Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









CUỘC TAO PHÙNG GIỮA
GIAI NHÂN VÀ DANH SĨ







N gày xưa, qua sách vở, điển cố và giai thoại, ta thấy giai nhân và danh sĩ vốn có duyên nợ với nhau và đã diễn ra biết bao cuộc tao phùng thú vị. Ở Trung Hoa, từ khi có thể từ, các nhà thơ làm từ cho ca kỹ hát và do đó, mối tình giữa hai bên càng thêm gắn bó. Đời Thịnh Đường, một ca nhi trẻ đẹp hát bài “Lương châu từ” của Vương Chi Hoán khiến ông trở thành “thi thiên tử” (vua thơ) sau này. Đời Tống, Tô Đông Pha nhờ làm từ cho ca nhi hát mà cưới được người thiếp tài hoa xinh đẹp là Triêu Vân, vừa là tri âm vừa là tri kỷ.

Ngoài ra cũng có những cuộc tao phùng éo le như trường hợp của Bạch Cư Dị, Nguyễn Du, Cao Bá Quát và Dương Khuê.

* BẠCH CƯ DỊ với “ TỲ BÀ HÀNH “

Bạch Cư Dị (772-846) tự Lạc Thiên, người Hạ Khuê, tỉnh Thiểm Tây, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hình. Do đấu tranh với bọn quan lại thủ cựu, ông bị biếm ra làm Tư mã Giang Châu. Tại đây, trong một đêm tiễn bạn trên bến Tầm Dương, ông tình cờ gặp người ca kỹ về già đàn cho ông nghe một khúc đàn tuyệt diệu, nhờ đó mà ông có cảm hứng viết nên bản trường ca “Tỳ bà hành” bất hủ.

Cuộc gặp gỡ ấy quả là duyên may hiếm có :

Đàn ai chợt thoảng trên sông,
Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng xuôi.

Người ca kỹ ấy có ngón đàn kỳ tuyệt khiến Bạch Cư Dị phải say sưa tán thưởng. Tiếng đàn có lúc ào ào như đổ cơn mưa, có lúc khoan thai dìu dặt như lời tỉ tê tâm sự :

Ngón buông bắt khoan khoan dìu dặt,
Trước Nghê thường, sau thoắt Lục yêu.
Dây to dường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng.

Có lúc tiếng đàn mạnh lên như nước tuôn từ bình bạc vỡ, như tiếng đao xô xát, như tiếng xé lụa :

Bình bạc vỡ tuôn đầy mặt nước,
Ngựa sắt giong xô xát tiếng đao.
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây.

Qua lời tả của Bạch Cư Dị, ta thấy người ca kỹ ấy quả là một danh cầm. Thật vậy, theo lời nàng kể thì lúc còn trẻ, tiếng đàn của nàng đã từng làm xao xuyến say mê biết bao khách hào hoa phong nhã ở đất Ngũ Lăng :

Ngũ Lăng chàng trẻ ganh đua,
Biết bao the thắm chuốc mua tiếng đàn.
Vành lược bạc gãy tan nhịp gõ,
Bức quần hồng hoen ố rượu rơi.

Nhưng rồi mải đắm mình trong hoan lạc không để ý đến thời gian qua nhanh, tuổi già đến lúc nào không hay, nàng đành kết duyên với một khách thương, nhưng người này ham tiền nên đi buôn bán rày đây mai đó, bỏ mặc nàng cô đơn trên chiếc thuyền con ở bến Tầm Dương :

Thuyền không đỗ bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng dãi nước trôi lạnh lùng.

Bạch Cư Dị thấy hoàn cảnh của nàng cũng giống như hoàn cảnh bị đày ải của mình “cùng một lứa bên trời lận đận” nên rất xúc động, bèn yêu cầu nàng ngồi rốn lại gảy chơi khúc nữa và lần này thì :

Nghe não nuột khác tay đàn trước,
Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi,
Lệ ai chan chứa hơn người,
Giang Châu Tư mã đượm mùi áo xanh.

Bạch Cư Dị đã khóc đến ướt đẫm cả áo xanh ; ông khóc vì tiếng đàn buồn, khóc cho số kiếp hẩm hiu của nàng hay khóc cho thân thế của chính mình? Có lẽ cả ba.

Cuộc kỳ ngộ này quả là một duyên may hiếm có của Bạch Cư Dị, nếu không, ông đã không có được tác phẩm “Tỳ bà hành” lưu danh thiên cổ


* NGUYỄN DU với “ LONG THÀNH CẦM GIẢ CA “.

Nguyễn Du (1765-1820) tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thời trẻ, Nguyễn Du đã từng nổi tiếng là một cậu ấm đa tình.

Một lần tiên sinh đến kinh đô thăm anh, ở quán trọ bên hồ Giám. Cạnh đấy, các quan Tây Sơn cho gọi bọn con hát tới, những con hát nổi tiếng không dưới vài chục người. Riêng có một người sở trường về đàn nguyệt, hát cũng hay lại khéo pha trò. Tên nàng là gì không ai biết, chỉ biết nàng rất thạo đàn nguyệt nên mọi người gọi là cô Cầm, lâu ngày thành tên.

Nàng không đẹp lắm nhưng khéo trang điểm nên cũng dễ coi, có vẻ ung dung phong nhã và ngón đàn của nàng thật là tuyệt kỹ :


Bàn tay tiên năm dây biến hóa,
Tiếng khoan như thoảng gió rừng thông.
Trong như tiếng hạc đêm trường,
Mạnh bia Tiến Phúc (1) gặp luồng sấm ran.
Sầu thảm tiếng ngâm Trang Tịch (2) bệnh,
Khách ngồi nghe như tỉnh như say.

Đến khi nàng tấu khúc nhạc thường dùng trong đại điện Trung Hòa thì khanh tướng Tây Sơn thảy đều ngây ngất, suốt đêm vui chơi không biết chán. Tiền lụa thưởng nhiều vô kể, chất đầy mặt đất :

Trung Hòa đại điện khúc này,
Tây Sơn quan khách chắp tay phục tài.
Cười vui suốt đêm dài chẳng dứt,
Thưởng tài, ai mặc sức tiền vung.
. Tiền vàng xem tựa đất bùn,
Hào hoa lấn cả vương tôn công hầu.

Rồi tình hình đất nước biến chuyển, Tây Sơn tiêu tan cơ nghiệp, nhà Nguyễn lên thay, Nguyễn Du vào Nam, thấm thoắt đã hai mươi năm không gặp lại người xưa :

Thấm thoắt hai mươi năm từ ấy,
Tây Sơn thua, ta trẩy vào Nam.

Sau đó tiên sinh ra làm quan với triều Nguyễn, dưới đời vua Gia Long. Năm Quí Dậu (1813) tiên sinh được vua phái đi sứ Trung Hoa. Khi ghé Thăng Long, tiên sinh được quan Tuyên phủ tiếp đãi ân cần, nồng hậu, lại cho gọi bọn nữ nhạc, con hát đến giúp vui. Các con hát đều trẻ đẹp, duy ở cuối bàn có một người đàn bà tóc đã hoa râm, nét mặt võ vàng, thần sắc khô khan, đôi mày tàn tạ, phờ phạc không trang điểm. Nhưng khi một khúc đàn cầm trong trẻo vút lên, khác hẳn các khúc nhạc đương thời thì Nguyễn Du cảm thấy rất quen và động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, tiên sinh đến hỏi thăm thì chính là cô Cầm ngày xưa, nhưng sao lại tiều tụy đến thế này !

Cuối bàn một mái hoa râm,
Nét buồn, sắc kém, tấm thân mai gầy.
Chẳng son phấn, mặt mày ủ dột,
Chính danh ca số một ngày nao.
Khúc xưa, giọng mới, lệ trào,
Lắng nghe ta thấy nao nao ngậm ngùi.

Nguyễn Du nhớ lại hai mươi năm trước đã từng gặp nàng trong bữa tiệc bên hồ Giám mà thấy lòng cảm thương vô hạn. Dâu bể đổi dời, cuộc đời chìm nổi, cơ nghiệp nhà Tây Sơn đã tiêu tan hết, chỉ còn sót lại đây một người ca múa ! Thời gian trôi qua nhanh quá, trăm năm chỉ như chớp mắt, đau lòng việc cũ mà lệ rơi thấm áo :

Thành đời, cuốn sử sang trang,
Bể dâu, dâu bể tang thương dập dồn.
Cơ nghiệp nhà Tây Sơn đã mất,
Chỉ còn đây múa hát một người.
Trăm năm chớp mắt mà thôi,
Đau lòng việc cũ lệ rơi đầm đìa.

Nguyễn Du đã từng thương xót nàng Tiểu Thanh, Đạm Tiên, Thúy Kiều và nay là người nữ nhạc công đa tài nhưng số phận hẩm hiu. Cuộc trùng phùng đã đong đầy nước mắt. Bài “Long thành cầm giả ca” (bài ca về người đánh đàn cầm ở thành Thăng Long) của Nguyễn Du là một áng thơ tuyệt tác gây xúc động lòng người.


* CAO BÁ QUÁT với “ DU HỘI AN PHÙNG VỊ THÀNH CA GIẢ”

Cao Bá Quát (1809-1854) biệt hiệu Chu thần (bề tôi nhà Chu), người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, là một bậc tài hoa, văn chương xuất chúng nổi tiếng một thời (thần Siêu, thánh Quát).

Ông rất yêu thiên nhiên và yêu người. Trong bài “ Đêm 17 dưới ánh trăng” ông mô tả một người con gái đẹp đứng dưới ánh trăng trong như nước, nàng tựa lan can thầm nghĩ “ không lo đêm dài lạnh, chỉ sợ trăng sắp tàn”. Nàng nghĩ khi 16 tuổûi, mình cũng đẹp như mảnh trăng này. Tiếc cho sắc đẹp của mình cũng như ánh trăng, cứ dần dần trôi đi, trôi đi mãi. Cô gái không nỡ để cho ánh trăng bị hao phí, nàng khẽ nâng tà áo bọc lấy ánh trăng, rồi xén ra thay giấy, viết thành lá thư tâm sự gửi người yêu (3). Thật là giàu tưởng tượng và lãng mạn vô cùng.

Sinh ở đất Bắc, làm quan ở Huế, nhưng Cao Bá Quát cũng đã nhiều lần vào Quảng Nam, Quảng Ngãi để thăm bạn và viếng cảnh. Đến Hội An (Quảng Nam) tình cờ ông gặp lại cô đào hát ngày xưa ông đã từng quen và đem lòng yêu mến. Ông làm bài thơ “ Du Hội An phùng Vị thành ca giả” (Chơi phố Hội An gặp cô đào hát thành Vị) (4) trong đó ông tỏ ý tiếc là gặp nhau quá muộn, mà lại gặp nhau ở nơi đất khách quê người! Ông viết : Xa quê hương đã mấy thu rồi mà nay mới được nghe tiếng ti, tiếng trúc. Nước mắt dù cạn, ly rượu vẫn còn đầy. Ngọn đèn còn cháy, lửa lòng sao nỡ tắt ! Bạn cũ lưu lạc khắp nơi, nay còn được bao người, thôi thì hẹp lòng chi mà không cho nghe khúc hát !

Bây giờ mới gặp nhau,
Gặp nhau nơi đất khách.
Trúc tơ đêm trăng này,
Đất nước mấy thu cách.
Lệ cạn, rượu còn đầy,
Đèn còn, lòng nỡ tắt.
Bạn bè lưa thưa dần,
Tiếc gì nhau khúc hát !

Thật là chí tình vậy.


* DƯƠNG KHUÊ với “ GẶP CÔ ĐẦU CŨ “

Dương Khuê (1839-1902) hiệu là Vân Trì, người làng Vân Đình, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, cũng là một khách đa tình. Ông có nhiều bài hát nói viết về các cô đầu nhan đề : Cùng ai dan díu, Tặng cô đào Phẩm, Tặng cô đào Cúc, Tặng cô đào Ngọ, Tặng cô đào Cần , Tặng cô đào góa v.v… Nhưng đến bài “ Gặp cô đầu cũ” ta mới thấy tình ông tha thiết dường nào.

Thời trẻ, trong những lần đi hát, ông có quen biết hai đào nương là Hồng và Tuyết, nhưng hồi ấy hai cô còn bé lắm, đâu đã biết chuyện yêu đương. Mười lăm năm sau gặp lại, hai cô đã đến tuổi lấy chồng, còn ông thì đã già rồi. Ông bèn làm bài hát nói “ Gặp cô đầu cũ” với mưỡu đầu như sau :


Nước, nước biếc, non, non xanh,
Sớm tình, tình sớm, trưa tình, tình trưa.
Nhớ ai tháng đợi năm chờ,
Nhớ người dạo ấy bây giờ là đây.

NÓI :

Hồng Hồng, Tuyết Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì,
Chợt ngảnh lại đã đến kỳ tơ liễu.
Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,
Quân kim hứa giá, ngã thành ông (5).
Cười cười, nói nói thẹn thùng,
Mà bạch phát với hồng nhan (6) chừng ái ngại…

Bài hát nói tả nỗi buồn vì gặp lại người xưa quá muộn và nỗi xót xa vì thời gian qua mau khiến người đọc cũng cảm thấy nao lòng.

* * *

Cao Bá Quát đã từng viết “ Giai nhân nan tái đắc” (người đẹp khó gặp lại), Lý Thương Ẩn đời Đường cũng viết “ Tương kiến thời nan, biệt diệc nan” (khó gặp nhau mà cũng khó xa), nhưng gặp nhau trong hoàn cảnh éo le như các nhà thơ trên đây thì thật đáng buồn.

Thời gian qua mau, cuộc đời biến chuyển không ngừng mà thân phận của giai nhân nổi chìm theo thời cuộc, khi gặp lại nhau thì đã già rồi, kỷ niệm xưa chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng cũng nhờ đó mà ngày nay ta mới được đọc những áng thơ tuyệt tác và hiểu được tâm sự của tiền nhân.

1- Bia Tiến Phúc : bia dựng ở Nhiêu Châu, tỉnh Giang Tây, chữ rất đẹp. Đời Tống có người học trò dâng lên Phạm Trọng Yêm một bài thơ. Để giúp đỡ trò nghèo, Phạm cho phép người học trò này dập 1000 bản chữ bia để bán lấy tiền. Nhưng khi người học trò đến nơi thì bia đã bị sét đánh vỡ tan. Ở đây tác giả tả tiếng đàn rất mạnh mẽ như tiếng sét đánh vào bia.
2- Trang Tịch : người nước Việt làm quan nước Sở. Ngày thường nói tiếng Sở, nhưng lúc bệnh nặng thường ngâm thơ bằng tiếng nước Việt. Ở đây tác giả tả tiếng đàn buồn thảm.
3- Thơ chữ Hán Cao Bá Quát (NXB Văn Học Hà Nội 1977).
4- Thành Vị hay Vị thành : thành phố Nam Định vì ở đấy có sông Vị hoàng chảy qua.
5- Hai câu thơ chữ Hán : Khi ta đang thời phóng lãng thì hai nàng còn bé, nay hai nàng đến tuổi lấy chồng thì ta đã già rồi.
6- Bạch phát là tóc trắng, hồng nhan là má hồng. Già và trẻ.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn.