TỨ ĐẠI MỸ NHÂN
T
ừ xưa đến nay bốn người đẹp được xưng tụng là tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa gồm có:
- Đại mỹ nhân trầm ngư là Tây Thi, thời Xuân Thu chiến quốc.
- Đại mỹ nhân lạc nhạn là Vương Chiêu Quân, thời Tây Hán.
- Đại mỹ nhân bế nguyệt là Điêu Thuyền, thời mạt Hán
- Đại mỹ nhân tu hoa là Dương Quí phi, đời Đường.
* TÂY THI
Cũng gọi là Tây Tử, là người con gái dệt vải tuyệt đẹp, sống ở Trữ La thôn thuộc nước Việt cổ, thời Xuân Thu chiến quốc. Nàng là con một người kiếm củi họ Thi. Trữ La thôn có thôn Đông và thôn Tây, nàng sống ở thôn Tây nên gọi là Tây Thi. Nàng đẹp đến nỗi khi nhăn mặt vì đau bụng cũng khiến người đối diện phải mê hồn. Sách viết rằng ở thôn Đông có nàng Đông Thi bắt chước Tây Thi nhăn mặt nhưng mọi người thấy đều bỏ chạy vì mặt nàng xấu quá, do đó có điển “Đông Thi hiệu tần” nghĩa là bắt chước nhăn mặt như Tây Thi mà không giống.
Tây Thi thường ngày hay ra sông giặt lụa. Bóng nàng in xuống nước rất xinh đẹp, cá nhìn thấy cũng phải say mê quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông, vì thế dân trong vùng xưng tụng nàng là “Tây Thi trầm ngư” (cá lặn).
Trong một trận đánh quyết tử với vua Ngô, Việt vương Câu Tiễn thua to, vua Ngô là Phù Sai bắt Câu Tiễn về làm tù binh. Tuy thân thể bị giam cầm nhưng Câu Tiễn vẫn luôn nuôi chí báo thù. Để được lòng Phù Sai, Câu Tiễn không nề hà bất cứ việc gì, kể cả việc nếm phân của Phù Sai để định bệnh. Vì thế Phù Sai cảm động, chỉ ít lâu sau thả Câu Tiễn về .
Về nước, bề ngoài Câu Tiễn vẫn giữ lệ triều cống, nhưng bí mật chiêu binh mãi mã để chờ cơ hội. Đêm đêm ông thường nằm trên đống gai, ngày ngày thường nếm mật đắng (nằm gai, nếm mật) để tự nhắc nhở mình không quên mối hận này.
Nhờ có hai bậc trung thần là Phạm Lãi và Văn Chủng bày nưu tính kế, lại chuyên tâm rèn luyện binh sĩ nên chẳng bao lâu lực lượng của nước Việt đã trở nên hùng mạnh. Văn Chủng lại đề nghị muốn thắng Phù Sai phải dùng mỹ nhân kế. Câu Tiễn bèn bỏ ra nhiều vàng bạc, sai người đi săn tìm các cô gái đẹp khắp nơi để mua về. Trong số hàng ngàn mỹ nữ chỉ có Tây Thi là nổi trội hơn cả nên ông chọn nàng đưa sang Ngô.
Trong một lần Phạm Lãi về Trữ La thôn tìm gặp Tây Thi, khi đi ngang qua suối, Tây Thi trượt chân ngã, được Phạm Lãi nhanh tay đỡ rồi ôm nàng vào lòng, bồng lên bờ, mối tình giữa hai người nảy sinh từ đó.
Được Tây Thi, Phù Sai quí như vàng, say mê như điếu đổ. Ông sai xây đài Cô Tô thật huy hoàng lộng lẫy cho nàng ở, đồ trần thiết trong đài toàn bằng châu ngọc cả, sai dựng quán Khuê Cung trên núi Linh Nham để cùng nàng ngắm cảnh, dạo chơi ; lại sai đào ao Ngoạn hoa trì, Ngoạn nguyệt trì và giếng Ngô vương tỉnh, nước trong vắt quanh năm… để vua cùng nàng ngắm hoa, thưởng trăng và nàng soi mặt dưới giếng, còn vua đứng bên cạnh sẽ vuốt tóc nàng; sai lập Cầm đài để nàng rung lên những cung đàn tuyệt diệu.
Từ khi được Tây Thi, Phù Sai cứ quấn quít bên nàng, không thiết gì đến việc triều chính. Thấy nguy, quan Tướng quốc là Ngũ Viên (tức Ngũ Tử Tư) hết lời can ngăn nhưng vua chẳng những không nghe lại còn buộc ông phải tự sát. Trước khi chết, ông bảo thuộc hạ hãy cắt đầu mình treo trên cổng thành để ông nhìn thấy quân Việt vào diệt nước Ngô. Chẳng bao lâu, kho tàng cạn kiệt, binh lính trễ nãi việc quân, nước Ngô dần dần suy yếu.
Biết được tình hình đó, Câu Tiễn hưng binh chinh phạt. Quân Ngô thua to. Phù Sai kể ơn xưa, năn nỉ xin Câu Tiễn tha mạng nhưng Câu Tiễu quyết liệt từ chối nên Phù Sai phải tự tử. Tây Thi vẻ vang trở về cố quốc. Phạm Lãi đưa Tây Thi xuống thuyền rong chơi khắp Ngũ hồ chứ không màng thế sự. Nhưng cũng có sách viết rằng vợ Câu Tiễn ghen tuông, sợ Tây Thi dùng sắc đẹp mê hoặc chồng mình nên bí mật sai người bắt nàng rồi neo đá ném xuống sông Tây giang mất tích.
Về sau có người chê trách Tây Thi đã làm cho Ngô Phù Sai tiêu tan cơ nghiệp nên có thơ biện minh cho nàng:
Nước nhà còn mất bởi cơ trời,
Sao cứ Tây Thi đổ lỗi hoài?
Tây Tử nếu làm Ngô mất nước
Thì xưa Việt mất bởi tay ai?
Nhà thơ Lâu Dĩnh đời Đường làm thơ thương tiếc Tây Thi, nhắc lại cái bến sông ngày xưa nàng thường ra giặt lụa, nay phiến đá ở đấy đã phủ rêu xanh, còn nàng từ khi sang đài Cô Tô thì không bao giờ về nữa:
西 施 石
西 施 昔 日 洗 紗 津
石 上 青 苔 愁 殺 人
一 去 姑 蘇 不 復 返
岸 旁 桃 李 未 誰 春
摟 穎
TÂY THI THẠCH
Tây Thi tích nhật tẩy sa tân,
Thạch thượng thanh đài sầu sát nhân.
Nhất khứ Cô Tô bất phục phản,
Ngạn bàng đào lý vị thùy xuân.
LÂU DĨNH
Khương Hữu Dụng dịch thơ:
Ngày trước Tây Thi giặt bến này,
Giờ rêu in đá não người thay!
Cô Tô một chuyến đi, đi biệt,
Đào lý bên bờ xuân với ai?
* VƯƠNG CHIÊU QUÂN
Chiêu Quân tên Vương Tường, là con gái nhà thường dân ở huyện Tuyên Đô, tỉnh Hồ Bắc, nhan sắc cực kỳ xinh đẹp, lại đàn giỏi hát hay. Nàng được tuyển vào cung khoảng năm 40 Trước công nguyên, dưới đời vua Hán Nguyên Đế (49-33 TCN). Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được giáp mặt rồng.
Vì số cung phi của vua Hán Nguyên Đế quá đông nên vua sai họa công vẽ chân dung mỗi người để vua lựa chọn. Các cung phi thường dùng vàng bạc hối lộ tay thợ vẽ Mao Diên Thọ để y vẽ tăng sắc đẹp khiến vua để ý. Riêng Chiêu Quân không chịu lo lót vì tự tin vào sắc đẹp của mình và cũng vì nàng không có nhiều tiền nên bị Mao Diên Thọ vẽ kém đi, lại điểm thêm một nốt ruồi thương phu trích lệ ở dưới mắt là tướng sát phu nên vua không để ý.
Gặp khi Hung Nô xua quân sang cướp phá các châu quận ở Nhạn môn quan, vua Nguyên Đế sai tướng ra đánh dẹp mấy lần đều bại trận, triều đình bàn nên đưa vàng bạc và mỹ nữ sang để giảng hòa. Vua chấp thuận. Nguyên Đế xem tranh, thấy Chiêu Quân không đẹp nên chọn nàng để hòa Phiên.
Đến khi nàng vào triều bái biệt, vua mới nhận ra Chiêu Quân xinh đẹp, kiều diễm và duyên dáng hơn tất cả các cung phi khác, lại không có nốt ruồi dưới mắt nên rất tiếc, muốn lưu nàng lại nhưng đấng quân vương không thể nuốt lời nên đành phải đưa nàng đi hòa Phiên. Vua biết bị Mao Diên Thọ lừa, giận quá, sai mang Mao Diên Thọ ra chém.
Chiêu Quân lên ngựa đi cống Hồ. Đến Nhạn môn quan, nàng dừng lại gảy khúc đàn “Xuất tái khúc” (Ra khỏi quan ải) để tỏ lòng luyến nhớ quê hương. Có con chim nhạn bay ngang qua, thấy người con gái tuyệt đẹp, lại nghe tiếng đàn ai oán não nùng nên quên bay mà rơi xuống đất. Vì thế Chiêu Quân có biệt danh là “lạc nhạn” (nhạn sa). Đàn xong, nàng buông mình nhảy xuống sông Hắc thủy để tự tận.
Về chỗ này có nhiều thuyết khác nhau. Theo Nam Hung Nô liệt truyện trong Hậu Hán thư thì Vương Chiêu Quân trở thành người vợ yêu quí của chúa Phiên là Hô Hàn Tà, nàng sinh được hai trai và một gái. Năm 31 TCN, Hô Hàn Tà chết, con trai lớn lên nối ngôi tức là Phục Chu Luy Nhược Đế. Sau khi mất, Chiêu Quân được an táng tại Thanh Trủng (mộ xanh), hiện nay mộ nàng vẫn còn ở Nội Mông.
Thi hào Lý Bạch có bài thơ Vương Chiêu Quân tỏ ý tiếc thương nàng:
Trăng Hán vẫn mọc ngoài Đông hải,
Minh Phi (1) sang Hồ không trở lại.
Lạnh lùng hoa tuyết núi Yên Chi,
Cát bụi bay mù ngập thúy mi…
Ở Việt Nam, nhà thơ Tản Đà có bài văn Tế Chiêu Quân bằng chữ Hán cũng tỏ ý thương tiếc nàng, được quan huyện Nễ Xuyên Nguyễn Thiện Kế dịch sang thơ Việt:
Cô ơi! Cô đẹp nhất đời,
Mà cô mệnh bạc, thợ trời cũng thua.
Một đi, từ biệt cung vua,
Có về đâu nữa, đất Hồ nghìn năm.
Mả xanh còn dấu còn căm,
Suối vàng lạnh lẽo cô nằm với ai?...
* ĐIÊU THUYỀN
Điêu Thuyền là giai nhân tuyệt sắc đời mạt Hán. Nàng bị loạn Đổng Trác nên gia đình tan nát, cha mẹ bị giết, thân cô thế cô phải xin vào giúp việc ở dinh quan Tư đồ Vương Doãn. Thấy nàng rất đẹp lại có tài múa hát nên Vương Doãn nhận làm con nuôi.
Một đêm kia, Điêu Thuyền bái nguyệt ở hậu hoa viên. Đột nhiên có một cơn gió nhẹ thổi qua, một áng mây bay ngang che khuất mặt trăng, đúng lúc ấy Vương Doãn bước ra trông thấy nên thường khoe với mọi người rằng con mình đẹp đến nỗi trăng nhìn thấy cũng phải xấu hổ trốn vào sau mây. Từ đó Điêu Thuyền được tôn xưng là “bế nguyệt” (trăng phải che mặt lại). Tiếng tăm về sắc đẹp của Điêu Thuyền đã đến tai Đổng Trác và Lã Bố.
Bấy giờ Đổng Trác đang giữ chức Thái sư trong triều, quyền nghiêng thiên hạ, trong tay có hàng chục vạn binh mã, lại có con rể là Lý Nhu đa mưu túc trí làm quân sư và con nuôi là Lã Bố (tức Lã Phụng Tiên) sức địch trăm người. Vì thế họ Đổng lăm le muốn chiếm đoạt ngai vàng của vua Hán Hiến Đế. Các bậc trung thần nhà Hán, trong đó có Vương Doãn, ngày đêm lo lắng, chỉ e cơ đồ nhà Hán rơi vào tay họ Đổng.
Một đêm kia, thấy Vương Doãn đi đi lại lại trong hoa viên, mặt mày ủ rũ, chốc chốc lại thở dài, Điêu Thuyền gạn hỏi thì ông bày tỏ hết nỗi lòng. Điêu Thuyền hỏi mình có giúp được gì không, nếu được thì nàng sẵn sàng hy sinh thân mình cho đại cuộc. Vương Doãn mừng rỡ, lạy nàng một lạy rồi cùng nàng bàn bạc cơ mưu, dùng liên hoàn kế: trước gả Điêu Thuyền cho Lã Bố, sau lại tặng nàng cho Đổng Trác để gây mâu thuẫn giữa cha con họ. Quả nhiên Đổng – Lã mắc mưu, coi nhau như thù địch. Đổng Trác cho rằng thằng con nuôi vô đạo dám tán tỉnh ái cơ của bố, còn Lã Bố thì cho rằng Trác là kẻ vô luân đi cướp vợ của con. Lý Nhu thấy nguy, khuyên Đổng Trác nên gả Điêu Thuyền cho Lã Bố nhưng bị ông phản đối quyết liệt, lại còn hỏi vặn Lý Nhu: Mi có dám đưa vợ mi cho người khác không? khiến Lý Nhu cứng họng, than rằng:
- Tất cả chúng ta rồi sẽ chết về tay người đàn bà này thôi!
Một lần ở Phụng Nghi đình, Lã Bố cùng Điêu Thuyền đang tình tự, Đổng Trác về tới chợt bắt gặp Lã Bố ôm Điêu Thuyền thì nổi trận lôi đình, ném cây kích vào Lã Bố nhưng Bố né tránh được. Từ đó mối thù giữa hai cha con đã lên đến cực điểm, không cách gì hàn gắn được.
Lần khác, vờ tôn Đổng Trác lên ngôi vua, Vương Doãn sai phục binh trong triều, chờ khi Trác bước vào thì hô quân đổ ra giết Trác. Nhưng Trác đã phòng xa, mặc áo giáp nên kiếm đâm không thủng. Thấy nguy, ông hoảng hốt gọi:
- Phụng Tiên đâu? Mau cứu bố!
Lã Bố đáp:
- Có Bố đây.
Nhưng thay vì cứu Đổng Trác, Bố lại đâm một kích vào yết hầu của Trác, kết thúc cuộc đời tên gian thần phản nghịch và hung ác.
Về sau có người làm thơ tả Đổng Trác say mê tiếng đàn, giọng hát và sắc đẹp của Điêu Thuyền, nhưng đó là gươm kề cổ mà gã không hay:
Một đóa anh đào chúm chím môi,
Đôi hàng răng ngọc rạng xuân tươi.
Hương đưa đầu lưỡi tàng hơi kiếm,
Chém chết gian thần có lúc thôi !
Trong Thánh Thán ngoại thư, Mao Tôn Cương (2) có lời bàn về Điêu Thuyền như sau: “Mười tám lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lã Bố, mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Ôi! Lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lĩnh của “nữ tướng quân” quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!”
* DƯƠNG QUÍ PHI
Dương Quí phi tên thật là Dương Ngọc Hoàn, sinh năm 719 ở đất Thục, quê Hà Nam sau dời đến Sơn Tây. Đến tuổi dậy thì, nàng đẹp rực rỡ, đẹp lộng lẫy. Năm Khai Nguyên thứ 22 (734), dưới triều Đường Minh Hoàng (tức vua Huyền Tông), nàng được tuyển vào cung làm vương phi của Thọ vương Lý Mạo, con trai Đường Minh Hoàng.
Bấy giờ ái phi của Đường Minh Hoàng là Vũ Huệ phi mới mất, vua thương nhớ khôn nguôi. Một hôm, muốn làm vui lòng vua, Cao Lực Sĩ tâu rằng Thọ vương phi nhan sắc khác thường, đẹp chưa từng thấy. Vua bèn sai Cao Lực Sĩ sang cung Thọ vương đoạt nàng về. Để tránh tiếng cha cướp vợ của con, vua cho nàng làm đạo sĩ, hiệu là Thái Chân, rồi ít lâu sau đưa nàng vào cung, phong làm quí phi. Ngọc Hoàn chẳng những tuyệt đẹp lại còn biết làm thơ, giỏi âm nhạc và ca múa nên nhanh chóng chiếm được lòng yêu thương của đấng quân vương.
Một lần nàng dạo vườn ngự uyển thưởng hoa, thấy hoa mẫu đơn, nguyệt quế nở rộ nên buồn cho thân phận mình bị chôn vùi tuổi xuân ở trong cung mà lệ tràn khóe mắt. Khi nàng sờ tay vào một đóa hoa, hoa chợt thu mình lại. Một cung nga trông thấy kháo chuyện ấy với mọi người, từ đó nàng được mệnh danh là “tu hoa” (hoa phải xấu hổ vì nàng đẹp quá) (3).
Vì Dương Quí phi rất được vua sủng ái nên bà con họ hàng của nàng cũng được thơm lây. Anh họ nàng là Dương Quốc Trung được phong làm tướng rồi Tể tướng, ba chị nàng được phong làm Hàn Quốc phu nhân, Quắc Quốc phu nhân, Tần Quốc phu nhân, ân sủng không bút nào tả xiết.
Bấy giờ Đường Minh Hoàng đã ngoài sáu mươi mà Dương Quí phi thì còn quá trẻ, nhà vua không sao thỏa mãn dục vọng của nàng nên nàng tìm cách dan díu với An Lộc Sơn. Sơn là người Hồ, được vua Đường trọng dụng, phong làm Tiết Độ sứ ba trấn Bình Lư, Phạm Dương và Hà Đông, dưới trướng có nhiều tướng tài và 20 vạn quân, thế lực rất mạnh.
Năm 755, An Lộc Sơn khởi loạn, tự xưng là Yên Đế, đem quân đánh chiếm Hà Bắc, Hà Nam, hãm thành Lạc Dương rồi kéo quân về chiếm Trường An. Quân nhà Đường đại bại. Đường Minh Hoàng phải đem Dương Quí phi chạy vào đất Thục. Đến Mã Ngôi (Thiểm Tây), quân sĩ đói khát, mệt nhọc, không chịu đi tiếp, bàn nhau giết Dương Quốc Trung, giết các chị của Dương Quí phi rồi bức vua phải thắt cổ Dương Quí phi vì cho rằng chính anh em nàng là nguyên nhân của mối loạn này.
Vua năn nỉ mãi không được nên đành phải để Cao Lực Sĩ treo cổ nàng trên một cành liễu trước sân chùa.. Năm ấy nàng mới 37 tuổi (719-756).
Năm 763, con trai Đường Minh Hoàng là vua Túc Tông dẹp yên được mối loạn rồi rước Thượng hoàng về kinh. Về sau, các thi nhân Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Ôn Đình Quân, Lý Thương Ẩn… đều có làm thơ thương tiếc Dương Quí phi. Bài thơ sau đây trong chùm thơ Khiển muộn của Đỗ Phủ tỏ ý tiếc thương Dương Quí phi và nhắc đến việc thích ăn trái vải của nàng:
Hoàng đế, Quí phi nay đã vắng,
Trường An vải lại đến bình thường.
Phương Nam mỗi bận dâng hoa quả
Bệ ngọc nên rầu lũ gội sương.
Nhớ ngày hái vải ghé Lô, Nhung (4)
Lấp ló non xanh, đá ánh hồng
Nhan sắc kinh đô đâu thấy nữa,
Ngọt chua quả vải biết trong lòng.
(Huệ Chi dịch)
Từ xưa đến nay, Trung Hoa là đất nước sản sinh nhiều người đẹp. Ngày nay, với 1,4 tỷ dân, hẳn Trung Hoa có không ít mỹ nhân,
nhưng không thấy Trung Hoa tổ chức các cuộc thi hoa hậu nên không phát hiện được người đẹp đó thôi.
Tuy vậy, các diễn viên nổi tiếng từng đóng các vai nữ thời cổ trong phim cũng cho ta thấy nhan sắc của các nàng thuộc loại
hoa nhường nguyệt thẹn như: Lưu Diệc Phi từng đóng vai Tây Thi, Dương Mịch trong vai Chiêu Quân, Trần Hảo vai Điêu Thuyền,
Hồ Khiết Quỳnh vai Dương Quí phi, Lâm Chí Linh và Phạm Băng Băng vai Lý Sư Sư ; Lưu Hiểu Khánh vai Võ Tắc Thiên,
Huỳnh Dịch vai Tiểu Yến Tử, Triệu Vy, Lâm Tâm Như trong Hoàn Châu cách cách, v.v… Các nữ nhân này nhan sắc đâu có
kém gì người đẹp ngày xưa./.
(1) Minh Phi: Từ đời nhà Tấn (265-419) vì kiêng tên vua là Tư mã Chiêu nên Chiêu Quân được gọi là Minh Phi.
(2) Mao Tôn Cương: nhà phê bình tiểu thuyết đời Thanh rất nổi tiếng, sống ở thế kỷ XVII, từng phê bình cuốn Tam quốc chí diễn nghĩa.
(3) Do những chữ: trầm ngư, lạc nhạn, bế nguyệt, tu hoa nên ở Việt Nam người ta dịch thành chim sa, cá lặn, nguyệt thẹn, hoa nhường. Trong Cung oán ngâm khúc có câu: “Chìm đáy nước, cá lờ đờ lặn, Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa” để tả nhan sắc tuyệt vời của cô cung nữ.
(4) Lô, Nhung: tức Lô châu và Nhung châu, hai vùng đất thuộc tỉnh Tứ xuyên, Trung Quốc (H.C.)