HEMINGWAY: NHÀ VĂN
CON NGƯỜI VÀ CÕI SỐNG
PHẦN HAI .
Đến với Hemingway ta có thể tìm thú vui thưởng ngoạn qua các tác phẩm của ông dưới nhiều hình thức. Hoặc ta coi các trang sách của ông thuộc loại truyện kể phiêu lưu mạo hiểm hay ái tình diễm lệ. Bằng cách tiếp cận này, Les neiges de Kilimandjiro hay Le vieil homme et la mer sẽ cho phép trí tưởng tượng ta được tự do bay bổng đi chinh phục đỉnh tuyết Kilimanjaro trắng bóc, hay tới bàu bạn với ông già San Diego một thân một mình lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ giữa biển cả sóng gió. Với L’Adieu aux armes hay Pour qui sonne le glas, trái lại, ta sẽ được dịp chia sẻ niềm đau cô đơn của Patrick Henry sau cái chết của Catherine Baker với đứa con sơ sinh, hay cảm thông với tiếng khóc nức nở của Maria trước sự hi sinh mã thượng của Robert Jordan, người nàng hết lòng yêu thương. Những cảm xúc phiêu bạt hay yêu thương, dẫu sao, cũng chỉ đem lại cho ta vui buồn chốc lát trong tinh thần đọc sách mua vui giải trí. Còn cái thực sự làm nên giá trị văn học nơi Hemingway lại nằm trong ý nghĩa hàm súc ẩn dấu giữa hai hàng chữ, như phần chìm khuất trong lòng đại dương mà ta phải lặn sâu mới thấy được. Có đến với Hemingway bằng cách tiếp cận sau này, ta mới thấy rằng mỗi tác phẩm của ông đều là kết quả của một trải nghiệm trong cuộc sống và mỗi tựa đề chọn lựa còn là một thông điệp Hemingway muốn gửi gấm đến ta. Để bàn về sự nghiệp văn học đa dạng phong phú của Hemingway, có lẽ phải cần tới hàng pho sách, chưa chắc đã nói hết. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới hai cuốn L’Adieu aux armes và Pour qui sonne le glas mà thôi. Để cho thấy sách của Hemingway không chỉ thuộc loại truyện kể nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí. Trái lại, chúng còn là những tác phẩm có giá trị văn học cao đem lại cho ta cái nhìn nhân bản và sáng suốt về hiện thực xã hội loài người.
Thoạt đọc hai tác phẩm kể trên, ta có thể xếp Hemingway vào loại các nhà văn phản chiến. Thực ra, Hemingway không hề là con người hiếu hòa hay phản chiến. Phản chiến có tính cách phong trào hay cá thể. Như khi một cá nhân vì lý do riêng tư hay ý thức hệ lên tiếng chống đối hay từ chối tham dự vào một cuộc chiến nào đó. Chẳng hạn thái độ chống đối của Jane Fonda về sự tham dự của Mỹ vào chiến cuộc Việt Nam. Hemingway, trái lại, không phải là nhà văn phản chiến : ông không ngại dấn thân vào cuộc xung đột giữa Áo và Ý trong Đệ nhất thế chiến. Và nhờ có tham dự vào cuộc chiến này ông mới mang tâm trạng chống chiến tranh. Chúng ta còn nhớ, vừa xong trung học Hemingway đã có ý nhập ngũ để mong được đóng góp vào cuộc chiến tại Âu châu bên cạnh liên minh Anh-Pháp-Ý, mà ông tin là phục vụ cho lý tưởng tư do, dân chủ. Nhưng vì chưa đủ tuổi luật định, nên ông đành nhận làm lính tải thương cho Hồng Thập Tự quốc tế. Chỉ sau một tháng có mặt trên chiến trường Ý, ông mới trở thành nhà văn mang tâm trạng chống chiến tranh.
Không được là lính tác chiến, nhưng Hemingway lại tìm thấy ở cương vị lính tải thương nơi tiền tuyến một vị thế ưu đãi để biết được hậu quả của chiến tranh và nỗi thiệt thòi mất mát của con người, đúng ra là của những con người trong chiến tranh. Lính tác chiến chỉ lo giành được chiến thắng hay thoát khỏi hòn tên mũi đạn, là đã quá đủ. Chỉ có lính tải thương nơi tiền tuyến mới có điều kiện được thấy tận mắt cảnh thịt rơi máu chảy của những thân hình co quắp, được nghe bằng tai những tiếng rên la cầu cứu « Ôi ! Mẹ ôi, mẹ ôi ! (Oh ! Mamma, mamma mia !) hoặc những tiếng rên xiết cầu khẩn vì không chịu nổi đớn đau «Lạy Chúa, xin giải thoát cho con. Mẹ Maria ơi, hãy giải thoát cho con !” ( Dio ti salvi, Maria. Dio ti salvi, Maria!” – L’Adieu aux armes - Gallimard, 2013, coll. Folio 27, chap. Ĩ, p.57). Đó là những gì Hemingway học hỏi được, không chỉ bằng tai nghe mắt thấy, mà còn bằng trả giá bản thân khi ông bi thương nơi đầu gối do miểng đạn pháo cối. Nhờ được cọ sát với thực tế chiến trường, lại với cặp mắt quan sát tinh tế và cảm quan bén nhọn, Hemingway đã rút được từ thời gian công tác ngắn ngủi hai bài học bổ ích cho sự nghiệp văn học của ông. Trước hết là tính chính đáng bề mặt của chiến tranh, hay đúng ra là những lý lẽ người ta nêu ra và nhân danh chúng để gây hấn và xô đảy con người vào các cuộc chém giết khốc liệt với kết quả thường là « nhất tướng công thành vạn xác khô ». Tiếp đên, chiến tranh không phải là phương tiện hữu hiệu để giải quyết mọi tranh chấp, mọi bất đồng, đặc biệt là về mặt ý thức hệ. Thay vì dẫn đến một xã hội tiến bộ hơn, làm cho con người trở nên tốt đẹp hơn, chiến tranh thường lại là guồng máy khổng lồ nghiền nát con người, đúng ra là những con người bị cuốn hút vào chiến tranh. Đê trình bày quan điểm thực tiễn chống chiến tranh của mình, Hemingway không cần nhiều lời giải thích, mà chỉ mượn vài mẩu đối thoại tâm tình của người trong cuộc. Khi người ta phải trải qua những trạng huống sống khắc nghiệt và có cơ hội tâm sự với nhau, thì dăm ba lời để trút bàu tâm sự ấy có khả năng thuyết phục gấp mấy lần những bài diễn ngôn khoa trương hùng biện. Có hai phần đối thoại trong L’Adieu aux armes đáng để ta chú ý.
Trước hết là chương IX, khi Patrick Henry nghe được mấy người lính dưới quyền tán gẫu với nhau về cuộc chiến, trước khi một quả pháo rơi trúng hầm trú ẩn khiến một người lính thiệt mạng và Henry bị thương. Gọi là tán gẫu chứ thực ra mỗi người đều biểu lộ tâm tình chán ghét chiên tranh như nhau. Có đọc kỹ những lời họ cùng nhau tâm sự (Sdd. ch.IX, tr. 50-53), ta mới thấy đằng sau những lời lẽ quê mùa mộc mạc, mấy người lính ấy đã có tiêng nói của thiên lương (la voix du bon sens) về thực chất và tác hại của cuộc chiến tranh do tham vọng của nhóm người chủ động gây nên. Kế đến là phần tâm sự của cha tuyên úy (l’aumônier) khi đến thăm Henry (Sdd, ch. XI). Vì là mục sư nên ông trở thành đối tượng chọc quê cho đám sĩ quan chỉ biết đánh giặc rồi về bàn chuyện du hí để quên đời. Thông cảm với tình cảnh của họ, những lời riễu cợt ấy không làm cho vị tuyên úy tức giận mà chỉ mỉm cười vị tha. Tuy nhiên lần tới gặp Henry, ông lại tỏ ra mệt mỏi xuống tinh thần. Vai trò của ông, cha tuyên úy, là phải kiếm lời ủy lạo và khích lệ binh sĩ. Nhưng trò chuyện với Henry, ông lại để lộ tâm trạng mệt mỏi buồn nản, không mấy tin tưởng vào mục tiêu chiến đấu và chỉ mong cuộc chiến sớm chấm dứt. Nhìn vị mục sư lủi thủi ra về, Henry nhớ lại những gì ông nói về Abruzzes, quê hương ông. Đó là một mảnh đất hiền hòa, người dân sống lễ độ, cư xử thân ái với nhau. Ban đêm không ai được thổi sáo để tránh làm giao động những cô gái tới độ xuân thì. Dân tình cởi mở hiếu khách, coi như một vinh dự nếu mời được bạn ở lại dùng bữa với họ. Hình ảnh một mảnh đất hẻo lánh hài hòa nhưng đậm đà chất thơ thôn dã đã giúp Henry nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ… Đọc Hemingway, nếu ta chỉ quan tâm theo dõi câu chuyện tình éo le gút mắc giữa Patrick Henry với Catherine Baker mà lơ là vài mẩu đối thoại kể trên và đặc biệt là đoạn văn chót của chương XI, có thể ta đã bỏ lỡ cơ hội thưởng thức ý vị văn chương nơi Hemingway.
Lý do dẫn đến chán ghét chiến tranh nơi những người lính thường mà lới lẽ thô thiển không nói lên hết được, hoặc mong mỏi thầm kín sớm thấy chấm dứt chiến tranh mà cha tuyên úy không dám bộc lộ, Hemingway đã mượn lời của Henry nói lên giùm họ qua đoạn văn tuy ngắn ngủi nhưng hàm súc trăn trở suy tư như sau : « Tôi luôn luôn bối rối trước các lời nào là thiêng liêng, nào là vinh quang, nào là hi sinh, hoặc thành ngữ « vô ích » (l’expression « en vain »)… Chúng tôi thường phải đứng nghe, đôi khi dưới mưa, những lời ấy, hầu như không phải từ cửa miệng người nói, mà chỉ rặt những tiếng hô vang mà thôi. Chúng tôi cũng được đọc những lời cổ võ đó trên những bích chương cũ rích còn được dán chồng lên những bức chương khác. Tôi chẳng thấy gì là thiêng liêng cả, và điều người ta gọi là vinh quang chẳng thấy gì là vinh quang, còn cái được gọi là hí sinh thực ra cũng giống như những lò sát sinh tại Chicago, chỉ mỗi khác biệt là những tảng thịt lại đem dành cho nghĩa trang. Có nhiều lời ta nghe khó lọt tai cho nổi và, xét cho cùng, chỉ có một vài địa danh là còn giữ được phần nào phẩm cách. Số tên của một vài đơn vị hay của một vài ngày tháng nào đó cũng vậy. Chỉ những con số đó, cũng như một số địa danh mới đáng coi là còn phẩm cách. Còn những từ ngữ trừu tượng như vinh quang, danh dự, dũng cảm hay thần thánh đều trở thành trơ trẽn (indécents), nếu đem sánh với cái tên cụ thể của các ngôi làng, của những con lộ, con số của mấy trung đoàn hay của ngày tháng. » (J’ai toujours été embarrassé par les mots sacré, glorieux, sacrifice, et par l’expression « en vain »... Nous les avions entendus debout, parfois sous la pluie, presque hors portée de l’ouïe, alors que seuls les mots criés nous parvenaient. Nous les avions lus sur les proclamations que les colleurs placardaient depuis longtemps sur d’autres proclamations. Je n’avais rien vu de sacré, et ce qu’on appelait glorieux n’avait rien de gloire, et les sacrifices ressemblaient aux abattoirs de Chicago avec cette différence que la viande ne servait qu’à être enterrée. Il y avait beaucoup de mots qu’on ne pouvait plus tolérer et, enfin de compte, seuls les noms des localités avaient conservé quelque dignité. Il en était de même de certains numéros et de certaines dates. Avec les noms de localités c’était tout ce qui avait encore un semblant de dignité. Les mots abstraits tels que gloire, honneur, courage ou sainteté étaient indécents, comparés aux noms concrets des villages, aux numéros de routes, aux noms des rivières, aux numéros des régiments, aux dates.- Sdd 177-178).
Đọc Hemingway, ta không nên đọc vội vã theo kiểu đi ăn Mac Do, hay liếc mắt đọc như khi đọc tin nhắn trên smartphone, trên laptop. Có thế ta mới không bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức ý vị văn chương của ông qua thủ pháp tiết kiệm lời nhưng giàu ý, dồi dào cảm xúc. Để nói lên quan điểm chống chiến tranh của mình, Hemingway không cần tới hàng trang giấy để biện minh thuyết phục. Trái lại, chỉ cần một vài hình ảnh cụ thể với thủ thuật châm biếm trào lộng là đủ (les sacrifices ressemblaient aux abattoirs…, dont la chair ne servait qu’à être enterrée). Ta hãy tưởng tượng quang cảnh một khoảng đất lớn với những hàng lính đội ngũ chỉnh tề, đôi khi dưới mưa, đứng nghe cấp chỉ huy trên bục có mái che, hùng hồn diễn thuyết hay ban huấn lệnh. Nhưng vì khoảng đất trống trải hay vì tiếng mưa rào, nên lời lẽ chẳng đến tai, họ đành chỉ biết, theo dấu hiệu, hô to các khẩu hiệu « thiêng liêng », « vinh quang », « chiến thắng », « dũng cảm »… Cảnh tượng ấy với ngần ấy khẩu hiệu vẫn lập đi lập lại không biết bao lần. Có khác chăng là mỗi lần lại thấy nhiều khuôn mặt mới để bổ sung cho số lính cũ đã bị đem « nướng » trong các trận đánh ác liệt để giành giật một quả đồi, một ngọn núi không biết bao lần đổi chủ mà kết quả chẳng đi tới đâu, chỉ tội cho những người lính đã bị hi sinh vô ích (en vain). Ngoài đời, ta cũng được đọc những lời lẽ cổ vũ tương tự trên những bức chương rách nát dán chồng lên nhau, chẳng khác chi các tờ quảng cáo cho mấy loại thuốc gia truyền chuyên trị bịnh hôi nách hay ghẻ cóc cả. Bởi vậy từ ngữ càng mang ý nghĩa cao cả chừng nào, ta càng phải biết quí trọng và sử dụng thận trọng chừng nấy. Để bảo toàn ý nghĩa thanh tao cho chúng, chỉ nên sử dụng trường hợp cần thiết, chính đáng như trong Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo hay tiếng hô vang « hi sinh », « quyết chiến », « quyết thắng » của các bậc bô lão tại Hội nghị Diên Hồng. Còn đem sử dụng một cách tùy tiện bừa bãi, chẳng mấy chốc ta khiến chúng mỗi lúc thêm giảm giá, mỗi lúc thêm sa đọa chẳng khác gì chữ « yêu » thốt ra từ miệng lưỡi gã sở khanh, hay câu mở miệng « Mô Phật » của mấy ông sư hổ mang hay mấy bậc « cẳng » tu chuyên nghề buôn thần bán thánh.
Nhưng làm sao để xác định dược một cuộc chiến là chính đáng, là có chính nghĩa, để phân định được ai là chính ai là tà. ? Đây là câu hỏi gai góc, khó tìm ra câu trả lời, nhất là ở kỷ nguyên tin học thuận lợi cho các chủ nghĩa, các ý thức hệ, các phe phái tôn giáo đua nhau bành trướng như thời đại chúng ta. Bên nào cũng cũng cho mình là có chính nghĩa, cũng giành phần lẽ phải về mình. Mà những kẻ tà tâm lại là những kẻ thích giương cao lá cờ chính nghĩa hơn ai hết. Đó là trường hợp những kẻ mắc chứng cuồng vĩ ôm mộng dược tôn lên hàng đại diễn viên lịch sử, những kẻ đầu cơ chính trị hoặc những tập đoàn lái súng coi chiến tranh là một thị trường kinh doanh lấy cái chết người khác làm cơ hội gây dựng sự nghiệp cơ đồ, mà hậu quả khốc liệt vẫn là hủy diệt sự sống : môi trường, đô thị, di tích lịch sử, thậm chí những cái được coi là tốt đẹp nhất cho đời sống con người : tình yêu, hạnh phúc, tình gia đình, tình người… Hai cuộc Đệ nhất, Đệ nhị thế chiến không nói làm chi, chỉ cần nhìn vào chiến cuộc còn tiếp diễn tại Trung Đông, đặc biệt tại Syrie là đủ thấy. Lại mới đây thôi, Kim Jung Un lãnh tụ Bắc Triều tiên cũng ôm mộng dược làm thánh nhân như Tần Thủy Hoàng, Hitler, Staline, Mao Trạch Đông hay Pol Pot : Trong khi người dân trong nước phải sống lầm than cực khổ trước nạn đói thường trực đe dọa, bao nhiêu tiền của đều dồn vào việc chế tạo vũ khí nguyên tử để dương oai diễu võ chọc tức thiên hạ. Báo hại cho các hội viên Bảo An Liên Hiệp Quốc lo sốt vó, hết bàn lại họp tìm cách can giải. Chỉ sợ thứ người học làm bạo chúa đang nảy mầm (tyran en herbe) còn trẻ người non dạ ấy, trong lúc tinh nghịch, lỡ bấm lầm một đầu đạn nguyên tử tới một quốc gia lân cận khiến có thể gây ra đại họa thế chiến thứ ba. Khi đó không biết bao nhiêu con người vô tội sẽ bị thiệt mạng oan uổng. Thế mới biết tư tưởng gia kiêm khoa học gia Blaise Pascal (1623-1662) đã không bấm quẻ sai tí nào khi ông lên tiếng cảnh báo ngay từ đầu thế kỷ 17 : « Con người không phải là thánh thần mà cũng không phải là con thú. Bất hạnh thay kẻ nào muốn làm thánh thần, kẻ đó sẽ biến thành thú. » (L’homme n’est ni ange ni bête, et le malheur veut que qui veut faire l’ange fait la bête » . Blaise Pascal, Pensées 358 – Classiques Garnier 1961, p.164).
Là nhà văn thiên chức, Hemingway không cho mình có sứ mạng đem rao giảng một học thuyết chân lý cho đời, mà chỉ nói lên những sự thật biết được ở đời. Bởi vậy ông không mấy quan tâm tới việc xác định thế nào là cuộc chiến có chính nghĩa hay không chính nghĩa. Vả lại theo ông, chính hay tà thường do nhận định chủ quan, có thể thay đổi với thời gian, tùy giai đoạn, đôi khi còn do tính toán lợi ích riêng tư. Bởi thế ta mới thấy diễn tấn tuồng có kẻ đang hết lòng giúp ta nâng cao lá cờ tự do chính nghĩa, bỗng bỏ rơi ta làm đồng minh tháo chạy. Cũng như trường hợp mấy kẻ ngày nào còn cùng ta cất cao lời ca hẹn một ngày về, nay lại bỏ ta về trước, về một mình. Cũng chỉ để hát hỏng thôi, nhưng vì tưởng có điều kiện được thêm no cơm ấm cật. Xét cho cùng, lòng người có sớm đổi thay nay trắng may đen, thì cũng dễ hiểu thôi. Đời mà. Chỉ tội cho hai chữ « chính nghĩa », mới ngày nào còn trên lá cờ phất phới tung bay, nay phải mang cái mùi khang khảng chỉ vì gió đã trở chiều. Nhưng dù gì, ai muốn làm gì, thi các từ ngữ thanh cao ấy, trước sau vẫn là những bông sen, « gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ».
Vậy đó, chữ nghĩa với Hemingway không chỉ có là phương tiện thông tin hay truyền đạt, mà còn là một phong cách diễn tả nữa. Mỗi từ vựng, với ông, còn có đời sống tinh thần riêng. Bởi vậy nhà văn không thể sử dụng chữ nghĩa nhất nhất theo từ điển được. Từ điển chỉ là cẩm nang để học sinh tra cứu mỗi khi làm luận văn nộp cho ông thầy ; nó cũng hữu ích cho một vài nhà làm văn hóa chỉ thích trưng tước vị đại học theo nghĩa từ điển mà không chịu trau giồi thêm kiến thức, để cái miệng được bô bô, nói cho thật kêu nghe sao thật nổ, mà không biết vì bên trong cái đầu hãy còn nhiều khoảng trống. Nhà văn cũng cần tới từ điển, có khi còn cần tới hơn ai hết. Nhưng nếu ông ta chi tra cứu từ điển để rồi cũng sử dụng chữ nghĩa đồng phục, đồng loạt như mọi người, chẳng mấy chốc ông ta sẽ biến chúng thành những xác chết ướp khô. Chỉ có nhà văn sáng tạo mới biết phả hơi thở đời sống vào chữ nghĩa, giúp chúng từ một bộ xương khô khốc, trở nên có thân xác, có linh hồn để chúng được hội nhập đời sống xã hội. Bản thân mọi chữ nghĩa đều hiền lành vô tội như lời nói trẻ thơ đầu đời, hay như cái nhìn bỡ ngỡ của ông An Dong, bà E Và trước khi cắn phải trái cấm. Còn xấu đẹp, hay dở ra sao, một phần do phong cách người sử dụng, phần còn lại do nơi bộ não người đọc. Không tin, cứ đi hỏi Bà Hồ Xuân Hương thì biết. Còn muốn chắc ăn, ta hãy tạm lấy các từ « điêm thúi » và « cao sang » làm thí dụ khảo sát. Mỗi lần nhắc tới « điếm thúi », chẳng cần tra từ điển, ai cũng hiểu từ đó muốn nói gì, chỉ định ai. Còn từ « cao sang » thường chỉ dành cho những kẻ giàu sang, quyền thế được coi là thuộc giai tầng thượng lưu xã hội. Nhưng có thực bao giờ chỉ ở chốn thanh lâu mới có hạng người điếm thúi ? Và chỉ tại những khu biệt thự sang trọng ta mới gặp toàn những kẻ được mô tả con nhà đài các kiêu sa ?
Giả dụ một cô gái nhà nghèo, gia đình sống trên mảnh đất bị sức mạnh của đồng tiền hay thế lực trục xuất để dựng lên những tòa biệt thự nguy nga hoành tráng. Vì muốn giúp cha mẹ già có phương tiện sinh sống và nuôi bày em nhỏ, cô đành chấp nhận kết hôn với một người nước ngoài. Chẳng may cô rơi vào một đường giây buôn người, nên trở thành một gái thanh lâu. Vậy khi thấy cô, do nghề nghiệp, phải đóng vai lả lơi với khách, ta có nên ném về phía cô cái nhìn thành kiến xã hội để bĩu môi chê là đồ điếm thúi ? Trái lại, trước cảnh mấy cô chiêu cậu ấm ngày ngày ra vào tại khu biệt thự sang trọng vừa được cất lên : Cô, cũn cỡn trong bộ đồ đúng mốt thời trang ngoại nhập « thịt thừa vải thiếu », nhưng lại điệu bộ « em chã em chã » ra đều ta đây con nhà gia giáo nết na. Cậu, nghênh ngang bên chiếc xe đắt tiền, điệu bộ ga lăng tây phương, cũng ra điều ta đây con nhà giòng dõi được cho du học nên người văn minh tiến bộ. Học hỏi để trở thành những Bill Gates Việt Nam, đem cái tinh hoa tiếp thu nới xứ người về đóng góp cho phát triển đất nước và công bằng xã hội đâu không thấy ; chỉ thấy đua đòi chạy theo mấy thói sống rởm khoe khoang phách lối, sao mà nhanh thế, sao mà tài thế. Họ đâu biết rằng càng phô trương cái vỏ văn minh kiểu cách chừng nào, họ càng chứng tỏ chưa trút bỏ được mặc cảm tự ti nhược tiểu chừng nấy. Bởi thế họ mới trâng tráo đua nhau khoe tiền khoe của, chắc gì được gây dựng bằng công sức mồ hôi nước mắt, hay chỉ bằng thủ đoạn lọc lừa hoặc mua chuộc quyền thế. Cứ tưởng được khoe khoang như thê, trước cảnh đa số người dân lương thiện vẫn phải tất tả ngược xuôi kiếm miếng ăn vi muốn trung thành với truyền thống dân tộc « đói cho sạch, rách cho thơm », là chứng tỏ ta đây đã thành công, vậy ắt là phải thành nhân. Thành công ư, chưa chắc. Còn thành nhân đâu không thấy, chỉ thấy rặt một bày vĩ nhân (từ « vĩ », theo tôi hiểu, trong tiếng Hán hình như còn có nghĩa là cái đuôi thì phải). Vậy mấy cậu ấm cô chiêu mô tả trên có đáng gán cho từ ngữ « cao sang » không ? Hay biết đâu khu biệt thự họ vẫn ra vào ấy lại chẳng là nơi chứa chấp không ít ổ « điếm thúi » ?
Có nắm được sự khác biệt giữa chữ nghĩa như là phương tiện truyền đạt và chữ nghĩa như là một phong cách diễn ta nêu trên, ta mới hiểu
được tại sao Hemingway lại viết ra có lúc không chịu nổi hay dung thứ nổi (tolérer) một số từ trừu tượng như danh dự, dũng cảm,
vinh quang hay chính nghĩa. « Tolérer », theo từ điển, có nghĩa là chấp nhận, chịu đựng hay dung thứ. Vậy mà tôi
lại dịch nhóm từ « ne plus tolérer » ra là « không hửi nổi ». Dịch dung tục như vậy, không cốt chỉ để gây xốc,
mà vì muốn làm sáng tỏ quan điểm chống chiến tranh của ông. Bằng cách sử dụng chữ nghĩa nêu trên, Hemingway không có ý chống đối mọi cuộc
chiến tranh.
Cái mà ông không chịu nổi là chủ mưu của những kẻ núp sau ý nghĩa cao quý của các từ ngữ đẹp đẽ để thực hiện ý đồ của mình.
Bởi vậy, Hemingway không đánh giá con người theo đường ranh phân định giữa chính và tà, : kẻ nào chung chiến tuyến với ta đều là chính,
luôn luôn được coi như trắng bóc ; kẻ nào đứng về phía địch chỉ có thể là tà, ắt lúc nào cũng phải tối thui. Lối phân biệt chủ quan,
triệt để như vậy, lại thêm tầm nhìn bị giới hạn bởi nhũng cặp kính cận thị mang đủ loại nhãn hiệu chủ nghĩa, ý thức hệ, tôn giáo cực đoan…,
chẳng những không giải quyết được gì, mà còn khiến cuộc chiến thêm dai dẳng, hận thù thêm chồng chất. Do được cọ sát với thực tế chiến trường,
Hemingway không đánh giá theo kiểu đó. Chính hay tà, với ông, không do đường ranh phân định danh nghĩa, mà là ở cái tâm, là do nơi lòng người.
Bởi vậy Henry, trong L’Adieu aux armes, mới có cái nhìn cảm thông và vị tha với Gino là người y được cử
tới thay thế : « Gino là con người yêu nước, do đó anh ta hay nói ra những điều đôi khi phân cách chúng tôi ;
nhưng anh ta là một con người dễ thương và tôi hiểu được lòng yêu nước của anh. Anh ta sinh ra đã là con người yêu nước. »
(Gino était un patriote, aussi disait-il des choses parfois nous séparaient ; mais c’était un gentil garçon et je comprenais son patriotisme.
Il était né patriote. Sdd, tr. 178). Cái nhìn tỉnh táo và vị tha ấy đã soi tỏ quan điểm chống chiến tranh của
Hemingway : Ông chỉ chống lại những cuộc chiến do mưu đồ vị kỷ của những kẻ chủ mưu gây ra ; trái lại, ông dành thiện cảm cho
những ai dấn thân vào cuộc chiến do thiện tâm, thiện ý và tin tưởng vào nghĩa vụ cao quí của mình. Sự đánh giá khách quan về chính,
tà nơi con người, hay đúng ra nơi mỗi con người trong chiến tranh sẽ được Hemingway trình bày cụ thể hơn qua một số nhân vật
trong Pour qui sonne le glas.
MỜI ĐỌC LẠI : Phần Thứ I HEMINGWAY : NHÀ VĂN CON NGƯỜI VÀ CÕI SỐNG