Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






VÙNG VĂN HIẾN

NGÀN NĂM KINH BẮC

VÀ NHỮNG NGƯỜI CON VÙNG NÀY



 

K inh Bắc là tên gọi  vùng đất  nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai màu mỡ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lại thuận tiện trong giao lưu kinh tế, văn hoá với các vùng miền cả nước. Kinh Bắc có nền văn hiến lâu đời (gồm tỉnh Bắc Ninh, một phần đất của tỉnh Bắc Giang và huyện Đông Anh và Phường Long Biên, Hà Nội ngày nay).   Từ những thế kỷ trước Công nguyên, vùng đất Kinh Bắc là một trong những cái nôi của văn minh lúa nước, nơi hình thành nền văn minh Đại Việt.  Đất Kinh Bắc cũng là nơi có nhiều lễ hội dân gian nhất cả nước và cũng là quê hương của những làn điệu dân ca Quan Họ đã được Tổ chức khoa học và giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Văn Miếu Bắc Ninh, nơi tôn thờ trên 600 tiến sỹ quê hương Kinh Bắc, chiếm 1/3 các vị đại khoa trong lịch sử thi cử của Việt Nam dưới thời Phong Kiến.

Ở Kinh Bắc  dày đặc các di tích  Chùa, Tháp, Đền, Đài, Lăng tẩm được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến, là những danh thắng lịch sử giá trị, nơi tham quan của khách thập phương.  Làng Đình Bảng có di tích  Lăng Lý Bát Đế, Đền Cổ Pháp, nơi yên nghỉ của các vua Lý. Ngoài ra còn có Đền Đô ( còn gọi là Đền Lý Bát Đế), nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, những bậc minh quân đã khai mở một triều đại vàng son ( từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 13) của nước Đại Việt.
Về thăm miền quê Kinh Bắc,  điểm dừng chân đầu tiên là làng Đình Bảng  (nay là Phường Đình Bảng)  thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng Đình Bảng có di tích  Lăng Lý Bát Đế, Đền Cổ Pháp, nơi yên nghỉ của các vua Lý. Ngoài ra còn có Đền Đô ( còn gọi là Đền Lý Bát Đế), nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, những bậc minh quân đã khai mở một triều đại vàng son ( từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 13) của nước Đại Việt.
"Khi Nhà Lý lên ngôi đã xây dựng nền quân chủ thống nhất, một lãnh thổ thống nhất và một chính quyền thống nhất và từ đó Nhà Lý đã xây dựng các cơ sở kinh tế xã hội và văn hoá, làm nền tảng cho nền văn hoá, văn minh Đại Việt sau này và xây dựng quân đôi vững mạnh. Dân ở thời bình làm nông nghiệp,còn khi có chiến tranh là những người lính. Với chính sách như thế, nhà Lý đã xây dựng nền kinh tế vững mạnh, đồng thời bảo vệ được lãnh thổ của Nhà nước Đại Việt” (Nguyễn Thạc Kim).

Bên kia bờ sông Đuống, tại làng Á Lữ trên đất Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có Lăng mộ Kinh Dương Vương,  có  Đền thờ Lạc Long Quân  và bà Âu Cơ ( trong truyền thuyết được coi là tổ tiên của dân tộc Việt Nam). Thành cổ Luy Lâu ở xã Thanh Khương với các di tích dinh thự, phố chợ, Đền đài, Chùa tháp nguy nga là những chứng tích khẳng định  đây từng là trung tâm chính trị, kinh tế thương mại, trung tâm Phật giáo và Nho giáo của nước Đại Việt.  Đặc biệt vùng đất  Thuận Thành  có nhiều công trình kiến trúc gắn với lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo ở Việt nam như: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp. Chùa Bút Tháp hay còn gọi là Ninh Phúc Tự là công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu với nhiều tượng Phật và cổ vật quý thể hiện sức sáng tạo trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của người Việt nam xưa.  Đặc biệt trong chùa Bút Tháp còn lưu giữ được nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc chạm khắc độc đáo có từ thế kỷ thứ 17, tiêu biểu là bức tượng gỗ Phật Bà nghìn tay nghìn mắt và toà tháp kiến trúc chạm khắc đá là Tháp Bảo Nghiêm hay còn gọi là Tháp Bút. Tên Tháp Bút đã được đặt tên cho cả ngôi chùa. Dù trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh cũng như quá trình bào mòn của thời gian, nhưng chùa Bút Tháp vẫn giữ nguyên được nét cổ kính” (Nguyễn Hữu Nam)

Đã có nhiều sách xưa nay nói về Kinh Bắc, sách “Danh nhân văn học Kinh Bắc”  do  Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc ấn hành năm 2001 của tác giả Duy Phi là sách mới xuất bản gần đây.  Sách, “Danh nhân văn học Kinh Bắc” giới thiệu khái lược tác giả, tác phẩm thơ của 68 danh nhân Kinh Bắc tiêu biểu từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XX.

Thời kỳ nào xứ Bắc cũng có những danh nhân văn học tiêu biểu. Thời Lý có thiền sư Vạn Hạnh với học vấn uyên bác, người đời gọi thơ ông là “sấm ký”. Thời Trần, xứ Bắc có Huyền Quang - người được coi là vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm về thi ca. Ngoài ra, thời kỳ này còn có Đào Sư Tích, Đoàn Xuân Lôi... với những bài thơ được hậu duệ lưu truyền. Thời Lê có Phó nguyên suý Tao đàn Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Thế kỷ XVI, xứ Bắc có Giáp Hải, người có tài văn chương, ứng đáp tinh nhanh làm sứ nhà Minh phải phục; Ngô Chi Lan nổi tiếng bởi tài làm thơ phú, từ khúc...

Thời kỳ rực rỡ nhất của văn học trung đại xứ Bắc phải kể đến Đoàn Thị Điểm với “Chinh phụ ngâm”, Nguyễn Gia Thiều với “Cung oán ngâm khúc”... Đó là những tác phẩm mang tính nhân văn cao cả, ảnh hưởng sâu sắc đến thi nhân nhiều thế hệ.

Nền văn hiến ở vùng đất Kinh Bắc ngày nay vẫn được thể hiện trong truyền thống văn hoá. Trong nền văn hóa, văn học hiện đại Việt Nam cũng  có một số nhà văn, nhà thơ xứ Kinh Bắc như nữ thi sĩ Anh Thơ trong phong trào thơ mới, nhận giải thưởng Tự lực văn đoàn (1939), giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001), có các tác phẩm tiêu biểu như: “Bức tranh quê”, “Chiều xuân”...; Hoàng Cầm – một nhà thơ tài hoa, có nhiều thi phẩm xuất sắc, đậm sắc thái quê hương Kinh Bắc như: “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”... Ngoài ra, còn có Bàng Bá Lân, Nguyên Hồng...nhà văn Kim Lân, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Xuân Diên, thần đồng hội họa Thành Chương, nhà văn Đỗ Chu với giải thưởng văn học Hồ Chí Minh năm 2012.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .