CA TRƯỞNG HẢI LINH VÀ
CA KHÚC HANG BÊLEM BẤT TỬ
1. Ca Trưởng Hải Linh : Đây là danh hiệu thầy Hải Linh ưa thích nhất cho dù thầy có những
chức danh khác như Nhạc sư dạy tại Quốc gia Âm nhạc (1956-1961), Nhạc sư tại Đại Học Đà Lạt (1970-1975), Nhạc trưởng ( 1961-1970) khi sang nghiên cứu giáo dục âm nhạc tại
Đại học Ohio (Hoa Kỳ) hay Nhạc sĩ với những bài hát TÔN VINH THIÊN CHÚA và TÁN TỤNG QUÊ HƯƠNG tuyệt vời… Cuộc đời và sự nghiệp:
Thầy Hải Linh
sinh ngày 04-10-1920 tại làng Ứng Luật, phủ Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, địa phận Phát Diệm. Vì trùng với ngày lễ thánh Phanxicô Assisi
nên chọn thánh Phanxicô làm bổn mạng. Tên thật của thầy là Trần
Văn Đệ. Thân phụ là ông cố Trần Văn Minh, thân mẫu là bà cố Nguyễn Thị Lan, thường gọi là ông bà chánh Minh. Thân phụ làm nghề đắp tượng, còn thân mẫu làm “bà trùm” lo việc dạy
“học trò” dâng hoa, dâng hạt, ngắm lễ… tại xứ Ứng Luật. Đôi tay khéo léo của thân phụ trong nghệ thuật đắp tượng và tiếng ca hồn nhạc đượm tính tôn giáo và dân tộc của thân mẫu
trong nghệ thuật âm thanh đã góp phần làm nên một con người nghệ sĩ, rất nhạy cảm trước cái hay cái đẹp của nghệ thuật nói chung và của âm nhạc nói riêng. Gia đình ông cố có 7 người con, gồm 5 người con trai và 2 người con gái. Hải Linh là con trai thứ hai. Một người em trai thứ 6, là cố Lm. Louis Trần Công Hoan,
tức nhạc sĩ Hùng An, qua đời ngày 25/5/1980 tại xứ Duyên Lãng, địa phận Xuân Lộc. Nay các anh chị em đều đã qua đời (2013), chỉ còn lại con cháu chắt… Lên 10 tuổi, Hải Linh được gia đình gửi đến cha già Trác để chuẩn bị đi tu. Sau cha già Trác đổi thành Trần Đức Trị theo chữ đầu của tên cha nghĩa phụ như thói
quen thời ấy. Năm lên 12 tuổi ông vào tu tập tại Trường Thử ở Trung Linh (Nam Định), nơi đây ông được Lm. Rangel người Pháp (tên Việt là cố Lễ) tập luyện
ca nhạc và khơi động năng khiếu về âm nhạc. Ông sớm say mê âm nhạc, tự tìm tòi học hỏi. Năm 16 tuổi, Hải Linh lên Tiểu chủng viện Ninh Cường, ở đó Hải
Linh đã phụ trách việc tập hát và đệm đàn nhà thờ. Nhân việc cha già Trác, thuộc về giáo phận Thái Bình được tách ra từ Giáo phận Bùi Chu, nên Hải Linh nhận cha già Liễn thuộc
Bùi Chu làm nghĩa phụ, và lại được đổi tên là Trần Văn Linh, theo chữ đầu của tên cha già Liễn (ngày sinh trên khai sinh là 30-10). Năm 20 tuổi, Hải Linh vào học tại trường Thầy Giảng (Bùi Chu) và sau đó được giữ lại trường để dạy Pháp văn và Âm nhạc. Đây là thời gian thầy Hải Linh
bắt đầu sáng tác một số bài hát đạo cũng như đời. Có lẽ bài hát đạo đầu tay của Hải Linh là bài: “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam” vào khoảng 1944.
Hải Linh cùng với Vũ Minh Trân và một số bạn hữu khác như Thăng Ca (Ngô Duy Linh), Võ Thanh (Vũ Đình Trác), Hồ Khanh (Trần Thái Hiệp)… thành lập Nhạc đoàn Sao Mai,
và đã xuất bản nhiều tập ca vịnh như: Ca vịnh Đức Mẹ (1946), Ca vịnh Đức Mẹ Fatima – Thánh cả Giuse (1949), Ca vịnh Thánh Tâm – Thánh Thể (1949)… Một số các bài của thời kỳ
sơ khởi này như: - Lòng con đau đớn thiết tha - Ngày nay con đến - Nguyện xin Thánh cả Giuse quyền cao sang - Nổi bật nhất là bài “Hang Belem”, sáng tác 11-1945 cho mùa Giáng sinh năm ấy. Chính tác giả đã điều khiển
ca đoàn nhà thờ chánh tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ đêm Giáng sinh năm ấy. Cha Giám đốc Đại chủng viện là Lm. Phạm Ngọc Chi đã khen ngợi, và từ đó lưu tâm
khuyến khích Hải Linh học hỏi và sáng tác thêm. Sau này, khi làm Giám mục địa phận, chính Ngài đã gửi Hải Linh đi du học về âm nhạc ở nước ngoài vào năm 1950. Năm 30 tuổi, trên con tàu Athos II, từ Saigon sang Marseille, Thầy Hải Linh được gửi đi Roma học tại Pontifical de Rome (Ý). Học được khoảng 7 tháng thầy
đổi qua Pháp ở với cha Lương Kim Định tại căn nhà số 21 Rue Beaurepaire, Paris X cho tiện việc học tập. Từ 01-5-1951 thầy học nhạc Bình Ca và Ca Trưởng tại Viện Giáo Nhạc
thuộc Institut Catholique de Paris, đồng thời học sáng tác tại Trường Nhạc CÉSAR FRANCK do giáo sư Guy de Lioncourt làm giám đốc và trực tiếp hướng dẫn Hải Linh. Chính
Giáo sư đã thổ lộ, theo lời kể của Cố Nhạc sĩ Lm. Hoàng Kim: “Trong suốt cuộc đời dạy học của tôi, tôi chỉ gặp được 2 người có tài, một người Nhật, là Kishio Hirao,
làm trưởng ban nhạc Đài Phát thanh Tokyo, Nhật Bản, và người thứ hai là Phanxicô Hải Linh”. Hải Linh ra trường với luận án tốt nghiệp đậm đặc mùi vị dân tộc
“Màu sắc nhạc Việt trong Bình ca” tại Nhạc viện César Franck (1956). Ngoài việc học chính thức tại 2 trường nói trên, Hải Linh còn tìm học và
trao dồi thêm với một số giáo sư nổi tiếng khác về ngũ âm cũng như về điều khiển. Các tác phẩm trong thời kỳ du học tại Paris đã nói lên thao thức tìm một nhạc ngữ phù
hợp với ngôn ngữ đa thanh của dân tộc: - CHÚA KHẢI HOÀN - AVE MARIA 1 - NGỢI KHEN - Nhất là các bài RA KHƠI, NHẠC VIỆT, HÒ NON NƯỚC, CÓC QUÂN, DUYÊN KỲ NGỘ, CHUÔNG HÒA BÌNH, LÂM KHỐC… mang đầy âm hưởng dân tộc.
Giáo sư Guy de Lioncourt đã nhiều lần tỏ vẻ thích thú khi nghe “Monsieur François” (người Pháp gọi Hải Linh bằng tên thánh Phanxicô)
giải thích tại sao chỗ này thì viết thoáng mỏng, chỗ kia phải đơn giản hóa hòa âm, chỗ khác phải viết theo tinh thần đối âm, chỗ khác nữa lại phải đi cùng chiều thay vì có thể đi ngược chiều… chung quy là cốt đề cao tính giai điệu của nhạc ngữ dân tộc và nhất là tôn trọng thanh điệu (dấu giọng) của ngôn ngữ Việt Nam. Không thể nào dòng trên chúng ta hát “Lạy Chúa” mà bè phụ họa theo
đúng hòa âm lại hát “Lạy Chùa” được. Một người du học không mất gốc, một học trò biết tự trọng và được người Thầy xứng danh là bậc Thầy tôn trọng và thán phục quý mến.
Từ đó, Hải Linh càng ngày càng xác tín hơn về hướng đi của mình trong công việc đưa nhạc ngữ dân tộc từ bậc giai điệu (đơn điệu) lên bậc đa âm đa điệu. Và hai chủ đề chính cho
các sáng tác sẽ là: TÔN VINH THIÊN CHÚA và TÁN TỤNG QUÊ HƯƠNG. Năm 1956, ông trở về Việt Nam, ngoài việc dạy Hợp ca tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc, ông thành lập Ca đoàn HỒN NƯỚC nhằm thực hiện hoài bão của mình là TRÌNH TẤU SỐNG ĐỘNG các tác phẩm được soạn ra bằng một LỐI VIẾT THOÁNG MỎNG theo tinh thần Á Đông. - 02/1957: Thành lập Ca đoàn Hồn Nước nhằm đưa âm sắc dân tộc vào dòng nhạc Tây phương. - 6/1957 : Sơ diễn tại rạp Thống Nhất trong dịp phát thưởng của trường Nguyễn Bá Tòng. - 23/12/1957: Buổi ra mắt công chúng đầu tiên tại rạp Olympic của Ca đoàn Hồn Nước dưới sự điều khiển của
Ca Trưởng Hải Linh đã được hoan hô nhiệt liệt. - 05/02/58 ông lập gia đình với cô Phạm Thị Ly. - Năm 1958: tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Ca trưởng Hải Linh đã điều khiển Ca Đoàn Hồn Nước trình tấu bản Đà Lạt
Trăng Mờ với phần nhạc đệm của Dàn Nhạc Giao Hưởng New York (do nhạc trưởng Sherman hướng dẫn đến viếng thăm Việt Nam). - Và tiếp tục trong những năm sau,
các lần trình tấu của Ca trưởng Hải Linh đều có tiếng vang… Các bài sáng tác trong thời kỳ này gồm có: · AVE MARIA 3 (Tấu lạy Bà) · RA ĐỜI · NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH · ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ · LÒNG MẸ · CUNG ĐÀN BẠC MỆNH 1,2,3 · CHINH PHỤ NGÂM · CHUỖI CƯỜI… · Riêng bài NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác cho Đại Hội Thánh Mẫu toàn quốc năm 1959. Năm 1961 Nhạc sĩ Hải Linh được học bổng sang nghiên cứu âm nhạc,
giáo dục tại Đại học Ohio (Hoa Kỳ). Tại đây, ông cũng được các nhạc trưởng, nhạc công và khán thính giả Hoa Kỳ tán thưởng, nhất là trong lối trình diễn sống động và tinh tế. Năm 1969 ông sang Pháp dự định hoàn thành luận án tiến sĩ
về "Cơ cấu giai điệu trong nhạc Việt", nhưng vì một số lý do nên phải bỏ dở luận án. Nhận xét về tài năng nhạc học dân tộc này, Giáo sư Trần Văn Khê kể lại những kỷ niệm mà ông có với nhạc sư Hải Linh
khi gặp nhau tại Pháp, ông kể: “Lúc đó ông Ngô Duy Linh cũng đang học ở Sorbon với tôi lối chừng 1970, Hải Linh có đến gặp tôi
để mà hỏi thăm về âm nhạc dân tộc. Khi đó tôi có nói những cái hay trong nhạc lễ tại miền Nam Việt Nam thì Hải Linh có ghi âm lại
để nghiên cứu. Hải Linh đã học nhiều điều trong dân ca và đem ra áp dụng trong nhạc công giáo tức là thánh ca rất thành công vì
có được màu sắc dân tộc”.
Trở về nước năm 1970, ngoài việc dạy nhạc tại Viện Đại học Đà Lạt, Nhạc sư Hải Linh tham gia Ủy ban Thánh Nhạc toàn quốc,
tiếp tục củng cố ca đoàn Hồn Nước, phát triển Ca Đoàn Hồn Nước tới một trình độ điêu luyện, và thực hiện các cuốn băng: Một Giờ Hợp Ca 1 và 2,
đồng thời đã dày công huấn luyện 40 lớp ca trưởng - là những người điều khiển các ca đoàn hợp xướng tại Saigon và Đà Lạt.
Các bản nhạc sáng tác ông trong thời kỳ này: · Te Deum · Ave Maria 2 · Bộ lễ Nữ Vương Hòa Bình · Hồng Ân Thiên Chúa · Thằng Bờm · Tiếng Thu · Con Bướm Trắng · Đồng Tiền Vạn Lịch … Đại hội Thánh Nhạc Toàn Quốc năm 1972 tại trường Lasan Taberd cũng là một cái mốc đáng ghi nhớ trong giai đoạn này. Sau giải phóng 1975 thầy tiếp tục dạy một số lớp Ca trưởng và tập hát cho lớp Hợp Xướng trong khuôn viên Nhà thờ Huyện Sĩ.
Thầy cũng dạy đệm đàn, sáng tác cho một số người tại tư gia.
Đặc biệt, bài KHÚC CA MẶT TRỜI (lời thơ Đoạn nói về Ông Anh Mặt Trời của Thánh Phanxicô Assisi do Lm.
Vũ Đình Trác chuyển dịch) được hát lần đầu tiên tại Nhà thờ Đa-kao 10-1979, nhân kỷ niệm 50 năm Dòng Phanxicô được thành
lập tại Việt Nam. Và năm 1982, nhân kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Thánh Tổ phụ Phanxicô thì phần lớn TRƯỜNG CA CÁC TẠO VẬT
(gồm Hợp ca Mở đầu, Đoạn I Ông Anh Mặt Trời, Đoạn II Chị Hằng Nga và Tinh Tú, Đoạn III Anh Gió, Đoạn IV Chị Nước và Chung Khúc,
sáng tác chung với Lm. Xuân Thảo, cũng đã hoàn tất và được trình tấu lần đầu cũng tại nơi đây. Những đoạn còn lại được sáng tác
sau đó là Đoạn V Anh Lửa, Đoạn VIII Chị Chết, rồi năm 2003 thêm Đoạn VI Chị Đất Mẹ Hiền và Đoạn VII Anh Chị Em Loài Người. Ông đã thổ lộ tâm tình với các môn sinh ca trưởng, ca viên: “ Vũ trụ bao la với muôn giải thiên hà,
với mặt trời, mặt trăng, tinh tú, với trời mây, sông biển, núi rừng, chim muông và con người, tất cả là một bản hợp ca không
ngừng ngợi khen Chúa Trời ” . Năm 1982, Thầy đã lập Nhóm QUÊ HƯƠNG để vừa học vừa góp tay thực hiện các chương trình do Thầy đề ra:
Phác họa và khai triển các chương trong 2 cuốn sách LỐI VIẾT THOÁNG MỎNG và LỐI TRÌNH TẤU SỐNG ĐỘNG, cùng với một số học trò
còn lại, gồm Thiên Lan Nữ tu MTG Thủ Đức, Nhạc sĩ Nam Hải, và Lm. Xuân Thảo tu sĩ dòng Phanxicô. Các bài hát khác được sáng tác trong giai đoạn này gồm có: · VINH DANH THIÊN CHÚA · PHƯỢNG TRÌ · KINH LẠY CHA · KHÚC NHẠC CẢM TẠ · CHÚC TỤNG THÁNH GIUSE · TÌNH NƯỚC NON · HOAN CA MÙA TRƯỜNG XUÂN · THƠ THƠ 1, 2, · TÁN TỤNG HỒNG ÂN, TÌNH CHÚA YÊU TÔI, BẾN THIÊN ĐÀNG, YÊU CON ĐỜI ĐỜI, MÙA HỒNG ÂN, MẸ VÔ NHIỄM…
(Các bài từ Tán tụng Hồng Ân trở đi là soạn chung với một số tác giả khác). 14g45 ngày 08/05/1986 Thầy đã rời Sân bay Tân Sơn Nhất đi đoàn tụ gia đình tại Mỹ và cư ngụ tại
New Orleans, bang Louisiana, ở cùng nơi với Lm. Ngô Duy Linh. Chưa kịp nghỉ ngơi, Thầy đã phải tập dượt cho Ca đoàn Hợp tuyển Việt Nam,
để hát tại Đại hội mục vụ Thánh nhạc toàn quốc tổ chức tại New Orleans chiều 01/07/1986. Tại đây gần 800 người gồm Ca trưởng, nhạc công
Dương cầm, Quản cầm và các nhạc sĩ sáng tác công giáo Mỹ đã cảm phục tài nghệ của Nhạc sư. Cha Virgil Funk, chủ tịch Hiệp hội
Ca nhạc sĩ mục vụ Hoa Kỳ đã lượng giá sự đóng góp của Việt Nam tại Đại hội như sau: “Về lượng, các ông có vẻ yếu kém (chỉ có 80 ca viên),
nhưng về phẩm thì phái đoàn Việt Nam đã ghi được thành tích đáng kể. Điều đáng kể thứ nhất là Việt Nam đã cho thính giả và các
chuyên gia âm nhạc thánh ca Mỹ, thưởng thức những ca điệu Việt Nam rất độc đáo và hấp dẫn. Điều đáng kể thứ hai là
Nhạc sĩ Hải Linh đã xuất hiện như một biến cố âm nhạc cao siêu và kỳ tài”. Hôm đó, nhạc sư điều khiển bài Tán tụng Hồng ân
và Hồng ân Thiên Chúa. Kế đó, ông mở các lớp Ca Trưởng tuần tự ở nhiều Tiểu bang khác nhau.
Đồng thời, tập dượt cho nhiều Ca đoàn ở nhiều nơi khác nhau để hát trong nhiều dịp lễ. Trong gần 20 tháng ở Mỹ, Nhạc sư đã tập dượt để điều khiển trên 12 buổi ca hát chính thức.
Buổi điều khiển có ý nghĩa sau cùng đối với Nhạc sư có lẽ là đêm Giáng Sinh 24/12/1987 tại họ Đức Mẹ Lên Trời ở Avondale,
bang Louisiana, khi bài Thánh ca Hang Be-lem tròn 42 tuổi. Và trách nhiệm nặng nề lo tập hát cho Đại lễ Phong Thánh Tử Đạo
Việt Nam tháng 6/1988 tại Roma là nỗi ưu tư lo lắng nhất cuối đời Nhạc sư. Thầy đã sáng tác thêm một số bài hát cho dịp này,
như NHÂN CHỨNG ĐỨC TIN, BÀI CA KHẢI HOÀN… và đã lên chương trình tập dượt ở nhiều nơi. Ngày 05/01/1988, lúc 5giờ chiều, Nhạc sư rời New Orleans đi Los Angeles để tập hát theo chương
trình dự tính, thì đêm hôm ấy tới nơi trong một trạng thái mệt mỏi, khó ngủ. Một phần tuổi già, một phần lớn sức yếu
vì bao công việc dồn dập và liên tục, cộng thêm với bao lo lắng ưu tư cho lý tưởng Hợp ca, nên sáng hôm sau,
Nhạc sư bị đau nặng phải đưa đi bệnh viện. Nhạc sư đã từ trần vì nhồi máu cơ tim, lúc 6giờ30 chiều ngày 06/01/88 tại bệnh viện Fountain Valley. Ngày 16/01/1988, lúc 9 giờ, linh cữu được chuyển từ Westside Funeral Home tới nguyện đường Đức Mẹ Hồn Xác Lên
Trời để cử hành lễ an táng cuối cùng. Sau đó, linh cữu được chuyển đến Nghĩa trang Avondale, nơi an nghỉ cuối cùng của Nhạc sư,
tọa lạc tại Restlawn Park Cemetery, Garden of Family Devotion, Block H, Square G, Plot 22, Lot 2.
Nhạc sư Hải Linh ra đi thật đột ngột, bất ngờ, để lại bao kính thương, luyến tiếc. Còn bao nhiêu công việc đang dở dang chưa kịp hoàn tất, dù rằng những gì đã hoàn tất cũng đã là một đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nói chung, và cho Việt Nam nói riêng. Đó là khoảng 60 bài để TÔN VINH THIÊN CHÚA, 60 bài để TÁN TỤNG QUÊ HƯƠNG, với trên dưới 40 bản đệm đàn, bản dạo đàn, cũng như trên 10 tập tài liệu soạn ra để huấn luyện Ca trưởng, dạy đệm đàn, dạy sáng tác… Thầy dạy học không chỉ từ kiến thức đã học được từ trường lớp, mà quan trọng hơn là từ kinh nghiệm sáng tác và trình tấu của mình. Vì thế, đóng góp quan trọng hơn cả, qua tất cả những gì Nhạc sư sáng tác và dạy lại, đó là một LỐI VIẾT THOÁNG MỎNG đượm tính dân tộc, khả năng diễn đạt phong phú và tinh vi những cảm xúc của con người Việt Nam trước Đấng Tạo hóa cũng như trước Quê Hương Đất Nước, trước nhân tình thế thái, bằng chính ngôn ngữ Việt Nam với nguyên vẹn các ấn tín thẩm mỹ dân tộc, đi đôi với LỐI TRÌNH TẤU SỐNG ĐỘNG nhờ cách điều khiển sắc bén, hiệu nghiệm và ngoạn mục, nhờ cách đệm đàn khéo léo và chọn lọc, nhờ cách hát theo tinh thần của Tiết tấu, với một lối phát âm “tròn vành rõ chữ” như cha ông ta thường nói. Đóng góp đó, Nhạc sư muốn cô đọng lại trong 2 cuốn sách mang cùng tên với hai chủ đề trên. Tuy chỉ mới dự thảo còn cần khai triển và biên soạn, nhưng với tất cả những gì để lại cũng như truyền đạt cho hậu bối, Nhạc sư Hải Linh đáng là bậc Thầy có công lớn trong nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sư Hải Linh đã chia sẻ trong một lần phỏng vấn: “Tôi phải thú nhận rằng tôi không có sáng tác gì cả vì chỉ có một Đấng Tạo Hóa mới thực sự sáng tác mà thôi. Còn tôi cũng như bao nhiêu người khác thì không dám nói là mình sáng tác. Tôi chỉ có "sàng tạc" được một đôi bài. Sàng là sàng qua lọc lại; tạc là dựa vào một mô thức đã có sẵn để chế biến... như người tạc tượng vậy. Viết nhạc cũng cực như lao động chân tay vậy vì phải cưu mang, phải tính toán, rồi còn phải biết lý tưởng hóa những cảm nghĩ, tình cảm vv... Mỗi bài phải có một sức sống riêng. Tất cả những bài tôi viết nằm trong hai chủ đề là: Tôn Vinh Thiên Chúa, và Tán Tụng Quê Hương Việt Nam. Tôi phải cảm tạ Thiên Chúa suốt ngày, suốt đời tôi, vì Ngài đã cho tôi biết được một thứ ngôn ngữ tế vi và phổ quát của nhân loại. Tôi cũng phải luôn luôn tán tụng Quê Hương vì đã dưỡng dục tôi”. Thầy rất kỹ trong sáng tác, chọn lựa từng câu, nắn nót từng nốt nhạc để cho ra một tác phẩm. Thế nhưng lâu lâu thầy cũng phải chỉnh lại chữ này hay kéo dài trường canh nọ cho dễ hát hơn (trước đây khi còn in ronéo ta vẫn thấy có chữ bản chỉnh sửa năm…). Đưa nhạc vào thơ: Đây chính là một ngón tài hoa của nhạc sĩ Hải Linh đã biến những lời thơ thành nhạc. Đó là một nghệ thuật đòi hỏi người nhạc sĩ phải có tâm hồn thơ như nhà thơ . Với thầy Hải Linh thơ được dệt đi dệt lại và thêm những từ điệu V iệt N am : à mà, là, chứ, tình bằng , ớ dù… bản nhạc thoát ra khỏi quy luật của câu lục, câu bát nhưng vẫn giữ được cái phần hứng, phần hồn của thơ . Chúng ta hãy nghe lại những tác phẩm: Thằng Bờm, Hò Non Nước, Cung Đàn Bạc Mệnh, Duyên Kỳ Ngộ… mới thấy được sự tài tình của người nghệ sĩ đã đưa thơ vào nhạc, sống trong thơ như chính mình làm ra những vần thơ đó vậy. Lm. Xuân Thảo đã viết: “ Tiếp xúc với ca dao, với Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư , … Hải Linh giúp chúng ta đến gần và yêu mến văn học, yêu mến thi ca hơn. Điều này không phải ai cũng làm được ” . Những sáng tác qua thơ ca: - Thơ Hàn Mặc Tử: Đà Lạt trăng mờ, Ra đời Trường ca Ave Maria: gồm 10 bài. Sáng tác chung với Cát Minh. Nhạc kịch thơ Duyên kỳ ngộ: là một thể loại tiểu nhạc kịch (micro-opera). - Lời Kinh của Thánh Phanxicô: Trường Ca Các Tạo Vật: gồm 10 bài. Sáng tác chung với Xuân Thảo. - Đại tấu khúc Chinh phụ ngâm (trích thơ Đặng Trần Côn). Tác phẩm này được viết theo nhạc Việt nhưng hình thức vẫn theo lối cổ điển Tây phương, chia làm ba hành âm (mouvement): · Từ khi có lệnh chiến chinh "Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt" cho đến khi người chinh phụ tiễn chinh phu lên đường lo việc nước. · Cảnh người chinh phụ cô đơn chiếc bóng ở lại nhà săn sóc mẹ già và con thơ “Gà eo óc gáy sương năm trống”. · Phần kết kể lại ngày đoàn viên… - Ca dao: Thằng Bờm - Thơ Lưu Trọng Lư: Tiếng Thu - Trích thơ Nguyễn Du (Truyện Kiều): Năm 1958, nhân ngày giỗ (22.9) đại thi hào Nguyễn Du, lần đầu tiên truyện Kiều được phổ nhạc. Trước đây cha ông ta chỉ bói Kiều và lảy Kiều, nay hát Kiều. Nguyễn Du và Hải Linh cùng “kể lể”: Trăm năm trong cõi người ta, để rồi bắt sang những tâm sự chết người của “cung đàn bạc mệnh”: Khúc đâu Tư Mã Phượng cầu… Khúc đâu Hán Sở chiến trường… Kê khang này khúc Quảng Lăng… T hiệt lòng mình, cũng nao nao lòng người… Trường ca cung đàn bạc mệnh gồm 4 cung chia ra như sau: · Cung thứ nhất, gồm 10 bài, tả tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng nghe · Cung thứ hai, gồm 6 bài, mô tả tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Thúc Sinh và Hoạn Thư nghe. · Cung thứ ba là tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Hồ Tôn Hiến. · Và cung thứ tư là tiếng đàn của Thúy kiều gảy cho Kim Trọng lúc tái hồi. Thật đáng tiếc, cố nhạc sĩ Hải Linh đã chưa hoàn tất cung đàn bạc mệnh cuối cùng… Cây đại thụ trong làng thánh nhạc Công giáo Việt Nam đã không còn nữa, nhưng bóng mát vẫn còn tỏa rộng. Sự nghiệp của Thầy Hải Linh vẫn còn được kế thừa nơi những người ca trưởng ông đã đào tạo trong và ngoài nước, duy chỉ có tài năng là không ai thay thế được. Tuy nhiên di sản nhạc sĩ để lại, những nhạc bản để Tôn vinh Thiên Chúa và Tán tụng Quê hương, sẽ mãi mãi tồn tại với thời gian, nhất là mỗi mùa Giáng sinh trở lại tiếng hát về Hang Be lem lại được cất lên khắp các thánh đường Công giáo, và âm hưởng còn vang vọng mãi nơi hồn người. Hàng năm cứ vào ngày 06 tháng 01, Nhóm Quê Hương cùng với các học viên Các Lớp Nhạc Quê Hương thường tổ chức Thánh Lễ Giỗ cầu nguyện cho cố Nhạc Sư Hải Linh tại Thánh đường Giáo xứ Phanxicô Đakao và Đêm Nhạc Tưởng Nhớ tại giáo đường giáo xứ Xóm Thuốc để cầu nguyện và tưởng nhớ đến Nhạc sư Hải Linh qua một số nhạc phẩm tiêu biểu. 2. Ca khúc Hang Be-lem: Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trông hang Bê lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng Đàn hát (réo rắt tiếng hát), xướng ca (dư âm vang xa). Đây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta. Người hỡi (hãy kíp bước tới), đến xem (nơi hang Bê lem) Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than 1- Nơi hang Bê lem thiên thần xướng ca Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa 2- Nơi hang Bê lem chiên lừa thở hơi Tan giá đêm đông ấm thân Con Người. 3- Nơi hang Bê lem mục đồng xúm quanh Ca hát vang lừng mến yêu chân thành. 4- Nơi hang Bê lem huy hoàng ánh sao Đưa lối Ba Vua phương đông đến chầu 5- Nơi hang Bê lem ta quỳ thiết tha Xin Chúa nhân hiền xuống ơn chan hòa. Lúc sinh thời, cố nhạc sĩ Hải Linh đã có lần kể về sự ra đời của bài hát Hang Be-lem: "Đó là bài đầu tiên mà tôi viết vào tháng 11 năm 1945. Lúc ấy tôi được 25 tuổi và đang dạy học ở trường thầy Giảng Bùi Chu. Một hôm, tôi đi ngang qua Tòa soạn bán nguyệt san Đường Sống ở Nam Định, ông Minh Châu - chủ nhiệm - thấy tôi thường hay hát nên đố tôi làm được một bài để đăng vào báo Đường Sống nhân mùa Giáng Sinh. Tôi nhận lời và hẹn ba ngày sau trở lại. Sau ba ngày tôi đưa bản nhạc Hang Be-lem tới Tòa soạn và tập sơ qua cho một số anh chị em trong Tòa soạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá nên ông Minh Châu mới thương lượng với tôi thế này: Ông sẽ trả chi phí cho người cầm bản nhạc lên Hà Nội để tìm Mạnh Quỳnh và thuê Mạnh Quỳnh khắc vào bản gỗ. Sau khi đã in 2000 số báo Đường Sống, ông Minh Châu sẽ cho tôi lại bản gỗ của bản nhạc. Tôi cũng đồng ý như vậy. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đã in ra 500 bản với giá 3 hào hay 3 xu gì đó. Tôi gởi lên Hà Nội 10 bản. Một số nhà thờ hát và nhiều người thấy hay nhưng không tìm đâu ra bản nhạc. Thật đúng tôi là một anh nhà quê! Đối với thủ đô Hà Nội mà chỉ có gởi 10 bản nhạc! Một điều rất đặc biệt là Cha Kim Định đã mua một bản danh dự với giá 100 đồng! Tôi cũng gửi biếu Đức Cha Phạm Ngọc Chi – lúc ấy còn là Linh mục và đang dạy ở trường Lý Đoán Phát Diệm – một bản. Bài Hang Be-lem đã ra đời như thế, và đã được chính tác giả điều khiển ca đoàn nhà thờ chính tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh năm 1945. Và đây cũng có thể xem là ca khúc quen thuộc nhất của bất cứ người công giáo nào khi lễ Giáng Sinh tới gần. Lời nhạc gần gũi và đậm nét dân dã của ca khúc đã nằm trong trí nhớ của hàng triệu giáo dân. Lời hát êm ái mà chân thật như một trang cổ tích kể lại đêm giáng trần của một em bé mà khi sinh ra, sự chí thánh đã làm khung cảnh lạnh lẽo chung quanh trở nên ấm áp vì tình thương của Ngài. Nhạc sĩ Hải Linh đã đem tâm tình của một con chiên để ngợi ca Thiên Chúa hơn là viết thánh ca từ tâm thức phụng vụ. Giai điệu chân thành, lời ca êm ái là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ các ca đoàn khắp trong và ngoài nước khi hát bài hát này. Trong tâm thức chia sẻ và ngợi khen hết mực đối với Thiên Chúa, ca khúc Hang Belem tôn vinh niềm tin vĩnh cửu, tình thương vô bờ và lấp lánh trần gian giữa khung cảnh lạnh lẽo của một đêm đông xa tít tắp trong kinh thánh đã trở thành kỷ niệm cho hàng ngàn nhà thờ trong và ngoài nước… Những câu hát khởi đi từ giữa thập niên 1940 của thế kỷ trước, vẫn còn vang vọng mỗi dịp mừng lễ Giáng sinh, từ trong các thánh đường Công giáo tại Việt Nam và theo chân đoàn con cái Chúa đi khắp những miền xa xôi trên thế giới, từ những đài phát thanh, đài truyền hình đến tận các tư gia. Ngày nay trên các tụ điểm sân khấu vang lên tưng bừng trong những đêm Noel. Không chỉ có thế nhà nhà đều mở nhạc Giáng Sinh và thể nào cũng có bài Hang Be-lem. Bài hát thật giản dị, dễ nhớ, đã đi sâu vào lòng người. Nhiều người thú nhận đó là bài thánh ca Giáng sinh đầu tiên và duy nhất mà họ thuộc nằm lòng và chắc chắn nó sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng những người Công giáo Việt Nam và trên toàn thế giới. Khi tập hát bài Hang Be-lem thầy đã hướng dẫn rất kỹ: - Chúa từ trời cao hạ xuống trần gian nên giai điệu sẽ trải từ trên xuống. - Thầy không chấp nhận hòa âm trong câu đầu tiên Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời.
Ai hòa âm 2, 3 hoặc 4 bè đều được thầy nhẹ nhàng “cám ơn” hết. - Chữ lẽo cao độ bằng chữ Chúa nhưng chữ lẽo có dấu ngã nên hát bằng 2 dấu cho nhẹ nhàng.
Nhiều người hát chữ Chúa thấp hơn chữ lẽo là không đúng. - Đàn hát (réo rắt tiếng hát), xướng ca (dư âm vang xa). Những réo rắt và dư âm đi liền nhau. - Người hỡi (hãy kíp bước tới), đến xem (nơi hang Be lem). Hãy kíp và nơi hang liền nhau. - Đây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta. Chữ giáng như trên đã nói: Chúa trên cao giáng xuống trần – nốt
Do xuống nốt La – đa số hát sai 2 nốt này toàn đá từ dưới lên!!! - Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Chữ giáng này chỉ hát 1 nốt và cao hơn chữ Chúa nửa
cung thì đa số lại hát chữ giáng này bằng 2 nốt và cũng đá từ dưới lên!! Giờ đây xin mời mọi người thử nghe lại bài
Hang Be-lem theo sự hướng dẫn của chính tác giả sẽ thấy hầu hết các ca sĩ hát thâu băng cassette trước giải phóng, hay bây giờ qua CD
đều sai chữ giáng. Đa số dùng 2 dấu và toàn đá lên chứ không luyến xuống. Có lẽ mọi người cho rằng bài hát quá quen, ai cũng thuộc,
nên chỉ cần hát cho rõ mà quên đi phần ý và cũng chẳng cần xem lại nốt nhạc của tác giả chăng? Hãy nghe Nguyễn Ánh 9, một nhạc sĩ đã có thâm niên 60 năm trong nghề tâm sự: Ca sĩ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp, chịu khó múa và lên sân khấu hát thì sau lưng có một
đám múa phụ họa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, chỉ để tâm đến kỹ thuật nhiều nên tình cảm cho bài hát không còn. Gần như mọi người không ai xa lạ với nhạc phẩm Hang Be-lem. Thế nhưng ai là tác giả của bài hát nổi tiếng đó,
người biết người không và cũng không ít người có thể trả lời được… Hiện nay mọi sân khấu trong những đêm Noël đều hát nhưng ít có
nơi giới thiệu tác giả là ai? Thậm chí còn giới thiệu sai tên bài hát cho đó là bài hát đêm đông… có lẽ vì mở đầu là chữ đêm đông chăng? Cho dù thời gian trôi qua mọi người bị cuốn theo trào lưu xem hang đá, nhất là những ngày cận Giáng sinh, tại
đường Phạm Thế Hiển gần cầu chữ Y. Suốt con đường này nhà nhà thi nhau làm hang đá từ trên lầu hai ba tầng trải dài xuống đất.
Tượng Chúa Hài Đồng to thiệt là to. Ông Già Noel lúc la lúc lắc. Đèn chớp đủ màu… Nhưng cuối cùng họ cũng dồn về thánh đường để
nghe những giai điệu ngọt ngào của Giáng sinh, tưởng nhớ mầu nhiệm Ngôi Hai giáng thế trong cảnh nghèo hèn và cùng hát bài Hang Be-lem
trước khi chia tay trong sự bình an của Chúa Hài Nhi. Hiện nay tác quyền những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Hải Linh
được hai con của thầy Hải Linh là Cecilia Tran và Joey Tran ủy cho cha Ngô Duy Linh và Ông Trần Mạnh Hùng. Trước khi mất
Cha Ngô Duy Linh muốn những gì thuộc quyền Ngài sẽ trở về cội (Giáo phận Bùi Chu). Ông Trần Mạnh Hùng cũng đã ủy thác cho Ủy
Ban Thánh Nhạc VN. Tập Thánh ca Hải Linh tưởng niệm 20 năm qua đời (1988-2008) của thầy đã chính thức phát hành. Đặc biệt trong đó ghi rõ những bài nào được dùng trong phụng vụ… Chúng ta rất mong những tác phẩm đạo cũng như đời của Ca Trưởng Hải Linh sẽ tiếp tục
được xuất bản trong một ngày gần đây.