HAI MÙA GIÁNG SINH
I - GIẤC MƠ CỦA MỘT MÙA GIÁNG SINH 1914
Viết theo phim The Christmas truce thực hiện bởi Vikram Jayanti
Đ ệ Nhất Thế Chiến -Tháng 12 năm 1914
Cuộc chiến kéo dài đã 5 năm rồi. Người ta, các bậc chỉ huy, cũng đã hứa hẹn với những người lính rằng họ sẽ được hồi hương vào dịp lễ Giáng Sinh năm đó, tuy thế không một ai còn tin vào lời hứa này nữa. Mặt trận miền Tây đang sa lầy. Mỗi bên bờ của giải đất chạy dài từ Nieuport đến Verdun, những người lính của cả hai phiá thù địch đều đã được thưởng thức một phong thổ ghê rợn mà gần như mỗi vật dù lớn hay nhỏ hiện diện nơi đó đều tiềm ẩn những điều quái qủy chết người. Khi ngọn gió cực kỳ rét buốt của mùa Đông được nối tiếp sau những cơn mưa lũ của mùa Thu, những kẻ thù địch hai phía chợt khám phá được ra rằng những điều kiện phong thổ cũng gây sự chết chóc hệt như bom đạn.
Trong vùng Flandres - nước Bỉ - nơi mà nước ngập cao đến cả thước trong các chiến hào, những cập chân của rất nhiều người lính bị ủng thối, những mắt cá chân đen xạm rồi...tự động rơi rụng. Chứng hoại thư gây ra bởi sự ngâm dầm kéo dài trong xình lầy này đã được những người bác sĩ quân y Anh đặt tên là "Trench Foot".
Mặc dù người ta cũng đã tuyên truyền rầm rĩ trên báo chí, đài truyền thanh, những bản diễn văn, những tuyên bố...về tinh thần dũng cảm cao độ và sự quyết tâm hy sinh cho những gì gọi là chủ nghĩa, tổ quốc...để động viên những người lính mà đại đa số đã bị bắt buộc phải cầm súng để gọi là bảo vệ cho những gì được người ta nhân danh những từ ngữ cao đẹp : chủ nghĩa, tổ quốc, đất nước, giống nòi...nhưng trên thực tế tinh thần của những người lính có mặt đã từ rất lâu trong các chiến hào lúc này đã thật xuống dốc. Để cứu vãn tình trạng , bộ tham mưu phía Đức đã tung ra một trận tiến công trên toàn bộ mặt trận vào ngày 19 tháng 12 . Trận đánh diễn ra được mô tả như một cuộ c thảm sát kinh hoàng chỉ có thể xảy ra trong một giấc mơ kinh dị sâu thẳm. Phải chăng con người cần phải có những lời ca tụng, tâng bốc để lao thân tự hủy hoại mình, để tàn sát đồng loại ???.
Gần đến ngày lễ Giáng Sinh, dưới chiến hào của những người lính Anh bắt đầu chất những món qùa Noël của thân nhân từ hậu phương gởi tới, cả bên chiến hào phía hàng ngũ lính Đức cũng thế : quần áo lạnh, thuốc lá, bánh kẹo... Dù những lá thư từ hậu phương được tới tấp gởi cho họ cũng không thể làm họ nguôi ngoai được nỗi nhớ nhà, nhớ đến một mùa Giáng Sinh nào đó bình an bên bếp lửa hồng ấm áp trong một qúa khứ đã thật quá xa xôi... và ... ngày về ... ôi một ngày về khó tường tượng là có ...
Buổi chiều buốt lạnh của ngày 24 tháng 12 năm đó...
Một không khí lạ lùng im lìm bao trùm dải đất hẹp giữa hai dãy chiến hào thù nghịch. Những người lính gác Anh ghi nhận có một cái gì "huyên náo kỳ quặc" nhưng rất đáng "nghi ngờ" trong chiến hào phiá kẻ thù Đức ... rồi ánh sáng lung linh, chập choạng loé lên từ dưới những chiến hào...rồi thoang thoáng âm thanh của một bài hát... Những người lính Anh bảo nhau : Bọn lính Đức lại định dở trò trống mới gì đây ? Một người lính Anh cố lắng tai rồi nhận ra được âm thanh của bài hát "O Tannenbaum" và rồi...cũng chính anh ta, người lính Anh này, chợt chu đôi môi lại để nhẹ nhàng huýt sáo bài "O Christmas Tree"... lúc đầu cũng chỉ dăm ba người nhẹ lời hát theo, rồi chục người, hàng chục người, hàng trăm người truyền nhau dài theo lũy chiến hào, lây sang chiến hào khác... đồng cất lời hát như trong cùng nhịp điệu...bên kia dải đất lời hát tiếng Đức "O Tannenbaum" và bên này dải đất lời hát tiếng Anh..."O Chrismas Tree" và "O Tannenbaum" trầm thống quyện lẫn vào nhau, bi thảm quấn quyện vào nhau và những tròng mắt những ngươì lính nhòe ướt...
Trong lòng những người lính Anh khi đó nhất định phải có một câu hỏi : Phải chăng bọn "Teutons Đức" kia cũng là người như họ ? Để rồi trong bóng đêm, thấp thoáng qua làn sương mù, những người lính Anh lại phải đặt ra một thêm câu hỏi khác : Những cành thông rực ánh sáng bên bờ hào kẻ thù kia có ý nghĩa gì ? bởi một lẽ vào thời kỳ này phần đông tại các nước Âu Châu người ta chưa biết truyền thống của người Đức với cây Thông trong mùa Giáng Sinh, và những Tommies - "lính Anh" đều ngớ ngẩn .
Đêm Giáng Sinh êm đềm trôi qua ... và mặt trận miền Đông vẫn yên tĩnh .
Sáng sớm hôm sau, ngày 25, trên một vùng cao của địa phận Saint-Yvon, trung úy Anh Bruce Bairnsfather, cha đẻ ra "Old Bill", một người lính hài hước trong truyện bằng tranh vẽ, đã chứng kiến sững sờ một "bức tranh siêu thực" :
Trong làn sương mù lạnh buốt còn chưa tan hết, một người lính Đức, đầu đội chiếc nón sắt với chiếc mũi nhọn hoắt, tiến chậm rãi về chiến tuyến Anh vẻ mặt hớn hở với một nụ cười trên môi, đưa cao về phía trước cây thông nhỏ được trang trí vài ngọn đèn cầy nhỏ lung linh ánh sáng mà anh ta đang cầm trên tay . Bên những chiến hào của những người lính Anh, nhiều mũi súng chĩa hướng về anh lính Đức hớn hở này ... họ vừa chĩa súng vừa hỏi nhau : Phải chăng đây là một cái bãy mà bọn Đức dăng cho họ ?. Họ nhìn nhưng vẫn không bóp cò súng của họ. Rồi, sau đó, 3 người lính Đức xuất hiện, rồi 5, rồi 10 ... leo qua những hàng rào kẽm gai ranh giới ngăn đôi vùng đất "không người và đầy sự chết chóc " .
Trước hiện trạng khó có thực này, những người lính Anh cũng không biết phải phản ứng thế nào...và sau đó... trên dải đất nhỏ hẹp chết chóc chỉ cách nhau hơn 150 thước của ngày hôm qua...những người lính y phục ka ki (Anh) và những người lính khoác chiếc áo choàng dài xám (Đức) đã siết tay nhau, bô lô ba la vài câu mà người đối diện chỉ đóan hiểu là lời chào hỏi hay chúc mừng gì gì đó !.
"Bức tranh siêu thực" này đã xảy ra không xa Ypres miền Đông vùng Flandres . Thật khó tưởng tượng và nghĩ được khi nhìn những kẻ thù mới chỉ đêm hôm qua mà lúc này lại có thể trao đổi với nhau những điếu thuốc, những món bánh kẹo và cụng ly với nhau giữa khung cảnh hoang tàn ghê rợn chết chóc mặc cho ngôn ngữ bất đồng, vả chăng ngôn ngữ có còn là một biên giới cho họ trong lúc này không ? Không, trăm lần không, vạn lần không .
Một tiểu đoàn lính Ecosse đề nghị đá banh với một trung đoàn lính Anh . Trận đá banh diễn ra với vị trọng tài là ... một anh lính Đức và khán giả cổ võ là những người lính của hai phe thù nghịch ... Những người lính Đức cười nghiêng ngửa khi khám phá được ra rằng những người lính Highlanders - Anh lại tồng ngồng trong những chiếc kilt (váy) của họ đang mặc. Có cảnh nhìn phải rơi nước mắt khi chứng kiến những người lính của hai phía giúp nhau để chôn cất những người xấu số, đã bỏ mình còn nằm rải rác trên chiến địa , bất kể đó là Đức hay Anh.
Những vùng khác cuộc ngưng chiến chỉ diễn ra duy nhất một đêm Giáng Sinh nhưng tại vùng Ypres thì vẫn "tự động" kéo dài trong ngày 26 tháng 12.
Tại Anh Quốc, gia đình những người lính Anh đã nhận đưọc hàng loạt thư từ từ mặt trận gởi về đề cập đến cái mà những người lính Anh ngoài mặt trận gọi là "tình người" của những người lính Đức : Ở hậu phương mọi người đều sững sờ, họ không thể hiểu được nữa.
Trên bộ chỉ huy tối cao Anh thì nhất định cái sự kiện "siêu thực" kia phải được chấm dứt . Để siết chặt lại mọi việc điều động chỉ huy : hàng loạt văn kiện, thông báo, mệnh lệnh được phổ biến tới tấp tất cả chỉ với nội dung giản dị : Thân thiện hoặc liên lạc dưới bất cứ hình thức nào với kẻ thù sẽ bị đưa ra toà án quân sự và có thể bị kết án tử hình vì đó là tội phản...quốc.
Những người lính Anh đã được biết các văn thư, mệnh lệnh, thông báo kia nhưng cho dù rằng họ đã bị cảnh cáo, đã bị đe dọa, hầu như tất cả không nghe, không muốn nghe, không muốn biết và cũng chẳng cần biết nữa bởi lẽ họ cảm thấy rằng họ gần gũi những kẻ thù của họ, bọn lính Đức khốn khổ như họ, đang ở dưới các chiến hào ngập nước lạnh buốt bên kia cũng như họ ở bên này, hơn là những vị tướng lãnh, thủ tướng, bộ trưởng của họ ở Luân Đôn.
Những vị sĩ quan chỉ huy trực tiếp của họ ra lệnh cho họ phải nổ súng nhưng họ cũng vẫn giả bộ như không nghe được lệnh.
Thế rồi...Bộ Tổng Chỉ Huy lực lượng Anh Quốc đã phám phá ra và xử dụng một biện pháp giản dị nhất nhưng cũng hữu hiệu nhất :
Trong lúc dưới chiến hào đẫm nước lạnh cóng, những người lính Đức còn đang say sưa tiếp tục hát những bản hát của mùa Giáng Sinh , chắc chắn họ vừa hát vừa nghĩ đến gia đình, cha mẹ, vợ con...ở quê nhà hay nghĩ đến sự thân thiện với một người lính Anh nào ngày hôm trước, thì...một trận hồng thủy bom đạn sối xuống đầu họ .
Thế rồi ... cuộc thảm sát lại tiếp tục.
Để tưởng niệm những người đã hy sinh một cách vô nghĩa và cũng để ghi lại một giấc mơ của mùa Đông năm đó, một chiếc thập-tự-giá cao một thước đã được dựng lên ngay tại nơi đây, đối diện với trang trại Notredame, giữa cái hố sâu chứng tích của một chiến hào và một cánh đồng .
Ôi một giấc mơ hy vọng chan chứa tình người nhưng lại vô cùng ngắn ngủi !./.
II - GIÁNG SINH 1972 HOA KỲ TRẢI BOM Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM
theo Jeffrey N. Meyer , Operation Linebacker II của MilitaryWikia...
N gày 18 tháng 12 năm 1972
Giáng Sinh mang tới rất nhiều kỷ niệm tuyệt vời cho hầu hết mọi người trong chúng ta. Nhưng lịch sử cũng đã để lại trong ký ức chúng ta một vết nhơ khó thể nào phai nhạt. Nhất lại là hình ảnh của một chiến dịch dội hàng ngàn tấn bom vào Mùa Giáng Sinh .
Ngày 18 tháng 12 năm 1972, trong khi dân chúng Hoa Kỳ đang hớn hở sửa soạn mùa Giáng Sinh, mùa của Tình Thương , của Hòa Bình thì ông Richard Nixon , Tồng Thống Hoa Kỳ , đã khởi xướng một chiến dịch “ném bom rải thảm” lớn ở miền Bắc Việt Nam (chủ yếu là Hà Nội) được chính thức gọi là “ Chiến dịch Linebacker II ” còn được gọi là “The Christmas bombings” một chiến dịch dội bom lớn nhất của người Mỹ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. chiến dịch dội bom đã kéo dài hơn 11 ngày.
Chiến dịch ném bom dữ dội từ trên không bằng những chiếc B-52 khổng lồ với hơn 741 phi vụ B-52 và 769 phi vụ bổ sung được thực hiện bởi Không quân và 505 của Hải quân và Thủy quân lục chiến để hỗ trợ cho các máy bay ném bom B-52 . Trên lý thuyết thì các phi công Mỹ tập trung vào các thành phố lớn ở miền Bắc như Hà Nội , Hải Phòng ...hoặc các cơ sở hỗ trợ cho chiến tranh của chính quyền Bắc Việt Nam hoặc các khu vực quân sự , tuy nhiên trên thực tế những cuộc ném bom không bao giờ có thể chính xác như chương trình đã hoạch định nên mục tiêu của người Hoa Kỳ là : Tiêu diệt được càng nhiều càng tốt, tiêu diệt cái gì cũng được .
Dưới đây là điều thuật lại của Jeffrey N. Meyer , sử gia của đơn vị 36th Wing , đã viết trong tờ báo chính thức của căn cứ không quân Hoa Kỳ Andersen – Guam :
Đêm đầu tiên (18.12.1972) 129 máy bay ném bom B52 được tung ra , 87 chiếc từ căn cứ Andersen AFB (đảo Guam) và 42 chiếc khác từ căn cứ U-Tapao (TháiLan). Có thêm 39 máy bay hỗ trợ từ Lực lượng Không quân 7, Lực lượng Đặc nhiệm 77 của Hải quân (Sáu hàng không mẫu hạm) và hộ tống chiến đấu cơ F-4 của Thủy quân lục chiến, các phi vụ chế áp SAM F-105 Wild Weasel, Không quân EB-66 và Hải quân Máy bay gây rối loạn hệ thống radar EA-6, máy bay tiếp trợ nhiên liệu KC-135 và máy bay tìm kiếm cứu nạn .... Bầu trời miền Bắc Việt Nam gần như do không quân Hoa Kỳ chủ động để đảm bảo sự thành công của hoạt động và sự an toàn của các máy bay tham gia cuộc ném bom. Các mục tiêu của đợt máy bay ném bom đầu tiên là các sân bay Bắc Việt Nam tại Kép, Phúc Yên và Hòa Lạc và một khu nhà kho ở Yên Viên trong khi đợt thứ hai và thứ ba tấn công các mục tiêu xung quanh Hà Nội
Tuy nhiên ngay cả với những biện pháp phòng ngừa này, 3 chiếc B-52 đã bị bắn hạ ngay trong đêm đầu tiên sau khi trúng tên lửa đất đối không (SAM) SA-2 của Hà Nội. Bi đát hơn nữa là một phi hành đoàn của căn cứ Andersen trên chiếc B-52G, ký hiệu Charcoal 01, chỉ vài giây sau khi thả bom xuống mục tiêu, đã bị trúng đạn SAM. Phi công, Đại tá Donald L. Rissi và xạ thủ Master Sgt. Walt Ferguson, đã bị tử thương. Ba thành viên phi hành đoàn khác: Thiếu tá Dick Johnson, hoa tiêu radar; Đại úy Bob Certain hoa tiêu; và Đại úy Dick Simpson, sĩ quan tác chiến điện tử, sống sót sau cuộc tấn công, nhưng bị bắt làm tù binh. Sau đó, họ được thả vào năm 1973 trong khuôn khổ Chiến dịch Homecoming, "trở lại quê hương" của các thành viên quân đội Hoa Kỳ bị giam giữ làm tù binh ở miền Bắc Việt Nam. Hài cốt của Trung úy Robert J. Thomas, phi công phụ, sau đó cũng đã được xác định và trao trả cho gia đình vào năm 1978.
Một chiếc B-52D khác của căn cứ U-Tapao, Rose 1, cũng bị bắn rơi trong đêm đầu tiên và đâm xuống một hồ nước ở ngoại thành Hà Nội (hồ Hữu Tiệp) . Hai trong số của phi hành đoàn vẫn được liệt kê là mất tích (MIA) và bốn người đã trở thành Tù nhân Chiến tranh (POW). Xác máy bay đã được để lại trong hồ, một phần thân máy bay và bộ hạ cánh vẫn có thể nhìn thấy trên mặt nước, và nó được coi là đài tưởng niệm cho chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ngày nay, hồ Hữu Tiệp còn được gọi là hồ B-52. Danh sách các Phi công bị thiệt mạng, bị mất tích (MIA ) và bị bắt sẽ tiếp diễn gần như hàng ngày cho đến ngày cuối cùng của chiến dịch. Cũng tối hôm đó, một chiếc F-111 Aardvark đã bị bắn rơi khi đang thực hiện nhiệm vụ ném bom cơ sở phát sóng của Đài phát thanh Hà Nội.
Vào đêm thứ hai, 93 phi vụ đã được thực hiện . Các mục tiêu bao gồm khu kho chứa và đường sắt Kinh No, nhà máy nhiệt điện Thái Nguyên và khu liên hợp Yên Viên.
Ngày thứ ba của cuộc hành quân là ngày "chết chóc" nhất trong toàn thể chiến dịch “The Christmas bombings”. Bắc Việt đã học được các chiến thuật lặp đi lặp lại được sử dụng trong các cuộc ném bom của B-52 trước đây nên khi từng đợt B-52 đang áp sát Hà Nội, các máy bay MIG của Bắc Việt Nam giữ khoảng cách và không tấn công vì lẽ các máy bay MiG này đã giản dị chỉ làm nhiệm vụ thông báo hướng bay, độ cao và vận tốc đ của B-52 tới các điểm hoả tiễn SAM được thiết trận trên mặt đất . Các hoả riển SAM hạng nặng phóng lên và bay thẳng vào đường đi của máy bay ném bom khiến 6 chiếc B-52 bị bắn rơi. 5 chiếc bị mất là của căn cứ Andersen AFB và trong số này bốn chiếc là kiểu G. Chỉ khoảng một nửa số mẫu B-52G trong Linebacker II được sửa đổi cho các chiến dịch ở vùng Đông Nam Á với tên gọi B-52D. Các mẫu G không có hệ thống EW và khả năng gây rối radar mạnh mẽ như các mẫu D kỳ cựu, kết quả đã dẫn đến những hậu quả tai hại nghiêm trọng. Điều này cần phải nhấn mạnh vì tại căn cứ Andersen các máy bay B-52 trang bị cũ kỹ hơn những chiếc máy bay của căn cứ U-Tapao, đoàn máy bay ở đây đã thực hiện phần lớn các cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam cho đến ngày thứ tám của chiến dịch. Bên cạnh các vấn đề kỹ thuật về EW với mẫu G thì vị trí của căn cứ U-Tapao gần Bắc Việt Nam hơn , có nghĩa là quay phiên nhanh hơn và không cần phải trợ tiếp nhiên liệu giữa trên không .
Đêm thứ tư (ngày 21 tháng 12) của cuộc hành quân, 30 máy bay ném bom của căn cứ U-Tapao đã đánh xuống các khu kho Hà Nội, kho Văn Điển và Sân bay Quảng Tế. Hai B-52D nữa đã bị hoả tiển SAM bắn hạ . Đêm hôm sau, khu vực mục tiêu chuyển hướng từ Hà Nội sang thành phố cảng Hải Phòng và các kho xăng dầu. Một lần nữa, 30 máy bay tham gia cuộc không kích, nhưng lần này không bi- một tổn thất nào . Tuy nhiên, 1 chiếc F-111 đã bị bắn rơi trên khu liên hợp Đường sắt Kinh Nô.
Vào ngày 22, Bệnh viện Bạch Mai nằm ở phía Nam ngoại thành Hà Nội đã bị trúng một loạt bom của một chiếc B-52. May mắn thay, các bệnh nhân của cánh bệnh viện đã được sơ tán khỏi thành phố, nhưng 18 công nhân; 28 bác sĩ, y tá và dược sĩ Việt Nam cũng đã bị thiệt mạng.
Sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh kéo dài được 36 giờ, những chiếc B-52 đã được kiểm tra tu bổ và các nhất là chiến thuật trên không cũng đã được thay đổi.
Ngày thứ Tám là cuộc tấn công lớn thứ hai của toàn chiến dịch với 120 chiếc B-52 từ Andersen và U-Tapao ồ ạt tấn công các khu vực quân sự (và dân sự) xung quanh Hà Nội và Hải Phòng. Mặc dù Không quân mất thêm 2 chiếc B-52 từ U-Tapao, nhiệm vụ này coi như đã thành công rực rỡ . Tuy nhiên, Tổng thống Nixon vẫn không ngừng các vụ đánh bom và hai ngày cuối cùng của chiến dịch “The Christmas bombings” vẫn có thêm 2 chiếc B-52 bị bắn hạ. Một trong số 2 chiếc trực thuộc đơn vị 43d Strategic Wing của căn cứ Andersen.
“The Christmas bombings” kết thúc ngày 30 tháng 12 năm 1972 .
Tổn thất tổng quát của Hoa Kỳ bao gồm 15 chiếc B-52, 2 chiếc F-4, 2 chiếc F-111 và một chiếc trực thăng tìm kiếm cứu nạn HH-53. Tổn thất của Hải quân Hoa Kỳ bao gồm 2 chiếc A-7, 2 chiếc A-6, 1 chiếc RA-5 và 1 chiếc F-4. 17 trong số những tổn thất này là do tên lửa SA-2, 3 do MiG tấn công vào ban ngày, 3 do pháo phòng không và 4 do nguyên nhân không rõ. Các máy bay ném bom đóng tại Andersen đã thực hiện 279 phi vụ, mỗi phi vụ là một nhiệm vụ kéo dài từ 12 đến 18 giờ trong 11 ngày. 8 phi hành gia bị bỏ mạng, 33 bị bắt làm tù binh, 8 phi công B-52 vẫn còn bị thất tung (MIA).
Tổng kết thiệt hại về nhân mạng ở miền Bắc Việt Nam trong mùa Giáng Sinh “The Christmas bombings” 1972 là khoảng 2.000 người Việt Nam tử vong , hơn 3000 người khác bị thương trầm trọng; thiêu hủy hơn 5000 ngôi nhà dân cư ngụ, 24 trường học, 5 bệnh viện chưa kể tới những đình chùa, nhà thờ, di tích ...
Các đại diện của chính phủ Thụy Điển và Toà Thánh Vatican đã so sánh và xếp loại vụ đánh bom Giáng sinh năm 1972 của Hoa Kỳ
như các loạt hành động tàn bạo do Đức Quốc xã thực hiện trong Thế chiến 2.
Orsay, ngày 18.12.2020 .