DƯƠNG TỬ GIANG
VÀ SỰ CỞI LỚP CỦA NGƯỜI CÁCH MẠNG
N ói đến những nhà văn lý thuyết ở miền Nam trong giai đoạn 1945-1950 ngoài Hồ Hữu Tường với các quyển Chị Tập, Thu Hương, Sơn Khanh với các quyển Giai Cấp, Tàn Binh, Thẩm Thệ Hà với quyển Người Yêu Nước ta còn phải kể đến Dương Tử Giang với quyển Tranh Đấu. Tôi gọi là nhà văn lý thuyết gia trong giai đoạn nầy những nhà văn ngoài việc dùng văn phẩm kết tội bọn thống trị, đề cao những người vùng lên chống áp bức, còn gói ghém trong đó một đường lối tranh đấu theo họ là phương thức khả dĩ dẫn dắt hạng người bị bóc lột ra khỏi cảnh khổ đau. Ở đây, tôi xin tìm hiểu trường hợp Dương Tử Giang.
Quyển Tranh Đấu là lời tự thuật của một người con gái tiểu tư sản ý thức được nhiệm vụ mình đã không ngần ngại chối bỏ giai cấp mình nhập vào giai cấp bị áp bức để hoạt động được hữu hiệu hơn. Quyển truyện nặng nề đoạn đời thơ ấu của cô gái ấy gần phần kết tác giả đưa ra những điều mà tôi nói là lý thuyết tranh đấu của Dương Tử Giang.
Người con gái trong truyện là Ngọc Nga con một hương chủ giàu có trong làng Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Nàng cũng như bao con gái trong gia đình giàu có yên hưởng những sung sướng mang lại do địa vị của gia đình mình. Nhưng vì lúc nhỏ chứng kiến hai lần minh chứng nổi đau khổ của người nghèo vã lại là người biết suy nghĩ nên Ngọc Nga xúc động mạnh. Hai lần nầy là hai lực đẩy đã hướng cuộc đời nàng đi về phía khác, phía có ý nghĩa hơn.
Trước nhất là nỗi oan ức của vợ chồng Sáu Lạ.
Sáu Lạ có vợ đẹp nhưng nghèo lại vừa mới đến đất Giồng Trôm. Một bữa kia anh bị bắt đóng trăng suốt đêm vì trong nhà có truyền đơn cách mạng và đêm đó hương quản Kính trong làng đã lừa dịp qua lại với vợ anh.
Ai cũng thấy liên lạc giữa thầy hương quản, truyền đơn cách mạng, cô vợ đẹp của anh Sáu Lạ và đêm tối. Nhưng hương Kính chưa kịp cười mãn nguyện vì mưu mô mình được thành tựu thì phải chết dưới tay của người đàn bà khí tiết. Cả hội đồng hương chức ở đây vì lý do nầy lý do khác đã hùa nhau lại kết tội vợ chồng chú Sáu Lạ.
- Có chú Kế Hiền chú nóng con nên ép làng phải buộc tội vợ chồng thằng Sáu Lạ và con hương hào Trọng cũng ở trong bân làng nên hội tề, đồng vị tình họ buộc vợ chồng thằng Sáu Lạ gắt lắm… Sợ có thể tử hình (Tranh Đấu trang 23)
Ỷ chúng hiếp cô, vị nể người nầy quen biết để hiếp đáp người lạ dẫu rằng người quen có lỗi, đó là việc xảy ra hàng ngày dưới những chế độ bất công hay dung dưỡng bất công. Do đó vợ chồng Sáu Lạ trước khi được tòa án xét xử, đã bị nhóm bà con với hương quản Kính nhân danh “hành pháp cấp xã” làm thịt để trả thù…
Một người lính co chân đá mạnh vào ngực anh, anh cúi đầu hai tay ôm ngực rên nho nhỏ. Viên cai bảo người lính.
- Đánh thấy mẹ nó cho tao!
Người lính đá thêm vào hông anh mấy cái nữa…anh khạc nhỗ một búng máu và ngước lên nhìn tôi. (trang 15)
…Anh Sáu chỉ mặc một cái quần cụt đen. Mặt, ngực và 2 bắp thịt ở vai và cánh tay của anh sưng phồng lên và bầm tím. Mắt anh nhắm nghiền lại. Chốc chốc anh lại cựa mình và rên nhỏ (trang 27). Tôi nhìn mấy mảnh thịt thâm tím và như sình lên, không còn giống hình người nữa và tôi nghĩ hiện nay trừ ra vợ anh ai ai cũng gớm ghiếc không dám đụng đến mấy mãnh ấy, sợ dơ tay mình, và cũng sợ vạ lây (trang 30)
Chứng kiến cảnh đau khổ của người cô thế ở giữa một bầy sói, nhìn sự thương yêu của họ trong cảnh khốn cùng thấy đôi mắt biết ơn
của họ khi được giúp đở, hiểu rõ bộ mặt thực của những người đã dựa trên quyền thế để làm khổ họ, trong đó có cha mình,
Ngọc Nga bị kích động mãnh liệt , sự bất bình len lỏi trong tâm tư nàng từ đó.
Tuổi trẻ giàu tính thiện, hơn nữa lại là một người con gái thích suy tư, dễ xúc động nên Ngọc Nga oán hờn những kẻ hiếp đáp người
và để lòng thương hại cho những người bị nạn. Từ đó nàng có tư tưởng không muốn ở chung với những người nhân đạo giả hiếp đáp
người nghèo, bợ đở kẻ trên. Từ bỏ thế giới hiện sống thì tìm đâu ra một thế giới khác khi hoàn cảnh chưa thể chín mùi để nàng có
thể tạo ra một thế giới lý tưởng theo ý mình. Bởi vậy Ngọc Nga chỉ cón có cách độc nhất tìm một chỗ cô tịch để quên và để xa lánh.
Nhưng đi về tôn giáo không bằng lý thuyết, không bằng sự giác ngộ, không bằng sự ý thức vì cuộc đời theo tôn giáo đó dạy mà chỉ
vì hết ngã, phải đi vào chớ không thể làm khác hơn thì một vấp ngã nhỏ cũng có thể làm cho người ta bỏ tôn giáo được.
Và Ngọc Nga gặp những lý do khiến nàng bỏ nhà Chùa, bỏ tôn giáo: Cảnh hiếp đáp ở chùa. Cảnh vợ ông Hoà thượng chửi rũa tá
điền đến làm công quả.
“Hồi chiều hôm qua qua hủ tương đầy nhóc, bây giờ không còn tới hai phần, ăn gì mà ăn dữ vậy. Trời Phật xuống mà coi!...Bà Cả nghĩ coi ăn như vậy thì mạt còn gì? (Tranh Đấu trang 43)
Đây cũng là một nguyên nhân khiến Ngọc Nga không chán đời thụ động nữa, lúc nầy nàng chưa biết chống đối bất công bằng cách gì nhưng thấy cách giả dối lý tài ở những kẻ núp bóng tôn giáo nàng không thể nào chịu được. Nàng cũng biết rằng không phải ở chùa là xa lánh được thế giới hiếp đáp, là có thể tìm thấy cái yên tĩnh của tâm hồn. Phải tìm cách khác và nàng đến kết luận: “Muốn không còn sự ức hiếp phải đi vào cuộc đời để sửa cuộc đời lại, dạy kẻ bị ức hiểu rõ quyền lợi của họ, đưa cho kẻ yếu cái khí giới hữu hiệu là pháp luật để họ tự vệ mỗi khi cần đến. nhưng nàng chưa kịp thực hiện cái chân lý vừa le lói trong tâm trí thì lại phải chứng kiến một cảnh đau lòng khác. Cảnh nầy gây xúc động nhiều ở tâm hồn nàng. Cái chết của chị Kim Huê bạn cùng lớp Kim Huê mồ côi cha mẹ, ở với người cô nghèo. Cô nàng buôn bán cực nhọc mới đủ sức nuôi cháu đi học. Kim Huê nhờ học giỏi nên được học bổng nội trú trong trường Nữ Trung Học Saigon. Ở đây giữa các bạn cùng học, kim Huê tượng trưng cho sự lạc lõng, giữa những cô gái bắt đầu thấy cần thiết của những tà áo đẹp, những lọ nước hoa thì Kim Huê chỉ mang mãi trong mình cái áo dài độc nhất may từ ba năm trước. Giữa những cô gái dậy thì mơ mộng yêu đời thì Kim Huê thấy một chân trời u ám trước mặt. Họ không chơi với nàng, họ không nói chuyện với nàng, họ xô nàng vào thế phải sống thui thủi đơn độc rồi kết luận là nàng “rừng” quá ngày chỉ tối không nhếch môi với ai nửa lời! Và tướng tá “ridicule” quá!
Không phải Kim Huê không thích những tà áo tân thời, những lọ nước hoa thơm phức, không phải nàng không muốn nói chuyện với những người có tiền mua những thứ ấy. Nếu nàng sống chung những người nghèo, quanh năm lo miếng ăn thì chắc chắn không có chuyện xảy ra, đàng này Kim Huê lại không may sống giữa đám người con gái sang giàu dư thì giờ để chỉ phán đoán giá trị những người con gái khác qua những thứ bên ngoài. Bị mặc cảm thua kém tự ty, thu mình lại nên sự cách biệt với các bạn càng ngày càng lớn dần. Từ đó đưa đến việc bị ghét bỏ, khinh rẻ của các bạn chỉ một bước rất gần. Thế rồi vì ngây thơ nàng bị họ dụ dỗ đưa vào trồng. Họ mơn trớn để đưa tiền cho nàng với lý lẽ giúp đở bạn bè trong cảnh nghèo khổ để khi nàng nhận lời họ có lý do khinh khi nàng hơn và kết luận chỉ là kẻ ham tiền đáng ghét. Họ có biết đâu đã đem cái nghèo nàn của người khác ra làm trò cười bằng một cuộc đánh cá. Khi người ta tưởng lầm trong lòng họ còn le lói một vài lòng nhân từ bấy lâu chưa có dịp phát ra được người ta chấp nhận lòng nhân từ của họ: người ta chịu bỏ cái phẩm giá làm người của mình để đưa họ lên cao bằng cách chịu nhận sự bố thí của họ, chịu ân họ thì họ lại làm cho người ta bẽ bàng, tủi nhục:
Tôi (Kim Huê) lại gần Loan nói với giọng cảm động:
- Em rất cám ơn chị có lòng tốt…Em tuy nghèo, nhưng em quý người tốt, em quý tình bạn hơn tiền. Tuy vậy trong trường hợp nầy số tiền của chị tượng trưng cho lòng tốt, cho lòng thương bạn của chị. Em xin nhận nó và em thương nó như ngàn vàng…(trang 60)
Chị Loan vụt day lại nhìn mấy chị em và cười sặc sụa. Trừ ra chị Dung tất cả đều cười theo…Chị Loan nói với Dung:
- Sao, chi Dung đành thua em cái mu soa thêu rồi! Người cao thượng của chị đã ló đuôi chồn ra đó!
Rồi từ đó người ta vịn trên tính cách ham tiền không có thật của Kim Huệ để ghét bỏ nàng, làm khổ nàng. Từ các bạn cho đến những người cu li, cô giáo đều tìm dịp để bẽ mặt nàng, khiến Kim Huệ cơ khổ càng thêm cơ khổ. Một ngày kia không chịu nổi tiếng oan, không chịu được sự độc ác của các bạn, không thể sống làm bia khinh rẽ cho các bạn mãi, Không thể chịu đựng nổi khi thấy tương lai mù mịt của mình (bị tước học bổng) Kim tư tử. Cái chết của ngưòi bạn yếu đuối tinh thần, nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng tự ái đã ghi thêm một nét sâu vào lòng Ngọc Nga. Nga thấy rằng Kim Huệ chỉ có một cái tội nghèo, không phương tự vệ phấn đấu. Từ đó Ngọc Nga thấy nàng có bổn phận phải giúp đở người nghèo khổ, làm thế nào cho họ không gặp cảnh đau buồn, những sự ức hiếp tàn nhẩn như trường hợp vợ chồng Sáu Lạ, Chị Kim Huê…
Cũng vì ý nghĩ đó sau khi tốt nghiệp hết ban thành chung về làng nàng mở lớp dạy học miễn phí cho dân nghèo. Nàng dạy họ những điều thường thức ích lợi thực tế và mở những lớp dạy nghề cho họ nữa, mục đích nàng muốn họ có những phương tịên chống đối với người giàu có thế lực sau nầy vì theo nàng hiểu pháp luật là đủ vì trước pháp luật ai cũng ngang nhau. Hơn thế nữa nàng còn từ bỏ giai cấp mình, giai cấp nhiều quyền thế nhưng kém lòng nhân, không có phẩm giá, giai cấp đã nuôi nàng ăn học, giúp nàng suy nghĩ, ý thức sự tủi hổ của mình là thuộc về nhóm kẻ mạnh, nhóm kẻ hiếp đáp người dưới, bằng cách kết hôn với một anh nông phu nghèo ít học và từ chối lời cầu hôn của ông quan lớn phó chủ tỉnh (*). Nàng có thể chọn người hay hơn nữa nhưng họ chỉ là người thuộc nhóm mà nàng cố tình thoát ra, nàng muốn hoà mình với nhóm nông dân nghèo khổ hơn là nhập vào bọn bóp chẹt kẻ nghèo khó trong khi trong mình mang không biết bao nhiêu cái xấu xa…
“Cha mẹ đã ép gả chị Ba cho một ông thầy thuốc già, góa vợ, nhiều con, ông chồng tối ngày nằm lì bên cạnh bàn đèn, vợ hỏi gì chỉ biết ngáp dài vắn để trả lời thì đời phỏng còn sinh thú gì.
Chồng chị Tư làm Tri Huyện mà chỉ biết đục khoét dân lành. Con dám chắc có cơ hội người ta sẽ trả thù và chừng đó đời chị Tư và con chị cũng không yên ổn được đâu.
Chồng chị Năm là một giáo sư mà ngoài giờ dạy chỉ biết đánh bạc và chơi gái. Má có biết ảnh sang bệnh cho chị Năm mấy lần không? Và mỗi lần chị Năm về đều khóc rấm rứt để xin tiền uống thuốc?
Về phần con, con xin má tha cho con cái đời địa ngục của các bà lớn đi. (trang 114)
Và nàng chối bỏ thực sự giai cấp của mình:
Tuy vậy chúng ta sẽ không đi sang nhập bọn với kẻ sang giàu, chúng ta ở bên đám dân cày dạy dỗ họ bênh vực họ…
Nhưng cái nhìn về mặt xã hội, mà từ lâu Ngọc Nga cho là rất đúng, chỉ chú ý đến tình trạng sinh hoạt vật chất người dân quê và cố gắng nâng cao tình trạng nầy lên mà thôi, không chú ý đến chế độ chánh trị đã gây ra cái xã hội bất bình đẳng ấy, theo nàng chế độ chánh trị không quan hệ đến đời sống người dân vì trước pháp luật ai cũng ngang hàng nhau… Tư tưởng ấy sau nầy nàng biết là rất lầm. Bởi vì cái thối nát ở trên sẽ gây những bất công ở dưới khiến cho những điêu đứng của dân chúng càng trầm trọng hơn và cái vá víu chạy chửa nho nhỏ hơn nữa của nàng chỉ có tính cách một nơi một thời sẽ chỉ là việc dã tràng xe cát… Và việc phải đến đã đến ông Hội đồng Liên lợi dụng chế độ chánh trị thối nát để cướp công lao từ bao nhiêu đời của dân quê Giồng Trôm: Con ông làm kinh lý đi đo đất, bao nhiêu đất hượt của người anh ta bảo là đất hoang cả và cha anh vào đơn xin khai khẩn. Dưới một chế độ công bằng có tổ chức hợp lý biết trọng quyền lợi của dân trước khi chấp thuận tất có một hội đồng kiểm tra xem đất phần đang được xin có phải là đất hoang không…
Nhưng ở đây lại không có vì chế độ chánh trị ở đây dựa lên kẻ có thế lực tiền bạc, nên ông Hội Đồng Liên đã được đất. Cuộc xô xát giữa kẻ chất phác và người xão quyệt lợi dụng chế độ xảy ra, đem lại tang tóc cho nhiều người. Cũng từ đó Ngọc Nga cảm thấy sai lầm trong quan niệm từ xưa của mình. Nàng thấy cần phải thay đổi tất cả cơ cấu xã hội cũ, bởi vì chế độ hiện tại với pháp luật bình đẳng của nó có vẻ công bằng nhưng chỉ lợi cho người giàu, người nghèo cô thế bất lợi rõ rệt.
Giác ngộ rồi Ngọc Nga trở lên Saigon hoạt động từ đây nàng thấy cuộc đời dễ chịu hơn.
Trước tôi ăn mặc sung sướng, nhưng lòng luôn luôn áy náy trí luôn luôn băn khoăn, tâm hồn có những nỗi bối rối lo buồn không đâu. Từ đó về sau, tôi sống cuộc đời với kẻ ở ngỏ hẻm túp tranh, nhưng trí bình tĩnh hăng hái, tin ở tương lai chung của kẻ đang chung khổ với mình và tôi thấy mình vui hơn trước nhiều… (trang 121)
Sau đó Nga làm phận sự công dân Việt Nam, khi cách mạng 1945 bùng nổ nàng phát biểu ý kiến:
Tham gia vào cuộc tranh đấu nầy, chúng tôi sung sướng thấy mình đã tranh đấu từ lâu vì yêu công lý và nhân đạo, và ngày nay mình tiếp tục tranh đấu để mưu một đời sống hợp công lý, nhân đạo cho cả một dân tộc trong đó có mình.
Và cuộc tranh đấu nầy là một giai đoạn cần thiết cho cuộc tranh đấu chung.(trang 121).
Đấy là tư tưởng chính trong quyển truyện dài “Tranh Đấu” của Dương Tử Giang (Ngoài ra tác giả còn có một tập chuyện ngắn là: Một Vũ Trụ Sụp Đổ (**) và vài bài khảo cứu văn thơ đăng trong tạp chí Thế Giới khi ông chủ trương tuần báo nầy.)
Tập truyện này không dở nhưng vì là tập truyện ngắn nên so về phương diện tác dụng không quan trọng bằng quyển “Tranh Đấu” vả lại nếu không có truyện “Tranh Đấu” con người Dương Tử Giang sẽ chìm vào đám đông vì tập truyện nầy có ý của ông vẫn quanh quẩn ở chỗ băn khoăn lo lắng, suy nghĩ của những người để ý đến cách mạng, quan tâm đến sự vùng lên của dân tộc (Một Vũ Trụ Sụp Đổ) Bên lề cuộc đời ở chỗ thối nát, không cao thượng, bẩn thỉu lý tài của xã hội của những người đô thị (Chân Lý - Lệ Hương Nữ Sĩ) ở cái ao ước, hoài mong, khát vọng của những người sa cơ, muốn thoát đời chim lồng cá chậu, muốn thấy ngày về, ngày khải hoàn của mình (Ngày Độc Lập) (***)
Bởi vậy xét về Dương Tử Giang tôi để ý đến quyển truyện dài của ông.
Trước nhất ta phải nhận rằng quyển truyện gợi cảm. Tác giả thành công nhiều về phương diện truyện lúc ấy được rất nhiều người chú ý. Nhưng chỉ để ý điều nầy là không hiểu tác giả, vì ông muốn qua quyển truyện nầy đưa ra một cái lý tranh đấu tiêu cực chỉ chú ý đến sự sinh hoạt xã hội, chỉ nghĩ đến những kẻ nghèo khổ bị áp bức chung quanh mình là cuộc tranh đấu nhỏ, không đáng kể và có thể nói là sai lầm. Bởi vì có diệt được bất công nho nhỏ nhờ giác ngộ một người thì thử hỏi với số đông toàn thể nhân dân công việc ta làm chỉ là lấy một phần muối ở bể ra thôi. Nước bể vẫn mặn như thường. Ta phải làm sao cho nước bể không mặn nữa, ta phải tìm phương sách trị tận gốc là bỏ vào nước bể chút gì đó phá cái mặn của nước bể. Ở vào tình trạng bất công vô nhân đạo mà nước ta gánh chịu lúc ấy ta phải đả phá tan ngọn nguồn gốc bất công ấy. Nghĩa là ta phải đạp đổ chế độ chánh trị mà ra. Chế độ chánh trị thối nát và bất công lúc ấy sẽ dựa lên đó mà làm lợi khí áp bức kẻ nghèo. Kẻ nghèo thì không được che chở nên đã khổ lại càng khổ hơn. Vì bị khí giới của kẻ mạnh áp chế…
Tác giả nói vậy thôi, còn lật đổ chế độ chánh trị tác giả không nói rõ là phải theo phương sách nào.
Tuy nhiên nếu đặt quyển Tranh Đấu vào thời đại nó ra chào đời, ta sẽ thấy rõ hơn và sẽ hiểu phương sách tất cả chế độ chánh trị là phương sách gì.
Và khi hoạt động chánh trị tự nhiên Ngọc Nga thấy bình tĩnh hăng hái và thấy trước được tương lai chung của kẻ chung khổ với mình. Trước đó tâm hồn nàng có sự yên tĩnh nầy. Có lẻ tuy oán ghét giai cấp địa chủ, cường hào nhưng nàng vẫn chưa ra khỏi nhóm ấy, vẫn thuộc về đại gia đình của họ, tuy rằng có hoạt động chống đối họ, nhưng chỉ là chống đối một cách yếu ớt, tiêu cực. Có lẽ nhiều khi nàng cũng cảm thấy công việc khó thành công khó tìm được tiếng vang sâu xa nên vô thức nàng bắt phải băn khoăn. Thêm vào đó mình chỉ là một cương hào cởi lớp nhưng chưa bước ra ngoài hẳn, chưa nhập hẳn vào giới nông dân nghèo khó. Sự tranh đấu của nàng chỉ có tác dụng làm dịu lòng oán hờn của người bị bốc lột, ức hiếp người không thể tác động được nữa nghĩ là bằng cách nầy hay cách khác làm mất điểm tựa của họ.
Xét về cá nhân nàng, Ngọc Nga vẫn thấy mình thuộc về họ. Người giàu, nhóm tiểu tư sản đứng về phía kẻ mạnh mà ban bố cái công bình cái hiểu biết cho lớp người dưới. Cử chỉ của nàng chỉ là cử chỉ cúi xuống ban ơn và nàng tranh đấu là vì thoả mãn sự suy tư của mình, vì lòng nhân đạo mà nàng cảm thấy một cách lờ mờ. Cuộc tranh đấu của nàng có tính cách tài tử của một người có nhiệt tình đang bất mãn và rất dễ bỏ cuộc.
Bởi vậy tiềm thức nàng cho nàng thấy nàng chưa hoàn toàn là một người cách mạng, chưa hy sinh hết cho cách mạng. Muốn thoát ra khỏi tình trạng nầy chỉ có hai cách:
- Hoặc là tranh đấu để họ được bình đẳng với ta trong khi ta vẫn giữ vững giai cấp ta.
- Hoặc bỏ giai cấp ta mà đi vào hàng ngũ họ để cùng tranh đấu để ngày sau cả thảy đều có một giá trị ít lắm cũng bằng ta.
Ngọc Nga không can đảm nghĩ đến cách sau nàng chọn cách trước dễ dàng quí phái và có vẻ sang trọng. Bởi vậy mặc dầu ăn mặc có vẻ sung sướng tâm hồn nàng cũng có những cái rối bời không đâu, nàng còn cảm thấy sự cách biệt của hai hạng người trong cuộc hôn nhân của nàng với Trọng cũng vậy, có vẻ một cuộc ban ân, cái tính cách kẻ cả vẫn còn ở người Ngọc Nga khi tôi tát nhẹ vào má Trọng và cười nói:
“Anh đừng dối tôi không được đâu! Nầy cách vài ba ngày rày anh có nghe đồn gì về tôi không! Tôi có chồng anh có buồn không!
- Dạ… cũng buồn chứ, vì cô không còn qua lại kể chuyện nầy, chuyện nọ dạy bảo thêm cho tôi.
Tôi nhíu mày mỉm cười:
- Chỉ có thế thôi à? Nè anh Trọng tôi hỏi anh, anh có yêu, có thương tôi không?
Mắt Trọng chớp lia, anh chối:
- Dạ tôi đâu dám! - Dám hay không gì! Lòng anh yêu anh cấm cản nó sao được. Anh Trọng nè! Nếu tôi bằng lòng lấy anh làm chồng, anh có bằng lòng lấy tôi làm vợ không? (trang 110)
. ...Tôi day má qua bảo anh:
- Anh hôn…em đi.
Anh ngước cổ hất cái đầu về đàng sau để tránh má tôi.
Hai tay tôi bợ sau đầu anh và tôi kề má lại…
Tôi tưởng tôi chỉ giỡn với Trọng như mèo giỡn với chuột nhưng chính tôi cũng mắc vào cạm bẩy tình của tôi bày ra…(trang 112)
Việc cách mạng không tưởng, cách mạng sa lòng, cách mạng ban ân làm Ngọc Nga băn khoăn là phải. Không phải cách mạng là làm cao lên một vài người chung quanh, không phải dạy họ học, giúp họ hiểu pháp luật là làm tròn bổn phận mình. Bởi vì Ngọc Nga vẫn ở trong gia đình còn thấy mình là con nhà giàu, cao sang hơn những người bình dân nên Ngọc Nga vẫn còn thấy họ khác mình còn thấy cái cực khổ của họ và sung sướng của mình.
` Khi Ngọc Nga vì giai đoạn nước nhà tiến lên một nấc nữa, đi vào phương sách sau nghĩa là từ bỏ hẳn giai cấp mình biến mình thành một nông dân tranh đấu cho những nhân dân thì cái thương hại, băn khoăn không còn. Trước đó nàng cho mình ở nhóm kẻ yếu nhưng vẫn còn là người thuộc phái kẻ mạnh. Sau nầy, khi lên Saigon theo chị Dung tranh đấu nàng mới thật sự hoà đồng với nhóm kẻ yếu bị áp bức. Khi đã là người trong nhóm thì trước cảnh đau khổ của người đồng bọn mình không còn thương hại nữa. Lòng thương giờ không còn tính cách ban ân nữa mà là một phẩn nộ, một sự phải có, vì đau khổ của người kia là đau khổ của mình.
Do đó sự băn khoăn của Nga hết đi. Đàng khác công việc của Nga bắt nàng phải rày đây mai đó không có thì giờ để sung sướng, ăn ngon, cúi xuống nhìn kẽ khác để rồi đau khổ vì thương hại.
Tóm lại cái lý của Nga chỉ đạt được khi nàng can đảm bỏ hẳn giai cấp mình, hoà đồng với kẻ nghèo khổ bị áp bức và khi ấy người tranh đấu mới thấy hết ý nghĩa của nó và đó mới là tranh đấu thực sự.
Tư tưởng của Dương Tử Giang là vậy, ông dùng thể tài tiểu thuyết trình bày “thuyết” của mình để người đọc dể theo dõi thông cảm. Nhưng cũng vì vậy mà về phương diện nghệ thuật tiểu thuyết ông khó thành công vì người đọc có thể loảng ý vào lối khác, đó là không kể những ép uổng của tác giả khi cố bóp méo câu chuyện tiểu thuyết để đưa theo lập luận mình. Ông cho Ngọc Nga yêu những người dân quê nhưng ta thấy không phải vì những cái đẹp, cái đáng đề cao mà vì họ bị áp bức ta tự hỏi nếu Ngọc Nga không thấy hai trường hợp khổ điển hình trên thì tư tưởng nàng thế nào? Nàng có yêu dân quê và muốn giúp đở họ không? Các việc cách mạng của Nga không từ một sự giác ngộ một ý thức mà là một sự đau khổ vì những người bị thiệt thòi có liên hệ tình cảm với mình. Bởi vậy tôi cho rằng hành động của Nga không thật lắm để làm một điển hình, đó chỉ là một hình ảnh đặc biệt không đại diện cho những nhà cách mạng Việt Nam lúc ấy (1944). Thêm vào đó cuộc tình duyên của nàng cho ta thấy rõ sự cưỡng ép lúng túng của tác giả với mục đích xoá bỏ sự cách biệt giai cấp giữa hai hạng người. Sự kết hôn giữa hai giai cấp chỉ là sự kết hôn lỏng lẻo hay đúng hơn là chuyện kết hôn của hai cá nhân Ngọc Nga và Trọng mà thôi.
Bởi vậy ta có thể cho rằng, khi viết quyển Tranh Đấu tác giả đã bị một mục tiêu lãnh đạo tinh thần hướng dẫn ngòi bút của ông,
bởi vậy quyển truyện khó thành công đối với người có một suy nghĩ sâu xa về vấn đề đường hướng cách mạng nhất là ở giai đoạn tranh
đấu quyết liệt của dân tộc trong giai đoạn 1945-1950.
(*) Sự so sánh tự băn khoăn của Ngọc Nga với nỗi băn khoăn của Dũng trong Đôi Bạn cũng là một thú vị.
(**) Nhà xuất bản Việt Nam Saigon 1949
(***) Khi nhận định về Dương Tử Giang, ông Thế Phong trong quyển LSVCVN từ 1945-1950, nhà văn miền Nam đã chỉ nói về quyển Một Vũ Trụ Sụp Đổ
mà không nói về quyển Tranh Đấu, tôi nghĩ như thế là định sai gía trị thực sự của tác giả nếu không nói là phản bội tư tưởng của ông.