Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










CÁNH GÀ SÂN KHẤU



K ịch nghệ là ngành nghệ Thuật Thứ sáu trong phạm trù nghệ thuật cổ điển của Thế giới đồng thời thuộc ngành nghệ thuật thời gian cùng với thi ca, văn học và âm nhạc (Theo quan niệm của nền Văn Hóa cổ đại Hy Lạp. Thời cận đại chúng ta có thêm nghệ thuật thứ Bảy tức là, phim ảnh, xi nê).

Sân khấu là không gian trình diễn kịch nghệ. Trong thiết kế sân khấu không bao giờ thiếu những "Cánh gà" đặt xeo xéo ở phía hậu trường. Cánh gà có công năng quan trọng vừa trang trí sân khấu vừa là nơi giấu mặt của những tay nhắc tuồng. Vai nhắc tuồng hết sức quan trọng, có khi quyết định thành công của vở diễn... Quan trọng như thế nhưng luôn luôn giấu mặt, bị che khuất, không ai nói tới, khán thính giả chỉ chú ý theo dõi vai diễn và diễn xuất trên sân khấu, chẳng ai để ý đến "Cánh Gà" và những gì sau nó. Người viết muốn mượn cảnh sân khấu kịch trường để nói về một bài viết có tầm vóc lịch sử và nghệ thuật đăng trên nhật báo Tuổi Trẻ số 342/2020 (9951) ngày 17/12/2020 về nhạc sỹ lão thành thuộc hàng "Cây Đa, Cây Đề" của ngành Tân Nhạc Việt Nam: Bài - Theo Dấu Trường Ca Hòn Vọng Phu. Kỳ 06 Trường Ca bất tử. Của biên tập viên Thái Lộc và Sơn Lâm (Tuổi Trẻ trang 10-11). {Hòn Vọng Phu được xem là tuyệt tác của nền tân nhạc Việt Nam, đến nay vẫn mang tính đương đại và sẽ còn vang vọng mãi về sau... -

Nhạc sỹ Tiên Phong, nét nhạc khác lạ.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Vinh Phúc (Học Viện Âm Nhạc Huế) cho rằng Lê Thương là nhạc sỹ có vị trí đặc biệt trong nền Tân Nhạc Việt mà tác phẩm đặc biệt là Hòn Vọng Phu. Cùng với Nguyễn văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát... Lê Thương nằm trong nhóm những tác giả tiên phong của Tân Nhạc với tác phẩm công bố lần đầu trên báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn nửa cuối năm 1938.

Nguyễn Văn Tuyên là nhạc sỹ Tân Nhạc đầu tiên được Thế Lữ nhắc tới và "Cổ xúy" trên báo Ngày Nay 26/06/1938. Đến ngày 31/07/1938 báo này đăng nhạc phẩm đầu tiên, bài Bình Minh của Nguyễn Xuân Khoát (phổ thơ Thế Lữ). Ngày 07/08/1938 thì in nhạc phẩm thứ hai : Một Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên. Bài Tiếng Đàn Khuya của Lê Thương là bài thứ ba được in ngày 14/08/1938.

Theo nhà nghiên cứu Vinh phúc, khi Nguyễn Văn Tuyên lần đầu tiên công khai trình diễn các tác phẩm "Lời Ta, nhạc Tây" của mình tại Hà Nội, sự đón nhận của công chúng có phần "nhợt nhạt" bởi lẽ cử tọa là khá nhiều tác giả cũng đã sáng tác ca khúc mà chưa công bố, chỉ đến khi chương trình nhạc Lê Thương được tổ chức mới thực sự gây tiếng vang trong lòng người nghe.

Sau khi công bố mấy mhạc phẩm, Lê Thương được Đoàn Ánh Sáng- một tổ chức của báo Ngày Nay-mời lên Hà Nội trình diễn để vận động quyên góp làm nhà cho đồng bào. Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-11-1938, trước khi diễn vở hài kịch ông Ký Cóp của Vi Huyền Đắc, Thế Lữ đã tổ chức chương trình phụ diễn toàn nhạc Lê Thương. Đó là những bản : Tiếng đàn đêm khuya, Một ngày xanh, Thu trên đảo Kinh Châu, Xuân năm Xưa, Trên Sông Dương Tử, Khúc Ly Ca... Đây được xem là chương trình "tác giả tác phẩm" tân nhạc lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam.

Buổi trình diễn thành công ngoài mong đợi. Khái Hưng đã không tiếc lời trên báo Ngày Nay 26-11-1938 : "... Ngoài công giới thiệu tác phẩm mới của một soạn giả có tài, còn cho ta được thưởng thức những bài hát êm ái của ông Lê Thương, những điệu cảm động vì diễn tả một thứ văn chương ly tao nhất của tâm hồn. Cái giọng mềm mại của ông Lê Thương được một tay danh cầm đàn theo. Ông Trần Đình Khuê một nhạc sư ai cũng yêu tài, đã làm nổi tình cảm của ông Lê Thương trong những ngón tay đàn ý tứ và đằm thắm".

Bậc thầy của các nhạc sỹ đại thụ.

Chủ trương sáng tác của Lê Thương, ngay từ thời gian đầu đã dựa trên âm nhạc dân gian của người Việt. Từ bản Thu Trên Đảo Kinh Châu, Lê Thương sáng tác dựa vào chất liệu quan họ, sự thành công đến nỗi sau này người ta xem bản tân nhạc này là một bài quan họ. Ông Nguyễn Thụy Kha nhận định : "Khuynh hướng sáng tác chủ đạo của âm nhạc Việt Nam hiện nay là dân gian đương đại. Điều này, nhạc sĩ Lê thương đã chủ trương từ rất sớm. Và điều đó vẫn soi sáng, vẫn vững bền, người nhạc sĩ ấy tầm cỡ đến như thế". Ông được Văn Cao tôn kính làm bậc thầy không phải là quá đáng. (Lê Hoàng Long : Nhạc Sĩ Danh Tiếng Hiện Đại, Sài Gòn 1959).

Theo ông Nguyễn Thụy Kha, nhiều nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam như Văn Cao, Hoàng Quý, Tô Vũ (Hoàng Phú), Canh Thân, Phạm Ngữ... đều chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Lê thương. Các sáng tác của bậc thầy Lê Thương đã ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ nhạc sĩ tân nhạc: "Không có Lê Thương thì làm sao Văn Cao viết được Buồn Tàn Thu năm 16 tuổi, bài hát này dựa trên tinh thần của Lê thương".

Cũng nhờ nhạc sĩ bậc thầy tiên phong mà sau này, nhiều nhạc sĩ của nền tân nhạc mới để lại những bản trường ca bất hủ ; Phạm Duy với Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam hay Phạm Đình Chương với Hội Trùng Dương... Riêng Hòn Vọng Phu, ông Kha nói : "Đến nay vẫn còn nguyên giá trị; tác phẩm này được bước vào cổ điển, cả nhạc và lời đều bất tử chứ không bị lãng quên như các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác". }

NHẬN ĐỊNH

1. Những người Việt Nam yêu âm nhạc phải cám ơn Biên tập viên Thái Lộc và Sơn Lâm đã gợi lại cho chúng tôi "Một Thoáng" Tân Nhạc đầu tiên tại Việt Nam vào thời mà ai sống tới nay cũng vượt quá mức "Cổ lai hi" sang tới ngưỡng, cửu bách tuần rồi.

2. Người viết nói "Một Thoáng" vì giới hạn của một bài báo, không thể nào đào sâu tận căn cội, gốc rể một cuộc đời nhạc sĩ tài hoa, với quá trình lớn lên rồi đi vào lối rẽ âm nhạc tới mức thành công như nhạc sỹ Lê Thương và các nhạc sỹ lão thành cùng trang lứa đã có công khai phá tân nhạc, đó là nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Văn Tuyên ...

Nguyên mình Lê Thương và trường ca Hòn Vọng Phu phải được nghiên cứu và trình duyệt, xuất bản như một luận án tiến sỹ âm nhạc mới xứng tầm. Trịnh Công Sơn và những tác phẩm của ông đã được một phụ nữ Nhật Bản nghiên cứu và trình luận án tiến sỹ tại Pháp, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Trần Văn Khê. (Nếu người viết không nhớ lầm).

3. Điều thú vị là cả ba nhạc sỹ tài danh đã khai sáng nền tân nhạc Việt Nam đều là người Công Giáo cả thi sỹ Thế Lữ, thi sỹ đàn anh trong Tự Lực Văn Đoàn, người cổ xúy cho những cuộc ra mắt đầu tiên của Nguyễn Văn Tuyên cũng là tín hữu Công Giáo. Các vị này đã có quá trình sinh hoạt ca đoàn thiếu nhi ở nhà thờ, đã ở trong các ban giúp lễ, hầu hết là học trường đạo Puginier ở Hà Nội hay trường Providence Huế (trường hợp Nguyễn Văn Tuyên) nghĩa là đã kín múc từ nguồn âm nhạc của Thiên Chúa Giáo. Thành Công của những vị này như những hoa trái nở rộ, thơm ngon mà Chúa Giêsu thì dạy trong Phúc Âm : "Cứ xem quả thì niết cây. Cây tốt mới sinh quả tốt" (Mt 12,33) Truyền thống tốt lành của Việt Nam, quê hương chúng ta là : "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn".

4. Góc khuất mà người viết muốn mở ra sau những thành công rực rỡ trong việc khai sáng nền tân nhạc Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam đó là nền âm nhạc Bác Học Âu Mỹ, điểm sáng chói của nền Văn Hóa và Văn minh nhân loại mà Thiên Chúa Giáo đã góp phần.

Nói về âm nhạc chung chung thì dân tộc nào cũng có, nhưng âm nhạc đó có từ bao giờ, ký âm ra sao, được bao nhiêu người, bao nhiêu miền, bao nhiêu nước sử dụng thì không có tài liệu nào nói rõ. Trái lại Âm Nhạc Bác Học Âu Mỹ thì có nguồn cội rõ ràng ảnh hưởng thì khỏi nói người ta cũng biết, cả thế giới sử dụng, phát huy rực rỡ trên toàn cõi địa cầu. Cứ xem những cuộc thi thể thao thế giới, cuộc đấu nào cũng cử hành bằng quốc ca của nước đó, có bài quốc ca nào dù là Phi Châu, hay Á Châu lại không cử những bản nhạc với những nốt nhạc Đồ, Rê, Mi, Fa... Lại không dùng những nhạc cụ của nền âm nhạc Bác Học Âu Mỹ...?

5. Thiên Chúa Giáo nơi dân tộc Do Thái đã sử dụng âm nhạc trong việc thờ phụng Đức Chúa, được ghi nhận bằng văn bản trong Thánh Kinh Cựu Ước. Đây là dấu vết lịch sử. Quyển I Sách Biên Niên chép về thời Vua Đavít, 1000 năm trước Công Nguyên đã ghi : "Vua Đavít và những người đứng đầu việc phụng tự Thiên Chúa, đã tách riêng các con ông A.xáp, ông Heman và ông Giơ-du-thun ra để họ lo việc phụng tự. Họ hát những bài ca được được Linh Hứng theo tiếng đàn sắt, đàn cầm và não bạt. Họ hát thánh ca theo lệnh nhà vua, tất cả họ là những nhạc sư và ca viên gồm 288 người, chia phiên đờn hát thánh ca theo lệnh nhà vua" (1Sb 25,1-31).

Sách Biên Niên quyển I cũng nhắc tới tên các nhạc cụ thời đó : "Toàn thể dân Israel đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa lên Núi Sion vừa reo hò giữa tiếng tù và, kèn đồng và não bạt với tiếng cầm tiếng sắt". (1Sb 16,28)

- Trong việc cắt cử người phục vụ nhà Đức Chúa có tới 4.000 người dùng được nhạc khí mà ngợi khen Chúa. (1Sb 23,5)

"Còn các thầy Lê vi thì sử dụng các nhạc cụ của Đức Chúa do vua Đavít làm ra để hòa theo những bản thánh ca... Họ hát những bài do vua Đavít sáng tác, bên cạnh họ, các tư tế thổi kèn...". (2 Sb 7,6)

Thời đó đã có Ca đoàn, và Vua Đavít cũng là nhạc sỹ sáng tác. Rất tiếc không có tài liệu nào ghi được nhạc phẩm của Ngài.

- Thánh Vịnh 91,4 Thời Vua Đavít nhắc tới cả đàn Tỳ Bà :

"Hòa điệu sắt cầm gieo trầm bổng.
Nhè nhẹ vấn vương khúc Tỳ Bà."

- Thánh Vịnh 150, 3-6

Ca tụng Chúa đi rập theo tiếng tù và
Ca tụng Người họa tiếng cầm tiếng sắt
Ca tụng Chúa bằng vũ điệu trống đưa
Ca tụng Người theo cung đàn nhịp sáo
Ca tụng Chúa đi với chũm chọe vang rền
Ca tụng Người cùng thanh la inh ỏi
Hỡi toàn thể chúng sinh ! ca tụng Chúa đi nào ! Halleluia.

- Thánh Vịnh 97,4-6

Tung hô Chúa hỡi toàn thể địa cầu
Mừng vui lên reo hò đàn hát.
Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt
Nương khúc nhạc cầm réo rắt giọng ca
Kèn thổi vang xem tiếng tù và
Tung hô mừng Chúa vị quân vương.

6. Thật lạ lùng, trước Công nguyên 1000 năm, nghĩa là trước chúng ta ngày nay hơn 3.000 năm đã có những nhạc sư, những ca sỹ, những nhạc cụ phong phú như trên nhưng rất tiếc không có tài liệu nào cho chúng ta biết những nhạc cụ đó như thế nào và ký âm ra sao cho các nhạc cụ ấy. Ngay cả nhạc cổ truyền Trung Hoa cũng không có lịch sử rõ ràng. Hệ thống : Hồ, xừ, xang, xê, công, liu (Đồ, rê, pha, sol, la, đô)... chép thành ký hiệu âm nhạc như thế nào? độ cao thấp bao nhiêu, độ dài ngắn bao nhiêu? Chép bản nhạc hòa âm, tổng phổ thế nào ? Nói chung là chưa có tính lịch sử và khoa học-mãi sau này Trung Hoa ghi bản nhạc bằng các con số 1,2,3,4,5 ... là đã dựa vào thang âm của nhạc bác Học Tây Phương : số 1 là Chủ âm; số 2 là Thượng Chủ âm; số 3 là Trung âm; số 4 là Hạ Át âm; số 5 là Át âm; số 6 là Thượng Át âm, số 7 là Cảm âm; số 8 là Chủ âm cao.

7. Sáng tạo nốt nhạc.

Thế giới âm thanh thì vô kể nhưng lấy những ký hiệu nào để ghi chép lại? Ban đầu Giáo Hội ghi bằng các chữ cái ABCDEFG trên 1 hàng kẻ rồi 2,3 cuối cùng 4 hàng kẻ (Hình thành khuông nhạc) Sau đó thay thế các chữ cái bằng những nốt vuông vào cuối thế kỷ X khi một tu sỹ người Ý, ông Gui d' Arézzo lấy các chữ đầu của bài thánh ca Kính Thánh Gioan Tẩy Giả (24/6) để thay thế các mẫu tự.

Bài Thánh ca như sau (tiếng Latinh)

Ut queant laxit
Resonare fibris
Mira gestorum
Famuli tuorum
Solve poluti
Labii reatum
Sancte Joannes.

Tạm dịch : Để các tôi tớ Ngài (Thánh Gioan Tẩy Giả) có thể ca tụng những công việc lạ lùng của Ngài bằng những sợi dây đờn réo rắt thì : Lạy Thánh Gioan xin Ngài hãy thanh tẩy môi miệng tôi tớ Ngài.

Qua đoạn Thánh ca trên, Gui d'Arézzo đã lấy nhưng vần đầu của 7 câu để đặt tên cho 7 nốt nhạc, thể hiện qua chấm vuông trên khuôn nhạc 4 hàng kẻ (Bình ca) sau này đổi sang chấm tròn ghi trên 5 hàng kẻ. Tên 7 nốt nhạc như những chữ cái của 1 hệ thống văn tự dùng để ghi chép, đọc và tấu nhạc. 7 tên nốt nhạc là : Ut, Re, Mi, fa, Sol, La, Si, (ghép S+J). Ghi chú : Ut khó phát âm nên sau này đổi Thành Đồ.

Phát minh ban đầu của Giáo Hội dần dần cả thế giới sử dụng, phát huy thành bộ môn Âm nhạc Bác Học, phát triển nở rực rỡ tới nay và mãi mãi sau này.

8. Kết luận.

Nền Âm nhạc Bác Học Châu Âu là một đóng góp cực kỳ lớn lao của Thiên Chúa Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng cho nền Văn hóa, Văn học, Văn minh nhân loại. Đối với Việt Nam sự đóng góp cũng thực lớn lao.

Về Văn học thì Chữ Quốc Ngữ là sâu nặng nhất. Từ đầu thế kỷ 17 tới đầu thế kỷ 20 - Giáo Hội đã đóng góp cho Văn Học Việt Nam 14 bộ Tự điển. Phải tới năm 1931 Văn Học Việt Nam mới có bộ từ điển Việt Nam đầu tiên của nhóm Khai Trí Tiến Đức.

Về Âm nhạc, không phải tới năm 1938 mới có những bài nhạc tân nhạc đầu tiên của những tác giả Công Giáo : Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Tuyên và Lê Thương.

Trong tập hồi ký của Linh mục Yuse Tiến Lộc C.Sr.D tháng 5/2020 trang 227 có ghi ; "Tác giả Nguyễn Khắc Xuyên (Nhạc sỹ lão thành) trong cuốn Hồi Ký Tiến Trình Thánh Nhạc Việt Nam, đã đem chúng ta về với quá khứ cũng như tác giả Minh Tâm trong cuốn Lịch Sử Âm Nhạc Việt Nam từ 1900-1975, cũng cho chúng ta những trang lịch sử quý giá".

Ta ngộ ra điều này là công đầu của nền âm nhạc Việt Nam nói chung là do các nhạc sỹ nhà đạo hoặc xuất thân từ nhà đạo (cụ Lưu Quang Duyệt, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Tuyên, Lê Thương...)

Ở giữa cuốn sách lịch sử Âm Nhạc Việt Nam tác giả Minh Tâm dành riêng một trang để minh họa bằng bìa sách "Những bài Ca Ngợi Đức Bà Maria", nhà xuất bản : Imprimerie Tân Định 1923. Ở những trang in chân dung các nhạc sỹ và những người làm công tác âm nhạc ta thấy hàng loạt các tác giả Công Giáo. (Cha Gabriel Long, Cha Phaolô Đạt, Cha Phaolô Quy...)

Hơn một chục nhạc sỹ dạy nhạc hoặc sáng tác nhạc tiên khởi có gốc từ nhà thờ. Điều này cũng đúng cho nền âm nhạc thế giới mà ai cũng phải công nhận là xuất phát từ những kinh nghiệm lâu dài của các đan sỹ trong tế tự, bằng chứng cụ thể là dấu tích các nốt nhạc Ut Re Mi Fa Sol La Si là khởi đầu của bài thơ ca ngợi Thánh Gioan Tẩy Giả (cuối thế kỷ X).

9. Truyền thống Văn Hóa Việt Nam rất hay và rất đẹp: "Uống nước nhớ nguồn; ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Bài "Cánh Gà Sân Khấu" cũng chỉ nhằm mục đích đưa tâm trí những ai có thành tâm thiện chí, yêu âm nhạc, yêu văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng về cái "nguồn" và cái kẻ "trồng cây" ấy. Với những ai chủ trương "Không thể sống vô ơn được : Ơn ai một chút chớ quên (ca dao)", thì quả thật, chúng ta còn nợ Giáo Hội Công Giáo một lời Cám Ơn.


Tân Sa Châu ngày 01/01/2021



Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .