Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







PHẬT DI LẶC
liên quan gì đến sự ra đời của
CHÁNH PHÁP ?





C ho đến hiện nay, với sự tích cực hoạt động của những nhà truyền giáo qua nhiều thế hệ thì Đạo Phật đã trở thành một trong hai Tôn Giáo lớn nhất, có mặt hầu hết các nước trên thế giới với số Tu Sĩ đông đảo đủ mọi quốc tịch. Chỉ riêng ở Việt Nam ta thì số Tăng, Ni chính thức đã lên đến gần 50.000 vị. Số tín đồ chính thức Quy Y là 45 triệu và gần 15.000 Chùa chiền, Tu viện, Tịnh thất. Chùa Chiền hoành tráng, sang trọng ngày càng mọc thêm lên, nhất là ở các nước Đông Nam Á. Việt Nam ta cũng đã phấn đấu để có những cái Nhất và giữ nhiều kỷ lục so với Chùa chiền thế giới như :

- Chùa Bái Đính mới khánh thành vài năm gần đây có nhiều cái nhất : Diện tích lớn nhất : 539 ha. Tượng Phật bằng đồng lớn nhất. Nhiều tượng La Hán nhất. Nhiều Cây Bồ Đề nhất.

- Chùa Ba Vàng thì có tòa Chánh Điện lớn nhất VN rộng tới 3.500m.

- Chùa Tam Chúc càng hoành tráng hơn với diện tích rộng 5.000ha, có báu vật là viên đá mặt trăng trị giá 600.000 USd và 1.200 bức tuợng bằng dung nham núi lửa được đặt làm từ nước ngoài mang về.

- Pháp Viện Minh Đăng Quang thì rộng 37.000m2 và giữ nhiều kỷ lục.

- Chùa Bửu Long tọa lạc tại Quận 9 thì được tap chí du lịch nổi tiếng thế giới National Geographic bình chọn là 1 trong 10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới, có bảo tháp chứa được trên 2.000 người.

- Nhiều Sư Tăng đã lấy bằng Tiến Sĩ Phật học ở nước ngoài. Nước ta cũng đã có tổ chức những kỳ thi lấy bằng Tiến Sĩ Phật Học, một số Tu Sĩ đã đạt kết quả với nhiều đề tài nói về sự tương quan giữa ĐạoPhật và xã hội.

Bề ngoài có vẻ như Đạo Phật đang được phát triển rất mạnh mẽ với số Chùa chiền ngày càng nở rộ, Tu sĩ ngày càng đông, nhiều vị đang phấn đấu lấy bằng Tiến Sĩ Phật Học để không thua kém ai. Tượng ngày càng to, Phật Tử Quy Y ngày càng đông. Những Lễ hội được tổ chức tưng bừng, thả hoa đăng lung linh cả một khúc sông. Những đợt Phóng sinh hàng chục tấn cá...Liệu những điều đó có nói lên là Chánh Pháp sắp ra đời như huyền ký nói về Hoa Ưu Đàm năm 3.000 mới nở một lần, báo hiệu một vị Phật ra đời hay Đức Kim Luân Vương hoặc Chuyển Luân Thánh Vương giáng thế, mà khoảng hơn hai chục năm trở lại đây đã nở rộ trên nhiều nước ?

Bắt đầu là tháng 7 năm 1997, Hoa Ưu Đàm xuất hiện trên tượng Phật ở Hàn Quốc, rồi sau đó là Đài Loan, Singapore, Pháp, Hongkong, Mỹ, Úc, Trung Quốc. Việt Nam thì ồ ạt, An Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Huế, Nghệ An, Daklac, Tuy Hòa, Phú Yên, Nam Định. Hoa Ưu Đàm còn mọc cả trên dây đèn trang trí hang đá Noel của Linh Mục Giu Se Vũ tại nhà Thờ Mai Khôi năm 2012. Năm 2015 thì xuất hiện ở Sơn Trà, Hương Sơn và tại nhà của nhiếp ảnh gia Hoài Sơn. Tại Cung Văn Hóa Tao Đàn Quận 1, tại Quận 7, Thủ Đức rồi Cái Bè, Tiền Giang. Vườn Thanh Long nhà tôi từ tháng 10/ 2017, Hoa Ưu Đàm đã 2 lần mọc trên cành Thanh Long, và 1 lần trên bình nhựa. Mới đây, tháng 7/2020 lại mọc trên cành Thanh Long. Tôi cắt vô chưng trong nhà thì đến mấy tháng sau mới tàn.

Có người cho rằng đó chỉ là trứng của một loài côn trùng có tên là Lacewings. Có người nói rằng không phải vì họ đã nhìn thấy cả hoa và trứng. Một Thạc Sĩ Sinh Học ở Phú Yên thì khẳng định đó là hoa, không phải trứng. Nhưng dù là hoa hay trứng thì tại sao trước đây không thấy xuất hiện mà phải đợi đến thời điểm cận kề năm 3.000 ? Dù sao chắc đây cũng là một điềm lành, theo tôi, niềm tin đó vô hại vì nó động viên mọi người thêm tinh tấn trên con đường tu hành.

Nói về Chánh Pháp, xin được nhắc lại một bài tôi đã viết cách đây mấy năm, có kể một số chuyện liên quan để thấy rằng nhiều Giáo phái ở nước ngoài cũng biết trước việc Chánh Pháp sắp ra đời. Đặc biệt cho rằng tại Việt Nam. Trước năm 1975, một nhà giáo trẻ rất giỏi ngoại ngữ có quen biết với một người Nhật, không biết thuộc Giáo Phái nào. Ông ta cho biết Ông từ Nhật sang việt Nam ở để chờ gặp vị Giác Ngộ mà theo Giáo Phái của Ông là sẽ ra đời tại Việt Nam. Trong một số Báo Xuân Tin Sáng, không nhớ chính xác là năm nào, (nhưng Báo này được cấp phép năm 1975 và đóng cửa năm 1981). Ở trang cuối có một thông tin khá lạ nên tôi chú ý, là có một Phái Đoàn Quốc Tế đến thăm Việt Nam, được hướng dẫn đi tham quan Thảo Cầm Viên. Khi được hướng dẫn viên giới thiệu tên khoa học của một loài hoa có tên là Vàng Anh - Saraca Indica - thì cả phái đoàn đều quỳ sụp xuống tỏ vẻ cung kính. Hướng dẫn viên ngạc nhiên hỏi lý do thì họ giải thích : “Đó là tên của một vị Cổ Phật mà họ đã đi tìm khắp thế giới nhưng không thấy. Đến đây lại được nghe xướng tên”. Chưa hết, nhiều năm trước, một bà bạn tu cùng thầy với tôi ( Chị Kính) đi theo đoàn tham quan ở Nha Trang, được hướng dẫn ghé thăm một ngôi Chùa. Bà chợt thấy trong quày bán đồ lưu niệm có tượng của Phật Chuẩn Đề là tượng bà tìm lâu lắm rồi, nhưng không gặp. Bà nói với người giữ quầy hàng cho bà thỉnh tượng đó. Người đó kêu bà chờ một chốc rồi vào trong mời Sư Trụ Trì ra. Vị Trụ Trì cho bà biết tượng này do một vị Sư ở nước ngoài, câu chuyện đã lâu nên tôi không nhớ là Tích Lan hay hay Miến Điện, năm nào cũng đến Chùa ở vài tháng . Chính vị Sư đã tự tay tạc và dặn Trụ Trì khi nào có người muốn thỉnh thì báo cho ông biết, vì người đó có liên quan đến Dòng Chánh Pháp tại Việt Nam. Thời điểm đó thì vị Sư đã về nước, nên Sư Trụ Trì xin số điển thoại của bà để báo lại. Sau đó thì gia đình bà dời nhà đi nơi khác và về sau nghe nói vị Sư đó cũng đã qua đời. (Tượng này gia đình bà bạn vẫn còn giữ).

Là Phật Tử hẳn ai cũng háo hức mong đến ngày Chánh Pháp ra đời. Nói đến Chánh Pháp là nói đến Đức Di Lặc. Nhưng Chánh Pháp là gì ? Ra đời tại đâu ? Hình thức sẽ như thế nào, vì trong Kinh Phật có nói rằng sau thời của Thích Ca là thời của Đức Di Lặc. Trong Hành Trình về Phương Đông Các Đạo Sĩ tiếp xúc với Nhà khoa Học người Anh cho biết các Đạo Sư sống ẩn dật trong Núi Tuyết hàng ngàn năm vẫn đang âm thầm chuẩn bị cho ngày Đức Di Lặc ra đời. Ngày đó sẽ như thế nào ? Đức Di Lặc sẽ từ cõi trời giáng thế với sấm chớp mưa giăng long trời lở đất chăng ? Ngài sẽ ngồi dưới cội Long Hoa hay ở đâu ?

Chúng ta mong chờ Chánh Pháp ra đời, nhưng nếu không hiểu thế nào là Chánh Pháp thì dù chánh pháp có ra đời làm sao ta nhận ra ?

Đúng vậy. Giả sử ta nghe đồn có một quan to nào đó mà ta cần gặp sắp đi kinh lý tới nơi ta ở, ta rất cần gặp, nhưng ta không biết chút gì về vị đó, mà vị đó lại cải trang để đi du hành thì ta làm sao nhận ra ? Do vậy, muốn gặp vị đang đại diện cho Chánh Pháp thì ít ra chúng ta phải hiểu Chánh Pháp là gì để có dữ kiện mà đánh giá. Đâu phải ai nói mình có Chánh Pháp hay đại diện cho Chánh Pháp là chúng ta tin ngay ?

Trước hết, chúng ta nên tìm hiểu xem vì sao Đạo Phật tự xưng mình là Chánh Pháp ? Điều đó có đúng với thực tế hay không ?

Chúng ta phải nhìn nhận rằng đa phần những Tôn Giáo chân chính, đều dạy cho tín đồ điều hay, lẻ phải. Người tin tưởng và hành theo một Tôn Giáo chân chính thì ngoài việc tôn sùng Giáo Chủ và sống theo lề lối mà giáo chủ hướng dẫn họ luôn tuân hành luật vua, phép nước, không làm hại đến người khác đồng thời tôn trọng những người không cùng tôn giáo với mình.

Trong số các Tôn Giáo chân chính, nổi bật là Phật Giáo. Phật Giáo không dạy tín đổ tôn thờ Giáo Chủ là Đức Thích Ca, mà chỉ dạy cho tín đồ sống chân chính, biết yêu mến ông bà, cha mẹ, trả ơn cho họ, cho đất nước, cho mọi người, (TỨ ÂN), mà còn biết thương cả đến những loài cầm thú quanh mình. Người Quy Y theo Đạo Phật buộc phải giữ NGŨ GIỚI. Chẳng những họ không được phép xâm phạm tài sản, vợ con, của người khác, không được nói láo, không được rượu chè say sưa mà còn không được giết cả những loài vật (SÁT, ĐẠO, DÂM, VỌNG NGỮ, TỬU). SÁT là Giới đầu tiên, bao gồm cả Sát Sinh, không phải chỉ cấm giết người. Điều này thì Phật Tử nào cũng phải biết.

Không chỉ không được vi phạm 5 Giới mà người theo Đạo Phật còn phải Hành theo BÁT CHÁNH ĐẠO hay còn gọi là BÁT THÁNH ĐẠO, là Tám con đường mà Đệ Tử Phật muốn theo chân Phật đều phải Hành. Trước hết là CHÁNH KIẾN được sinh ra bởi CHÁNH TƯ DUY. Sau đó là những cái CHÁNH khác, để từ suy nghĩ cho đến hành vi, lời nói cũng đều phải CHÂN CHÁNH. Phải nuôi thân mạng bằng nghề nghiệp CHÂN CHÁNH. Lúc nào tâm niệm cũng phải CHÂN CHÁNH và TINH TIẾN trên những con đường chân chánh đó. Tổng kết những cái CHÁNH cần thực hành, ta thấy : CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG thuộc về cái THÂN. CHÁNH NGỮ thuộc về KHẨU và CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH KIẾN, CHÁNH ĐỊNH, CHÁNH NIỆM thuộc về Ý. Mục đích của Tám con đường CHÁNH này là làm cho THÂN, KHẨU, Ý ba Nghiệp được thanh tịnh.

Qua đó, ta thấy rõ ràng là một giáo trình đào tạo hết sức chi tiết, tinh tế, nhằm hướng con người đi về Nẻo Thiện mà không Tôn Giáo nào có được. Để tăng hiệu quả, Đạo Phật còn sử dụng nhiều phương tiện như hứa hẹn Quả Vị cho từng giai đoạn tu hành. Với người không thích điều đó thì dùng quả báo của Ba Đường dưới, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh cho họ cũng sợ mà bớt tạo ác nghiệp. để cuộc sống của họ và những người chung quanh đều được hạnh phúc, an vui. Bao nhiêu đó chứng tỏ Đạo Phật có quyền xưng mình là Chánh Pháp, vì chỉ hướng dẫn cho con người những việc làm chân chính, tự tu sửa bản thân, không tranh chấp, hơn thua với người khác. Không tranh hơn thua với các Tôn Giáo hay Tông, Phái khác. Vì thế, gia đình, Xã hội càng có nhiều người hành theo những pháp chân Chánh được như thế sẽ càng tốt đẹp hơn lên.

Đạo Phật chân chính cũng không khuyển tín đồ chờ Phật Độ, mà dạy mỗi người phải TỰ ĐỘ. Mục đích là để tất cả mọi người đều được an vui, hạnh phúc trong kiếp sống. Giáo Pháp của Đạo Phật không cho rằng có Thần Linh hay Thượng Đế tối cao nào đó điều khiển cuộc sống của con người, mà chính là do NHÂN QUẢ mà mỗi người đã tạo, để mỗi người tự tiết chế lấy, vì biết rằng Gieo gì thì Gặt đó. Nếu mình làm Ác, thì cái Quả xấu sẽ trả lại cho mình không sớm thì muộn ! Vì thế, Đạo Phật còn được gọi là Đạo Nhân Quả.

Người hiểu lý nhân Quả sẽ không trách trời đất hay Thần Linh đã bắt mình ra đời dưới “một ngôi sao xấu”, không toàn vẹn hay không được như người khác, mà chấp nhận rằng tất cả là do mình đã gây tạo từ kiếp xa xưa. Cũng không cầu xin Phật hay Thần Linh giảm nhẹ hay đổi xấu lấy tốt cho mình. Tu hành theo Đạo Phật là học để hiểu rõ về sự vận hành của DUYÊN, NGHIỆP, của VẠN PHÁP, của NHÂN QUẢ, để tự điều chỉnh, lèo lái lấy cuộc đời của mình, để bắt đầu từ kiếp hiện tại và vô lượng kiếp về sau không gặp phải những cảnh trái ý phiền lòng nữa.

Theo Đạo Phật, sở dĩ con người bị NGHIỆP, DUYÊN lôi cuốn rồi phải triền miên trôi lăn trong Sáu Nẻo Luân Hồi là vì 12 Nhân Duyên chuyền níu với nhau, mà VÔ MINH là gút chính. Từ cái này sẽ sinh cái kia, cho đến khi nào VÔ MINH diệt thì vòng 12 Nhân Duyên mới kết thúc. Do đó, Tu hành theo Đạo Phật không phải là vô Chùa, cạo tóc, đắp Y, mang bát, ngày ngày Tụng kinh, Niệm Phật, mà phải trừ VÔ MINH. Muốn trừ Vô Minh thì phải có Trí Huệ. Muốn có Trí Huệ thì phải Quán Sát, phải Tư Duy.

Tư Duy chân chính hay còn gọi là Chánh Tư Duy cũng không phải là nhìn mây trôi, lá rụng, hoa tàn, trăng khuyết, rồi than cuộc đời Vô Thường để sinh ra yếm thế, chán đời, buông trôi cuộc sống, mà phải đi vào mục đích chính của Đạo Phật, tìm xem VÔ MINH là thiếu sáng suốt về điều gì ? Sáng suốt để thấy cái gì ?

Các Tôn Giáo đều cho rằng cuộc đời là KHỔ, nhưng cách giải quyết thì không giống nhau. Đa phần là dạy Tín đồ nương tựa vào Giáo Chủ. Riêng Đạo Phật hướng dẫn tín đồ phải Tự Độ, Tự Cứu hay Tự Giải Thoát. Để Giải Thoát thì phải biết điều gì đã ràng buộc, để biết tại sao phải tu Phật ? Phật là gì ? Tu ở đâu ? Giải Thoát là gì ? Làm gì để được Giải Thoát ? Kinh LĂNG NGHIÊM dạy : “Như quốc vương bị giặc đến vây thành, mang quân đi cứu. Nếu không biết giặc trú ngụ ở phương nào thì làm sao dẹp được ?” . Đạo hay đời cũng giống nhau. Nếu không biết đích đến ở đâu làm sao đi tới nơi ? Đạo Phật được gọi là Đạo Giải Thoát, nếu không biết ràng buộc là gì ? Muốn Giải Thoát phải làm gì ? thì làm sao đạt được kết quả ?

Nếu không hiểu mục đích tu hành, không hiểu hết phương tiện của Đạo Phật chắc chắn chúng ta sẽ không biết bắt đầu từ đâu? Vì thế, Tổ Đạt Ma dạy : “Không có Thầy mà chứng ngộ, điều đó khó lắm”. Do vậy mà ngày xưa Đức Thích Ca đã phải TRUYỀN Y BÁT, vì không phải tất cả Đệ Tử nghe Phật giảng đều Chứng Đắc, vì tu theo Đạo Phật không giống như cái học của đời là chỉ cần thuộc lý thuyết là xong. Người tu Phật còn phải thực hành, áp dụng lý thuyết đó vào cuộc sống, và người Thầy sẽ là người kềm cặp, hướng dẫn từ cách thức Quán, Soi, thực hành để người học được đi đúng hướng. Kinh HOA NGHIÊM viết về Thiện Tri Thức : “ “Này Thiện Nam Tử ! Thiện Tri Thức như từ mẫu, vì xuất sanh Phật chủng. Như từ phụ, vì lợi ích rộng lớn. Như nhũ mẫu, vì thủ hộ chẳng cho làm ác. Như giáo sư, vì dạy sở học của Bồ Tát. Như Đạo Sư, vì hay chỉ đường Ba La Mật. Như Lương Y, vì hay chữa bệnh phiền não. Như Tuyết Sơn, vì tăng cường thuốc Nhất thiết Trí. Như dũng tướng, vì dẹp trừ tất cả sự bố úy. Như nguời đưa đò, vì làm cho ra khỏi đường Sanh Tử. như lái thuyền, vì đưa đến bửu sở trí huệ”. “Này Thiện Nam Tử. Thường phải chánh niệm suy nghĩ Thiện Tri Thức như vậy”...

Tất nhiên, không phải bất cứ Thiện Tri Thức nào cũng đưa đệ tử đến kết quả giống nhau. Kinh VIÊN GIÁC viết: “ Này Thiện Nam ! Có loại Chúng Sanh có thể chứng được Viên Giác. Song, nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ, thì chúng thành Tiểu Thừa. còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ, thì chúng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chứng thành Phật Thừa” . Điều đó quá rõ, nhưng người đi tìm Thầy làm sao phân biệt ai mới là người có thể đưa mình đến kết quả cao nhất. Chỉ thấy thầy nào tu lâu năm, có vẻ cao đạo, đông đệ tử, giảng hay thì tin thôi.

Mục đích tu Phật đã bị những người không hiểu đúng nghĩa đưa đi càng lúc càng xa rời Chính Đạo. Thay vì tu Phật là để được Giải Thoát. Giải Thoát đó có nghĩa là thoát khỏi Phiền Não, Sinh Tử Luân Hồi, và mọi Phiền não hay Sinh Tử Luân Hồi đều đều do VÔ MINH làm ra. VÔ MINH là do cái TÂM MÊ LẦM. Vì thế, Kinh TÂM ĐỊA QUÁN viết : “Các vị còn trong phàm phu địa, không quán tự Tâm nên phải trôi giạt trong bể Sinh Tử. Chư Phật, Bồ Tát vì quán được Tâm, nên qua được bể Sinh tử, đến bờ Niết Bàn. Pháp của Như Lai trong ba đời đều như thế”. Chỉ có vậy thôi. Nhưng những người không hiểu phương tiện của Phật, đã Thần Thánh hóa Đức Phật, cho là Ngài có thể “Cứu độ Tam Thiên Đại thiên thế giới”. trong khi đó, Đức Thích Ca hay Chư Vị Giác Ngộ cũng chỉ là những người Tự Cứu gọi là TỰ ĐỘ và cũng khuyên dạy chúng ta như thế.

Thật vậy. Đạo Phật cho rằng cái THÂN chỉ là đống TỨ ĐẠI kết hợp với nhau để TRẢ những gì đã vay ở kiếp trước. Tứ Đại thì không có chủ thể, nên không tự điều khiển, mà do CÁI BIẾT hay còn gọi là CÁI TÂM điều khiển mọi hành vi. Khi CÁI BIẾT (CÁI TÂM) còn MÊ LẦM thì tưởng rằng CÁI THÂN là MÌNH, nên xui cái Thân làm mọi việc để phục vụ cho nó. Vì vậy mà gây tội, tạo Nghiệp. Tu hành theo Đạo Phật là CHUYỂN CÁI BIẾT MÊ LẦM, hay còn gọi là cái VỌNG TÂM trở thành CÁI BIẾT SÁNG SUỐT hay còn gọi là CHÂN TÂM. Chư Vị Giác Ngộ gọi là BIẾN MÊ thành NGỘ.

MÊ cũng ở THÂN, ở TÂM này, mà NGỘ cũng ở Thân, Tâm này. MÊ là bị Thân, Tâm sai khiến, và NGỘ là ý thức được nó không phải là Chủ nhân của mình, lấy lại quyền làm chủ, điều khiển nó theo ý mình. Do đó, người không hiểu, không phân biệt thế nào là VỌNG, thế nào là CHÂN, thì làm sao “Phản Vọng quy Chân” ? Do vậy, người tu Phật muốn thành công thì phải Quán Sát THÂN và TÂM.

Quán sát cái THÂN để thấy nó do Tứ Đại kết hợp, hết Duyên, hết Nghiệp lại phải trả về cho Tứ Đại. Cái mà Đạo Phật gọi là Tâm, là những tư tưởng dựa vào cái Thân khi tiếp xúc với các pháp. Thân gồm có 6 món, gọi là LỤC CĂN : Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý. Do thấy Thân là Mình, từ đó nên thấy Các Pháp đến với cái Thân là đến với Mình, mà cái Thân có đến Sáu Căn, Căn nào cũng muốn cung ứng mọi nhu cầu của nó. Mắt tham những gì nó nhìn thấy và yêu thích. Tai muốn nghe những âm thanh làm cho nó vui. Mũi thích những mùi hương. Lưỡi muốn nếm Vị ngon. Thân thích cảm xúc. Ý hài lòng khi các Căn được thỏa mãn. Nhưng không phải ai cũng đủ khả năng để cung ứng cho cái Thân mọi thứ nó đòi hỏi một cách lương thiện, vì thế mà sinh Tâm muốn cướp đoạt của người khác về cho Mình. Ai có sức thì dùng sức. Có quyền thế thì dùng quyền thế. không có tiền, có quyền, thì trộm cướp, lừa đảo.Tội ác bắt đầu từ đó, làm cho xã hội rối loạn, cuộc sống thêm đau khổ. Thích thì muốn có nhiều, gọi là Tham. Ghét thì muốn tránh xa. Không làm được như ý thì Sân, Si. Ba món Tham, Sân, Si nhà Phật gọi là BA ĐỘC. Ai trừ được, chuyển hóa được nó thì Thân, Tâm sẽ được an ổn.

Kinh VIÊN GIÁC có Kệ :

“Nếu người đoạn Thương, Ghét
Cùng với Tham, Sân, Si
Chẳng cần tu gì khác
Cũng đều đặng Thành Phật”

Lục Căn khi chưa chuyển hóa được thì gọi là LỤC TẶC, vì chính chúng mang Các Pháp về làm hại cả Thân, Tâm. Nhưng khi đã chuyển hóa được chúng rồi, thì chúng trở thành LỤC HỘ PHÁP, giúp đỡ cho người tu. Nhờ có Mắt mà đọc được những lời dạy của Phật, Tổ và những Bậc Giác. Có Tai nên nghe những lời thuyết giảng, nhắc nhở. Có cái Thân nên có phương tiện tu hành để được an vui và có thể giúp mình, giúp người. Từng bước, từng bước, nhờ Quán Sát, Tư Duy, thực hành, người tu sẽ chuyển CÁI VỌNG TÂM thành CHÂN TÂM. Biết Cái Thân chỉ tạm đi với mình trên một hành trình trăm năm, không phải là chủ nhân của mình. Biết rằng mọi xúc cảm chỉ đến với cái Thân, là thứ giả tạm, nên không để cho cái Thân điều khiển mình chạy theo những cảm xúc, những ham muốn hưởng thụ vật chất, chạy theo vật chất, mà chỉ dùng chúng vừa đủ để cho cái Thân được tồn tại mà tu hành. kinh Đại Bát Niết Bàn gọi là “Ít Muốn, biết đủ. Như chim bay không. Dấu không thể tìm”.

Người tu hành chân chính chỉ quay vào bên trong mà tu, Sửa. Sự thành công của một người tu hành xong, là chuyển hóa được LỤC TẶC, lẽ ra chỉ diễn ra âm thầm bên NỘI TÂM của hành giả, thì những người Nhị Thừa đã diễn tả ra bên ngoài bằng Tượng của Đức Phật Di Lặc, một người mập mạp, vui vẻ, trên người có 6 đứa trẻ leo trèo, rồi mọi người xúm nhau thắp hương thờ lạy, cầu xin ! Trong khi đó, Thân Phật là Vô Tướng, vì được hình thành bởi những việc làm tốt đẹp được mô tả rõ trong 32 TƯỚNG TỐT, 80 VẺ ĐẸP CỦA PHẬT !

Bài Kệ nói về Thân Phật được cho là của Đức Di Lặc :

Ta có một thân Phật
Có ai đặng tường tất
Chẳng vẽ cũng chẳng tô
Không chạm cũng không khắc
Chẳng có chút đất bùn
Không phải màu thế sắc
Thợ vẽ, vẽ không xong
Kẻ trộm, trộm chẳng mất
Thế tướng vốn tự nhiên
Thanh tịnh trong vặc vặc
Tuy là có một thân
Phân đến trăm ngàn ức”

“Chẳng vẽ cũng chẳng tô. Không chạm cũng không khắc. Chẳng có chút đất bùn. Không phải màu thế sắc”, sao lấy xi măng, gạch, cát, mà tô, mà vẽ, mà làm cho to, cho đó là Ngài ? Ràng buộc cũng ở nơi Tâm, mà giải Thoát cũng diễn ra nơi đó, nên người ngoài làm sao nhận ra ? Vì thế, có bài Kệ cũng được cho là của Phật Di Lặc :

“Di lặc thật Di Lặc
Phân thân ngàn vạn ức
Luôn luôn hiện vì đời
Người đời chẳng tự biết”

Vì sao Di Lặc chỉ là một mà lại “Phân thân ngàn vạn ức” ? Bởi vì ai cũng có thể tự hoàn thành một Đức Phật Di Lặc cho bản thân bằng cách tu hành, chuyển hóa cái Tâm. Bằng từng đó công việc, từng đó cách làm như nhau, cũng như cùng đúc một khuôn, nên thành quả như nhau không khác. Do đó mà gọi là “Phân thân ngàn vạn ức”. Phật Di Lặc đâu có ở cung trời nào giáng thế, mà xuất hiện trong cái Tâm của những người đã đạt được sự an lạc. Do đó, dù Ngài có ở giữa trần gian nhưng người trần làm sao phân biệt, bởi bề ngoài người tu hành dù có Chứng Đắc vẫn là một con người bình thường như mọi người. Tổ Đạt Ma dạy : “Rắn hóa thành rồng vẫn không đổi vảy. Phàm phu thành thánh cũng không đổi mặt”.

Đọc lời Phật dạy trong Kinh Lăng Nghiêm chúng ta sẽ thấy cách sống của các vị Chân Bồ Tát. Họ vẫn là những người bình thường như tất cả mọi người : “ A Nan, ta có dạy các Bồ Tát và A La Hán. Sau khi ta diệt độ rồi các ông phải hiện thân hình trong đời mạt pháp để cứu độ các chúng sanh đang trầm luân. Hoặc hiện làm Thầy Sa Môn, Cư Sĩ, Vua, quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người buôn bán để lẫn lộn trong từng lớp người, chung làm một nghề nghiệp đặng giáo hóa chúng sanh trở về chánh Đạo.

Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói : “Ta đây thật là Bồ Tát hoặc A La Hán v.v..” hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhân thị hiện. Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi mới âm thầm để lại một vài di tích cho người biết thôi”.

Kinh Lăng Nghiêm dạy : “Giải Thoát hay triền phược đồng do Sáu Căn. Được chứng Thánh hay đọa phàm cũng bởi Sáu Căn chớ không có con đường nào khác” ... “Hễ Mê muội là Vô Minh, còn Giác Ngộ thì Giải Thoát” . Mà đã Giải Thoát thì thoát cả danh, sắc, thì làm sao có sự xuất hiện rầm rộ, tiền hô hậu ủng hay sấm chớp mưa giăng, long trời lở đất như hàng Nhị Thừa vẫn trông ngóng ?

Mỗi người đều có PHẬT của mình. Ở giai đoạn chưa tu hành thì đó là TÁNH GIẢI THOÁT. Khi thành tựu thì là KẾT QUẢ GIẢI THOÁT thì làm sao người ngoài nhìn thấy được ? Cũng do những Phật Tử dễ dãi, cứ nghe giảng rồi tin mà không kiểm chứng, nên không chịu khó bỏ thì giờ để đọc lời dạy của các Tổ được ghi lại trong Chính Kinh, cho nên đến nỗi hàng mấy ngàn năm qua vẫn mong chờ Phật Di Lặc một cách vô vọng để trở thành những người tự mâu thuẫn với lý thuyết mà mình lúc nào cũng đọc làu làu ! Nói rằng “Phật tại Tâm” sao cứ vọng ra ngoài mà chờ, mong Phật sẽ hiển hiện, trong khi chỉ cần quay vô Tâm mình mà hành trì để Ngài sẽ hiện thân nơi đó ?

Chính vì vậy, mà Đức Thích Ca đã phải đề phòng những người sau sẽ làm sai lạc Giáo pháp của Ngài bằng cáchTruyền Y Bát. Y Bát là vật không có giá trị vật chất, nhưng nó là Tín Vật để người sau nhìn vào đó biết đó là người được thay Phật để phổ biến Giáo Pháp của Ngài. Người đầu tiên được Truyền Y Bát là Ngài Ca Diếp. Lúc đó, Phật đã dặn dò việc đó nên tiếp tục để chánh Pháp được trường tồn. Người được Truyền Y Bát phải là người đã Thấy Tánh cũng là người đã Chứng Đắc, cũng là Phật đương thời, nên những gì các Tổ giảng nói đều khế hợp với Giáo Pháp của Đạo Phật. Những người chưa Chứng Đắc, chưa Thấy Tánh thì chưa nắm vững đường lối của Đạo, lẽ ra không được giảng pháp, nhưng họ cũng hăng say đi rao giảng Đạo, rồi cứ “Y KINH GIẢI NGHĨA” làm cho “ TAM THẾ PHẬT OAN” ! Phật, Tổ dạy một đàng, họ hướng dẫn một nẻo. Nếu có so sánh với Chính Kinh, ta thấy Đạo Phật hiện nay bị hướng dẫn rất khác với lời Phật, Tổ :

1/- TU PHẬT : Việc Tu hành theo Đạo Phật là để SỬA hay tháo gỡ những ràng buộc để được Giải Thoát. Giải Thoát được gọi tên khác là Thành Phật. Công năng tu tập là quay vô Tâm, tu, sửa ở đó, thì người Xuất Gia sau này lại xem Phật là Thần Linh, nên Xuất Gia là để “Thờ Phật”, “phụng sự cho Phật”, “nương của Phật”, và làm trung gian chuyển những lời cầu xin của Phật Tử đến Phật, và lấy tụng Kinh, gỏ mõ, Ngồi Thiền.. làm công phu tu tập !

2/- XUẤT GIA : Đạo Phật cho rằng Cuộc đời là Khổ, Có Thân là Khổ, vì thế Giáo Pháp được mở ra là để giúp cho tất cả chúng sinh đều được Thoát Khổ, không phân biệt già, trẻ, giới tính, học cao hay thấp, sang hay hèn. Cái Thoát này phải là “ở trong thế gian mà thoát thế gian”. “Ở trong Phiền não mà thoát phiền não”, ở giữa trần gian mà không bị trần gian làm đau đau khổ, như Hoa Sen, sống trong bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm, thì được hiểu sai là muốn tu Phật thì phải Xuất Gia, phải tập trung vô ở trong Chùa, hoặc lên non cao, động vắng, tách biệt khỏi thế gian. Trước khi tu thì dù có ngành nghề chuyên môn nào đó đều phải bỏ hết. Cuộc sống của Tu Sĩ từ khi Xuất gia là chuyên tâm tụng Kinh, Niệm Phật, Ngồi Thiền, học Pháp để giảng đạo. Mọi việc từ xây cất Chùa chiền, phòng ốc, cho đến thuốc men, cơm áo, phương tiện cho Tu Sĩ dùng.. cho đến mọi việc vệ sinh trong Chùa đều do Phật Tử cúng dường hoặc làm công quả ! Trong khi nghĩa của Xuất Gia là “Ra khỏi nhà lửa tam giới”. “Tu Phật chỉ là Tu Tâm”. “Ai tu nấy đắc”. Không thể tu thế giùm cho người khác.

3/- QUY Y TAM BẢO : TAM BẢO tức là PHẬT, PHÁP, TĂNG.

Thường thì Phật Tử đến một Chùa nào mà mình thấy hợp, Quy Y với một vị Sư nào mà mình kính trọng, tin tưởng. Trong khi đó, Lục Tổ dạy : “Chư thiện Tri Thức. Phải Quy Y ba phép này :


Hãy Quy Y cái Diệu Giác Tánh của mình.
Hãy Quy Y cái Chánh Pháp của Tánh mình.
Hãy Quy Y cái thể thanh tịnh của Tánh mình.

Ngài giải thích : “PHẬT nghĩa là GIÁC. PHÁP nghĩa là CHÁNH. TĂNG nghĩa là TỊNH. Tâm mình Quy Y TÁNH GIÁC thì tà mê chẳng sanh, lại ít có sự ham muốn. Thường thiểu dục, tri túc. Lìa được của tiền và sắc dục.

TÂM MÌNH QUY Y TÁNH CHÁNH thì niệm niệm không sanh tà kiến. Bởi không tà kiến nên không lòng nhơn ngã, cống cao, tham ái, chấp trước.

TÂM MÌNH QUY Y THEO TÁNH TỊNH thì cả thảy cảnh giới trần lao, ái dục, Tâm mình chẳng nhiễm, chẳng vương”.

Nếu nói Quy Y Phật thì Phật ở xứ nào ? Bằng không thấy Phật thì Quy Y ở chỗ nào ? Kinh văn nói rõ : Quy Y Phật ở Tánh mình chớ chẳng nói Quy y Phật ở nơi nào khác. Phật ở Tánh mình mà mình chẳng Quy Y thì không có chỗ nào mà Quy Y vậy.

Nay các người đã tự ngộ thì mỗi người phải Quy Y Tam Bảo ở Tâm mình. Trong phải điều Tâm Tánh. Ngoài phải kính mọi người, tức là mình Quy Y Tâm mình vậy”.

4/- THẮP HƯƠNG : Chùa chiền và Phật Tử dùng những chất liệu quý như vàng, ngọc, đồng v.v..làm Tượng Phật cho to, rồi ngày mấy thời thắp hương bằng bột gỗ trộn mùi thơm để cúng Phật. Trong khi đó, có 5 việc làm mà kết quả của nó được Chư Vị Giác Ngộ tạm gọi là 5 thứ Hương để người tu xông lên Phật Tâm của mình. Đó là :

“Một là GIỚI HƯƠNG : Nghĩa là Tâm mình không tưởng điếu quấy. Không làm việc dữ. Không sanh ghen ghét. Không sanh tham lam giận hờn. Không mong cướp của hại người.

Hai là ĐỊNH HƯƠNG : Nghĩa là xem thấy các cảnh tượng lành dữ mà tâm chẳng tán loạn.

Ba là HUỆ HƯƠNG : Nghĩa là tâm mình không bị ngăn lấp. Mình thường lấy Trí Huệ mà quán chiếu Tánh mình và chẳng tạo các điều dữ. Tuy mình tu các hạnh lành mà Tâm mình không chấp trước. Thường kính người trên kẻ dưới. Hay xót thương những người nghèo nàn.

Bốn là GIẢI THOÁT HƯƠNG : Nghĩa là Tâm mình không đeo dính vào một cảnh vật nào. Mình chẳng nghĩ điều lành. Không tưởng việc dữ, thong thả, suốt thông.

Năm là GIẢI THOÁT TRI KIẾN HƯƠNG. Nghĩa là Tâm mình tuy đã không đeo dính vào một cảnh vật nào, mình chẳng nghĩ điều lành. chẳng nghĩ tưởng việc dữ, nhưng chẳng đắm vào cảnh KHÔNG. Giữ lòng vắng lặng. Phải học rộng nghe nhiều. Phải biết Bổn Tâm mình. Phải rõ thông đạo lý của Chư Phật. Phải xen lộn trong thế gian mà cứu nhơn lợi vật. Không nhơn ngã. Phải đạt ngay cõi Chánh Giác. Chơn Tánh không dời đổi.

Chư Thiện Tri Thức. Chơn Hương này mỗi phần tự có chất xông thơm ở bên trong, đừng tìm kiếm bên ngoài”.

5/- CHÙA có nghĩa là “Thanh Tịnh Địa”. Lẽ ra mỗi người phải tự xây trong Tâm. PHẬT THÍCH CA chỉ là Tánh Giải Thoát của Đức Thích Ca, và Ngài đã nhập diệt cả mấy ngàn năm, đâu cần phải có Chùa Chiền hoành tráng để cư ngụ ? Nhưng người thời nay đã làm dụng danh nghĩa của Phật, chỉ cất một ngôi Chùa mà phải phá hàng ngàn mẫu rừng thiên nhiên để xây. Hậu quả là những người dân phải chịu cảnh lũ lụt thiệt hại nặng nề vừa người, vừa của, làm nhiều người oán thán ! Vậy là Hoằng Dương Chánh Pháp sao ? !

6/- NHÂN QUẢ là những việc tốt hay xấu mỗi người làm sẽ tự trả lại, không ai có thể can thiệp để gia giảm được. Đạo Phật được gọi là Đạo NHÂN QUẢ, vì dạy con người biết sợ NHÂN xấu, và tạo Nhân lành, thì Phật Tử được hướng dẫn CÚNG SAO, GIẢI HẠN, đổi xấu, lấy tốt.

7/- ĐỌC TỤNG KINH : Kinh Phật là những lời giáo huấn của Chư Vị Giác Ngộ, để giải thích về ý nghĩa của các Pháp, về cách thức hành trì để người sau nuơng theo đó mà Hiểu, mà Hành, để việc tu hành đạt kết quả. Cách đọc Kinh như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa viết : “Thọ, trì, đọc, tụng, giải nói, biên chép, y pháp tu hành” . Quan trọng là giải nói, biên chép cho rõ nghĩa rồi Y Pháp tu hành thì nhiều người chỉ mang ra Tụng, lấy đó làm công phu tu tập !

8/- THIỀN là phương tiện mà Đức Thích Ca đã dùng để tìm ra CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT.THIỀN còn được gọi là THUYỀN, tức là phương tiện để qua Sông Sinh Tử. Chư vị Giác Ngộ dạy : “Qua sông rồi phải bỏ Thuyền”. Không biết thế nào là Sông ? Không biết đâu là Bờ bên kia. Không biết phải THIỀN như thế nào ? thì làm sao qua Sông Sinh Tử ? THIỀN đâu chỉ là Ngồi bất động, hết giờ thì xả ra ? Đức Thích Ca chỉ Ngồi có 49 ngày đêm là Đắc Đạo. Tại sao người thời nay ngồi mãi không thấy ai Đắc Đạo ? Nếu Thiền chỉ là ngồi bất động, dẹp hết tư tưởng thì cỏ cây đã thành Phật cả rồi. Mọi người cứ ca tụng những Thiền Sư mà không thắc mắc : Lẽ ra nếu các Thiền Sư đã đắc đạo thì họ phải đào tạo ra đệ tử đắc đạo như mình, sao không thấy nói đến điều đó ?

9/- BÁT NHÃ TÂM KINH được khẳng định : “Tam Thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Mở đầu, Kinhviết : “Quán Tự tại Bồ Tát Hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa thời chiểu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”, có nghĩa là Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát, hành sâu vào trí huệ qua bờ bên kia là : “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không” nhờ đó mà độ hết khổ ách. Như vậy, lẽ ra “Hành thâm Bát Nhã Tâm Kinh” thì phải Soi, chiếu để thấy Ngũ Uẩn là Không để độ cho mình hết khổ ách, thì mọi người lại lấy Kinh Bát Nhã làm Kinh Nhật tụng. Ngày nào cũng tụng, lấy đó làm công phu tu tập !. Vậy là chúng ta đã “Tụng thâm Bát Nhã”, đâu phải là Hành Thâm Bát Nhã ? !

-10/- PHÁP KHÔNG : Nhiều người tu hành nghe nói Các Pháp là KHÔNG, đã vội chấp lấy. Bỏ hết mọi việc, quên rằng nếu tất cả là KHÔNG, sao lại CÓ PHẬT, CÓ TỨ QUẢ, CÓ NIẾT BÀN, PHẬT QUỐC, CÓ 32 TƯỚNG TỐT, 80 VẺ ĐẸP CỦA PHẬT, kể cả CÓ TA, hàng ngày vẫn phải mặc áo, ăn cơm, đang muốn tu hành, Thành Phật, sao cho tất cả là KHÔNG ?

Phật dạy : “Không phải CÓ, không phải KHÔNG, mà CŨNG CÓ, CŨNG KHÔNG”. Nếu không hiểu lý lẽ đó, không giải thích suông thì ta sẽ trở thành người nói năng lộn xộn mà tưởng rằng mình cao, không ai hiểu nổi.

11/-CHÚ ĐẠI BI : Các vị tu hành thời xưa đã bỏ thì giờ, công sức để dịch rất nhiều bộ Chính Kinh. Riêng Chú ĐẠI BI thì chưa có ai dịch. CHÚ ĐẠI BI được các Sư khuyên “nên thành kính tụng mỗi ngày để cầu gì được nấy”. Nhưng khi dịch giả Huỳnh Bá Hinh nhờ thắc mắc mà đích thân học tiếng Phạn để dịch ra, thì hóa ra toàn bộ 36 câu Chú chỉ là những việc cần hành trì để trở thành Đức Thế Tôn (Thành Phật) ! Do đó, người tu hành, bản thân mình chưa hiểu, chưa chịu hành trì như lời dạy trong bài CHÚ, lại cho đó chỉ là CHÚ để TỤNG, để cầu xin, rồi mang đi phổ biến cho người khác có phải là Chồng Mê cho bá tánh ?

12/- KHẤT THỰC : Nghĩa của Khất Thực của người tu chân chính là “KHẤT PHÁP THỰC”, tức là học hỏi, nghe giảng dạy để có PHÁP LÀNH mà nuôi dưỡng Huệ Mạng. Người tu thời nay không hiểu điều đó, cứ Bưng Bát đi xin cơm, để nuôi cái Thân phàm, cho đó là hành theo Hạnh của Phật ! Nếu nhờ bưng bát đi xin cơm để ăn rồi Thành Phật, thì tất cả những người ăn xin đã là Phật hết rồi !

13/- TỰ ĐỘ và cầu xin PHẬT ĐỘ : Đạo Phật dạy TỰ ĐỘ, thì Phật Tử được dạy cầu xin PHẬT ĐỘ. Sống thì Cầu An, chết thì Cầu Siêu. Cầu cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc, làm ăn hanh thông, chồng thăng quan tiến chức, con cái học thành tài. Lúc bệnh cũng cầu mau hết bệnh. Trong khi Giáo Pháp cả Đại Thừa lẩn Tiểu Thừa đều cho rằng “Đức Thích Ca không phải là Thần Linh, chỉ là một người bình thường như tất cả chúng ta, nhờ tu hành, đoạn trừ lậu hoặc mà Chứng Đắc” ! Cái Chứng Đắc của Đức Phật chỉ là tìm được cách thức để Thoát Sinh Tử, Phiền Não, đâu có Pháp nào biến Phật trở thành Thần Linh để phù hộ cho ai ? Phật dạy : “Có Thân là có Bệnh. Có Sinh phải có Tử”. Chính Đức Thích Ca cũng đã chết. Trước lúc chết cũng đã bệnh. Chứng tỏ lời Ngài dạy không hề mâu thuẫn. Ngược lại, Sư Tăng thường khuyên dạy bá tánh động chuyện là hương đăng trà quả để cầu xin Phật phù hộ, nhưng khi bệnh họ cũng đến Bệnh Viện để nhờ các Bác sĩ chữa, đâu có ngồi tụng kinh, thắp hương chờ Phật cứu ? Như vậy rõ ràng lời nói và hành động các vị không đi đôi với nhau, liệu có mang tội vọng Ngữ, Vọng Hành ?

14/- “THÀNH PHẬT hay GIẢI THOÁT”. “Thành Phật” chỉ có nghĩa là thành tựu công việc Giải Thoát khỏi Phiền não. Do đó, bất cứ ai, địa vị nào, giới tính nào, trong hay ngoài Chùa cũng có thể tu hành để Thành Phật được. Chính vì vậy, Đức Thích Ca đã Thọ ký : “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”, Tổ Đạt Ma thì dạy : “Nếu thấy Tâm mình là Phật thi không cần cắt tóc, cạo râu. Hàng Bạch Y vẫn là Phật. Nếu không Thấy Tánh thì cắt tóc,cạo râu vẫn là ngoại đạo” thì một Thuợng Tọa rất có uy tín (Thích Nhật Từ) không biết dựa vào đâu mà khẳng định : “Chỉ có Tu Sĩ thanh tịnh thì mới Chứng Đắc Quả vị. Cư sĩ chỉ đắc chân nhân thôi” ! Chứng tỏ ngay nghĩa Thành Phật Thượng Tọa còn chưa hiểu. Cũng chưa biết rằng Quả Vị chỉ là “hóa thành dụ”, tức là phương tiện để cho những người tu lâu năm đỡ nản lòng, tạm thấy rằng mình đã đạt đến trình độ nọ, kia. Những Quả Vị không quan trọng đối với con đường tu hành. Vì tu hành là để Xả, cuối cùng là không còn cái Ta. Thì lấy ai để Chứng Quả nọ, Quả kia ? Việc tu hành là Sửa Cái Tâm thì có gia đình hay độc thân không Sửa được ? Thượng Tọa là người hướng dẫn Giáo Lý cho bá tánh mà không biết rằng mình đã phát biểu khác hoàn toàn với lời Phật, Tổ ! Vậy là hộ trì Phật Pháp hay phá pháp ?

15/- TRUYỀN Y BÁT : Đại Thừa bắt đầu từ Đức Thích Ca truyền cho Tổ đầu tiên là Ca Diếp. Các Tổ lần lượt truyền xuống được tất cả là 33 Vị. Một số Tổ ĐẠI THỪA đã viết ra những Bộ Chính Kinh, gọi là Kinh Đại Thừa. Bên Tiểu Thừa mới bắt đầu tách ra từ khi Tổ Thứ Ba Truyền Y Bát cho Tổ Thứ Tư là một thanh niên mới 20 tuổi, mới vào tu được có 3 năm, nên các Trưởng Lão bất mãn tách ra.Từ đó Tăng Đoàn bắt đầu phân ra làm hai phái. Phía ĐẠI THỪA tiếp tục theo hệ thống Truyền Thừa, và Tiểu Thừa do các Trưởng Lão lãnh đạo. Tiểu Thừa từ đó chỉ nhìn nhận có 2 Tổ là CA DIẾP và A Nan, không nhìn nhận Tổ Thứ 3 và tất cả những Tổ về sau.

Vì không hiểu ý nghĩa của việc Truyền Y Bát, không biết rằng người được Truyền phải là người đã Thấy Tánh, Chứng Đắc, cho nên bên Phật Giáo Nguyên Thủy cực lực bài bác, phản đối, hô hào mọi người không nhìn nhận Chư Tổ Trung Quốc, quên rằng việc Truyền Y Bát do chính Đức Thích Ca bày ra. Chính Tổ Đạt Ma là Tổ Thứ 28 của Ấn Độ, thấy căn khí Đại Thừa bên Trung Quốc vượng, nên đi thuyền mất 3 năm sang đó để tìm người kế thừa. Tổ Đạt Ma đã truyền cho được 5 Vị mà Tổ cuối cùng là Lục Tổ Huệ Năng. Sau đó vì Y bát bị tranh dành quyết liệt, người giữ có thể bị mất mạng, nên Ngũ Tổ dặn Lục Tổ dấu đi. Từ đó Y bát mất dấu, không còn truyền nữa.

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY cũng cực lực phản đối Kinh Đại Thừa, cho đó là “Kinh Ngụy Tạo, không phải lời của Phật thuyết”. Bên Đại Thừa cũng gọi đó là Kinh Đại Thừa, đâu có nói là Kinh Phật mà bắt bẻ rằng đó không phải là lời của Phật thuyết, là ngụy tạo ? Một điều nữa mà bên PGNT không biết là trong Đạo Phật, người Chứng Đắc thì thời trước cũng như thời sau đều là Phật, và cái Hiểu, cái Hành, trình độ, kết quả đều giống nhau, do đó có câu Tam Thế Phật, và : “Phật trước Phật sau đều bình đẳng”.

16/- TAM THẾ PHẬT tức là Phật Quá Khứ. Phật Hiện Tại và Phật vị lai, có nghĩa là Quá khứ đã có người tu hành đạt được kết quả Giải Thoát, Hiện tại cũng có người tu hành đạt được kết quả Giải Thoát. Tương lai cũng có người tu hành đạt được kết quả Giải Thoát, thì được giải thích : Phật hiện tại là Phật Thích Ca, Phật Quá khứ là A Di Đà và Phật tương lai là Đức Di Lặc ! Phật Thích Ca đã nhập diệt gần 3.000 năm mà gọi là Phật hiện đời được sao ?

17/- NHƯ LAI là nói về người tu hành đã được Giải Thoát khỏi mọi sự ràng buộc của các Pháp, nên không bị khởi tâm khi đối pháp, gọi là “đến đi không động”, không phải là ông PHẬT TỔ NHƯ LAI có toàn quyền tha, giết, thưởng phạt như một đấng Thượng Đế tối cao !.

18/- PHẬT ĐẢN : Mục đích tu Phật là để được Giải Thoát, thì PHẬT ĐẢN có nghĩa là người tu đã đạt kết quả Giải Thoát, không còn bị Các Pháp làm cho điên đảo, đau khổ nữa. Phật của Đức Thích Ca đã Sinh cách đây đã hơn 2.500 năm. Mỗi người tu là đang trên hành trình dồi, mài, tu, sửa để hoàn thành Phật của chính mình ở nơi Tâm của mình. Cách nào ? thì Kinh VIÊN GIÁC viết : “.Đây là phương tiện đầu tiên tu hành của Hành Giả, tức là BA PHÁP QUÁN.(CHỈ, QUÁN vÀ CHỈ, QUÁN SONG TU). Nếu các chúng sanh tinh tấn siêng tu Ba Pháp Quán này được hoàn toàn, tức là Như Lai xuất hiện ở thế gian vậy” . Người tu phải nhờ các phương tiện CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU mà đạt kết quả Giải Thoát, tức Thành Phật, thành Như Lai.

Hàng năm, chúng ta đã tổ chức những buổi lễ tưng bừng mừng cho Phật của Đức Thích Ca Đản Sinh. Trong khi đó lại bỏ quên Phật của Bổn Tâm mình. Sao không hành trì để Phật Tâm của ta cũng Đản Sinh ? Đó mới chính là điều mà Đức Thích Ca mong mỏi khi Thọ Ký : “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”, không phải để chúng ta đời này sang đời khác tiếp tục mừng Phật của Ngài.

19/- 32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT. Những Tướng Tốt của Phật là để mọi người dựa theo đó mà Khắc, mà Chạm nơi Tâm, bằng những công việc làm. Chùa, Tượng phải được hoàn thành ở trong Tâm của mỗi một. Kinh Kim Cang có Kệ : “Ai nương sắc để thấy ta. Dùng âm thanh để cầu ta. kẻ đó hành tà đạo. Không thể thấy Như Lai” thì Phật Tử được dạy hướng ra ngoài, cất Chùa, dựng tượng ngàycàng nhiều, càng to, rồi thành khẩn hương khói thờ phụng !

Năm 2001, Phiến quân Hồi Giáo Taliban đã phá hủy hai tượng Phật cao 55m và 37m được tạc từ thế kỷ thứ 6, có tên là Bamyan ở Afganistan. Tháng 2 năm 2019, Trung Quốc đã cho nổ tung 1 đầu tượng Phật Quan Âm ở Hoàng An, Hà Bắc Trung Quốc, và ngày 14/5/2019 đã cho lấy xi măng lấp phẳng mặt tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới có tên Hạ Thủy Đại Phật cao 50m, đầu Phật cao 16m, tồn tại từ Đời Đường năm 618 tại Tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Hành động đó là một sự phỉ báng Phật, không ai có thể chấp nhận được, nhưng chứng tỏ lời Phật dạy không sai : “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” . Đã có hình tướng thì sớm hay muộn cũng phải bị hoại diệt !

20/- PHÓNG SINH : Do Vô Minh nên bao nhiêu kiếp rồi, chúng ta giam giữ nhũng Chúng Sinh Tham, Sân, Si trong Tâm. PHÓNG SINH chúng đi, tức là giải thoát cho chúng, cũng có nghĩa là “Cứu Độ, là Giải Thoát” cho chúng, không giam giữ chúng nữa, thì mọi người được hướng dẫn mua chim, mua cá thả đi !

21/- BỐ THÍ là Thí, Xả cái những cái Mê lầm, chấp nhất , xả cái Vọng Tâm, Xả Tham, Sân, Si đi. Bố Thí mà có công đức, đưa đến kết quả Giái Thoát phải hành trong Vô Tướng, gọi là “Bố thí tam luân không”. Không có người bố thí. Không có người nhận. Không có vật được bố thí, thì đa phần chỉ bố thí tiền bạc, vật chất, là những thứ bên ngoài. Khi Bố Thí còn chọn đối tượng nào mà Kinh viết là “Phước báo trả lại gấp trăm, nghìn lần”..Rõ ràng đó là đầu tư để sinh lợi, đâu có phải Thí, Xả để được Giải Thoát ?

22/- TỨ ÂN : Do không đọc hết lời Phật hướng dẫn, không hiểu rõ về con đường tu hành, tưởng rằng tu hành là để về Tây Phương Cực Lạc hay Niết Bàn nào đâu xa vời, nên nhiều người không biết rằng Đạo Phật không dạy người tu phải bỏ đời, chê cuộc đời là ô trược, rồi xa lánh cuộc đời. Trái lại,còn dặn người tu xong phải đền Tứ Ân, trong đó, Ân Phụ Mẫu được đặt lên hàng đầu. Vì nếu không có cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng, giữ gìn, tập cho chúng ta từng bước đi, dạy cho từng tiếng nói đầu đời, giữ gìn, che chở từng chút một, thì làm sao chúng ta có thể trưởng thành và có được thân người toàn vẹn ? Do đó, nếu ta không phụng dưỡng cho ông bà, cha mẹ để Trả Ân Phụ Mẫu. Không chung tay với mọi người để xây dựng đất nước. Không đóng góp gì cho cuộc đời để trả nợ áo cơm,chỉ một bề lo Trả Ân Phật thì sao cho phải ? Rồi lại nhân danh tu hành, bắt bá tánh phải cung dưỡng mọi thứ để cho mình nhàn thân, trong khi mình tu chỉ để mình nhờ, thì liệu có thoát Nhân Quả ? Đọc VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN và QUY SƠN CẢNH SÁCH ta thấy đâu phải chư vị đi trước không cảnh báo ? Phật đâu có phải là Thần Linh, không hề có phép màu, không thể cứu độ cho ai. Vì vậy, dù ta là người tu hành, sống thanh tịnh, tu hành đúng pháp, thì lời cầu nguyện của ta cũng làm sao linh ứng, vì Phật đâu có thể thay ta đền đáp Tứ Ân ? Cho nên, chỉ có những người không rõ Lý Nhân Quả mới không biết rằng tất cả sẽ trả lại cho mình nếu cứ lợi dụng danh nghĩa tu hành rồi thản nhiên lạm dụng công, sức, tiền của...của người khác.

23/- TU HÀNH XƯA VÀ NAY : Phật Thích Ca thì bỏ ngai vàng để đi tu. Suốt cuộc đời tu hành, Ngài và các Đệ Tử chỉ ngụ ở cội cây hay trong rừng. Ăn, thì Khất Thực để được cho gì thì ăn đó, chỉ cốt nuôi cái Thân tồn tại để tu hành. Tu Sĩ thời nay dùng danh nghĩa tôn vinh Phật, gom tiền bá tánh cất Chùa Vàng, Chùa bạc, đúc tượng Phật nạm kim cương, hồng ngọc. Cất những ngôi Chùa rộng bao la, trang hoàng thật sang trọng hoành tráng rồi để cho Tượng Gỗ, tượng Xi Măng ngự. Trong khi đó, ở những vùng cao, thầy, cô giáo phải chạy xe hay lội bộ trên những con đường mà bùn ngập tận nửa bánh xe ! Học sinh phải học trong nhiều lớp học chỉ được che bằng mái lá đơn sơ, nền thì đất bùn nhão nhoét. Bệnh viện thì thiếu giường nằm, 2, 3 người bệnh nằm chung một giường, nằm lan ra cả ngoài đất ! Chẳng phải Đức Thích Ca Thọ Ký : “Tất cả Chúng sinh là Phật sẽ thành” sao ? Như vậy, những người nghèo khổ kia cũng là những vị Phật trong tương lai, thì tại sao không kính trọng họ, san sẻ với họ, tạo điều kiện cho những người còn thiếu thốn, để cuộc sống họ bớt khó khăn, mà chỉ chăm chăm đổ bao nhiêu tiền của cất Chủa nguy nga, đô sộ để tôn thờ Phật Quá Khứ trong khi Ngài đã nhập diệt cả mấy ngàn năm rồi hoàn toàn không cần điều đó ? Hơn nữa, người tu Phật phải “Thiểu dục, tri túc” , thì tu sĩ thời này hình như không cho thấy có được những đức tính đó.

Tu hành chính là để trách cái Thân, cho đó là nguyên nhân của Tội, Nghiệp. Người tu chân chính chỉ ăn, mặc, và sử dụng phương tiện vừa đủ, nhằm bảo vệ cái Thân cho nó được tồn tại mà tu hành, thì Chùa sang Tu Sĩ ở phòng có máy lạnh, di chuyển bằng xe đời mới. Ăn chay toàn thức ăn ngoại nhập. Chùa của Sư Thích Vĩnh Tính ở Đài Loan còn có cả phòng tắm Sauna cho các Sư thư giãn. Các Sư đi khất thực bằng xe Lexus ! Liệu có phải “Con hơn cha là nhà có phúc” hay Tu Sĩ ngày nay đã quên mất lời dạy của Phật ?

Tóm lại. ĐẠO là CON ĐƯỜNG. PHẬT là GIẢI THOÁT. ĐẠO PHẬT LÀ CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN GIẢI THOÁT, không phải là Tôn Giáo dạy Thờ Phật ! Phật Ngôn có câu : “Như biển cả chỉ có một vị mặn. Giáo Pháp của ta chỉ có một vị Giải Thoát mà thôi”. TU Phật chỉ là sửa những Mê Lầm để được sáng suốt. Ngưng gây Nghiệp để không còn triền miên trong vòng Luân Hồi, thì ở bất cứ đâu ? hoàn cảnh nào? già hay trẻ ? nam hay nữ? giàu hay nghèo? nghề nghiệp gì mà không TU được ? Việc gì phải xây Chùa hoành tráng để người muốn tu phải tụ tập vô đó ở, không được làm gì hết, để cho người khác cung dưỡng cho thì mới TU được ? Rõ ràng bao đời qua, Đạo Phật đã bị hàng Nhị Thừa, trong màu áo Đệ Tử Phật biến Phật thành Thần Linh, biến Đạo Phật từ Đạo Giải Thoát, trở thành một Tôn Giáo thờ Phật để cầu xin, nương tựa, giống y những tôn giáo Thần Quyền khác. Họ đã biến những Phật Tử thành những người tin Phật một cách mù quáng và hình thành một lớp Tu Sĩ sống một cuộc sống vương giả, dựa vào Phật mà được ở trong những Chùa Chiền lộng lẫy, nguy nga, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ, ăn trên ngồi trước, đi đâu thì tiền hô, hậu ủng ! Họ cho rằng dành cả cuộc đời để cống hiến cho con đường tu hành, nhưng lại không chịu tìm hiểu cho kỹ để phân biệt đâu là phương tiện, đâu mới là cứu cánh của Đạo Phật, cứ “Y Kinh” mà diễn giải, tạo hào quang, uy lực cho Phật để Phật Tử ngày càng ngưỡng mộ, cầu xin, và họ trở thành lớp trung gian để chuyển lời cầu xin của mọi người đến Phật, trong khi Phật không có khả năng ban ơn, giáng phúc cho ai !

Chỉ cần vô google gõ : “Phật có phải là Thẩn Linh không” ? thì được các Trang Quảng bá Phật Pháp trên mạng đều đưa ra câu trả lời rất rõ : “Không !” . Vậy mà bao nhiêu thời qua, mãi đến hiện tại, mọi người cứ được Chư Tăng hô hào cạnh tranh với nhau cất Chùa cho to, tạc tượng ngày càng lớn, rồi ngày mấy thời khói hương phụng thờ và Cầu An, Cầu Siêu ! Chúng ta nghĩ sao ?

Qua bao nhiêu dẫn chứng, có đối chiếu lời Phật, Tổ, chúng ta có hai sự chọn lựa : Hoặc tin lời của Phật, của những Tổ chính thức được Phật ủy thác. Hoặc tin vào lời của những Tu Sĩ thời sau tự phong với nhau hướng dẫn, rồi cứ tiếp tục Thờ Phật, vì cho là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”! Nếu đã kiểm chứng và đã hiểu rằng Phật không phải là Thần Linh thì biết rằng dù mang tiếng là theo Đạo Phật, nhưng mình đã lạc vào Thần Quyền, Mê Tín mà không hay, thì “Sông Mê quay đầu là bờ”. Chúng ta tìm xem Chư Tổ nói Mê là thế nào ? Quay vào Bờ là quay về đâu ? để bắt đầu chuyển hướng. Thay vì quay ra ngoài ngóng chờ Phật Di Lặc ra đời, thì quay vào Tâm mình, chuyển hóa nó. Biến VÔ MINH thành TRÍ HUỆ. Biến TÀ thành CHÁNH. Biến VỌNG TÂM thành CHÂN TÂM. Biến LỤC TẶC thành LỤC HỘ PHÁP để Đức DI LẶC sẽ giáng trần nơi TÂM của mỗi người theo đúng Chánh Pháp, để CHÁNH PHÁP sớm được RA ĐỜI . Kinh dạy : “Phật thương chúng sinh như La Hầu La”. Các Vị Bồ Tát cũng phát nguyện “đời đời cứu độ chúng sinh”, thì các Ngài bận gì mà phải bỏ chúng sinh ngụp lặn trong biển Luân Hồi đến 5 tỷ 700 triệu năm nữa, hay đợi lúc tuổi thọ con người lên đến 8 vạn tuổi như những trang phổ biến Phật Pháp trên mạng dựa vào huyền ký nào đó khẳng định ?

Phật dạy có 5 điều Khó Được :

1/- Thân người khó được.
2/- Phật Pháp khó nghe.
3/- Khó sinh được cùng thời với Phật ra đời.
4/- Thiện Tri Thức khó gặp.
5/- Khó sinh ra được nơi có Phật Pháp lưu hành

Dù không được sinh ra cùng thời với Phật ra đời, nhưng chúng ta đã có được hầu hết những cái Phật cho là Khó. Đó là :

1/- Đã có được Thân người.
2/- Đã chấp nhận Nghe Phật Pháp.

3/- Đã may mắn sinh ra trong đất nước mà Kinh Điển nhiều vô kể, muốn tra cứu bất cứ nơi đâu cũng có. Đó là đã sinh ra được nơi có Phật Pháp Lưu hành.
4/- Chính Kinh là những lời tâm huyết của Chư Vị Giác Ngộ. Chỉ rõ những việc nên hành, những điều nên tránh đưa đến kết quả cuối cùng một cách tận tình, thì đó cũng là những Chân Thiện Tri Thức luôn sẵn sàng cận kề, nhắc nhở.
Đó là điều kiện thứ 4.

Vậy là chúng ta sinh vào thời này là đã hết sức may mắn đạt được Bốn trong Năm cái Khó, thì còn đợi gì nữa mà chưa chịu quay lại với Tâm mình, chuyển hóa nó để CHÁNH PHÁP hiển lộ ? Phật chỉ là Giải Thoát, không phải là Thần Linh nên ai cũng có thể tự mình hành dụng để đạt kết quả. Chỉ cần quay vô Tâm mình, Cái Tà, Quy Chánh là ta đã Chuyển Pháp Luân. Phật DI-LẶC cũng từ đó sẽ ra đời, sao phải bắt chước hàng Nhị Thừa, ngóng ra ngoài chờ Phật của ai ? trong khi Tổ Đạt Ma dạy :

- “Nếu biết Tâm mình là Phật ắt chẳng nên tìm Phật ngoài Tâm như vậy”.
- “Kẻ nào tìm Phật ở ngoài, kẻ ấy hoàn toàn chẳng biết Tâm mình là Phật.”
- “Chỉ cần biết tự Tâm. Ngoài Tâm rốt không có Phật nào khác”
.

Nếu đã hiểu được như thế thì như lời Tổ :

“Cửa ngõ đã biết, há lo khó vào ?
Bến ải đã rõ, há ngại chẳng thông ?

Tháng 12/2020 (Phật Lịch 2564)



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .