một chính sách đồng hóa vô cùng thâm độc, nhưng người Việt vẫn là người Việt, vẫn nói tiếng Việt và giữ được bản sắc của dân tộc.

2.8.1 Tính thích nghi

Tính thích nghi trong triết lý sống của người Việt Nam được huyền thoại hóa qua biểu tượng thần tổ kép Tiên Rồng. Rồng cũng có khả năng ứng biến như nước. No thích nghi với nhiều trạng thái, ở dưới nước, có thể xuất hiện ở trên đất, trên đầm lầy. Nó có thể bay lên trời vùng vẫy trên mây, gây mưa… nói ngắn ngọn Rồng biểu tượng cho loài giỏi thích nghi. Con Rồng cháu Tiên là biểu tượng của một dân tộc giỏi thích nghi như nước (tinh thần phóng khoáng cởi mỡ, không chấp …) hiểu nghiệm được lý vân hành âm dương trong cuộc sống.

“Luôn luôn cố gán thích nghi tối ưu và tối đa với tự nhiên trong làm ăn (thời vụ: tùy thời mà làm mùa, tùy thế đất và chất đất mà bố trí cây trồng). Tìm cách thích nghi với hoàn cảnh khi đáng giặc. Tiến công Ung Khâm Liêm. Phòng ngự bến Như Nguyệt (Nhà Lý). Ba lần tạm bỏ Thang Long lui về Thiên Trường, Thanh Hóa, tiến công nơi Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng (Nhà Trần), biết tự chủ thật sự mà cũng biết thần phục giả vờ đối với nước lớn phương bắc trong trận cờ thế giới trung đại (mọi triều đại từ Khúc, Đinh đến Nguyên Tây Sơn)…. Thắng lớn mà biết nhún mình cho biện sĩ qua sông bàn hòa (Lý Thường Kiệt).

Gặp khó khăn ở Chi Linh, biết nhún mình cầu hòa (viết “Hàng Thư” 1424) để một năm sau tiến quân vào xứ Nghệ thắng Trà Lân như túc chẻ tro bay rồi qua xứ Thanh ra bắc làm nên chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang, 1427 (Lê Lợi – Nguyễn Trãi)… ví dụ lịch sử biết mấy cho vừa! (Trần Quốc Vượng, sđd, Trang 49).

2.8.2 Tinh thần cởi mở và tính thu nạp

Dân tộc Việt Nam cũng có tinh thần cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận mọi luồng tư tưởng ngoại nhập. Mặt khác, một phần do vị trí địa lý nằm ở ngã tư quốc tế, bắt buộc mở cửa để đón gió bốn phương. Người Việt Nam biết hóa giải mâu thuẫn như nước và dung hóa mọi chủ trương cực đoan quá khích để tránh tranh chấp đối nghịch.

Tất cả tinh hoa văn hóa hay đạo học, bất kể xuất xứ từ đâu, Ấn Độ hay Trung Hoa hoặc Tây Phương, một khi giao lưu với văn hóa Việt Nam thì những tinh hoa nào phù hợp với tâm hồn người Việt Nam đều trở thành chất liệu làm phong phú hóa văn hóa Việt Nam.

Khả năng dung hóa ấy đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao thử thách cam go để không bị đồng hóa với Hán tộc như các bộ tộc Bách Việt sống trên đất Tàu.

Chính tính thích nghi, thâu nạp, dung hóa đưa đến tinh thần phóng khoán cởi mở, hiếu hòa và khả năng Việt hóa. Muốn nước ngọt, đường phải hòa tan trong nước. Muối phải tan trong nước thì nước mới có vị mặn. Tư tưởng ngoại nhập nào muốn được người Việt chấp nhận thì phải được Việt hóa để thích nghi với tâm hồn người Việt.

Đức Quan Âm Bồ Tát được sùng bái khắp nơi, từ Tây Tạng đến Nhật Bản, từ Trung Quốc xuống đến Nam Dương nhưng khi đến Việt Nam thì trở thành Quan Âm Thị Kính với cuộc sống bình thường, giản dị, tiêu biểu của một người dân Việt Nam, chứ không còn là Quan Âm Diệu Thiện Công Chúa cao sang xa cách. Khi đọc bài ca dao:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng,
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

chúng ta không còn nhận thấy dấu vết hình thức Phật giáo. Biểu tượng phật ấn của hoa sen đã được Việt hóa một cách tài tình, rất hồn nhiên trong sáng, phù hợp với tâm hồn người Việt. Nghi về nước, tôi (Trần Quốc Vượng) nghỉ đến hai triều đại quan chủ Việt Nam có gốc gác dân chài: triều Trần và triều Mạc. Cả hai điều đó tư duy phóng khoán, cởi mỡ, không câu nệ và bảo thủ, không độc đoán và hẹp hòi…. Nó dung hòa hay thậm chí làm vật đối trọng của cái căn tính nông dân – địa chủ khá thâm căn cố đế của một Nhà Lý ở Đình Bảng xứ bắc, của một nhà Lê ở xú Thanh (Trần Quộc Vượng, sđd, Trang 45).

2.9 Tính Vô Thường

Nước luôn luôn chuyển động, thích nghi với mọi hoàn cảnh: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, ở ao thì ngưng, ở sông thì chảy…, luôn luôn biến hóa thiên hình vạn trạng, tùy theo môi trường: lúc thì ở thể lỏng, khi thì ở thể khí, lúc thì ở thể cứng …. Nước luôn luôn biến đổi, đang ở thể lỏng, bốc hơi thành mây rồi mưa rơi, mây đen biến mất …. Những sự kiện thiên nhiên đó diễn đi diễn lại đã gây ấn tượng mạnh trong tâm thức của người Việt cổ và đã làm cho họ hiểu rõ lẽ biến dịch và lẽ vô thường ở đời.

Hiểu được lẽ vô thường và sự tương quan liên hệ phụ thuộc lẫn nhau qua kinh nghiệm sống. Cho nên khi tiếp xúc với đạo Phật người Việt Nam đã tiếp nhận lý thuyết của đạo Phật một cách dễ dàng như đón nhận cố nhân, vì người Việt đã vượt qua lý thuyết, họ sống thực: trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một lần trải qua. Điều đó cho thấy lý thuyết đạo phật chỉ chữ nghĩa hóa nếp sống Việt Nam tù ngàn xưa, trước khi thái tử Tất Đạt Đa chưa sinh ra đời.

2.10 Tự Do – Bình Đẳng

Với đặc tính di động, nước xuôi chảy khắp nơi; tự do len vào bất cứ chỗ nào. Tự do thay đổi hình thức, tròn, dài, vuông, v.v…, tùy hoàn cảnh, tùy vật chứa, và tự do thay đổi thể lỏng, thể khí, thể rắn, tùy theo môi trường sống. Nước cũng tự do thâu nạp tất cả mọi vật một cách bình đẳng, không phân biệt dơ bẩn, hay trong lành, không phân biệt mùi vị hay màu sắc, v.v… Tất cả đều bình đẳng trong nước.

Cũng như tính tự do bình đẳng của nước, người nông dân trồng lúa nước, người Việt cổ, chủ trương mọi người sinh ra đều bình đẳng, có giá trị làm người như nhau. Tính bình đẳng được huyền thoại hóa qua bọc trăm trứng nở trăm con cùng lúc, không bên trọng bên khinh, không trước không sau.

Hình ảnh nam nữ bình đẳng qua biểu tượng thần tổ kép Tiên Rồng. Đặt cha mẹ, hai lực nam nữ, ngang nhau và thần hóa thành Tiên và Rồng trong một biểu tượng; không có hình ảnh nào bình đẳng cao đẹp và siêu việt bằng.

Tự do luyến ái, hôn nhân bình đẳng trong gia đình phân công, được huyền thoại hóa qua chuyện Công Chúa Tiên Dung kết hôn với anh chàng nghèo khó Chữ Đồng Tử (Đạo Sống Việt, Tủ Sách Việt Thường, 2000, Trang 353-375).

Trên bình diện tâm lý và xã hội, tự do là tinh thần cao độ của một tập thể con người biết chấp nhận dị biệt “rằng trong lẽ phải có người có ta”. Bình đẳng là tinh thần cao độ của một tập thể con người không bóc lột nhau, “công bằng là đạo người ta ở đời”. Không bóc lột nhau mới tạo được một xã hội bình đẳng. Chấp nhận dị biệt mới xây dựng được một xã hội tự do dân chủ.

2.11 Nhẫn Nhục

Ném bất cứ vật gì dơ hay sạch vào nước, nước thâu nạp tất cả mà không có phản ứng.

Người nông dân trồng lúa nước học được bài học nhẫn nhục ở sự kiện thực tế đó.

Cái nhẫn uyển chuyển linh động như nước, chứ không ù lì, trơ trơ, bất động như cái nhẫn của đất. Gặp chất dơ thì rửa sạch. Không thanh lọc được thì chờ, khi có dịp bốc hơi, tụ lại thành mây, nước mưa trở lại tinh khiết trong lành.

Cái nhẫn mà cha ông chúng ta muốn nhắc nhở là cái nhẫn của người trí, nhẫn nhục để thăng hoa (bốc hơi) chớ không phải nhẫn nhục cho qua ngày. Nhẫn như Rồng tiềm phục ở vực sâu, chờ thời cơ để quật khởi, tung hoành, thăng hoa bốc hơi như nước.

2.12 Tính Tự Nhiên

2.12.1 Bất tranh

Nước tự do xuôi chảy theo bản tính một cách tự nhiên, lòn, lách, len, chui, thấm,.v.v… không tranh với ai, nhưng không có gì có thể cản, không đâu mà không qua được, nước chảy đá mòn, trên đường đi cuốn theo tất cả, tức nước vỡ bờ….

2.12.2 Tự nhiên

Nước nuôi dưỡng muôn loài, mà không xen vào làm trở ngại sự phát triển tự nhiên của mỗi loài, để cho mỗi loài được sống tự do cái sống của nó, được tự do phát triển theo bản tánh của nó: xoài ra xoài, ổi ra ổi, lúa ra lúa, v.v….

2.12.3 Vô vi

Nước không làm gì mà không cái gì mà nước không làm: nuôi dưỡng muôn loài, sự sống bắt nguồn từ nước. Nước xuôi chảy theo bản tính tự nhiên, thâu nạp, thích nghi dung hóa… bốc hơi; không vì lợi, không vì danh, nuôi dưỡng muôn loài mà không kể công, cứ âm thầm xuôi chảy mãi, gặp chỗ sâu nằm im đó, không giữ gì làm của riêng, có dịp bốc hơi thành mây, gặp điều kiện thích hợp mây trở thành mưa, nước mưa trở lại tinh khiết, thấm vào đất nuôi dưỡng muôn loài mà không bao giờ đòi hỏi gì.

Sự hiểu nghiệm này được huyền thoại hóa qua chuyện Thánh Tản Viên và Thánh Gióng với tinh thần “có việc thì đến hết việc thì đi”.

2.13 Tính Bốc Hơi: thăng hoa

Tính bốc hơi của nước đã xây dựng cho dân tộc Việt Nam nền tâm học: biến – hóa – thăng hoa – hòa đồng, hòa cùng vũ trụ. Ngoài tính bất định hình, bất định thể, đối lập thống nhất, dung nạp, hòa tan, hài hòa, thích nghi, tự do, bình đẳng, không chấp trước, v.v…, nước còn có tính bốc hơi (thăng hoa). Dứt bỏ tất cả, thoát xác mới bốc hơi được. Vì thế, ngoài óc thực tế, tâm hồn người Việt Nam còn có khuynh hướng dứt bỏ danh lợi (như Thánh Tản Viên, Thánh Gióng), dứt bỏ dục vọng thấp hèn, hướng tới chân thiện mỹ, hướng tới những giá trị tinh thần siêu việt vĩnh cửu.

Nếp sống thăng hoa trong nền văn hóa Việt đã được huyền thoại hóa qua biểu tượng thần tổ kép Tiên Rồng. Thăng hoa theo chiều kích tâm linh phát triển tình thương và trí tuệ với định hướng của nền tâm học: biến – hóa – thăng hoa – hòa đồng, hòa cùng vũ trụ, giải phóng toàn triệt con người vô điều kiện, không kêu cầu đến tôn giáo.

2.14 Tự Lắng Trong, Tự Thanh Lọc

Khi xuyên qua rừng núi, đi ngang qua làng mạc phố phường, nước tiếp nhận đủ mọi thứ mùi vị, sạch dơ, bị ô nhiễm bởi rác rưởi, chất độc nhưng sau đó tự thanh tẩy. Học giả Ferraye đã nhận thấy được đặc tính tự thanh lọc, tụ chuyển hóa của người Việt Nam. “Tự mình, nước biết gạn đục khơi trong như là người Việt Nam vậy. Tiến sĩ Ferraye cho răng nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam là tính cách không chối từ của nó. Thực ra, nó chỉ có một chối từ: sự đồng hòa cưỡng bức. Còn lại, nó tìm cách dung hóa và hội nhập mọi sở đặc văn hóa của Hoa, của Ấn, của Nam Đảo, của Âu-Tây…, cả ngôn từ và kỹ thuật cả tôn giáo và nghệ thuật” (Trần Quốc Vương, sđd, Trang 44).

Nước tự thanh lọc, tự bốc hơi, vượt thoát thể lỏng để trở thành thể khí, gợi lên hình ảnh tự lực, tự thắng tự mình thanh tẩy để thăng hoa. Tự thắng những yếu hèn, dục vọng, thú tính, ích kỷ, đố kỵ… còn ẩn tàng trong tâm trí đang làm vẩn đục tình người trong chính mình. Nói cách khác, tự thắng là làm chủ những cảm thọ, những xúc động, những tư tưởng hẹp hòi cố chấp, là làm chủ chính mình. Tự thắng là tiến trình dẫn đến nhân chủ. Đó là điều kiện cần và đủ để nhân tính làm chủ tư duy và hành động.

2.15 Trở Về Bản Chất, Trở Về Nguồn

Nước xuôi chảy, tràn lan khắp nơi, thâu nạp tất cả dơ, sạch, mùi vị, màu sắc, trăm sông đổ ra biển, không giữ gì làm của riêng, bốc hơi thành mây bay trên trời cao (trở về tận cội nguồn, thiên nhiên), may thành mưa, nước mưa trở lại tinh khiết, mát dịu, xuôi chảy êm đềm, thấm vào lòng đất nuôi dưỡng con người, vạn vật muôn loài.

Mặt khác, ngắm nhìn quá trình của dòng nước xuôi chảy, thu nạp, thích nghi, bốc hơi thành mây, mưa rồi nước lại bốc hơi, v.v… giúp cho người Việt xưa với nghề trồng lúa nước có khái niệm đầu tiên về lý biến dịch tự nhiên của vũ trụ vạn vật muôn loài tuần hoàn liên tục không ngừng nghỉ.

Sự hiểu nghiệm cụ thể thực tế đó gợi lên hình ảnh của một bà mẹ, sinh sản và nuôi dưỡng muôn loài. Nước là đầu mối: sự sống bắt nguồn từ nước. Trên đường đi, nước thu nạp tất cả…, đi đến cùng nước bốc hơi, rồi trở lại thành nước tinh khiết. Đó là hình ảnh cụ thể khắc ghi trong lòng người nông dân trồng lúa nước lý vận hành âm dương, được huyền thoại hóa qua biểu tượng thần tổ kép Tiên Rồng (Tiên = Âm, Rồng = Dương). Nước cũng bao gồm những thược tính mâu thuẫn: động tĩnh, cương nhu, lợi hại, v.v…. Sự thấy biết này được thần thoại hóa với biểu tượng đối lập mà thống nhất: thần tổ kép Tiên Rồng, cha mẹ chung của dân tộc, của con người.

3.0 Lời Kết:

Tóm lại, một khi nghề trồng lúa nước trở nên căn bản của đời sống kinh tế thì nước trở thành yếu tố vô cùng quan trọng. Ở vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã, mọi thứ đều phải thích nghi với nước, từ thực vật, động vật đến con người.

Qua sự quán chiếu đó, nông dân Việt sớm ý thức được sự sống bắt nguồn từ nước. Trong nếp sống trồng lúa nước, từ cái làm (trồng lúa nước), cái nhìn (thảo mộc) đến cái ăn (gạo, thủy sản, muối, nước mắm) chốn ở (sống trên thuyền bè, nhà sàn trên nước), di chuyển (thuyền, cầu phao), giải trí (múa rối nước) cho đến khi chết (thủy táng) đều liên hệ đến nước.

Có lẽ chính mối quan hệ thiết thân giữa người và nước đã giúp cha ông chúng ta nắm bắt được các yếu tính của nước và thể nghiệm chúng trong cuộc sống của dân tộc: linh động, thích nghi thích ứng với hoàn cảnh, thu nạp, dung hóa, tự do, bình đẳng, không chấp, tự nhiên, vô vi, tự thanh lọc, khiêm cung, mềm mại, cương nhu, động tĩnh… Và thế quân bình, tĩnh lặng giúp chúng ta nhìn thấy sự việc rõ ràng hơn.

Nhưng sự quán chiếu quan trọng nhất của cha ông chúng ta về yếu tính của nước là:

* liên hệ nhân quả qua sự quán chiếu từ nước, phân, cần, giống, ánh sáng, thời tiết thích hợp giúp cho cây lúa trĩu hạt,

* lý luân hồi, tái sinh rút ra từ chu trình thảo mộc qua bốn mùa và qua sự quán chiếu đời sống nông nghiệp trồng lúa nước,

* lý vô thương, nước luôn luôn biến chuyển không ngừng.

tính thăng hoa (bốc hơi),

* tính sinh hóa và tự sinh tự hóa của mọi loài,

* tính vô vi và không chấp,

* thuộc tính mâu thuẫn: cương-nhu, cường-nhược, động-tĩnh.

Phải chăng những tinh hoa cốt lõi của Nho-Lão-Phật đều là đặc tính của nước? Vì thế, khi dân Việt tiếp xúc với đạo Phật, đạo Lão và đạo Nho đã tiếp nhận lý thuyết của các đạo đó một cách dễ dàng như đón nhận cố nhân, vì những tinh hoa của Nho-Lão-Phật đã được thể hiện trong nếp sống Việt Nam từ ngàn xưa, nghĩa là những tinh hoa đó đã vượt thoát chữ nghĩa.

Mặt khác, cha ông chúng ta gọi “quê hương mình” là “nước”, muốn gợi lên hình ảnh để nhắc nhở con cháu: nước là đặc tính cốt lõi của nếp sống Việt Nam (nếu không muốn nói nền minh triết nhân bản Việt Nam). Và nước Việt Nam, dân Việt Nam là dung môi như nước có thể Việt hóa hầu hết các tinh hoa của những hiện tượng ngoại nhập,để phong phú hóa văn hóa Việt Nam. Có thể nói đặc trưng nổi bật, mang yếu tố truyền thống, có nguồn gốc sâu xa của nền văn hóa trồng lúa nước đã tạo ra những yếu tố tác động vào tâm tư tình cảm của người Việt Nam và hình thành tinh thần dân tộc. Nói cách khác,những đặc tính đặc trưng của nước đã thăng hoa thành triết lý sống để rồi lắng đọng sâu xa trong tâm hồn của người Việt Nam ngày xưa và di truyền đến các thế hệ mai sau.

Ngắm nhìn, suy nghiệm dòng suối, con sông, mặt hồ v.v… với đặc tính của nước một cách sâu sắc có thể rút ra được một triết lý sống hài hòa, giản dị, an nhiên, tự tại, và biết rằng mọi vật trong thiên nhiên lúc nào cũng chuyển động, thay đổi như nước; biết rằng đời sống không thể thiếu nước, đời sống vốn quý báu như nước, phải biết trọng đời sống của mình cũng như mọi sinh vật. Nước khiến cho vạn vật liên hệ với nhau chặt chẽ và con người phải ý thức rõ rệt về sự tương quan mật thiết này.

Như trên đã trình bày, từ xưa đến nay có biết bao nhiêu người đã theo dõi, quan sát dòng nước hoặc ngắm nhìn chính mình để thấy, biết mà giác ngộ chân lý.

Cho nên, trong nền minh triết nhân bản Việt, điều quan trọng nhất là phải biết trở về với chính mình, “trăm hay xoay vào lòng”, chứ không phải cố gắng trở thành cái gì khác hơn là mình. Người trưởng thành không thể sống thiếu ý thức về mình và sự tương quan giữa mình và

người, mọi vật cùng thiên nhiên. Sự hiểu biết thật sự chỉ đến khi con người tự biết mình vì “ngọn đèn được tỏ trước khêu bởi mình”, tạo điều kiện thuận lợi để thăng hoa cuộc sống và con người với định hướng con người tương thông với thiên nhiên, hòa cùng vũ trụ.

Điểm độc đáo ở chỗ cha ông chúng ta, với trí tưởng tượng vô cùng phong phú và với óc sáng tạo, đã gói ghém tất cả tinh hoa của sự hiểu nghiệm (sự hiểu biết qua kinh nghiệm sống), của nếp sống nông nghiệp trồng lúa nước qua thông điệp thần tổ kép Tiên-Rồng để trao truyền cho con cháu.

Có thể nói ngoài kho tàng huyền thoại, truyền thuyết, ngụ ngôn, ca dao, chúng ta có thể tìm hiểu bản chất của người Việt Nam, cốt lõi của đạo sống Việt, bản sắc của dân tộc qua sự suy nghiệm và hiểu nghiệm đặc tính của nước.

Những đặc tính của nước như tự chủ (tự lắng trong), nhân bản (nuôi sống con người và muôn loài), không chấp, thích nghi, thu nạp, dung hóa, cởi mở, hiếu hòa (bất tranh), vô vi (nước không làm gì mà không cái gì mà nó không làm), tự nhiên (để cho mọi vật được sống tự do cái sống của nó), tự do bình đẳng, nhẫn nhục (kiên trì phấn đấu), thăng hoa (bốc hơi), v. v… đã ngàn đời kết thành bản sắc của dân tộc (nội lực của dân tộc). Với nội lực vững mạnh đó các dân tộc khác dù mạnh đến đâu cũng không thể đồng hóa được dân tộc Việt Nam. Vì thế, sau hơn một ngàn năm bị lệ thuộc phương Bắc, dân tộc Việt vẫn nói tiếng Việt, vẫn giữ được bản sắc của mình, đồng thời âm thầm bền bỉ sáng suốt, tự chủ dung hóa trọn vẹn ba nguồn tư tưởng Nho- Lão-Phật để phong phú hóa tư tưởng Việt Nam, và kiến thiết nền văn minh rực rỡ vào thời kỳ độc lập, tự chủ Lý-Trần tại phương Đông.

4.0 Thay Lời Phi Lộ

Đã đến lúc mọi người Việt Nam yêu nước mình, thương dân mình tự ý thức thực hiện cuộc chuyển hóa tâm thức để phục hoạt những đặc tính gốc của nền minh triết nhân bản Việt Nam làm tư tưởng chủ đạo cho cuộc sống, phát huy và dung hóa những tư tưởng ngoại nhập Đông- Tây-Kim-Cổ đã và đang hội tụ trên quê hương hầu hóa giải bế tắc tư tương, khủng hoảng tâm thức và mâu thuẫn khốc liệt của thời đại (kinh tế, chính trị, và tôn giáo) để thể hiện con đường sống của dân tộc (nhân đạo). Đó cũng là xu hướng tất yếu của nhân loại để xây dựng nền văn minh nhân bản trong những thập niên tới. Dân tộc Việt Nam chỉ có thể vượt lên ngang tầm với thời đại về khoa học kỹ thuật và tiện nghi vật chất khi đặt cơ sở phát triển đất nước trên nền tảng của bản sắc dân tộc, trong công cuộc nâng cao dân trí và khai tâm.

Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc vừa mang tính hướng nội lấy tâm làm chủ, nâng cao giá trị trường cữu của đạo làm người (lấy tình thương xậy dựng tâm thức dân tộc, với đạo lý: thương người như thể thương tâm), đồng thời mang tính hướng ngoại nâng cao trí thức và kỹ thuật khoa học.

Nhà bắc học Albert Einstein nói rằng học một chuyên nghành chưa đủ, với bấy nhiêu chỉ có thể trở thành một cái máy khả thi dùng được, nhưng chưa phải là một nhân cách hoàn chỉnh. Một người cần có một cảm thức mạnh về những gì đáng đạt được, phải học tập cho có cảm quan về cái đẹp, cái thiện. Nếu không thì những kiến thức chuyên môn, người đó sẽ giống như con chó đã được luyện tập hơn là một con người phát triển toàn diện. Họ phải học hỏi về nhân tình thế thái, biết những nỗi thất vọng cũng như những đau khổ của con người để có một thái độ nhân ái đối với tha nhân, đối với tập thể (Đông Phong, Bản Sắc Dân Tộc, Đường Việt, Nam 2000, Trang 205).

Về nâng cao dân trí và khai tâm, ông cha chúng ta thường nhắc nhở trong nền giáo dục nhân bản tâm linh với cẩm nan dịch lý: học ăn, học nọi học gói, học mở. “Học mở” là nâng cao dân trí; “học gói” là khai tâm. “Học mở” là trí tuệ; “học gói” là tình thương. “Gói” – “mơ” được huyền thoại hóa qua biểu tượng thần tổ kếp Tiên Rồng. Tiên là tình thương; Rồng là trí tuệ.

Thấm nhuần đạo lý dân tộc “thương người như thể thương thân”, cho nên ông Phan Bội Châu mới nói rằng: làm người ta phải thương ta, có lòng trắc ẩn mới ra con người.

Ghi Chú:

    - Wilhelm G. Solhiem II., PhD, New Light On A Forgotten Past, Vol. 139, Nọ 3, March 1971.
    - Võ Thành, Tủ Sách Việt Thường,tusachvietthuong.org
    - Thường Nhược Thủy, Đạo Sống Việt, NXB Tủ Sách Việt Thường.

    Tủ Sách Việt Thường





    | UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
    vietvanmoinewvietart007@gmail.com