Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






VỀ MỘT CÁNH CỬA VĂN HÓA






L à một dịch giả văn học, tôi luôn luôn tò mò muốn biết văn học Việt Nam mình có một vị trí như thế nào trong nền văn học chung của nhân loại. Tất nhiên đây chỉ mới là một sự thăm dò rất hời hợt để có thể ý niệm được vấn đề một cách sơ bộ…

Tôi vào thư viện Marcel Pagnol ở Aubagne, thành phố quê hương của nhà văn, ở bên bờ Biển Biếc của nước Pháp. Câu hỏi đầu tiên của tôi với người thủ thư là:

“ Thư viện có sách gì viết về Việt Nam không?”. Cô thủ thư niềm nở cho tôi xem mục lục. Tôi thấy có mấy chục quyển phần lớn là của các tác giả Pháp, viết về nhiều lĩnh vực chứ không phải riêng về văn học. Cũng có những tác giả Việt Nam, viết bằng tiếng Pháp như Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Văn Ký…Còn sách văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Pháp thì quả là rất hiếm hoi, kể cả những thư viện lớn. Ngoài các bản dịch những tác phẩm cổ điển như Truyện Kiều (nhiều bản dịch), Lục Vân Tiên, Lý Công, Lục súc tranh công của tủ sách Alexandre de Rhodes (trước 1940), hình như bẵng đi cả một thời kỳ mấy mươi năm không có những bản dịch nào đáng kể. Mới đây mới có một số tiểu thuyết mới của Việt Nam do các bà con Việt Kiều dịch ra tiếng Pháp.

Tôi mở bộ Encyclopédie Universelle - collection Marabout Universite’, tập 7- 100 trang, dành cho lịch sử các nền văn học thế giới: không có một chữ nào nói đến Việt Nam.

Nhưng khi xem đến bộ Lịch sử các nền văn học (Tủ sách Encyclopedie de La Pléiade) thì hết sức vui mừng mà thấy ở tập I, 1770 trang, có một chương dành cho văn học Việt Nam dài 24 trang. Một tỉ lệ không đến nỗi quá khiêm tốn (Văn học Trung Quốc: 134 tr, Mông Cổ: 24tr,, Nhật: 24, Thổ Nhĩ Kỳ: 24, Ba Tư: 24, Các nước da đen: 60…).

24 trang về văn học Việt nam phân phối như sau:

- Nhận định chung : 2 trang.

- Văn học chữ Hán : 7 trang

- Văn học chữ Nôm: 6 trang

- Văn học dân gian : 5 trang

- Văn học quốc ngữ : 2,5 trang.

Phần văn học chữ Hán được viết chắc tay hơn cả, gọn, trích dịch khá nhiều: thơ Mãn Giác, thơ Vạn Hạnh, Lý Thường Kiệt, Hịch Tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô Đại Cáo, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Phần văn học chữ Nôm có nhắc đến những tác giả và tác phẩm chính. Những tên tuổi của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu…Và những tác phẩm có giá trị như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Hoa Tiên, Nhị độ mai, Lục Vân Tiên, Lý Công đều được đánh giá đúng. Nhưng phần này không có trích dẫn.

Phần văn học dân gian có nhiều đoạn, nhiều bài trích dịch khá tốt Tháng giêng là tháng ăn chơi…, Ai ơi chớ lấy học trò…

Phần văn học quốc ngữ có nhắc đến Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quỳnh, Tản Đà với những lời ca ngợi không tiếc; Rồi Nguyễn Văn Ngọc, Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn…

Mười bốn dòng cuối cùng của phần văn học chữ Việt có nhắc tới một cách khái quát dòng văn học mới với những chủ đề tình yêu, lễ giáo, người phụ nữ, người lao động, nền văn minh Tây- Âu, cả những chủ đề trinh thám…Tác giả M. Durand xác nhận ảnh hưởng của văn học Pháp thế kỷ XIX (Balzac, Flaubert, Zola..) đối với các nhà viết tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ này. Tác giả cũng ca ngợi họ về nghệ thuật kết cấu, về ngôn ngữ cũng như về chiều sâu của những phân tích tâm lý và cơ sở hiện thực của nội dung. Nhưng không một tên tác giả và tác phẩm nào được nhắc tới. Tác giả cho rằng những thành công của thời kỳ này chưa vượt ra khỏi phạm vi đất nước.

Tôi nghĩ rằng , nên hiểu nhận xét của M. Durand theo cái nghĩa “ vật chất”, cái nghĩa “ địa lý ” của nó thì đúng cả về nghĩa tinh thần : những tiểu thuyết của Khái Hưng ( Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên…) , của Nhất Linh (Đoạn tuyệt, Lạnh lùng…) của Nam Cao,, Lê Văn Trương, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng…Những Giông tố, Số đỏ và những phóng sự của Vũ Trọng Phụng, những Tuỳ bút của Nguyễn Tuân…làm gì đã được dịch ra tiếng Pháp để có khả năng vượt trên mười ngàn cây số sang hiện diện trên các quầy sách mênh mông của FNAC giữa khu Montparnasse Paris? Và phụ nữ Pháp có ai biết tên Nguyễn Bính và bài thơ Lỡ bước sang ngang đã từng làm rung động mọi con tim Việt Nam suốt cả một thời ?.

Văn học Việt Nam đã có một chỗ đứng trong lịch sử văn học thế giới. Đó là một thực tế đáng tự hào. Các nước bạn bè đang ngày càng muốn hiểu biết kỹ và sâu hơn về Việt Nam. Cái yêu cầu rất chính đáng và rất thân thiện đó khích lệ chúng ta khẩn trương đáp ứng.

Trong thời gian công tác ở Pháp vừa qua (năm 1991), Viện Quốc gia Văn minh và Ngôn ngữ Đông Phương- Paris (INALCO) Ban Việt đọc do giáo sư Michel Fourbié làm Giám đốc, đã cùng với tôi với tư cách là đại diện của Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo một Đề án “ Xây dựng một nhóm Hợp tác dịch văn học Việt- Pháp” nhằm thực hiện cái nhiệm vụ cần thiết và bổ ích lâu dài này.

Phương thức hoạt động dự kiến trong bản Đề án là: “Tổ chức, dưới sự hướng dẫn của những dịch giả có uy tín và của những cán bộ chuyên nghiên cứu và dạy ngữ văn tại các trường đại học, những nhóm công tác gồm những bạn trẻ có tài năng và nhiệt tình, say mê văn học và dịch văn học, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và làm việc hợp tác với đồng nghiệp của mình bên kia. Những người này có dịp sẽ lần lượt được đi tham quan học tập tại nước mà họ dịch tác phẩm và phải tham gia các trại dịch thuật”.

Dịch là một phương tiện cơ bản để phỏ biến kiến thức cũng như kinh nghiệm, và cho phép người ta đánh giá đúng mức những nền văn học ngoài biên giới Tổ quốc mình. Nó giúp người ta thiết lập những mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau, cảm tình thân ái với nhau và cuối cùng là hợp tác chặt chẽ với nhau trên con đường phát triển đi đến một tương lai tốt đẹp hơn nữa.

Trong điều kiện đất nước đang mở rộng cửa đón nhận sự hợp tác bình đẳng và thân thiện, trong đó hợp tác văn hoá, văn học phải đi trước, thì một Đề án như vậy rất nên thực hiện./.