Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Đền Thờ Hai Bà Trưng






NỮ HOÀNG ĐẾ LĨNH NAM



Ô - tô đưa chúng tôi xuyên con đê vòng vèo cua tay áo, cỏ xanh miên man, qua những cánh đồng lúa vàng nhấp nhô sóng lượn, đến cửa sông Hát Môn, một nhánh của sông Hồng, tưới đồng vàng quê lụa ngoại thành Hà Nội, thăm đền Hát Môn. Nơi đây in dấu tích đàn thề, âm vang tiếng Hai Bà Trưng truyền hịch khởi nghĩa vang dậy núi sông.

Ngôi đền Hát Môn ngự giữa không gian xanh mượt cây trái màu mỡ phù sa. Lúa đang vụ gặt, đồng thơm hương. Rơm rạ vương thơm những con đường nhỏ. Từng đàn bò ung dung gặm cỏ ven đê. Những vườn chuối xanh tươi trĩu buồng quả. Vườn nhà xum xuê cam, cau, bưởi, nhãn, na, chanh, mít, xanh thắm làng thôn. Tiếng gà gáy xa xa.

Trong hậu cung. Khói hương trầm mặc. Chúng tôi lặng chìm trước hai pho tượng nữ tướng lừng lẫy non sông muôn thủơ, nguyện cầu anh linh hiển sáng, phù trợ cháu con gìn giữ giang sơn gấm vóc các vua Hùng gửi lại. Hai pho tượng nữ tướng gương mặt hồn hậu, hai má bầu đầy đặn, đôi mắt thăm thẳm tình yêu non nước, tình mẹ, tình vợ nhớ thương chồng vời vợi xuyên năm tháng.

Khói hương trầm linh diệu. Không gian cảm ứng, vang lên tiếng Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc luận tội bọn Tô Định, hà ngược, tham bạo:

“Ta trộm nghe chính sự là để lo việc trị bình cho dân. Vì vậy nền chính trị đáng gọi là chính trị cốt yếu là ở chỗ được lòng dân mà thôi vậy. Hãy thử xem, Tử Du làm quan ở Vũ Thành thì được xưng tụng về tiếng huyền ca. Ông thích đàn ca, ít dùng hình pháp để cai trị, khiến dân được yên vui.

Tử Tiên cai trị ở Thiện Phủ thì nổi danh vì được lòng người. Gần đây thì có Ngô Công là đứng đầu bậc trị bình. Những người ấy quả là đã làm được việc tốt về chính trị. Lại như Tử Lộ cho rằng thuyết chính danh là vu khoát. Thái Thúc coi lời nói về lẽ “nước lửa” là đáng ngờ mà việc Hoàn Bồ hối hận không kịp. Đó đều là những kẻ không biết hành động hợp với thời chính vậy.

Nay nhà ngươi nắm chính sự mà hễ ai nói lời thành thực, bàn mưu kế hay thì đem làm tội ngay, kẻ chạy việc cho mình, thuận theo ý mình thì khen thưởng lớn. Bọn hoạn quan đã chuyên quyền, lũ cung thiếp đã can dự vào chính sự thì tuy rằng cái lệnh yên dân không lúc nào không có mà lòng khắc bạc vẫn ngày càng ngang ngược, khốc liệt. Vắt ép dân để tăng của cải. Bòn kiệt sức dân không đủ để phục dịch. Tự cho là giàu mạnh vì có cái thế của Thái A mà không biết đến sự khuynh bại, quả là ở vào cái thế nguy của giọt sương buổi sáng. Đã như vậy lại không biết cứu gỡ bằng sự khoan hầu thì cảnh nguy vong sẽ đến ngay lập tức”.

Đâu đây trong hậu cung đền Hát Môn, tiếng Bà Trưng Trắc uất hận kể nỗi đau mất chồng và truyền hịch kêu gọi nhân dân đứng lên chống giặc:

- Quan Thứ sử Giao Châu là Tô Định xem xong bài Cổ kim vi chính luận (Bàn về việc làm chính sự xưa nay) của Thi Sách, đùng đùng nổi giận, bắt chàng mà giết đi. Ta vô cùng căm phẫn. Chúng dám giết chồng yêu của con gái Hùng tướng ở đất Mê Linh, Phong Châu cổ kính của vua Hùng. Chồng ta, Thi Sách, người có học, đạo cao, đức trọng, ở đất Chu Diên, huyện Đông Anh, là con trai Lạc hầu, dòng quan chức của Hùng Vương. Chúng dám đụng tới Hùng khí cha ông hun đúc nhiều đời trong gia đình, dòng họ vợ chồng ta, chòm xóm, dân làng ta. Chúng phải đền tội.

Để trả mối thù chồng, đền nợ nước, cứu muôn dân, ta cùng em gái là Trưng Nhị dấy binh và truyền hịch đến các quận.

Lời hịch rằng:

“Kẻ đầu xỏ tội ác từ lâu đã ấp ủ lang sói.
Người có đức, có nhân vẫn hằng nuôi chí tiễu trừ.
Thẻ trúc ruổi sao, sấm động ba quân.

Nước ta khai sơ lập nghiệp vốn từ thủơ vua Hùng, quan an, dân lạc, nhà nhà tất thảy đều êm ấm. Gió thuận, mưa hoà, lúa mỗi nhánh nảy hai hạt mẩy. Đời sau kế thừa đời trước, trải năm có tính đến số nghìn. Đến thời An Dương Vương, qua thời Triệu Vũ Đế, không may đức suy, gặp phải tai hoạ. Bọn Hi Tải, Chu Chương, Nguỵ Lang kế tiếp nhau làm quận thú. Lũ Đặng Nhượng, Tích Quang, Đỗ Mục thay thế nhau làm châu mục. Bọn ấy tuy tham lam hoặc liêm khiết không giống nhau, nhưng chưa có bọn nào quá ư bạo ngược, hà khắc.

Đến nay, kẻ yêu nghiệt họ Tô tham tàn, bạo ngược. Giết hại đám thương sinh, coi sừng tê, ngà voi là quí. Khinh miệt bậc hiền tài, lấy giống chó, loài ngựa làm trọng. Khai mỏ vàng thì dân rét thấu xương, mặt xanh, da nát. Lấy ngọc châu thì sâu mò miệng rồng, trăm đi một về. Thuế má nặng nề, dân phải dốc thạc vét kho. Hình phạt phiền phức, liên luỵ xóm giềng làng mạc. Dân chẳng được sống yên, vật không có chỗ ổn.

Ta đây, vốn dòng dõi nước Trời, con cháu Hùng tướng, thương con đỏ hãm rơi vực thẳm, không được chăn êm, gối ấm, họp nhân mưu, hưng nghĩa chúng, tái lập chính, diệt trừ tàn bạo ngược, tham ác, đồi bại xấu xa.

Các người đều có trí khôn, tiên tổ đã cùng dòng, thù nước ắt phải báo. Hãy sát cánh với nhau, giương cây cung mạnh, diệt trừ ngoại xâm, tháo nước sông Thiên Hà mà tẩy rửa binh khí. Nghiệp Hồng Bàng vì thế mà được tái tạo. Dòng giống Lạc nhờ đó mà hết tiếng kêu than.

Bảo vệ xã tắc, gối đầu lên giáo mác chính là lúc này đây. Hãy làm cho công danh được ghi vào tre lụa chẳng tốt đẹp lắm sao? Nếu còn có kẻ nào vẫn hồ nghi do dự thì hịch này truyền đến tất được soi sáng. Hãy nên gắng hết sức mình”.

Tiếng hịch truyền lan trên sóng lúa. Những bông lúa vàng mẩy hạt ngả vào nhau về một phía. Lòng người bừng dậy khắp thôn trang. Sông núi cồn cào đứng dậy. Nỗi căm giận kẻ giặc bạo ngược tham tàn ủ trong lòng người, cùng cháy lên. Người người đồng thanh hưởng ứng, nổi lên đánh Tô Định.

Tiếng hịch vang tiếng sấm trống đồng gọi muôn dân đứng dậy. Tiếng hịch của nữ tướng ra đời từ Trang Cổ Lôi. Cổ Lôi có nghĩa là tiếng sấm vang xa từ trong trống đồng. Vùng Cổ Lôi đồng cỏ rậm rì tít tắp, dân nuôi nhiều trâu bò, luyện voi rừng, trồng dâu, trồng lúa. Trong vùng có những mảnh quặng đồng lộ thiên, nguồn tài nguyên phong phú để đúc trống, chiêng, loa, đồng và binh khí.

Người ta truyền nhau kể dõi nữ tướng truyền hịch non sông:

- Tiếng hịch của con gái ông bà Lạc tướng Hùng Định uy danh một vùng địa linh nhân kiệt nức lòng muôn dân. Thân mẫu Hai Bà vốn dòng Lạc tướng. Khi trở thành phu nhân của Lạc tướng Hùng Định bà làm nghề tơ tằm, trồng cấy lúa tại Trang Cổ Lôi, một vùng trù phú gồm hàng chục làng của hai huyện Lương Sơn- Hoà Bình và Thạch Thất- Sơn Tây. Ông bà Hùng Định là nhà đại điền chủ, nhà từ thiện nổi danh. Ông bà thường phát chẩn cho dân các làng, phát thuốc cho người bệnh. Lạc tướng Hùng Định và gia đình y võ sư Đỗ Năng Tế thường rèn luyện võ nghệ cho các con cháu và hương binh bản bộ ở làng Vân Lôi theo nghĩa “Lửa văn, lửa vũ” trong Đông y. Lửa vũ đun nước đầu chóng sôi, lửa văn dịu nhỏ để đun nước thuốc đặc dần, không làm giảm chất của thuốc. Bà Trưng Trắc được nuôi rèn từ nhỏ trong “Lửa vũ, lửa văn” là người hùng dũng, có nghĩa khí, có khả năng quyết đoán đại sự.

Dân chúng đánh cồng vút thanh âm ngợi ca vợ chồng Lạc tướng Hùng Định nặng lòng yêu nước, thương nòi:

- “Ông bà đã chứng kiến dân Việt Lĩnh Nam bị bọn quan quân xâm lược Hán triều áp bức, bóc lột cùng cực. Người dân muốn sống..” Sống không được. Muốn chết. Chết cũng không xong. Chúng bắt dân lên rừng đào vàng bạc, tìm sừng dê, ngà voi, gỗ quí, trầm hương, xuống biển mò ngọc trai, đồi mồi, bào ngư dâng nộp. Tính mạng con người như đá treo trên sợi tóc. Rồi nạn sát phu hiếp phụ, nạn đốt sách, thu trống đồng, thủ tiêu văn hoá, văn tự khoa- đẩu của Việt tộc. Nạn sưu dịch, tô thuế, cống nộp các đặc sản địa phương: tơ tằm, quả vải, nhãn, quýt, muối biển…

Từ thời Vương Mãng, lợi dụng chính sự Trung Hoa xáo trộn, các cừ soái Lĩnh Nam rục rịch nổi dậy chống ngoại xâm Hán tộc. Nhưng vì thiếu minh chủ nên các cuộc khởi nghĩa khó thành công.

Lạc tướng Hùng Định, hậu duệ cuối cùng của dòng dõi vua Hùng đau đớn thấy sức mình chưa đủ mạnh để khởi nghĩa”.

Nay sức mạnh lòng dân nung nấu, muốn vùng dậy chống Hán. Muôn dân đồng tin tưởng tiếng hịch non sông của Trưng Trắc.

Khắp các quận dấy binh tụ hội dưới cờ Hai Bà Trưng.

Khởi nghĩa quật cường.

Khắp các ngả đường, ngõ xóm, bờ lau, rừng rậm, sông dài., núi cao. Những tiếng hô vang dậy:

“Đánh Nam Hán. Đuổi Tô Định”.

Mùa Xuân năm Canh Tý (40) Hai Bà lập đàn thề trang trọng trên bãi cỏ xanh mứơt mát bến sông Hát. Sau hồi trống đồng rền vang, hàng ngàn ngọn giáo mác nhất loại chỉ thiên. Hai Bà Trưng quần áo gọn gàng, Trưng Trắc thắt chặt vành khăn tang chồng, dũng mãnh lên bánh voi, chỉ huy nghĩa quân.

Sông núi cánh đồng, làng mạc, quân dân, voi chiến, ngựa chiến, thuyền chiến, vang vọng lời thề:

Một xin rửa sạch thù nhà
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này

Từ con sông Mẹ (sông Hồng), chảy sang sông Hát, sông Đáy, đến các dòng sông đều hợp lại, nối nhau trong những trục đường thuỷ vận chuyển nghĩa quân, vũ khí diệt giặc. Những khu rừng rậm cây cối um tùm là nơi luyện ngựa, luyện quân, cất giấu lương thực của Hai Bà. Đồng Táng gần nương dâu của gia đình Hùng Định là mồ chôn quân Hán. Những trận đánh giáp lá cà ác liệt về đêm. Voi là con vật hiền dũng hai chị em Trưng Trắc dùng làm phương tiện đánh giặc và vi hành. Mỗi khi xung trận trên bành voi gan góc, giặc kinh khiếp đất Lĩnh Nam đàn bà dũng cảm, quật cường.

Tô Định thua to phải chạy về Nam Dương. Vua Hán nổi giận, biếm chức Tô Định, đẩy hắn ra châu Đạm Nhĩ.

Khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà Trưng cùng quân dân ta lấy lại sáu mươi lăm thành thuộc đất Lĩnh Nam rộng lớn đến Nam sông Dương Tử và lập triều đình riêng.

Dân Việt hát ca: “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.

Bà Trưng Trắc được quân thần nước ta tôn hiệu cao nhất là Hoàng Đế Lĩnh Nam. Mặc dù triều đình Hán chỉ gọi Bà ở bậc thấp hơn là Trưng Vương. Tước Vương thấp hơn tước Đế.

Bà Trưng thu được sáu mươi lăm thành toàn cõi Lĩnh Nam, lên ngôi vua, đóng đô ở Chu Diên.

Một mình vò võ trên ngai vàng, nữ hoàng đế Lĩnh Nam thảng thốt nhớ thương chồng:

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi


(Ngân Giang)

Vua Hán không để Bà Trưng được yên. Sai Mã Viện, Lưu Long làm tướng trở sang xâm lược nước ta. Bà Trưng cầm cự với quân Hán ở Lãng Bạc. Qua một năm, quân của Bà rơi vào thế bất lợi, phải lui về giữ đất Cấm Khê. Bỗng gió dập mưa dồn, thuỷ binh của Bà chìm đắm, bộ binh rối loạn. Không chịu để thân vàng ngà ngọc rơi vào tay giặc, Hai Bà tự vẫn trên dòng sông Hát.

Sau khi thắng Hai Bà Trưng ở Suối Vàng, Mã Viện và các tướng giặc còn phải tiếp chiến dài ngày với những đạo quân của Lĩnh Nam ở Nhật Nam, Cửu Chân, Lão Qua (Ai Lao), Thanh Hoá, Nghệ An… Hơn một năm sau, tháng 9- năm 44 cuộc chiến mới tàn lụi.

Mã Viện thu trống đồng mang về nước và đúc ngựa. Hắn dựng cột đồng làm mốc hạn cuối cùng của nhà Hán. Mã Viện thề: “Cột đồng gãy, Giao Chỉ diệt”. Người Việt ta đi qua dưới cây cột đồng ấy, lấy đá chất vào, thành gò đống, vì sợ cột ấy gẫy.

Dân ta thương nhớ, lập đền thờ Hai Bà ở cửa sông Hát Giang. Hễ có ai đến cầu đảo ở Đền Hai Bà đều linh ứng.

Chuyện kể rằng đời vua Lý Anh Tông, gặp năm trời hạn hán, vua cầu đảo ở Đền Hát Môn, bèn có mưa, không khí mát lành. Vua mừng vui thiu thiu ngủ dưới mái đền xanh bóng cây. Bỗng vua mơ màng thấy bóng Hai Bà đội mũ phù dung, mặc áo xanh, váy đỏ, đi xe ngựa sắt kéo, theo mưa gió đến bên vua.

Nhà vua hỏi:

- Thưa nhị vị tướng quân, có phải Hai Bà Trưng linh ứng hiện về?

Hai Bà đáp:

- Hai chị em họ Trưng chúng ta, vâng mệnh Thượng đế làm ra mưa đó.

Vua ân cần dâng lễ mời trầu têm cánh phượng. Hai Bà giơ tay ngăn lại. Bỗng nhà vua bừng tỉnh, sai trùng tu lại Đền Hát Giang, dùng lễ thái lao, giết hai con bò, long trọng tế Hai Bà.

Về sau, Hai Bà lại hiện về giấc mộng của nhà vua, xin lập đền ở Hương Cổ Lai. Vua y lời, xây Đền Cổ Lai, phong Hai Bà Trưng là Nhị vị Phu Nhân.

Nhiều nơi thờ Hai Bà ở khắp nơi: Đền Hát Môn, Đền Hạ Lôi, Đền Đồng Nhân (Hà Nội)... Những khăn áo tế tự ở Đền Hai Bà không dùng màu đỏ. Đó là màu máu. “Màu tử trận” hy sinh vì nước của các vị tiên liệt thời Lĩnh Nam.

Ông từ trông đền Hát Môn bảo:

- Trước năm 1945, khi đang lễ hội, có chầu tế trong sân đền, khách đi qua cửa đình nếu mặc áo quần hay khăn đỏ, che lọng đỏ, thì dù quan nghè hay tổng đốc cũng đều bị tráng đinh sở tại tới yêu cầu thay trang phục hay màu khăn, màu lọng, nếu là dân thường thì bị nêu tên, phạt vạ.

Di tích, chứng tích về cuộc chiến của Hai Bà chống giặc Hán còn muôn thuở linh thiêng tại nhiều nơi trên vùng đất Lĩnh Nam của Lạc tướng Hùng Định.

Miếu thờ thần Quản Mã, Quản Tượng là những người huấn luyện voi ngựa cho Hai Bà và các tướng tại Khoang Mục, cách Cổ Lôi khoảng ba cây số. Xung quang Khoang Mục là bãi cỏ non rộng ngút ngàn, dâng thức ăn cho trâu bò, voi, ngựa.

Quán Ao Sen trước cửa đền Hạ Lôi (Thạch Thất- Hà Nội) thờ gia đình Hai Bà Trưng, có một ao trồng sen rộng khoảng vài mẫu gọi là Ao Sen. Xung quanh Quán Ao Sen có ba cây đa cổ thụ cao vút trời xanh, theo thế tam gíac.

Dân làng truyền nhau chuyện “Nồi da xáo thịt”:

- Thời Lĩnh Nam, tuy có nhiều quặng, đồng trong vùng, song phải dùng đúc vũ khí, chiêng, trống, loa, cồng, nên rất thiếu vạc đồng loại to để làm bếp nuôi quân. Nhân dân giết trâu bò, gỡ lấy thịt, còn da trâu căng rộng ra, nối vào rễ phụ của ba cây đa, đứng theo thế chân kiềng bắc bếp, làm nên chiếc vạc lớn, đem thịt chất lên vạc bằng da đó, chất củi đun thịt chín trong vạc da. Từ đó có thành ngữ “Nồi da nấu thịt”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tại một bản Mường giáp ranh giữa hai huyện Lương Sơn và Thạch Thất còn di tích Làng Nam Giao, có nơi Hai Bà Trưng lập Đàn Nam Giao cúng tế Trời Đất. Sau khi đuổi sạch quân Đông Hán, Bà Trưng Trắc được suy tôn làm Hoàng Đế Cõi Lĩnh Nam, lễ đăng quang được cử hành trọng thể. Hoàng Đế Lĩnh Nam trong triều phục khăn áo vàng, cùng triều đình tới Đàn Nam Giao đã đắp sẵn, để tế lễ và tạ ơn Trời Đất và các tiên vương dòng Hùng.

Trong vùng Cổ Lôi Trang, cánh đồng phì nhiêu có miếu Quan Hoàng thờ Quan Hoàng Ba, đọc kiêng huý là ông Hoàng Bơ, em trai và là vị huân thần dũng tướng của Hai Bà Trưng. Ông Hoàng Bơ thường hoá thân hiển hách trong giá đồng thờ Mẫu. Bà Bát Nàn, tướng quân Vũ Trinh Thục của Hai Bà Trưng được tôn làm “Bà Chúa Thượng Ngàn” trong Tứ phủ công đồng Đạo Mẫu. Sinh thời bà được Hoàng đế Lĩnh Nam trao quyền thống quản mười tám cửa rừng từ Bạch Hạc xuống tới đèo Ba Dội.

Sử sách xác nhận thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, nước ta vẫn còn là Lĩnh Nam thuộc thời kỳ Văn Lang- Bách Việt. Lãnh thổ Lĩnh Nam Bách Việt cũ trước và thời Hai Bà Trưng gồm vùng Động Đình Hồ nay thuộc tỉnh Hồ Nam Trung Quốc gọi là đất Dương Việt. Địa bàn của người Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử (từ núi Ngũ Lĩnh) đến Hà Tĩnh ngày nay.

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã thu lại được sáu mươi lăm thành từ Nam sông Dương Tử đến Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thuộc vùng đất miền Bắc nước ta hiện nay.

Sách Lĩnh Nam Chích quái liệt truyện- Truyện Hồng Bàng ghi: “Nhà nước Văn Lang: Đông giáp Nam Hải (nay là Quảng Đông- Trung Quốc) Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên- Trung Quốc) Bắc đến Động Đình Hồ (nay thuộc Tỉnh Hồ Nam Trung Quốc) Nam đến nước Hồ Tôn (Chiêm Thành).

Giáo sư, Bác sĩ Trần Đại Sỹ (Trường Y khoa Arma- Paris, Giám đốc Trung Quốc sự vụ Viện Pháp- Á ) dịp khai giảng niên khoá 1991- 1992 tại Viện Pháp- Á đã công bố nghiên cứu khoa học của ông bằng cổ sử, triết học, khảo sát địa lý, di tích các vùng trên tại Trung Quốc, và hệ thống ADN, Trần Đại Sỹ xác định biên giới cổ của Việt Nam đúng như Truyện Hồng Bàng.

Trần Đại Sỹ đã du ngoạn Động Đình Hồ cái nôi của Việt tộc. Ông đã xác định ADN huyết thống Việt tộc tại vùng Động Đình Hồ và hùng hồn tuyên bố:

- Cho tới Bắc thuộc lần I, từ phía Nam sông Dương Tử xuống là vùng đất cư trú của cư dân Bách Việt, không cùng hệ thống ADN với người Trung Quốc.

Công trình khoa học về hệ thống AND của Trần Đại Sỹ đã kết thúc cuộc tranh cãi chín mươi năm qua về biên giới cổ của Việt Nam. Kết luận về nguồn gốc dân tộc Việt Nam bằng AND đảo ngược tất cả các thuyết từ trước đến nay cho rằng “Người Việt do người Hoa di cư xuống để trốn lạnh, để tỵ nạn..”

Thực tế ADN khẳng định:

“Chính người Việt tộc vùng Đông Nam Á đã đi lên phương Bắc để thành người Hoa”

Giáo sư, bác sĩ Trần Đại Sĩ nói:

- Tôi may mắn biết chừng nào về công cuộc đi tìm về lại biên giới cổ và nguồn gốc tộc Việt. Quí vị sẽ thấy rằng tộc Việt chúng tôi anh hùng biết bao. Tôi được học Nam sử bằng chữ Nho. Người Việt cổ có một sức bảo vệ quốc gia cực mạnh. Sang đầu thế kỷ thứ nhất , nổ ra cuộc khởi nghĩa của một phụ nữ và một trăm sáu mươi hai anh hùng, trong đó có hơn trăm là nữ. Cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, đuổi ngoại xâm Trung Hoa, lập nên triều đình Lĩnh Nam. Nối tiếp các thời đại sau đều có tinh thần bất khuất để tạo thành niềm tin vững chắc. Tộc Việt đã chiến đấu không ngừng để chống cuộc Nam tiến liên miên trong hai nghìn năm của người Hoa. Bất cứ thời nào, người Việt dù bị phân hoá đến đâu, nhưng khi đất nước bị ngoại xâm, họ lập tức ngồi lại với nhau để bảo vệ quốc gia. Trong những lớp phế hưng của lịch sử Việt Nam, hễ ai dựa theo chủ đạo tộc Việt, họ đều thành công trong việc cai trị dân. Việt Nam nay đang trên đà phục hưng chủ đạo tộc Việt.

Tôi đi tìm nguồn gốc tộc Việt nhiều nhất bằng phương pháp y khoa, dùng biện chứng y khoa vào khảo cổ. Nước tôi có một tôn giáo mà toàn dân đều theo, đó là thờ các anh hùng dân tộc. Tại những đền thờ chư vị anh hùng, thường có một cuốn gia phả kể sự tích các ngài. Theo thời gian, tiểu sử các ngài được dân chúng huyền thoại hoá, nên dù là huyền sử cũng có chứng tích con người thật và khảo cổ học đã trả lời chính xác. Chúng tôi dùng hệ thống AND, hệ thống sinh học mới nhất thử nghiệm ngay những người đang sống của ba mươi lăm dòng họ tại Hoa Nam, những dòng họ khác tại Hoa Bắc. Lại cũng thử nghiệm những bộ xương của ba vùng trên, không phân biệt thời gian. Cuối cùng chúng tôi tìm ra sự khác biệt của những tộc Hoa Nam, Việt Nam, với những tộc Hoa Bắc và kết luận: “Lãnh thổ Văn Lang tới Hồ Động Đình”.

Cổ sử nói rằng trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng khi Trưng Nhị, Trần Năng, Phật Nguyệt, Lại Thế Cường, Trần Thiếu Lan đem quân đánh Trường Sa năm 39, thì nữ tướng Trần Thiếu Lan tử trận, mộ chôn ở ghềnh Thẩm Giang (sự thật là Tương Giang thông với Hồ Động Đình). Năm 42 có trận đánh giữa Lĩnh Nam và Hán. Tướng Lĩnh Nam Tổng trấn Hồ Động Đình là Phật Nguyệt, tướng Hán là Mã Viện, Lưu Long. Sau năm 42 ba thống lĩnh kỵ binh của Bà Trưng là Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống, Đào Tam Lang, đánh nhau với quân Hán tại Bồ Lăng thuộc Tượng Quận vùng Ba Thục (Tứ Xuyên).

Theo ánh sáng cổ sử và huyền thoại, cuối năm 1980 tôi bay đi Bắc Kinh, rồi đi Trường Sa là thủ phủ của tỉnh Hồ Nam. Tất cả các di tích của Việt tộc như Hồ Động Đình, núi Tam Sơn, núi Ngũ Lĩnh, Sông Tương, Thiên Đài, cánh đồng Tương đều nắm ở tỉnh này. Tôi đi tìm núi Ngũ Lĩnh không khó nhọc. Tôi thấy ngay đó là năm dãy núi gần như ngăn đôi Nam, Bắc Trung Quốc hiện nay. Lập tức tôi thuê xe đi vòng quanh năm núi này. Tôi đi mất mười ngày, trải gần mười lăm ngàn cây số.

Tôi đi thăm ngọn Thiên Đài, chia lãnh thổ Lĩnh Bắc tức Trung Quốc, Lĩnh Nam tức Đại Việt. Ngọn đồi nhỏ cao 179m, đỉnh tròn có đường thoai thoải đi lên. Trên đỉnh có ngôi chùa nhỏ, nay để hoang. Chùa xây bằng gạch nung, mái lợp ngói, nhiều chỗ bị khuyết, tường mất hết vữa, lún sâu. Duy cổng và nền bằng đá vẫn còn nguyên, cột kèo bằng gỗ đã nứt nẻ khá nhiều. Những câu đối, chữ còn, chữ mất.

Tại Thư Viện Hồ Nam, tôi tìm được một tài liệu rất cũ, giấy hoen ố, chữ viết như phượng múa, rồng bay. Đầu đề ghi Thiên Đài di sự lục do tiến sĩ Chu Minh Văn soạn, niên hiệu vua Đường Thái Tông năm 627. Sách được chép lại vào đời Thanh Khang Hy.

Tôi đọc sách nhắc lại việc vua Đế Minh đi tuần thú phương Nam, kết hôn với nàng tiên sinh ra Lộc Tục.

Thái tử Lộc Tục lên ngôi hiệu là Kinh Dương (năm Nhâm Tuất 2789 TCN). Sau người Việt lấy năm này là kỷ nguyên lập quốc. Tôi cộng cho đến năm 1991 tôi đến đền này là 4870 năm vì vậy người Việt tự hào rằng đã có năm nghìn năm văn hiến.

Kinh Dương đặt tên nước là Xích Quỉ, đóng đô ở Phong Châu nay là Phú Thọ. Vua Kinh Dương lấy con gái vua Động Đình là Long Nữ đẻ ra thái tử Sùng Lãm. Sùng Lãm lên ngôi hiệu là Lạc Long Quân, đổi tên nước là Văn Lang. Nước Văn Lang Bắc tời Hồ động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông Hải trong huyền thoại Việt Nam là có thật. Miếu thờ hai vua Đế Minh và Kinh Dương, tổ tông Việt tộc còn đây, hoang tàn đổ nát, không người phụng thờ hương khói. Đau xé lòng con cháu Việt tộc mấy ngàn năm.

Tôi chép một đoạn sách Thiên Đài di sự lục làm tin:

“ Cổ thời đỉnh núi có Thiên Đài thờ vua Đế Minh, vua Kinh Dương. Thời Đông Hán có một tướng của vua Bà tên là Đào Hiển Hiệu được lệnh rút khỏi Trường Sa. Khi rút tới Quế Dương ông cùng nghìn quân lên Thiên Đài lễ, nghe người đền kể sự tích xưa. Ông cùng quân sĩ nhất định tử chiến, khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm được núi.”

Tôi biết vua Bà là vua Trưng. Tướng Đào Hiển Hiệu là em con chú của Bắc Bình Vương Đào Kỳ lĩnh chức Đại Tư Mã thời vua Trưng. Còn tướng Đào Hiển Hiệu tước phong quốc công, giữ chức Hổ Nha đại tướng quân. Nữ tướng Hoàng Thiếu Hoa chỉ huy trận rút lui khỏi Trường Sa, Hồ Động Đình, đã sai Hiển Hiệu đi cản trận, đóng rút chặn ở Thiên Đài, đợi quân Lĩnh Nam rút hết, sẽ rút sau. Nhưng Hiển Hiệu cùng chư quân lên núi thấy di tích thời Quốc Tổ, Quốc Mẫu, đã không chịu lui quân, tử chiến với quân Hán trên mảnh đất Thiêng của Tổ Tiên Việt tộc.

Nơi đền cổ hoang nát Thiên Đài còn đôi câu đối khắc vào đá:

Thiên Đài đại đại phân Nam Bắc
Địa lĩnh niên niên dữ Việt Thường

Nghĩa là:

Từ sau lễ vua Đế Minh tế cáo ở đây, đài thành Thiên Đài, biết bao đời phân ra Nam, Bắc.
Núi Ngũ Lĩnh năm này qua năm khác với giòng giống Việt Thường.

Nơi bệ thờ Đào Hiển Hiệu có đôi câu đối:

Nhất kiếm Nam Hồ kinh Vũ Đế
Thiên đao Bắc Lĩnh trấn Lưu Long

Nghĩa là:

Một kiếm đánh trận ở phía Nam Hồ Động Đình làm kinh tâm vua Quang Vũ nhà Hán. Ý chỉ nữ tướng Phật Nguyệt đánh bại Mã Viện ở phía Nam Hồ Động Đình. Một nghìn tau đao do Hiển Hiệu thủ ở Bắc núi Ngũ Lĩnh trấn Lưu Long.

Như vậy là tôi đã tìm được di tích Tổ tông Việt tộc đã ghi trong cỏ sử và huyền thoại. Vua Đế Minh tế cáo Trời Đất trên vùng núi Ngũ Lĩnh là có thật. Và vì có Thiên Đài thiêng của Việt tộc, nên thời Lĩnh Nam của vua Trưng mới có trận Hồ Động Đình. Hai sự kiện đó chứng tỏ lãnh địa thời vua Trưng cũng như Văn Lang xưa tới Ngũ Lĩnh, Hồ Động Đình. Vua Trưng đã thu được sáu mươi lăm thành rộng lớn tới núi Ngũ Lĩnh là chiến công hiển hách huy hoàng của quân và dân triều đình Lĩnh Nam, làm cho mỗi chúng ta kinh ngạc.

Trong những năm 1979- 1989 tôi dẫn phái đoàn Uỷ ban y học Pháp đi trao đổi tại các tỉnh Phú Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quí Châu tôi thấy các tỉnh này ít nhiều đều có đạo thờ vua Bà. Tôi ghi chú được hàng trăm ngôi đền. Một cuốn phổ soạn chép sự tích nứ tướng Phật Nguyệt, có đôi câu đối:

Tích trù Động đình uy trấn Hán
Tên còn trong sử sức phù Trưng

Câu chuyện về giáo sư bác sĩ Trần Đại Sỹ đã dày công sức, tài năng tâm huyết đi vào những chi tiết huyền thoại, huyền sử, cổ sử, cùng triết học, tin học, y học, khảo cổ để tìm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam quả là một hiện tượng phi phàm, đầy thuyết phục khoa học. Không còn nghi ngờ. Không bàn cãi được.

Qua nhiều tài liệu xa xưa, của các vị quan Việt Nam đi sứ sang Trung Quốc, họ đã thắp hương trong những đền thờ Hai Bà Trưng ở Hồ Nam Trung Quốc. Nhiều vị sáng tác thơ gửi lại.

Tiến sĩ Nguyễn Thực (1544- 1637) người ở làng Vân Điền (tên Nôm gọi là làng Đóm) xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Ông thi đỗ tiến sĩ đệ nhị giáp (Hoàng Giáp) khoa thi đình đầu tiên thời Lê Trung Hưng (1595) mở tại Thăng Long. Ông được cử làm sứ thần Việt Nam đi Trung Quốc, thời gian này ông có làm một số bài thơ, sau bị thất lạc. Mãi đến thế kỷ XVIII, Lê Quí Đôn sưu tầm được mười bài, có bốn bài làm trong thời gian đi trên đường đi sứ về. Trong bốn bài đó, có một bài ông nói về Đền thờ Hai Bà Trưng ở phía Nam dãy núi Ngũ Lĩnh.

Nam Hoài Chỉ Ngũ Lĩnh

Ngũ Lĩnh điêu nghiêu trấn Việt thuỷ
Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kỳ
Uất thông, đông hậu thuỳ thiên cán
Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi
Đồng trụ Trưng Vương lưu cựu tích
Thạch Nhai Trưng tướng phục tùng trì
Phong cương đại cổ phần trung ngoại
Thậm tiễn thiên công xảo thiết thơ.

Dịch nghĩa:

Về Nam đến rặng núi Ngũ Lĩnh

Ngũ Lĩnh chất ngất trấn ở vùng biên cương đất Việt
Biết bao cảnh trí tươi tắn lạ kỳ
Sau mùa đông ngàn cây tùng xanh um
Tươi mùa xuân một cành mai diễm lệ
Cột đồng còn lưu dấu cũ Trưng Vương
Đường đá nghiêng nghiêng bên ngôi đền Trưng Vương
Chốn biên cương từ xưa phân rõ trong ngoài
Rất phục thợ trời sao khéo đặt hang.

Hai thế kỷ sau. Ngô Thì Nhậm (1746- 1803) được cử đi sứ nhà Thanh, có nhắc lại cụ thể là năm 1783, ông sáng tác một tập thơ có hình vẽ Hoàng Hoa đồ phả, trong đó có bài Phân Mao Lĩnh (Núi Phân Mao)

Nhất đới thanh sơn Sở, Việt giao
Hoàng Mao dịch lộ nhận Phân Mao
Thiên thu bất tận Hành Sơn Lĩnh
Địa khí hoành phù Nhạn Trạch Mao
Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ
Uy Đà quế để lạc sơn sào
Phong lai giải uẩn tay nam lợi
Vị ứng hùng bi vạn nhận cao

Dịch nghĩa:

Một giải núi xanh ở nơi giáp với Sở và Việt
Trên đường đến trạm hoàng mai nhận ra đó là núi Phân Mao
(Ranh giới Trung Hoa là do sách Trời đưa ra không quá núi Hành Sơn) (*)
Khi đất làm trôi ngược lông chim nhạn ô nhạn trạch (về phía Nam)
Lưỡi kiếm của Bà Trưng mở ra động phủ
Sân quế của Triệu Đà còn đầy trong hang núi
Gió từ Tây Nam làm nguôi cơn nồng
Coi thường núi Hùng bi dù cao tới muôn sải (**)

Ngô Thì Nhậm chú thích:

(*) “ Núi Phân Mao ở địa giới Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, ở đây có cỏ mao, rẽ hai ngả Nam Bắc, trên đường đi có biểu đồ Phân Mao Lĩnh”.
(**) “Sách cũ ghi rõ khi Mã Viện thắng lợi đã bắt hơn ba trăm tướng lĩnh cừ khôi người Việt của Hai Bà Trưng đưa về Linh Lăng ở phần đất phía Nam tỉnh Hồ Nam”.
Hùng Bi là một dãy núi ở huyện Kỳ Dương, vùng cực Nam tỉnh Hồ Nam.

Gần hai nghìn năm lịch sử biến thiên, con cháu Việt tộc dò những bước chân, soi kính khoa học hiện đại, vẽ lại bản đồ non nước Lĩnh Nam, càng sáng rõ hơn về khí phách oai hùng và chiến công đánh giặc ngoại xâm của Hai Bà Trưng thuộc tầm nhân loại. Người dân Việt đời này sang đời khác tôn thờ Hai Bà trong thế giới tâm linh hiển sáng. Sức mạnh tâm linh đó đang truyền cho thời đại chúng ta.

Thăng Long- Hà Nội tháng 4- 2012. Người kể chuyện Nữ Hoàng Đế Lĩnh Nam luôn bị ám ảnh về chuyện “Hai Bà Trưng về đền Hát Môn báo mộng cho vua Lý Anh Tông, xin xây đền ở Hương Cổ Lai. Vua đã xây đền Cổ Lai”. Câu chuyện hư ảo, mang màu sắc u linh, thần thánh, linh thiêng, mà ngôi đền Cổ Lai thì có thực. Cổ Lai thơm hương khói cả nghìn năm nay trên đất làng Việt Nam mà đức vua làm theo giấc mơ linh ứng là có thật.

Nhưng đền Cổ Lai ở đâu?

Thế rồi, linh thiêng làm sao. Ngày Lễ Phục Sinh 2012, tôi được về thắp nén tâm nhang tại ngôi đền Cổ Lai cổ xưa do vua Lý Anh Tông xây, theo giấc mộng gặp Hai Bà Trưng.

Ngôi đền linh thiêng huyền diệu Cổ Lai nay mang tên Đền thờ Hai Bà Trưng ngự ngay trong thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh thành phố Hà Nội.

Tôi hỏi ông từ trông đền:

- Thưa cụ, đây có phải là Đền Cổ Lai ở Hương Cổ Lai xưa không?

- Vâng. Đất này là Cổ Lôi Trang, là Hương Cổ Lai của gia đình Lạc tướng Hùng Định. Ngôi đền thờ này được xây trên nền đất ngôi nhà của Hai Bà thuở trước. Đây chính là Đền Cổ Lai.

Tôi rưng rưng linh cảm, linh nghiệm từng bước đi may mắn của mình, bất ngờ về tìm lại Cổ Lôi Trang. Thắp nén hương lòng trong hậu cung, trước hai pho tượng Hai vua Bà linh hiển của Lĩnh Nam, đặt tay trên hoa văn mặt Trống Đồng được thờ trang nghiêm trước tượng Hai Bà, tôi thầm khấn nguyện:

- Xin anh linh Hai vua Bà trở về cứu con cháu, phù hộ độ trì cho chúng con giữ trọn đạo Việt, trung hiếu nghĩa nhân quả cảm, thông thái và minh triết của các vua Hùng, vững lòng trước cuồng phong, bão tố để giữ gìn non sông gấm vóc Việt Nam, gọi an vui trở về trong mỗi tâm hồn Việt Nam hiện đại.

Bâng khuâng, xao xuyến trước khung cảnh đền Cổ Lai nghìn năm xưa, nay khang trang bề thế, một không gian trên mười hai ha, thơm hương khói. Ngôi Tam toà chính điện cổ được bảo tồn nguyên vẹn. Hai bên tả hữu có nhà thờ thân phụ, thân mẫu sư phụ, sư mẫu của Hai Bà, nhà thờ Thi Sách và thân phụ, thân mẫu, nhà thờ các nam tướng, nữ tướng.

Dưới gốc cây muỗm cổ thụ nở hoa trắng li ti, toả hương mát dịu chúng tôi lặng nghe ông từ kể chuyện triều đình Trưng Vương:

“Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta/ Thưởng công tướng lính, tạ lòng dân/ Ơn cha mẹ ơn chồng/ Thương dân giảm thuế, chăm lo cấy trồng/ Một lòng phụng sự non sông/ Chăm lo xây dựng triều đình nhân văn”.

Cổ Lôi Trang thiêng liêng! Cổ Lôi Trang hùng khí nay trở thành cánh đồng Hoa Hồng. Cánh đồng Hoa Hồng bạt ngàn hoa. Hoa Hồng của Hai Bà Trưng dâng tặng dân làng Cổ Lôi Trang. Hoa Hồng Cổ Lôi Trang thơm hương đằm thắm nghĩa vợ, tình chồng vua Bà Lĩnh Nam dâng tặng non sông Việt Nam. Linh thiêng thay! -./.

   Hồ Gươm 2010-2012

Cập nhật theo nguyên bản của tác gỉa đã chuyển khi còn sinh tiền .