Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CÁC DÂN TỘC BÁCH VIỆT

VÀ CƠ SỞ THỐNG NHẤT

CỦA CỘNG ĐỒNG BÁCH VIỆT





D ân tộc Việt ngày nay, là dân tộc duy nhất còn giữ gìn được tên Việt trong tên của dân tộc mình, nhưng, ở một giai đoạn xa xưa trước đó, “Việt” là một khái niệm bao trùm và rộng lớn hơn thế, được sử dụng cho toàn thể nhóm dân cư cùng một nguồn gốc sinh sống trong vùng Nam Dương Tử và miền Bắc Việt Nam. Có người cho rằng, cộng đồng Việt là một cộng đồng rời rạc, phân lập, là một khái niệm mơ hồ được sử dụng cho toàn bộ các nhóm dân cư phi Hán ở vùng Nam Dương Tử, phần nhiều là sự suy đoán dựa vào khái niệm Bách Việt. Nhưng, lịch sử và cội nguồn của người Bách Việt lại không chứng tỏ rằng họ là một cộng đồng phân lập, không liên quan tới nhau, mà còn là một chủng tộc, một văn hóa thống nhất, và có thể là cùng một dân tộc, một quốc gia.

Qua bài viết này, chúng tôi sẽ tiến hành khảo cứu, phân tích từng yếu tố để chứng minh người Việt là một cộng đồng thống nhất, liên hệ với nhau chặt chẽ. Họ tồn tại, phát triển trong một cộng đồng chung trong một thời gian rất dài, có ý thức mạnh mẽ về tính thống nhất văn hoá, dân tộc và chủng tộc, trước khi áp lực của người Hoa Hán bắt đầu dồn xuống phương Nam, khiến văn minh Việt sụp đổ, lãnh thổ, văn hóa và con người Việt dần tan rã, lịch sử về một cội nguồn chung của cộng đồng Việt trở nên nhạt nhòa và gần như biến mất. Những lớp bụi phủ lên quá khứ Bách Việt, những hiểu lầm về cộng đồng này hẳn cũng đã tới lúc được làm rõ.

I. Nguồn gốc của nhận định về sự phân lập của cộng đồng Bách Việt

Người Việt và người Hoa Hạ có địa bàn sinh sống tiếp giáp nhau, nên đã có những giao tiếp, va chạm với nhau từ rất sớm. Từ thời vua Nghiêu, Thuấn cách ngày nay hơn 4000 năm, người Việt phương Nam và người Hoa Hạ phương Bắc đã bắt đầu thông giao. Tới thời nhà Thương, thì hai nhóm bắt đầu có sự xung đột lãnh thổ. Cũng bởi sự tiếp xúc từ rất xa xưa và thường xuyên, mà người Việt được người Hoa Hạ ghi lại khá nhiều trong sách sử của mình. Trong các giai đoạn Hạ  – Thương – Chu, thì cộng đồng Việt được người Hoa Hạ gọi bằng những cái tên gắn liền với tên Việt tự xưng của người Việt, mỗi thời gọi mỗi khác: đời Hạ gọi là Vu Việt 于越, đời Thương gọi là Man Việt 蛮越 hoặc Nam Việt 南越, đời Chu gọi là Dương Việt 扬越, Lạc Việt 骆越 [1]. Có thể thấy những cái tên gắn liền với Việt này sử dụng để chỉ toàn bộ cộng đồng Việt, không thể hiện ý niệm về sự phân lập.

Nhưng tới thời nhà Tần, sách Lã Thị Xuân Thu đã bắt đầu nhắc tới khái niệm “Bách Việt”: “Dương Hán chi nam, Bách Việt chi tế” nghĩa là phía nam đất Hán là đất Bách Việt. Cộng đồng Việt từ sách này trở đi, được nhận định như một cộng đồng phân lập, thiếu sự gắn kết, là một khái niệm được người Hoa Hạ sử dụng bao trùm cho các nhóm người không liên quan tới nhau ở vùng Hoa Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là những suy diễn dựa trên khái niệm Bách Việt, cũng như sự tan rã của quốc gia Văn Lang giai đoạn Sở – Tần xâm lược đất Việt, khiến cho hiện trạng của cộng đồng Bách Việt lúc đó là nhiều tiểu quốc, nhiều nhóm dân cư, cùng với sự tràn xuống của văn hóa phương Bắc theo bước chân xâm lược cũng làm tan rã tính thống nhất về văn hóa của cộng đồng Việt, làm ảnh hưởng tới nhận định về cộng đồng này của nhiều người. Tuy nhiên, trước đó, người Việt vùng Nam Dương Tử và Việt Nam là một cộng đồng, thuộc một quốc gia, cùng một nền văn hóa, và có thể là cùng một dân tộc. Chúng tôi sẽ tuần tự triển khai từng bước, để chứng minh rằng người Việt là một cộng đồng thống nhất và gắn bó, liên hệ với nhau chặt chẽ.

• Tuy nhiên do tính quen thuộc và phổ biến của khái niệm Bách Việt, chúng tôi vẫn sử dụng nó trong cả bài viết của mình để bạn đọc dễ hình dung. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đề xuất sử dụng khái niệm Tộc Việt cho toàn thể cộng đồng Việt, bao gồm cả giai đoạn Xích Quỷ, Văn Lang, và sử dụng khái niệm Bách Việt cho giai đoạn hậu Văn Lang. 

II. Cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt

1. Cơ sở thống nhất từ gen và nhân chủng

a. Người Bách Việt có nguồn gốc từ Việt Nam. Và người từ Việt Nam có nguồn gốc từ châu Phi

Các dân tộc
 Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt

Bản đồ thiên di nhân loại khoảng 70000-10000 năm trước. (Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific American;299(1):56-63)

Các nghiên cứu gen từ những năm cuối của thế kỷ trước cho tới nay, đã xác định cơ bản được nguồn gốc của người Việt: họ là hậu duệ của những người rời khỏi châu Phi, tới Đông Nam Á qua con đường phía Nam, chia thành hai đợt vào khoảng 6-40000 năm trước ngày nay, đợt di cư thứ hai chiếm khoảng 20-30% gen của người tối cổ [2][3]. Giống người lúc ấy là người Australoid da đen. Họ sinh sống lâu dài trong vùng Việt Nam và Đông Nam Á ngày nay, và những đợt biển tiến, biển lùi đã tác động trực tiếp tới đời sống của họ, dẫn tới sự di cư lên xuống của họ ở vùng Đông Á. Trong đợt băng hà lớn cuối cùng [4], cách ngày nay hơn 20.000 năm, thì nước biển xuống thấp cực đại, làm lộ ra vùng đồng bằng sông Hồng nối liền với đảo Hải Nam, tạo thành thềm lục địa kéo dài dọc bờ biển Nam Trung Hoa tới miền Bắc Việt Nam.

Các dân tộc Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt

Bản đồ minh họa thềm lục địa lộ ra khi mực nước biển xuống thấp cực đại.

Địa bàn sinh sống chính của các cư dân cổ là vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông châu Giang, khi đó còn nối liền với nhau. Họ đã sinh sống ở đây được khoảng 5.000-6.000 năm, phát triển nông nghiệp lúa nước (nghiên cứu gen lúa đã chứng minh về sự thuần hóa lúa nước ở thềm lục địa này [5]), tăng trưởng nhanh chóng dân số hơn trước so với đời sống săn bắt hái lượm, tới hơn 12.000 năm trước đây, thì nước biển bắt đầu dâng trở lại, khiến cho đất đai dần dần chìm xuống biển, những di sản của họ ở những vùng này cũng biến mất. Sự kiện này buộc họ phải di cư lên phía Bắc [6], họ đã di cư rất xa lên miền Bắc với dấu tích của người Hoabinhian được phát hiện tại Nhật Bản [7], Triều Tiên [8], sinh sống cả tại vùng đồng bằng Hoàng Hà, nhưng nhóm cốt yếu của người Việt là hạ lưu Dương Tử và hồ Động Đình. Người tiền Việt ở Hoa Nam đã phát triển đời sống văn minh lúa nước [9], còn ở Hoa Bắc, thì họ trồng cả lúa và kê [10]. Người tiền Việt ở Hoa Nam đã tạo nên những nền văn hóa tiền sử rất phát triển: Cao Miếu, Hà Mẫu Độ, Lăng Gia Than, còn ở Hoa Bắc thì là các văn hóa: Hồng Sơn, Đại Vấn Khẩu, Ngưỡng Thiều.

Gen người Việt ngày nay có tỉ lệ: 60% gen Dương Tử, 30% gen Hoa Bắc (Devil’s Cave), và 10% gen Hòa Bình cổ, chứng minh cho sự hợp nhất của hai nhóm hậu duệ người Hoabinhian ở Hoa Bắc và Hoa Nam. [11]

Hai nhóm Hoa Bắc và Hoa Nam đã hợp nhất với nhau để hình thành Tộc Việt ở vùng Động Đình và hạ lưu Dương Tử, hình thành nên các đại văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà. Tới thời điểm đó, thì Hoa Bắc vẫn còn một lượng nhất định người tiền Việt sinh sống, nhưng sự xâm nhập của người du mục từ Bắc Á đã đem theo kỹ nghệ luyện kim, xe ngựa, cừu của Trung Á tràn vào Hoa Bắc và làm biến đổi một phần gen và văn hóa Hoa Bắc [12], dần dần hình thành tộc người Hoa Hạ.

Tới khoảng hơn 4000 năm trước ngày nay, thì người Việt cổ bắt đầu di cư về phía Nam [13], về Việt Nam và tản ra Đông Nam Á, trong đó bộ phận chính đã trở về Việt Nam, đây là người Việt nói tiếng Nam Á, là cốt lõi, kết hợp với người Hoabinhian ở lại sau đợt biển tiến, để từ đó dần hình thành nên người Việt Nam. Họ là những người xây dựng và phát triển các nền văn hóa cổ từ Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn. Các giai đoạn sau, thì người Việt liên tục phát triển ở vùng Hoa Nam, vẫn luôn có người sinh sống trong địa bàn của quốc gia Văn Lang. Cộng đồng Việt dần dần phát triển và hình thành nền văn hóa trống đồng, sau này chính là biểu trưng quan trọng nhất cho văn hóa chung của Tộc Việt.

b. Gen người Bách Việt là thống nhất với nhau

Các công trình nghiên cứu gen đều đã chứng minh về một cội nguồn chung của những nhóm người có gốc Bách Việt, với sự tương đồng gen hoàn toàn của người Việt Nam với nhóm Thái, và sự gần gũi của hai nhóm với người Hoa Nam mặc dù họ đã pha trộn với người Hoa Bắc di cư xuống.

Công trình nghiên cứu gen của nhóm các nhà khoa học Viện Pháp Á bao gồm Bs Trần Đại Sỹ (Việt Nam), Gs Tarentino (Ý), và Gs Varcilla Pascale (Pháp) tiến hành khảo sát, nghiên cứu những bộ xương cổ, đồng thời kiểm tra máu của 35 dòng họ tại Hoa Nam và Việt Nam, đối chiếu với các dòng họ Hoa Bắc, cũng như tiến hành khảo sát y phục, mồ mả, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: cư dân Hoa Nam, từ miền Nam Dương Tử tới miền Trung Việt Nam, Lào, Thái đều cùng một chủng tộc, huyết thống, hoàn toàn khác biệt với cư dân Hán Hoa Bắc.

Công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy cư dân gốc Bách Việt như Kinh Việt, Tày, Nùng, Choang, Mường, Thái, Hán Hoa Nam… có hệ gen gần nhau và khác biệt so với Hán Hoa Bắc.

Ngoài ra, công trình nghiên cứu gen của Đài Loan cũng đã xác nhận rằng người Mân Nam và Hakka có nguồn gốc gần gũi với người Việt, Thái, hoàn toàn khác với người Bắc Á, mặc dù họ đã có sự pha trộn với người Hán Hoa Bắc di cư xuống:

Công trình của Gs Lâm Mã Lý nghiên cứu di truyền trên hệ thống miễn nhiễm ở nhiễm sắc thể 6 qua máu của các dân Mân Nam (Hoklo), Hakka và các mẫu máu từ nhiều nước. Kết quả cho thấy người Mân Nam và Hakka rất gần với người Việt, Thái và các dân thuộc chủng Mongoloid Nam Á, khác xa với người Hán thuộc chủng Mongoloid Bắc Á. Giáo sư Lâm Mã Lý cho rằng người “Đài Loan” thuộc dân Mân Việt chứ không phải dân tộc Hán, mặc dù đã có sự pha trộn trong lịch sử với người Hán di cư đến từ phương Bắc.

Gen người Việt thống nhất với nhau, còn về mặt nhân chủng học, thì người Bách Việt phương Nam và hậu duệ của họ, tất cả đều thuộc chủng Mongoloid, chủng này được chứng minh có nguồn gốc hoàn toàn từ phương Nam, là những người di cư từ Đông Nam Á lên, công trình đầu tiên của nhóm Gs. J. Y. Chu đã khởi đầu cho nhận thức này, sau đó được công trình của tổ chức HUGO xác nhận:

Tổ chức bộ gien người HUGO (Human Genome Organisation) đã công bố công trình mang tính bước ngoặt Vẽ bản đồ đa dạng di truyền người châu Á trên tạp chí Science danh tiếng ngày 11/12/2009. Nghiên cứu chi tiết trên 64.794 kiểu biến thiên hình thái gien của 1928 người thuộc 73 sắc dân khắp châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á (để so sánh), các nhà khoa học quốc tế của HUGO kết luận, hơn 90% thể đơn bội gien người Đông Á tìm thấy ở người Đông Nam Á hoặc người Nam Trung Á, và sự đa dạng giảm dần từ phía Nam lên phía Bắc. Ngoài ra, 50% thể đơn bội chỉ tìm thấy ở người Đông Nam Á và 5% chỉ tìm thấy ở người Nam Trung Á cho thấy, người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á. Công trình này là một bước tiến lớn so với công trình của Chu và đồng sự 11 năm trước, khi định lượng hóa được phần đóng góp của dòng gien Đông Nam Á đối với vốn gien tại Đông Á (khoảng 80 – 90%). [Đỗ Kiên Cường]

– Người Bách Việt cũng có sự thống nhất về chỉ số sọ và kiểu răng:

Các nhà khoa học Khảo Tiền sử thuộc trường Viễn Đông Bác cổ đã đo chỉ số sọ trung bình của người Việt là 82,13. Dung lượng sọ Việt là 1341,48 và tính cách sọ Việt Brachycephal nghĩa là Sọ tròn trong khi chỉ số sọ của người Hán ở Hoa Bắc là 76,51 và thuộc loại sọ dài có dung lượng sọ là 1440. Chỉ số sọ trung bình của dân Hoa Nam và Hoa Đông là 81,22 và thuộc loại sọ tròn. Theo khoa Nhân chủng học thì cư dân Hoa Bắc và Hoa Nam là hai chủng tộc khác nhau vì sọ của 2 nhóm cư dân này cách biệt trên 2 chỉ số có nghĩa là thuộc 2 chủng khác nhau. Người Hoa Bắc có chỉ số sọ 76,56 gần gũi với sọ cổ người Cam Túc tức người Hán cổ (76,70). Sọ người Hán và sọ Việt cách nhau hơn 5 chỉ số (5,57) và giữa người Hoa Nam và Hoa Bắc tuy cũng gọi là người Trung Quốc nhưng rất khác biệt nhau vì chỉ số sọ cách nhau hơn 4 chỉ số (81-76,56=4,44). Như vậy Hán tộc và Việt tộc thuộc 2 nhân chủng khác nhau và sọ người Hoa Nam và Người Việt cách biệt không quá 2 đơn vị nghĩa là cùng một chủng tộc, mặc dù Hoa Nam đã có sự pha trộn với người Hoa Bắc. [Phạm Trần Anh]

Khảo cổ cũng phát hiện răng kiểu Sundadont phổ biến khắp Đông Nam Á xưa được cho là có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực Nam Dương Tử – Bắc Đông Dương, hoàn toàn khác với kiểu Sinodont Mongoloid phương Bắc [Turner, C.G. 1989], thậm chí còn được cho là tổ tiên của kiểu răng Sinodont phương Bắc. Có thể thấy, cách phân nhóm này khá tương đồng với kết quả nghiên cứu di truyền học của Bowles (1977) [dẫn trong Luca Cavalli-Sforza L. 1994: 223], thể hiện rõ nét chất Mongoloid phương Nam của Bách Việt cổ. [Nguyễn Ngọc Thơ]

– Về hệ ngữ, thì Bách Việt (Tộc Việt) bao gồm các hệ ngữ: Nam Á, Tai-Kadai, Nam Đảo, các hệ ngữ này phát triển từ cùng một gốc là hệ ngữ Proto-Austric (khái niệm của Benedict) của người Hoabinhian, trong đó nhóm Nam Đảo tách ra khỏi Tộc Việt sớm nhất, đi xuống vùng Đa Đảo, nhóm Nam Á là nhóm Việt sống vùng dọc sông Dương Tử, Động Đình, bờ biển Hoa Nam tới miền Bắc Việt Nam (đây là nhóm cốt yếu của tộc Việt), còn nhóm Tai-Kadai là nhóm trên núi, sống sâu trong vùng nội địa Hoa Nam. Hai nhóm ngôn ngữ tuy có phần khác nhau, nhưng vẫn cơ bản hiểu được nhau. Và khác hệ ngữ vẫn cùng một dân tộc không phải là hiếm trên thế giới, có vài trường hợp như ở Ý và ở Ấn Độ, các nhóm dân nói thứ tiếng khác nhau vẫn là cùng một dân tộc. Tính thống nhất không bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt hệ ngữ. [14]

2. Cơ sở thống nhất từ trống đồng

Trống đồng có vùng phủ rộng khắp Việt Nam, Hoa Nam và Đông Nam Á. Trống không phải là đồ vật bình thường, mà là vật có tính thiêng, vật thờ trời, biểu trưng cho quyền lực chính thống của người Việt. Kết cấu, hình dạng hoàn toàn tương đồng với nhau ở toàn vùng Bách Việt, các trống đều cùng một motif hoa văn trang trí.

Quyền lực được thể hiện rất rõ ràng trên những chiếc trống, với những chiếc to, đẹp tinh xảo nhất tập trung ở miền Bắc Việt Nam, nơi đây cũng được các nhà khảo cổ cho rằng là nơi tập trung quyền lực, nơi những chiếc trống được truyền đi các nơi khác [Loofa-Wissowa], các vùng Bách Việt khác thì trống thường nhỏ hơn, tượng trưng cho quyền lực thấp hơn.

Bên cạnh đó, trống còn là vật biểu trưng tôn giáo, nằm trong hệ “tôn giáo trống” của người Việt, đó là tôn giáo thờ Trời, với hoạt động tế trời được tiến hành với sự tham gia của toàn dân, [Pearson và Quaritch-Wales, dẫn lại trong Tạ Đức, tr.253], thay vì là quyền lợi dành riêng cho vua và quý tộc như Hoa Bắc.

Bản đồ phân bố trống đồng. [Bản đồ theo Trung Quốc Cổ đại Đồng cổ Nghiên cứu hội, Bắc Kinh, Wenwu Press, 1988. [15]

Thành phần chất liệu của trống đồng ở Hoa Nam, Việt Nam, Lào, Thái là gần giống nhau:

     Ðồng53%
     Thiếc 15-16%
     Chì17-19%
     Sắt4%
     Một ít vàng bạc
Trống đồng Việt Nam, Quý Châu, Thượng Hải, Vân Nam, Quảng Tây
Trống đồng Việt Nam, Quý Châu, Thượng Hải, Vân Nam, Quảng Tây

Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc đã từng tranh cãi về nguồn gốc của trống đồng, nhưng cuộc tranh cãi cơ bản là không cần thiết, vì trống được tạo ra và sử dụng cùng bởi một tộc người. Sự xuất hiện của trống gần trùng khớp với địa bàn Bách Việt chứng minh cho chúng ta thấy tính đồng nhất của văn hóa Việt.

Xem thêm : Chính xác có bao nhiêu đời vua Hùng? 18 đời vua Hùng có đúng là sự thật?

3. Văn hóa của người Bách Việt

Văn hóa Bách Việt có tính thống nhất, nó được các nhà nghiên cứu xếp vào cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Dấu ấn vẫn còn đậm nét ở vùng miền Bắc Việt Nam, Hoa Nam và vùng Đông Nam Á, địa bàn nơi người Bách Việt sinh sống và di cư tới.

Người Bách Việt xưa được nhận diện thông qua hàng loạt các dấu hiệu quan trọng trong dân tộc học, khảo cổ học như:

Trong văn hóa tinh thần: huyền thoại mang nét lưỡng hợp, nguyên lý Mẹ, thờ tổ tiên, tín ngưỡng đa thần, dùng thuyền rồng tế bái thủy thần, dùng kê bốc, xà bốc..;

Trong văn hóa tổ chức xã hội: tổ chức đời sống theo thôn làng, liên làng rồi lên nhà nước, làm nông nghiệp lúa nước, coi trọng vai trò phụ nữ..;

Trong văn hóa vật chất: cắt tóc xăm mình, búi tóc, ở nhà sàn, thức ăn thiên về thủy sản, phụ nữ mặc váy, nhuộm răng đen, thạo dùng thuyền và giỏi đi biển, chế tác đồ sứ mang hoa văn kỷ hà (geometric pottery, 几何 印纹陶), sử dụng bôn có nấc (rìu có mấu, stepped adze, 有段石锛) và bôn có tay cầm (rìu có vai, shouldered adze, 有肩石锛), sính trân châu (vùng Hợp Phố – Lôi Châu ở Lĩnh Nam, khác với truyền thống sính kim ngọc phương Bắc), tả nhậm… [Nguyễn Ngọc Thơ] [16]

Tác giả Joseph Needham, trong tác phẩm Science and Civilization in China, đã tóm lược 25 đặc điểm đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa Bách Việt [17]:


1 – Văn hóa biển và sông nước
2 – Kỹ thuật đóng tầu dài
3 – Đặc điểm nhà làng để cho dân tụ tập sinh hoạt
4 – Tục đua thuyền
5 – Huyền thoại con rồng
6 – Thờ phụng loài rắn
7 – Tục linh thiêng hóa ngọn núi
8 – Đặc thù về giống chó
9 – Văn minh trống đồng
10 – Thuật dùng nỏ bắn bằng tên
11 – Phép làm quần áo bằng vỏ cây
12 – Tục xâm mình
13 – Đốt rừng làm rẫy
14 – Hội về mùa xuân và mùa thu cho trai gái vui chơi để tự do lựa vợ kén chồng
15 – Văn minh trồng lúa nước
16 – Thuật đào mương dẫn nước
17 – Thuật làm nương rẫy
18 – Phép thuần hóa trâu để cầy
19 – Tục thờ cúng ông bà
20 – Tục giết heo để cúng bái
21 – Tục cầu tự
22 – Thuật làm khí giới có chất độc
23 – Thuật trồng cây tre và sử dụng dụng cụ bằng tre
24 – Kỹ thuật đúc sắt
25- Kỹ thuật làm sơn mài

Jeffrey Barlow cũng nhắc đến ý kiến của các học giả Trung Hoa hiện đại nói về đặc trưng của văn hóa Bách Việt. Yu Tianjin và đồng nghiệp nêu 9 đặc trưng của văn hóa Bách Việt là:


1 – Tục cắt tóc ngắn và xâm mình
2 – Kỹ thuật làm nhà sàn
3 – Tục mặc quần ngắn hay váy ngắn, đội khăn
4 – Sử dụng trai, sò và các động vật lưỡng tính (vừa ở trên cạn vừa ở dưới nước) làm thực phẩm chính
5 – Nhổ răng (?)
6 – Truyền thống đàn ông tham dự vào tiến trình sinh nở và săn sóc hài nhi để đàn bà được sớm ra làm đồng
7- Đúc trống đồng và sử dụng trống trong những dịp cúng tế
8 – Tục bói bằng xương, đặc biệt xương gà
9 – Tín ngưỡng vật tổ, đặc biệt đối với chim, rắn

Chen Guoqiang và đồng nghiệp thêm vào bảng trên 4 đặc trưng văn hóa sau:


1 – Tục mai táng theo thế bó gối
2 – Chuyên sử dụng thuyền bè và giỏi hải chiến
3 – Sản xuất gốm và sứ theo dạng hình học
4 – Có kỹ thuật dệt vải phát triển [18]

Đặc điểm của văn hóa Bách Việt thống nhất trong toàn vùng Việt. Người Hoa Nam ngày nay, mặc dù đã bị đồng hóa, tự nhận mình là người Hán, nhưng đặc điểm văn hóa của họ vẫn rất đậm nét dấu ấn của văn hóa Bách Việt [Nguyễn Ngọc Thơ]. Những đặc điểm của văn hóa Bách Việt cổ cũng được người Việt ngày nay và các dân tộc thiểu số anh em giữ gìn trong suốt hơn 2000 năm kể từ ngày cộng đồng Việt tan rã, tới ngày nay chúng ta vẫn có thể nhận thấy được sự tương đồng trong văn hóa của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng Bách Việt.

Văn hóa Bách Việt cổ được giới hạn trong vùng Nam Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam, nhưng vùng ảnh hưởng của nó thì lại rộng hơn thế. Văn hóa Bách Việt ảnh hưởng sâu rộng tới cả vùng Nam Đảo, ở đây là hệ ngữ di cư từ Đài Loan, Hoa Nam, nên có nhiều nét chung với cộng đồng Bách Việt. Trống đồng cũng được truyền trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam tới vùng này.

Học giả Andréas Lommel trong tác phẩm “Tiền sử” đã ghi nhận như sau: “Tất cả miền đất mênh mông từ Thái Bình Dương trở lên đến Hoa Nam Trung Quốc đều có cùng một nền văn hóa. Đảo Bornéo ở Nam Dương (Indonesia) cũng có cùng nghệ thuật như miền sông Hoài thuộc Giang Tô miền Nam nước Ngô thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đặc tính văn hóa gắn liền với môi trường sinh sống của thực vật và động vật từ trầu cau, cây dâu đến heo, gà, công. Các phong tục tập quán từ nhuộm răng ăn trầu, xâm mình, cà răng đến lễ hội mừng nước, đua thuyền, vai trò quan trọng của trống đồng và cồng chiêng trong các lễ hội dân gian. Đó là khu vực văn hóa Trống đồng của cộng đồng Bách Việt từ Nam Trung Quốc, Đài Loan, Hải Nam tới Đông Dương gồm Việt, Miên, Lào, Thái Lan xuống tới bán đảo Mallacca, Mã Lai (Malaysia), Nam Dương (Indonesia), Phi Luật Tân (Philippine), Guinée, quần đảo Micronesia và Pâques”.

Tuy nhiên họ đã hợp chủng với người Australoid bản địa đông hơn để hình thành người Nam Đảo ngày nay, nên họ chỉ còn lưu giữ văn hóa Bách Việt cổ, không thể nói rằng cùng một nền văn hóa với người Việt.

– Sự thống nhất của văn hóa Bách Việt trong thực tế khảo cổ học:

Về mặt văn hóa tinh thần, người Bách Việt thống nhất trong đa dạng. Còn trong thực tế khảo cổ học, mặc dù người Trung Quốc rất hạn chế khai quật các di chỉ tại vùng Hoa Nam, nhưng sự thống nhất của văn hóa Việt cũng được thể hiện tương đối rõ ràng qua những di vật khảo cổ đã được khai quật.

– Bài Đông Quân của Khuất Nguyên, được ghi lại vào khoảng thế kỷ 3 TCN, nằm trong tập Cửu Ca, bộ Sở Từ, theo phát hiện của Lăng Thuần Thanh (Ling Shun Sheng), giáo sư đại học Đài Loan, thì nó giống hệt với những hình ảnh được khắc họa trên trống Đông Sơn của người Lạc Việt. Văn hóa đất Hồ Nam cho tới thời của Khuất Nguyên, vẫn là văn hóa của người Việt, nơi đó cũng là nơi của người Lạc Việt sinh sống, giống hệt với văn hóa của người Lạc Việt ở đất Việt Nam.

Rìu lưỡi hài của vùng Hồ Nam (hiện được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Hồ Nam) và của văn hóa Đông Sơn Lạc Việt (nằm trong bộ sưu tập của Kiều Quang Chẩn).
Hai cán dao găm, một của văn hóa Đông Sơn Lạc Việt, và một của vùng Hồ Nam. [Nguồn: bảo tàng tỉnh Hồ Nam]
Ngoài ra tại Hồ Nam còn tìm thấy nhiều rìu cân xòe và rìu xéo khác. [Trình Năng Chung]

– Đó là phía Bắc, còn ở phía Tây Nam, vùng Vân Nam phía Tây nước Văn Lang, chúng ta cũng để ý tới văn hóa Điền Việt, theo các nhà nghiên cứu, thì văn hóa Điền Việt là ruột thịt với văn hóa Đông Sơn của người Lạc Việt, tức là cùng một nền văn hóa:

Học giả Mỹ Chiou Peng (2008 a: 34) về Điền Việt và Đông Sơn: “Những tư liệu tích lũy hơn nửa thế kỷ qua khẳng định những hiện vật tương đồng từ vùng Đông Sơn và Vân Nam thuộc về hai nền văn hóa anh em trong một vùng văn hóa của người Việt ở bán đảo Đông Dương và Tây Nam Trung Quốc”. Nhà khảo cổ học Việt Nam Chử Văn Tần (1980/2003) đã xác định một loạt các yếu tố tương đồng Điền – Đông Sơn, ngoài trống đồng còn có lưỡi cày hay cuốc hình tim, lưỡi liềm, dao gặt, bàn chải bầu dục, dao găm, kiếm ngắn, rìu lưỡi cân hoa văn hình vảy cá, muôi hình quả bầu, tên đồng mặt cắt tam giác .v.v.

– Bên cạnh đó, văn hóa Điền và văn hóa Đông Sơn còn chia sẻ đặc điểm chung với các văn hóa cùng thời ở Hồ Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quí Châu một loạt các lễ khí như qua ngắn có hình người – ếch, dao găm cán hình người, rìu hình hia, chuông tai dê, chiêng, nồi hình trống. [Tạ Đức]

Rìu cân xòe Đông Sơn và những chiếc rìu cân xòe tương đồng được phát hiện tại huyện Chủng và thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Mộ thân cây khoét rỗng, hay mộ hình thuyền tại Phúc Kiến và Đông Sơn.

– Về phía Bắc Quảng Tây, giáp Hồ Nam, thuộc vùng tâm của đất Việt tại Hoa Nam: tại di chỉ núi Ngân Sơn Lĩnh, huyện Bình Lạc, tỉnh Quảng Tây, giáp với vùng Hồ Nam, là nơi phát hiện ra một khu mộ với 165 ngôi mộ, với 110 ngôi mộ cùng thời Đông Sơn. Trong số 1044 hiện vật khai quật được, có nhiều hiện vật có dấu ấn Đông Sơn đậm nét: những dao găm cán chắn tay ngang, giáo lưỡi hình tam giác, lưỡi hình lá, nhóm rìu xoè cân (hơn 10 chiếc), nhóm rìu hình lưỡi xéo với đầy đủ các tiểu loại tìm thấy ở rìu lưỡi xoè và lưỡi xéo Đông Sơn. Ở đây cũng tìm thấy công cụ lao động bằng sắt, cũng như khuyên tai 4 mấu bằng đá ngọc giống với các văn hóa Đông Sơn và tiền Đông Sơn. [Trình Năng Chung]

Thạp đồng Đông Sơn tại bảo tàng Barbier-Mueller, và thạp đồng tại bảo tàng Nanshan, Thâm Quyến, Trung Quốc.

– Tại vùng Nam Ninh, giáp biên giới với Việt Nam, cũng có sự tương đồng với di vật của văn hóa Đông Sơn: Tại thôn An Đẳng Ương thuộc thôn Mã Đầu, huyện Vũ Minh, thành phố Nam Ninh, gần với biên giới Việt Nam, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật 86 ngôi mộ, trong số các di vật đồng, thì nhóm rìu lưỡi xoè cân có số lượng lớn nhất, tiếp đến là nhóm mũi tên, nhóm giáo đồng và rìu lưỡi xéo gót tròn mang đặc trưng Đông Sơn. Ngoài ra còn 5 chiếc chuông hình thang cân, 10 chiếc vòng tay bằng đồng có khắc hoa văn chữ S, đặc trưng của Đông Sơn. Ngoài ra thì còn tìm thấy cuốc sắt giống với di vật Đông Sơn, trang sức bằng đá gồm vòng tai với mặt cắt hình thang và khuyên tai 4 mấu. [Trình Năng Chung]

Rìu lưỡi hài tìm thấy tại Quảng Tây và Quảng Đông.

Qua những dẫn chứng ở trên, ở từng vùng Bách Việt, có thể thấy cộng đồng Bách Việt không chỉ thống nhất về mặt văn hóa tinh thần, mà còn tương đồng về mặt văn hóa vật chất, với biểu hiện là di vật khảo cổ, với nhiều di vật đồng nhất với nhau trên diện rộng. Nhìn một cách toàn thể, kết hợp với những chiếc trống đồng, thì chúng ta cũng có thể thấy được sự thống nhất trong đa dạng về mặt văn hóa của cộng đồng Bách Việt.

III. Nguồn gốc, ý nghĩa và lịch sử của tên “Việt”

1. Nguồn gốc và ý nghĩa của tên “Việt”:

Tên Việt linh thiêng của cộng đồng Việt, có nguồn gốc từ xa xưa, bắt nguồn từ hình ảnh chiếc rìu của văn hóa Đại Vấn Khẩu và Lương Chử, sau đó được cư dân văn hóa Thạch Gia Hà kế thừa, phát triển thành hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu, đội mũ lông chim (số 15, hình dưới) trên bình gốm trong ngôi mộ của một thủ lĩnh văn hóa Thạch Gia Hà (hình ảnh này được kế thừa trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, rất phổ biến hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu tương tự văn hóa Thạch Gia Hà). Chữ Việt được phát triển lên từ hình ảnh đó. Ý nghĩa biểu tượng người cầm rìu ngọc là vượt lên trên (người khác), giống với ý nghĩa chữ Việt (vượt) ngày nay chúng ta đang dùng. Tên “Việt” theo nghĩa thông thường là tộc những người sử dụng rìu lễ khí và biểu thị quyền lực, nghĩa bóng là vượt qua.

Chữ Việt từ đó gắn liền với cộng đồng Bách Việt qua hơn 2000 năm lịch sử, sau đó được kế thừa và giữ gìn cho tới ngày nay bởi người Việt ở miền Bắc Việt Nam. Đó là tên gọi phát triển có hệ thống, tính kế thừa từ di sản xa xưa của người Việt, không phải là tên mà người Hán áp đặt lên toàn bộ cộng đồng Việt phương Nam.

2. Lịch sử của tên gọi Việt

Người Việt có tên gọi Việt thống nhất trong hơn 4000 năm lịch sử, nhưng qua từng giai đoạn khác nhau, tên gọi của người Việt lại có sự thay đổi về tên đệm, cả trong tên tự xưng và tên được người Hoa Hạ gọi, hai cách gọi này được thể hiện khá rõ trong cổ sử Trung Hoa:

a. Các tên tự xưng: 

– Đầu tiên là Việt Thường, được sử dụng trong giai đoạn hơn 4000 năm trước, với đoạn sử được ghi lại trong Thông chí của Trịnh Tiều thời Tống (1127-1279): “Đời Đào Đường, phương Nam có Việt Thường thị qua hai lần sứ dịch sang chầu, dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn Khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là quy lịch.”. Đây là tên tự xưng đầu tiên của người Việt, tên Việt Thường được sử dụng để gọi sứ giả của đất Việt tới thông giao với vua Nghiêu.

– Sau là Lạc Việt, được sử dụng bắt đầu từ giai đoạn nhà Chu, với đoạn sử trong sách Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 519 – 581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu”. tới thời Chu thì danh xưng bắt đầu chuyển sang Lạc Việt. [25]

b. Các tên được gọi bởi người Hoa Hạ: 

– Nhà Hạ gọi cộng đồng người Việt là Vu Việt 于越.

– Nhà Thương gọi là Man Việt 蛮越 hoặc Nam Việt 南越.

– Tới thời Chu thì tên Dương Việt 扬越 được người Hoa Hạ sử dụng để gọi cộng đồng Việt, tên Dương Việt được sử dụng tới thời nhà Sở (400BC): Cuốn Chiến Quốc Sách có ghi sự kiện Ngô Khởi “Nam công Dương Việt” (tấn công Dương Việt phía Nam) thời Sở Điệu Vương (楚悼王) (đây là đoạn sử ghi lại thời điểm Sở đánh xuống phía Tây của đất Việt).

Các tên gọi trên đều thể hiện sự thống nhất của cộng đồng Việt, đều được dùng để chỉ một cộng đồng chung rộng lớn.

– Tới thời Tần, bắt đầu xuất hiện tên gọi Bách Việt, với ý nghĩa thể hiện sự phân lập của cộng đồng người Việt, được ghi đầu tiên trong sách Lã Thị Xuân Thu: “Dương Hán chi nam, Bách Việt chi tế” nghĩa là “phía nam đất Hán là đất Bách Việt.”

Như chúng tôi đã chứng minh, thì người Việt không phân lập, mà họ là cộng đồng cùng một chủng tộc, một văn hóa, và họ cũng cùng một quốc gia, đó chính là quốc gia của các vua Hùng.

IV. Quốc gia của người Bách Việt

1. Quốc gia của người Bách Việt

Cơ sở về gen như chúng tôi chứng minh ở trên, thì đã vững vàng, đủ chứng tỏ rằng người Bách Việt xưa kia là một chủng tộc lớn sinh sống khớp với địa bàn của quốc gia Văn Lang, hậu duệ của họ ngày nay đều sinh sống hoặc có nguồn gốc từ địa bàn đó. Họ cùng một văn hóa, có thể cùng một dân tộc, và người Việt từng có một quốc gia chung, là quốc gia của vua Hùng, điều này được ghi nhận trong sách sử của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Về sách sử Việt Nam, thì điều này được ghi lại trong sách Lĩnh Nam Chích Quái và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:

Lĩnh Nam Chích Quái chép lại như sau:

Cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh, gặp nàng vụ tiên (nàng tiên đẹp, cần mẫn, nết na), lấy nhau sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục có thánh đức, Đế Minh muốn truyền ngôi. Lộc Tục cung khiêm, không dám nhận. Đế Minh bèn truyền ngôi cho con trưởng là Đế Lai làm vua phương Bắc, phong Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục xưng là Kinh Dương vương (vua châu Kinh và châu Dương), đặt quốc hiệu là Xích Quỷ. Nước Xích Quỷ bắc giáp Động Đình hồ, nam giáp nước Hồ Tôn, tây giáp Ba Thục, đông giáp bể Nam Hải. Vua lên ngôi năm Nhâm Tuất (2879 trước kỷ nguyên Tây lịch).

Kinh Dương vương kết hôn với nàng Long Nữ con gái vua xứ Động Đình sinh ra Sùng Lãm.

Sùng Lãm nối ngôi, xưng Lạc Long Quân, kết hôn cùng nàng Âu Cơ, con gái vua Đế Lai, sinh được trăm trứng, nở thành trăm con trai. Một hôm Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là dòng dõi rồng, nàng là dòng dõi tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm trai, nàng hãy dẫn 50 con lên núi, ta dẫn 50 con xuống miền Nam Hải. Dù ở đâu cũng không được bỏ nhau.”

Con trưởng được dựng làm vua, đổi quốc hiệu là Văn Lang, xưng là Hùng vương, đóng đô ỡ Châu Phong. Các vua nối tiếp đều xưng là Hùng vương, truyền được 18 đời, đến năm Quý Mão (258 trước kỷ nguyên Tây lịch) thì mất về nhà Thục.

Một trăm con trai của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ là tổ của Bách Việt.”

Về địa giới nước Văn Lang, do được kế thừa từ quốc gia Xích Quỷ, nên địa giới cũng tương tự như vậy:

Vua Kinh Dương lấy con gái vua Động Đình là Long Nữ đẻ ra thái tử Sùng Lãm. Thái tử Sùng Lãm lại kết hôn với công chúa Âu Cơ con vua Đế Lai. Khi vua Kinh Dương băng hà thái tử Sùng Lãm lên nối ngôi vua tức vua Lạc Long, đổi tên nước là Văn Lang. Nước Văn Lang Bắc tới hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông.”

Về sách sử Trung Quốc, thì có sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801) đã ghi lại: Từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam, ngang với đời Đường Ngu và Tam Đại là (một) nước man di.” (Tự Lĩnh nhi nam đương Đường Ngu Tam Đại vi man di chi quốc)

Sách được viết vào thời Đường, cách sử Việt được ghi lại vào thời Trần hơn 500 năm, cũng xác nhận về sự tồn tại của một nước của người Việt, ngang với Đường Ngu, chứng tỏ cộng đồng Việt đã có một quốc gia thống nhất ngay từ thời điểm hơn 4200 năm trước. Biên giới của người Việt còn lên tới hồ Động Đình chứ không chỉ tới Ngũ Lĩnh, đồng nhất với địa danh Giao Chỉ, và cũng phù hợp với các văn hoá Lương Chử, Thạch Gia Hà, tại các văn hoá này, các nhà nghiên cứu đã chứng minh sự xuất hiện của một nhà nước có văn tự.

Địa giới của nước Văn Lang có thể còn rộng hơn trong sử sách ghi lại, với những bằng chứng được nêu ra sau đây, do tác giả Phan Anh Dũng khảo cứu và tổng hợp:

– Mặt phía Đông giáp biển Đông Hải, và nam giáp nước Hồ Tôn thì coi như đã rõ ràng.

– Về mặt phía Bắc, địa giới được xác định tới hồ Động Đình. Theo Lăng Thuần Thanh, thì vùng Hồ Nam, ngay phía dưới hồ Động Đình là đất của người Lạc Việt, khi ông xác định những hoạt động của người vùng này được ghi lại trong bài Đông Quân của Khuất Nguyên giống hệt với những họa tiết được khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ của người Lạc Việt. Thế nhưng, người Việt có thể còn sinh sống xa hơn hồ Động Đình:

Theo sách Hậu Hán Thư, truyện Tang Cung, thì người Lạc Việt từng cư trú ở tận huyện Trung Lư, thủ phủ là Tương Dương – Phàn Thành, thuộc tỉnh Hồ Bắc, chứ không chỉ tới hồ Động Đình: “Năm thứ 11 (đời Hán Quang Võ, tức năm 35, trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng 5 năm) Tang Cung đem binh đến huyện Trung Lư (sau là huyện Nam Chương thủ phủ là Tương-Phàn Thị tức Tương Dương và Phàn Thành), đóng đồn (trên đất cư trú của người) Lạc Việt. Lúc đó Công Tôn Thuật (thế lực cát cứ đang chiếm đất Thục) sai tướng Điền Nhung, Nhiệm Mãn ra cự địch với Chinh nam đại tướng quân Sầm Bành ở Kinh môn, Bành nhiều lần đánh mà không thắng (sau Bành bị quân thích khách của Thục giết!), người Việt do đó muốn làm phản theo Thục, Cung binh ít, không đủ lực lượng khống chế.”

– Về mặt phía Tây giáp Ba Thục, thì Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, vùng đất xưa của Ba Thục, có tỉ lệ gen M88 là 11,8% (theo Xue, 2006), tức khoảng 1,18 triệu trong số 10 triệu người Thành Đô có gốc gác M88, M88 là nhóm gen (haplogroup) đặc trưng của người Việt (Kinh). Có nghĩa địa bàn sinh sống của người Bách Việt còn tràn sang cả phần đất Ba Thục, không chỉ ở vùng giáp ranh với Ba Thục.

Nếu lấy kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang để định hướng thì Ba Thục lại ở hướng Bắc, nên khi nói phía Tây giáp Ba Thục, thì khi đó đất trung tâm của người Lạc Việt có thể là vùng hồ Động Đình, như vậy sự định hướng sẽ hợp lý và chính xác hơn. Trung tâm của người Việt thời kỳ đó theo huyền sử và khảo cổ học cũng chính là hồ Động Đình, là nơi có văn hóa Thạch Gia Hà, văn hóa thời đá mới rất rực rỡ của tộc Việt, niên đại của văn hóa Thạch Gia Hà cũng gần trùng với mốc thành lập của quốc gia Văn Lang trong huyền sử. Giới hạn phía Tây của văn hóa Thạch Gia Hà cũng giáp với vùng Tứ Xuyên ngày nay.

Qua đây chúng ta có thể thấy được cơ sở thực tế của địa giới được ghi trong huyền sử của dân tộc Việt.

– Giao Chỉ ứng với địa giới thực tế của quốc gia Văn Lang trong từng thời kỳ:

Giao Chỉ là một địa danh gắn với cộng đồng người Việt rất lâu dài, chúng tôi nhận thấy rằng Giao Chỉ cũng là một khái niệm thể hiện sự thay đổi lãnh thổ của quốc gia Văn Lang trong từng thời kỳ.

Giao Chỉ lần đầu tiên được ghi lại qua danh từ “Nam Giao” trong các sách Thượng Thư, thiên Nghiêu Điển và Sử Ký, mục Đế Nghiêu, xuất hiện vào thời vua Nghiêu (2356-2255 TCN), theo Tư Mã Trinh thì Nam Giao cũng là Giao Chỉ.

Hàn Phi Tử thiên Thập quá: “Ngày xưa vua Nghiêu có thiên hạ, ăn bằng bát đất (quỷ), uống bằng liễn đất (hình), địa giới phương nam đến đất Giao Chỉ, phương Bắc đến đất U Đô, phương đông, phương tây đến tận nơi mặt trời lặn mọc, tất thảy đều phục tùng.”

Khi đó, nhà Hạ của Nghiêu, Thuấn có lãnh thổ nằm ở vùng Hoa Bắc, đất Giao Chỉ được ghi lại trong sách Hàn Phi Tử khi đó tiếp giáp vùng của nhà Hạ kéo dài tới vùng Động Đình, Dương Tử. Lãnh thổ của đất Việt thời kỳ đó cũng tương ứng với Giao Chỉ, miền Bắc cũng tới hồ Động Đình.

Tuy nhiên giai đoạn nhà Thương, thì người Việt mất đất Dương Tử, Động Đình (Hồ Bắc) vào tay nhà Thương, tới thời Chu, thì đất Việt là phần lãnh thổ còn lại ngoại trừ các vùng đã mất.

Dư địa chí của Cố Dã Vương đã viết như sau:  交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu”. 

Tới thời nhà Tần, thì đất Việt chỉ còn lại vùng Lưỡng Quảng, miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam, Giao Chỉ: Tần thời viết Tây Âu, thể hiện sự thu hẹp tương ứng của khái niệm Giao Chỉ với lãnh thổ của nước Văn Lang, khi đó là nước Tây Âu, đó là nước mà An Dương Vương đã lập nên sau khi giành ngôi của vị vua Hùng cuối cùng.

Tới khi nhà Tần chiếm được Lưỡng Quảng, đất Việt chỉ còn lại vùng miền Bắc Việt Nam, thì khái niệm Giao Chỉ cũng bị thu hẹp lại, được dùng để chỉ vùng miền Bắc Việt Nam. Sau đó Triệu Đà, quan đô hộ nhà Tần lập nên quốc gia Nam Việt, lập ra quận Giao Chỉ tương ứng với miền Bắc.

Tới thời nhà Hán, thì Giao Chỉ được dùng với 2 khái niệm: Giao Chỉ bộ, chỉ toàn bộ vùng đất Tây Âu cũ (Lưỡng Quảng, miền Bắc Việt Nam, Hải Nam), Giao Chỉ quận, dùng để chỉ các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Có thể thấy khái niệm Giao Chỉ được sử dụng tương đồng với sự thay đổi địa giới của quốc gia Văn Lang. Phải chăng Giao Chỉ là khái niệm tương đương với vùng đất, và có ý nghĩa nào đó quan trọng với người Việt?

– Huyền sử Hồng Bàng và nhà nước của người Việt cổ trên cơ sở thực tế khảo cổ học

Huyền sử Hồng Bàng không đơn thuần chỉ là huyền thoại, mà còn là bản sử ghi lại giai đoạn văn hiến đầu tiên của người Việt. Không gian diễn ra của nó là vùng Động Đình, Dương Tử, đây cũng là nơi có hai đại văn hóa thời đá mới: Lương Chử, Thạch Gia Hà, và đây chính là cơ sở để có thể khẳng định được: huyền sử Hồng Bàng là sự thật!

Tại vùng văn hóa Lương Chử ở hạ lưu sông Dương Tử, các nhà khảo cổ thế giới đã chứng minh là nơi có thể có nhà nước sớm nhất ở Đông Á, có xã hội phân tầng phức tạp với ít nhất 4 tầng lớp [26][27], có hệ thống thủy lợi sớm nhất thế giới với hệ thống đập, đê, mương dẫn nước, cung điện [28]. Cùng với đó là một hệ thống ký hiệu phức tạp và một số đã trở thành chữ viết dù công việc khảo cổ mới thực hiện được khoảng 10% [29]. Nơi đây có thể chính là kinh đô của quốc gia Xích Quỷ của Kinh Dương Vương, bởi thời điểm thành lập quốc gia Xích Quỷ của Kinh Dương Vương là vào khoảng 4879 năm cách ngày nay, còn niên đại của văn hóa Lương Chử là vào khoảng 5400 – 4250 cách ngày nay. Gần như trùng khớp với thời điểm thành lập của quốc gia Xích Quỷ.

Sau đó, thì trung tâm của Tộc Việt lại được chuyển về vùng Động Đình, với văn hóa Thạch Gia Hà, nơi đây cũng chính là nơi là Kinh Dương Vương đã gặp Long Nữ, con gái vua Động Đình, sinh ra Sùng Lãm. Thời điểm của văn hóa Thạch Gia Hà ứng với quốc gia Văn Lang của Lạc Long Quân. Mốc thành lập của quốc gia Văn Lang có thể sau quốc gia Xích Quỷ một thời gian không dài. Mốc niên đại của văn hóa Thạch Gia Hà vào khoảng 4500-4000 cách ngày nay, rất phù hợp với tiến trình phát triển được ghi lại trong huyền sử Việt.

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Thạch Gia Hà có một hệ thống chính trị và một ý thức hệ để có thể tổ chức được các khu định cư quy mô lớn và ràng buộc các cộng đồng dân cư với nhau [30]. Một số học giả cho rằng Thạch Gia Hà có thể được coi là một nhà nước cổ đại do cấu trúc chính trị xã hội tương đối tiên tiến của nó [30][31]. Văn hóa Thạch Gia Hà cũng có xã hội phức tạp hơn và phát triển hơn các văn hóa cùng thời ở phía Bắc [31]. Như vậy việc gọi Văn Lang là một “nước” như huyền sử đã ghi lại, là phù hợp với thực tế khảo cổ học.

Tại văn hóa Thạch Gia Hà, hình tượng Rồng – Phượng, hay chính là hình tượng Rồng – Tiên được huyền sử ghi lại, được khắc họa trên những mảnh ngọc tròn chế tác tinh xảo. Người Việt xăm mình hình rồng, đội mũ lông chim chính là sự hóa trang thành Tiên – Rồng, trong nền văn hóa lưỡng hợp siêu nhiên của người Việt.

Họ Hồng Bàng trong huyền sử của người Việt có gốc tích và sự phát triển như thế.

Vào khoảng hơn 4000 năm, thì các cư dân của các văn hóa này đã di cư về Việt Nam và Đông Nam Á, trong đó nhóm quan trọng nhất đã trở về Việt Nam, quyền lực chính trị, văn hóa và tâm linh cũng dịch chuyển theo. Quốc gia của người Việt vẫn liên tục duy trì và phát triển, lãnh thổ vẫn nguyên vẹn, chỉ trung tâm là có sự thay đổi, và sau đó, bắt đầu diễn ra những giai đoạn chiến tranh và mất đất.

 Vậy quốc gia của người Việt mất dần lãnh thổ của mình vào những thời điểm nào?

Chúng tôi cho rằng bắt đầu từ thời điểm giặc Ân (Thương), cách ngày nay 3000 năm, được nhắc trong truyền thuyết, đánh chiếm đất của người Việt, chiếm được vùng Động Đình, hạ lưu Dương Tử, lúc đó đất phía Bắc bắt đầu mất về tay người phương Bắc, các vùng đất này được phân phong, trở thành các quốc gia Sở, Ngô, Ư Việt là chư hầu của Hoa Bắc.

Bản đồ Văn Lang, Lạc Việt sau 3000 năm cách ngày nay, sau khi mất phần Dương Tử (và cả Động Đình) cho nhà Thương.

Thời kỳ nước Sở cũng đã tiến hành lấn chiếm dần dần đất Việt, trong đó bao gồm cả đất Điền Việt. Sau đó tới thời Tần, vào khoảng 2200 năm trước, đã tổ chức một cuộc xâm lược quy mô vào đất còn lại của người Việt, khiến người Việt chỉ còn lại duy nhất đất Bắc Việt Nam. Và tại các vùng đất nhà Tần chiếm được, sau khi nước Tần sụp đổ, đã được Triệu Đà lập nên quốc gia Nam Việt trên nền tảng văn hóa Việt cổ. Sau đó, Triệu Đà cũng đã dùng mưu chiếm nốt phần đất còn lại của quốc gia Văn Lang là miền Bắc Việt Nam (thời điểm đó là Tây Âu Lạc). Đất Việt gần như mất hẳn từ đó.

Bảng phân tích thời điểm thành lập của các quốc gia Hoa Nam.

Tên nướcThời điểm thành lập
Các quốc gia lập bởi chư hầu Thương – Chu
Ngô Việt1200 TCN
Sở1030 TCN
Ư Việt1000 TCN
Các quốc gia hậu duệ Ư Việt
Đông Âu191 TCN
Mân Việt334 TCN
Các quốc gia tách khỏi đất Việt thời Sở – Tần
Tây Âu (Văn Lang)257 TCN
Âu Lạc218 TCN
Điền Việt (Sở)~ 200 TCN
Dạ Lang (Sở)~ 200 TCN
Nam Việt (Tần)204 TCN

Bản đồ các tiểu quốc tách ra từ nước Văn Lang. Tây Âu Lạc, kế thừa lãnh thổ còn lại của nước Văn Lang bao gồm Lưỡng Quảng, Hải Nam và miền Bắc Việt Nam.

Phân tích quá trình mất đất của người Việt: Các vùng đất ở cực Bắc đất Việt, bị chiếm bởi các nhà Thương, Chu và được phong cho quý tộc các triều đại này (~1000 TCN), sau đó trở thành các quốc gia chư hầu của nhà Chu: Sở, Ngô, Ư Việt. Các quốc gia như Đông Âu, Mân Việt được thành lập bởi hậu duệ Ư Việt (~3-200 TCN). Sau đó Sở chiếm Điền Việt, Dạ Lang (~200 TCN). Đất Văn Lang khi đó còn lại vùng Lưỡng Quảng, Hải Nam và miền Bắc Việt Nam. An Dương Vương, một thủ lĩnh trên đất của các vua Hùng, đã giành ngôi và đổi tên nước thành Tây Âu Lạc (257 TCN). Tần đánh xuống Tây Âu Lạc, khiến đất của người Việt chỉ còn lại vùng miền Bắc Việt Nam (Âu Lạc). Tại đất nhà Tần chiếm được, Triệu Đà lập nên quốc gia Nam Việt (204 TCN). Cuối cùng quốc gia Âu Lạc cũng mất về tay Nam Việt.

2. Cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng đánh chiếm lại đất của các vua Hùng xưa

Vào khoảng năm 43 TCN, 68 năm sau khi nhà Nam Việt sụp đổ, đất Việt bị sáp nhập vào đế quốc Hán, thì ở miền Bắc Việt Nam, chị em họ Trưng, những nữ nhi hậu duệ của vua Hùng, đã tổ chức một cuộc chiến quy mô, tập hợp, phát động một cuộc khởi nghĩa giành lại giang sơn. Cuộc khởi nghĩa của bà nhanh chóng nhận được sử hưởng ứng của người dân toàn vùng Lĩnh Nam, giành thắng lợi diện rộng, đánh đuổi quân Hán khỏi bờ cõi. Cuộc khởi nghĩa này đã để lại những dấu tích rất rõ ràng ở toàn vùng Lĩnh Nam, với những đền thờ hai bà Trưng và các tướng lĩnh:

– Đại Việt sử ký toàn thư kỷ Thuộc Đông Hán có ghi chép rằng: “Người địa phương (Quảng Đông) thương mến Trưng Nữ Vương, làm đền thờ phụng (đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có).”

– Quận Khúc Giang thuộc địa cấp thị Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, còn đền thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng là Đàm Ngọc Nga.

– Tại Quảng Đông cũng có nhiều đền thờ Thánh Thiên.

– Tại vùng biển Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam có nhiều đền thờ nữ tướng Trần Quốc, tước Gia Hưng công chúa.

– Nhà báo Phạm Hồng từng cho biết ông đã thấy nhiều đền thờ Trưng Trắc, Trưng Nhị ở Quảng Tây. Nơi đây cũng có nhiều đền thờ nữ Đại tướng quân Thánh Thiên.

– Tại Hồ Nam cũng có di tích thờ hai bà Trưng, do sứ giả Việt Nguyễn Thực ghi lại trong bài thơ “Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh”.


Bản đồ Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng.

Cuộc khởi nghĩa đã đánh đuổi quân Hán tới tận hồ Động Đình, các trận đánh cũng diễn ra trong địa bàn rộng lớn của nước Văn Lang cổ, là một dấu tích quan trọng chứng tỏ sự thống nhất trong mặt ý thức, dân tộc, đó là nền tảng để hai bà Trưng có thể tạo nên một cuộc khởi nghĩa của sức ảnh hưởng rộng lớn như vậy, nhận được sự hưởng ứng của người dân toàn vùng Lĩnh Nam. Tiếng nói của hai bà Trưng, hay sự tập trung của những nữ tướng ở vùng miền Bắc Việt Nam, cũng là dấu tích để chứng minh tính trung tâm của vùng miền Bắc Việt Nam, từ trung tâm đó, tiếng nói quyết định được phát đi để cuộc khởi nghĩa có sức lan tỏa mạnh tới các vùng khác. Cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi vẻ vang, hai bà đã giành lại được độc lập cho người Việt, lập nên quốc gia Lĩnh Nam, trong địa bàn của vùng Lĩnh Nam, một bộ phận của nước Văn Lang cổ. Nhưng nước Lĩnh Nam chỉ tồn tại được 3 năm, trước khi một lần nữa thất bại trước sức mạnh vó ngựa của người Hán, đất Việt rơi vào 900 năm Bắc thuộc trước khi người Việt giành lại được độc lập cho vùng miền Bắc Việt Nam vào năm 931 SCN.

V. Người Việt là hậu duệ chính thống của Bách Việt

Người Việt (Kinh) ngày nay là hậu duệ chính thống của Tộc Việt hay Bách Việt, họ là những người có nguồn gốc từ Việt Nam di lên, trở về Việt Nam, và người Việt sau đó cũng đã đón nhận những dòng di cư trở về của cư dân Tộc Việt các ngữ hệ Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai, hòa hợp để dần dần hình thành nên người Việt Nam ngày nay. Dấu vết ngôn ngữ học thể hiện rõ điều đó:

Về mặt cấu trúc ngôn ngữ, thì ngôn ngữ của người Việt là phức hợp của các hệ ngữ Nam Á, Tai-Kadai và Nam Đảo, chứng tỏ cho sự hòa hợp của nhiều nhóm người trở về Việt Nam trong nhiều giai đoạn khác nhau, với cốt lõi là nhóm Nam Á trở về khoảng hơn 4000 năm trước đây, và chúng tôi cho rằng, tiếng Việt có thể là ngôn ngữ cổ xưa của châu Á, do dòng lịch sử phát triển một cách liên tục và lâu dài (là dân tộc cổ nhất), mặc dù đã biến đổi nhiều qua trường thiên lịch sử.

Trong ngôn ngữ Việt có dấu vết của những từ gốc Ngô Việt: Theo phát hiện của Jerry Norman và Tsu-lin Mei (Washington University và Cornell University) thì nhiều từ cổ của tộc Việt nước Ngô Việt hiện vẫn thông dụng trong tiếng Việt ngày nay, ví dụ các từ: chết; chó, đồng (trong đồng cốt), sông, khái (hổ), ngà (trong ngà voi), con (trong con cái), ruồi, đằm (trong đằm ướt), sam (con sam), biết; bọt , bèo… [32]

Về mặt khảo cổ học, thì dòng di cư của người Ngô Việt, hay các vùng đất khác thuộc đất của người Việt như Quý Châu, Hồ Nam đã đem theo những di vật đặc trưng của mình xuống vùng miền Bắc Việt Nam, hòa hợp với người Lạc Việt đã ở đó từ trước. Dòng di cư này diễn ra một cách liên tục và mạnh mẽ. [33]

Trong lịch sử, cũng có những dòng họ hoàng tộc Việt Nam có gốc Chiết Giang, Phúc Kiến như các họ Lý, Trần, đây là những vùng đất cổ của người Bách Việt, di cư tới Việt Nam trong khoảng thời Bắc thuộc.

Vào thời Hán, thì dân số của vùng đồng bằng sông Hồng áp đảo so với vùng Lĩnh Nam, chúng tôi cho rằng đây là biểu hiện rõ ràng cho tập trung về phương Nam của người Bách Việt: “Theo cuốn Tiền Hán Thư, vào tk. II trCN, toàn quận Giao Chỉ có 92.440 hộ và 746.237 người, nhiều hơn tổng số dân 4 quận vùng Lưỡng Quảng (Hợp Phố, Hải Nam, Uất Lâm, Thương Ngô) cộng lại (71.805 hộ và 390.555 người). Hai quận Cửu Chân và Nhật Nam có 235.508 người.”

Người Việt (Kinh) ngày nay là đại diện chính thống của Bách Việt, là những người duy nhất còn giữ chữ “Việt” trong tên gọi dân tộc và đất nước của mình, họ cũng là những người giữ gìn văn hóa, lịch sử truyền thống của tộc Việt hay Bách Việt cổ xưa, cùng với những nhóm dân cư hậu duệ Bách Việt khác như Hán Hoa Nam, người Choang, Bố Y, Thái Lan, Thái Việt Nam, Mường, Nùng, Tày… tuy nhiên đa phần đều chỉ còn giữ gìn văn hoá, mà không còn tự nhận mình là Việt. Là những người kế thừa và giữ gìn truyền thống, lịch sử của cộng đồng Bách Việt, chúng ta có quyền, và có trách nhiệm đối với cộng đồng Bách Việt cổ xưa, trong đó bao gồm cả trách nhiệm chứng minh những di sản của cộng đồng này đã dựng xây nên trong thời gian tồn tại. 

VI. Kết luận

Qua sự chứng minh tuần tự từng yếu tố, chúng tôi cho rằng đã có đủ cơ sở để khẳng định rằng Bách Việt, hay tộc Việt, là một cộng đồng thống nhất về văn hóa, về chủng tộc, họ chung sống dưới một quốc gia thống nhất, quốc gia của các vua Hùng, không phải là cộng đồng phân lập như đã từng bị hiểu nhầm.

Sự thăng trầm của lịch sử Việt khiến cho những hiểu biết về cộng đồng Bách Việt trở nên sai lệch, nhưng những nghiên cứu khoa học, khảo cổ, văn hoá, ngôn ngữ đã cùng góp phần chứng minh cho nguồn gốc tính thống nhất của cộng đồng này. Họ là những người xây dựng nên những nền văn hoá lớn ở Đông Á, là những người thuần hoá lúa nước, phát triển kỹ thuật luyện đồng, cũng như có một nền văn hoá đáng tự hào, có sức ảnh hưởng lớn ở vùng Đông Á. Tuy nền văn hoá cổ đó gần như đã biến mất, nhưng sự thật của lịch sử đã sáng tỏ nhờ những khám phá thông qua các phương tiện khoa học.

Các dân tộc ngày nay đều là đồng bào, sinh ra từ một bọc, ý nghĩa của từ đồng bào là có cơ sở thực tế, dựa trên tính thống nhất từng có giữa các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam ngày nay. Ý thức về cội nguồn, truyền thống lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc là một sự kế thừa truyền thống cổ xưa. Hậu duệ, là chúng ta ngày nay, hãy cùng nhau phát huy những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa chung xa xưa đó. Biết, hiểu, ý thức về cội nguồn chung của tộc Việt là một điều quan trọng, không phải để đòi lại đất đai đã mất, mà để trân trọng giá trị cổ truyền, tôn trọng nền văn minh cổ xưa mà Tổ Tiên chúng ta đã dựng xây nên. Đó là nền tảng và cơ sở quan trọng từ quá khứ, để có thể kiến tạo một tương lai mới rực rỡ hơn.


Chú dẫn: 

  • [1] Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt – Trần Gia Ninh
  • [2] Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768
  • [3] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545
  • [4] Pedro A Soares, et tl (2008), Climate Change and Postglacial Human Dispersals in Southeast Asia : https://www.researchgate.net/publication/5492339_Climate_Change_and_Postglacial_Human_Dispersals_in_Southeast_Asia
  • [5] Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501
  • [6] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.
  • Chuan‐Chao WANG, Shi Yan, Zhen‐Dong QIN, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611. Journal of Systematics and Evolution;51(3):280-6.
  • [7] Takeuchi F, Katsuya T, Kimura R, Nabika T, Isomura M, Ohkubo T, et al. (2017) The fine- scale genetic structure and evolution of the Japanese population. PLoS ONE 12(11): e0185487
  • [8] Genome Research Finds Roots of Korean Ancestry in Vietnam : http://koreabizwire.com/genome-research-finds-roots-of-korean-ancestry-in-vietnam/75133
  • [9] Fuller DQ, Qin L (2010), Declining oaks, increasing artistry, and cultivating rice: The environmental and social context of the emergence of farming in the Lower Yangtze Region, Environmental Archaeology, 15(2): 139-159
  • [10] Zhang Juzhong, Wang Xiangkun (1998). Notes on the recent discovery of ancient cultivated rice at Jiahu, Henan Province: a new theory concerning the origin of Oryza japonica in China. Antiquity;72(278):897-901.
  • [11] Zi-Yang Xia, Shi Yan, Chuan-Chao Wang, Hong-Xiang Zheng, et al. (2019) Inland-coastal bifurcation of southern East Asians revealed by Hmong-Mien genomic history
  • [12] Preliminary Research on Hereditary Features of Yinxu Population https://www.academia.edu/5297877/2013_AAPA_poster-_Preliminary_Research_on_Hereditary_Features_of_Yinxu_Population
  • [13] Hirofumi Matsumura, Hsiao-chun Hung, Charles Higham, et al. (2019). Craniometrics Reveal “Two Layers” of Prehistoric Human Dispersal in Eastern Eurasia. Scientific reports;9(1):1451.
  • [14] Keyes CF. The dialectics of ethnic change. Ethnic change. 1981;30:4-52.
  • [15] Han Xiaorong, The present Echoes of the Ancient Bronze Drum: Nationalism and Archeology in Modern Vietnam and China, Explorations in Southeast Asian Studies, Vol. 2, No. 2, Fall 1998, Hawaii University
  • [16] Luận văn tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong quan hệ với văn hóa Việt Nam truyền thống – Nguyễn Ngọc Thơ, 2011.
  • [17] Cung Đình Thanh, “Khái niệm về biển tiến ở Việt Nam”, Tập San Tư Tưởng số 3, ngày 15/7/1999, trg 11 – 16. Joseph Needham, Science and Civilization in China – Tome I : Introduction – Cambridge, England, 1956.
  • [18] Jeffrey Barlow, The Zhuang : Ethnogenesis, Pacific University, http://mcel.pacificuedu/as/resources/zhaung/zhuangintrohtm
  • [19] Paola Demattè (2010). The Origins of Chinese Writing: the Neolithic Evidence. Cambridge Archaeological Journal;20(2):211-28.
  • [20] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
  • [21] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.
  • [22] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 越. https://hanziyuan.net/#越.
  • [23] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.
  • [24] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.
  • [25] Chứng minh tính toàn thể của danh xưng Lạc Việt:
  • Khởi đầu từ sách Lã Thị Xuân Thu ghi: “Quế Dương Chiêu Dao sơn đích quế; Việt Lạc (cổ quốc) đích hương khuẩn; lí ngư hòa vị ngư nhục tố đích tương; Đại Hạ (cổ quốc) quốc đích diêm”. Cao Dụ chú Lạc Việt = “Việt Lạc: quốc danh. Khuẩn: măng trúc”, Đàm Thánh Mẫn giải thích Việt Lạc cũng là Lạc Việt, do thứ tự cú pháp tiếng Việt đặt ngược với tiếng Hán mà ra.”, chúng tôi nhận thấy có cơ sở để nói rằng người Việt từng đều tự nhận mình là Lạc Việt. Có thể các tác giả của Lã Thị Xuân Thu thấy một vùng rộng lớn toàn Lạc Việt nên họ nghĩ đó là quốc danh. Thêm nữa đoạn văn trên là ở Thiên Bản Vị trong Lã Thị Xuân Thu quyển 14 (《吕氏春秋》的第l4卷《本味篇》) , tra kỹ lai lịch thì đoạn văn này là lời Y Doãn nói với vua Thang, được các tác giả Lã Thị Xuân Thu, môn khách của Lã Bất Vi, ghi lại, như thế thì “mức độ cổ” của tên gọi “Việt Lạc” có thể từ trước đời Thành Thang (1600BC)?
  • Ngoài ra còn nhiều dẫn chứng khác có thể chứng minh cho ý tưởng này của chúng tôi:
  • Tại Hồ Nam, theo Lăng Thuần Thanh, thì là nơi sinh sống của người Lạc Việt, khi ông xác định bài Đông Quân được Khuất Nguyên ghi lại, tương đồng hoàn toàn với hoa văn trên trống đồng của người Lạc Việt.
  • – Hồ Bắc cũng là nơi sinh sống của người Lạc Việt, trong Hậu Hán Thư ghi: “Năm thứ 11 (đời Hán Quang Võ, tức năm 35, trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng 5 năm) Tang Cung đem binh đến huyện Trung Lư (sau là huyện Nam Chương thủ phủ là Tương-Phàn Thị tức Tương Dương và Phàn Thành), đóng đồn (trên đất cư trú của người) Lạc Việt. Lúc đó Công Tôn Thuật (thế lực cát cứ đang chiếm đất Thục) sai tướng Điền Nhung, Nhiệm Mãn ra cự địch với Chinh nam đại tướng quân Sầm Bành ở Kinh môn, Bành nhiều lần đánh mà không thắng (sau Bành bị quân thích khách của Thục giết!), người Việt do đó muốn làm phản theo Thục, Cung binh ít, không đủ lực lượng khống chế.”
  • – Hiện tại, người Tráng (Choang), hay người Bố Y trong vùng miền Nam Trung Quốc ngày nay vẫn còn tự nhận mình là Lạc Việt. Đây là dấu tích khá quan trọng để có thể nhận thấy độ phủ của danh xưng Lạc Việt.
  • – Trong Hậu Hán Thư thế kỷ thứ V trong Mã Viện liệt truyện ghi: “Viện hiếu kỵ, thiện biệt danh mã, ư Giao Chỉ đắc Lạc Việt đồng cổ, nãi chú vi thức, hoàn thượng chi”. Tức là Mã Viện thích ngựa, giỏi phân biệt ngựa hay; tại Giao Chỉ lấy được trống đồng của dân Lạc Việt. Trống đồng là tài sản chung của người Việt thuộc quốc gia Văn Lang, Giao Chỉ ở đây là Giao Chỉ bộ, việc sử Hán ghi lại việc Mã Viện thu trống của người Lạc Việt, phải chăng muốn đề cập tới tất cả đều là người Lạc Việt?
  • – Ngoài ra còn một đoạn sử khác được ghi lại trong sách “Giao Châu Ngoại Vực Ký”: “Xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất có Lạc điền [雒田; ruộng lạc], ruộng ấy theo triều thuỷ lên xuống, dân khẩn thực [墾食] ruộng ấy, nên gọi là “Lạc dân” [雒民]. Lập ra “Lạc vương” [雒王], “Lạc hầu” [雒侯], coi giữ các quận huyện. Nhiều huyện có “Lạc tướng” [雒將], các Lạc tướng có ấn đồng và dây thao xanh. Sau Thục vương tử mang 3 vạn binh đến đánh lạc vương, lạc hầu, thu phục các lạc tướng. Thục vương tử sau đó xưng An Dương vương.” Giao Chỉ là đất của người Lạc Việt, ở đây là Giao Chỉ bộ vì chưa phân quận huyện, ít nhất bao gồm Lưỡng Quảng, Hải Nam, miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Bên cạnh đó, chữ Lạc gắn với hầu hết các danh vị: “Lạc dân” (Lạc Việt), “Lạc Vương”, “Lạc hầu”, có thể thể hiện sự gắn bó của danh xưng Lạc Việt của người dân Việt vùng Nam Dương Tử.
  • – Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 519—581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu”, thời Chu, Giao Chỉ, khi đó là Giao Chỉ bộ như đã nói ở trên, được sử dụng để chỉ toàn bộ vùng đất Văn Lang, và cũng được gọi là Lạc Việt.
  • – Các cách gọi như Mân Việt, Âu Việt, Điền Việt… đều là những cách gọi xuất hiện và được ghi lại muộn trong lịch sử, khi lãnh thổ Giao Chỉ dần thu hẹp lại, các tiểu quốc Ngô Việt, Ư Việt, Đông Âu, Âu Việt (Chiết Giang), Điền Việt, Tây Âu… được thành lập, tất cả đều là quốc danh và dần dần được gắn vào tộc danh.
  • Từ những dẫn chứng trên, chúng tôi cho rằng đủ để chứng tỏ người Việt đã từng tự xưng mình là Lạc Việt, cũng như nhận là Việt Thường hai giai đoạn lịch sử trước và sau nhà Chu.
  • [26] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
  • https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/
  • [27] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.
  • [28] Bin Liu, Ningyuan Wang, Minghui Chen, et al. (2017). Earliest hydraulic enterprise in China, 5,100 years ago. Proceedings of the National Academy of Sciences; 114(52):13637-42.
  • https://www.pnas.org/content/114/52/13637
  • [29] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
  • https://www.researchgate.net/publication/332595714_On_determining_the_nature_of_Liangzhu_liangzhu_symbols
  • [30] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.
  • [31] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.
  • [32] Jerry Norman and Tsu-lin Mei, Monumenta Serica, Vol. 32 (1976), pp.274-301, Published by: Taylor & Francis, Ltd.
  • [33] Bách Việt và quá trình Nam tiến của người Bách Việt – Kiều Quang Chẩn.


  • . Cập nhật theo nguyên bản của nhóm Lược Sử Tộc Việt HàNội .