“ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT”
VỚI MARCEL PROUST
KỲ THỨ III
C ảm xúc mở đường cho tìm kiếm sáng tạo (*)
Ngay trong phần đầu bài viết, tôi có giới thiệu đoạn văn « Vị bánh madeleine và hai loại hồi ức » trong tập truyện một mang tựa đề « Du côté de chez Swann » như là chìa khóa mở cửa giúp ta xâm nhập hang động văn học Proust. Nhưng còn một đoạn văn thứ hai nằm ở phần đầu của tập truyện chót với tựa đề « Le Temps retrouvé » cũng đáng cho ta khảo sát. Có khi còn cần khảo sát kỹ hơn nữa vì đây mới là đoạn văn giúp ta có được câu niệm chú để phát hiện nơi ẩn dấu kho tàng bí mật. Hay, để diễn tả văn vẻ theo lối lẩy kiều, đoạn văn về miếng bánh madeleine mới trỏ ta biết chỗ để giang tay mở khóa động đào, còn đoạn văn dưới đây mới bày ta biết cách rẽ mây soi tỏ lối vào thiên thai (hi ! hi ! hi !...).
Đoạn văn này trải dài trên gần ba chục trang (từ « Je descendis de nouveau… avaient d’abord nourri la graine et permis sa maturation. Sdd, tr. 701-728), thuật lại bữa Proust tới dự buổi trình tấu nhạc tại tư dinh nữ quận chúa Guermantes, nhưng với một tâm trạng buồn nản trước cảm giác bất lực không tìm ra được lời lẽ để nói lên vẻ đẹp của miền quê nước Pháp mà Proust đã có lần chiêm ngưỡng. Trong lúc mải chìm đắm trong các ý nghĩ bi quan, Proust giật mình lùi tránh khi nghe tiếng la của một người đánh xe ngựa. Tới khi định thần, Proust bỗng nghe toàn thân dâng lên một niềm hoan lạc và nhận ra mình đang ở thế đứng khấp khiễng vì hai bàn chân vừa đặt trên hai phiến đá lát không đều. Cảm xúc này, Proust nghe y như niềm hoan lạc trước đây khi vừa nhấp vào miếng bánh madeleine tẩm trà. Thế là, bất chấp những tiếng cười riễu cợt của đám phu xe gần đấy, Proust lập đi lập lại thế đứng nhiều lần, cố làm sống lại cảm xúc hoan lạc vừa bắt gặp. Nhưng càng lập lại thế đứng để tìm kiếm, Proust càng cảm thấy vô vọng. Tới khi chấp nhận buông xuôi đành bỏ rơi toan tính của mình, Proust thấy cảm xúc lại bất chợt hiện về : Thì ra đây chính là cảm xúc của Proust trước đây khi đặt chân trên hai lát đá mấp mô trước cửa nhà giải tội của thánh đường Saint Marc. Và rồi, cùng với cảm xúc này, cả một không khí đầy ắp kỷ niệm của chuyến viếng thăm Venise đầu tiên ào ào kéo đến làm thức dậy nơi Proust niềm hoan lạc y như khi vừa nhấp vào miếng bánh tẩm trà.
Nhưng giữa Venise và Combray, giữa thế đứng khập khiễng và mùi vị bánh madeleine, trong những hoàn cảnh thời gian và không gian khác nhau, sao Proust vẫn tìm lại được cùng một niềm hoan lạc ? Trong lúc phải ngồi ở phòng đợi tại nhà quận chúa Guermantes để chờ khúc nhạc đang chơi dở chấm dứt, Proust vẫn tiếp tục suy tư tìm hiểu về điều mà Proust gọi là « sự bí ẩn của hạnh phúc » (l’énigme du bonheur). Đã bao lần nhìn ngắm những tấm hình chụp kỷ niệm về Combray, về Balbec, về Venise, thậm chí có khi còn trở lại thăm mấy chốn này, mà sao Proust vẫn chỉ bắt gặp toàn những cảm xúc ước lệ mỗi lúc một sói mòn ? Tâm thức này khác hẳn với cảm xúc chứa chan hoan lạc của buổi viếng thăm Venise đầu tiên mà bước chân hụt hẫng vừa qua vừa làm thức dậy nơi Proust. Thắc mắc này của Proust làm ta không khỏi liên tưởng tới điều ta vẫn cho là kỷ niệm đẹp nhất của ta về Venise…
Bữa đó, cùng với đám du khách trong đoàn, tay cầm chiếc iPad loại xịn 5G mới ra lò, ta lăng xăng cố quay bằng được một vài thắng cảnh, di tích lừng danh đồn đại. Rồi ta còn đứng ra nhờ người khác chụp dùm, khi thì khuỳnh tay ưỡn ngực, có lúc cặp mắt xa xăm mơ màng như đang tưởng nhớ người yêu hay buồn trông quê mẹ. Tới chỗ được mệnh danh là « Cây cầu có tiếng thở dài » (le Pont du soupir) ta lại dỏng tai lắng nghe lời dẫn giải của người hướng dẫn du lịch về sự tích cây cầu : Cây cầu ngắn này nối liền khám đường với phòng tuyên án của Hội đòng thành Phố Venise (le Conseil des Doges). Mỗi lần được giải tới cây cầu, phạm nhân đều buông một tiếng thở dài vì rất có thể đây là lần chót họ còn được nhìn thấy quang cảnh Venise. Những lời dẫn giải này ta cố ghi từng chi tiết. Cũng như mấy tấm hình kỷ niệm, chúng sẽ là mẩu chuyện hấp dẫn để ta lôi ra kể mỗi lần có khách tới thăm. Và mỗi lần, ta lại hoan hỉ khi thấy trong mắt họ ánh lên sự ham muốn xen lấn một niềm thán phục rằng ta con người hải hồ lịch lãm, đi xa, trông rộng, hiểu biết nhiều. Thế rồi, với thời gian, niềm thích thú của ta về chuyến viếng thăm Venise dần dà được đóng khung trong mấy tấm hình đó, trong vài mẩu chuyện đó.
Nhưng phải chăng chỉ có những cái ấy mới làm nên điều đáng ghi nhớ của ta về Venise? Hay, biết đâu kỷ niệm đẹp thực sự của ta về Venise có thể sẽ chẳng bao giờ ta còn gặp lại, nếu như bữa nay không có trận gió tình cờ ấy, khua động tiếng lá rào rào làm sống dậy trong ta một cảm giác sảng khoái lạ thường. Niềm hân hoan do đâu mà ra ? Chẳng lẽ chỉ nhờ có máy tiếng lá reo đó sao ?... A ! Ta nhớ ra rồi. Niềm hân hoan vừa chợt thức dậy trong ta, chính là tâm trạng lâng lâng sảng khoái cái bữa ta được ung dung tản bộ trên quảng trường Saint Marc.
Lúc ấy khoảng sáu giờ chiều. Sau một ngày tất bật tới thăm nơi này, đến viếng chốn nọ theo sự điều động của hướng dẫn viên du lịch, đây mới là khoảnh khắc nghỉ sả hơi để tâm hồn ta được buông thả theo nhịp bước chân phiêu bồng lơ đãng. Bóng chiều bắt đầu tô sậm lòng quảng trường và các dãy nhà bao quanh càng làm nổi bật ánh vàng chói chang của những tia nắng còn đọng lại trên các vòm cung điện, trên đỉnh tháp chuông thánh đường. Trong hơi gió thoảng mùi bùn kinh lạch, tiếng ngân lanh lảnh « O sole mio… » của ai đó gợi trong ta hình ảnh bác lái đò duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống đang nghiêng mình trên chiếc thuyền thon thon mũi nhọn mang vẻ đẹp muôn thủa Venise. Giữa những tiếng cười nói lao xao của bày đoàn du khách, vài nốt nhạc thánh thót từ quán cà phê vọng ra như muốn giót vào tai ta. Cùng lúc mùi thơm của bánh pizza nóng hổi lại đeo đuổi khứu giác, khiến bước chân ta vô tình khua động làm bày chim cu hốt hoảng vụt vỗ cánh bay cao… Thì ra niềm hân hoan sảng khoái ấy chính là hạnh phúc của bản giao hưởng dấy lên từ những cảm xúc mới lạ qua thị giác, thính giác, khứu giác, súc giác đang thấm vào ta khiến ta như đang được lạc bước vào cảnh tiên bồng. Bản giao hưởng của những xúc cảm thuộc về đời sống chân chất ấy, ta thưởng thức được là nhờ vào khoảnh khắc đó : cái khoảnh khắc ta ung dung tản bộ, đầu óc hết bị ám ảnh bởi những tấm hình quảng cáo du lịch, tâm hồn ta không còn bận bịu vướng mắc vì những lời nhắn nhủ dặn dò của người thân bạn bè : nào là phải chụp lấy cảnh này, nào là phải nhớ mua thứ nọ… Phải, chỉ có khoảnh khắc ta chợt quên rằng mình đang là một du khách mới chính là lúc ta thực sự được sống giao cảm với đất trời, với con người, với đời sống Venise. Nhưng tiếc thay, giây phút của những cảm xúc thần tiên ấy lại chỉ hiện lên bất chợt và quá ngắn ngủi, ta chưa kịp nhâm nhi thưởng thức, đã nghe tiếng thúc dục lên xe. Tiếp đến nào là bữa ăn tối, nào là những lo toan thực dụng, những chuẩn bị cho chương trình thăm viếng ngày mai khiến cảm xúc hân hoan sảng khoái ấy đã tức thì bị lấn áp, bị dồn ép để mỗi lúc thêm bị vùi lấp trong tiềm thức. Và rồi, cũng như nàng công chúa trong câu chuyện cổ tích sẽ không bao giờ thức giấc nếu không có nụ hôn của chàng hoàng tử, cái đáng lẽ phải coi là kỷ niệm đẹp nhất của ta về Venise - cái cảm xúc tuyệt vời ấy – có lẽ chẳng bao giờ ta tìm lại được, nếu như bữa nay không có mấy tiếng lá reo rào rào tựa tiếng bày chim cu vụt vỗ cánh… Bởi vậy Proust mới cho rằng chỉ đáng gọi kỷ niệm « cái bị nhận chìm trong quên lãng và tưởng như đã bứt mọi liên hệ với hiện tại, (…) chợt làm ta có cảm giác vừa được thở hít một không khí mới, thực ra lại chỉ là cái không khí ta đã từng hít hà một thời xa xưa, nhưng nay ta thấy nó trong lành hơn, y như cái không khí các nhà thơ vẫn cho là chỉ tìm thấy ở Thiên Đường nên không sao kiếm nổi lời diễn tả ; vậy mà cái không khí vừa làm ta có được cảm giác mới lạ sâu xa ấy, lại chính là cái không khí có lần ta đã thở hít rồi, bởi vì chỉ những thiên đường đã mất, hay đúng ra tưởng tưởng rằng đã mất vì bị nhận chìm trong quên lãng, mới là thiên đường có thật. (gạch chú – NBH) » (Oui, si le souvenir, grâce à l’oubli, n’a pu contracter aucun lien, jeter aucun chainon entre lui et la minute présente, (…) il nous fait tout à coup respirer un air nouveau, précisément parce que c’est un air qu’on a respiré autrefois, cet air plus pur que les poètes ont vainement essayé de faire régner dans le Paradis et qui ne pourrait donner cette sensation profonde de renouvellement que s’il avait été respiré déjà, car les vrais paradis sont les paradis qu’on a perdus. Sdd, tr. 706).
Sáng tạo nghệ thuật để tìm lại niềm vui hạnh phúc cội nguồn (*)
Vậy Thiên Đường, với Proust, không phải là một khái niệm trừu tượng mơ hồ biểu tượng cho cõi toàn thiện toàn bích mà ta tưởng chỉ hiện hữu trong giấc mơ, nên mấy ông nhà thơ mời chọn làm đối tượng để thi nhau vò đầu bóp trán tìm lời ca tụng, và để cho mấy tay đầu nậu chính trị nhân danh nó hô hào cổ võ đấu tranh thực hiện, nhưng kết quả thực chất lại chỉ xô đẩy con người vào những lò sát sinh khổng lồ. Nhưng nếu như không có cái Thiên Đường ấy thì, trái lại, vẫn có những khoảnh khắc thiên đường : đó là nhưng khoảnh khắc của những cảm xúc thần tiên chỉ có thể cảm nhận được bởi con người tinh khôi trong mỗi chúng ta, khác hẳn với con người thực dụng hay con người ít nhiều tha hóa của những toan tính hàng ngày. Đó là con người nguyên thủy còn bảo toàn được cái chân chất của đời sống trung thực nên mới biết cảm thụ cái tinh thể của vạn vật (l’essence des choses, chữ của Proust) vốn là nguồn hạnh phúc trong sáng vô biên của sự sống, như ta vẫn thấy toát ra từ ánh mắt nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ trong giai doạn đầu đời. Nhưng tiếc thay con người nguyên thủy đó, con người có những giây phút bắt gặp được cái thần của đời sống mà Proust gọi là hữu thể ngoại thời gian (l’être extra-temporel), lại thường bị con người xã hội vị lợi chèn ép, lấn át, vùi lấp đi. Và chỉ những giây phút buông thả nhất, khi mà đời sống tâm linh vô tình được giải phóng khỏi sự kiềm tỏa của trí tuệ, chỉ những khi ấy ta mới tìm thấy lại, được sống lại những khoảnh khắc thiên đường đánh mất. Đó là diều mà Proust dã nhận thức : « Cái hữu thể đó chỉ đến với tôi, chỉ hiện ra bên lề hành động, bên cạnh sự hưởng thụ tức thời, mỗi khi nhờ phép lạ của một sự tương đồng tôi thoát ly được hiện tại. Chỉ có hữu thể đó mới có quyền lực giúp tôi tìm lại được những ngày tháng cũ, cái thời gian đã mất, là những thứ mà mọi nỗ lực tìm kiếm bằng trí nhớ và bằng trí tuệ đều vô ích. » (Cet être-là n’était jamais venu à moi, ne s’était jamais manifesté qu’en dehors de l’action, de la jouissance immédiate, chaque fois que le miracle d’une analogie m’avait fait échapper au présent. Seul, il avait le pouvoir de me faire retrouver les jours anciens, le temps perdu, devant quoi les efforts de ma mémoire et de mon intelligence échouaient toujours. Sdd, tr. 706).
Nhưng cái hữu thể đó lại chỉ hiện lên bất chợt, mong manh chập chờn, làm sao để níu kéo nó, giữ nó lại? Cố suy ngẫm để tìm hiểu về các biến cố liên quan đến mùi vị bánh madeleine hay thế đứng trên hai lát đá không đều, Proust phát hiện ra một điều: Đó là trong mấy trường hợp này, các cảm giác (impressions), các hoài niệm (réminiscences), dù có mong manh mơ hồ, đều là tín hiệu của những định luật (lois), của những ý niệm (idées) ta phải tìm cách diễn giải (interpréter) nghĩa là làm sao lôi được chúng từ vùng tăm tối ra ngoài ánh sáng để có thể diễn ra thành ý, nói lên thành lời. Có lẽ chỉ nhờ cách ấy, là làm sao phô diễn được lên giấy trắng những gì ta còn cảm nhận mơ hồ, ta mới mong biến chúng thành trường cửu. Để thực hiện diều này, liệu có phương thức nào hữu hiệu hơn là làm ra một tác phẩm nghệ thuật ? “Tóm lại, trong bất kỳ trường hợp nào, dù là những cảm nhận khi nhìn thấy gác chuông nhà thờ tại Martinville, hay cảm xúc hồi sinh như thế đứng khấp khiễng trên hai lát đá không đều hoặc là mùi vị của miếng bánh madeleine, ta đều phải vừa suy tưởng vừa tìm cách giải đoán các cảm xúc đó như là những tín hiệu của các luật định hay ý tưởng nhằm lôi chúng từ vùng chập choạng tối ra ánh sáng, nghĩa là biến các cảm nhận chập chờn ấy thành cảm nhận trí tuệ. Và tôi cho rằng không có phương pháp nào khác là biến công tác giải đoán đó thành một tác phẩm nghệ thuật.” ( “En somme, dans un cas comme dans l’autre, qu’il s’agit d’impressions comme celle que m’avaient donné la vue des clochers de Martinville, ou de réminiscences comme celle de l’inégalité des deux marches ou le goût de la madeleine, il fallait tâcher d’interpréter les sensations comme les signes d’autant de lois et d’idées, en essayant de penser, c’est-à-dire de faire sortir de la pénombre ce que j’avais senti, de le convertir en un équivalent spirituel. Or ce moyen qui me paraissait le seul, qu’était-ce autre chose que faire une œuvre d’art ? » Sdd. tr. 712). Từ đó, Proust rút ra hệ luận ta phải coi việc thực hiện một tác phẩm nghệ thuật như thi hành một nghĩa vụ thiêng liêng : đó là tìm kiếm làm sao để nói lên được cái thực, cái đẹp của đời sống tâm linh. Và ông đã xác định điều ông coi là thiên chức nhà văn (vocation littéraire) của mình như sau : « Thế là tôi đã đi đến kết luận rằng chúng ta không hề được tự do trước tác phẩm nghệ thuật, chúng ta không thể thực hiện nó tùy tiện ; bởi lẽ tác phẩm tồn tại sẵn trước ta, nhưng lại bị che dấu nên mới trở thành tất yếu, nên ta mới phải phát hiện nó, cũng như ta phải phát hiện một định luật tự nhiên vậy. Vả lại, xét cho cùng, sự phát hiện này nhờ vào nghệ thuật, phải chăng chính là sự phát hiện ra điều đáng được coi là quí giá nhất đối với ta, nhưng lại bị những thói quen hàng ngày làm nó trở thành xa lạ ; vậy mà cái điều quí giá nhưng xa lạ ấy lại chính là đời sống thực sự của ta, là cái hiện thực như ta đã được sống bằng cảm nhận và hoàn toàn khác biệt với cái hiện thực theo ta tưởng tượng, nên mỗi lần có một tình cờ đem đến kỷ niệm thực sự, ta mới thấy trào dâng một niềm hoan lạc vô biên ? » (Ainsi j’étais dejà arrivé à cette conclusion que nous ne sommes nullement libres devant l’œuvre d’art, que nous ne la faisons pas à notre gré,, mais que, préexistant à nous, nous devons, à la fois parce qu’elle est nécessaire et cachée, et comme nous la ferions pour une loi de la nature, la découvrir. Mais cette découverte que l’art pouvait nous faire faire, n’était-elle pas au fond, celle de ce qui devrait nous être le plus précieux, et qui nous reste d’habitude à jamais inconnu, notre vraie vie, la réalité telle que nous l’avons sentie et qui diffère tellement de ce que nous croyons que nous sommes emplis d’un tel bonheur quand un hasard nous apporte le souvenir véritable ? Sdd, tr. 714).
Vậy là, với Proust, sáng tạo nghệ thuật không thể là sản phẩm của thuần hư cấu. Sáng tạo không phải là đi tìm thoát ly bằng tưởng tượng, là thêu dệt vẽ vời, tìm cách đánh bóng cái thực tại sần sùi nhấp nhúa để giúp ta được tìm quên trong chốc lát. Sáng tạo không phải là sáng tác hay phóng tác, muốn phịa ra sao thì phịa. Nó không đơn giản như công tác thuật lại câu chuyện nằm mơ thấy tiên và được cô nàng quì xuống để xin dâng chàng hai trái đào thơm. Sáng tạo như là một công trình nghệ thuật, theo Proust, trước hết, phải là thành quả của một phiêu lưu mạo hiểm, một khổ công tìm tòi nhằm đưa ra một cái nhìn khai phá và nói lên được hiện thực mang tính chất qui luật của đời sống tâm linh. Nói khác đi, hành động sáng tạo của nhà văn cũng tương đương với hành động chứng minh một định luật vật lý với nhà khoa học. Duy có điều khác biệt : do không cùng chung lãnh vực và đối tượng nghiên cứu, nên công cụ làm việc và phương pháp làm việc giữa nhà văn và nhà khoa học cũng phải khác. Đối tượng nghiên cứu của khoa học là thế giới tự nhiên nên nhà khoa học phải vận dụng tới óc quan sát và trí tuệ trước, sau đó mới cần thực nghiệm để kiểm chứng tính xác thực các giả thuyết khoa học của mình. Trái lại, đối tượng tìm hiểu của nhà văn lại thuộc về đời sống tâm linh nên nhà văn phải dựa vào cảm giác như là công cụ để tìm cách nắm bắt được cái thực ở đời. Cảm giác chính là tín hiệu báo động cho ta về sự tồn tại của một kho tàng còn ẩn dấu trong ta mà ta không có ngờ. Bởi vậy Proust mới cho rằng « cảm giác đối với nhà văn cũng như sự thể nghiệm với nhà bác học, duy chỉ có điều khác biệt là nhà bác học phải vận dụng trí tuệ trước rồi mới bước qua thử nghiệm, còn nhà văn lại chỉ về sau mới cần tới trí tuệ » ( để tìm cách lý giải cảm giác – NBH). « L’impression est pour l’écrivain ce qu’est l’expérimentation pour le savant, avec cette diffférence que chez le savant le travail de l’intelligence précède et chez l’écrivain vient après. » Sdd, tr. 713). Và ông đã dành những năm còn lại cuối đời để suy ngẫm và tìm giải đáp cho điều mà ông gọi là sự bí ẩn của hạnh phúc qua tín hiệu của cảm giác. Nhờ vậy mà tác phẩm « A la recherche du temps perdu » được ra đời.
Ta có thể coi « A la recherche… » trước hết là một hành trình ngược thời gian : cái thời gian của cuộc đời ảo ảnh, và cũng là thời gian mang chất cường toan tảy sạch được những dấu vết mặt nạ mà mỗi chúng ta đều có lúc mang để thủ các vai nhân vật trong những tấn tuồng đời. Phải nói hành trình ngược dòng thời gian này là một hành động phiêu lưu đầy gian nan thử thách. Và cũng phải có quyết tâm lắm, phải thiết tha với đời sống chân thật lắm mới vượt thắng được mọi trở ngại để đặt chân lên bến bờ. Nơi ấy thuộc về thời gian vĩnh cửu. Nơi ấy là hạnh phúc của dời sống cội nguồn. Proust đã dấn thân vào cuộc hành trình khổ hạnh này và ông đã tới được bến bờ. Nơi đây ông trút bỏ được cái lốt con người vị kỷ của xã hội bon chen, nơi đây ông tháo gỡ được tấm mặt nạ của con người muôn mặt cuộc đời. Bởi vậy ta có thể nói mục đích « đi tìm thời gian đã mất » với Proust, chính là đi tìm cái tôi đã mất, cái tôi chân chất của con người tinh khôi nguyên thủy còn chưa bị lấn át bởi con người xã hội hầu như ngày một thêm lún sâu vào vũng lầy của cõi u mê sân si vị kỷ. Và rồi, cũng như Ulysse, trong thiên trường ca Homère, cuối cùng được lãnh phần thưởng là tái hợp với người vợ trung trinh Pénélope sau khi vượt thắng bao chặng đường gian nan khổ ải, Proust cũng nhờ đặt được chân lên bến bờ mà phát hiện ra con đường sáng tạo nghệ thuật để hoàn thành thiên chức nhà văn của mình. Thiên chức nhà văn ấy, ông đã thố lộ với ta trong đoạn văn dưới đây : « Trái với thứ nghệ thuật mà ông de Norpois cho là một trò chơi (chữ nghĩa – NBH) của văn nhân tài tử, tính cao cả của nghệ thuật đích thực chính là tìm thấy lại, là nắm bắt lại, là giúp ta nhận biết được cái hiện thực mà hàng ngày ta vân sống xa nó, mà hàng ngày ta lại thêm lảng tránh nó để mỗi lúc đem thế vào chỗ nó sự hiểu biết ước lệ ngày càng tăng phần kín bưng dày đặc ; vậy mà cái hiện thực ấy rất có thể mãn đời ta không hay biết lại là một điều hết sức đơn giản, ấy là chính cuộc đời của ta. Chỉ có nó mới là đời sống thật, do đó mới là đời sống duy nhất ta thực sự sống, và sở dĩ cái đời sống áy cuối cùng được phát hiện và làm cho tỏ rõ, ấy là nhờ văn chương. Thực ra đời sống đích thực ấy đều có trú ngụ từng khoảnh khắc ở mọi người cũng như nơi nghệ sĩ. Nhưng người đời lại không thấy nó, vì họ không tìm cách soi tỏ nó. Bởi vậy quá khứ với họ chỉ là nơi chất chứa vô số sự kiện vô bổ vì chúng không được ánh sáng trí tuệ làm cho tỏ rõ, chẳng khác gì những cuộn phim hình không được dem « đi rửa » . (La grandeur de l’art véritable au contraire, de celui que M. de Norpois eut appelé un jeu de dilettante, c’était de retrouver, de ressaisir, de nous faire connaître la réalité loin de laquelle nous vivons, de laquelle nous nous écartons de plus en plus au fur et à mesure que prend plus d’épaisseur et d’imperméabilité la connaissance conventionnelle que nous lui substituons, cette réalité nous risquerions fort de mourir sans avoir connue, et qui est tout simplement notre vie. La vraie vie, la vie enfin découverte et éclaircie, la seule vie par conséquent réellement vécue, c’est la littérature. Cette vie, en un sens, habite à chaque ínstant chez tous les hommes, aussi bien que chez l’artiste. Mais ils ne la voient pas, parce qu’ils ne cherchent pas à l’éclaircir. Et ainsi leur passé est encombré d’innombrables clichés qui restent inutiles parce que l’intelligence ne les a pas « développés ». Sdd, tr. 725).
Bí quyết thành công cũng như ý nghĩa và giá trị của bộ « A la recherche du temps perdu » có lẽ là ở chỗ đó. Ấy là nhờ Proust đã chịu khó mầy mò cặm cụi để tìm cách « rửa hình » : Từ một vài sự kiện nhỏ nhoi tầm thường như mùi vị bánh madeleine hay thế đứng giữa hai lát đá không đều, mà người đời săn sàng đem rục bỏ vào kho phế thải của đời sống tâm linh, Proust lại đem kính hiển vi ra soi rọi và dùng ánh sáng của trí tuệ để tìm ra câu giải đáp cho điều ông gọi là « sự bí ẩn của hạnh phúc » (l’énigme du bonheur). Bởi vậy tôi mới cho rằng nghiền ngẫm hiện thực, nếu không phải là phương thức duy nhất, thì ít ra nó cũng là một trong những con đường dẫn đến sáng tạo.
Đôi hàng nhắn gửi thay cho lời kết
Trên đây chúng tôi đã trình bày một số điểm được coi như là những khái niệm then chốt hay là phát hiện sáng tạo của Proust. Tôi cho rằng chính các đặc điểm này đã đem lại cho bộ « Đi tìm thời gian đã mất » một giá trị văn học đặc biệt và đòi hỏi người đọc muốn tìm đến ông rát nhiều kiên nhẫn và thiện chí. Chỉ riêng về mặt hình thức, văn phong của ông cũng đủ làm những ai có ý mon men đến với tác phẩm của ông đã muốn bỏ rơi cuốn sách chỉ sau vài trang đọc. Về mặt ý nghĩa nội dung, tác phẩm lại còn làm ta cảm thấy lạc lõng thất vọng hơn nữa. Bởi vì văn chương của ông không thuộc loại mô tả cảnh đời hay kể lể các mẩu chuyện đời, như Les mísérables của Victor Hugo hay bộ truyện bảy tập La comédie humaine của Honoré de Balzac.
Đưa ra nhận định trên, tôi không hề có ý coi thường hay xúc phạm người đọc. Không riêng gì những độc giả bình thường lấy chuyện đọc sách làm thú vui giải trí, ngay đến André Gide, như chúng ta đều biết, là nhà văn danh tiếng Pháp ở thế kỷ 20 từng được trao giải thưởng văn học Nobel, cũng đã là « nạn nhân » của Proust. Khi còn đảm nhiệm chức vụ « lecteur » tức phụ trách công việc tuyển lựa tác phẩm để đăng cho nhà xuất bản Nouvelle Revue Française (N.R.F) hay Gallimard, Gide đã loại bỏ tập « A l’ombre des jeunes filles en fleurs », sau khi mới đọc có vài trang đầu. Trước những câu văn lằng nhằng dây mơ dễ má cộng thêm lời lẽ kiểu cách, mới đọc qua lần đầu, Gide đã vội cho sách của Proust chỉ chạy theo thị hiếu thời thượng của giới thượng lưu trưởng giả thời bấy giờ. Về sau, trong một lá thư gửi cho Proust và N.R.F, Gide đã phải nhìn nhận sự lầm lẫn của mình bằng những lời lẽ như sau : « Sự từ chối in cuốn sách này là lầm lẫn trầm trọng nhất của N.R.F và (tôi lấy làm hổ thẹn vì có trách nhiệm lớn trong vụ này) cũng là một trong những hối tiếc, những cay đắng nhất trong đời tôi » (« Le refus de ce livre restera la plus grave erreur de la N.R.F et (car j’ai honte d’en être beaucoup responsable) l’un des regrets, des remords les plus cuisants de ma vie » - Proust : A la recherche du temps perdu, tome I, collections Bouquins, Editions Robert Lafont 1987, cité par Bernard RAFFALLI dans son Introduction à l’œuvre de Proust, p. XXXII ). Lời thú nhận trên của Gide đủ cho thấy bộ truyện của Proust «khó nuốt » thế nào. Thế nhưng, cũng như lửa để thử vàng, thời gian để thử thách giá trị một công trình văn hóa nghệ thuật. Càng về sau, công lao đóng góp của Proust vào kho tàng văn học thế giới càng được công nhận và tác phẩm của ông càng được nhiều người tìm đọc. Không chỉ độc giả thuộc khối Pháp ngữ, mà tác phẩm còn được dịch ra mọi thứ ngôn ngữ trên toàn thế giới. Trong số này đáng kể nhất phải kể tên học giả người Nhật tên Jo Yoshida. Là sinh viên Nhật, theo học tại Sorbonne, ông không chỉ say mê đọc Proust, mà còn đóng góp vào công cuộc sưu khảo về Proust đến độ được nhà xuất bản Gallimard ghi tên ông trong danh sách những người có công đóng góp cho việc hoàn thành bộ « A la recherche du temps perdu » thuộc tủ sách La Pléiade (bibliothèque de la Pléiade), được đánh giá là một trong những tủ sách tham khảo quí báu đối với giới biên khảo văn học quốc tế.
Thành tựu hoàn vũ này của bộ A la recherche du temps perdu sở dĩ có được, ấy là nhờ Proust đã đề ra một cách tiếp cận mới, một quan niệm sáng tạo mới, nếu không muốn nói là cách mạng, trong công trình xây dựng một tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đó là ông không lấy việc xây dựng một tác phẩm làm cứu cánh, như là một trò chơi chữ nghĩa , hoặc nhằm mua vui giải tri người đọc. Xây dựng tác phẩm văn học, với ông, là một công cuộc thám hiểm , một khổ công tìm kiếm nhằm phát hiện ra chân lý cuộc sống.
(Viết xong và duyệt lại ngày 15-7-2020)
(*) Các tiểu đề trên mỗi phân đoạn có gạch dưới la do người viết thêm vào nhằm lưu ý về các khái niệm then chốt hay phát hiện sáng tạo của Proust
Tham khảo ;
1 – Marcel Proust : A la recherche du temps perdu, édition publiée sous la direction de Jean –Yves Tarrdié, Paris,
Gallimard, La Pléiade (en 4 tomes : tome I 1967, tome II 1988, tome III 1988, tome IV 1989).
2 - PROUST : A la recherche du temps perdu, éditions Robert Laffont 1987 en 3 volumes.
Hai bộ sách trên đây có lẽ chỉ thực sự cần thiết và hữu ích cho những ai muốn sưu khảo chuyên sâu về Proust, hay để chuẩn bị
cho một luận án tiến sĩ chẳng hạn. Còn như chỉ muốn làm quen với Proust và văn phong của ông, theo tôi nghĩ, chỉ cần đọc
tập một “Du côté de chez Swann”, đặc biệt với những đoạn nói về Combray và mùi vị miếng bánh madeleine tẩm trà,
và tập chót ‘Le temps retrouvé” là đủ.
3 - Claude Mauriac : Marcel Proust par lui- même, coll. Ecrivains de toujours. Edit. Du Seuil 1954.
4 - Bernard Gros : De « Swann » au « Temps retrouvé », Coll. Profil d’une œuvre – Hatier 1986
(1) Cho tới nay bộ sách dùng làm tài liệu tham khảo được coi là có giá trị và đáng tin cậy nhất vẫn là bộ mang tựa Marcel Proust “A la recherche du temps perdu” gồm bốn tập trong collection La Pléiade do Gallimard ấn hành (1967-1989). Ngoài phần dẫn nhập tổng quan (introduction générale) của Yves Tardié, còn thêm phần phác thảo (esquisses) của mỗi chương sách, cùng với phần cước chú riêng cho mỗi trang sách. Bộ sách đặt dưới quyền chỉ đạo của học giả Jean Yves Tardié là kết quả sưu tầm của một tập thể gồm nhiều chuyên gia về Proust, trong đó có một giáo sư Nhật Bản tên Jo Yoshida được mời tham dự. Tuy nhiên năm 1987, nhà Xuất bản Robert Laffont đã cho ra mắt một ấn bản mới bộ truyện của Proust gồm ba tập. Khác với ấn bản La Pleiade của Gallimard, ấn bản của Robert Laffont là một sưu tầm công phu thêm nhiều tài liệu với đày đủ chi tiết liên quan đến bản thân Proust, những nhân vật trong gia đình, hoặc có liên hệ mật thiết với Proust... Ngoài ra, trước mỗi tập truyện đều có thêm một bài tựa của ô. Bernard Raffali, giáo sư thỉnh giảng chuyên môn về Proust tại đại học Sorbonne, mà người viết có may mắn được thụ giáo trong thời gian hai năm theo học chương trình Licence des Lettres modernes của trường này,
(2) Mời coi bài « Có nên đạt vấn đề về khả năng diễn đạt của tiếng Việt ? » trước đây của người viết và đã được một số diễn đàn mạng cho phổ biến.
(3) Mời coi phần kết của bài viết « Đi tìm cuốn sách dịch đã mất », .
(4) Georges de La Tour (1593-1652), họa sĩ Pháp thời kỳ Phục Hưng, Do một số bức họa của ông thấm nhuần tín ngưỡng tôn giáo nên đã một đám người cuồng tín trong cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đem thiêu hủy,
(5) Antoine de Watteau (1684-1721), họa sĩ thời tiền Cách Mạng Pháp nên một số tranh ông mô tả các buổi sinh hoạt lễ hội (Fêtes galantes) của giới trưởng giả cũng đã bị đám người tham dự cách mạng phá hủy.