Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

SCHILLER và GOETHE









SCHILLER và GOETHE





  
        

T rung tâm của Văn học cổ điển Đức là Weimar, nơi hai đại văn hào Goethe và Schiller sống. Văn học Đức 1786-1832 là giai đọan đạt tới đỉnh cao nhất trong lịch sử văn học Đức với tác phẩm Wilhelm Tell của Schiller và với tác phẩm Faust của Goethe. Hai đại văn hào Goethe và Schiller đã đưa văn học Đức vượt khỏi khuôn khổ của “văn học tỉnh lẻ” , bằng những sáng tác của mình họ đã đưa văn học Đức trở thành một bộ phận của Văn học thế giới.

Friedrich Schiller,
nhà văn của văn học Bão táp và Xung kích

Friedrich Schiller sinh ngày 10.11.1759 ở thị trấn Marbach thuộc công quốc Wũrttemberg của Đức. Cha làm trong quân y. Cậu bé Friedrich học chữ ở Ludwigsburg. 1773, theo lệnh của công tước Karl Eugen , Schiller phải theo học Trường quân sự (Trương thiếu sinh quân) ở Stuttgart, rồi học ngành Luật, sau đó lại chuyển sang ngành Y. 1780 , Schiller trở thành bác sĩ của Trung đòan. Tuy sống bảy năm trong kỷ luật sắt của con nhà binh, thư từ bị kiểm sóat gắt gao, không được về thăm gia đình trong suốt thời gian học ở Trường, nhưng Shakespeare và Rousseau mới là những người có ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan và đam mê sáng tác văn chương của Schiller. Nhà trường chỉ để lại những ký ức không bao giờ phai trong tâm tưởng của ông. Vở kịch Otelo của Shakespeare đã thức tỉnh tài năng sáng tác kịch của Schiller. Ông thấy, kịch tính ở trong kịch của Shakespeare phát triển theo lô gích và hợp lý. Và đó mới là điều ông muốn học hỏi. Những sáng tác có tiếng vang lớn của Schiller trong văn học Bão táp và Xung kích là vở kịch *Những tên cướp (1781- công diễn năm 1782 ở Mannheim) và vở kịch Âm mưu và Ái tình (1784).

Những tên cướp

Vở kịch “Những tên cướp” được công diễn lần đầu ngày 13.1.1782 ở Mannheim và có tiếng vang lớn trong đời sống sân khấu Đức thời bấy giờ, vì nhân vật Karl Moor của Schiller dám nói lên yêu cầu cấp bách của thời đại, phản ánh một hệ tư tưởng mới “ tràn ngập tinh thần bướng bỉnh và nổi lọan nhằm chống lại tòan bộ xã hội đương thời” (Ăng ghen).
Để xây dựng hình thượng thanh niên nổi lọan theo tinh thần của Trào lưu Bão táp và Xung kích, Schiller xử dụng Mô típ rất thịnh hành trong văn học thế giới thế kỷ XVIII : Gã kẻ cướp cao qúy .
Karl Moor và Franz Moor là hai anh em ruột, nhưng cá tính lại trái ngược nhau, đây là một chất liệu quen thuộc trong các tác phẩm thời bấy giờ: Karl tính tình phóng khóang, sôi nổi và thẳng thắn, Franz thì thâm hiểm, ti tiện và gian ác. Schiller đã biết khai thác thành công chất liệu quen thuộc (xung đột trong gia đình) và nâng nó lên thành hiện tượng trong xã hội. Anh em Karl và Franz thù nghịch nhau, nhưng đồng thời cả hai cũng chính là hai lực lượng xã hội đối kháng. Karl Moor do bất bình với xã hội nên đã cùng một số bạn bè từ bỏ Trường đại học vào trong rừng làm cướp, lấy của người giầu chia cho người nghèo với ý định” cầm đầu một đội quân …, nước Đức sẽ trở thành một nước Cộng hòa mà so sánh với nó thì La Mã và Xpacta sẽ chỉ là những tu viện mà thôi.” Ngược lại với Karl Moor, Franz Moor có giọng của kẻ thống trị, tiêu biểu cho bạo quyền. Hắn nói: “ Trong khu vực ta cai trị , khoai tây và nước bia lõang phải được coi là những món ăn sang trong những dịp lễ hội. Liệu hồn cho những đứa nào có bộ mặt hồng hào mà ta bắt gặp ! Ta chỉ ưa màu xanh tái của đói nghèo và sự sợ hãi khép nép.”

* Những tên cướp, Tất Thắng và Nguyễn Đình Nghi dịch, Đình Quang giới thiệu, NXB Văn học, 1983

Vào thời đó trật tự phong kiến còn vững mạnh, nên việc muốn tái lập lại công lý của Karl Moor chỉ là việc làm của kẻ độc hành, không thể trở thành hiện thực được.
Kịch “Những tên cướp “ không theo qui tắc Tam nhất, Schiller cho thời gian kéo dài hai năm, địa điểm hành động luôn luôn thay đổi. Nhân vật chính không phải từ tầng lớp qúi tộc, mà là nhân vật đại diện cho tầng lớp người nghèo khổ- cho đẳng cấp thứ ba trong xã hội. Ngôn từ trong vở kịch là ngôn từ của người bình dân.Kịch viết bằng văn xuôi nên rất phù hợp với nội dung cốt truyện.

Âm mưu và Ái tình

Vở kịch “ * Âm mưu và Ái tình “ là vở bi kịch hay nhất của Schiller ở Văn học Bão táp và Xung kích. Vở kịch được công diễn ngày 13.4.1784 ở Mannheim và gặt hái được thành công còn lớn hơn vở kịch Những tên cướp. Âm mưu và Ái tình là vở kịch tố cáo sự thối nát của chế độ phong kiến quyết liệt nhất của Văn học Bão táp và Xung kích, nó là vở kịch Đức đầu tiên mang khuynh hướng chính trị . Nhân vật chính trong kịch là Ferdinand- con trai tể tướng von Walter – và Luise – con gái nhạc công Miller. Đây là một mối tình “ không môn đăng hộ đối” bởi sự khác biệt về đẳng cấp trong xã hội phong kiến: qúi tộc và thị dân(đẳng cấp thứ ba). Bất chấp mọi trở ngại, Ferdinand và Luise vẫn yêu nhau say đắm với quyết tâm lấy nhau. Trong khi con rung động trái tim vì tình yêu thì cha chỉ nghĩ tới tiền tài danh vọng và địa vị. Để lên được Tể tướng, Von Walter đã mưu giết thành công viên Tể tướng cũ. Giờ hắn lại muốn củng cố địa vị của mình bằng việc ép con trai- thiếu tá Ferdinand- lấy người Lady Milford-người tình mà công tước đã bỏ rơi.
Mâu thuẫn –kịch tính- lên tới đỉnh cao khi cả hai đều khăng khăng giữ và bảo vệ quan điểm của mình : con dọa sẽ tố giác tội giết người của cha. Cha đành hòa hõan với con, nhưng thư ký Wurm đã bày mưu ma chước qủy cho Tể tướng : bắt giam bố mẹ Luise mà chẳng cần biết họ thực sự có tội hay không. Luise thương xót bố mẹ sống trong cảnh giam cầm nên nhắm mắt viết lá thư tình cho Thị vệ trưởng Von Kalb với hy vọng Wurm sẽ tìm cách thả bố mẹ cô, nhưng Wurm là kẻ nham hiểm, hắn dùng ngay lá thư đó để ly gián cặp tình nhân Ferdinand-Luise. Wurm bố trí để lá thơ tình của Luise cho viên Thị vệ rơi vào tay Fredinand-người yêu của Luise. Đọc xong thơ thì mối nghi ngờ nơi Ferdinand cũng hình thành. Chàng gặng hỏi Luise để cho rõ ngọn ngành, nhưng vì đã hứa với tên thư ký Wurm là không cho ai biết sự thật về lá thư đó nên Luise đành phải im lặng. Im lặng này làm cho nghi ngờ về sự phản bội tình yêu của Luise lên đến tột cùng. Ferdinand đành phải lấy cái chết chứng minh cho tình yêu của mình với Luise (đây cũng là kết cục muôn thưở của những cặp tình nhân không đến được với nhau ở trần thế, họ hy vọng sẽ gặp nhau nơi thế giới bên kia). Bi kịch xảy ra, nhưng trước khi cả hai cùng chết , họ nhận ra mình đã nhầm, nhận ra mình đã bị mắc mưu kẻ khác. Xúc động nhất là khi Luise đã ngấm thuốc độc, nàng mới nói rõ sự thật. Sự thật muộn màng ấy chẳng cứu được ai, nhưng nó như lời cảnh tỉnh những người còn sống và những kẻ gây nên bi kịch đó.
Trong ngôn ngữ Đức thì chính tên nhân vật đã nói lên phần nào cá tính của mình, như Wurm có nghĩa là giòi bọ, Kalb là con bê. Ở Việt Nam người ta gọi chức thư ký của Wurm ở thời phong kiến là Hộ lại.Nói về hạng người này, ở Việt Nam có câu: "Một đời làm lại hại mười đời". Lời nhận xét của nhạc công Miller : “ Người đâu mà lập lờ kinh tởm… Cặp mắt nó sao mà lấm la lấm lét” vẽ đúng chân dung của kẻ bầy tôi nham hiểm, hại đời.

* Vở kịch Âm mưu và Ái tình do Tất Thắng và Nguyễn Đình Nghi dịch, Đình Quang giới thiệu, in trong tập Những tên cướp, NXB Văn học, Hà Nội, 1983

Friedrich Schiller,
nhà văn của Văn học cổ điển

Năm 1787, Schiller tới Weimar và ở lại đây sống và sáng tác cho đến khi qua đời năm 1805. Đáng lưu ý trong sự nghiệp sáng tác của Schiller khi ông ở Weimar là những vở kịch Don Carlos (1787), Wallenstein (1798-1799) , Maria Stuart (1801), Thiếu nữ vùng Orleans (1801), Cô dâu vùng Messina (1803), Wilhelm Tell (1804).
Nếu tính triết học trong những tác phẩm của Goethe sâu sắc hơn thì tính chiến đấu rất nổi bật trong những vở kịch của Schiller, chính vì thế mà Schiller rất được tầng lớp thanh niên yêu thích. Kịch của Schiller hình thành và xuất hiện trong thời kỳ thế giới có nhiều biến động lớn. Nếu như điểm đặc biệt của thế kỷ XVIII ở Anh là cách mạng kinh tế, thì ở Pháp là cách mạng chính trị năm 1789, nhưng ở Đức laiï là cách mạng triết học.
1785, Luật sư Christian Gottfried Kõrner mời Friedrich Schiller về sống ở thành phố hội chợ Leipzig, trong thời gian sống ở đây , nhà thơ viết Don Carlos và sáng tác bài thơ Gởi niềm vui . Kõrner khuyên Schiller nên nghiên cứu hệ thống triết học của Kant-một nhà triết học Đức của thời kỳ Khai sáng. Hệ thống triết học của Kant ảnh hưởng tới Schiller trên bình diện luân lý học và mỹ học. Schiller cho rằng , một hành động chỉ hợp luân lý khi nó xảy ra theo sự lựa chọn và theo thiện cảm. Sự đối chất thô thiển giữa nghĩa vụ và thiện cảm sẽ hạ thấp nhân phẩm, vì nó sẽ đặt tiền đề cho sự áp bức. Giờ đây con người đã thức tỉnh để đòi quyền hợp pháp của mình. Đối với Schiller thì nghệ thuật là phương tiện đấu tranh chống chuyên chế và áp bức, một phương tiện để giải phóng con người. Với những quan niệm như đã nói ở trên, nên kịch của Schiller ở giai đọan hai- ở văn học cổ điển chủ yếu lấy chất liệu từ những sự kiện lịch sử đấu tranh chống áp bức (Wallenstein), thống nhất đất nước (Thiếu nữ vùng Orleans) hay đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc khỏi ách ngọai xâm (Wilhelm Tell) của các nước trên thế giới.

Wilhelm Tell

*Wilhelm Tell (1804) là vở kịch cuối cùng của Schiller, nhưng là vở kịch duy nhất mà nhân vật chính không thất bại. Schiller đã biết đưa lịch sử phục vụ hiện tại. Thomas Mann nhận xét:
" Vở kịch về ThụySĩ là một tác phẩm tuyệt vời, đơn giản nhưng quí phái và vĩ đại, rất có hiệu quả, rất hòanh tráng và hấp dẫn. Mặc dù, đó là câu chuyện ở cuối thế kỷ XIII, nhưng ta lại thấy khí thế của cách mạng Pháp."
Vở kịch bắt đầu bằng ba bài hát mang đậm nét dân gian, ba bài hát giới thiệu thiên nhiên tuyệt đẹp với tuyết phủ trắng khắp núi, thảo nguyên xanh rì, giới thiệu người dân Thụy Sĩ hiền hòa, chịu khó. Họ là những nông dân, dân chài, thợ săn, mục đồng sống trong khung cảnh yên bình dưới bầu trời chan hòa ánh nắng.
Wilhelm Tell là vở kịch 5 hồi. Nội dung kịch xoay quanh cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của triều đình Áo. Nhân vật chính trong kịch là Wilhelm Tell - một nhân vật trong truyền thuyết của Thụy Sĩ. Motiv bắn táo là Motiv của các nước phương Bắc. Ở thế kỷ XVIII, Thụy Sĩ được coi là đất nước của tự do cộng hòa, đất nước của những phong tục cao đẹp và lối sống hiền hòa.
Dưới ngòi bút của Schiller, Tell không phải là cá nhân đơn độc, mà là người anh hùng dân tộc- người tự thấy mình có trách nhiệm chiến đấu giành lại tự do cho chính mình và độc lập cho đất nước Thụy Sĩ. Tell không chịu lạy chiếc mũ tượng trưng cho quyền lực, vì vậy mà chàng bị tên thái thú Gessler sai lính bắt trói. Mặc dù Tell đã bắn trúng trái táo đặt trên đầu con trai mình, nhưng tên thái thú vẫn không trả lại tự do. Trên đường bị trói giải về quận, Tell đã trốn thóat và ngắm bắn chết tên thái thú gian ác, xảo quyệt Gessler.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Thụy Sĩ đã phát triển từ chỗ tự phát - từ chỗ chỉ là chuyện gia đình, cá nhân Tell- đến tự giác- đến vấn đề quê hương dân tộc( giống như truyện Hai bà Trưng của Việt Nam ). Đây là một dạng phản ứng dây chuyền , ta thường thấy ở cộng đồng các tộc người.
Khi biết tên thái thú bị giết. Vốn tin tưởng mến phục tài của Wilhelm Tell, nhân dân cả nước Thụy Sĩ nhất tề đồng lòng đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng đất nước, giành lại độc lập tự do cho tổ quốc Thụy Sĩ.

* Vở kịch dịch sang tiếng Việt là Vinhem Tell , Thế Lữ dịch, Nguyễn Ngọc Lượng giới thiệu, NXB Văn học, 1966

Johann Wolfgang Goethe,
1749-1832
nhà văn của văn học Bão táp và Xung kích

Johann Wolfgang Goethe sinh ngày 28.8.1749 ở thành phố thương mại Frankfurt am Main và mất ngày 22.3.1832 ở thành phố văn hoá Weimar . Ông là con trai nghị viên thành phố Frankfurt am Main-ông Johann Caspar Goethe- một người vốn gốc thợ thủ công vùng Thũringen ở miền đông nam nước Đức, ông tính tình nghiêm khắc và cứng nhắc. Mẹ Goethe là Katharine Elisabeth Textor. Bà là con gái viên thanh tra giáo dục của thành phố Frankfurt am Main, gia đình thuộc dòng dõi qúy tộc có học vấn cao. Thưở nhỏ cậu bé Johann học ở thành phố quê hương Frankfurt am Main .
1765-1768, Goethe học Luật ở thành phố hội chợ Leipzig và từng nghe Gottsched, Gellert giảng. Ngòai ra ông còn học vẽ ở thầy Oeser.Trong thời gian học ông yêu cô Kãthchen Schõnkopf. Do ốm nặng nên ông phải bỏ học và về Frankfurt am Main dưỡng bệnh mất hai năm 1768-1769. 1770, ông tiếp tục học Luật ở thành phố Strassburg và tốt nghiệp năm 1771. Ở Strassburg, ông gặp nhà lý luận nổi tiếng ở Đức lúc đó là Herder. Herder đã khêu gợi lòng ham thích dân ca ở chàng trai Goethe. Goethe đã đi sưu tầm dân ca vùng Elsachsen cho sưu tập dân ca của Herder.
Trong thời gian này ông yêu cô Friedericke Brion ở Sesenheim. Mối tình với cô con gái vị mục sư ở Sesenheim thuộc ngọai thành thành phố Strassburg để lại nhiều dư âm trong thơ của chàng thi sĩ Goethe. Trong “Chùm thơ Sesenheim” thì có hai bài thơ rất nổi tiếng là Đón chào và tạm biệt (Willkommen und Abschied) và Bài ca tháng năm (Mailied). Ở bài thơ “Đón chào và tạm biệt “ ta thấy sự nhất quán hài hòa của cuộc sống, tình yêu và thơ. Nhớ mong, Gặp lại, Tạm biệt xuyên suốt bài thơ, tinh thần hăng hái cùng bầu nhiệt huyết của Bão táp và Xung kích thể hiện rõ qua đọan thơ:

Màn đêm mang tới ngàn vật kỳ ảo,
Nhưng lòng tôi phấn chấn vô cùng,
Lửa nhiệt huyết chạy dần dần khắp thân,
Nhiệt thành chan chứa trong lòng.

Cùng với ngôn ngữ giầu hình ảnh và nhịp điệu , bài thơ cho thấy thấp thóang lòng mong muốn, sự đau khổ, sự vận động , phong cảnh thiên nhiên và tình yêu đôi lứa. Trong bài thơ “Bài ca tháng năm” ta thấy nỗi mừng khi xuân tới, niềm hứng khờiva ngọn lửa tình yêu quyện lấy nhau, lời thơ như nhảy múa, như reo mừng:

Ôi trái đất này, ôi mặt trời sáng chiếu,
Ôi hạnh phúc biết bao, vui hứng biết nhường nào.

Theo lời khuyên của Herder. Goethe đã sáng tác bài thơ Hoa hồng trên đồng nội (Heidenrõslein) dựa theo bài dân ca Bông hồng nhỏ xinh trên đồng nội (Rõslein auf der Heide). Qua nét bút của thi sĩ Goethe lời thơ uyển chuyển hơn, từ chỗ chỉ là bông hồng đã trở thành thân phận con người- thân phận một cô gái:

Chàng trai hối hả chạy tới gần,
Bao niềm vui sướng cứ trào dâng,
Ôi bông hồng nhỏ, bông hồng nhỏ,
Sắc đỏ tươi ngời trên đồng xuân.

Chàng trai khẽ nói: Anh ngắt hoa
Hoa hồng tươi thắm trên đồng ta !
Hoa nhỏ đáp rằng : Gai đâm buốt,
Cho chàng mãi mãi nhớ về hoa !

(*Trần Đương dịch)

Năm 1772, Goethe đến thực tập tại Tòa án tối cao ở thành phố Wetzlar. Tại đây chàng sinh viên mới tốt nghiệp Goethe yêu say đắm nàng Charlotte Buff. Khi Goethe biết được người mình yêu đã đính hôn với chính bạn của mình Kestner thì tâm hồn chàng bị chấn động mạnh. Thất vọng về nghề nghiệp và thất tình làm cho Goethe nhanh chóng rời thành phố Wetzlar, trở về thành phố quê hương Frankfurt am Main .

* Thơ của Goethe in trong tập Thơ trữ tình Johann Wolfgang Goethe , Trần Đương dịch và giới thiệu, NXB Văn học , Hà Nội, 1999

* Nỗi đau của chàng Werther

Mối cảm tình với Maximiliane Brentano và tin anh bạn luật sư Jerusalem tự tử đã phần nào giúp Goethe giải tỏa những day dứt trong thời gian sống ở Wetzlar để lại trong tâm trí chàng. Phải mấy năm trôi đi, năm 1774, Goethe mới tự giải thóat được mình bằng cuốn tiểu thuyết thư tình Nỗi đau của chàng Werther (Die Leiden des jungen Werthers). Goethe đã cắm cúi miệt mài viết liền trong ba tháng hòan thành cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết có thể so sánh như một cuốn nhật ký, như một sự thú nhận của tác giả, như một sự xám hối để giải tỏa tâm hồn. Đây là một cuốn tiểu thuyết chứa trong mình đầy ắp chất thơ cùng kịch tính.

Bộ ba Werther, Lotte, Albert là ba nhân vật chính của tiểu thuyết tình này. Werther rơi vào cảnh giằng xé giữa nhiệt thành và sự thật, giữa bầu nhiệt huyết của tình yêu và những ngăn cách do hòan cảnh qui định. Và chính sự giằng xé đó làm cho Werther tự hủy họai mình. Lotte trẻ đẹp, đầy sức sống , nàng có thiện cảm với Werther, nhưng nàng cư xử với chàng có khỏang cách , vì nàng đã đính hôn với Albert. Werther biết mình phải tôn trọng cả Lotte lẫn Albert vì họ đã đính hôn, nhưng chính khỏang cách kia lại có lực hấp dẫn mãnh liệt và nó thôi thúc con tim. Thất vọng chán chường trong nghề nghiệp, Werther chỉ còn con đường trở về với đời sống tình cảm, nhưng với ai ! Lotte giờ đây đã là thiếu phụ. Con đường tất yếu chỉ là con đường tự vẫn ! Chỉ có nó mới giải thóat cho chàng mọi bế tắc ! Werther là con người tình cảm, thay vì dùng lý trí để giải quyết bế tắc, chàng lại dùng lòng cao thượng , lại nhấn mạnh tình cảm.

Nỗi đau của chàng Werther là một cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội. Lồng trong bi kịch tình yêu của Werther là tâm trạng khát vọng giải phóng tình cảm, khát vọng về quyền tự do, quyền bình đẳng giữa các đẳng cấp trong xã hội thời bấy giờ. Cái chết của nhân vật chính Goethe phản ánh xu thế của cả một thời đại đang cố vượt ra khỏi những ràng buộc trong tình cảm cùng cách ứng xử phong kiến, để vươn tới một thời kỳ mới- thời đại của thế kỷ Ánh sáng mà người đang giương cao ngọn cờ là giai cấp tư sản đang lên.

Nỗi đau của chàng Werther bắt nguồn sâu xa từ chính hiện thực của giai cấp tư sản Đức. Tác phẩm đã bắt đúng mạch sống thời đại, phản ánh đúng tâm trạng của lớp thanh niên đương thời : mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực. Tác phẩm trở thành một sự kiện trong đời sống tinh thần của thanh niên trí thức không những ở Đức, mà còn là các nước khác thông qua bản dịch và làm bùng cháy mãnh liệt ngọn lửa của Bão táp và Xung kích ở Đức. Tác phẩm trở thành một tiếng nói có sức hấp dẫn lớn trong trào lưu Nhân văn chủ nghĩa trong văn học châu Âu thế kỷ XVIII, qua tác phẩm, Goethe trở thành nhà văn nổi tiếng châu Âu. “Cơn sốt Werther” hình thành trong tầng lớp thanh niên, họ bắt chước sống nhiệt thành như Werther, còn nữ giới thì “muốn được yêu “ như Lotte. Lớp trẻ lại còn muốn biến văn thơ thành hiện thực. Vì vậy, có những nơi nhà chức trách phải ra lệnh cấm lưu hành cuốn tiểu thuyết để ngăn ngừa thanh niên tự vẫn như Werther.
Có ít tiếng vang hơn cuốn tiểu thuyết thư tình là vở kịch Gõtz von Berlichingen mà Goethe viết năm 1773.

* Tiểu thuyết dịch sang tiếng Việt là Nỗi đau của chàng Vecte , Quang Chiến dịch, Hòang Trinh giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội, 1982

Johann Wolfgang Goethe,
nhà văn của văn học Cổ điển

Nhận lời mời của công tước Karl August, tháng mười một năm 1775, Goethe tới Weimar và ông ở lại đây cho tới khi qua đời năm 1832. Khỏang thời gian 1775-1832 là thời gian Goethe sáng tác những tác phẩm lớn và quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của mình. Công tước Karl August giao cho Goethe nhiều trọng trách như Gíam đốc ngành khai thác mỏ, Gíam đốc ngành xây dựng cầu đường và tin tưởng Goethe tới mức giao cho ông làm Bộ trưởng chiến tranh , Bộ trưởng tài chính. Goethe càng gắng sức làm việc với hy vọng đưa công quốc Weimar cường thịnh thì càng gặp phải sự phản ứng quyết liệt hơn của tầng lớp qúy tộc. Goethe cảm nhận thấy không khí căng thẳng nặng nề do những mâu thuẫn về quyền lợi giữa quý tộc với những cải cách xã hội cải thiện đời sống cho đẳng cấp Thứ ba. 1786, Goethe bí mật bỏ Weimar đi du lịch Karlbad, Brenner, Verona, Vicenza, Padua, Venedig, Bologna, Rom, Neapel, Paestum, Sizilien, Florenz.Chuyến đi du lịch nghiên cứu nghệ thuật tạo hình cổ đại Hy Lạp và hội họa phục hưng Ý là bước ngoặt chuyển biến lớn và là bước đầu tiên chuyển sang của khuynh hướng cổ điển ở nơi đại văn hào Goethe. Khi chuyển về Weimar năm 1775, Goethe có làm quen với Charlotte von Stein, Wieland, Bertuch, Musãus... Sau hai năm đi du lịch, năm 1788 Goethe trở lại Weimar , ông cắt đứt quan hệ với Charlotte von Stein và sống chung với Christiane Vulpius. Cũng năm 1788 Goethe gặp Schiller ở Rudolstadt và cũng từ đây ông thôi mọi chức trách ở cung đình Weimar để chuyên tâm sáng tác.

Trong khi Schiller chịu ảnh hưởng triết học của Kant, thì Goethe lại chịu ảnh hưởng triết học của Spinoza, chịu ảnh hưởng những nhà tư tưởng tiến bộ Pháp như Voltaire, Roussaeu.
Tháng bảy năm 1794 Goethe kết bạn với Schiller. Tình bạn giữa hai đại văn hào đã đánh dấu một thời kỳ sáng tác sung mãn do những khích lệ , động viên lẫn nhau giữa hai người. Schiller và Goethe thường xuyên viết thơ gợi mở cho nhau những ý tưởng mới , thôi thúc nhau trong sáng tác. Do vậy, Goethe viết tiếp Faust I và cho xuất bản năm 1808 . Rồi viết Faust II cho tới cuối đời.

Những tác phẩm quan trọng của Goethe trong thời gian ở Weimar là Iphihenie auf Tauris, Torquato Tasso, Egmont, Những năm học nghề của Wilhelm Meisters , Hermann und Dorothea, Wahlverwandtschaften, Thi ca và sự thật, Những năm hành nghề của Wilhelm Meisters , Faust I và II . Ngòai sáng tác,Goethe còn viết nhiều về lý luận nghệ thuật như Laokoon (1798) , Về sự thật và dường như thật của tác phẩm nghệ thuật (1797-1798), Về đối tượng của nghệ thuật tạo hình(1797), Nghiên cứu của Diderot về hội họa (1799) .

Con đường phát triển tài năng và tự hòan thiện mình của Goethe không phải là một con đường thẳng đi lên, mà nó có những khúc quanh để nhìn lại mình và để định hướng cho việc nâng tầm cao giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng của các tác phẩm. Có bốn mảng lớn trong sự nghiệp của Goethe là thơ, tiểu thuyết , kịch, lý luận văn học nghệ thuật. Goethe cho rằng, “tác phẩm cho ta một cuộc sống cao hơn”, điều đó có nghĩa là tác phẩm phản ánh cái đặc biệt, nhưng cũng chính là phản ánh cái phổ biến nhất, bao quát nhất. Qua đó ta thấy chân lý trong tác phẩm cao hơn chân lý của thực tiễn, nó là chân lý mà ta mong đợi,đòi hỏi ở những kiệt tác. Tiểu thuyết của Goethe đề cập thẳng vào vấn đề cuộc đời, số phận con người, đã phản ánh được tâm trạng con người của thời đại, đã dự cảm được cuộc đời. Ở thời kỳ Bão táp và Xung kích có khuynh hướng nhấn mạnh mặt tình cảm thì Goethe có Nỗi đau của chàng Werther. Đó là một tiểu thuyết bi kịch , tác giả chỉ cho thấy mâu thuẫn và khó khăn mà cá nhân Werther không sao khắc phục và vượt qua được .Khi con người cần nhận thức được ý nghĩa và khuynh hướng của việc mình làm để có thể hòa vào nhịp phát triển của xã hội thì Goethe có tác phẩm Những năm học nghề của Wilhelm Meister (1796). Goethe đã đi từ chủ nghĩa duy cảm đến chủ nghĩa hiện thực ở Đức thế kỷ XVIII. Thơ chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời sáng tác của Goethe, vì thơ ông giãi bầy tâm sự cùng những trải nghiệm trong tâm hồn nhà thơ, là “những mảng của một sự thú nhận lớn”. Thơ của Goethe phản ánh được tình cảm, tư tưởng tiến bộ của giai cấp tư sản, thơ ông kết hợp được nhuần nhuyễn yếu tố trữ tình với yếu tố trí tuệ sâu sắc.
Đặc điểm của trào lưu Bão táp và Xung kích là đi từ chỗ nhấn mạnh tình cảm con người đến đấu tranh đòi quyền tự do và quyền phát triển mọi mặt.

Những vở kịch tiêu biểu của Goethe là Gõtz von Berlichingen (1773), Iphigenie auf Tauris (1787), Egmont(1788), Torquato Tasso (1790), Faut I và II (1808 và 1832)

Chủ đề tự do được Goethe đề cập tới trong hai vở kịch Gõtz von Berlichingen (nhân vật nổi lọan) và Egmont (cá nhân anh hùng). Xung đột giữa tài năng và cuộc sống được Goethe đề cập tới trong tác phẩm Torquato Tasso. Những vấn đề Goethe nêu trong ba vở kịch trên đều là những vấn đề lớn của thời đại ông.Vấn đề muôn thưở của con người là phải họat động không mệt mỏi nhằm chinh phục và cải tạo thiên nhiên và để nó phục vụ đời sống con người được Goethe đề cập tới trong kiệt tác Faust. Ở Faust ta cũng thấy bóng dáng con người Goethe. Trong kịch của mình,Goethe đã đi từ tình cảm đến lý trí, từ cá nhân một người tới vấn đề lớn của nhân lọai.

* Faust
Từ truyện dân gian về Faustus đến Faust của Goethe

Faust – con người có thật

Georg Faustus – một người theo sổ sách ghi chép tên là Helmstãdter,sinh năm 1480 ở Knittlingen vùng Wũrtemberg, vùng tây nam nước Đức.
Anh chàng kỳ lạ bán thuốc rong ở các chợ, bán thuốc bằng cách biểu diễn những trò qủy thuật, cứ như vậy anh lang thang khắp các vùng Heidelberg, Nũrnberg, Erfurt, Wittemberg. Anh chàng bán thuốc rong này biết khiến qủy thần và dùng thuật ấy để kiếm tiền và mang lại cho mình danh tiếng. Anh ta biết xem tướng và tự coi mình ngang với cha xứ vùng Bamberg- một vị cha mà hồi đó rất được kính nể. Anh ta bị coi như là kẻ thân của qủy thần, kẻ làm qủy thuật và bị đuổi khỏi Nũrnberg.
Georg Faustus mất năm 1536 ở Staufen vùng Breisgau. Người đương thời kể về Faustus vừa kinh hòang, vừa khâm phục.

Hình tượng Faust trong văn học và trong dân gian

Vào năm 1550 lan truyền trong dân gian câu chuyện huyền thọai về một con người dám tự ý đi theo con đường nhận thức riêng của mình , bị nhà chúc trách từ chối, rơi vào tay qủy sứ và chết thảm hại dưới địa ngục. Người thợ in Spiess ở Frankfurt được tỉnh trưởng vùng Speyer là Andreas Frey kể cho nghe về con người đó. Joh. Spiess viết lại và cho in năm 1587. Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh năm 1588, dịch sang tiếng Pháp và tiếng Hà Lan năm 1592 và sang tiếng Tiệp năm 1611.
Cuốn sách Câu chuyện về tiến sĩ Faustus của Spiess đã gây được rung cảm và tính phiêu lưu hiếu kỳ ở người đọc nên sách được tái bản nhiều lần.
Sách được một tác giả người thành phố cảng tự do Hamburg là Widman biên sọan thêm và cho xuất bản năm 1599. Bác sĩ Pfitzer người thành phố Nũrnberg cũng biên sọan một cuốn sách về Faust vào năm 1674. Năm 1712 một bản ngắn gọn hơn của con chiên ngoan đạo Meynenden tới tay bạn đọc với nhấn mạnh,rằng cuốn sách được biên sọan lại từ sự ngưỡng mộ đạo Thiên chúa, một sự cảnh cáo cái kiêu căng về hiểu biết và về sự tự nhận thức của Faust về cá nhân mình.

Tại sao lại như vậy ?

Nhà thờ thấy ngay hiểm họa ở nhân vật Faust này. Faust theo nghĩa đen của từ là nắm tay, qủa đấm, nhưng theo nghĩa bóng thì nó ám chỉ sự tự lập, tự quyền, quyết tâm tiến tới, trong ngôn ngữ giao tiếp thì nghĩa bóng là nói tọac ra. Nhà thờ cho sự khao khát hiểu biết và lòng say mê hành động là kết qủa của việc kết bạn với qủy dữ, chúng coi những môn khoa học tự nhiên cùng những kiến thức khoa học của Kopernikus, Gallilei, Darwin là những ý nghĩ bạo động thóan nghịch chống lại nhà thờ, những ý nghĩ đó là sản phẩm của qủy sứ.

Đề tài Faust và sự phát triển của nó tới thời Goethe

Năm 1590 ,nhà văn người Anh Christopher Marlow đã sử dụng cốt truyện Faust cho bi kịch anh hùng của mình: Con người tư sản trỗi dậy mang tính nhân văn đã được đưa vào kịch. Nhà văn có thiện cảm mãnh liệt với con người ấy đã để Faust kết thân với qủy Mephisto là do thèm khát hiểu biết và muốn vươn tới sức mạnh trí tuệ, do muốn hành động. Wilhelm Mũller dịch kịch bản Faust của Christopher Marlow ra tiếng Đức, Archim Arnim viết lời giới thiệu. Goethe đã đọc kịch bản ấy và ca ngợi đó là một kịch bản tuyệt diệu, vĩ đại. Năm 1650 ,kịch bản Faust ấy được đưa lên sân khấu búp bê(Pupentheater) ở Đức. Về buổi xem Pupentheater ấy, Goethe viết trong tập Thi ca và sự thật như sau:

“ Cốt truyện chẳng có gì quyến rũ lắm ấy cứ sống lại trong tâm hồn tôi với những nét đa dạng.”

Faust theo suy nghĩ của người đương thời là một chàng trai tinh qúai, một người hiến thân cho qủy và chứa đựng trong người những cái ghê tởm,đầy mâu thuẫn. Ở con người ấy có cả cái gương mẫu lẫn điều kinh khủng , nơi diễn ra cuộc chiến đấu không thừa nhận tất cả những gì là lạc hậu. Trước Goethe , các nhà văn như Lessing, Grabbe, Lenau và cả nhà thơ Heine(Tanzpoem) đã viết kịch bản theo chất liệu Faust. Trong số đó đáng lưu ý là hai kịch bản của Lessing. Với ý nghĩ đề cao sự tìm tòi hiểu biết của con người, muốn tả người anh hùng tư sản, Lessing viết về Faust lần thứ nhất năm 1755. Faust ở đây ham nghiên cứu do động lực cá nhân và từ nghị lực của bản thân, không từ bỏ con đường khoa học, kết thân với qủy sứ để rồi nghiên cứu nó bằng khoa học. Năm 1767, Lessing viết kịch bản Faust lần thứ hai, Lessing muốn viết một vở kịch Faust không có chuyện ma qủy, một vở kịch mà Faust không bị qủy bắt mất hồn vì tội cả gan nghiên cứu khoa học, và chính vì Faust nghiên cứu khoa học nên chỉ bị đưa ra xử công bằng trước chúa.

Tại sao Lessing lại có hai lý giải cho kịch về Faust ?

* J.W.Goethe, Faust I và II, Đỗ Ngọan dịch, NXB Văn học và Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế, 1995
* J.W. Goethe, Faust, Quang Chiến dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2001

Thời Lessing , công việc đi tìm sự thật là một động lực có tính thần thánh ở con người, dù anh ta có lẩm cẩm đi chăng nữa thì cái cố gắng muốn vươn lên vẫn là một đặc tính đã xác định ở con người. Trong thế kỷ XVIII ở Đức người ta rất ham say với công việc nghiên cứu và sáng tạo. Cũng trong thời gian này, còn nhiều vấn đề chưa được giải thích thỏa đáng , con người chỉ còn trông chờ vào sức mạnh siêu nhiên: thần thánh hay ma qủy.

Nhân vật Faust thỏa mãn được nhu cầu gì của xã hội đương thời ?

a/ Faust: kịch hay trường ca

Faust là một kiệt tác của văn học thế giới và thường được đưa lên sân khấu kịch, nhưng bản thân tác phẩm gồm 12.111 câu nên vượt quá khuôn khổ của kịch, về mặt nào đó có thể xem Faust là trường ca.
Khi bàn về Faust, trong thơ Schiller viết gởi Goethe ngày 23.6.1796 có đọan:
“ Tính chất hai mặt của cá tính con người và sự cố gắng bất hạnh nó lại hợp nhất cái thần thánh và cái rất con người ở ngay trong cơ thể con người, điều đó người ta không thể bỏ qua được,vì rằng cốt truyện không và không phải đi theo một thể lọai văn học nào cả, nhưng nó lại đi và phải đi tới ánh sáng chói chang của chân lý, do đó người ta không nên dừng lại ở đề tài câu chuyện, mà nó cần đi xa hơn nữa, tới tư tưởng của tác phẩm.
Nói tóm lại, những yêu cầu về vở kịch Faust vừa có tính triết học , vừa có tính thi ca.
Để đạt được cả tính triết học lẫn tính thi ca nên Goethe đã xử dụng cả văn vần và văn xuôi trong kịch Faust (cảnh 23 , Faust I viết bằng văn xuôi), tác giả xử dụng cả qủy cùng những nhân vật trong thần thọai Hy Lạp , xử dụng cả đối thọai triết học lẫn khúc ca trữ tình. Tác phẩm Faust trở nên rất độc đáo vì phương tiện văn chương biến đổi linh họat, nội dung phong phú: đề cập tới tòan bộ lịch sử nhân lọai, vì tính triết lý trong việc diễn tả hai mặt trong cá ính con người.

b/ Hiện thực xã hội và hình ảnh nhân vật Faust

Xã hội Đức đương thời chứa đựng đầy mâu thuẫn. Giai cấp tư sản Đức do không có một trung tâm kinh tế và chính trị cho tòan quốc nên đã phản bội phong trào nông dân và dân nghèo thành thị, chúng bắt tay cấu kết với bọn phản động chúa đất để đàn áp phong trào.
Trên thế giới , việc phát hiện ra các vùng đất mới và những hiểu biết về các lĩnh vực khoa học mới đã đem lại tinh thần mới ; Trong khi đó, ở nước Đức hình ảnh sợ hãi trước sao định mệnh , qủy thuật và địa ngục hãy còn trong tâm trí mọi người. Hiện tượng Faust làm rộng vang ở mọi người cái vấn đề lâu nay đang còn tranh cãi: Những gì không đúng như thế lực Nhà thờ quan niệm thì đó là ma qủy !
Ở thời kỳ Khai sáng của Đức có một nhu cầu bức thiết, phải kế thừa bằng được những truyền thống tiến bộ của dân tộc mình, cũng như truyền thống tiến bộ của dân tộc khác, đưa nó vào văn học để phục vụ hiện tại. Chính do vậy, nên cũng dễ hiểu , chất liệu như Faust được đề cập tới. Faust mang trong mình những nét giống nguyện vọng của giai cấp tư sản Đức đang đà phát triển, đang trong cuộc đấu tranh giành công nhận bình đẳng về giá trị con người,công nhận quyền bình đẳng về chính trị.

Faust – tâm trạng của đại văn hào Goethe – tâm trạng của thời đại

Faust I xuất bản năm 1808. Goethe hòan thành Faust II ngày 22.7.1831. Goethe sáng tác Faust I khi đang ở tuổi thanh niên, ở tâm trạng chán ghét muốn nổi lọan chống lại “sự cùng khổ Đức”.Đó là tâm trạng của các nhà văn và thế hệ thanh niên phong trào Bão táp và Xung kích.
Faust I là kiểu nhân vật khổng lồ Promethus , có tâm trạng phản kháng, muốn thóat khỏi cuộc sống ngột ngạt đi tìm chân lý và lẽ sống. Bóng dáng xã hội hiện lên rõ nét với Motiv cô gái chửa hoang trong bi kịch tình yêu của Faust với Margrette (Gretchen): cả hai đứng trước những khó khăn do chính hòan cảnh cuộc sống tạo ra, do vị trí của từng người trong xã hội; Họ bị ràng buộc bởi Trật tự và Đạo lý phong kiến.
Margrette đành cam chịu:

“ Thôi rồi những ngày hớn hở
Giờ đành cam phận đời ta !

Faust II được bắt đầu khi Goethe đã năm mươi tuổi và hòan thành một năm trước khi Goethe ra đi vào cõi vĩnh hằng – vào năm ông 82 tuổi. Ở Faust II, Faust không còn là con người đi tìm những lạc thú trần gian, giờ Faust chỉ muốn hành động giúp ích cho đời.
Faust II phản ánh xu thế xã hội đương thời: sự suy vong của xã hội phong kiến và sự hưng thịnh của chủ nghĩa tư bản. Ý tưởng mà Goethe gởi gắm ở nhân vật Faust nó phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với mong đợi của người dân, biểu thị xu hướng đang lên của giai cấp tư sản – một lực lượng tượng trưng cho sự tiến bộ xã hội thời bấy giờ.
Faust làm cho người ta liên tưởng ngay đến hòan cảnh dân tộc Đức đương thời, nó cần một giải thóat khỏi cảnh cùng khổ của Đức. Tác phẩm Faust đã đề cập tới vấn đề lớn của nhân lọai: cải tạo và chinh phục thiên nhiên.

c/ Con người là như thế :ông thánh con-con qủy

Con nguời là lọai “động vật cao cấp” và ở trong mỗi con người chúng ta đều có hai mặt của cá tính con người: “bản năng cao thượng” –ông thánh con và “bản năng thấp hèn”- con qủy. “ Bản năng thấp hèn” luôn là thách đố chính bản thân con người, nó tạo ra “cái cắc cớ” bắt con người phải suy nghĩ,đấu tranh nội tâm, nếu vượt được thì tự nâng được mình lên tầm cao mới, không thì cứ trượt dài dài trên con dốc mà không sao dừng lại được!
Ông thánh con ở đây chính là Faust –“bản năng cao thượng” và con qủy ở đây là những cám dỗ mời đón của qủy Mephisto-“ bản năng thấp hèn”. Faust tiêu biểu cho yếu tố tích cực ở con người, luôn tìm cách vươn lên, vượt những trở ngại đời thường để có một cuộc sống hữu ích. Mephisto tiêu biểu cho yếu tố tiêu cực ở con người, luôn trì trệ, bị chi phối bởi những phương tiện trong cuộc sống như ăn uống, sắc dục.
Trong Faust dân gian, Faust chết một cách bi thảm. Đó là lời răn đe cảnh tỉnh những ai không theo đúng những giáo lý của nhà thờ Thiên chúa giáo. Goethe đã đưa ra cách nhìn từ góc độ nghĩa vụ của người nghệ sĩ trong các mối tương quan giữa truyền thống và những đòi hỏi của thời đại nên Goethe đã để các thiên thần xuống đón linh hồn Faust lên Thiên đường. Qua đó Goethe khẳng định: Thiện sẽ thắng Ác, Hành động thắng sức ỳ trì trệ. Và đó chính là câu trả lời- hướng giải thóat khỏi cảnh cùng khổ của Đức. Cũng chính vì thế mà nhà thơ Heine gọi:

“ Faust là Kinh thánh cuộc đời của dân tộc Đức.”

Nhà triết học Đức, Friedrich Wilhelm Joseph Schelling đánh giá Faust là “tinh túy trong sáng nhất, sâu sắc nhất của thời đại, được tạo ra từ những gì mà tòan bộ thời đại chứa đựng và cả những gì thời gian sẽ còn chứa đựng.”



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .