ĐÊM ĐÔNG LẠNH LẼO CHÚA SINH RA ĐỜI
L ễ Giáng Sinh, còn được gọi là Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, Noël, Christmas hay Xmas là một ngày lễ kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thành Nazareth sinh ra đời của phần lớn người theo Thiên Chúa Giáo. Hài Nhi Giêsu được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của nước Do Thái, lúc bấy giờ đang dưới quyền thống trị của Đế quốc La Mã giữa năm 7 TCN và năm thứ 2.
Một số nước ăn mừng vào ngày 25 tháng 12, một số nước lại vào tối ngày 24 tháng 12. Theo Công giáo Rôma, lễ chính thức là ngày 25 tháng 12 còn gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là “lễ vọng”. Dù vậy, lễ đêm 24 tháng 12 thường thu hút tín đồ tham dự nhiều hơn. Những người theo Chính Thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Julius cho ngày này, nên họ tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.
Ý nghĩa chữ Christmas:
Chữ Christmas gồm có chữ Christ và Mas.
Chữ Christ (Đấng chịu xức dầu) là tước vị của Đức Giêsu.
Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (thánh lễ).
Christmas có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ, tức là ngày lễ Giáng Sinh của Đức Giêsu.
Chữ Christmas và Xmas đều có cùng một ý nghĩa như nhau. Vì chữ Hy lạp viết chữ Christ là Christos, Xpiơtós hay Xristos. Người ta dùng phụ âm X để tượng trưng cho nguyên chữ Xristos hay Xpiơtós, rồi thêm chữ Mas kế cận để thành chữ Xmas. Như vậy Xmas cũng có nghĩa là ngày lễ của đấng Christ.
Năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine từ bỏ đa thần giáo và theo Cơ đốc giáo. Ông này đã hủy bỏ ngày lễ ăn mừng “Thần Mặt trời” và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật của Đức Giêsu. Đến năm 354, Giáo hoàng Liberius công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng Sinh của Đức Giêsu. Trong nhiều thế kỷ, những nhà ghi chép Ki-tô giáo chấp nhận Giáng Sinh là ngày Giêsu được sinh ra đời.
Biểu tượng Giáng Sinh và ý nghĩa
Hang đá: thường là vào mùa Giáng Sinh, một máng cỏ được đặt trong hang đá (hay gỗ) - được dựng lên trong nhà hay ngoài trời - với các hình tượng Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, xung quanh là các thiên sứ, mục đồng cùng các gia súc như bò, lừa để kể lại sự tích Chúa ra đời trong máng cỏ.
Cây Giáng sinh: là cây xanh - thường là cây thông - được trang hoàng để trình bày trong dịp lễ Giáng Sinh theo phong tục của người Ki-tô giáo.
Thiệp Giáng sinh: Vào Noël năm 1843, Horsley trình làng tấm thiệp đầu tiên trên thế giới tại London, nó đã nhanh chóng bùng phát và trở thành mốt thịnh hành ở Anh. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức và tới 30 năm sau người Mỹ mới chấp nhận nó.
Quà Giáng sinh: đó là những món quà biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bạn bè. Đối với một số người, những món quà Giáng Sinh còn có một ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc. Đó là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu, món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.
Ngôi sao Giáng Sinh: Ngôi sao 5 cánh thường xuất hiện rưc rỡ đủ màu sắc trong mùa Giáng Sinh. Một ngôi sao to lớn được treo ở chỗ cao nhất của tháp chuông nhà thờ. Từ đó căng dây ra bốn phía, có nhiều ngôi sao nhỏ, treo đèn lồng và kết hoa rất đẹp mắt.
Ông già Noël:
Nguồn gốc của từ “ông già Noël” (Santa Claus) hay Thánh Nicholas bắt đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ thứ IV. Từ lúc còn nhỏ thánh nhân đã là một người rất ngoan đạo và hiến cả cuộc đời của mình cho lý tưởng theo Chúa. Người Hà Lan phát âm từ St. Nicholas thành Sint Nicholaas, sau đó nói chệch thành Sinterklaas và cuối cùng được những người theo giáo phái Anh đọc thành Santa Claus.
Ông già Noël thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông Giáng Sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc tất.
Bộ quần áo đỏ của ông già Noël đã ra đời như một huyền thoại, nhưng đến mấy mươi năm sau, thì bộ trang phục đỏ gắn liền với huyền thoại ấy mới có. Còn bây giờ, hãy tự tin mà bảo với với mọi người rằng: “Ông già Noël trên xe trượt tuyết với hai con tuần lộc là hoàn toàn có thật”.
Bữa ăn Réveillon: tại Alsace, Pháp, bữa ăn này phải gồm có tam hành là thủy (cá chép, con hàu), không khí (gà tây hay ngỗng) và mộc (thịt heo). Tập tục ăn gà tây có từ thời Colombus phát hiện Châu Mỹ (Gà tây giống trang phục của nước Turkey nên thủy thủ gọi là Turkey).
Hai bài hát Giáng Sinh nổi tiếng thế giới của Mỹ:
1.“Jingle Bells” với lời bài hát đậm tính dân dã mộc mạc, diễn tả tâm hồn của người dân Mỹ hướng đến một mùa tuyết rơi thật tốt lành. Hình ảnh ông Noël với túi quà đồ chơi, ngồi trên xe tuần lộc với tiếng chuông leng keng diễn tả sinh động, quyến rũ làm cho người ta thích nghêu ngao, nó vô tình trở thành bài hát Giáng Sinh. Bài Jingle Bells (Tiếng chuông ngân) được sáng tác vào năm 1840 với tên gọi “One Horse Open Sleigh”. Tác giả của bài hát là James S.Pierpont, một cư dân Boston, tiểu bang MA, rất có năng khiếu về âm nhạc. Ban đầu, bài hát được sáng tác cho ngày lễ Tạ Ơn, nhưng đã bị nhầm thành nhạc Gíáng Sinh do được trình diễn lại thành công đêm Gíáng Sinh vào lúc mới sáng tác
2.“Feliz Navidad” là một bài hát dịp lễ Giáng Sinh do nhạc sĩ kiêm ca sĩ José Feliciano, người Puerto Rico (là một vùng quốc hải thuộc chủ quyền của Hoa Kỳ) sáng tác năm 1970. Bằng những đoạn tiếng Tây Ban Nha đơn giản (lời chúc mừng Giáng sinh, Năm mới truyền thống, “Feliz Navidad, próspero año y felicidad” hay “Merry Christmas, and a happy New Year” và một điệp khúc bằng tiếng Anh “I wanna wish you a Merry Christmas from the bottom of my heart”, bài hát đã trở thành một bản nhạc pop phổ biến ở Mỹ, Canada và trên toàn các nước nói tiếng Tây Ban Nha.
Lễ Giáng Sinh ở Mỹ
Từ sau Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), người Mỹ đã chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, người Kitô giáo chuẩn bị theo tôn giáo mình. Người làm thương mại thì buôn bán kỷ vật cho ngày lễ.
Tại Mỹ, lễ Giáng Sinh được kỷ niệm theo nhiều cách, mỗi cách phản ánh một truyền thống riêng. Những đứa trẻ của đảo Hawaii tin rằng ông già Noël đến từ một chiếc thuyền. Những đứa trẻ ở Alaska mang theo những ngôi sao rất lớn trong khi chúng vừa đi vừa hát mừng Noël. Ở New Mexico các gia đình trang trí những ngôi sao và đèn lồng giấy ở bên ngoài ngôi nhà của mình, còn ở Texas và Mexican - American những đứa trẻ tham gia vào lễ hội Posadas giống như được tổ chức ở Mexico.
Mỹ là một quốc gia đa dạng về văn hóa và chủng tộc vì vậy lễ Giáng Sinh cũng được tổ chức hết sức phong phú. Nhưng vì phần lớn người nước này theo đạo Tin lành và Công giáo, nên tinh thần mừng lễ Giáng Sinh cũng gần với đạo hơn, thường nhà nào cũng có cây thông Giáng Sinh, chung quanh trang trí bằng đèn điện màu sắc, dưới gốc cây là các gói quà cho mọi người trong gia đình, các gói quà này sẽ được trao đổi nhau và mở ra sau bữa ăn mừng Giáng Sinh ban đêm, nói lên những lời chúc tốt đẹp nhất cho Giáng Sinh và năm mới.
LỜI KẾT
Lễ Giáng Sinh - thời điểm mà niềm vui, hy vọng, thiện chí và tình thân ái tràn trề ở mỗi con người. Giáng Sinh đang tới gần, không khí Giáng Sinh đang ngập tràn khắp muôn nơi. Mừng Giáng Sinh đã trở thành ngày lễ phổ biến ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, song mỗi nơi lại có một phong tục đón Giáng Sinh khác nhau, mang những nét văn hóa đặc trưng.
Ngày nay, ở Việt Nam, Giáng Sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Trong những ngày này, cây thông Noël được trang trí ở nhiều nơi bằng cây thật hay thông nhân tạo làm bằng nhựa. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây...
Lễ Giáng Sinh là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của Ông già Noël, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc.
Một mùa Giáng Sinh nữa lại về, không khí Giáng Sinh đang tràn ngập khắp nhân gian, trên khắp phố phường, trong từng con ngõ nhỏ, trong mỗi ngôi nhà xinh xắn và trong trái tim của mỗi sinh linh. Tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng ca lên bài Thánh ca để cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất cho một mùa Giáng Sinh an lành và hạnh phúc…
Bài hát Hang Bê Lem được sáng tác năm 1945 tại Nam Định, là một ca khúc Giáng Sinh tiếng Việt quen thuộc, ngợi khen Chúa Giêsu sinh ra tại Bê Lem. Ca khúc này do nhạc sĩ Phanxicô Hải Linh sáng tác và đây cũng có thể xem là ca khúc rất được phổ biến trong các thánh lễ Giáng Sinh ở Việt Nam.
Bài hát Hang Bê Lem - sáng tác: Hải Linh
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa.
Trong hang Bê Lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng
Đàn hát réo rắt tiếng hát, xướng ca dư âm vang xa.
Đây Chúa thiên tòa Giáng Sinh vì ta.
Người hỡi hãy kịp bước tới, đến xem nơi hang Bê Lem
Ôi Chúa Giáng Sinh khó khăn thấp hèn.
Nửa đêm mừng Chúa Giáng Sinh ra chốn nhân trần
Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang Bê Lem thiên thần xướng ca
Thiên Chúa vinh danh chúng dân an hòa
Ngày nay Thiên Chúa Giáng Sinh ra chốn gian trần
Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang Bê Lem chiên lừa thở hơi
Tan giá đêm đông ấm thân con người.
(Tham khảo: Sách báo – Internet)