Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

VĂN HỌC MIỀN NAM TỰ-DO 1954-1975





C ác diễn đàn văn-học Việt-Nam (Internet và ngoài nước là chính) thời-gian gần đây đặc-biệt đăng đàn, đăng văn bản và bài viết, phỏng vấn nhau về văn-học miền Nam thời 1954-1975, cũng là phần văn-học sử chúng tôi đã nghiên cứu với mục-đích đóng góp phần đồng hành và hiểu biết nhỏ nhoi của cá nhân, và với văn bản gốc, từ những năm đầu thập niên 1990 – lúc chưa có nhiều văn bản internet và cả ebook như hiện nay. Vào thời điểm 2014 hôm nay, ở trong cũng như ngoài nước, đã có nhiều sinh viên, giáo-sư và nhà biên-khảo, phê-bình chuyên nghiệp và “nghiệp dư” đã bắt đầu đi sâu vào mảng văn-học này, dù với mục-đích có thể khác nhau, nhưng cách này hoặc các khác thì vẫn là điềm tốt sau gần 40 năm tác-phẩm bị đốt, cấm, xuyên tạc và người làm văn-nghệ bị đày đọa đến chết hoặc phải bỏ nước lưu vong.

Nhân đây chúng tôi cho đăng lại một số bài về cùng đề tài:

1.“Văn-học Miền Nam Tự Do 1954-75” phần 1- Một thời văn-chương;

2.“Văn-học Miền Nam Tự Do 1954-75” phần 2- Một thời tưởng tiếc (từng phổ biến với tựa đề “Văn-học tự do khai phóng vẫn là nguồn hy vọng”);

3.“Thi Ca Miền Nam 1954-75”;

4.“Văn-học miền Nam qua một bộ ‘văn-học sử’ trong nước”.

Bài 1 và 3 đã đăng trên tạp-chí Chủ Đề (Portland OR) các số 1-2, Xuân và Hạ năm 2000, bài 2 viết tháng 2-2005 và và bài 4 viết tháng 7-2010 nhân một chuyến đi vùng Đông Nam Á; tất cả phần nào đã được cập nhật gần đây. Chúng tôi cũng viết về một số chủ đề khác (Cái chết, Dục tính, Nữ quyền, Nhóm Sáng Tạo, Tạp-chí Bách Khoa, Văn-học yêu nước, Văn-học chiến-tranh, Thể-loại tiểu-thuyết, Truyện ngắn, Phê-bình văn-học,…) và về một số tác-giả của Văn-học miền Nam, đã từng được phổ biến trên các báo giấy, các trang mạng Internet và xuất-bản trong các tuyển tập biên-khảo Văn Học Và Thời Gian (Văn Nghệ, 2000) và Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX : Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại (Đại Nam, 2004). Ngoài ra, tập Văn Học Miền Nam 1954-1975 đang được cập nhật tổng soạn lại và xuất-bản một ngày gần đây.* Nguyễn Vy Khanh (Canada, Dec 5, 2014)


Phần 1
Một thời văn-chương

1954-1975 là thời gian của một cuộc chiến tranh ý thức hệ quốc gia / cộng sản – đồng thời cũng là huynh đệ tương tàn với áp lực của các cường quốc trong một cuộc đối đầu gọi là chiến tranh lạnh! Việt Nam chia đôi ở vĩ tuyến thứ 17. Cuộc di cư năm 1954 đã thay đổi bộ mặt văn học nghệ thuật miền Nam cho đến thời điểm ấy chủ động bởi người địa phương mà nơi hoạt động mạnh là Huế, Qui Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ và nhất là Sài Gòn. Sài Gòn, thủ đô Nam phần, đã là nơi sinh hoạt báo chí và văn học nghệ thuật chủ yếu và nhiều nhà báo và văn nghệ sĩ gốc Trung và Bắc đã đến lập nghiệp hoặc cộng tác từ đầu thế-kỷ. 20 năm văn học này có sự đóng góp của nhiều nhóm văn nghệ, tư tưởng hay tập trung ở các tạp chí như Sáng Tạo, Quan Điểm, Văn Hóa Ngày Nay, Nhân Loại, Văn Đàn, Bách Khoa, Văn Học, v.v. Vào giai đoạn đầu 1954-1963, một nền văn nghệ tự do sinh hoạt trong một không khí văn hóa, tin tưởng, thì đến giai đoạn sau 1964-1975, văn nghệ đa dạng hơn nhưng cũng đa tạp hơn với những người làm văn nghệ phân hóa, bạo động trong một xã hội thời chiến giá trị văn hóa mất dần.

Sau những đấu tranh văn nghệ cho chính trị ý thức hệ của hai năm đầu 1954-1955, người làm văn nghệ muốn làm nghệ thuật mới, thuần túy nghệ thuật hơn, kiểu nghệ thuật vị nghệ thuật. Sau sẽ rõ ra cũng là một công cụ của chính trị giai đoạn! Tạp chí Sáng Tạo ra đời trong hoàn cảnh mới đó. Số 1 ra tháng 10-1956 và kéo dài được 31 số, ngưng từ tháng 9-1959, đến tháng 7-1960 tiếp tục bộ mới nhưng cũng chỉ ra thêm được 7 số. Mai Thảo, trong số ra mắt tạp chí Sáng Tạo đã phần nào chủ quan nói văn nghệ từ thủ đô Hà Nội đã chuyển vào thủ đô văn hóa Sài Gòn! Nhưng khẳng định của Mai Thảo là một diễn dịch khác của một cơ cấu xã hội và chính trị bị-động, phải đối phó tức thời với kẻ thù cộng sản. Đảng Cần Lao được tổ chức như cơ cấu của kẻ thù, đòi hỏi hy sinh và một lòng, một mục đích. Với những phương tiện tương đương. Sáng Tạo không đi ra ngoài quỹ đạo đó! Sáng-Tạo ra đời với cái gọi là ý thức văn nghệ mới và làm mới văn học cho thời đó. Tạp chí Sáng Tạo muốn làm đại diện cho nền nghệ thuật mới được gọi là “nghệ thuật hôm nay”.

Nói đến nhóm “tạp chí Sáng tạo” người ta nghĩ đến nhiều người: Mai Thảo “đầu đàn” với văn nói chung mới và tân cải hình thức, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và Quách Thoại với thơ tự do, Nguyên Sa với thơ ca tụng tình yêu tân kỳ, Cung Trầm Tưởng, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) và Trần Tuấn Kiệt làm mới thơ lục bát, Trần Thanh Hiệp và Nguyễn Văn Trung (Hoàng Thái Linh), người lập thuyết, người giới thiệu triết lý thời thượng của Âu châu. Ngoài ra còn có Doãn Quốc Sỹ, Thảo Trường, Viên Linh, Người Sông Thương (Nguyễn Sỹ Tế), Trần Dạ Từ, Thạch Chương (Cung Tiến), Vương Tân (Hồ Nam), Hoàng Anh Tuấn, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Mặc Đỗ, Duy Thanh, Lữ Hồ, Trần Lê Nguyễn,… Sáng Tạo không phải là một văn đàn hay bút nhóm với chủ trương và hoạt động khắng khít như Tự Lực Văn Đoàn và nhóm Hàn Thuyên của thời tiền chiến. Các văn nghệ sĩ hợp tác như Nguyên Sa, Viên Linh, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, vv. sau tách riêng làm văn nghệ hoặc không tiếp tục chủ trương của Sáng Tạo nữa.

Sáng Tạo đã góp phần làm mới văn học về văn cũng như thơ, về hình thức, thể cách cũng như nội dung. Thanh Tâm Tuyền cổ võ thơ Tự do, không vần, bất ngờ về ý và chữ dùng, xuất bản Tôi Không Còn Cô Độc (1956) và Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy(1964). Thơ Thanh Tâm Tuyền dùng ngôn ngữ để phá hủy ngôn ngữ, phó mặc mạch thơ, nhạc điệu cũng như ngôn ngữ thơ, để ngôn từ tự do trôi chảy như sự vật vô tri vô nghĩa từ nguyên thủy. Với Nguyên Sa, thơ tự do là thơ phá thể (1), trong khi Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn, “thơ hôm nay không dừng lại ở thơ phá thể, thơ hôm nay là thơ tự do” mà cao điểm sẽ là thơ văn xuôi (2). Cổ võ thơ Tự Do và khi tưởng đã thành công gây tiếng vang thuận tiện, nhất là với những người làm thơ mới ra đời, nhóm Sáng Tạo bèn đi xa hơn phủ nhận giá trị thơ văn tiền chiến và kháng chiến. Mai Thảo và nhóm bạn của ông rất dị ứng với quá khứ ! Nhiều nhóm văn nghệ sĩ đã lên tiếng phản đối, nhất là ở Huế. Dù gì thì Thanh Tâm Tuyền rồi Nguyên Sa đã khai pháo mở đường cho dòng thơ sẽ được gọi là Thơ Tự Do, một vận động đã bắt nguồn từ thời kháng chiến nguyên thủy là phản ứng lại thơ mới và thơ thời tiền chiến. Thơ lục bát đã được canh tân với một số nhà thơ thời Thơ Mới, nay trên tạp chí Sáng Tạo, lục bát được tiếp tục hiện đại hóa với ngôn ngữ tân kỳ, hình ảnh mới hơn, bất ngờ, cũng như trong cách dùng chữ, ngắt câu. Khởi xướng bởi Cung Trầm Tưởng, tiếp đó có Sao Trên Rừng, Trần Tuấn Kiệt, Trần Đức Uyển, Hoài Khanh, Kim Tuấn, Hoàng Trúc Ly, …

Mai Thảo là người đã đóng góp cho một cách làm mới hành văn. Những sáng tạo về ngôn từ, cách chấm câu, văn tùy bút, cảm giác. Cách dùng chữ trang trọng, chấm câu theo tình cảm và diễn tiến câu chuyện. Mai Thảo cổ võ lối viết văn như vẽ tranh. Chỗ chấm phá, chỗ chi tiết. Chỗ nâng cao chỗ xuống thấp. Đêm Giã Từ Hà Nội, Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời cũng như hai tậpTùy BútCăn Nhà Vùng Nước Mặn là những thử nghiệm thành công. Những chữ dùng nay đã quen nghe quen thấy, nhưng vào những năm 1956-62 là những cái mới đã làm hơn một người chau mặt ! Truyện Thanh Tâm Tuyền tiêu biểu qua Bếp Lửa (1957) và Khuôn Mặt (1964), coi cuộc đời là một vô nghĩa toàn diện. Con người “hôm nay” lên đường, lữ hành, tự vạch đường, tự thoát khỏi tầm thường và khuôn sáo. Cô đơn trong trừu tượng sâu thẳm của con người, nhưng cuối cùng cái phi lý vẫn bủa vây, đẩy con người lún sâu thêm vào trong thực tại mà ý nghĩa nguyên thủy bất động của sự vật vẫn chưa tìm thấy. Thảo Trường dùng những tra vấn khắt khe nhưng chân thành của con người trí thức có đức tin, để nhìn con người và chiến tranh! Cả ba dụng văn nhưng nếu Mai Thảo làm xiếc với chữ, Thanh Tâm Tuyền khiến con chữ sắc lạnh và Thảo Trường nung lửa cho từng chữ dùng!

Sáng Tạo đã mở đường cho những người làm văn nghệ mới từ nay rủ nhau lên đường: Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, Gió Mới, Nghệ Thuật, … Sáng Tạo có công gây hứng khởi, khai phá những cái mới. Trong phỏng vấn của tạp chí Văn vào năm 1971, Mai Thảo đã nhìn nhận : “Tờ Sáng Tạo là của những thí nghiệm và những mở đường (…) Tôi không nhìn Sáng Tạo như nơi phát xuất và hình thành một dòng văn học nghệ thuật. Lớn chuyện quá. Một tinh thần nào, một cách thế nào thì có” (3). Sau khi đã thử “phóng cái lao ý thức về đằng trước” và chối bỏ đằng sau, những thành quả của văn nghệ tiền chiến – Mai Thảo và nhóm của ông rất dị ứng với quá khứ ! Họ khẳng định: ”Những khuynh hướng mới là những trở thành tất yếu và biện chứng của một quá trình đổi thay và tiến hóa của nghệ thuật hiện đại Việt Nam” (4). 15 năm sau, Mai Thảo kể lại những ngày Sáng Tạo : “Chất nổ ném vào. Cờ phất. Xuống núi, xuống đường. Ra biển, ra khơi. Và cuộc cách mạng tất yếu và biện chứng của văn chương đã bắt đầu (…. ). Trong một thực trạng dày đặc những chất liệu của sáng tạo và phá vỡ như vậy, văn học nghệ thuật mặc nhiên không còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực” (5). Nói chung, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Tô Thùy Yên là những thành công, những mới mẻ – nhưng xét cho cùng Mai Thảo, Tô Thùy Yên vẫn chưa rời cái nền cũ, hồn xưa. Quách Thoại, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế xưa, khuôn phép hơn nữa, còn Duy Thanh, Thạch Chương đã ngừng lại ở những thử nghiệm hiện sinh buông thả như người Âu-châu!

Mặt khác, trong bầu không khí chính trị mới, tự do và dân chủ của sau hiệp định Genève 1954 đó, văn chương của Võ Phiến, Đỗ Tấn, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Đỗ Thúc Vịnh, Kỳ Văn Nguyên, …, những con người từng theo kháng chiến, đã góp phần xây dựng chính trị miền đất mới trong giai đoạn đắp nền của thời đệ nhất cộng hòa. Tác phẩm của họ đã đáp ứng những chờ đợi của con người thời đó. Văn chương trở thành vũ khí đấu tranh chính trị với cộng sản, dĩ độc trị độc, cũng như người cộng sản đã đặt văn nghệ thành chính sách. Những chuyện xảy ra ở các liên khu kháng chiến. Trong Người Tù, Kỳ Hoa Tử, Khu Rừng Lau, Mùa Ảo Ảnh, v.v., đấu tranh con người và chính trị là một! Doãn Quốc Sỹ quyết tâm bảo vệ lý tưởng, ý nghĩa đã có, dứt khoát vai trò của người trí thức, phải bỏ chủ nghĩa cộng sản, đề cao dân tộc tính và tình người khi còn có thể. Nguyễn Mạnh Côn nhiệt thành Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử trình bày cho đồng hao và thế hệ trẻ biết những thất vọng của ông về một chủ nghĩa, với kinh nghiệm chính ông Lạc Đường Vào Lịch Sử (1965). Một cách phá đổ huyền thoại kháng chiến đồng thời nhận chân giá trị thực của công cuộc vận động kháng thực đó!

Vì an sinh của miền Nam cộng hòa, nơi tập hợp mới của con người không cộng sản, văn chương chống cộng, tố cộng, đề cao tự do, cảnh tỉnh người dân về hiểm họa cộng sản là thiết yếu, là những viên gạch không thể thiếu trong hoàn cảnh. Miền Nam đến cuối thập niên 50 đã có được những cơ cấu chính trị và xã hội nền tảng của một chế độ dân sự hiện đại. Nhưng từ năm 1960, đã bắt đầu có những tiếng nói khác nhịp với chính quyền. Nhóm Caravelle (4-1960), rồi đảo chính ngày 11-11-1960, rồi hai phi công Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử thả bom dinh Độc lập 2-1962, những nỗ lực chính trị của một số người của chế độ muốn cứu nền đệ nhất cộng hòa không kết quả, bàn cờ domino khiến “đồng minh” Hoa Kỳ thiếu kiên nhẫn muốn đi nước cờ theo ý mình, bèn cấu kết đưa đến đảo chính 1-11-1963, rồi chỉnh lý, biểu dương chính trị, tôn giáo, v.v. Người hiểu biết sẽ thấy khi chế độ đệ nhất cộng hòa bị lật đổ, chống Cộng trở thành đa dạng, sẽ hết còn dễ dàng. Miền Nam sinh nhiều lãnh tụ, quyền lực bị kiềm tỏa bởi quân phiệt và đảng phái thích quyền hành hơn là làm cách mạng. Người ta nhân danh chiến tranh, muốn cảnh giác hiểm họa cộng sản. Và một tuổi trẻ năng động trong hành trình trí thức và tâm cảm, nhiều khắc khoải, ưu tư, nhưng họ lại có thể không cùng kinh nghiệm kháng chiến hay chống Cộng, dễ ngây thơ chính trị.

Miền Nam bốc lửa, nếp thanh bình tương đối của thời ngưng chiến sau 1954 dần mất. Nhà văn cũng như bao người dân khác, bị thời cuộc xáo trộn, phải đối phó. Sinh hoạt văn hóa cũng bị biến cố thời thế ảnh hưởng, và ảnh hưởng nặng nề. Những Sáng Tạo, Hiện Đại, Thể Kỷ Hai Mươi, … đề xướng văn nghệ “hôm nay” thì từ 1964, những tạp chí Văn, Văn Học, Nghệ Thuật, Tiếng Nói, v.v. đã “hiện đại” mạnh mẽ hơn! Rồi sự góp mặt của một thế hệ nhà văn trẻ hơn như Lê Tất Điều (Khởi Hành, 1961), Nguyễn Đình Toàn (Chị Em Hải, 1961), Dương Nghiễm Mậu (Cũng Đành, Gia Tài Người Mẹ, xuất bản cùng năm 1963). Người hiểu biết sẽ thấy khi chế độ đệ nhất cộng hòa bị lật đổ, dân chủ bị phản bội – mà những người sinh hoạt chính trị hình như cũng chưa thực hành được dân chủ, chưa chấp nhận “trò chơi” dân chủ – chống Cộng sẽ hết còn dễ dàng. Và một tuổi trẻ năng động trong hành trình trí thức và tâm cảm, nhiều khắc khoải, ưu tư, nhưng họ lại có thể không cùng kinh nghiệm kháng chiến hay chống Cộng, dễ ngây thơ chính trị.

Cái không khí Dostoievski nặng nề và bi quan, cái không khí buồn tột cùng hay bất lực đó đã thấy trong các tác phẩm của Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, … cũng như cái phi lý dửng dưng trong tác phẩm Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn. Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn Đình Toàn chẳng hạn đều đi tìm ý nghĩa của cuộc sống; trong khi Thanh Tâm Tuyền hăm hở mà dửng dưng, tự hào, không cảm tính, thì Nguyễn Đình Toàn chậm chạp khám phá theo cảm tính và tư duy.

Nhóm “Bách Khoa” lúc đầu là nơi tụ tập những người kháng chiến cũ như Huỳnh Văn Lang, Võ Phiến, Phạm Ngọc Thảo,…, nhóm “Nhân Loại” của những người miền Nam tiếp tục … kháng chiến xoay ra chống chính quyền miền Nam, sau báo đình bản và nhiều người vô bưng theo cộng sản như Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hoà hoặc tiếp tục nằm vùng như Vũ Hạnh, Sơn Nam. Ngoài ra đối với giới làm văn nghệ từ đất văn vật vào, Nguyễn Đức Quỳnh đã một thời ảnh hưởng một số trí thức, văn nghệ sĩ và “lý thuyết gia” văn nghệ trong số có những thành viên của Sáng-Tạo hay của nhóm Quan Điểm, qua những buổi gọi là “đàm trường viễn kiến” của họ.

Nhóm Tinh-Việt văn-đoàn gồm Phạm Đình Khiêm, Phạm Đình Tân, Nguyễn Văn Thọ, …. chủ trương đem Đạo vào Đời và Đời vào Đạo. Họ có cơ quan Văn Đàn và từ năm 1958 lập hai giải thưởng văn học Trương Vĩnh Ký và Lecomte de Nouy (6). Nhóm viết và dịch với mục đích phổ biến giới thiệu những tư tưởng mới, nhất là của Thiên Chúa giáo. Hai nhóm khác của Thiên Chúa giáo cũng đã đóng góp nhiều cho nền văn học giai đoạn này: Văn Bút Trần Lục khi di cư vô Nam đã xuất bản hàng trăm tài liệu và tác phẩm, các thành viên của Học-hội Ra Khơi thuộc địa phận Bùi Chu như các linh mục Kim Định, Trần Văn Hiến-Minh, Vũ Ngọc Trác, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Hoàng Sỹ Quý, Đỗ Quang Chính, Nguyễn Hưng,… đã xuất bản nhiều tác phẩm về triết học Đông Tây, Việt học và ngữ học rất đáng kể. Riêng linh mục Kim Định đã có công đặt nền móng khoa học cho triết học Việt Nam.

Sau những năm bôn ba hoạt động chính trị, làm bộ trưởng và lưu vong, năm 1951, Nhất Linh trở lại quê nhà về sống ẩn ở Đà-Lạt. Năm 1958, ông “xuống núi” gây dựng lại Tự Lực văn-đoàn, nhà xuất bản Đời nay và ra mắt tạp chí Văn Hóa Ngày Nay chủ xướng một văn chương vượt thời gian và không gian. Từ năm 1951, sách Tự Lực văn-đoàn đã được tái bản với tên nhà Phượng Giang, vẫn thành công về số lượng tiêu thụ. Nhưng ngoài công lao khám phá những cây viết mới như Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh, Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam, Tường Hùng, … ông cũng như dư vang của Tự Lực văn-đoàn đã không được những người làm văn nghệ mới đón nhận tích cực lắm; trở thành đề tài tranh luận chối bỏ của những người làm văn nghệ “hôm nay” trên Sáng Tạovà cả trên Nghệ Thuật khi nhóm đã rã (7). Tác phẩm của Tự Lực văn-đoàn được đưa vào chương trình Việt văn, đã được chính yếu đọc bởi giới học sinh. Độc giả nói chung tìm đến những tác giả và tác phẩm mới hơn, trong số có những tác giả mới của nhóm Tự Lực văn-đoàn như đã nói ở trên. Nhất Linh thất bại đến với giới trẻ, hết sinh lực và hợp thời đại, bộ Xóm Cầu Mới cũng như tạp chíVăn Hóa Ngày Nay, nhưng tinh thần gọn sáng được tiếp nối với Nguyễn Thị Vinh, Nhật Tiến. Chính Thế Uyên, một người cháu của Nhất Linh cũng là một nhà văn mới vô nghề cũng đã phủ bác văn chương của Tự Lực văn-đoàn (8). Từ năm 1960 trên các tạp chí văn nghệ Sài-Gòn đã có những bài luận công tội của Nhất Linh đối với văn học! Trong số những hiện tượng phủ nhận vai trò những người làm văn hóa đi trước, còn có Trần Thanh Hiệp lý thuyết gia nhóm Sáng Tạo, diễn thuyết “Về viễn tượng văn nghệ miền Nam” tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa (1-8-1960) đã đi quá xa khi xổ toẹt văn học miền Nam trước khi ông di cư vào (9). Văn Đàn của nhóm Tinh Việt Văn Đoàn đã phản ứng mạnh mẽ chống vị luật sư lý thuyết gia “văn nghệ hôm nay” này! Dĩ nhiên nhóm Tinh-Việt văn-đoàn cũng chống cả văn chương hiện sinh ngoại nhập với các giáo sư Nguyễn Văn Trung, Trần Bích Lan, Nguyễn Khắc Hoạch và các nhà văn mới của Sáng Tạo, Hiện Đại Thế Kỷ Hai Mươi!

Về báo chí, thời này đa dạng, trăm hoa cùng nở; nở theo chính trị và biến động của một miền Nam hết an bình. Nhà báo làm chính trị, “chầu rìa” như một số đảng phái bắt đầu hết hậu thuẫn của dân chúng. Khi chiến tranh và xáo trộn lên cao độ, đã có những tờ báo chui của sinh viên và trí thức, “góp phần” gây xáo trộn thêm miền Nam. Cũng là thời của nhiều nhóm tranh đấu chính trị tập trung quanh các báo Thái Độ, Lập Trường, Hành Trình, Đối Diện, … với những nhà văn dấn thân như Phan Nhật Nam, Ngô Thế Vinh, Nguyên Vũ, Thế Uyên,… hay phản chiến như Kinh Dương Vương, Nguỵ Ngữ, Trần Hữu Lục, Thái Luân, Thế Vũ, v.v. – những phẫn nộ của họ không được chú tâm của người cùng chiến tuyến, vài người trong số sẽ bị đối phương xử dụng, tác phẩm của họ trở nên vô dụng trong một xã hội quay cuồng bởi những giá trị khác hơn.

Về tạp chí văn học, tờ Văn (số 1, 1-1-1964), tương đối sống lâu nhất và đã đóng góp nhiều cho việc hiện đại hóa văn nghệ miền Nam. Qua ba đời Trần Phong Giao, Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng, nhưng thời họ Trần tạp chí phẩm chất cao, có chiều hướng xây dựng một nền văn nghệ mới, hiện đại và đa dạng đông-tây; đã có công giới thiệu các tác giả, công bố nhiều văn liệu đặc biệt và khám phá nhiều cây viết trẻ (như Y Uyên), có những số báo độc đáo về Triều Sơn, Nhất Linh, Nguyễn Đức Quỳnh, Hàn Mặc Tử, Hồ Biều Chánh, v.v. Trần Phong Giao từ 1972 chủ trương tạp chí Giao-Điểm theo hình thức Văn nhưng mất dần ảnh hưởng! Văn Học của Phan Kim Thịnh là tạp chí cũng đã góp nhiều công sức cổ võ một nền văn chương mới và ghi dấu nhiều chủ đề văn học Việt Nam và thế giới.

Về thi-ca, nếu Thơ Mới dù tự do hơn, phóng túng hơn thơ cũ nhưng thường ở trong khuôn tế nhị, thơ mộng thì đến thời này nhất là ở những năm chiến tranh, tâm tình con người giao động nhiều, mất mát thua thiệt nhiều, như bất lực trước tàn bạo của chính trị và chiến tranh, đã có những giọng thơ khinh bạc, như Nguyễn Bắc Sơn, cũng là thời thơ văn bốc lửa của miền Trung địa đầu của miền Nam. Miền Trung đã xôi động với những biến cố Phật giáo 1963, 1965, đại học Huế, nhóm Lập Trường, rồi biến cố Tết Mậu Thân, cổ thành Quảng Trị, v.v. , với những cây viết trẻ Trần Vàng Sao, Thái Luân, Nguyễn Nho Sa Mạc, Luân Hoán, Mường Mán, Hoàng Lộc, Thành Tôn, Thái Tú Hạp,…Miền Trung đã chứng tỏ thiết yếu cho văn học miền Nam; so với tỉ lệ dân số, người đọc ở đó đã nhiều mà người viết cũng nhiều!

Thơ thời này còn có những khuynh hướng triết lý, về phận người và vũ trụ như thơ Phổ Đức, thơ Thiền Bùi Giáng: một phương tiện giải thoát cuộc sống khó khăn hoặc chính trị không lối thoát. Thơ ảnh hưởng Phật giáo có Phạm Thiên Thư, Nhất Hạnh, Hoài Khanh, Phạm Công Thiện, Xuân Phụng,… Song hành có thơ Vũ Hoàng Chương với Rừng Phong (1954) và nhiều thi tập sau đó lúc đầu còn phong cách, dù vẫn cái buồn chán chường cuộc đời và tâm sự sống sót sau cuộc chiến tranh, nhưng sau thành thù tạc và lạc lõng giữa thời đại hết còn là của thi nhân. Đinh Hùng với Mê Hồn Ca đem đến cho văn học Việt Nam một thế giới huyền sử hoang đường của thời huyền thoại, như cánh tay nối dài của tuyên ngôn Dạ Đài thuở 1943, sẽ trong sáng gần cuộc đời hơn vớiĐường Vào Tình Sử năm 1961. Thơ tình yêu có hiện tượng Nhất Tuấn với các tập Truyện Chúng Mình, tình ngang trái vì hoàn cảnh phân ly của đất nước nhưng vẫn có chỗ cho hy vọng, không bi thảm, của người thanh niên đã khoác áo lính. Nguyên Sa là một hiện tượng đáng kể khác nhưng chỉ vào đầu giai đoạn. Trần Dạ Từ đã có Thuở Làm Thơ Yêu Em, Phạm Thiên Thư – nhà tu ngắn hạn đa tình dài dài, với Động Hoa Vàng, v.v. Hoàng Trúc Ly, Cung Trầm Tưởng, Kiên Giang, Trần Tuấn Kiệt, Lệ Khánh, Cao Mỵ Nhân, … đã để lại nhiều bài thơ tình đẹp. Miền Đông có Nguyễn Tất Nhiên đã là hiện tượng với những vần thơ học trò ca tụng tình yêu được phổ nhạc và phổ biến rộng rãi nhất là trong giới học sinh, sinh viên! Về kịch, Bão Thời Đại của Trần Lê Nguyễn, Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan đáng được ghi nhận, bên cạnh những đóng góp của Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Ngô Xuân Phụng, Nghiêm Xuân Hồng, Phan Tùng Mai, v.v.

Ngôn ngữ
phong phú ra, nhiều ngành triết học, khoa học, văn chương bành trướng với sự lớn mạnh của các phân khoa Văn Khoa và các viện đại-học công cũng như tư. Triết lý, văn học Phật giáo phát triển với sự thành lập viện đại học Vạn hạnh, với những tạp chí Tư Tưởng, Vạn Hạnh, Giữ Thơm Quê Mẹ, các nhà xuất bản Lá Bối, An Tiêm, Ca Dao… các tác giả Nhất Hạnh, Võ Hồng, Hoài Khanh, … Phía Công giáo với các viện đại học Đà-Lạt, Minh Đức, Thụ Nhân,… góp phần phát triển bộ môn triết học và ngôn ngữ học cũng như văn học với các công trình của các giáo sư và linh mục Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Lê Văn Lý, Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Thích, Hoàng Sỹ Quý, Nguyễn Khắc Xuyên, Kim Định, v.v. Về văn học, Bùi Xuân Bào, Bùi Tuân, Võ Long Tê, Phạm Đình Tân, Nguyễn Văn Trung, Thảo Trường, v.v. cũng như các nhóm Nhận Thức (Huế), Tinh-Việt văn-đoàn, Sống Đạo, Phương Đông, Đối Diện, v.v. đã góp phần gây ý thức tôn giáo và góp phần nhận thức trách nhiệm trần gian, bám sát thời sự của chiến tranh và xã hội nhiều giao động.

Ở miền Nam từ sau đệ nhị thế chiến, một luồng gió tự do cá nhân đến từ Âu châu hiện sinh. Cá thể là chính, là khởi điểm đồng thời là trạm tới của mọi giá trị. Ý nghĩa cuộc đời chỉ có thể có từ kinh nghiệm cá nhân mỗi người, và tự do lựa chọn, như một số nhân vật của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu và Nguyễn Đình Toàn. Nay không còn khuôn mẫu văn hóa chung, phổ quát, trừu tượng, nay chỉ có chủ thể mà không còn khách thể!

Ngôn ngữ trở thành âu lo chính, trở thành sống chết, quan trọng, chứ không phải không có cũng chẳng sao. Văn chương với ngôn ngữ như hình với bóng; có văn chương, ngôn ngữ mới sống và trưởng thành. Ngôn ngữ trong một hoàn cảnh nào đó, có thể đem đến tự tin, nói như Jean-Paul Sartre, văn chương một thời đại vong thân khi tự nó không dứt khoát làm chủ mà còn lệ thuộc những quyền lực đời hoặc một ý thức hệ, khi văn chương tự xem như phương tiện, công cụ thay vì phải là mục đích vô điều kiện. Thành ra văn chương khoác chiếc áo siêu hình, như từ chối hiện thực, đời thường. Đi xa đến những tưởng là vô nghĩa, phi lý, trong thực tế là những tư duy thâm sâu, và chính ngôn ngữ và sáng tạo trong ngôn ngữ đã đem lại tính cách văn chương cho văn, thơ,…

Văn nghệ trở thành phương tiện hành động, phản kháng, trong một cuộc đời phi lý, như chiến tranh, như những cái chết của người thân hay bạn hữu. Người tuổi trẻ nhận ra văn chương không phải là chốn trốn tránh sự thực, thực tại, mà là phải đáp ứng nhu cầu hôm nay và là để thuyết phục. Tiếng bom, những viên đạn lạc, những người bạn nằm xuống vì lựa chọn chiến tuyến hoặc nạn nhân vô tình. Nhiều người làm văn nghệ trẻ thập niên 1960-1970 đã đi đến dấn thân – hoặc tưởng là như vậy, để gạt bỏ những sợ hãi bất tường của đời thường – cái hãi sợ mà Heidegger từng nói đến, đưa cá nhân đến đối đầu với hư vô và sự phi lý trước cái phải lựa chọn! Cuộc kiếm tìm cái nhân cách, một cái tính cách hiện đại hóa, thời thượng, .. Khởi từ ý tưởng định mệnh khó hiểu, cái số mệnh nghịch thường với con người, với tự do chân chính. Con người luôn bị định mệnh đe dọa, vậy thì viết là để xác định tự do vì hãi sợ không có thật!

Văn học miền Nam thời này cũng như của thế kỷ XX nói chung có cái thị kiến to lớn, loại viễn kiến, có tham vọng sâu xa, đụng đến phần sâu thẳm: nền văn học này vì thế có hai đặc điểm trội bật là chính trị và siêu hình, triết lý. Tình cảnh của một tập thể dù muốn hay không cũng tự chính trị hóa, trong mọi sinh hoạt, kể cả văn chương đã ảnh hưởng chăng? Có thể nói công việc nghị luận, nghiên cứu hay quan sát sinh hoạt văn học cũng là một cách làm văn học, vì tập thể, vì tương lai, mà nội dung cũng có thể tải những tâm tình, nguyện vọng của một thế hệ, của những người chứng. Đưa đến tính cách thời gian của văn học, nhất là văn học ở ngoài nước, vì những công việc văn chương này luôn hàm ý phê phán quá khứ và hiện tại, luôn như tìm cách rọi ánh sáng vào bóng tối ám của bạo lực, của một tập thể chuyên quyền, như tìm cách nói lên tiếng nói bị vùi dập, bị đẩy vào câm lặng tuyệt đối!

Nhiều phương-pháp nghiên cứu và phê-bình được thử nghiệm và sử-dụng. Phương pháp phân tâm Freud đi tìm trong tiềm thức, tuổi thơ của tác giả – bỏ ý thức để đi vào lãnh vực tiềm thức, trực giác, những ấn tượng, cảm xúc, ám ảnh đau thương thời thơ ấu của nhà văn thơ chẳng hạn, như Đỗ Long Vân khi viết về Chế Lan Viên (10).

Phương pháp xã hội học thì tìm trong bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội chung quanh tác giả để cắt nghĩa tác phẩm. Đi xa và một chiều biến thành phương pháp phê bình duy vật của K. Marx, dựa trên lập trường gọi là giai cấp, cách mạng và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, dựa trên quá trình phát triển của xã hội và của lịch sử. Ở miền Bắc khởi từ Trường Chinh từ những năm 1948, sau đó các vị làm công tác phê bình chỉ việc theo, như Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Lê Đình Kỵ, Hoài Thanh, v.v. Phê bình hiện sinh, nói đến con người như một cái gì do con người tự tạo, một hiện hữu tiên thiên trước yếu tính. Thuyết phê bình văn học “thi tứ không gian” (La poétique de l’espace) của Gaston Bachelard được Lê Tuyên áp dụng trong các giáo trình ở đại học văn khoa Huế vào thập niên 1960, về ca dao tục ngữ, Kiều, Cung Oán ngâm khúc và đã xuất bản tập Chinh Phụ Ngâm Và Tâm Thức Lãng Mạn Của Kẻ Lưu Đày (11) năm 1961 và gần đây ở ngoài nước, cuốn Thể Tánh Của Thi Ca (12).

Cấu trúc luận (Lévi-Strauss, Michel Foucault, …) từ thập niên 1960 khai tử “tác giả”, chỉ nhắm văn bản, cấu trúc của tác phẩm là cái xuất hiện trí thức của tác giả, của con người. Phương pháp chống nhân bản, có thể đưa đến phong trào sinh viên 1968, chống chiến tranh Việt Nam và đưa đến phong trào “tiểu thuyết mới” chủ trì cái chết của tác giả. Người viết mang mặt nạ, cũng là thời của tiểu thuyết thực nghiệm (experimental novels), tiểu thuyết phá thể – gốc gác, dấu vết triết học Marx đặt nặng vai trò sản xuất và vai trò của nó trong lịch sử. Huỳnh Phan Anh ít nhiều xử dụng những phương pháp này. Đỗ Long Vân tìm “con đường tơ lụa” trong Kiều và tìm dấu ấn ngôn ngữ giúp tìm dấu vết con người trong Nguồn Nước Ẩn Trong Thơ Hồ Xuân Hương. Hai thập niên sau có thuyết Hău Cãu trúc luận (Post-Structuralism) chủ trương tách rời tổng thể khỏi cấu trúc, Jacques Derrida đưa ra thuyết Hủy Tạo (Deconstruction) phân tích ký hiệu để giải mã tác phẩm, không phân tích, tác phẩm trở nên bất tri. Phê bình hậu hiện đại cũng chú trọng khía cạnh chính trị. Sau Foucault là F. Jameson, Stanley Fish xem văn chương là một bằng chứng của sự đàn áp. Văn chương bị áp đặt dưới cái nhìn trừ “tà”, tố cáo. Vạch màn sương mù để nhìn “thực chất”. Phê bình hậu hiện đại phá hủy huyền thoại văn chương, lột trần, đặt lại vấn đề, tra vấn, tìm kiếm “chân lý”.

Các phương pháp đó có thể là những phương tiện, những lăng kính, những cách thức để hiểu văn học Việt Nam, sẽ là những đóng góp tốt, như Nguyễn Văn Trung khi nghiên cứu về văn học và tiểu thuyết (13), như Lê Tuyên khi viết về Chinh Phụ Ngâm (11), Đỗ Long Vân khi giải mã thơ Hồ Xuân Hương (14), Huỳnh Phan Anh về nhiều tác giả và tác phẩm (15), …

Một nền văn nghệ mới khai sinh từ kinh nghiệm thế chiến thứ nhì với những Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir, Françoise Sagan,… là một nền văn nghệ có tính chất triết lý “gần” con người và cuộc đời trần gian, xa thần quyền. Nhiều khuynh hướng văn nghệ mới được các giáo sư trẻ du học từ Âu châu về phổ dương, các ông Nguyễn Nam Châu, Nguyễn Văn Trung (Hoàng Thái Linh), Nguyên Sa Trần Bích Lan, Nguyễn Khắc Hoạch,… trên các tạp chí Đại Học của viện đại học Huế và các tạp chí văn nghệ mới Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Hiện Đại, v.v. Nhiều cây viết khác cũng góp phần giới thiệu những trào lưu văn nghệ mới, hiện tượng luận, Heidderger, và siêu hình học, Nietzche,… như Bùi Giáng, Tam Ích, Phạm Công Thiện, Đặng Phùng Quân, Trần Đỗ Dũng, Lê Huy Oanh, Trần Thiện Đạo, Trần Phong Giao, Nguyễn Nhật Duật, Huỳnh Phan Anh, Cô Liêu Vũ Đình Lưu, Hoài Khanh, v.v.

Từ 1964, trong số những người làm văn nghệ xuất hiện một khuynh hướng triệt để hơn. Họ không bằng lòng với thành quả đang đạt được. Một trong những người đó là Nguyên Sa chủ trương nghệ thuật phải hay và không làm văn nghệ theo phe nhóm hẹp hòi vẫn thường hay “múa gậy vườn hoang” (16) như ông viết trong Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ. Ông đã nhìn lại quãng đường văn nghệ thời vừa qua, và đã kết án đó là một “nền văn chương trú ẩn” (17). Ông kết tội những người làm văn nghệ thời Sáng tạo trong đó có ông, đã phủ nhận văn học “lãng mạn” của tiền chiến “một cách mù mờ”. Ông cho rằng chủ trương văn nghệ mới của Sáng-tạo đã “vội vã, làm giản lược nhãn quan phán xét, làm phủ nhận thiếu vững chắc”. Theo ông, các nhà văn thời Sáng Tạo “chỉ chê văn chương lãng mạn. Tức là chúng tôi có thể làm văn chương hiện sinh. Chúng tôi có thể làm văn nghệ dấn thân. Chúng tôi có thể làm tiểu thuyết mới”. Tuy nhiên “đó là sự buồn bã ghê gớm của thế hệ năm mươi sáu mươi. Tiền chiến buồn bã bao nhiêu thì chúng ta buồn bã bấy nhiêu. Bởi vì những động đá trú ẩn. Tiền chiến và năm mươi sáu mươi vẫn là những nền văn nghệ trú ẩn trong những động đá kiên cố. Vẫn là những nền văn nghệ bình an và kỹ lưỡng” vì “chúng ta chỉ yêu mến cái mới đã được chấp nhận. Chúng ta chỉ sáng tạo trong khuôn khổ (…) làm mới trong kích thước của cái mới đã được mang lại bởi những người làm văn học nghệ thuật không phải là chính mình. (…) Ta chỉ là những người học trò tốt “ bắt chước hiện sinh, hiện thực xã hội. Nguyên Sa và một số trí thức của tờ Đất Nước đi đến quyết định “Nhớn rồi, … phải rời bỏ những vùng trú ấn cũ,… những động đá cần thiết cho mùa Đông nhưng tù hãm lắm, tê liệt lắm” để “dấn thân”, “dân tộc” “đi về trước mặt. Đi đâu? Chưa biết. Đó là cuộc phiêu lưu”. Có thể “sự khám phá thần thánh” mà “cũng có thể là sự gục ngã. Gục ngã vì dại khờ. Gục ngã vì điên loạn. Nhưng trong văn nghệ, cũng như trong tình ái, chẳng thà gục ngã trong dại khờ còn hơn sống mãi trong khôn ngoan. Chết ở chân trời thử thách, chết trong cuộc phiêu lưu còn hơn sống mãi tầm gửi trong động đá trú ẩn êm ấm.”. Khi Nguyên Sa viết những dòng trên là lúc văn chương “chính trị” của những Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, v.v. không còn đánh động được người đọc, làm như đã xong nhiệm vụ những năm đầu xây đựng nền tảng của một miền Nam không cộng sản. Thời gian sau đó cũng đã trả lời một cách oái oăm rằng văn chương hướng về dân tộc và tôn giáo sẽ là một thất bại khác – ít ra đã không tạo được những cây bút nỗi tiếng như vào thời cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Những cây viết thiên tả ở miền Nam như Vũ Hạnh, Lữ Phương, Thế Nguyên, Nguyễn Trọng Văn liên tục theo dõi và tấn công những người làm văn nghệ khác, luôn nhân danh những “giá trị” chính họ không áp dụng. Cô-Liêu Vũ Đình Lưu, Bùi Đức Uyên, Trần Văn Nam, … có những đóng góp phê bình nghiêm chỉnh hơn!

Khuynh hướng văn chương dấn thân trội bật, từ ý thức đến chính trị. Khởi từ đây những tạp chí Đất Nước, Đối Diện, Trình Bày, Hành Trình, Thái Độ… đối đầu với chính trị và chiến tranh, mở một “chiến trường” chính trị và xã hội hơn, dấn thân sâu hơn. Một số văn nghệ sĩ dấn thân và phản chiến được người đọc theo dõi. Dấn thân có Thảo Trường, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Ngô Thế Vinh, Trần Hoài Thư, …; phản chiến có Thế Nguyên, Mường Mán, Cung Tích Biền, Trần Vàng Sao,… về sau rõ ra là nằm vùng!

Từ những rã rời, tuyệt vọng do xã hội thời chiến đưa tới, vài năm sau làn sóng hiện sinh thời thượng là mốt “tiểu thuyết mới” đến từ Pháp với Huỳnh Phan Anh, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Xuân Hoàng,…. Một loại “phản tiểu thuyết”, nói như Jean-Paul Sartre, đối thoại và độc thoại cùng tình cảm nội tâm trộn lẫn, thứ tự thời gian đảo lộn, không cần đến cốt truyện, có khi không cả người kể. Nhân vật thường ở ngôi thứ ba (il, elle, on). Một thế giới rất “khách quan”, ở ngoài!

Sau khi đất nước chia đôi năm 1954, các trào lưu triết lý, văn-hóa và văn-chương hậu chiến như hiện sinh và hiện tượng luận ảnh-hưởng đến các sinh hoạt văn-hóa ở miền Nam. Hiện sinh xuất phát từ thời đệ nhị thế chiến, ảnh hưởng từ Heidegger và K. Jaspers và nối tiếp tiểu thuyết về thân phận con người, khuynh hướng lớn mạnh từ khi Jean-Paul Sartre xuất bản La Nausée năm 1938 và coi như chấm dứt với Les Mandarins của Simone de Beauvoir năm I954. Các nhà văn thơ miền Nam thuộc nhóm Sáng tạo, tạp chí Văn, Văn Học, Nghệ-Thuật, .. phản ánh phần nào khuynh hướng tiểu thuyết này. Đời là phi lý, là hố thẳm không thể vượt qua vì luôn hiện hữu giữa con người và thế giới, giữa khát vọng con người và sự bất lực của thế giới bên ngoài thoả mãn cá nhân! Con người xa thần quyền, chỉ biết giá trị của hiện tại và thực tại, lo sống cho cá nhân và hôm nay (Bếp Lửa, Tuổi Nước Độc,..), đời sống thì buồn tẻ mà cá nhân thì xác thịt và cảm tính mạnh hơn (Bốn Mươi, Vòng Tay Học Trò, Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, Sám Hối,…). Truyền thống, phong hóa, … bị rời xa, bị phê phán, nhìn lại, cả chế diễu, vì phải hiện đại. Sáng Tạo chê bai chối bỏ Tự Lực văn-đoàn. Rồi ảnh hưởng của tiểu thuyết Hoa Kỳ cũng như J. Joyce và Kafka, tiểu thuyết của một thế hệ lạc lõng, nên chưa thất vọng đã chán chường, tự chuốc lấy vấn-đề!

Khuynh hướng tiểu thuyết về dấn thânthân phận con người nổi từ thập niên 30 ở Pháp với André Malraux, Céline, Saint-Exupéry, Bernanos, Montherlant, Aragon,… Một thể loại tiểu thuyết không chấp nhận giải trí xuông, mà đánh động lý trí bằng cách đưa tới phạm trù bi đát của phận người. Nhân vật thường tiêu biểu cho một giá trị. Tiểu thuyết từ nay là một dấn thân, một nếp sống hoạt động. Céline, qua Voyage au bout de la nuit, chống chiến tranh, chủ nghĩa thực dân, chống người Mỹ,… Malraux, viết Les Conquérants La Condition humaine sau khi đã tham gia những cuộc cách mạng đẩm máu ở Trung-Hoa, trong rừng già Đế Thiên Đế Thích, tìm Đạo (La Voie royale), nhất là với L’Espoir, ông chống phát-xít, cổ võ tự do. Với ông, tiểu thuyết hiện đại là “một phương tiện thích hợp nhất để nói đến cái bi đát, chứ không chỉ là một khám phá cá nhân”. Sau Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, khuynh hướng tiểu thuyết dấn thân đậm nét văn học miền Nam từ giữa thập niên 1960 với những Thế Uyên, Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư, Nguyên Vũ, … trước khi trở thành phản chiến ở đầu thập niên 1970. Dấn thân tự do trình bày, đem cái Tôi, cả trần truồng, trong một thế giới suy đồi, dù tự do, bên cạnh những đòi hỏi giá trị văn hóa hoặc lòng tin. Văn chương thật sự phản kháng khi có đe dọa, bủa vây : Ngô Thế Vinh, Phan Nhật Nam,.. Từ phản kháng, có những nhà văn đi đến đối đầu đòi lật đổ chế độ, sau rõ ra do chỉ thị chứ chẳng lòng thành gì : Vũ Hạnh, Thế Nguyên, Trần Hữu Lục (Cách Một Giòng Sông),… Chúng tôi đã có dịp tổng kết “mảng” tiểu thuyết này trong một nhận định đã xuất bản, Bốn Mươi Năm Văn Học Chiến Tranh (1957-1997).

 



Kỹ thuật viết thay đổi! Phải chăng có thể nói đến những “thử nghiệm”, “tiến bộ”, “cải đổi” theo thời gian sự nghiệp và kinh nghiệm? Nguyễn Đình Toàn là một thí dụ điển hình. Tiểu thuyết đầu Chị Em Hải xuất bản năm 1961, cốt truyện, nhân vật rõ rệt và động tác giản dị. Tác giả chi tiết ở những mô tả y phục và cử chỉ nhân vật. Ý tưởng làm nền có thể đạo đức, triết lý, nhưng chỉ mới ở ngưỡng cửa những ý tưởng phi lý, buồn nôn. Tình yêu như một “thú” đau thương. Hải ham đọc sách, thông minh nhưng lãnh đạm đến với tình yêu, lần đầu là căn gác lỡ lầm đáng tiếc! Những người tuổi trẻ này sống với “những khắc khổ đau đớn của cuộc đời vấy lấy họ. Vì họ đọc sách và biết nhiều họ sống lý tưởng nhưng lại biết rõ mình viễn vông và sự thất vọng tàn của họ (…) Họ thu mình trong chiếc vỏ cứng của cô đơn. Đó là một sự kiêu ngạo vô lý. Nhưng chính đó cũng là cứu cánh của họ. Nếu đập vỡ cái vỏ ấy, họ không còn là họ nữa, có thể họ sẽ tự tử vì không chịu nổi cái vô lý của hiện hữu mình…”. Đến Những Kẻ Đứng Bên Lề (1964), nhân vật phức tạp hơn, có sinh khí hơn, trong một cuộc sống đày bất trắc của chiến tranh. Thái, nhân vật chính, sống buông thả, sa đọa, nhưng cuối cùng bỏ Sài Gòn để trở về với biển cả. “Tôi là một kẻ viễn vông, ưa suy nghĩ như một cái cây tự mọc lá” (18). Con Đường (1967) đánh dấu một chặng đường mới trong việc tìm kiếm kỹ thuật và ngôn ngữ, trước đó, ông “thường bận tâm về vấn đề của cuốn tiểu thuyết sẽ viết, kể từ cuốn Con Đường tôi bận tâm về vấn đề viết chính cuốn tiểu thuyết đó nhiều hơn” như lời ông xác nhận trong một phỏng vấn của tạp chí Văn (19). Đến Áo Mơ Phai (1972), giải thưởng Văn-học Nghệ-thuật 1973, yếu tố “truyện” nhường chổ cho “truyện kể” để tác giả kể hồi ức, kỷ niệm. Tập tiểu thuyết bắt đầu như sau:

“Hà Nội 1954, tháng sáu chưa hết, nhưng mùa Thu đã đầy hơi lạnh. Buổi chiều im trong văn phòng bước ra tới cửa Tòa Đô Chánh, Quang đã có thể trông thấy sương mù trên mặt hồ Gươm”.

Và kết thúc ở trang 309 : “Lan ao ước được hòa hợp; được tan biến vào Hà nội, đồng thời nàng cũng hoảng sợ khi tưởng tượng ra nàng đang kề sát mặt mũi mình bên cạnh cái xác chết đang bắt đầu lạnh ngắt.

Nàng cũng mong mỏi một buổi chiều nao ngồi ở bao lơn đó, nàng sẽ trông thấy Quang đi tới. Lan không gọi nhưng Quang cũng sẽ ngửng lên và trông thấy nàng. Họ sẽ phải gặp nhau một lần cuối cùng như thế trong Hà nội, rồi có sẽ gặp nhau ở nơi xa xôi nào khác nữa không, là việc sau.

Lòng mong đợi gay gắt đến nỗi, đã có khi Lan tưởng như nàng sẽ chết thật, sẽ không bao giờ thở được nữa”(20).

Ở giữa là cuộc sống bình thường của những nhân vật vốn là bạn hữu và gia đình trong chốn không gian đó! Mất mát và đợi chờ là nội dung của truyện, nếu người đọc muốn ngừng lại ở một nội dung, một cốt truyện, một thảm kịch. Kỹ thuật tiến đổi, như tác giả xác nhận:

“Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sang tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang song trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi…” (21).

 


 

Kỹ thuật của Dương Nghiễm Mậu trong Đêm Tóc Rối trộn lẫn quá khứ hiện tại và chuyện ao ước hoặc chưa xảy ra; con người ở đây sống trong bất toàn, trái ngang – sống bám, già bám trẻ, trẻ bám đĩ điếm . Với Gia Tài Của Mẹ, Nhan Sắc, cốt truyện chỉ là cái cớ cho những tra vấn trí thức, chính trị – những kỹ thuật từng bị phê phán chung với Thanh Tâm Tuyền là “cố làm vẻ snob, trí thức một cách hợm hĩnh (…) đời sống nội tâm của họ lúc nào cũng bị xâu xé, khích động vì sống trong sự mê sảng chuộng thời thức của tác giả (…) chuyên đề cập tới thân phận con người trong một bộ đồng phục” (22).

Kỹ thuật tiểu thuyết ở những thập niên 1960-1970 trở thành tư tưởng và mỹ học của chính tác giả. Nhà văn triết lý khi miêu tả sự vật, sự việc, khi tả tình và xâm nhập vào đời sống của nhân vật. Đặt nền trên mỹ học, siêu hình của vô thể hay đang-hình-thành! Nguyễn Thị Hoàng nhiều năm sau Vòng Tay Học Trò, tiểu thuyết gợi tò mò nơi người đọc tìm kiếm tiểu sử tác giả của nó, tiểu thuyết làm dáng hiện sinh, đã trở lại gây bất ngờ với Cuộc Tình Trong Ngục Thất (1974) viết về những bi hài của cuộc đời, những thăng trầm của những con người trẻ ham sống, trong khi chiến tranh hoành hành. Địa ngục ở ngay trước mặt, đời sống trở thành ngục thất cho mỗi cá nhân. “trước khi dành đêm cho mình, vợ bảo chồng nhỏ nhẹ Anh hãy mặc quần áo tử tế và thắp nhang lên bàn thờ Phật” (23). Sau 1975, bà xuất bản Nhật Ký Của Im Lặng (1990) như một tổng kết những suy tư triết lý lẫn nhân sinh quan về cuộc đời, tình yêu, hạnh phúc và những đấng tối cao. Nói chung, đối với các tác giả mới này, có hai khuynh hướng: hoặc tiểu thuyết trở thành cái khung, cảnh ít quan trọng và nhân vật thứ yếu hoặc ngược lại, chỉ có nhân vật, thế giới tiểu thuyết chỉ là cái khung vì đó là một không gian nội tâm hóa, cái cớ để suy tư, phân tích nội tâm. Cuộc đời có đấy nhưng không quan trọng, ý nghĩa cuộc đời là do con người gán cho; câu chuyện xoay quanh nhân vật, nhân vật trở thành tâm điểm! Có tàc giả như Thảo Trường đưa thêm yếu tố tinh thần, tâm linh, cho cái không gian vô nghĩa đó! Như vậy, kỹ thuật tiểu thuyết trở nên quan trọng, là cái riêng của mỗi tác giả, trong cách kể, cách viết, trong không khí mà tác phẩm tạo nên được!

 


 

20 năm sinh hoạt văn nghệ đó còn có những hiện tượng như tiểu thuyết đăng nhật báo từng kỳ với Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh, Trọng Nguyên, Thanh Thủy, Văn Quang, Dương Hà, Tô Nguyệt Đình, Duyên Anh, Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy, … Duyên Anh đi vào thời sự của báo chí sau khi đã là hiện tượng với tiểu thuyết viết về tuổi thơ và tuổi trẻ, để đời với tập truyện Hoa Thiên Lý và bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ. Nhật Tiến với lương tâm nhà giáo và trách nhiệm xã hội, viết nhiều về những đứa trẻ bất hạnh hay những người nghèo khổ và nạn nhân của chiến tranh. Cũng là thời của những nhà văn mà tác phẩm vẫn sống mạnh nơi người đọc: Bình Nguyên Lộc, Võ Hồng, … Các tiểu thuyết Yêu, Loạn, Ghen, … của Chu Tử một thời đã là hiện tượng bán chạy cũng như đề tài sống vội sống cuồng theo F. Sagan và mốt hiện sinh! Bùi Giáng là một hiện tượng khác với các tác phẩm triết lý và dịch thuật tài tình, ngoài những tập thơ đổi mới ngôn ngữ và đầy ắp những ý tình khác người!.

Đây cũng là thời giới cầm bút phái nữ đông đảo hiện diện và nổi tiếng về nội dung: Nguyễn Thị Vinh, Đỗ Phương Khanh và Linh Bảo với những khúc mắc của những mảnh đời tương đối an bình, Nguyễn Thị Hoàng với Vòng Tay Học Trò từng làm chau mặt giới giáo dục, đề tài tình yêu “cấm kỵ” ở chốn học đường, một vấn đề của thời đại mới, Túy Hồng tâm tình nóng bỏng phẫn nộ thân phận phụ nữ mà khi xuất hiện đã gây hy vọng làm sống nền văn nghệ mới, Minh Đức Hoài Trinh người nữ lữ hành trong cuộc đời và tình yêu (gây sôi nổi với Sám HốiĐàn Ông Đàn Bà), Nhã Ca vẽ lại những cuộc đời bị chiến tranh giao động, gây nhiều đổ vỡ, Trùng Dương náo động ngôn ngữ và tâm hồn người nữ, Lệ Hằng no đầy những mối tình sinh viên lãng mạn vẫn khao khát tự do, tìm kiếm, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ viết về hiện thực của thời đại chiến tranh, xã hội xáo trộn, Vân Trang, Minh Quân,… theo khuynh hướng giáo dục, cuối giai đoạn có Trần Thị NgH văn chương quan sát hiện thực. Về thơ có Trần Thị Tuệ Mai, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, Hoàng Hương Trang, Trần Thy Nhã Ca, …, đi từ những tình ý ngập ngừng kín đáo đến những nghi vấn khúc mắc, táo bạo!

Trong Nam, có chính sách văn hóa, thông tin thì cũng vì chiến tranh mà có chế độ kiểm duyệt, nhưng không có cưỡng bách hay cô lập kinh tế, tinh thần như ở miền Bắc cộng-sản. Chính quyền còn trợ cấp tài chánh cho Bút Việt (PEN Club VN) từ năm 1957 dù có những vị chủ tịch độc lập và cả đối lập với chính quyền, như chủ tịch Thanh Lãng đã bênh vực nhà văn “nằm vùng” Vũ Hạnh,…

Thời 1954-1963, không khí văn nghệ lịch sự, nhẹ nhàng,… đến 1964-1975 đa dạng, có nạn bè phái nhưng cũng có đối thoại. Các giải thưởng văn học được tổ chức hàng năm để trả công và vinh danh một số người làm văn học nghệ thuật nhưng có những năm gây tranh luận, nghi vấn về vai trò của các giám khảo cũng như giá trị thật sự của những tác phẩm được giải (CuốnViệt-Nam Văn Học Toàn Thư 1 của Hoàng Trọng Miên giải 1960 bị tố đạo văn, Nguyễn Hiến Lê từ chối nhận giải; cuốn Đường Một Chiều của Nguyễn Mộng Giác giải Văn Bút năm 1974 bị nghi thiên vị, v.v.).

 

Miền Nam lục tỉnh


Văn học thuần Nam lục tỉnh phát khởi từ 1865 đã tiếp tục vững mạnh với sự nhập cuộc của các nhà văn miền Bắc thời 1925-1945, đã dần dà nhường chủ-động cho người làm văn-nghệ cả nước từ nay tập trung ở phía nam vĩ-tuyến 17.

Mai Thảo trong số ra mắt tạp chí Sáng Tạo cho rằng văn nghệ từ thủ đô Hà Nội đã chuyển vào thủ đô văn hóa Sài Gòn (24). Cao Huy Khanh trong loạt bài biên khảo về 20 năm tiểu thuyết miền Nam (1954-1973) đăng nhiều kỳ trên tạp chí Thời Tập trước 1975 đã phân tích nền văn học đó như sự lớn dậy của một con người từ mới sinh đến khi khôn lớn. Họ Cao là người đầu tiên viết về giai đoạn văn học 1954-1973 (ông dùng thời điểm hiệp định Paris) nhưng chỉ mới được 4,5 bài dẫn nhập thì đã xảy ra biến cố 30-4-75, sau đó không thấy ông xuất hiện trên báo chí (25)! Nhà văn Võ Phiến, trong Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (26), đã có cái nhìn phần nào tổng hợp hơn và dành cho miền Nam “lục tỉnh” một vai trò hình thành và xuất phát cho nền văn học 1954-1975. Tuy nhiên, Võ Phiến đã không đánh giá đúng mức tác phẩm của các nhà văn miền Nam thời kháng Pháp ngay trước đó là thời Sài-Gòn rất sôi động về chính trị và cách mạng trong khi Hà Nội sôi nổi về quân sự. Khuynh hướng văn nghệ đấu tranh này đã lớn mạnh và đa dạng ở Sài-Gòn trong khi văn nghệ kháng chiến ở phía Bắc đã phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của đảng cộng sản ngay từ những ngày đầu; một khuynh hướng nẩy mầm từ những Trương Duy Toản, Lê Hoằng Mưu, Phạm Minh Kiên, Tân Dân Tử, … của những thập niên 20 và 30 là thời văn học miền Bắc đang lãng mạn đến đẫm lệ và tự tử với những Cành Hoa Điểm Tuyết, Tuyết Hồng Lệ Sử, Tố Tâm, v.v.

 


 

Viết về 20 năm văn học này mà cứ nói đến các nhóm Sáng Tạo, Quan Điểm, Văn Hóa Ngày Nay, v.v. mà quên các nhóm “bản xứ” khác là một thiếu sót lớn! Văn học miền Nam đã có từ 1865, vẫn tiếp tục phát triển song hành hoặc hoà nhập nền văn học Việt Nam nói chung, hay từ năm 1954, miền Nam có văn học khác, mới? Theo thiển ý nên phân biệt ba dòng văn học tại miền Nam từ 1954 đến 1975 mà nếu công bằng ta có thể ghi nhận : một thuần Nam, từ Petrus Ký qua Hồ Biểu Chánh đến Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trang Thế Hy, … bình dân hoặc trưởng giả trí thức với những đòi hỏi thông thường những giá trị dân chủ của Cách mạng Pháp 1789; một dòng giữa gồm miền Nam cộng với Trung và một ít Bắc đã khởi từ trước 1954, thiên chính trị cách mạng và công bằng xã hội; và dòng cuối là dòng nước mới từ miền Bắc di cư vào từ 1954, dòng trí thức tiểu tư sản và chính trị lý thuyết. Trong hơn 20 năm, ba dòng văn học đó đã sống chung, đã nhập làm một dưới biểu tượng dân chủ và cộng hòa.


Miền Nam của những năm đầu sau 1954 trước hết có nghĩa là tự do. Tự do trong chính trị, tự do của hết chiến tranh. Tự do của tái dựng cuộc đời, của thiên cư dù trong đổi thay đã có những bi kịch cho tập thể và cá nhân. Và tự do trong văn nghệ! Tuy nhiên cái tự do này sẽ bị hoàn cảnh mới về chính trị giảm thiểu đi phần nào, dù vậy vẫn giúp phát triển những cái mới trong văn nghệ như nhóm Sáng Tạo, thơ tự do, thơ lục bát mới, thơ văn xuôi, vv. Để đối phó với đấu tranh chính trị mà miền Bắc vẫn tiếp tục, dù sao thì tổng tuyển cử mà hiệp định đình chiến đã quy định vẫn như lưỡi kiếm Damoclès lơ lững trên sự sống còn của cả miền Nam. Người dân miền đất mới đã phải bắt tay xây nền móng. Một văn nghệ tâm lý chiến phục vụ giai đoạn sẽ nằm trong nỗ lực vô hiệu hóa mũi dùi của cộng sản Hà Nội, nỗ lực sẽ thành công chỉ mấy năm đầu 1954-1959, khiến cho miền Bắc tức tối sẽ thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam và gây chiến cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Không khí tự do nói trên sẽ khiến một số nhà văn nghệ phải xét lại những nền tảng văn nghệ theo đuổi như thuyết đệ tứ quốc tế, thuyết giải phóng dân tộc, thuyết quốc dân và chống ngoại xâm, thực dân mới cũ. Dĩ nhiên có nhiều người sẽ tiếp tục “công tác” như trước 1954, sẽ vào tù hoặc vô bưng, tập kết, hay sẽ bị bắn chết khi vượt ngục như Dương Tử Giang. Những nhà đệ tứ Thiên Giang, Thê Húc sẽ đi vào con đường thuần giáo dục, Tam Ích sẽ pha Phật giáo nhưng vẫn bế tắc đến phải tự kết liễu cuộc đời, Hồ Hữu Tường xét lại thuyết của mình sau khi bị tù vì làm quân sư cho tướng Bảy Viễn nhưng sẽ vẫn không thuyết phục được nhiều người, Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận, Tô Nguyệt Đình Nguyễn Bảo Hóa, Quốc Ấn, Phi Vân, … sẽ hoạt động báo chí, Thẩm Thệ Hà sẽ chuyên hơn về giáo khoa, Sơn Khanh, .. sẽ bỏ viết, làm luật sư và thủ tướng, vv. Vũ Anh Khanh sẽ tập kết và vượt tuyến trở lại và sẽ bị bắn chết nơi đất nước bị qua phân. Lý Văn Sâm sẽ vô bưng khi đã lộ, riêng Thái Bạch, Sơn Nam, Trang Thế Hy, … sẽ tiếp tục “nằm vùng” vững vàng trong một miền Nam quá tin người và “quá” đề cao những giá trị dân chủ, tự do!

Trong bầu không khí đó, các nhà văn thuần lục tỉnh và Sài Gòn sẽ làm gì ? Trước hết, họ tụ tập hoạt động báo chí và xuất bản. Các nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, Phù Sa, Bến Nghé, Nam Cường,…, các nhật báo Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới, Sài Gòn Mai, Tia Sáng, … và các tạp chí Vui Sống, Nhân Loại, Đời Mới, Mới, Sinh Lực, Đông Phương, … sẽ là đất văn nghệ chính của các nhà văn miền Nam này trước khi họ sẽ hội nhập vào dòng văn học “miền Nam cộng hòa” với các tạp chí Phổ Thông, Văn Học, Văn, Bách Khoa, Nghệ Thuật, vv. Tạp chí Nhân Loại ra đời năm 1956 (có thời do Đông Hồ làm giám đốc) chuyên về văn nghệ và ít về nghị luận chính trị. Đời Mới của nhóm Trần Văn Ân, sẽ đóng cửa khi ông Ân bị bắt ở Rừng Sát, là tạp chí có nhiều ảnh hưởng về chính trị cũng như văn học nghệ thuật trong khi tờ Đông Phương của Hồ Hữu Tường chỉ chuyên về chính trị, cổ võ thuyết trung lập. Về sau có thêm báo chí Phật giáo như Giữ Thơm Quê Mẹ, Hải Triều Âm, Vạn Hạnh. Giai đoạn sau tiêu biểu có tờ Hoà Đồng do Hồ Hữu Tường chủ trương tổng hợp văn minh mới và Cấp Tiến của nhóm Nguyễn Văn Bông với chủ trương như một thay thế những thế lực chính trị cổ truyền đã “mỏi mệt”!

Một cách tổng quát, tạm có thể phân biệt một số khuynh hướng chính: phong tục và đời sống nơi vùng đất mới khai hoang và phù sa: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Phi Vân, Lê Xuyên, Vương Hồng Sển, Mộng-Tuyết thất tiểu-muội, …; xã hội và đời sống thị tứ : Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Hoài Điệp Tử, …; chính trị, đấu tranh : Phạm Thái, Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy, Tô Nguyệt Đình, …; tình cảm, lãng mạn, diễm tình bình dân : Ngọc Linh, Sĩ Trung, Dương Hà, Phú Đức, bà Tùng Long, Phi Long, Dương Trữ La, Thanh Thủy, Trọng Nguyên… và luận đề, triết lý và tôn giáo: Hồ Hữu Tường, Phạm Công Thiện, Tô Thùy Yên, …

 

Ấn phẩm xám và những người viết trẻ


Hai hiện tượng ấn phẩm xám và những người viết trẻ theo thiển ý quan trọng và đáng kể nếu muốn có cái nhìn nghiêm chỉnh về giai đoạn văn học này. Cả hai hiện tượng sống động ở những năm cuối của thập niên 1960 đầu thập niên 70. Khi chiến tranh chính thức chấm dứt ngày 30-4-1975, các nhà văn thơ trẻ chưa kịp phát triển, thi thố hết tài năng đã phải vứt bỏ hết vì ngay bản thân đã còn phải tù tội, cải tạo, đi chui, cả chết chóc, thất tán. Tác phẩm, sách báo của người trẻ cùng chung số phận của cả miền Nam bị kẻ cưỡng chiếm cấm đoán, thủ tiêu.

Hiện tượng thứ nhất văn chương xám qua các tạp chí phần lớn in ronéo và không giấy phép cũng như nạp bản : tờ Hành Trình của nhóm giáo sư Nguyễn Văn Trung (10-1964 đến 12-1965, tức ra được 9 số thì đình bản vì bị bộ Tâm lý chiến ra lệnh tịch thu),Thái Độ (7-1966, các số sau khá hơn được in ấn bản typo nhưng bị kiểm duyệt bôi đen hoặc loang lỗ những đoạn trống) do Thế Uyên chủ động, Trình Bày (10-1966) của Diễm Châu. Cùng với ca nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, mảng văn học này đã gióng tiếng nói tiêu cực, phản diện, ngược dòng,… cho văn nghệ miền Nam thời chiến tranh cao độ. Học sinh, sinh viên cũng đã có những ấn phẩm thơ truyện và báo chí in ronéo, nhiều người về sau tiếp tục sinh hoạt văn nghệ chung, những “tác phẩm” đầu tay này thường hực lửa hoặc tích cực năng nổ canh tân, làm mới thơ văn cũng như lý luận. Một số “nhà xuất bản” như Đại Nam Văn Hiến của Thế Phong cũng in sách bằng máy ronéo, từ thơ, truyện đến cả biên khảo, dù cá nhân người chủ trương có “hiện tượng” nhưng dù gì thì nhờ phương pháp “xuất bản” này mà Cao Mỵ Nhân có tập Thơ Mỵ đầu tay (1960), Hoàng Khởi Phong có tập Mặt Trời Lên(1967), riêng Thế Phong để lại nhiều tập biên khảo và bút ký văn học đáng kể!

Ở thủ đô, nhà Trình Bày cho ra đời một số tác phẩm “nóng” như truyện của Thế Nguyên (Hồi Chuông Tắt Lửa,..), truyện của Trần Quang Long (Vực Thẳm Và Hy Vọng 1966, Bông Cúc Vàng 1967), truyện dịch của Diễm Châu (Câu Chuyện Năm Mới, dịch A New Year’s Fairy Tale của V. Dudintsev, 1966), … Ở Phan Rang, nhà Ý Thức in ba cuốn Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang, Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi Những Vì Sao Vĩnh Biệt của Trần Hoài Thư, Cát Vàng của Lữ Quỳnh,.., những “nhà” xuất bản Con Đuông, Sóng Việt ở Cần Thơ cũng in ronéo. Nhà Văn Mới ở Sài-Gòn in truyện, biên khảo cũng như Thi Vũ ở Paris in thơ với chừng một trăm bản để tặng chứ không bán; “ấn bản cho thân hữu” mở một khuynh hướng thụt lùi đáng ngại ngay từ thời đó chứ không riêng gì hiện nay ở hải ngoại cũng như trong nước! Lữ Quỳnh in xong tập thơ, nhắn tin trên tạp chí Văn “Thơ Lữ Quỳnh đã in xong. Các thân hữu liên lạc với tác giả ở KBC 4781 để nhận sách”(Văn, 138, 1969). Nhóm Khai Phá ở Châu Đốc ra tạp chí và xuất bản tác phẩm của Ngô Nguyên Nghiễm như Người Hành Giả Và Khúc Trường Ca Sinh Tử, Dấu Chân Gió Ngược, Ngọn Gió Hơi Cuồng (chung với Lưu Nhữ Thụy), Lên Đồi Hùng Bát Trăng Vàng của Nguyễn Thành Xuân, v.v.

Tạp chí Văn số 51 (1966) tuyển đăng một số nhà thơ trẻ viết về tuổi trẻ, tình yêu và chiến tranh và giới thiệu rằng “Thơ buồn nhưng không có giọng than van. Hình như tuổi trẻ Việt Nam đã tập chấp nhận, đứng thẳng trước mọi hoàn cảnh…” (tr. 143) . Trong số đó có thơ của Lâm Chương, Thành Tôn, Chu Trầm Nguyên Minh, Nhữ Đình Toàn, … và một số khác mà về sau người đọc không còn nghe nói đến.

“Đêm bắt đầu yên tĩnh trên đồng cỏ xanh / Đêm quấn quýt quanh những vòng thép gai hoen rỉ / Chiếc xe đò vội vàng trở về thành phố / Anh bồi hồi đón chuyến buýt cuối cùng / Hành khách chật thản nhiên như tượng / Không ai nói một lời “ (Nhữ Đình Toàn, Trên Xe Ô-Tô-Buýt, Văn, 51, tr. 145).

Cũng tạp chí Văn, số 187 (1-10-1971) với chủ đề Khi Mùa Thu Tới làm một tuyển tập những cây bút trẻ, ban biên tập ghi là nỗ lực giới thiệu sau cùng, trong số này có thơ của Hoàng Lộc, Yên Ngàn, Nguyễn Văn Ngọc, Võ Chân Cửu, Khê Kinh-Kha,… và văn của Nguyễn Mộng Giác, Hồ Minh Dũng và Mường Mán.

Về truyện ngắn, tạp chí Văn số 197 (1-3-1972) giới thiệu sáu người viết trẻ là Trần Hoài Thư (Bệnh Xá Cuối Năm), Mang Viên Linh, Mường Mán, Định Nguyên, Phan Cung Nghiệp, Phạm Quang Phước. Nhà văn đàn anh Mai Thảo khi giới thiệu hiện tượng người viết trẻ truyện ngắn cho rằng họ “làm sống lại thể truyện ngắn, đem lại cho truyện ngắn hơi thở, một kích thước và những triển vọng mới sau một thời gian bị lu mờ trước ngọn triều tràn ngập của thơ tự do và các tác phẩm truyện dài. (…) Chúng ta không chỉ nhìn thấy những nhà văn trẻ sống và viết. Chúng ta còn nhìn thấy họ lên đường. Và mang theo thể truyện ngắn vào một lên đường mới” (tr. 2). Thời Tập cũng làm một tuyển tập nhà văn trẻ (số 7, 6-1974), giới thiệu Nguyễn Mộng Giác, Trần Hoài Thư, Phạm Thiên Thư, Cung Tích Biền, Nguỵ Ngữ, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Đạt, Phù Hư, Nguyễn Mai, Hoàng Ngọc Tuấn, Tạp chí Văn trở thành giai-phẩm với luật mới số 007 về kiểm duyệt, trong số áp chót (3-1975), Mai Thảo đã giới thiệu những triển vọng mới, 13 cây viết trẻ nhất của giai đoạn lần đầu xuất hiện, về sau phần lớn không thấy tiếp tục ngoại trừ Phạm Ngũ Yên với truyện ngắn Bóng Mát. Mai Thảo là nhà văn lớp đàn anh có công giới thiệu và khám phá nhiều tài năng mới.

 


 

Họ lên đường, không những trên tạp chí VănThời Tập mà cả trên các tạp chí khác như Bách Khoa, Văn Học, Vấn Đề, Khởi Hành, Chủ Đề, Văn Chương, Thời Tập,… nhưng chưa đủ thời gian để thẩm định vai trò, giá trị, thì cả miền Nam chính trị cũng như văn học đã bị xóa bỏ (27).

Thi ca và văn xuôi trước tình cảnh cực đoan, cùng khốn vẫn lớn dậy, vươn lên. Tình yêu, niềm tin và ngậm ngùi cay đắng, bất lực. Phân chia tả hữu không cần thiết vì tiếng nói của họ là tiếng phản kháng, tiếng dân kêu, tiếng nói tuổi trẻ không chỗ đứng, chỗ thở,… Người viết phần lớn không lập thuyết cao siêu, nhưng họ tỏ ra sống những tấn nặng nề của oan khiên lịch sử. Họ đã đứng thẳng trên trường văn thơ (cũng như xã hội), xác định cái tôi, như những người trẻ, và cũng đã nằm xuống đổ máu cho tổ quốc hoặc phải lê lết thân tàn phế trên khắp mọi vùng đất nước lo sống còn. Trẻ ở đây là nói đến hiện tượng xuất hiện, và họ đã đem đến cho văn học lúc bấy giờ tinh thần làm mới, tinh thần trẻ cần thiết cho một văn học và xã hội đang thoái hóa hoặc tự thoả mãn với những thành tựu của lớp văn nghệ đàn anh. Lớp đàn anh này trên các tạp chí như Tin Sách, Bách Khoa, … đã nhìn những người viết trẻ như những người làm văn nghệ rời rạc, lẻ loi, thiếu hợp tấu, mà ngay Nguyễn Mộng Giác, một cây viết mới xuất hiện thời bấy giờ sớm nhập quỹ đạo Võ Phiến, cũng đã phê bình “lớp người mới lâu lâu gióng lên một tiếng đàn chùng lẻ loi, không thành được một hợp tấu khúc” (“Nghĩ Về Thơ, Truyện 1974”.Bách Khoa, Xuân Ất Mão 1975, tr. 27). Bi quan chăng, nhưng chính Võ Phiến lúc bắt đầu cũng đã tự lập nhà xuất bản Bình Minh ở Qui Nhơn để in hai tập truyện đầu tay, sau nhờ văn phong và công việc đúng ngành thông tin, kiểm duyệt, nên nhập vào dòng chính ở thủ đô sớm !

Họ là những ai? Ở đây chúng tôi xin nhắc một số người viết đã có tác phẩm xuất bản : Phạm Cao Hoàng (Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn 1972, Tạ Ơn Những Giọt Sương 1974 ), Lữ Quỳnh (Sông Sương Mù, Cát Vàng 1972, Những Cơn Mưa Mùa Đông 1974), Nguyễn Nho Nhượng (Tiếng Nói Giữa Hư Vô, 1972), Phan Nhự Thức (Đốt Tuổi 1969), Nguyễn Bắc Sơn (Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi 1972), Đynh Hoàng Sa (Vùng Trú Ẩn Hoang Đường 1968), Trịnh Bửu Hoài (Thơ Tình 1974), Nguyễn Thanh Trịnh (Ví Dụ Ta Yêu Nhau 1974), Hoàng Khởi Phong (thêm Phục Hồi Quyền Chức Làm Người 1972), Trần Vàng Sao (Khoảng Tói Sau Lưng 1965), Đông Trình (Khi Mùa Mưa Bắt Đầu 1967, Lót Ổ Cho Đại Bác 1968, Rừng Dậy Men Mùa 1972), Lê Văn Thiện (Một Cách Buồn Phiền 1969, Sao Không Như Ngày Xưa 1971), Mang Viên Long (Trên Đỉnh Sa Mù, Mùa Thu Trống Trải, Có Những Mùa Trăng 1972, Như Giọt Sương, Nói Với Người Yêu, Một Đời Mơ Ước), Tô Đình Sự (Vùng Trú Ngụ 1967), Hoàng Ngọc Tuấn (hàng chục cuốn tiểu thuyết trước 1975, phần lớn cho thanh thiếu niên), Trần Hữu Lục (Cách Một Giòng Sông 1969), Cung Tích Biền (Ai Tỉnh Ai Điên 1968, Hoà Bình Nàng Tình Rỗng, 1968, Nỗi Buồn Thắp Sáng 1969,v.v.), … Mường Mán năm 1974 ra 2 cuốn truyện dài Lá Tương Tư và Một Chút Mưa Thơm. Vũ Hữu Định (1942-1981) lúc bấy giờ chưa có tác phẩm xuất bản, chỉ sau khi ông mất bạn hữu mới in được Còn Một Chút Gì Để Nhớ. Họ tập trung nhiều nhất ở miền Trung nhưng cũng có ở miền Tây cũng như Đông Nam phần. Vùng Quảng Đà tụ được nhiều nhất, như Luân Hoán, Hoàng Lộc, Đông Trình, Thái Tú Hạp, trong đó Nguyễn Nho Sa-Mạc mệnh yểu, mất khi mới 20 tuổi, thơ như oan trái vận vào cuộc đời :

“bằng đôi tay ôm kín nỗi buồn / ta đi trong trời đất hoàng hôn / mà nghe sữa mẹ chan hòa chảy / máu ở buồng tim cũng loạn cuồng / (…) ôi nửa cuộc đời ta đảo điên / đêm nằm ru giấc ngủ cô miên / hai mươi tuổi trong hồ suy tưởng / ngửa mặt nhìn trời đi ngã nghiêng” (Sinh Nhật).

Cao Huy Khanh là cây viết nghiên cứu văn học sáng giá đầu tiên của miền Nam xử dụng những phương pháp hiện đại, tác giả một loạt bài trên tạp chí Thời Tập (Bài đầu với “20 Năm Tiểu Thuyết Việt Nam Từ 1954 đến 1973”, số 1, 14-12-1973), và nhiều bài về thi ca và các tác giả miền Nam Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh, Sơn Nam, …

Tâm sự của một nhân-vật của Nguyễn Phương Đông trong Căn Nhà viết thời 1972 do cơ sở Sóng Văn xuất bản ở hải ngoại năm 1997 với bút hiệu mới Nguyễn Sao Mai : “Đối với đời sống tôi không còn có nhiệt tâm, mà những phỉnh phờ thì càng lúc càng gia tăng đến một mức độ phức tạp. Tôi không nói tới chiến tranh. Cuộc chiến này cũng như một nhát dao chém trên vết thương đã quá sức lở lói. Chiến tranh đã dai dẳng đến một mức độ khiến người ta không còn nghĩ đến sự ngừng dứt” (tr. 59). Nhà thơ Cao Thoại Châu mơ một ngày hoà bình : “hát với ta đi bầy chim mùa hạ / từ hải đảo về đậu bên cửa sổ / làm thức bình minh líu lo líu lo / vòng mắt nhung tròn xanh biếc / hát đi nghe bầy chim đáng yêu / hát đi nghe chân trời mỏi cánh / những hoàng hôn mây đuổi theo chim… “ (Trong Cõi Trời Mơ Ước, Nghệ Thuật, 25, 4-1966).

Nói đến địa phương để tạm phân biệt, tìm hiểu, nhưng khó xếp vì các nhà văn thơ trẻ ngoại trừ “học sinh/sinh viên” Nguyễn Tất Nhiên, phần lớn thuộc hai giới quân đội và giáo chức – cũng như các nhà văn lớp trước, nên thường di chuyển công vụ hoặc theo bước quân hành, đó là trường hợp của Luân Hoán, Y Uyên, Doãn Dân, Hoàng Khởi Phong,… bên lính tráng và Trần Hữu Lục, Nguyễn Trung Hối, v.v. bên “gõ đầu trẻ”. Nói chung, các nhà văn thơ đều xuất hiện trên các báo và tạp chí ở thủ đô, và xuất bản tác phẩm cũng ở thủ đô ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt rất là ngoại lệ của một vài các nhóm kể trên. Y Uyên chết trận ở Phan Thiết khi trong tay đã có sự vụ lệnh đổi vê Sàigòn, Doãn Dân chết trận trong hầm chỉ huy ở Quảng Trị là hai trong số những cây bút có nhiều triển vọng. Y Uyên tác giả các tập truyện Tượng Đá Sườn Non 1966, Quê Nhà 1967 và truyện dài Ngựa Tía 1967. Doãn Dân tác giả hai tập truyện dài Chỗ Của Huệ 1968 và Tiếng Gọi Thầm 1972, nhưng văn tài của ông là ở truyện ngắn đăng trên Chỉ Đạo, Tân Phong Bách Khoa chưa được xuất bản.

Về phần những người đi tù cải tạo sống sót trở về, kẻ thì lây lất trong cái nghèo đói chung của miền Nam, trí thức văn nghệ sĩ dĩ nhiên cái khốn cùng nó cũng thê thảm hơn! Gượng dậy gặp gỡ bạn hữu thì kẻ còn người mất, kẻ trong người ngoài nước; nói chung tang thương đã lắm và chưa hẳn đã hết!

***

Nhìn chung, chỉ với một thời-gian hiện diện hơn 20 năm, văn học miền Nam 1954-1975 đã chứng tỏ một sức sống mãnh liệt, đa dạng và có một số đặc điểm có thể ghi nhận: – khai phóng, rộng tay và tâm hồn đón nhận những trào lưu và hương hoa văn học thế giới đông-tây; – nhân bản, có nỗ lực đào sâu tâm linh, đặt những vấn-đề căn bản, cấp thiết (phản kháng, …). Văn học đã gắn liền với vận mạng dân tộc, được coi trọng và trở nên một phần quan trọng của học thuật quốc gia và đã được đưa vào chương trình giáo dục! Về ngôn-ngữ sử-dụng, về hình thức cũng như nội dung, trong mọi thể loại, các tác phẩm văn học đã tiến bước, sâu sắc, xúc tích ra, chứng tỏ có sáng tạo, có mới. Đó là nhờ tiến bộ của khoa học nhân văn và kiến thức thời đại và cũng nhờ kiến thức và tài-năng của người làm văn nghệ, trong một môi trường văn-hóa xã-hội tự-do, dân-chủ và nhân-bản. Nhưng, ngày 30 tháng Tư năm 1975, nền văn-học đó, cũng như cả nước Việt Nam Cộng-hòa, đã bị bức tử!

Chú thích:

  • Nguyên Sa.”Kinh nghiệm thi ca”, Sáng Tạo, 21, 6-1958.
  • Thanh Tâm Tuyền. “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”. Sáng Tạo, 31, 9-1959, tr. 1-6.
  • Văn (SG), 192, 15-12-1971, tr. 79-87.
  • Mai Thảo. “Con đường trở thành và tiến tới của nghệ thuật hôm nay”. Sáng Tạo, 6, 12-1960 & 1-1961, tr. 4.
  • “Đứng về phía những cái mới”. Tuyển Truyện Sáng Tạo. (Fort Smith, Ark.: Sống Mới, tb 1980?), tr. 11.
  • Giải thưởng năm 1960 trao cho Trung Dung Tân-khảo của bác sĩ Nguyễn Văn Thọ. Nhóm viết và dịch với mục đích phổ biến giới thiệu những tư tưởng mới, nhất là của Thiên Chúa giáo. Tư tưởng khoa học của Lecomte de Nouy với cuốn Lecomte de Nouy và học thuyết viễn-đích (1968) của bs Nguyễn Văn Thọ. Phổ biến tinh hoa Thiên Chúa giáo: Minh-Đức Vương Thái Phi(1957), Người Chứng Thứ Nhất (1959), Nguyễn Trường Tộ kiến trúc sư tiên khởi của ngành kiến trúc Việt Nam mới (1961),Giáo sĩ Đắc-Lộ Với tác phẩm quốc ngữ đầu tiên (1961),… các cuốn sau đều của Phạm Đình Khiêm.
  • “Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở VN”. Sáng Tạo, 4, 10-1960, tr. 1-16, với kết luận :”Nghệ thuật là một vận động biện chứng của hủy diệt và sáng tạo”; “Một vòm trời âm u cũ”. Nghệ Thuật , 196?
  • Văn (SG), 14, 15-7-1964.
  • X. Tạp chí Bách-Khoa, 88, 1-9-1960, tuần báo Văn-Đàn số 20 đến 22, 15 đến 29-10-1960, và Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh , Sđd, tr. 219.
  • Đỗ Long Vân. “Thử phác họa một bản đồ của địa ngục theo Chế Lan Viên”. Văn Học (SG) 10-8-1974.
  • Lê Tuyên. Chinh Phụ Ngâm Và Tâm Thức Lãng Mạn Của Kẻ Lưu Đày. Westminster CA : Văn Nghệ tb, 1988. 203 tr.
  • Thể Tánh Của Thi Ca. Huntingdon Beach CA: SEACAEF, 2000. 296 tr. Gồm những bài giảng ở đại học Văn khoa Huế trước 1975.
  • Nguyễn Văn Trung tác giả những bộ sách Xây Dựng Tác Phẩm Tiểu Thuyết (Sài Gòn: Tự Do, 1962) và Lược Khảo Văn Học (Sài Gòn: Nam Sơn, 1963-68. 3 tập).
  • Đỗ Long Vân. Nguồn Nước ẩn Của Hồ Xuân Hương (Sài Gòn: Trình Bày, 1966. 82 tr.) và Vô Kỵ Giữa Chúng Ta Hay Là Hiện Tượng Kim Dung (Sài Gòn: Trình Bày, 1968. 109 tr.).
  • Huỳnh Phan Anh tác giả Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô (Sài Gòn: Hoàng Đông-Phương, 1968. 199 tr.), Đi Tìm Tác Phẩm Văn Chương (Sài Gòn: Đồng Tháp, 1972. 352 tr.) và gần đây nhất, Không Gian Và Khoảnh Khắc Văn Chương (TpHCM: Hội Nhà Văn, 1999. 474 tr.) tuyển trích lại những bài từ hai tập kia và một số bài mới về các tác giả ngoại quốc.
  • Nguyên Sa. “Tình cảnh nhà văn VN những năm 50 và 60”. Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ (Irwine CA: Đời tb, 1991). Tr. 18.
  • “Rời bỏ nền văn chương trú ẩn”. Đất Nước, 2, 12-1967, tr.1-15.
  • Những Kẻ Đứng Bên Lề. Sài Gòn : Giao Điểm, 1964, Tr. 25.
  • Văn (SG), 207, 197?, tr 101.
  • Áo Mơ Phai. NXB Nguyễn Đình Vượng 1972, tr. 7 và 309.
  • Văn Học (SG), 1974, tr. 94-95.
  • Hồ Trường An phê bình cuốn Tuổi Nước Độc, Tin Sách, 4-1966, tr. 29 & 30.
  • Cuộc Tình Trong Ngục Thất. Sài Gòn : Nguyễn Đình Vượng, 1974, tr. 152.
  • Mai Thảo. “Sài gòn, thủ đô văn hóa”. Sáng Tạo, 1, 10-1956, tr. 1-5.
  • Cao Huy Khanh. “20 năm tiểu thuyết miền Nam từ chia cắt đến ngưng bắn”. Thời Tập, 14-12-1973, tr. 21-34.
  • Võ Phiến. Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975. Westminster, CA: Văn Nghệ. 1986 (“Vai trò của miền Nam”, tr. 128-135).
  • Sau này ở hải ngoại, tạp chí Thư Quán Bản Thảo ra đời (số 1, 10-2001) với một mục đích đặc biệt vừa văn chương vừa thân hữu và qua những số đã xuất bản, rõ rệt đã giúp văn hữu có cơ hội viết và đọc tác phẩm nhau và làm sống lại sinh hoạt của những nhà văn trẻ thời cuối thập niên 1960 đầu 1970.

  • 25.02.2015





    | UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
    vietvanmoinewvietart007@gmail.com