ĐI TÌM CUỐN SÁCH DỊCH ĐÃ MẤT
hay
THẾ SỰ THĂNG TRẦM QUÂN MẠC VẤN
KẾT
K
ỳ tôi về thăm Việt Nam vừa qua nhằm đúng lúc đang diễn ra cuộc tranh luận ồn ào liên quan đến dự án xây dựng cho Sài Gòn một Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tương tự các rạp Opéra tây phương với kinh phí khổng lồ lên tới hơn 1500 tỉ đồng. Cuộc tranh luận do thắc mắc của KTS Ngô Viết Nam Sơn được đăng tải trên nhật báo Tuổi Trẻ ngày thứ tư 10-10-2018 - (mục Văn hóa – Giải trí, trang 17) : “ Nhà nước phải chứng minh được hiệu quả xã hội của công trình ( người dân thực sự cần có nhà hát, không có không được), hoặc hiệu quả kinh tế (nhà hát này đem lại lợi nhuân kinh tế cao). Đây cũng là cách quản lý đô thị của các nước trên thế giới ”. Đáp lại, cũng nhật báo trên, ông Trần Vĩnh Tuyến phó chủ tịch UBNDTP.HCM giải thích : “Không phải cuộc sống người dân khó khăn là không cần thiết chế văn hóa. Quan trọng là làm sao công trình đạt chát lượng không lãng phí nguồn lực nhà nước. Còn về thiết chế văn hóa, hiện nay TP chưa có công trình nào đạt chuẩn, chưa có nhà hát giao hưởng, trong khi nguồn nhân lực về nghệ thuật của thành phố đạt chất lượng.” Nếu thắc mắc của KTS Ngô Viết Nam Sơn là chính đáng, thì lời giải thích của ông Trần Vĩnh Tuyến liệu có thuyết phục hay không?Để có câu trả lời thích đáng, ta hãy xét hai điểm chủ yếu như sau: 1) Nhu cầu xây dựng một Nhà hát giao hưởng đạt chuẩn có thực sự cần thiết chưa? 2) Có thật TP.HCM đã có một nguồn nhân lực đạt chất lượng như ông Trần Vĩnh Tuyến phát biểu hay không?
Trước hết là nhu cầu về một nhà hát Giao hưởng đạt chuẩn. Hầu hết các thành phô văn minh tiên tiến trên thế giới đều có một Nhà hát Giao hưởng thuộc loại Opera. Đó là một công trình kiến trúc bề ngoài uy nghi cổ kính, nhưng bên trong lại trang trí mỹ thuật, thanh lịch. Hơn thê, phần âm thanh phải được thiết bị sao để từ nhứng nốt nhạc nhẹ nhàng êm dịu nhất mở đầu bản Sonate au clair de lune của Beethoven cho đến những nốt nhạc dồn dập âm vang kết thúc, người nghe vẫn có thể thưởng thức được mà không phải nhắm mắt bịt tai vì những âm thanh vang dội chát chúa. Nếu đạt được tiêu chuẩn này, thì kinh phí hơn 1500 tỉ đồng dành Nhà hát giao hưởng xét ra không có gì quá đáng. Do các đòi hỏi mỹ thuật và kỹ thuật cao như vậy, nên các Nhà hát giao hưởng xứng với danh hiệu thường dành cho các buổi trình tấu âm nhạc cổ điển dương cầm hay vĩ cầm, các buổi hòa nhạc giao hưởng. Ngoài ra nó cũng được dùng làm sân khấu cho các vở kich cổ điển của Molière, Corneille, Racine hay các vở kịch vũ ba lê (ballet) như Le lac des cygnes lấy nhạc Tchaikovsky làm nền. Và phải chăng chính vì là biểu tượng cho một nền văn minh lâu đời và một truyền thóng văn hóa cao, nên khi đặt chân tới Việt Nam người Pháp không chỉ lo mở các đồn điền cao su, mà còn cho xây tại Hà Nội một Nhà Hát lớn rập khuôn nhà hát Opera Paris thu nhỏ. Mục đích chắc là để phân bua với miệng lưỡi thế gian rằng họ tới Việt Nam không chỉ với ý đồ chiếm đất giành dân, mà còn muốn đóng góp vào công cuộc khai hóa xứ sở.`
Giờ ta hãy xét tới “nguồn nhân lực của TP đạt chất lượng” được ông phó chủ tịch TP.HCM nói tới. Theo tôi nghĩ, một nguồn nhân lực nghệ thuật có chất lượng xứng với đòi hỏi một Nhà hát giao hưởng kinh phí hơn 1500 tỉ đồng, trước hết phải là một vài nghệ sĩ độc tấu dương cầm , vĩ cầm tài hoa, một dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp, hoặc một vài buổi trình diễn dành cho ban kịch vũ ba lê. Thêm vào đó cũng cần có một số lượng khán giả biét thưởng thức các màn trình diễn kể trên. Thời gian hơn một tháng ở Việt Nam, tôi không hề được nghe nhắc đến một nghệ sĩ dương cầm hay vĩ cầm tên tuổi có tầm vóc quốc tế như nhà dương cầm Đặng Thái Sơn, hay một buổi trình tấu nhạc giao hưởng nào hết. Trái lại, tôi chỉ thấy, nếu không là các quán nhạc karaoke mọc lên như nấm, thì cũng là các buổi biểu diễn nhạc show hay các phòng trà. Nơi đây thường là đia điểm lui tới của một thành phần xã hội dư tiền dư của, dư thời giờ, đặc biệt là con cháu các đại gia, viên chức cửa quyền. Tuy thuộc dòng dõi con nhà gia thế, nhưng nhạc sở thích của họ lại là loại nhạc mang giai điệu bolero nay đang xuống cấp thành loại nhạc “bèo”, nhạc “sến” do những lời ca tình tự, ỉ ôi kể lể. Của đáng tội, xếp các bản nhạc mang giai điệu bolero vào loại nhạc sến, nhạc bèo là kết oan cho nó. Bèo, sến hay không, là do người sáng tác chạy theo thị hiếu thời thượng. Còn người nghe chỉ chờ tiếng nhịp tắc xình, tắc xình, tắc xình… nổi lên để cậu ấm cô chiêu kéo nhau ra sàn nhảy, cô thì lắc lư cái mông đong đưa đôi vú, còn cậu thì cặp giò vừa nhún nhảy vừa đưa mắt đá lông nheo tống tình người đối diện. Ấy vậy mà, nếu tôi nhớ không lầm, tại miền Nam VN thế kỷ trước, trong khoảng thập niên 60, có một anh chàng nhạc sĩ hình như tên Đình Chương họ Phạm thì phải. Cũng với giai điệu bolero gốc Nam Mỹ ấy, nghe đâu bằng những nốt nhạc nhịp nhàng ấm áp, anh chàng lại sáng tác ra bản nhạc mang tên Xóm đêm, dể gợi lên cho ta khung cảnh một khu xóm tối tăm, nghèo hèn, khuất nẻo. Nhưng ở đó lại ánh lên một hào quang nhân bản. Nhưng ở đó lại nghe vọng lên những lời ru con trìu mến. Nhưng ở đó ta lại thấy có những tấm lòng. Nhưng ở đó ta lại được gặp những con người biết mang tình thương.(7)
Dành tới hai trang để chỉ nói về cuộc tranh luận xoay quanh dự án xây cất một nhà hát cao cấp tại TP.HCM có vẻ hơi dài; nhưng cũng có thể chưa đủ nếu ta muốn dùng nó làm câu chuyện biểu tượng để nói lên sự tương phản giữa các biến đổi tại Việt Nam trong hai thập niên vừa qua khi bước vào thời kỳ mở cửa: Phát triển về mặt kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân; nhưng đồng thời lại xuông cấp về mặt sinh hoạt văn hóa, tinh thần.
Trước hết về mặt canh tân và phát triển xứ sở. Khách quan mà nói - ít ra theo cảm nhận của tôi - , phải nhìn nhận là VN đã thực hiện được nhièu thành tựu đáng kể về mặt canh tân xứ sở và cải thiện đời sống chung cho cả nước. Công việc sản xuất được đẩy mạnh, đặc biệt là trong hai lãnh vực công nghiệp và du lịch. Nhiều xí nghiệp, nhiều công ty được thành lập khiến một số sản phẩm mang thương hiệu VN được có mặt trên thị trường quốc tế. Về mặt du lịch, một số thắng cảnh hay địa điểm du ngoạn đã được chỉnh trang hay dựng lên. Thêm vào đó phẩm chất công tác giao tế, liên lạc với người nước ngoài cũng được cải thiện khiến Việt Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch được khách nước ngoài chiếu cố nhiều nhất trong vùng Đông Nam Á.
Nhưng… Bố khỉ, ở đời sao lúc nào cũng gặp phải cái chữ nhưng! Bên cạnh các thành tựu về măt xây dựng và phát triển ấy, đời sống tâm linh và văn hóa lại phát triển trái chiều theo tỉ lệ nghịch, để mỗi lúc một rơi vào tình trạng suy thoái đáng ngại. Điều này cũng dễ kiểm chứng thôi, nếu ta chịu khó theo dõi cách sử dụng ngôn ngữ trong một số trường hợp ở Việt Nam hiện nay. Không phải là ngôn ngữ của đại chúng trong sinh hoạt hàng ngày, mà là ngôn ngữ được thấy nơi một vài giới chức nghiệp hay chức vụ. Nhưng trước hết ta hãy tìm hiểu sơ qua ngôn ngữ là gì?
Ngôn ngữ, khách quan mà nói, có thể được coi là công cụ diễn đạt, là phương tiện truyền thông, là đặc quyền Tạo hóa dành cho con người. Các loài thú không biết sử dụng ngôn ngữ. Khi muốn tỏ tình chẳng hạn, chúng chỉ biết kêu bẹ, bẹ..ẹ..ẹ, hoặc dí mũi vào cái ấy mà hửi hửi… Chỉ có con người mới biết chia động từ “yêu” mà thôi. Nhưng không phải chỉ biết có chia động từ yêu. Còn hơn các dân tộc khác, người Việt còn có khả năng chuyển đổi danh xưng bằng đại tự khác nhau, từ “cô” sang “em”, rồi “mình”, rồi “nhà ấy ơi”, và cuối cùng là “bà nó” để đánh dấu từng giai đoạn chuyển biến quan hệ tình cảm trong đời sống lứa đôi: từ người yêu tới người vợ, rồi người mẹ để sau cùng lên chức bà, Chỉ riêng về mặt dùng đại tự để chuyển gam (gamme) đổi tông (ton) trong cách xưng hô nêu trên, cũng đủ cho thấy dân tộc ta có một truyền thống sinh hoạt văn hóa phong phú đa dạng như thế nào. Và trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, cái ngôn ngữ ấy tuy có thay đổi theo thời gian, nhưng luôn hướng về mặt cải thiện để mỗi lúc diễn tả được hoàn thiện hơn, chính xác hơn.
Những ngày đầu trong chuyến về thăm Việt Nam vừa qua, khi còn được trao đổi tiếp xúc với người dân trong sinh hoạt hàng ngày như tại quán cà phê lề đường, tiệm ăn đầu phố, các của tiệm, các sạp hàng trong chợ…, tôi không có cảm giác mình đang thay đổi môi trường sống. Chỉ khi bắt đầu phải chạm mặt với các thành phần xã hội thuộc giai tầng ngành nghề hay chức vụ, tôi mới cảm thấy phần nào lạc lõng, bỡ ngỡ như một kẻ xa lạ ngay chính quê hương mình. Lạc lõng, bỡ ngỡ do cách họ sử dụng ngôn từ, câu cú khiến tôi có cảm giác như đang được trao đổi với một thổ ngữ (dialecte) nào đó, hoặc tưởng vì xa quê hương lâu ngày tôi đã quên mất phần nào tiếng mẹ đẻ
Trước hết, một số từ ngữ tôi quen sử dụng để diễn tả cho chính xác, nay hầu như bị loại bỏ để được thay thế bằng một thứ ngữ nghĩa đồng nhất, đồng phục khiến người không quen dùng khó phân định được tách bạch, rõ ràng. Thí dụ như trường hợp từ chất liệu chẳng hạn. Nay hầu như được dùng để thay thế cho cả từ số lượng, khối lượng (quantité) lẫn phẩm chất, phẩm tính (qualité). Hoặc có khi cả hai cùng một lúc. Điển hình là phát biểu của ông phó chủ tịch UBNDTP.HCM trên tờ Tuổi Trẻ ngày 10-10-2018, tôi xin trích lại toàn bộ như sau: “ Không phải cuộc sông người dân khó khăn là không cần công trình thiết chế văn hóa. Quan trọng là làm sao công trình đạt chất lượng, không lãng phí nguồn lực nhà nước. Còn về thiết chế văn hóa hiện nay, TP chưa có công trình nào đạt chuẩn, chưa có nhà hát giao hưởng, trong khi nguồn nhân lực về nghệ thuật của TP đạt chất lượng.”
Theo tôi hiểu, từ chất lượng ở đây là để thay thế cho từ chất liệu (matière, substance) của miền nam trước đây để chỉ tất cả những gì tồn tại có thể chế biến để tạo ra sản phẩm. Thí dụ như đất thó, gạch, đá hoa là những chất liệu hay vật liệu dựng túp lều tranh, để làm nhà, xây lâu đài… Các loại chất liệu này không có phẩm chất hay phẩm tính như nhau. Đất thó nay không ai dùng để xây nhà, và nếu chỉ dùng gạch để xây lâu đài thì nom không sao hoành tráng được. Cũng vậy, cất một căn nhà hay xây một ngôi biệt thự, người ta không thể dùng một khối lượng hay số lượng gạch như nhau. Có lẽ ông phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nghĩ có thể dùng từ chất liệu để thay thế cho cả khối lượng lẫn phẩm chất, nên ông mới cho rằng TP có một “nguồn nhân lực về nghê thuật đạt chất lượng” trong khi giới nghe nhạc hầu như chỉ thích nghe những bản bolero thuộc loại nhạc “sến”, nhạc “bèo’’ mà thôi.
Một từ khác đang trở thành thời thượng, mà sự lạm dụng đã khiến nghĩa của nó trở nên mập mờ, đôi khi còn khó hiểu là đằng khác. Đó là trường hợp từ ấn tượng, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã dùng để trả lời trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Tiến Long trên tờ Tuổi Trẻ ngày 5-7- 2018, tr. 13. Sau đây là phát biểu của KTS Nguyễn Tiến Long liên quan đến việc ra mắt cuốn sách Lang thang phố thị đồng bằng sông Cửu Long như sau: “ Tôi sống bằng nghề vẽ, vẽ kiến trúc, qui hoạch là nghề chánh, nhưng tôi cũng thích vẽ đủ thứ ký họa, màu nước hay sơn dàu chỉ là thiền, là dạo chơi với cây cọ, bút sắt. Vì vậy, lang thang đến đâu tôi cũng vẽ. Tôi ấn tượng với cuộc sông mưu sinh của những con người bình thường nhất, những phụ nữ Việt với nón lá, với quang gánh, bên con trâu, xe bò hay xe lôi, xe thồ, ghe, xuồng, tắc ráng… Chính là bản săc Việt miền sông nước không lẫn với con người nước khác.”.
Tôi hoàn toàn chia xẻ quan điểm của KTS Nguyễn Ngọc Dũng khi ông muốn đề cao những người phụ nữ Việt Nam bình thường với nón lá, với quang gánh bên con trâu, con bò, xe thồ, trên ghe, trên xuồng…, mang bản sắc Việt miền sông nước Việt Nam. Đó cũng là điều khiến ông muốn dùng màu nước hay sơn dàu để minh họa và vinh danh họ trên tấm bố. Tuy nhiên điều làm tôi lấn cấn là cách ông phát biểu với từ “ấn tượng”, Ấn tượng, theo tôi hiểu, là từ để chỉ tác động mạnh mẽ bất ngờ, bất chợt của một biến cố, một cảnh tượng hay của một nhân vật tới cảm xúc, cảm quan của ta. Đó là tác động của bức tranh Mặt trời mọc (Soleil levant) của Claude Monet vói nhà phê bình Leroy khi lần đầu ông ta đứng trước bức tranh này. Hay như lời phát biểu sau: “Mới gặp lần đầu, ông X. đã để lại cho tôi một ấn tượng tốt đẹp, do thái độ cởi mở, thân thiện của ông ta. Sau này tôi mới biết đó chỉ là thói quen xã giao của ổng mà thôi” Bởi vậy tôi chưa nghe hay đúng ra không hề được nghe ai nói “tôi ấn tượng”, mà là tôi đã “bị ấn tượng” trước cảnh tượng tàn phá điêu tàn ấy, hoặc cảnh tượng tàn phá điêu tàn ấy đã để lại nơi tôi một “ấn tượng” sâu sắc. Còn khi ông Dũng xưng tôi làm chủ từ trực tiếp và “ấn tượng” làm động từ, thực tình tôi không năm rõ ý ông Dũng nói là ông bị ấn tượng bởi hình ảnh những người phụ nữ quang gánh mang bản sắc Việt miền sông nước Cửu Long, hay ông muốn nói dùng cây cọ và tấm bố để truyền đạt cảm xúc bất ngờ ấy nơi ông, để gây “ấn tượng” cho khách thưởng ngoạn .
Không chỉ có hai từ “ấn tượng” hay “chất lượng” kể trên. Nếu chịu khó lượm lặt trên các trang báo, ta sẽ tìm thấy dễ dàng một lô các từ đao to búa lớn khác nhằm tạo ấn tượng hay gây sốc. Thí dụ như “triều cường” để chỉ nước mưa lũ làm ngập chìm một vài khu phố. Tôi không hề có ý bác bỏ hai chữ “triều cường”. Từ này có thể giúp tiếng Việt của ta được thêm phong phú. Nhưng tôi nghĩ ta chỉ nên dùng hai chữ “triều cường” để nói về những đợt sóng khổng lồ hung hãn ập vào và cuốn phăng nhà cửa, cây cối, xe cộ …, những gì ở sát bờ biển như tại một vài thành phố của Indonesia trong cơn đại hồng thủy hay tsunami vừa qua. Rồi còn phải nghi sao đây về hai chữ “quan trắc” trong cái tựa TP.HCM triẻn khai mạng lưới quan trắc không khí toàn TP trên tờ Tuổi Trẻ ngày 5-7-1018, mục Đời sông đô thị, tr.8. Đây là lần đầu tiên tôi gặp từ này, và phải vò tai bóp trán đọc đi đọc lại bài báo nhiều lần mới phỏng đoán rằng (chỉ phỏng đoán thôi) từ “quan trắc” có lẽ để chỉ công tác kiểm soát hay đo lường mức độ ô nhiễm không khí do chất thải của xăng dầu gây nên. Nếu quả đúng là vậy, sao không dùng từ “kiểm soát” hay “đo lường” quen thuộc dễ, mà đi bắt người đọc phải làm cuộc phiêu lưu mạo hiểm để tìm hiểu làm chi? Chưa hết. Đoạn đường chiến binh của tôi còn phải tiếp tục thêm chặng khổ ải khác với cái tựa hiểm hóc trên trang 6 tờ Thanh Niên số 291 ngày 18-10-2018 như sau : “Lùi tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của TP.HCM”. Chèng đéc ơi! Hoặc lùi, hoặc tiến, chứ đã lùi còn tiến sao được. Sau khi đã ba lần gieo quẻ âm dương để chọn nên lùi hay tiến và đọc kỹ bài báo, tôi đành tạm giải quẻ như sau : Do không thể thực hiện dúng thời hạn phương án cổ phần hóa 39 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 theo chỉ thị của chinh phủ, TP đề nghị Chính phủ cho phép triển hạn hoặc rời thời hạn thực hiện phương án với 32 DNNN (Doanh nghiệp nhà nước?) trong năm 2019 và 7 DNNN còn lại vào năm 2020. Đây mới chỉ là cách giải quẻ theo kiếu “bói ra ma, quét nhà ra rác” của tôi, nên không dám bảo đảm lời giải là đúng một trăm phần trăm.
Không chỉ có thế, một vài trường hợp sử dụng câu cú, ngữ pháp đê diẽn tả như trên cũng đủ cho thấy sụ nghèo nàn hay lười biếng trong tư duy. Thí dụ như dưới cái tựa “ Gạo Việt mượn thương hiệu ngoại để xuất khẩu”, bái báo tờ Tuổi trẻ trên trang 7 số ra ngày 11-10-2018 đã có câu viết như sau : “ Đặc biệt, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt vẫn chưa được người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến do gạo Việt được thông qua một thương hiệu khác.” Thú thiệt, nếu tựa bài báo ngắn gọn sáng sủa bao nhiêu, thì câu giải thích ở dưới có vẻ lại đưa người đọc vào “đêm tối bao la” bấy nhiêu. Thế nào là người tiêu dùng cuối cùng? Tại sao đã là sản phẩm thương hiệu gạo Việt rồi lại còn viết gạo Việt được xuất khẩu thông qua một thương hiệu khác? Chỉ trong một câu ngắn mà ý tưởng mù mờ, lời lẽ lủng củng đã khiến người đọc như muốn bị đưa vào mê hồn trận. Nếu chịu khó bỏ thì giờ suy nghĩ chín chắn , tác giả câu viết trên có thể diễn tả thí dụ như sau, hầu giúp người đọc nắm được dễ dàng ý muốn nói gì: “ Trên thị trường quốc tế, gạo xuất khẩu Việt Nam chưa được khách tiêu dùng biết đến như là gạo Việt Nam, mà phải mượn thương hiệu một nước ngoài”.
Tóm lại, nếu ngôn ngữ có thể được coi là chỉ số (indice) của văn hóa, để mượn lời của GS Vương Trí Nhàn, thì ngôn ngữ trong cách phát biểu hay diễn tả lại là thước đo trình độ nhận thức hay thưởng ngoạn trong văn học. Hiểu theo nghĩa này, ăn nói có văn hóa không phải lúc nào cũng tuôn ra những lời lẽ van chương hoa mỹ nhưng sáo mòn, hay những từ mới lạ đao to búa lớn mới là biết ăn nói có văn hóa. Văn hóa cũng có thể là những lời lẽ dung tục thô bạo, nhưng lại nói lên được cái chân thực, cái trung thực của cuộc sống. Bởi vậy, ngày càng phải nghe những khẩu hiệu đấu tranh, những lời lẽ hoa mỹ đầy dối trá, tôi lại đâm ra khoái một số từ ngữ được coi thuộc loại vô học của dân sống vỉa hè, hay của dân lính tráng đơ dèm củ bắp. Thí dụ như mấy lời thô tục của người lính miền nam VN trước 1975, có lần tôi tình cờ tôi nghe lỏm được trong một cuộc trao đổi.
Hồi đó tôi đang phải theo đơn vị trú đóng ở Pleiku, cái thành phố nơi khỉ ho cò gáy nhưng lại được dân đô thị hình dung ra một thành phố thơ mộng với những người “em Pleiku má đỏ môi hồng”. Má đỏ môi hồng đâu không thấy, chỉ thấy mỗi lần có đoàn xe nhà binh đi ngang là bụi đỏ bốc mù trời. Bữa đó, nhằm cuối tháng, nhặt nhạnh trong túi thấy đủ tiền, tôi mới ghé lại một quán cà phê được coi là nơi giải trí để đám lính tráng tụi tôi lui tới. Bàn bên cạnh tôi là hai người lính ngồi đối diện nhau, Một anh khuôn mặt tươi tỉnh, quần áo tươm tất chắc là dân lính kiểng với ly cà phê sữa đá cạn quá nửa và bao thuốc 555 mới bóc. Trước mặt là một anh lính áo trận bạc màu, chắc thuộc loại “tiền lính tính liền”, nghĩa là thứ lính chưa hết tháng đã hết lương, nên không ai dám cho ăn chịu hay vay mượn cả. Anh lính sau này, ta cứ tạm gọi là anh B cho tiện, ly cà phê đá trên tay hãy còn đày, nhỏ to gi với anh A đối diện tôi nghe không rõ, nhưng anh này có vẻ khoái trá gật gù cái đầu tủm tỉm cười. Một hồi, tôi bỗng nghe anh A cất giọng: “ Thôi, anh bốc thơm tôi như thế đủ rồi. Khỏi cần tán thối thêm nữa. Anh mà còn tiép tục bơm tôi lên như vậy, thế nào cũng có lúc tôi nổ tung như quả bóng te te cho mà coi. Này, làm thêm điếu thuốc nữa đi.” Anh B vội cầm lấy điếu thuốc, nhưng cũng cố thòng thêm một câu để vớt vát: “Anh có biết thằng C vừa được thăng binh nhất không? Mẹ kiếp, thằng đó có dám đấm đá ra trò gì đâu.Chẳng qua vì nó biết cách nâng bi mấy ông xếp lớn hơn bọn mình đấy thôi.” Vậy là thay vì động từ nịnh bợ hay nịnh hót thông dụng, mấy người lính miền nam trước đây còn sáng chế ra bốn động từ khác nhau, mà tiếng nào cũng ý vị với âm hưởng, màu sắc (nuances) khác nhau, nói lên được những biến đổi tâm trạng khác nhau:
- bốc thơm, anh A dùng lúc đầu tỏ ý hài lòng được người bạn khen mình,
- tán thối, ngụ ý cho hiểu anh A thừa biết những lời nói của anh B chỉ là phỉnh phờ mà thôi,
- bơm, anh A ngụ ý nhắn nhủ anh B: Thôi, tốp đi là vừa cha nội!
- nâng bi, thường được dùng để chi hành động nịnh hót khi muốn nói về một nhân vật thứ ba.
Giờ nhớ lại, tôi thấy mấy từ này đậm đà, ý vị làm sao, và rất đáng đem cất vào nhà kho ngôn ngữ bình dân đại chúng, biết đâu lại chẳng hữu dụng khi ta muốn có một sáng tác để nói về người lính miền nam VN trước 1975.
Vả lại xét cho cùng, văn chương đích thực không chủ trương kỳ thị ngôn ngữ như giữa con nguòi với nhau. Văn chương đích thực không phân loại chữ nghĩa ra thành thượng vàng chỉ dành cho giai tầng thương lưu, trí thức và hạ cám chỉ để cho giới ăn nói vô học. Mà chắc gì dâ biết được ai thượng lưu, trí thức, ai ăn nói vô học? Thượng lưu? Một chính khách khi ra tranh cử tuôn ra những lời hứa hẹn bùi tai; nhưng khi đắc cử rồi, lại hành động theo kiẻu nói trước quên sau, tiền hậu bất nhất miễn sao phục vụ cho sự nghiệp riêng của mình. Trí thức? Mấy ông chỉ thích trưng bằng cấp, tước vị, nhưng lại quen uốn cong ngòi bút để chạy theo quyền lực hay tài lực. Vô học? Như cái mụ “ Nấm độc” nào đó, nghe đâu được Mỹ nhận cho tới tị nạn, vậy mà chẳng bao lâu bà ta đã phát biểu linh tinh rằng nước Mỹ không “vĩ đại” như người ta tưởng. Đúng là chỉ được cái ăn nói tào lao, bố láo. Đã được voi lại còn đòi tiên. Nhưng ngẫm cho cùng, bước vào kỷ nguyên kỹ thuật tiên tiến với trí tuệ ảo (intelligence artificielle) ngày càng lên ngôi khiến ranh giới giữa thực và ảo ngày càng thêm xóa nhòa, nên ngày ta càng khó phân biệt được cái thực với cái giả, cái chân với cái ảo. Văn hóa cũng vậy thôi. Đâu có phải những lời lẽ văn chương hoa mỹ, nhưng đày dối trá, hoặc sáo mòn trống rỗng, mới là lời ăn tiếng nói có văn hóa. Trái lại, những lời lẽ trắng trợn, thẳng thừng đôi khi lại là biểu hiện nào đó của văn hóa. Văn hóa đích thực là biết tìm kiếm cái thực và dám nói lên những cái thật ở đời. Theo nghĩa này, văn hóa bao giờ cũng là thành quả của khổ công tìm kiếm sáng tạo để đưa ta gần cái Chân, Thiện, Mỹ. Bởi vậy chỉ đáng coi là sản phẩm văn hóa những sáng tác như bản “Xóm đêm” của Phạm Đình Chương, bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan, hay bài thơ “Hổ nhớ rừng” của Thê Lữ. Nói khác đi, để mượn lời của học giả Pháp Emile Herriot : “ Văn hóa là cái gì còn ở lại nơi con người, khi mọi điều được quên đi hết thảy” ( La culture c’ est ce qui demeure dans l’homme quand tout est oublié). Phải chăng, vì đã có sự hiểu hai chữ “văn hóa” như là biết trau giồi kiến thức lẫn lộn với bằng cấp, học vị như là cần câu cơm, nên ở Việt Nam đang có hiện tượng ngày thêm xuất hiện nhan nhản tiến sĩ, học “giả” do tệ nạn mua bằng bán cấp. Và phải chăng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái của văn hóa ở Việt Nam hiện nay, như GS Vương Trí Nhàn đã vạch rõ trong bài viết “ Vì sao người Việt không mê đọc sách ?” được phổ biến trên diễn đàn mạng TALAWAS (8) ngày 22-9-2008.
Theo ông Vương Trí Nhàn, sở dĩ có hiên tượng này, là do “ gần đây … dân ta làm việc gì thường theo lối chụp giật, mà thiếu thói quen nghiên cứu sự vật; sự nghĩ ngợi hay chấp vá nửa vời, đầu óc người ta không chăm chú theo đuổi tới cùng… Tất cả những bệnh trạng đó trong tư duy bắt nguồn từ một văn hóa đọc đom đóm, một đời sông tinh thần thiếu sách. Đến lượt mình, kiểu tư duy này lại quqy trở lại, cản trở người Việt đọc sách … Đứng ở góc độ tâm lý học cá nhân mà xét, với sự đọc sách, con người phải trưởng thành như một nhân cách. Khi đọc sách, người ta phải có đơn độc trong suy nghĩ và làm việc. Sự hình thành loại người này đòi hỏi bệ đỡ của một nền văn hóa chắc chắn”
“ ...Giải thích sao về hiện tượng này? … Khi có thể dùng sách để lập thân thì người ta đọc sách. Khi có nhiều con đường khác để lập thân mà ít tốn sức lực hơn – kể cả lối giả vờ đọc sách, gian lận thi cử - thì người ta bỏ sách khá dễ dàng. Và đó chính là tình trạng của xã hội hôm nay.”
Hiện tượng người Việt không mê đọc sách, theo nhận định của ông Vương Trí Nhàn phải chăng cũng là giải đáp cho câu hỏi ông Chu Văn Sơn đã nêu ra trước đó hai năm trong bài viết mang tựa “ Tác phẩm lớn, tại sao chưa?” cũng trên diễn đàn TALAWAS ngày 16-11-2006. Nhưng thế nào là một tác phẩm lớn? Vẫn theo ông Chu Văn Sơn, đó phải là một “sản phẩm độc sáng, đặt ra được những vấn đề thật thiết cốt đối với cuộc nhân sinh này và được viết bằng một cách tân nghệ thuật đầy bản lãnh và bản sắc. Thế tất nó phải mang hơi thở một thời nhưng cũng là trăn trở của mọi thời nảy sinh từ cuộc sống một dân tộc nhưng là câu chuyện chung của mọi dân tộc, được viết từ tâm sự nhưng phải mang tâm tư của muôn người, là sản phẩm từ một nền văn hóa, nhưng cũng có thể là vinh dự chung của nhiều nền văn hóa.” Thế nhưng, cũng theo nhận định của ông Chu Văn Sơn, từ khi bước vào giai đoạn thời kỳ mở cửa, do ảnh hưởng của các làn gió từ ngoài thổi vào, người ta chỉ thích đua đòi chạy theo nếp sống xa hoa hưởng thụ tây phương và lấy việc phô trương giàu sang của cải làm biểu hiện cho nhân cách. Trong bối cảnh sinh hoạt như vậy, vẫn theo lời ông Chu Văn Sơn, “Thói quen làm hàng chợ vốn lên ngôi trong thời buổi chớm thị trường dường như đã làm xói mòn khá nhiều kỉ luật làm hàng hiệu. Thật buồn, kiểu tâm huyết trăn trở tới hàng chục năm lăn lóc thăng trầm để viết lên những tác phẩm để đời khám phá về cội nguồn các sức sống và văn hóa dân tộc hay nghiền ngẫm về phận người, đau đáu về tình người trong cuộc nhân sinh này thì như sao buổi sớm, còn dạng tâm huyết “chạy show”, bỏ ra ít tâm lực sản xuất những nghệ phẩm chiều nịnh thị hiếu thời thượng thì như lá… rừng xuân” (bài đã dẫn)
Theo tôi nghĩ, sự đánh giá trên của ông Chu Văn Sơn là chỉ nhắm vào tình trạng sáng tác văn học ở Việt Nam từ khi bước vào giai đoạn mở cửa và chịu ảnh hưởng của các làn gió mới đên từ một số nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ. Chứ còn trước đó, không thể nói là Việt Nam không có, nếu không nhiều, thì ít ra cũng một số tác phẩm mang “ tâm huyết trăn trở …, nghiền ngẫm về phận người, đau đáu về tình người trong cuộc nhân sinh này…” như tập truyện ngắn “Mưa Nhã Nam” của Nguyễn Huy Thiệp”, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Phố” của Chu Lai, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh… Trong số này, ta có thế coi cuốn “ Nỗi buồn chiến tranh” là tiêu biểu nhất, bởi vì nó hội đủ các yếu tố “tâm huyết trăn trỏ…, nghiền ngẫm về phận người, đau đau về tình người trong cuộc nhân sinh…” mà các tác phẩm nêu trên đều ít nhiều có đề cập tới. Ta có thể kiểm chứng điều này qua trích đoạn dưới đây và cũng là phần kết cho cuốn sách của Bảo Ninh nói lên tâm trạng của Kiên, nhân vật chính trong truyện: Sống sót sau những cái chết bi thảm của đồng đội, rồi còn phải chứng kiến những cảnh đời trái tai gai mắt phơi bày sự khoe khoang hợm hĩnh như là một phỉ báng xấc xược vào lý tưởng đấu tranh và sự hi sinh thiệt thòi của những người đã nằm xuống, Kiên nhiều lúc đã phải sống trong hoang tưởng của kẻ mộng du do chấn thương tâm thần… Và anh chỉ biết đi tìm an ủi bằng sống trong quá khứ kỷ niệm “Bởi vì nhờ thế mà anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta phải bước vào chiến tranh, chúng ta phải chịu đựng tất cả, hi sinh tất cả. Ngày mà tất cả đều còn rất son tre, trong trắng và chân thành.” ( Bảo Ninh : Nỗi buồn chiến tranh, Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn 1991, tr. 283) Theo tôi, đây là một tác phẩm nói về chiến tranh và thân phận bi đát của những con người sống sót sau chiến tranh, có tầm vóc quốc tế không thua gì cuốn “A l’ Ouest rien de nouveau” của nhà văn Đức Erich Maria Remarque cả. Có lẽ vì thế cuốn sách đã được Phan Huy Đường dịch ra tiếng Pháp dưới tựa đề “ Le chagrin de guerre” – Editions Philippe Picque, 1995. Tác phẩm cũng còn được dịch ra tiếng Anh, nhưng rất tiếc tôi không nhớ rõ tên người dịch và tụa đề bản dich.
Đang mải mê viết và còn định viết nữa, bỗng nghe có tiếng ai, sao giống giọng của ông Vũ Trọng Phụng thế, nói nhỏ vào tai như muốn nhắc nhở: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thê là tôi sực tỉnh giật mình tự hỏi: Ừa, từ nãy tới giờ mình đang nói cái gì đây! Cái tựa to tướng “Đi tìm cuốn sách dịch đã mất” dành dành ra đấy, mà chẳng nghe nói gì tới cuốn sách cả, chỉ toàn chuyện trên trời dưới đất gi đâu. Vâng, xin có lời tạ lỗi với quí vị nào có nhã ý theo dõi bài viết của tôi tới nay. Giờ tôi xin chính thức công bố kết quả cuộc tìm kiếm cuốn sách đó như sau: Mặc dù chịu khó la cà mấy tiệm sách và hỏi dò một vài chỗ thân quen, tôi chẳng có tăm hơi, mà cũng chẳng được nghe ai nhắc đến cuốn sách tôi có ý đi tìm cả. Nếu không có sẵn bản dịch của ông Nguyễn Trọng Định trong tay, có lẽ tôi đã nghĩ mình đang mê ngủ, làm một công việc vô tích sự. Tuy nhiên tôi không thất vọng lắm, mà chi hơi buồn thôi. Không thất vọng, vì đã chuẩn bị tinh thần sau khi được đọc những bài lên tiếng báo động của hai ông Chu Văn Sơn và Vương Trí Nhàn. Buồn vì tình trạng sinh hoạt văn hóa đang xuống cấp ở Việt Nam hiện nay. Buồn, nhưng không vì thế mà tôi bị mất niềm tin. Buồn vì mái nhà Việt Nam có nhiều dấu hiệu bị tróc lở và ít nhiều bị dột. Nhưng tôi không hề mất niềm tin khi biết chắc rằng cái nền vẫn còn vững chắc, không dễ gì suy sụp. Sở dĩ tôi vẫn giữ được niềm tin như vậy là nhờ những gì tôi đã tìm thấy nơi bình dân đại chúng trong sinh hoạt hàng ngày. Như hình ảnh những người phụ nữ dân miệt vườn đồng bằng sông Củu Long trong cuộc mưu sinh hàng ngày “ với nón lá, với quang gánh bên con trâu, con bò, trên xe lôi, xe thồ, trên ghe, trên xuồng…” khiến KTS Nguyễn Ngọc Dũng muốn vinh danh họ bằng những nét cọ trên tấm bố. Hay như tinh thần phấn đấu học hỏi của một số em học sinh tại những vùng xa xôi hẻo lánh không quản ngại khắc phục mọi khó khăn để đến trường, như bài báo mang tụa “Kéo bè phao vượt sông Cái đến trường” trên tờ Tuôi trẻ, mục Giáo dục số ra ngày thứ năm 8-11-2018, tr.13. Sau đây là một đoạn của bài báo tôi xin trích lại nguyên văn như sau:
“11h trưa, trời nắng chang chang, Nguyễn Hoài Bảo Ngọc, Lê Thị Ngân (học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Quốc Tuấn) cùng nhau dắt chiếc xe đạp xuống bến sông trở về nhà sau giờ tan lớp. Chiếc bè phao vừa kéo qua, có thêm hai hành khách là Võ Văn Đoan, học sinh lớp 10 Trường trung cấp nghề Ninh Hòa và một cô giáo Trường tiểu học Ninh Thân cùng lỉnh kỉnh nhu yếu phẩm. Không áo phao hay bất cứ dụng cụ lỉnh kỉnh nào, Đoan, Ngọc, Ngân mang cặp sách trên lưng hì hục dùng tay kéo sọi dây đã được cố định để đưa bè phao qua sông Cái rộng gần 100 mét.
Ngân cho biết đã đi bè phao suốt ba năm qua. Nhà Ngân chỉ cách trường một con sông Cái, nếu đến trường bằng đường vòng phải mất hơn 5km, còn đi bè chỉ vài phút. “ Cực nhất là vào mùa mưa bão nước sông lớn đò không đi được, nên em thường ở nhà bà ngoại bên kia sông cả tháng trời để tiện cho việc đi học. Nhiều bạn không có người quen đành đạp xe đường vòng, có khi muộn giờ vì đường xa” Ngân cho biết.
Còn Võ Văn Đoan cho biết nếu không có bè phao này, em phải di chuyển thêm 10 km để đến trường. “Biết không có áo phao đi qua sông rất nguy hiểm nhưng do khoảng cách đi lại xa, nhiều năm em theo bè phao này để đến trường.” Đoan nói.
Họ, những người dân miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long, với nón lá, quang gánh bên con trâu, con bò, trên xe bò, trên ghe, xuồng ấy …., họ chính là biểu tượng cho tinh thần cần cù, nhẫn nại, làm ăn lương thiện vốn là những đức tính mang bản sắc dân tộc. Về phần mấy em học sinh cũng vậy. Trong khi người ta dự tính bỏ ra cả 1500 tỉ đồng để xây một nhà Hát Opera chỉ để làm cảnh, các em bất chấp mọi gian nan cực khổ vẫn cố ngày hai buổi cắp sách đến trường để trau giồi kiên thức, để học hỏi những cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa nơi người hầu tạo điều kiện hội nhập một thế giới thực sự văn minh tiến bộ, như các thế hệ đi trước các em đã làm. Họ, những người phụ nữ quang gánh bên con trâu, con bò, trên ghe trên xuồng , cũng như các em học sinh lặn lội kéo bè phao vượt sông Cái để đến trường, chính họ và chỉ có họ mới là những ông từ, bà từ (gardiens du temple), những con người trông coi gìn giữ ngôi đên Việt Nam. Là những ông từ, bà từ bởi vì những người phụ nữ quang gánh trên vai ấy, những em học sinh dùng bè phao vượt sông Cái để đến trường ấy, họ chính là những con người được chọn lọc (des élus) để gìn giữ bản sắc dân tộc Việt Nam, bảo tồn tâm hồn Việt Nam. Và điều may mắn khiến họ được tuyẻn lựa, là vị họ được sống tại những nơi xa xôi hẻo lánh, địa thế trắc trở nên không bị thở hít các luồng chướng khí từ ngoài thổi vào như dân thành phố (cũng như dân sống ở những vùng đồng quê hay miền núi ít bị lây nhiễm vi rút Corona hơn là dân sống tập trung tại các đô thị, thành phố lớn).
Về phần tôi, nhờ dược đọc hai bài báo nói về những người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long, cũng như mấy em học sinh dùng bè phao
vượt sông Cái để tới trường, nên tôi đã không hề nản lòng khi không tìm ra được vết tích bản dịch cuốn Dưới bóng những cô gái tuổi
hoa của ông Nguyễn Trọng Định. Không nản lòng, vì mặc dù có thắc mắc của ông Chu Văn Sơn là tại sao Việt Nam chưa có tác phẩm lớn,
nhưng không phải vì thế mà từ sau thời kỳ mở cửa, không có những con người tâm huyết. Bằng chứng là bản dịch của ông Nguyễn Trọng Định
nhằm giúp độc giả Việt Nam được làm quen với một tác phẩm lớn của một nhà văn lớn tầm cỡ quốc tế như Marcel Proust. Bởi vậy tôi
không tin cuốn Dưới bóng những cô gái tuổi hoa của ông Nguyễn Trọng Định đã thực sự mất đi, theo nghĩa hoàn toàn bị nhận chìm
trong quên lãng. Tôi cho rằng cuốn sách chỉ bị thất lạc mà thôi, nghĩa là nó bị bỏ quên đâu dó, cũng như khung trời kỷ niệm thời
thơ ấu của Proust tại Illiers Combray. Biết đâu chẳng có một ngày hay do sự tình cờ nào đó, như mùi vị miếng bánh madeleine tẩm
trà với Proust, cuốn sách lại có dịp được độc giả chú ý tới. Với kỳ vọng đó, tôi mong sẽ có thể viết một bài để giới thiệu phần nào,
trong giới hạn khả năng tìm hiểu của tôi, về một cuốn sách, theo lời nhà xuất bản Nhã Nam, từ lâu đã được coi là danh tác văn học,
niềm kiêu hãnh của văn chương Pháp.
( Viết xong ngày 16-5-2020, giữa nạn dịch ví rút Corona)
_________________________________
(7) Mời coi “Bài ca tủ, bản nhạc để đời” đã được phổ biến trên một số diễn đàn mạng.
(8) Talawas là một diễn đàn mạng văn học được sự hợp tác của nhiều học giả, nhiều nhà phê bình có thẩm quyền ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Rất tiếc, vì là một diễn đàn độc lập, tự túc nên có thể do vấn đề ngân sách và tài trợ nên đã phải ngưng hoạt động vào khoảng thập niên đầu thế kỷ này.