Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









HAI BÀI TIỄN BIỆT TRONG THƠ ĐƯỜNG





N gười xưa nói: tiểu nhân lấy vàng tiễn nhau, quân tử lấy lời tiễn nhau. Phải chăng vì thế mà trong thơ Ðường số bài thơ tiễn biệt khá nhiều, có nhiều bài thường được hậu thế ngâm nga lúc ly biệt. Trong số ấy, không hiểu sao tôi đặc biệt tâm đắc với bài Tống Nguyên Nhị sứ Tây An của Vương Duy và Biệt Ðổng Ðại của Cao Thích.

Bài của Vương Duy:

Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần,
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân.
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu,
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.

Hai câu đầu tả cảnh mưa xuân vương trên thành Vị và quán khách nhìn ra rặng liễu xanh. Ðây là những dòng thơ tả cảnh đẹp vào loại nổi tiếng trong thơ Ðường. Nổi tiếng đến trở thành cổ điển, những bài thơ tả liễu sau này khó hay hơn được. Câu thứ ba không có gì xuất sắc vì chỉ là lời: khuyên bạn cạn chén. Như nhiều bài thơ tứ tuyệt đặc sắc đã gặp, ở đây tác giả mai phục bằng hai câu tả cảnh kiệt xuất bắc cầu qua câu thứ ba rồi từ đó cho câu kết vút lên tầm cao của tình cảm và tư tưởng. Câu kết thông tin về một sự thật: rời Dương Quan sẽ không còn người thân thích! Dường như đấy không phải thơ mà chỉ là một thông tin khách quan! Nhưng thông tin khách quan đó nhói vào tim ta trong phút giây ly biệt. Trái tim đau, người lữ khách sẽ thấy cô đơn bơ vơ lạc lõng ở con đường trước mặt, ở năm tháng vời xa... Và tự nhiên, trước sự bơ vơ trống vắng ấy, người ra đi sẽ thấy yêu thương, thân thiết, gắn bó biết bao với cố nhân. Ðọc thơ, lòng ta bỗng thương con người, yêu con người và cũng thương thân ta từng là lữ khách. Trên đường lữ thứ, có lúc tôi ngâm nguyên văn chữ Hán, có khi ngân nga theo bản dịch tuyệt vời của Tản Đà mà cảm thấy con tim được xoa dịu, lòng vơi nhẹ:

Mưa mai thấm bụi Vị Thành,
Liễu trong quán trọ sắc xanh ngời ngời.
Khuyên anh hãy cạn chén mời,
Dương Quan đi khỏi ai người cố nhân !

Khó mà dịch hay hơn được!

Tương phản với Vương Duy, Cao Thích nói lên khía cạnh khác của sự biệt ly:

Thập lý hoàng vân bạch nhật huân,
Bắc phong xuy nhạn tuyết phân phân.
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
Thiên hạ thùy nhân bất thức quân !

Cuộc chia tay trong buổi chiều buồn: gió bấc thổi, tuyết sa, cánh nhạn bên trời, người tiễn người đường dài hun hút... Trong toàn cảnh xám xịt của bức tranh chia ly ửng lên màu hồng mặt trời là câu kết: bạn ơi, đừng buồn vì sẽ có bạn bè đón anh phía trước! Chính câu kết xóa đi cảnh cô liêu của chiều đông ly biệt. Chỉ lời động viên ấy thôi, nó nâng người ra đi từ sinh thể cô lẻ lên ngang tầm nhân loại: con người không còn đơn côi mà hòa trong nhân loại lớn. Người bạn đưa tiễn cũng vươn lên tầm vĩ mô vì đã trao gửi bạn mình cho những bạn bè mới… Trong cộng đồng, con người trở nên lớn lao. Và riêng với người ra đi, cũng vì lời động viên ấy mà quên cái u ám chiều đông, đường xa lặn lội, tâm hồn bỗng ấm lên vì được an ủi. Làm được vậy cho con người, cái sự chở đạo của thơ đã lớn. Tôi thường ngâm bài này theo lời dịch của cụ Trần Trọng Kim:

Mây vàng mười dặm bóng tà,
Heo may thổi nhạn, tuyết sa bời bời.
Chớ buồn tri kỷ không ai,
Ði đâu lại chẳng có người biết anh.

Người ta nói thơ đang chết. Tôi không mấy quan tâm tới chuyện này vì hiểu rằng, một nghệ thuật biết an ủi biết nâng đỡ con người như vậy sẽ trường tồn.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .