Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







THĂM NGÔI ĐỀN THIÊNG

THỜ THƯỢNG TƯỚNG QUÂN TRIỀU LÝ




  
        

H uyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, trong đó tiêu biểu là đền Hả thờ Thượng tướng quân Thân Cảnh Phúc thời Lý. Người có công trong cuộc chống quân Tống xâm lược thế kỉ thứ XI (1075-1077).

Đền Hả tọa lạc trên một gò đất cao thôn Kép II, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn. Ngôi đền không chỉ có kiến trúc đẹp và cổ kính, đây còn là chốn sinh hoạt tâm linh của cộng đồng các dân tộc vùng miền núi bao năm qua...

Theo sử cũ và thần tích còn lưu lại tại đền Hả cho biết: Thân Cảnh Phúc (một số tài liệu ghi là Thân Vũ Thành) là người dân tộc Tày sinh ra trong gia đình nhiều đời làm thổ mục ở Động Giáp (Bắc Giang ngày nay). Năm 1066, Thân Cảnh Phúc được vua Lý Thánh Tông gả con gái là công chúa Thiên Thành. Cùng năm đó, Thân Cảnh Phúc được bổ nhiệm là tri châu trấn ải vùng biên giới suốt từ Lạng Sơn đến một phần Quảng Ninh, Bắc Giang.

Thân Cảnh Phúc có công rất lớn trong việc củng cố, xây dựng Bắc Giang, Lạng Sơn từ một vùng đất "biên viễn", "phên dậu" trở thành một trọng trấn, một pháo đài kiên cố cả về quân sự, kinh tế, văn hóa không chỉ đối với nhà Lý mà cả các triều đại về sau. Năm 1075, Thân Cảnh Phúc cùng các tù trưởng miền núi chỉ huy bộ binh phối hợp với Lý Thường Kiệt đánh thẳng lên thành Ung Châu, Liêm Châu (Trung Quốc) tiêu diệt quân nhà Tống đang chuẩn bị xâm lược nước Đại Việt. Mùa Xuân năm 1077, Thân Cảnh Phúc được giao tổ chức dân binh Động Giáp dùng chiến thuật du kích tiêu hao sinh lực quân Tống ở Bắc Giang, Lạng Sơn. Sau khi ông mất, triều đình phong là: Đương Cảnh thành hoàng, tri biên đầu thượng tướng quân Vũ Thành tôn thần. Nhân dân từ khắp miền Lạng Sơn, Bắc Giang đều lập đền thờ ông.

Đền Hả tự được xây dựng trên một gò đất cao, trong khuôn viên rộng khoảng 400m2, cây xanh rợp bóng quanh năm. Ông Bùi Văn Trung (78 tuổi), thôn Kép II, xã Hồng Giang, thủ nhang đền cho biết: "Đền được xây dựng từ thời nhà Trần. Sau khi đền xây dựng, nhà vua còn cho xây cả một ngôi chùa lớn bên cạnh để cầu siêu cho tướng quân Thân Cảnh Phúc và các tướng sĩ đã tử trận vì Tổ quốc”.

Hiện tại đền Hả còn các câu đối, đại tự xác lập vị thế, công lao to lớn của phò mã nơi biên ải. Ngày chính hội, các vị chủ tế mới mở cửa hậu cung để làm lễ tế thần và tổ chức lễ hội. Theo ông Trung, ngôi đền rất linh thiêng. Người dân từ rất xa đến cầu khấn, đều linh ứng. Bên cạnh ngôi chùa còn một ngôi miếu nhỏ thờ mẫu. Cho đến nay, hệ thống đền, chùa, miếu tạo thành một quần thể không gian sinh hoạt tâm linh khép kín độc đáo.

Đền Hả ngày nay có bình đồ kiến trúc theo kiểu chữ "Nhất”, gồm 2 gian được liên kết vì mái theo kiểu kèo kìm cánh bang, quá giang vượt, các cấu kiện kiến trúc bào trơn, không chạm khắc trang trí. Trong đền có một ban thờ nhỏ, trên ban thờ là tượng phò mã Thân Cảnh Phúc và các vị tướng quân của ông và các vị thần khác. Đặc biệt, đền còn giữ được 21 đạo sắc phong của các triều đại nhà Trần, Lê, Nguyễn ghi nhớ công lao trời bể của Thân Cảnh Phúc đối với Nhân dân, đất nước.

Hằng năm, vào  các ngày 6, 7, 8 tháng Giêng, người dân lại mở hội đền Hả để tưởng nhớ Thân Cảnh Phúc. Lễ hội đền Hả còn có nhiều trò chơi dân gian như thi ca hát giữa các dân tộc, đánh đu, kéo co, chọi gà…  Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc năm 1991, Đền thờ tướng quân Thân Cảnh Phúc được Nhà nước công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Quảng Ninh