Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









DƯƠNG QUÍ PHI

Người Đẹp Làm Nghiêng Ngửa Nhà Đường







D ương Qúy phi tên thật là Dương Ngọc Hoàn , người Hoa Âm , nay thuộc tỉnh Hà Nam, sau dời đến huyện Vĩnh Lạc, thuộc Bồ Châu, nay là tỉnh Sơn Tây, cha làm Thục châu Tư hộ. Nàng sinh ở đất Thục , cha mẹ mất sớm , ở với chú là Lập Khuê (1), có lần bị ngã xuống hồ, về sau người ta gọi hồ ấy là hồ Lạc phi (hồ bà phi ngă) . Đến tuổi dậy thì, nàng đẹp rực rỡ , đẹp lộng lẫy , thật là khuynh quốc khuynh thành , tuyệt thế giai nhân :

Xuân chớm song ngoài, hoa nở cả ,
Ửng hồng e lệ với Đông quân .
Hải đường hoa ngủ còn chưa dậy
Vì cả trong lòng chan chứa xuân .

( J. Leiba -Cảm đề Dương Qúy phi)

Năm Khai Nguyên thứ 22 (734) dưới triều Đường Minh Hoàng ( tức vua Huyền Tông - Lý Long Cơ ) nàng được tuyển vào cung làm vương phi của Thọ vương Lý Mạo , con trai của Đường Minh Hoàng . Chẳng may người ái phi của Đường Minh Hoàng là Vũ Huệ phi qua đời , vua thương nhớ lắm mà trong hơn ba ngàn cung nữ không ai có thể làm cho vua khuây khoả được nỗi buồn .

Năm Khai Nguyên thứ 28 (740) nghe đồn Thọ vương phi nhan sắc khác thường , Đường Minh Hoàng bèn sai Cao Lực Sĩ sang cung Thọ vương đoạt nàng về . Để tránh tiếng cha cướp vợ của con, Đường Minh Hoàng đã làm một đường vòng. Trước hết, ông bắt Ngọc Hoàn làm đạo sĩ, lấy hiệu là Thái Chân, một thời gian sau mới đưa nàng vào cung, phong làm Quý phi.

Nàng chẳng những tuyệt đẹp , tư chất thông tuệ , lại còn biết làm thơ, giỏi âm nhạc và ca múa nên nhanh chóng chiếm được ̣lòng yêu của đấng quân vương . Nàng được sủng ái nhất trong cung , vua yêu nàng hơn hết thảy mọi vật qúi trên đời nên thường nói với quần thần rằng : ”Trẫm được Qúy phi như được viên ngọc qúi vậy “ . Thật là: :

Ba nghìn cung nữ bao người
Mà lòng yêu dấu riêng nơi một nàng .


(Bạch Cư Dị - Trường hận ca )

Còn ngoài dân gian thì có bài “Dương thị dao” :

Làm trai chẳng được phong hầu,
Phi tần làm gái lại giàu lại sang.

Vào thời Vãn Đường , Lý Thương Ẩn rất ghét hành vi loạn luân của Đường Minh Hoàng ( cha cướp vợ của con ) nên làm bài thơ “ Long Trì ” để châm biếm :

Long Trì ban rượu mở bình phong ,
Tiếng trống vang lên, tiếng nhạc ngừng .
Đêm khuya khắc lậu triền miên nhỏ ,
Tiết đã say vùi,Thọ thức chong .(2)

( Bích Hải dịch )

Nhan sắc kiều mị của Dương Qúy phi đã làm tốn biết bao giấy mực . Thi hào Lý Bạch đã làm ba bài “ Thanh bình điệu “ để ca tụng nhan sắc của nàng :

Thoáng bóng mây hoa , nhớ bóng hồng ,
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong .
Ví chăng non Ngọc không nhìn thấy ,
Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông .

( Bài I – Ngô Tất Tố dịch )

Lý Bạch có ngờ đâu bài “ Thanh bình điệu “ lại gây hoạ cho mình . Nguyên Cao Lực Sĩ không ưa Lý Bạch ( vì có lần Lý Bạch bắt hắn tháo giày trước mặt vua ) nên tìm cách báo thù . Nhân trong bài II có câu : ”Khả liên Phi Yến ỷ tân trang “ (Thương cho Phi Yến phải cậy vào trang sức) , Cao Lực Sĩ bèn xuyên tạc, nói với Dương Qúy phi rằng Lý Bạch có ý khinh thường nàng khi ví nàng với Triệu Phi Yến , ái phi của vua Thành đế nhà Tây Hán, đă từng tư thông với Xích Phượng . Một lần vua vào cung Chiêu Dương bắt được Xích Phượng đang trốn trong tủ áo bèn đem giết ngay trước mặt Triệu Phi Yến . Bấy giờ Dương Qúy phi đang dan díu với An Lộc Sơn nên chột dạ bèn tâu với Đường Minh Hoàng rằng Lý Bạch kiêu ngạo, không chịu giữ lễ của kẻ nhân thần nên vua lạnh nhạt với Bạch , thế là Bạch phải ra đi .

Trong bài “ Trường hận Ca “ thi hào Bạch Cư Dị cũng đă ca tụng nhan sắc của Dương Qúy phi :

Một cười trăm vẻ thiên nhiên ,
Sáu cung nhan sắc thua hờn phấn son .

Lúc mới vào cung , Dương Qúy phi hay ghen, nói lời xúc phạm khiến Đường Minh Hoàng nổi giận, sai lấy xe trả nàng về nhà , nhưng rồi vua nhớ quá , sai Cao Lực Sĩ đến thăm , Dương Qúy phi cắt tóc gởi dâng vua . Vua trông thấy tóc thương quá , lại vời nàng vào cung . Đoàn Phú Tứ xúc động vì chuyện này nên đã viết :

Tóc mây một món , chiếc dao vàng ,
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương .
Trăm năm tình cũ lìa không hận ,
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng .

( Màu Thời Gian )

Năm Thiên Bảo thứ 10 (751) , giữa đêm thất tịch ( mồng 7 tháng 7 âm lịch ) vua cùng Qúy phi ngồi hóng mát ở điện Trường Sinh , vua nhắc chuyện Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm chỉ được gặp nhau có một lần, sao bằng ta luôn gần gũi bên nhau thì Qúy phi buồn rầu nói :

- Chúng ta tụ họp chỉ có chừng thôi , không như hai sao trên trời cùng nhau mãi mãi .

Vua cảm động nói :
- Hai ta nghĩa sâu tình nặng , nỡ nào xa nhau . Vậy hãy thề rằng :

Ở trên trời nguyện làm chim liền cánh,
Ở dưới đất nguyện làm cây liền cành.


(Tại thiên nguyện tác tị dực điểu,
Tại địa nguyện vi liên lý chi).

Thề xong, hai người cùng vui vẻ.

Từ khi say đắm Dương Qúy phi , Đường Minh Hoàng chiều chuộng nàng rất mực . Ở núi Ly Sơn (tỉnh Thiểm Tây) có một suối nước nóng, nhiệt độ trung bình 43 độ. Năm 644, dưới đời vua Đường Thái tông, nơi đây được xây dựng thành Ôn Tuyền cung (cung suối nước nóng). Năm 747 vua Huyền tông sai xây dựng , sửa chữa Ôn Tuyền cung và đổi tên là Hoa Thanh cung . Mỗi năm, cứ đến muà đông , Đường Minh Hoàng lại đem ái phi của mình đến nghỉ ở đấy và nhà vua lấy làm vui thú khi thấy nàng thích tắm ở suối nước nóng này .

Ao Hoa Thanh gặp chiều xuân lạnh ,
Rửa ngọc ngà tắm cảnh Ôn Tuyền .
Con hầu nâng đỡ khôn lên ,
Ấy là buổi được ơn trên yêu dùng .

(Bạch Cư Dị - Trường hận ca )

Biết Dương Qúy phi rất thích ăn trái vải ( lệ chi ) mà vải ở miền Bắc không ngon bằng ở miền Nam, nên cứ đến mùa vải là Đường Minh Hoàng sai quân vào lấy . Ở Huệ Châu cách Quảng Đông khoảng 100 cây số , có thứ vải ngon mà Qúy phi rất thích đến nỗi mong ngóng từng ngày , khi thấy bụi bay theo chân chàng kỵ sĩ thì phi tử nở nụ cười khoan khoái :

Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu ,
Vô nhân tri thị lệ chi lai .

( Đỗ Mục )

Tương Như dịch :

Bụi hồng ngựa ruổi, phi cười nụ,
Vải tiến mang về, ai biết đâu.

Việc đi lấy vải về để làm vui lòng mỹ nhân đã khiến bao người phải vất vả phi ngựa suốt ngày đêm bất kể thời tiết để cho vải khỏi hư thối và nhiều người chết vi ngã hang sa hố nên Tô Đông Pha (1037-1101) đời Tống đã làm bài thơ “ Lệ chi thán “ (Lời than về quả vải) để trách Đường Minh Hoàng :

Mười dặm một trạm, chạy tung bụi ,
Năm dặm một chòi, lính giục vội .
Ngã hang , sa hố chết chồng nhau ,
Để cho vải quý được mang tới .
… Người đẹp trong cung một tiếng cười ,
Nghìn năm máu bụi còn tung mãi .

( Hoàng Tạo dịch )

Vì Dương Qúy phi rất được vua yêu nên anh họ của nàng là Dương Quốc Trung được phong làm tướng , rồi tể tướng, ba chị em gái của nàng được phong làm Hàn quốc phu nhân, Quắc quốc phu nhân, Tần quốc phu nhân, bà con họ hàng của nàng nhiều người được cắt đất phong quan , ân sủng không bút nào tả xiết , đến nỗi người dân Trung Hoa thời ấy thích sinh con gái hơn là con trai, làm đảo lộn cả phong tục cũ :

Khiến nên nỗi thói thường cha mẹ ,
Trọng gái hơn, chẳng kể sinh trai .

(Bạch Cư Dị - Trường hận ca )

Bấy giờ Đường Minh Hoàng đã lớn tuổi , lại say đắm Dương Qúy phi nên giao hết việc triều chính cho Lý Lâm Phủ , nhà vua ít khi ra thị triều . Nhưng tình yêu và sự chiều chuộng của vua vẫn không làm cho nàng thỏa mãn , bèn tìm cách dan díu với An Lộc Sơn. Lộc Sơn nguyên là người Hồ , được Đường Minh Hoàng tin yêu và trọng dụng , cho giữ chức Tiết độ sứ ba trấn ́Bình Lư , Phạm Dương và Hà Đông , trong tay có 20 vạn quân, thế lực rất mạnh . Dương Qúy phi xin Đường Minh Hoàng cho nàng nhận An Lộc Sơn làm con nuôi dù tuổi mẹ và tuổi con suýt soát nhau. An Lộc Sơn nhân đấy ra vào cung cấm rất tự do , tha hồ tư thông với Dương Qúy phi .

Năm 755 , An Lộc Sơn khởi loạn, kéo quân về Nam, đánh chiếm Hà Bắc, Hà Nam, hãm thành Lạc Dương , tự xưng là Yên Đế rồi kéo quân về Trường An , thề quyết chiếm cho kỳ được Dương Qúy phi , nhưng Đường Minh Hoàng đã đem nàng chạy vào đất Thục . Đến Mã Ngôi (3) , ba quân nổi giận , không chịu đi tiếp , bàn nhau giết bọn Dương Quốc Trung và ép vua thắt cổ Dương Qúy phi vì cho rằng chính anh em nàng là nguyên nhân của mối loạn này .

Vua nghe nói, rụng rời tay chân , ra năn nỉ ba quân tha chết cho Dương Quý phi. Quân sĩ tung hô vạn tuế nhưng vẫn cứ đứng im , không chịu đi tiếp . Cao Lực Sĩ và tướng Trần Huyền Lễ phải hết sức khuyên vua nên dẹp bỏ tình riêng để chiều lòng ba quân , bằng không , giặc đuổi đến đây thì khó lòng toàn mạng . Vua đành chịu , chỉ đứng yên mà khóc . Cao Lực Sĩ đưa Qúy phi vào một ngôi chùa, chờ cho nàng lễ xong mới sai quân thắt cổ nàng trên một cành liễu trước sân chùa . Bấy giờ nàng mới 37 tuổi (719-756).

Dương Qúy phi tuy có tội làm nghiêng ngửa nhà Đường nhưng tài sắc của nàng và cái chết trẻ của giai nhân cũng làm cho người đương thời và đời sau thương tiếc . Thi hào Đỗ Phủ (712-770) , người sống cùng thời với Dương Quý phi đă làm bài thơ “ Ai giang đầu “để tỏ lòng tiếc thương nàng :

Đời nhan sắc nay đà oan thác ,
Máu đào rơi, hồn lạc về đâu ?
Sông Vị thẳm , núi Gươm sâu ,
Đường kia, ngã ấy , dễ hầu thông tin .

( Ngô Tất Tố dịch )

Sách “ Đỗ thi kính thuyên “ chép rằng :“ Khi An Lộc Sơn chiếm thành Trường An, Đường Minh Hoàng phải chạy vào đất Thục , Dương Quý phi phải thắt cổ ở trạm Mã Ngôi, Đỗ Phủ trốn đi không kịp , bị nghẽn trong đám quân giặc. Nhân lúc đi qua Khúc giang (sông Khúc) là nơi Minh Hoàng và Qúy phi hay ra chơi, trông thấy quang cảnh hiu quạnh, ông có ý cảm động, thương vua và nàng mới làm bài thơ này .”

Lý Thương Ẩn (813-858) cũng sống dưới đời Đường , nhưng sau Đường Minh Hoàng và Dương Qúy phi hơn nửa thế kỷ , làm bài thơ “ Mã Ngôi “ tỏ ý thương tiếc Dương Quý phi nhưng lại chê Đường Minh Hoàng có người đẹp mà không bảo vệ nổi :

Buổi ấy sáu quân đều buộc ngựa ,
Bấy giờ thất tịch cợt Khiên Ngưu .
Bốn mươi năm lẻ làm Thiên tử ,
Mà kém chàng Lư có Mạc Sầu (4).

( Trần Trọng San dịch )

Ôn Đình Quân (813-870) sống cùng thời với Lý Thương Ẩn làm bài thơ “ Quá Mã Ngôi Dịch “ ( Qua trạm Mã Ngôi ) cũng tiếc thương Dương Quý phi chết thảm một mình . Chiến tranh qua rồi , xe vua vẫn trở về điện Trường Lạc , tiếng chuông sớm ở lầu Cảnh Dương vẫn ngân nga , nhưng vua và Quý phi không thể nào còn gặp nhau trong cung Cam Tuyền được nữa . Trong cung, mọi việc vẫn như xưa , chỉ thiếu có một người !

Xe ngự hương về Trường Lạc điện ,
Tiếng chuông sớm xuống Cảnh Dương lâu .
Cam Tuyền chẳng gặp nhau lần nữa ,
Ai nói Văn thành là cố hầu ? (5)

( Trần Trọng San dịch )

Sang đến đời Tống , Lý Cấu (1009-1059) viết bài " Độc trường hận từ " ( Đọc bài trường hận ) tỏ ý trách Đường Minh Hoàng. Trong bài " Trường hận ca " của Bạch Cư Dị có đoạn tả nỗi đau xót của Đường Minh Hoàng sau khi Dương Quý phi chết , trong lúc đó quân sĩ có nhiều người chết trận mà lòng vua chẳng chút xót thương :

Đêm mưa vào Thục tựa lên trời ,
Chuông rộn càng xui hạt lệ rơi .
Thưở ấy trong quân bao kẻ chết ,
Lòng vua sao chẳng chút thương ai ?

( Hoàng Tạo dịch )

Ở Việt Nam , nhà thơ Ngô Thì Sĩ (1726-1780) sống dưới thời Lê Trịnh đã viết trong " Anh Ngôn thi tập " bài thơ " Minh Hoàng ức Quý phi " ( Minh Hoàng nhớ Quý phi ) chứa chan tình cảm và mênh mang nỗi buồn thương luyến tiếc :

Thái Dịch (6) trăng xưa tròn lại khuyết ,
Mã Ngôi gió cũ vẫn đi về .
Nhớ nhau mượn giấc Trầm hương mộng ,(7)
Những tưởng tiêu phòng vẫn Quý phi .

Gió gió mưa mưa hoa Thượng uyển
Mã Ngôi phương thảo những âu sầu .
Khúc Nghê thường đó , người đâu vắng ?
Ân ái may từng đă có nhau .

( Băng Thanh dịch )

Chuyện cũ đã hơn nghìn năm, nhưng mỗi khi nhắc đến vẫn còn làm cho người đời sau thương cảm./.

(1) Có sách ghi người chú của Dương Ngọc Hoàn tên là Huyền Ngao.
(2)Trong bữa tiệc ở dinh Long Trì do Đường Minh Hoàng khoản đãi các hoàng thân,Thọ vương Lý Mạo gặp lại vợ cũ ( Dương Ngọc Hoàn ) bây giờ đã trở thành kế mẫu (Dương Quý phi). Tiết vương là em con chú của Thọ vương . V́ì Tiết vương không có điều gì ray rứt nên tan tiệc là ngủ say , còn Thọ vương mất vợ, đau đớn tủi nhục nên suốt đêm không ngủ được .
(3) Mã Ngôi : Ở phiá tây huyện Hưng Bình , tỉnh Thiểm Tây .
(4) Mạc Sầu : nàng mỹ nữ ở Lạc Dương , 15 tuổi về làm vợ nhà họ Lư , 16 tuổi sinh con trai đặt là A Hầu . Vợ chồng sống rất hạnh phúc , ý nói vua Đường Minh Hoàng còn kém xa chàng họ Lư, không giữ nổi vợ.
(5) Văn thành là danh hiệu của tướng quân ; cố hầu là tước hầu thời trước. Câu này có ý nói tướng Trần Huyền Lễ bị vua Đường Túc Tông (con của Đường Minh Hoàng) cho về nghỉ hưu khi Đường Minh Hoàng phải dời từ cung Hưng Khánh vào ở trong Tây nội năm 760 (chú thích của Trần Trọng San) .
(6) Thái Dịch : một cái hồ trong cung vua .
(7) Đình Trầm Hương là nơi vua và Qúy phi xem hoa nở .



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn.