Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






JEAN JACQUES ROUSSEAU

VĂN SĨ-NHẠC SĨ-TRIẾT GIA




KẾT.




SỰ CHỌN LỰA ERMITAGE


Vào tháng 3 năm 1756 Rousseau bị đặt vào một tình trạng chọn lựa khó khăn ; Có hai đề nghị với ông . Y sĩ Tronchin muốn ông đảm trách nhiệm vụ quản thủ thư viện Genève và bà D'Epinay, phu nhân một vị tướng , một người rất khâm phục Rousseau đã đề nghị ông với những lời lẽ như sau : "...tôi có một ngôi nhà nhỏ xin được đặt dưới quyền xử dụng của ông. Ông vẫn thường nói với tôi về Ermitage, ngôi nhà ngay trước lối vào khu rừng Montmorency...Ông là một người bạn thân thiết của tôi, ông là chủ nhân ngôi nhà đó nếu ông quyết định ở lại nước Pháp ". Rousseau vui vẻ chấp nhận đề nghị của bà D'Epinay.



ERMITAGE LÀ VĂN PHÒNG LÀM VIỆC CỦA ROUSSEAU


Kể từ ngày 9 tháng 4 năm 1756, Rousseau cư ngụ tại Ermitage với ý tưởng thực hiện những dự kiến mới. Ông đã làm việc cho chủ đề Contrat Social - Khế Ước Xã Hội , ông mơ ước thực hiện một biên luận về đạo đức biên luận này sẽ được gọi là La Morale Sensitive hoặc là Le Matérialisme de Sage .
Ngay khi vừa đến cư ngụ tại Ermitage, một số bạn bè của ông vì ganh tỵ đã muốn ông rời khỏi nơi đây. Diderot nói với Thérèse và mẹ bà này là ông phản đối việc cư ngụ của họ tại vùng quê , lẽ dĩ nhiên những người đàn bà này vẫn luôn ưa thích nơi thành phố đô hội và họ đã bị ảnh hưởng. Một người nhân tình của bà D'Epinay, Grimm, một kẻ lạnh lùng và xảo trá cũng nhìn Rousseau bằng con mắt không mấy thân thiện vì thấy bà D'Epinay quá thiện cảm và thân mật với Rousseau.



TRANH LUẬN VỚI VOLTAIRE NGÀY CÀNG KỊCH LIỆT


Sự liên lạc giữa Rousseau và Voltaire ngày càng căng thẳng hơn nhất là sau khi quyển thơ "Sur le Désastre de Lisbonne et sur la Loi Naturelle" của Voltaire được xuất bản năm 1756, Rousseau bực mình vì bài thơ đầu tiên của tập thơ chứa chất sự thất vọng và dựa vào định mệnh một cách quá đáng. Rousseau tự cảm thấy đủ khả năng để đem vấn đề tranh luận của hai người trình bày trước công luận bằng cách cho xuất hiện "Lettre sur la Providence" - Là Thư viết về Thiên Định - trong đó ông đã tự khôi phục danh dự cho mình bằng cách minh chứng một cách tuyệt vời để tỏ bầy niềm tin, là một nguyên tắc của ông dưới mắt những người bênh vực cho sự khoan dung tôn giáo .



TÌNH YÊU VỚI BÀ D'HOUDETOT


Đời sống tại Ermitage và cảnh trí chung quanh rất thích hợp với Rousseau, ông làm việc, tiếp khách, duy nhất một vài điểm nho nhỏ làm ông mất vui đó là những tranh chấp với Grimm và Diderot cũng bởi những việc này đã làm bà D'Epinay phải xử dụng tài ngoại giao khéo léo của bà để dàn xếp. Rousseau quyết định ở lại Ermitage mùa đông năm 1756 để làm việc cho quyển tiểu thuyết Julie, một tiểu thuyết về tình yêu trong đó ông tán dương những tình cảm, sự giản dị, những đặc tính cao đẹp của đồng quê. Những nhân vật của ông biến hoá bên bờ hồ Leman. Trong giai đoạn viết phần thứ 4 của quyển truyện Julie, Rousseau đã yêu bà D'Houdetot, em dâu của bà D'Epinay. " Tôi đã say mê với tình yêu không một chủ đích này " Rousseau đã tuyên bố khi đề cập về bà D'Houdetot.



TỪ HERMITAGE ĐẾN MONT-LOUIS


Tình yêu đam mê với bà D'Houdetot và chuyện " hay kể lại " của ông đã gây không ít những sự phiền phức cho chính ông. Những người thân của ông đã liên kết lại với nhau để phản đối ông. Người bạn cũ, Diderot, của ông tham dự vào việc này và đã viết cho ông : " Chỉ có một kẻ hung tợn mới lẻ loi ". Rousseau phản ứng lại bằng một bức thư với lời lẽ khá gay gắt và cắt đứt liên lạc với Diderot. Nhưng, bà D'Epinay đã không tha thứ cho mối tình mới của Rousseau tại Ermitage. Ngày 15 tháng 12, Rousseau bắt buộc phải rời Ermitage để đến cư trú tại Mont-Louis trong một căn nhà nhỏ mà một người bạn ông , J.J.Mathas, kiểm sát trưởng thuế vụ của ông Hoàng Condé, cho mượn. Bà Thérèse Levasseur thì quay trở lại Paris .



ROUSSEAU VIẾT TRẢ LỜI D'ALEMBERT


Chỉ ngay sau khi dọn đến Mont-Louisn Rousseau quyết định trả lời cho D'Alembert, một nhà Bách Khoa, trong một bài báo đăng tại Genève trong vần đề tự điển, dám khẳng định rằng tôn giáo của nền Cộng Hoà tự đối kháng lại giáo lý của 3 Ngôi ( Cha, Con, Thánh Thần ) . " Tôi đã soạn trong vòng 3 tuần lễ lá thư " La lettre à D'Alembert " trên các vấn đề kịch nghệ, Rousseau thuật lại, để bênh vực giới giáo sĩ tại Genève và bảo vệ những lễ hội dân gian đối kháng với nhà hát, biếu tượng của sự tha hoá ,tồi tệ.



CUỘC THĂM VIẾNG ĐÚNG LÚC CỦA THỐNG CHẾ LUXEMBOURG


Rất nhiều lần, ông và bà Thống chế Luxembourg, cả hai đều rất ngưỡng mộ Rousseau, đã mời ông đến ăn tối tại lâu đài Montmorency. Một buổi chiều của tháng 4 năm 1759, đi cùng vài người bạn, Thống chế Luxembourg đến thăm Rousseau, ông này đã quan sát rằng, tại vọng lâu của căn nhà ,nơi Rousseau thường ngồi làm việc, đã không có tiện nghi lại còn trống trải không đủ che mưa lạnh. Ông này đề nghị và mời Rousseau về cư trú tại một lâu đài nhỏ, nằm trong trung điểm một khu rừng cây trong thời gian sửa chữ lại vọng lâu . Khi phải rời Ermitage, Rousseau mất nhiều bè bạn, nhưng nhờ vào Thống chế Luxembourg ông đã có nhiều người bạn mới. Những nhân vật quan trọng muốn được thân cận với ông : Hoàng thân De Conti, M.de Malesherbes, bà De La Tour. Trong suốt thời kỳ này, Rousseau nghĩ nhiều đến bà D'Houdetot và ông đã soạn thảo một loạt " Les Lettres Morales ", những bài nghị luận về vấn đề đức độ và hạnh phúc với chủ tâm trao gởi đến bà này. Rousseau cũng chép lại truyện "La Nouvelle Héloïse " và đích tay viết lời trao tặng đến bà vào ngày 18 tháng 12 năm 1760.



NƠI NƯƠNG NÁU THANH BÌNH MỚI TẠI MONT-LOUIS


Ngay sau khi việc sửa chữa và trang hoàng ở ngôi nhà nhỏ tại Mont-Louis hoàn tất, Rousseau trở lại nơi này cư trú cùng với Thérèse từ Paris trở về. Căn vọng lâu được che hởi mưa lạnh bằng kính và một lò sưởi được xây lên tại đó để Rousseau làm việc. Sân hiên nhà cũng được bố trí lại với dàn cây đọn ( tilleul ), hoa và những băng ngồi bằng đá, nơi đây đích thực là một văn phòng làm việc xanh mát, như chào đón một cách nồng nhiệt người khách đến chơi và cũng chính tại nơi này, Rousseau thích được tiếp đón những người khách của ông. Trong nơi nương náu mới đầy thanh bình giữa cảnh trí thiên nhiên này, ông đã hoàn tất những tác phẩm nòng cốt của ông : La Nouvelle Héloïse, Le Contrat Social và l'Emile.



JULIE VÀ ST-PREUX LÀM RUNG ĐỘNG PARIS (*)


Hoàn tất vào cuối năm 1760, quyển tiểu thuyết La Nouvelle Héloïse xuất hiện vào tháng 2 năm 1761 tại Paris. Sự thành công phải nói là ngay tức thời. Người ta tranh nhau đọc. Những hiệu cho thuê sách đã cho thuê với giá thật "cắt cổ " : 12 xu một giờ. Những người thợ khắc tranh lừng danh nhất của Paris đã khắc những bức tranh về những nhân vật của truyện : chàng trai trẻ Moreau, Gravelot, Prud'homme, Mosian. Rousseau đã làm việc liên tục 5 năm trời quyển tiếu thuyết này, một tuyển thư với một kết nối trữ tình và đầy sự cố.
Đa số những ấn bản chứa đụng nhiều bản khắc đính kèm tường thuật lại câu chuyện . Tiểu thuyết này cũng như một báo hiệu cho phong trào lãng mạng của thế kỷ thứ XIX sau này. Người đọc theo dõi tình yêu đam mê cuả (*) đôi tình nhân Julie và St-Preux qua suốt những bức thư họ trao đổi cho nhau. Đôi tình nhân chấp nhận mọi thử thách để đo lường sự sâu đậm và giới hạn cuả tình yêu đó. Họ đã yêu nhau nhưng họ cũng không tìm được một sự yên tĩnh, hoà bình trong áp lực thường trực của tình yêu đó.



BỚT BẤT CÔNG ! NHÂN DÂN LÀ CHỦ !


Ngay lúc ông còn làm việc tại Đại Sứ Quán Pháp ở Venise vào năm 1743, Rousseau đã có nhiều dịp để suy ngẫm về sự vận hành của các cơ chế của nhà nước. Ông đã ý thức được vai trò chính yếu của chính trị trong sự vận hành thể chế dân chủ. " Le Contrat Social " chứa đựng một sự suy ngẫm phê phán trên những cấu kết chính trị. Một học thuyết mới xuất hiện cho sự che chở tài sản và thân thể con người trong sự tôn trọng sự tự do của mỗi cá nhân. Đối với Rousseau, duy nhất chỉ có một hình thức chính quyền, đó là chính quyền mà Nhân Dân Làm Chủ.
Ngay sau khi được xuất hiện vào năm 1762, những ấn bản được chuyển đến từ Rouen (Pháp ) đã phải bị trả lại cho nhà in ở Amsterdam (Hoà Lan ) bởi vì tác phẩm đã bị cẩm không cho phát hành trước công chúng bằng một sắc lệnh của Pháp.



HOÀN TẤT CHUYÊN LUẬN VỀ SỰ GIÁO DỤC


Với Emilie, người đọc tìm lại được nguyên tắc của sự tôn trọng tự do bên trong đã được đề cập trong Contrat Social nhưng kỹ lưỡng hơn. " Sự gíao dục của con người khởi đầu từ khi vừa chào đời, trước khi biết nói, trước khi biết nghe, con người đã tự học hỏi ". Rousseau đặt cơ sở hệ thống giáo dục của ông bắt nguồn từ những ảnh hưởng của môi trường tự nhiên, trong đó đứa trẻ được phát triển, căn bản này phải chiếm ưu thế hơn những ảnh hưởng của nguồn gốc gia đình, vị trí xã hội và những thể chế.



NHỮNG NGUYÊN TẮC TRÊN VẤN ĐỀ GIÁO DỤC CỦA ROUSSEAU LÀM RỐI TRẬT TỰ


Rousseau đã viết Emilie đặt cơ sở trên những kinh nghiệm ông đã có trong thời gian ông sống tại tư gia M.de Mably ở Lyon và tại nhà bà Dupin, qua những kinh nghiệm đó ông đã ghi lại trong một hồi ức khá đầy đủ về vấn đề giáo dục cho những đứa trẻ của hai gia đình đó. Ông đã làm một bài biện minh cho sự tự do mà với chính bản thân ông đã rất qúy báu : « Con người được sinh ra trong tự do và ở khắp mọi nơi con người đã ở trong sự kiềm tỏa ; Làm cách nào mà sự thay đổi đó lại xảy ra được ? Tôi không biết, nhưng chuyện gì đã làm cho sự thay đổi đó trở nên hợp pháp ? Tôi tin rằng có thể trả lời được câu hỏi quan trọng này ». Thế rồi Rousseau vất bỏ mọi quyền lực đặt căn bản trên những đặc quyền của sự tự nhiên hay luật lệ của những kẻ mạnh.



VÌ CHỈ TRÍCH TÔN GIÁO MÀ EMILIE ĐÃ BỊ KẾT ÁN


Tuy nhiên phần thứ tư của chuyên luận đã đề cập đến đề tài tôn giáo với tựa đề " Profession de foi d'un vicaire savoyard" - phát nguyện tín ngưỡng của thầy trợ kế giáo phận Xa-Voa (Savoie - một vùng của nước Pháp ). Trong phần này, Rousseau đã ca tụng cho một tín ngưỡng tự nhiên, đặt cơ sở trên sự sáng suốt của trí năng và nghe theo những tình cảm đối kháng với tôn giáo thần khải. Ông hồ nghi quyền lực của Giáo Hội và bác lại sự giáo điều. Hiển nhiên lập luận của Rousseau không thể được giới giáo sĩ và những người cầm quyền đương thời chấp nhận được . Emilie đã bị kết án, tất cả các ấn bản bị tịch thu và bị công khai thiêu hủy.



ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI RỜI BỎ NƯỚC PHÁP


Pháp viện tối cao nước Pháp đã ra một sắc lệnh bắt giam, Rousseau bắt buộc phải gấp rút hành động. Được cấp báo bởi Thống Chế De Luxembourg trong đêm 9 rạng 10 tháng 6 năm 1762, Rousseau quyết định rời bỏ nước Pháp. Ngồi trong một chiếc xe trạm, đi ngăng những người thừa phát lại đến tìm bắt ông, Rousseau đi Yverdon thuộc vùng Vaud - Berne .



YVERDON : VÙNG ĐẤT TỰ DO


Khi vừa vào đến vùng đất Vaud vào ngày 14 tháng 6 năm 1762, Rousseau cho dừng cộ xe ngựa lại và bước xuống để cúi xuống vừa hôn đất vừa nói : " Hỡi trời cao che chở cho những đức hạnh, tôi xin được ca ngợi người, tôi đã đến được vùng đất tự do ". Tại nơi đây, ông đã đưọc những người bạn cũ , gia đình Roguin,những người mà ông đã gập họ tại đảo Saint Louis, đón tiếp. Nhưng những người cầm quyền tại Berne cũng đã dự trù mọi biện pháp để Rousseau cách xa địa phận cai trị của họ cũng vì Emilie, quyển sách nguy hiểm " chứa đựng toàn bộ những sự lếu láo và nguy hại ". Người cháu gái của Roguin, bà Boy De La Tour, đã đề nghị mời Rousseau đến tạm cư tại cơ ngôi nghỉ hè của bà ta tại Môtiers, một ngôi làng nhỏ thanh bình tại Val de Travers, vùng đất dưới quyền quản trị của vua nước Phổ. Rousseau nhận lời mời này.



SỰ ĐÓN TIẾP NỒNG HẬU CỦA MILORD MARECHAL


Ngay khi vừa đến Môtiers, Rousseau đã cẩn thận và viết cho milord Keith, thống chế thừa kế dòng Ecosse và là toàn quyền Neufchâtel để xin được quyền cư trú tại đây. Một ngạc nhiên sung sướng đã dành cho Rousseau, milord thống chế Keith đã vui vẻ chấp nhận và mời Rousseau đến lâu đài Colombier, nơi cư ngụ của ông ta. Rousseau nhận lời mời và đến thăm vị milord này, từ ngày đó, một tình bạn thân ái đã nẩy nở giữa hai người.



NƠI CƯ NGỤ MỚI : MÔTIERS


Ngôi nhà mà Rousseau đến cư trú tại Môtiers cũng cần một vài việc phải tu bổ sửa sang lại để có được những tiện nghi. Chính Rousseau đã tạo thêm những cửa sổ và làm các vách gỗ của phòng ngủ nhìn ra sân để có được khung cảnh sáng sủa khoáng đạt.
Ngoài việc viết sách và sưu tầm thảo mộc, một hoạt động mới mà ông đã thực hiện : thắt những sợi dải áo và đem tặng cho những người con gái nào tự nguyện cho con bú bằng sữa của chính mình ( theo Emilie ). Rousseau cũng đã tặng những sợi dải áo này cho tất cả những người con gái của vị chánh biện lý vùng Ivernois - Neuchâtel.

ROUSSEAU TRANG PHỤC QUẦN ÁO CỦA NGƯỜI XỨ ARMENIE


Vào thời kỳ này Rousseau quyết định thay đổi y phục và mặc một chiếc áo dài của người xứ Arménie mà ông thấy rằng tiện dụng và thích hợp với khí hậu vùng Môtiers. Ông đã yêu cầu bà Boy De la Tour cắt may cho ông một bộ quần áo gồm một chiếc áo dài , một chiếc chùm đầu có lông thú, một sợi thắt lưng... Suốt thời gian 3 năm sống tại Môtiers và ngay cả thời kỳ ở tại Wootton - Anh quốc, ông đã mặc bộ y phục này.



ROUSSEAU KHÁM PHÁ ĐỜI SỐNG THÔN DÃ


Một ngày làm việc của Rousseau được chia xẻ giữa việc sưu tầm thảo mộc và viết . Ông hoàn thành những bài hát Lévite d'Ephraïm và tiếp tục viết Emile và Sophie, phần phụ lục của quyển Emile. Rousseau cũng đã trả lời cho công tước De Beaumont, tổng giám mục giáo phận Paris, những lời trách cứ về việc thiếu niềm tin vào đạo thiên chúa giáo và sự thiếu sót trong cách phán đoán. Ngoài ra, Rousseau cũng để dành nhiều thời gian cho thú bách bộ của ông và chuyện trò với những người dân làng, ông cũng bộc lộ và cư xử với họ bằng một thái độ rất quảng đại .



HÌNH PHẠT PHẢI HỨNG CHỊU TẠI MÔTIERS


Sau một năm chờ đợi để những người đồng hương của ông có đủ thời gian để phản ứng đối kháng với những sự việc bất công mà ông đã phải hứng chịu. Rousseau quyết định từ bỏ quyền công dân xứ Genève bằng cách viết một bức thư gởi đến vị chủ tịch hội đồng cơ chế cộng hoà Genève. Lập tức ngay sau đó vị biện lý Tronchin đã công bố bản cáo tội Rousseau. "Les lettres écrites de la campagne" - Những bức thư viết từ miền thôn dã - của Rousseau cũng không chấm dứt tại đây mà lại còn được ông tiếp tục bằng " Lettres écrites de la montagne " - Những bức thư viết từ miền núi - đầy ngưỡng mộ được xuất hiện vào tháng 11 năm 1763.
Vị mục sư Montmollin xen vào cuộc bút chiến này và khích động dân chúng trong những buổi lễ. Căn nhà nơi Rousseau cư trú đã bị ném đá trong đêm ngày 6 rạng 7 tháng 9 năm 1765.



ĐẢO SAINT PIERRE : MỘT NƠI CƯ TRÚ MỚI


Rousseau buộc lòng phải rời khỏi Môtiers để đến tạm cư tại đảo St-Pierre nơi dẫn Rousseau đến chơi hai mà ông Du Peyrou đã tháng trước đó. Rousseau đã bị quyến rũ bởi phong cảnh hoang dã, sự thanh tịnh của vùng đảo này. Rousseau tạm ngụ tại căn nhà duy nhất trên đảo, nhà của người Receveur , trong suốt 6 tuần lễ. Ông cảm thấy rất sung sướng tại St-Pierre. Rousseau cũng bắt tay vào việc soạn thảo dự án về chính thể của đảo Corse mà ông đã được đặt mua . Ngoài ra ông tham dự vào những lễ hội của mùa hái nho, nghiên cứu cây cỏ và bơi thuyền trên hồ Bienne.



HẠNH PHÚC CỦA NHỮNG GIẤC MƠ


Thời gian ở tại đảo St-Pierre đã đem lại rất nhiều cho Rousseau sự thanh thản . Một trong những cái thú mà Rousseau được có tại đây là bơi thuyền ngắm cảnh.
Hãy nghe Rousseau thuật lại trong giấc mơ thứ 5 của ông :"...một mình tôi trong chiếc thuyền nhỏ mà tôi chèo giữa hồ khi sóng êm gió lặng và khi đó, tôi nằm dài trong lòng thuyền, ngửa mặt nhìn bầu trời, mặc cho chiếc thuyền trôi theo làn nước, một đôi lần hàng giờ trôi qua, tâm trí tôi đắm chìm trong ngàn giấc mơ lẫn lộn nhưng lại đầy thú vị..."



CONFESSIONS - NHỮNG LỜI TỰ THÚ


Bản viết đầu tiên về ký ức đời ông, Les Confessions, hoàn tất, Rousseau ủy thác cho Du Peyrou hầu hết những bản viết của ông với lời yêu cầu khẩn thiết rằng Les Confessions sẽ chỉ được công bố sau khi ông qua đời. Mới chỉ vừa tạm cư tại đảo chưa được bao lâu thì một viên chức hành chánh đến tìm Rousseau để trao cho ông một lá thư của nhà cầm quyền Berne yêu cầu Rousseau rời khỏi đảo và lãnh địa Berne. Buồn chán, Rousseau dự định sẽ xin tỵ nạn với vua nước Phổ, ông lên đường đi Berlin. Trên đường đi , Rousseau ghé lại Bienne và Strasbourg, tại nơi đây ông đã nhận được sự tiếp đón nồng hậu : triết gia David Hume và bà hầu tước De Verdelin chào đón Rousseau và thuyết phục ông nên đi Anh quốc.



MOZART VÀ NHẠC CỦA ROUSSEAU


Trong suốt mấy năm vừa trôi qua, nhiều biến động đã xảy ra liên tiếp chung quanh tác phẩm của Rousseau. Những quyến sách của ông vẫn tiếp tục được xuất hiện lén lút qua những ấn bản "bất hợp pháp" và tại Paris tư tưởng của Rousseau đã đột nhập các nơi hội họp văn học nghệ thuật trong lúc đó thì tại Genève quyển Emile đã gây sự bất hoà giữa nhà cầm quyền đương thời và dân chúng Genève. Những sáng tác của Rousseau ảnh hưởng không ít đến mọi người ngay cả âm nhạc của ông. Mozart, vào năm 1765 , vừa được 9 tuổi, trong một dịp đến Prais đã được xem Devin du Village , được trình diễn tại Opéra đều đặn vào lúc đó. Mozart đã rất cảm xúc để lấy làm nguồn cảm hứng khi sáng tác Bastien và Bastienne.



TRIẾT GIA HUME MỜI ROUSSEAU SANG ANH QUỐC


David Hume đã thuyết phục được Rousseau đi với ông ta qua Anh và ngày 11 tháng 1 năm 1766, cùng với De Luze, tất cả đã xuống tầu tại Douvres để đến Canterburry. Vài ngày sau đó, Rousseau tạm ngụ tại Chiswick để đợi Thérèse. Trong dịp này, Hume đã mời hoạ sĩ Ramsay hoạ chân dung của Rousseau trong y phục người Arménie. Tuy bức họa truyền thần này không được Rousseau thích nhưng bức họa đã thành công đến độ hầu như tất cả những người trong giới thượng lưu người Anh thời đó đua nhau mua những bức tranh vẽ lại từ chính bản.



ROUSSEAU RỜI WOOTON


Giữa lúc đang ngồi để hoạ sĩ Ramsay vẽ thì Davenport đến và mời Rousseau đến cư ngụ tại lâu đài của ông ta tại Wootton. Những trang viết đẹp nhất của quyển Les Confessions đã được Rousseau viết tại Anh quốc. Trong suốt thời gian này, Rousseau hứng chịu kết qủa của những sự áp chế nên nghĩ rằng mình luôn luôn bị rình mò, theo dõi. Hậu qủa là Rousseau trở thành khó chịu và sự giao hảo với triết gia Hume cũng do đó mà trở nên lỏng lẻo.
Vào lúc mà Rousseau được vua Geroges III của nước Anh bắt đầu trợ cấp cho ông số tiến là 100 đồng Anh mỗi năm thì cũng là lúc Rousseau vội vã rời Wootton, ngày 1 tháng 5 năm 1767, để trở về lục địa qua ngả Douvres và Calais.



ĐỊNH CƯ TẠI TRYE - LE - CHÂTEAU BẰNG TÊN GIẢ


Trở lại Pháp ngày 24 tháng 5 năm 1767, Rousseau sống dưới những lý lịch và tên tuổi khác nhau.
Trước tiên, ông đến Amiens với cái tên là Jacques. Rousseau cư trú tại nhà hầu tước De Mirabeau ở Fleury-sous-Meudon, sau đó cùng với bạn ông, Cuendet, đến Trye-le-Chateau nơi nhà của ông hoàng De Conti với cái tên là Jean-Joseph-Renou và Thérèse thì đóng vai là em gái. Rousseau tìm lại được niềm vui để lại đùa giỡn với Sultan, con chó trung thành, đã theo ông từ Môtiers sang Anh quốc.



SỰ TRỢ GIÚP CỦA BÀ THỐNG CHẾ LUXEMBOURG


Bệnh tình do sự đàn áp gây ra trong người Rousseau không thuyên giảm, thêm vào đó Thérèse lại không hợp ý với những người hiện diện tại lâu đài và vùng phụ cận. Rousseau đã khẩn khoản yêu cầu bà Thống Chế Luxembourg giúp để ông hoàng De Conti cho phép cư ngụ ở ngoài lâu đài này. Rousseau thích được sống một cách "vô danh" trong tự do và độc lập. Dù rằng đã được mời về cư trú trong một ngôi biệt thự của ông hoàng De Conti nhưng Rousseau quyết định, bất thình lình rời Trye-le-Chateau đi Lyon vào ngày 18 tháng 6 năm 1768. Rousseau gập lại bà Boy de la Tour, sau đó đến Grenoble thăm mộ phần bà De Warens trước khi trở lại Lyon.



VOLTAIRE BUỘC TỘI CHO ROUSSEAU ĐỐT NHÀ HÁT GENÈVE


Kể từ ngày xuất hiện "Lettre à D'Alembert sur les spectacles", Voltaire rất căm hận Rousseau và chờ dịp để trả thù, Voltaire viết "La Guerre de Genève"- Cuộc chiến ở Genève - trong đó Rousseau và bà Levasseur (Thérèse) là những thủ phạm đốt cháy nhà hát Genève (trên thực tế nhà hát cũng đã bị hoả hoạn vào năm 1768). Rousseau chẳng nao núng e ngại và tại Ivernois ngày 26 tháng 4, Rousseau đã viết :" Khi mà ông Du Peyrou báo cho tôi biết là phòng kịch nghệ đã bị cháy, tôi đã e ngại cho những buổi trình diễn đã được dự trù; nhưng cứ cho rằng việc đó là do tôi làm như Voltaire đã viết tôi cũng chẳng cần phải lên tiếng vì đối với tôi đó chỉ là một trò cười ".



ROUSSEAU SƯU TẬP THẢO MỘC TẠI GRANDE-CHARTREUSE


Một ngày đẹp trời vào tháng 7, Rousseau quyết định đi sưu tập cây cỏ tại Grande-Chartreuse và rời Lyon cùng với Claret de la Tourette và hai vị abbée giáo sĩ Rozier, Grange-Blanche . Theo lộ trình, họ dừng nghỉ tại Voreppe trước khi đến Grande-Chartreuse , nơi đây bốn người đã ở lại 4 ngày. ( Rất nhiều thảo mộc của nhà nghiên cứu thảo mộc De la Tourette đã mang những dòng chữ ghi chú :"Tại Grand-Som, trên Chartreuse, tháng 7 năm 1768").



CUỘC HÔN NHÂN BẤT NGỜ


Rousseau quyết định không cần suy nghĩ, chọn lựa tạm cư tại Bourgoin vào giữa tháng 8 tạo lữ quán Fontaine d'Or và tham dự bên cạnh vị thị trưởng; ông Rosière-Champagneux, trong những buổi tiệc chính thức do chính quyền địa phương tổ chức . Mấy ngày sau Thérèse đến cùng ông, trong sự ngạc nhiên của mọi người, Rousseau và Thérèse, người đàn bà đã theo ông từ 23 năm qua, đã làm lễ cưới vào ngày 29 tháng 8 tại ngôi lữ quán Fontaine d'Or không một nghi thức tôn giáo nào, với hai nhân chứng và trước sự hiện diện của vị thị trưởng.
Sau đó hai người đã đến cư ngụ ở trang trại Montquin trong vùng Maubec và Rousseau lại bắt tay vào việc viết những lời tự thú của ông - Les Confessions.



HAI ĐỒNG LOUIS VÀNG CHO BỨC TƯỢNG VOLTAITRE


Rousseau đi Nevers để gập ông hoàng De Conti và yêu cầu gíup đõ để trở lại Paris. Mặc dù De Conti không tán thành với ý định này nhưng dưới áp lực của Thérèse, Rousseau quyết định trở lại Paris.
Rousseau dừng lại Lyon vừa đủ thời gian để ông trao cho nhạc sĩ Coignet tập Pygmalion . Được biết rằng người ta đang kêu gọi quyên tiền để dựng tượng đài cho Voltaire, Rousseau đã gởi 2 đồng Louis vàng, việc làm này đã lại làm cho kẻ thù thâm niên của ông điên tiết tức tốc viết cho De Tourette :"Tôi nghĩ rằng giới trí thức Paris không muốn chấp nhận những kẻ ngoại quốc".



TRỞ LẠI PARIS


Về Paris, Rousseau cư ngụ tại đường Plâtrière (hiện nay là đường Rousseau thuộc quận 1 Paris). Ông sống với Thérèse trong một căn chúng cư rất khiêm nhượng với duy nhất 1 căn phòng vừa là nhà bếp, phòng tiếp khách và phòng ngủ. Hai chiếc giường nhỏ và một chút ít đồ đạc, một chiếc tủ để chứa sách, vài chiếc ghế . Trên tường lưa thưa vài bức tranh khắc.



SINH HOẠT TẠI PLÂTRIÈRE


Jean-Jacques thường làm việc vào buổi sáng. "Les Confessions" đã chiếm đa số thời giờ, ngoài ra ông tổ chức những buổi đọc sách tại nhà ông, những buổi đọc có thể kéo dài hơn 17 tiếng đồng hồ.
Để sinh sống, Rousseau làm việc với tư cách một người chép lại âm nhạc, việc làm sở trường của ông.
Vị công tước người Ba Lan, Michel Wielhorski, đặc nhiệm của các liên bang vùng Bar, đã tới gập ông để thuyết phục rằng Rousseau phải gíup đỡ ông ta để cứu nước Ba Lan. Chính bởi lẽ này mà Rousseau đã viết "Les Considérations pour le Gouvernement de Pologne".
Rousseau cũng tiếp tục việc sưu tập nghiên cứu cây cỏ và viết rất nhiều bức thư trao đổi về vấn đề này với bà Boy de la Tour.

Buổi chiều, sau nhiều hoạt động, Rousseau ra các vùng quê để tìm cây cỏ bổ túc cho bộ sưu tập của ông. Rousseau cũng rất ưa ra phố và đến những quán cà-phê-văn-chương -"cafés littéraires"- bất chấp cảnh sát với lệnh truy nã vẫn còn hiệu lực . Người ta thường gập Rousseau tại quán cà phê Procope hay Régence.Ông rất thích tranh luận với đám đông, gập giới trí thức và chơi đánh cờ.
Bachaumont đã thuật lại trong những hồi ký của ông ta rằng:"...nơi mà Rousseau đã tự tập hợp được một số rất đông người... ông ta chẳng bộc lộ sự dụt dè nào trước mọi thành phần khán giả và đã bộc lộ một sự dịu dàng, khác hẳn thói quen, trong những lời đối thoại của ông. Ông cũng không còn mặc bộ y phục của người Arménie mà lại trang phục giống như những người khác, sạch sẽ, giản dị ".



BỘ SƯU TẬP CÂY CỎ DÀNH CHO BÉ MADELON


Bộ sưu tập cây cỏ thực sự ra là để dành cho Madelon, cô con gái của bà Boy de la Tour. Rousseau muốn khai tâm cho cô bé này về thảo mộc. Bộ sưu tập của Rousseau về cây cỏ rất chính xác và đầy đủ. Rousseau cũng đã chỉ định rõ ràng về bản chất của từng cây cỏ, bằng tên Pháp và tên gia đình mỗi loại cây. Rousseau rất ưa thích được gần gũi trẻ em, có thể đó là một sự kiện tưởng nhớ lại thời thơ ấu của chính bản thân ông. Trong những buổi hội hè công cộng, ông cũng đã dành cho những đứa trẻ một sự quan tâm đặc biệt và một sự săn sóc rất ân cần.



NGÔI NHÀ Ở ERMENOMVILLE


Tháng 5 năm 1778, Rousseau , tự cảm thấy ngày cuối cùng của ông sắp đến, ủy thác cho Paul Moultou, một trong số những người hâm mộ và bạn hữu trung thành của ông, những bản viết tay "Dialogues" - đối thoại- và "Confessions" - tự thú - Những bản thảo này ngày nay được lưu trữ tại thư viện công cộng đại học Genève.
Cũng trong tháng đó, Rousseau đến cư ngụ nơi một căn nhà nhỏ biệt lập trong khu hoa viên tại Ermenonville theo lời mời của hầu tước De Girardin.Thời kỳ này là thời kỳ của "Rêveries d'un promeneur solitaire" - những giấc mơ của một người dạo bộ đơn lẻ - tại nơi đây Rousseau dành nhiều thời giờ cho việc sưu tầm cây cỏ, viết và sáng tác âm nhạc .



NHỮNG GIẤC MƠ CỦA MỘT NGƯỜI DẠO BỘ ĐƠN LẺ


Khu hoa viên Ermenonville đã là một nơi tuyệt vời dành cho sự trầm tư đơn lẻ.
Tác phẩm cuối cùng của Rousseau là một bằng chứng cho sự sáng suốt và sự bình an vô cùng. Ông đã bộc lộ tất cả những gì dịu dàng nhất về những kỷ niệm , về quá khứ, về tuổi trẻ, về những chuyến đi và sau cùng về giấc mơ dang dở của ông ...gợi lại kỷ niệm về bà De Warens trong những ngôn từ của một tình yêu tròn vẹn. "Trong khoảng khắc của 4 hay 5 năm" Rousseau đã được hưởng " một thế kỷ sống và hạnh phúc trong sáng ắp đầy...".



NHỮNG GIÂY PHÚT CUỐI


Về mặt thể xác, Rousseau xa xút hẳn. Năm 1777 nhiều cơn bệnh trầm trọng đã đến với ông. Vị bác sĩ săn sóc cho ông khuyên ông nên về vùng quê cư trú, Rousseau cũng đã chấp nhận lời mời của hầu tước De Girardin ... Nhưng ngày 2 tháng 7 năm 1778, trở về nhà sau buổi đi dạo sáng , Rousseau đột nhiên bị nhức đầu dữ dội. Mới chỉ vừa ngồi được xuống ghế, ông đã ngã lăn ra và tắt thở.

Một tư tưởng gia vĩ đại của thế kỷ thứ 18 vừa qua đời, đúng 33 ngày sau khi Voltaire nhắm mắt.

"Ma chère femme, rendez moi le service d'ouvrir la fenêtre afin que j'ai le bonheur de voir encore une fois la verdure. Comme elle est belle! que ce jour est pur et serein? Oh que la Nature est grande! Voyez ce soleil dont il semble que l'aspect riant m'appelle ! Voyez vous-même cette lumière immense, voila Dieu, Oui Dieu lui-même qui m'ouvre son sein, et qui m'invite à aller goûter cette paix éternelle et inaltérable que j'avais tant désiré."

J.J.ROUSSEAU



AN TÁNG TẠI ĐẢO PEUPLIERS


Hôm sau, 3 tháng 7 năm 1778, hầu tước Girardin ra lệnh cho Houdon thực hiện khuôn mặt của Rousseau bằng thạch cao để làm một bức tượng bán thân bằng đất nung. Chiều ngày 4 tháng 7, Rousseau được tẩm liệm tại hòn đảo nhỏ tên là Île des Peupliers - đảo bạch dương - tại Ermenonville, nơi mà vài ngày trước đó, Rousseau đã ao ước được "nghỉ ngơi vĩnh viễn" tại đó. Đám tang diễn ra thật bi thảm với sự hiện diện của một số bạn bè của hầu tước Girardin.
Hòn đảo nhỏ sau này được gọi là Elysée và trở nên một nơi hành hương cho những người ái mộ Jean-Jacques-Rousseau.



ERMENONVILLE : HOA VIÊN TƯỞNG NIỆM


Để lưu tồn kỷ niệm về nhà văn lớn này, vị hầu tước Girardin đã sửa sang , biến đổi toàn diện lãnh địa của ông ta để biến thành một hoa viên tưởng niệm J.J.Rousseau. Ông đã cho chỉnh đốn lại một ngôi mộ cổ, một đền triết học, một bàn thờ của sự mơ mộng, một căn nhà gỗ kiểu thụy sĩ, một đài kỷ niệm của những người tình nhân cổ đại, chứng tích của "La Nouvelle Héloïse" .
Những bạn bè của Rousseau cũng đã đến nghiêng mình trước mộ phần ông suốt những tháng sau ngày ông qua đời.



THÉRÈSE LEVASSEUR


Thérèse Levasseur, người đàn bà đã tháp tùng Jean Jacques Rousseau từ tháng 3 năm 1745 cho đến ngày ông từ trần, suốt 33 năm dòng dã. Họ đã lấy nhay tại Bourgoin ngày 29 tháng 8 năm 1768. Thérèse đã có với Rousseau 5 người con, tất cả đều bị gởi cho viện mồ côi. Tuy nhiên sự tranh luận về chuyện Rousseau là cha của những đứa trẻ này cho đến ngày nay vẫn được đề cập đến. Thérèse đã săn sóc Rousseau trong suốt 33 năm và sau khi Rousseau qua đời, chính bà ta đã trở thành người thừa kế duy nhất về những di sản vật chất hoặc văn chương, bản quyền... của người chồng tài hoa này.
Sau ngày Rousseau mất, Thérèse đã bị quyến rũ bởi một người thuộc hạ cuả hầu tước Girardin, một thanh niên đẹp trai, 34 tuổi, Jean-Henri Bally, sau này hai người đã làm đám cưới vào tháng 11 năm 1779 và cư ngụ tại Plessis-Belleville cho đến khi qua đời vào năm 1801.

Ngày 20 Vendémiaire an III - ngày 11 tháng 10 năm 1794 hài cốt của Jean Jacques Rousseau đã được chuyển về điện Panthéon - Paris an nghỉ bên cạnh Voltaire.



NHỮNG TÁC PHẨM CỦA JEAN-JACQUES ROUSSEAU


* TÁC PHẨM BÌNH LUẬN

. Discours sur les sciences et les Art, dissertation philosophique et morale, 1750.
. Discours sur l’origine de l’inégalité parmi les hommes, essai de philosophie politique, 1755.
. Lettre à d’Alembert sur les spectacles, pamphlet, 1758.

* ROUSSEAU VÀ XÃ HỘI

. Julie ou La Nouvelle Héloïse, tiểu thuyết (loại thư tín),1761.
. Le Contrat Social, tiểu luận triết học chính trị, 1762.
. Émile ou de l’éducation, chuyên luận giáo dục,1762.

* GIAI ĐOẠN VÀ NỀN TẢNG TÁC PHẨM TỰ THUẬT

. Les Confessions
. Les dialogues, Rousseau juge de Jean-Jacques
. Les Rêveries du promeneur solitaire, 1776-1778 - Di cảo xuất bản năm 1782


Troyes, France 15.12.2004