CHÚA, PHẬT
ĐÃ BỎ LOÀI NGƯỜI,
HAY LOÀI NGƯỜI
ĐÃ PHẢN BỘI CÁC NGÀI ?
Đ ạo Phật có mặt ở trần gian đến nay đã gần 3.000 năm. Đạo Thiên Chúa thì tính từ năm Chúa Giáng Sinh đến nay cũng đã là 2.020 năm. Một thời gian dài đăng đẳng với bao nhiêu kiếp người đã trôi qua mà ngày ngày chúng ta đều đặn nghe vọng lại quanh mình những tiếng Chuông, Mõ, tụng niệm của các Chùa mà hầu như địa phương nào cũng có, và những hồi Chuông thánh thót sáng, chiều từ các Nhà Thờ vang vọng, giục tín đồ đến Nhà Thờ để họp nhau dâng Thánh Lễ.
Từ lúc bắt đầu có Tôn giáo xuất hiện thì loài người đã biết cầu xin : Xin cho đất nước luôn bình an. Xin cho gia đình no ấm. Xin cho con cái học hành thi đâu đậu đó, làm ăn thì phát đạt, công việc làm được thuận lợi, mau thăng quan, tiến chức. Xin cho thế giới được sống trong Hòa Bình an vui … Thế nhưng chiến tranh, thù hận, quy mô lớn, nhỏ vẫn triền miên diễn ra, chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt ! Hết thiên tai lại đến nhân tai làm cho con người điêu đứng, trái đất tổn thương ! Bức xúc với nguyện vọng của con người không được đáp ứng, cố Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn đã từng lên tiếng : “ Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người ” !
Thật khó mà nghĩ khác ! Chẳng phải ngần ấy năm là ngần ấy thời gian những con người Tin Phật, Tin Chúa, đã biết bao nhiêu lần đi Chùa, đi Nhà Thờ, thành khẩn cầu xin ? Họ truyền nhau hết đời ông, cha rồi đến đời con cháu cứ thế tiếp tục. Với Chúa, họ đã đấm ngực ăn năn : “ Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng ” . Họ đã xin Chúa “ tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con ” .Với Phật thì họ đã tụng bao nhiêu bài Kinh Sám hối. Thắp bao nhiêu nén hương van vái chín phương trời, Mười Phương Phật. Chùa nào mà không chuông mõ đều đặn ngày đêm.. Chúa, Phật có nghe thấy hay không ? Nếu có nghe thấy thì ít ra các Ngài cũng nhẹ tay ? Sao càng ngày chúng ta càng thấy trái đất chịu thêm nhiều thảm họa : Hết Sóng Thần, núi lở, cháy rừng, rồi gần đây là đại dịch Corona đã làm cho bao nhiêu con người đang sống bình yên, vui, khỏe mà phải tức tưởi ra đi. Mới nhất là vào đầu tháng 10, một trận lũ lụt kinh hoàng, nước cao đến nóc nhà diễn ra ở Miền Trung nước ta, đã làm thiệt mạng hơn 100 con người ! Hàng ngàn gia đình đã phải sơ tán. Gia súc nuôi chờ bán Tết cũng bị cơn lũ cuốn hết ! Đau thương biết mấy khi một sản phụ trở dạ, trên đường đi sinh đã bị nước cuốn trôi. Người chông tuyệt vọng quỳ lạy trời đất xin trả lại vợ con, nhưng làm sao có được phép màu !
Chẳng phải Chúa đã nói : “ Một sợi tóc trên đầu con rụng xuống là cũng do ý Chúa ” ? Chúa sẽ còn bắt con người phải chịu đày đọa bao nhiêu lâu nữa mới nhẹ tay ? Phật thì Từ, Bi, Hỉ, Xả, “ cứu độ Tam Thiên Đại thiên thế giới ” , nở nào các Ngài bỏ quên, để mặc cho cho con cái tự đối phó với những sự phẩn nộ cúa thiên nhiên, của nạn tai thảm khốc, mà sức con người không thể chống chọi lại nổi ? Mấy ngàn năm rồi, cuối năm nào Tín đồ đạo Thiên Chúa cũng ăn mừng Lễ Giáng Sinh thật lớn và chờ mong Chúa Cứu Thế ra đời. Họ cứ ngóng lên trời cao để chờ Chúa. Họ nhìn vào hang đá, vào máng lừa để chờ Chúa Giáng Sinh ở đó, không biết rằng mỗi ngày khi rước Mình Thánh Chúa là Chúa đã Giáng Sinh, đã ngự trị trong lòng của mỗi người rồi ! Khi chúng ta khởi tâm làm việc ác để hại người nào đó thì chúa sẽ đau lòng biết bao nhiêu, vì Ngài nói rằng tất cả mọi người là con của Ngài, đều do Ngài tạo dựng. Cha mẹ nào thấy con bị hại mà vui được ? Khi khởi tâm ác là chính ta đã xua đuổi Chúa ra khỏi Tâm của mình để rước ma quỷ vào ngự trị mà chúng ta không hay biết ! Phật Tử thì chờ Đức Di Lặc hạ sinh mang lại an lạc cho toàn thế giới, quên rằng khi Tâm của chúng ta thanh tịnh thì sẽ tràn đầy sự An Lạc. Đó là lúc Đức Di Lặc giáng thế nơi ta. Nếu mỗi người đều có sự An Lạc, nơi nơi đều có sự An Lạc tức là Đức Di Lặc đã giáng trần, đâu phải là Ngài sẽ xuất hiện từ trời hay từ Sa Mạc Go Bi như bên Thông Thiên Học huyền ký !
Nhưng trước khi trách Chúa, trách Phật, vì cầu mong mà không được đáp ứng, phải chăng con người cần xem lại bản thân, cũng như xem lại lời hứa của các Ngài, vì hình như chưa có ai từng xem lại lời hứa của Chúa, của Phật, xem các Ngài có kèm theo điều kiện gì không ? để xem lại cách sống của bản thân, của nhân loại, coi có đáp ứng được yêu cầu của các Ngài hay không ?. Thật vậy. Với Thiên Chúa, ta thấy câu : “ Sáng danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm ” , tức là bình an không phải đến với tất cả mọi người, lành cũng như dữ, mà chỉ người Thiện Tâm mới nhận được. Bên Đạo Phật thì hứa : Nếu ai siêng niệm danh hiệu Phật thì “ độc không hại được, lửa không cháy được ” . Thế rồi Phật tử nghe nói thế nên miệng thì lúc nào cũng Nam Mô A Di Đà Phật, trong khi hành động đôi khi hoàn toàn trái ngược lại !
Không phải là Chư vị Giác Ngộ không giải thích rõ. Đọc PHÁP BẢO ĐÀN KINH ta thấy Lục Tổ dạy : “ Tụng là đọc bên ngoài miệng, Niệm là ghi nhớ nơi Tâm của mình. Tâm và Miệng phải hợp nhau ” . Miệng niệm và Tâm, Thân thực hiện, không phải miệng niệm một đường, Thân hành một nẻo! . Nếu chúng ta miệng cứ Nam Mô A Di Đà Phật mà để cho Tâm của mình quanh co, đen tối, đầy đố kỵ, hơn thua, oán ghét … thì làm sao ánh sáng của Phật A Di Đà soi tới được, vì A Di Đà có nghĩa là “ Hào quang soi suốt không ngăn ngại ” . Sám Hối cũng đâu chỉ là đọc vài bài Kệ, tụng vài bài Kinh là xong, mà là thật lòng hối hận vì đã làm sai, sau đó không bao giờ tái phạm nữa thì mới gọi là Chân Sám Hối.
Thử nhìn lại để xem tại sao thời xưa con người được hưởng cuộc sống bình an, không có chiến tranh, không có thiên tai nặng nề ? Phải chăng thời đó ông bà ta đã sống đơn giản biết bao. Họ không có những nhà máy, ngày ngày thả ra biết bao nhiêu khói độc. Họ không giết, mổ hàng loạt mà chỉ săn bắt vừa đủ bữa. Họ không bón cây , kích thích cây mau tăng trưởng bằng hóa chất. Họ không tiêm hóa chất vô thịt, cá, tôm, rau cũ, quả. Họ giữ gìn, tôn trọng thiên nhiên, không phá rừng, bạt núi, ngăn sông, lấp biển, thay đổi dòng nước. Họ cư xử với nhau cũng rất nhẹ nhàng, thanh lịch. Thậm chí bị phụ tình thì người đàn ông cũng chỉ tự khóc thầm, tự trách bản thân :
“ Tưởng cái giếng sâu tôi nối sợi dây dài
Ai ngờ giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây ” !
Hay :
“ Công anh xúc tép nuôi cò.
Cò ăn cho lớn, cò giò ngọn cây ” .
Hoặc :
“ Nụ tầm xuân nở hoa xanh biếc.
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay ”
Rồi than thở :
“ Bao nhiêu lần chọn chung màu áo,
Em vẫn nhờ anh, em nhớ không ?
Áo cưới sao em nhờ kẻ khác
Làm anh chờ đợi chỉ hoài công !
(Nhất Tuấn)
Nhạc sĩ thì cũng chỉ ôm đàn gãy lên khúc đau thương: Ngày mai em lên xe hoa, mang cả tình anh theo lên xe tang ” ! ..
Người nước nào cũng thế. Càng đau khổ, họ càng sáng tác những áng văn chương, những bài thơ, những bản nhạc nói lên nỗi lòng của họ làm thành những Bài Thơ, những Thiên tình sử, những Tình Khúc bất hũ làm say đắm lòng người.
Trong khi con người ngày nay thì không chấp nhận chịu thiệt thòi như thế. Họ thô bạo, tàn độc. Ăn không được thì phá cho hôi ! Họ thuê người tạt a xít hay hay đích thân ra tay sát hại kẻ phụ tình. Họ dùng hung khí, đâm, chém, sả làm nhiều mảnh, người vừa phút trước mới ân ái mặn nồng mà không nương tay ! Họ bình thản vác dao chém cả anh, chị em ruột, kể cả ông, bà, cha mẹ khi bị xúc phạm hay mất quyền lợi. Chỉ đến lúc ra Tòa, lãnh án thì mới hối tiếc muộn màng ! Họ mang cưa máy đến cưa cả vườn cây ăn trái trồng bao nhiêu năm sắp có trái của kẻ thù hay hàng xóm làm ăn khắm khá hơn. Họ bỏ thuốc độc cho chết cả ao cá của gia đình họ ghét. Hạ độc vô giếng, vô hồ nước, vô nồi Bún bò để hại láng giềng. Họ phạt ngang thân hàng ngàn cây chuối đang trổ buồng làm cho kẻ thù sạt nghiệp ! Chỉ cần thiếu nợ họ mà không đủ khả năng trả thì họ sẵn sàng chặt tay, chặt chân con nợ không chút xót thương ! Họ không từ bất cứ thủ đoạn tàn độc nào, miễn hại được, triệt hạ được đối phương thì mới hã dạ ! . Cái Ác được nâng lên khi thời nay bà sẵn sàng giết cháu. Con đánh mắng, xua đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thậm chí là giết cha, giết mẹ để cướp tiền, cướp nhà, cướp đất ! Hành động đó có thể che mắt được mọi người chung quanh, nhưng liệu có thể qua được mắt chư Thần Linh trên cao như nhiều người vẫn nói : Con người đang làm, ông trời đang nhìn ” ?
Người theo đạo Thiên Chúa đều tin rằng : “ Đức Chúa Trời công bình vô cùng ” . Họ cũng được dạy : “ Nếu con lấy lường nào để đong cho người khác thì Đức Chúa Trời cũng sẽ lấy lường đó mà đong lại cho con ” thì có khác gì với “ Gieo Nhân nào thì gặt Quả nấy ” của Đạo Phật ? . Nhưng nhiều người đã sống bất chấp, xem như những gì Tôn Giáo khuyên dạy và cuộc sống thực tế chẳng liên quan gì đến nhau. Sở dĩ họ siêng đi Nhà Thờ hay đi Chùa không phải vì yêu Chúa, kính Phật, mà mục đích chỉ là để cầu xin được phù hộ, được che chở. Người càng sai phạm càng cúng Chùa nhiều hơn, hy vọng Phật sẽ phù hộ, che chở để đừng bị phát hiện !
Ai cũng biết trong những buỗi dâng Thánh Lễ, Linh Mục vẫn thường xướng câu : “ Chúa ở cùng anh chị em ” để nhắc nhở mọi người rằng : Chúa lúc nào cũng đồng hành với tất cả mọi người trong cuộc sống. Trong buổi lễ có nghi lễ “ Rước mình Thánh Chúa ” . Giáo dân được Linh Mục chủ lễ trao cho miếng Bánh Thánh tượng trưng cho Mình Thánh Chúa. Người nhận nuốt vào để “ hiệp làm một với Chúa ” . Rõ ràng nghi thức Rước Mình Thánh Chúa để nhắc nhở mọi người là đang mang trong mình máu thịt của Chúa, tức là Chúa đang ngự trong lòng người nhận Bánh Thánh. Nhưng để xứng đáng được Chúa ở trong lòng của ta, hẳn là lòng ta không thể đen tối, chứa đầy thù hận, ganh tỵ, độc ác, mà phải thanh tịnh, trong sáng để xứng đáng làm nơi Chúa ngự.
Đạo Phật vẫn khuyên mọi người nên Cất Chùa. Nhưng không phải dùng xi măng, đá, cát, cất trên mặt đất, mà mỗi người tự dọn sạch cái tâm của mình cho bằng phẳng, không còn gò, nỗng, hố sâu là những đố kỵ, hận thù.. mà trở thành thanh tịnh. Dẹp hết những bóng tối là những mưu mô xảo trá hại người, hại vật. Vật liệu để cất Chùa là những hành vi Từ, Bi, Hỉ, Xả, yêu thương mọi người, với cuộc đời, để Phật - tức là sự thanh tịnh, sáng suốt - lúc nào cũng ở trong Tâm và điều khiển hành động của mỗi người. Khi Tâm của mỗi người đã có Phật ngự rồi, thì ngày ngày cần làm những việc là Giữ Giới, thực hiện các Hạnh lành, trau dồi bán thân theo chiều hướng Thiện. Những việc làm như thế được ví như là Hương để xông lên Phật. Cứ mỗi lần dẹp đi một mưu toan ác độc, một ý tưởng đen tối, thì Đạo Phật cho là ta đã “ Cúng dường một vị Phật ” . Đó mới thật sự là Cúng Phật, không phải là mớ trái cây, mớ bông hoa đi mua, và khói của bột gỗ có tẩm mùi hương. Nếu ta lấy những cây nhang tẩm hương đốt lên thì càng đốt nhiều càng làm cho không khí thêm ô nhiễm chớ chẳng có Phật, Thánh nào chờ ngửi những mùi hương đó để chứng, rồi ban ơn theo lời cầu xin của ta ! Chỉ có những ngưởi mê tín mới tin vào việc cúng kiến để trao đổi với Thần Linh. Người khuyến khích điều này dù có tu hành bao nhiêu lâu đi nữa chắc chắn không phải xuất phát từ Đạo Phật chân chính.
Không có tín đồ Đạo thiên Chúa nào mà không thuộc 10 Điều Răn. Trong đó, Điều Răn thứ nhất là : “ Thảo kính cha mẹ ” , và tóm tắt của 10 Điều Răn là : “ :Trước kính mến một Đức Chúa trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy ” , Liệu chúng ta có thực hiện được phần nào chưa mà đòi hỏi, rồi trách sao Chúa không ban cho ta những điều mà ta cầu xin ? Người Phật Tử được dạy phải đền Tứ Trọng Ân, trong đó, Ân cha mẹ đứng hàng đầu. Dạy rằng “ Cha mẹ trong nhà là Thích Ca, Di Lặc ” . Nhưng mấy ai đối xử với cha mẹ như lời Phật dạy ? Thậm chí vừa mới đây có một clip được tung lên mạng. Một đứa con gái mắng chửi, dùng chổi chà đánh đâp mẹ, hốt cứt đòi nhét vô miệng mẹ và rải lên người bà mẹ bất lực ngồi một chỗ ! Cũng may mà mấy hôm sau bà đã qua đời để không phải tiếp tục chịu đựng sự hành hạ, chửi mắng của nó ! Cũng tàn ác không kém, là đứa cháu ngoại bình thản đứng quay, không thèm lên tiếng can ngăn mẹ, sau đó còn tải lên mạng cho mọi người xem ! Dã man nhất là một nghịch tử mới 18 tuổi ở Phú Yên đã dẫn bạn về nhà giết cả mẹ để lấy tiền. Tự tay nó đã đâm mẹ ruột mấy chục nhát dao, còn lấy dây siết cổ mẹ để lục túi lấy tiền, lấy điện thoại, cởi cả đôi bông bà đang đeo rồi thản nhiên rửa nhà rồi đóng cửa lại bỏ đó đi chơi !
Mọi người khi đi Chùa thì tôn trọng Sư, gặp Sư là chắp tay, cúi đầu. Lời Sư dạy là răm rắp nghe. Với Tượng Gỗ trong Chùa thì hết lòng thành khẩn, thắp nhang, cúi lạy. Trong khi đó, ở nhà thì sẵn sàng dằn mâm, xáng chén, quát tháo, khi cha mẹ do tuổi già mà lẩn thẩn hay tay chân vụng về, lóng ngóng làm con mình té, hay làm rơi, bể đồ đạc ! Chúng ta cứ nghĩ Chúa, Phật là những vị Thần Linh ở trên cao hay trong Chùa, trong Nhà Thờ mà chưa từng nghĩ rằng các vị luôn hiện diện trong ta và ở cạnh ta. Trong gia đình là cha, mẹ, anh chị em. Ngoài xã hội là tất cả mọi người, vì với Đạo Thiên Chúa thì lòng mỗi người là Đền Thờ cho Chúa ngự, với Đạo Đạo Phật thì : “ Tất cả mọi người đều là Phật sẽ thành ” . Nếu chúng ta cũng xem bản thân mình là một Nhà Thờ, là nơi Chúa ngự, hay là một ngôi Chùa trong đó có Phật, và mọi người mà ta tiếp xúc cũng là hình ảnh đại diện cho Chúa, cho Phật, thì chẳng phải là chúng ta sẽ yêu thương, kính trọng, giúp đỡ cho mọi người thay vì coi thường, hay đôi khi hả hê vì đàn áp, cướp đoạt được của người yếu thế hơn mình !
Đọc kỹ Giáo Lý của Đạo Phật ta thấy Đạo Phật được đặt ra đâu phải để cho mọi người ngưỡng mộ rồi tôn thờ, rồi cất cho nhiều Chùa, dựng thật nhiều Tượng ngày càng to lớn để tôn vinh Phật ? Mục đích của đạo Phật là muốn cho tất cả mọi người đều Thành Phật. Nhưng Thành Phật không phải là thành một vị Thần Linh, cứu độ cho mọi người, mà chỉ là được Giải Thoát hay hết Khổ để có một kiếp sống tốt đẹp, hạnh phúc an vui mà thôi.
Sở dĩ Đạo Phật phải bày ra đủ thứ Quả Vị, nói Niết Bàn, Phật Quốc v.v.. là vì con ngưởi quá mê đắm của cải vật chất trần gian để rồi ngày càng tạo thêm nghiệp chướng sâu dầy, khó gỡ, rồi ngày càng đau khổ thêm. Vì thế Chư Phật cố tìm mọi cách để giúp cho con người hết Khổ mà Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN gọi là “ Dỗ cho con nín khóc ” mà thôi. Kinh viết : “ Lại như Anh Nhi lúc kêu khóc, cha mẹ liền lấy là dương vàng mà bảo rằng : Nín đi, đừng khóc ! Vàng đây, ta cho con ” Anh nhi thấy lá dương vàng tưởng là vàng thật, bèn thôi không khóc nữa. Trâu gỗ, ngựa gỗ, người gỗ, Anh Nhi cũng tưỡng là trâu, ngựa, người thật, liền chẳng khóc nữa. Do vì chẳng phải thật trâu, ngựa v.v.. mà tưởng là thật trâu, ngựa v.v.. nên gọi là Anh Nhi ” . Lá Dương vàng, trâu gỗ, ngựa gỗ.. là những Quả Vị, Niết Bàn, Phật Quốc mà Phật hứa rằng người tu hành nghiêm chỉnh sẽ đạt được. Nhưng mục đích tu hành là để Hết Khổ, được Giải Thoát không phải là để đạt được những Quả Vị nọ, kia ! Vì thế, người tu nào tin rằng mình tu lâu, tu cao hơn mọi người để kiêu mạn chính là chưa đọc hết giáo lý của nhà Phật.
Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo đều gọi trần gian là “ Vực nước mắt ” , “ Chốn khách đày ” hay “ Bể Khổ ” . Do đó, mục đích của hai Tôn Giáo, là hứa hẹn Thiên Đàng hay Niết Bàn để giúp cho con người hết Khổ. Nhưng nhiều người đã hiểu lầm, chỉ biết Cầu Xin rồi ngồi chờ, không ngờ các Ngài đã chỉ cho chúng ta cách thức để tự làm mà đạt được. Đạo Phật cho rằng “ con người Khổ là vì Cầu không được. Người thương không được gần.Kẻ oán ghét cứ phải gặp ” , cho rằng chỉ có con đường tu hành là sẽ Thoát được những nỗi Khổ. Nhưng khi dấn thân tu hành, mọi người mới thấy không phải Phật cứu cho, mà chỉ là được hướng dẫn cho cách thức để tự thực hiện nơi cái Tâm của chính mình. Ai muốn Thoát Khổ thì phải TU TÂM. Nếu người nào thực sự quay vào Tu sửa cái Tâm thì không cần Phật phải cứu, mà chính họ đã TỰ CỨU, gọi là Tự Độ.
Đạo Thiên Chúa, dù nói rằng “ mọi sự cứ trông cậy vào Chúa ” . N hưng mỗi người hàng ngày được Rước Chúa vào lòng thì Chúa đã trở nên một với họ. Nếu họ sống đúng theo Phúc Âm : Kính Chúa, Yêu người, làm tròn bổn phận của một con người, giữ trọn Mười Điều Răn của Chúa và Sáu Điều Răn của Hội Thánh chẳng phải là Nước Chúa đang hiện diện ở trong họ hay sao ? Khi ta có sự suy nghĩ sáng suốt trước mỗi hành động là ta đã có được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì Chúa vẫn ở bên con người, giữ gìn cho con người khỏi “ sa chước cám dỗ ” để không gặp phải chuyện xấu. Nhưng con người đã đối lại thế nào ? Chúa đã nói rằng tất cả mọi người đều là con của Ngài, vậy thì ta có cứu giúp cho những người nghèo, san sẻ với họ lúc khó khăn. Tạo điều kiện cho họ có cơ hội vươn lên ? Hay chỉ quen thói lấn át, lợi dụng thế lực để lừa đảo, tranh dành, chèn ép họ ? Với thiên nhiên thì đối xử tệ bạc. Với bạn bè, với người chung quanh thì lúc nào cũng mưu toan tìm kế hoạch để dối trên, lừa dưới hầu kiếm chút danh, chút lợi, vậy thì làm sao Chúa có thể ngự trong những tâm hồn như thế ? Chúa bỏ đi thì đương nhiên ma quỷ sẽ cận kề để xúi dục ta làm những điều bất chính. Rồi cứ hành động thiếu suy nghĩ, gây thêm tội, lúc tới chuyện lại chạy đến Nhà Thờ, Chùa, đấm ngực ăn năm, xin Chúa, Phật cứu cho !
Có lẽ mọi người đều biết là không phải thường xuyên đi Nhà Thờ, hát những bài Thánh Ca để ngợi khen Chúa, hay đi giảng Đạo lôi cuốn được nhiều người theo Đạo, đó là làm cho “ Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến ” ! Mà tốt nhất là hãy sống cuộc sống tốt Đạo, đẹp Đời. Với xã hội là một công dân tốt, tùy theo khả năng mình mà góp sức. Với gia đình yêu thương nhau, biết kính trên, nhường dưới, quan tâm giúp đỡ mọi người, để mọi người nhìn vào mà ngưỡng mộ những người con của Thiên Chúa, nên mong muốn học hỏi theo để có cuộc sống thánh thiện như thế ! . Người Phật Tử cũng thế. Đâu cần đi rao giảng, quảng bá Đạo Phật rủ rê nhiều người Quy Y ? Hùn phước cất thêm nhiều Chùa, “ Độ ” cho nhiều Tăng ? Điều mọi người cần làm, là thể hiện trong từng lời nói, hành động theo Đạo Phật dạy là Thân, Khẩu, Ý, Ba Nghiệp thanh tịnh, không phải sớm tối chuông mõ, ghi nhớ các ngày lễ, vía. Đi Chùa nghe Pháp thường xuyên, làm việc từ thiện, cúng Chùa thật nhiều !
Mọi người vẫn có thói quen cầu xin và chờ đợi được ban cho mà không biết rằng có cách “ Cầu mà không cầu ” , tức là nếu ta muốn được điều gì đó thì cố gắng hết sức để thực hiện, thì lúc nào đó điều mơ ước cũng sẽ đến, như lời Chúa dạy : “ Cứ gõ sẽ mở ” . Nhưng Gõ không phải là tích cực cầu xin Chúa, mà cố gắng làm hết sức mình. “ Tận nhân lực, tri thiên mạng ” của người đời mà cũng chính là “ Gây Nhân để hưởng Quả ” của bên Đạo Phật.
Tóm lại, Chúa, Phật chưa bao giờ bỏ rơi con của các Ngài. Các Ngài luôn tìm hết cách để giáo hóa con người ngưng làm ác. Tiếc thay, con người lại không thực hành nghiêm chỉnh những lời các Ngài đã dạy, khi bị Nghiệp quật thì đổ cho các Ngài bỏ rơi ! Thử hỏi, thiên nhiên đã có sự an bài từ bao đời : Nhiệm vụ của Rừng là giữ nước, là lá phổi để lọc không khí. Nếu chúng ta không phá rừng, thì làm gì có lũ quét cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn ? Nếu chúng ta không hút cát giữa lòng sông thì đôi bờ sông đâu có bị trống chân để kéo theo nhà cửa đổ sụp ? Nếu con người không nghiên cứu vũ khí sinh học để hại nhau, thì dịch bệnh đâu có tràn lan ? Không chặn giòng chảy tự nhiên của nước thì mực nước sẽ điều hòa chảy về các nhánh sông nhỏ, dù có mưa liên tục cũng đâu có cảnh nước ngập ứ đọng dâng cao ở một số nơi đến mức người dân phải sơ tán ? Không vì lợi ích cho mình mà phát tán những loại thuốc hóa học để làm cho rau màu tăng trưởng. Không bơm thuốc tôm, thịt, vô trái cây, để giữ được cho tươi lâu, khỏi bị hư, thì ung thư đâu có trở thành mối đe dọa, nhiều người còn trẻ cũng đã bị như hiện nay ? Bệnh Viện Ung Bướu luôn quá tải và theo nguồn tin trên Internet thì mỗi ngày nước ta có khoảng 300.000 người chết vì Ung thư ! Một con số khủng khiếp ! Chưa hết, ngoài chết vì bệnh tật, tai nạn, nhiều năm trước, con số người trẻ chết vì chiến tranh cũng không phải nhỏ ! Cũng may hiện nay nhiều nước đã ngưng đánh nhau. tránh được cảnh người và người tiêu diệt lẩn nhau ! Bi thảm nhất là tai họa tại Thủy Điện Rào Trăng ở Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế vừa diễn ra trong mấy ngày vừa qua. Được tin có 17 công nhân bị mất tích, một phái Đoàn gồm nhiều Sĩ Quan Quân đội đã phải lội bộ qua bao nhiêu km đường sình lầy để đến đó ứng cứu. Không ngờ lại bị núi lở làm cả 13 người phải chôn vùi theo, trong khi vẫn chưa tìm được dấu vết của những công nhân bị mất tích trước đó ! Theo thông tin cho biết, để làm những đậpThủy Điện này, người ta đã phải san bằng hơn 200 ha rừng nguyên sinh ! Mất đi rừng thì đương nhiên không còn lá chắn giữ nước thì lũ về là đúng thôi. Đó là hậu quả do con người tạo ra. Nếu mọi người hiểu lý lẻ và bớt tham lam, không triệt hạ rừng thì đâu nên nỗi !. Như vậy, chúng ta đã lừa dối thánh thần. Đấm ngực ăn năn mà có ăn năn chút nào đâu ?
Trái đất đã được thiên nhiên ban tặng cho con người với nhiều phong cảnh hữu tình, non cao, biển rộng, sông dài với những cây cối hoa cỏ trang trí đẹp một cách lung linh, kỳ diệu. Đất đai lại màu mỡ, tôm cá đầy sông. Nếu mọi người biết tiết chế để cùng giữ gìn, chăm sóc thì tất cả sẽ được hưởng thái bình, an cư, lạc nghiệp, hoa trái ngọt lành bốn mùa, cuộc sống an bình cho đến hết kiếp thì trái đất có khác gì vườn Địa Đàng ?
Tất cả đều do tham vọng không ngừng của con người. Đã có lại muốn có thêm, rồi tranh dành, tàn sát lẩn nhau. Vì vậy, thay vì gây hấn với nhau, thì mọi người hãy dừng lại những nghĩ ác, làm ác, dừng đầu độc nhau, đừng phá rừng, ngăn sông, lấn biển làm trái với quy luật thiên nhiên, vì hậu quả cũng chính là con người phải gánh lấy. Quay về với Chúa, với Phật là quay về với cái Tâm thánh thiện, với cuộc sống hiền hòa, ít muốn, biết đủ, không tham lam, không vì lợi ích cá nhân mà tranh chấp với mọi người để bản thân mình, gia đình mình và tất cả mọi người đều được sống trong an lành, ấm no hạnh phúc. Lúc đó ta đâu có cần cầu xin ai, vì đâu có những cảnh trái ý, nghịch lòng ?
Dù Chúa “ Nhân từ vô cùng ” hay Phật luôn “ Từ, Bi, Hỉ, Xả ” nhưng không phải để chúng ta lợi dụng các Ngài, cho rằng có làm gì đi
nữa thì các Ngài cũng sẽ thứ tha ! Nên nhớ, “ Cây nghiêng bên nào thì ngả bên đó ” . Không thể cả đời sống theo sự điều khiển của thế
lực đen tối để làm bao nhiêu việc ác mà lúc qua đời chỉ cần Linh Mục làm Lễ, hoặc có Sư tụng Kinh mà được lên Thiên Đàng hay bay thẳng
về Tây Phương Cực Lạc ! Nếu thật sự có việc như vậy thì Chúa, Phật sẽ trả lời thế nào với những người cả đời lương thiện,
luôn thực hiện theo lời các Ngài dạy ? Chính mỗi người chúng ta tự quyết định Thiên Đàng hay Địa Ngục cho mình bằng những việc làm
trong lúc đang sống. “ Âm Phủ, dương gian đồng nhất lý ” . Lúc sống chúng ta đã thực hành theo lời Chúa, lời Phật. Mình thương người,
không hại người thì người cũng không hại mình. Không làm điều ác thì đương nhiên không chỉ kiếp sống luôn an lành, mà khi rời bỏ cõi
đời thần thức hay linh hồn không bị nhiễm trược khí cũng sẽ nhẹ nhàng, sẽ được về các cõi thanh cao, được hưởng phước là điều đương nhiên,
vì không làm tội thì Chúa hay Phật làm sao có quyền bắt tội ? Do đó, không cần cầu hồn, gởi lễ, hay nhờ Thầy tụng mà vẫn siêu thăng vậy.
Tháng 7/2020