Việt Văn Mới
Việt Văn Mới










TUỔI THƠ VÀ
TUỔI THIẾU NIÊN CỦA DOSTOIEVSKI

(1782-1840)





Kiến Thức Văn Học

(Trích NHỮNG MẨU RỜI DẤU ÁI Tập I) 
 

(Viết cho Âu Cơ, con gái đã đọc một cách say mê Tội Ác Và Hình Phạt khi chưa đầy 14 tuổi.)


VI.

Nếu suy luận như nhiều nhà viết tiểu sử rằng Dostoievski đã có một tuổi thơ đau khổ thì thật không đúng lắm. Tuy là một người nóng tính, nhưng đối với đám con, bác sĩ lại chỉ áp dụng kỷ luật chặt chẽ mà không dùng đến hình phạt nhục thể. Ví dụ, vào mùa hè, khi bác sĩ ngủ trưa, mỗi người con được chỉ định thay phiên nhau đứng cạnh giường phẩy ruồi cho ông bằng một nhánh lá chanh.

[Trong tập hồi ký, Andrei cũng viết: “Nhiều khi cha tỏ ra rất vui vẻ vì hạnh phúc gia đình.”]

 Riêng những kỷ niệm về sau nhà văn ghi lại về một “thời thơ ấu bình an” thì thường là bị thúc đẩy duy nhất bởi sự hoài cảm. Dostoievski nhớ lại trong nỗi vui thú đặc biệt về những buổi tối gia đình quây quần tại phòng khách, đọc sách với nhau. Cả cha lẫn mẹ đều là những người đọc sách tuyệt diệu và hai cậu con lớn cũng không thua kém họ. Những tiết mục đọc phong phú và thay đổi luôn luôn. Tác phẩm ái quốc Lịch Sử Nước Nga của Nikolai Karamzin kích thích mạnh tinh thần quốc gia trong Dostoievski. Nhưng phần tiểu thuyết mới là quan trọng hàng đầu. Bác sĩ đặt mua dài hạn tờ Tủ Sách Cho Người Đọc, một tạp chí định kỳ nổi tiếng, chứa đựng rất nhiều tin tức về các biến cố văn chương trong và ngoài nước thời ấy .

Lần hồi từng bước, cậu nhỏ Fyodor được giới thiệu vào thế giới chữ nghĩa qua suốt nhiều kỷ nguyên. Các nhà văn thuộc phái Lãng Mạn làm điên đảo ý nghĩ ông. Các câu chuyện kinh dị của Ann Radcliffe(8) khiến nhà văn “cứng người trong mê say và kinh hãi”. Giữa các thi sĩ Nga, Fyodor ưa thích đặc biệt Vasily Zhukovski và Púshkin. Những bản anh hùng ca của Homer và các tiểu thuyết về một mẫu Hiệp Sĩ hào hoa của Cervantès(9) và Sir Walter Scott(10) được mến chuộng dữ dội.

Các ấn tượng thu nhặt từ văn chương thời thơ ấu đã quan trọng đối với Dostoievski hơn bất cứ điều gì nhận lãnh trong toàn thể cuộc sống. Sự “làm quen” với các nhà văn ngoại quốc từ khi 10 tuổi đã rõ ràng quyết định cái cấu trúc nội tâm nhà văn cao hơn tất cả mọi ảnh hưởng đưa đến từ thiên nhiên hay không khí gia đình. Schiller gây xúc động mạnh cho ông với Những Kẻ Cướp, nhưng cũng tạo trong ông ý niệm đầu tiên về cái Đẹp và lòng cao thượng. E.T.A. Hoff- mann làm say mê ông với các nhân vật mất trí; và Walter Scott đưa dẫn ông vào một thế giới kỳ diệu về các tu viện, các hiệp sĩ và các phụ nữ xinh đẹp kiêu hãnh.

[Gần cuối đời, Dostoievski nhấn mạnh rằng những tác phẩm này rất hữu ích cho giới trẻ, khuyến khích và làm nẩy nở hiệu quả “cảm nghĩ đẹp và cao quý trong tâm hồn” họ.]

Với Dostoievski, những buổi đọc sách thời niên thiếu đã cung cấp được một nền tảng văn chương cho toàn thể đời ông, cấu thành dòng tình cảm chảy suốt trong mọi tác phẩm riêng.

[Về sau, anh em Dostoievski nhớ lại một cách biết ơn sự hoan hỉ của cha mẹ trong những buổi tối đọc sách và cái cách mà họ nói với đám con về những gì đã đọc: “Cha thân yêu nhất đời, làm thế nào con có thể cảm ơn cha cho đủ về sự giáo dục mà cha đã ban cho con.” Mikhail kêu lên trong một lá thư gửi cha năm 1838, “Thật quả tuyệt diệu để trầm tư trên Shakespeare, Schiller và Goethe. Những giây phút như vậy vô cùng giá trị.”]

VII.

Những quan tâm của bác sĩ về gia đình ngày càng gia tăng. Tòa nhà ở bệnh viện trở nên thiếu tiện nghi, chật chội. Đám trẻ phải trải qua những mùa hè trong cái sân đáng sợ của bệnh viện. Riêng bà mẹ thì đang cho thấy có những dấu hiệu đầu tiên về bệnh lao phổi. Phần bác sĩ cũng không khỏe lắm. Công việc của ông, đặc biệt sự khám bệnh tư, đã làm ông kiệt quệ. Do đó, ông bắt đầu tìm kiếm một nơi cư trú khác cho gia đình. Sự thăng tiến lên dòng dõi quý tộc đã khiến ông được quyền có tài sản và nông nô riêng.

Mùa hè 1831, bác sĩ Dostoievski –dùng tên vợ- mua ngôi làng Darovoye trong vùng Toula, cách Moscow chừng 150 cây số. Sở đất rộng hơn năm trăm mẫu và bao gồm 76 nông nô đàn ông.

Không may, một năm sau, 1832, Darovoye bị lửa tàn phá gần trọn; kế tiếp lại kéo theo những rắc rối về sự phân ranh giới vùng đất. Một cựu thiếu tá tên Pavel Khotyaintsev đòi quyền sở hữu vài khu vực điền sản của gia đình Dostoievski. Khi bác sĩ mang kiện, vị thiếu tá đe dọa sẽ mua ngôi làng gần bên với mục đích “bao vây và giữ gia đình Dostoievski trong khu vực giới hạn.” Bác sĩ thắng kiện. Ông dành mua được luôn ngôi làng Cheremoshyna, một điền sản có chừng 67 nông nô; nhưng điều này chỉ càng làm gia đình rơi sâu vào nợ nần hơn nữa.

Dẫu vậy, với đám trẻ nhà Dostoievski, việc tậu mua hai ngôi làng là một biến cố lớn. Từ đó, các mùa nghỉ hè của họ đã trải qua trong đồng quê. Tại đây, họ có thể đùa vui thoải mái như mọi đứa trẻ khác. Trong trò chơi Cao Bồi Và Mọi Da Đỏ hay Robinson Crusoe, luôn luôn cậu nhỏ Fyodor nhận đóng vai chỉ huy một cách đầy dũng cảm.

Thỉnh thoảng cuộc chơi của họ đi quá trớn, chẳng hạn như đám trẻ tự động đóng vai những thiên thần và tuần hành quanh cánh đồng, hát lên những bài thánh ca. Bà mẹ Marya sớm kết thúc trò chơi báng bổ này, nhưng những kỷ niệm như vậy vẫn còn tươi mát khi Dostoievski viết câu chuyện về các trẻ em nhà quê đã bắn vào cái bánh thánh.

Gần Darovoye có một cánh rừng nhỏ được họ đặt tên là Cánh Rừng Của Fedya. Dẫu rằng bị cấm không được chơi trong rừng vì sợ rắn và chó sói tấn công, nhưng Fyodor vẫn âm thầm lang thang nơi đây, lượm những hạt đậu và nấm rơm. Một lần khi lên 11, đang đi trong rừng, ông chợt nghe tiếng ai kêu “Chó sói!” Lập tức, ông chạy tìm trú ẩn nơi nhà một nông nô trong cánh đồng gần đó.

[Thời gian bị lưu đày Tây Bá Lợi Á, ký ức về cuộc gặp gỡ với người nông dân Marey này đã cung cấp cho nhà văn cái sức mạnh tình thương dành cho người nghèo. Marey trở nên là biểu tượng của lòng an ủi, hiện thân cho lớp dân quê khiêm nhường, vị tha, mang cá chất cao quý thật sự của    người Nga: “Tôi không thể quên cái cười dịu dàng đầy tình cảm của người nông dân nghèo, cái cách ông làm dấu thánh giá, lắc đầu thì thầm: ‘Nào, nào, đừng sợ!’ và cái cách ông cẩn thận đặt ngón tay chuối mắn, dơ bẩn trên đôi môi run rẩy của tôi. Hẳn nhiên, về sau cũng có những người          lớn an ủi tôi, nhưng đã có cái gì thật đặc biệt trong cuộc gặp gỡ đó. Ông nhìn tôi bằng đôi mắt trong sáng và cái cười âu yếm như thể tôi là đứa con của ông thật sự. Ông đâu cần phải làm điều ấy? Ông chỉ là một nông nô thô lỗ và tôi lại là con trai của người chủ ông. Không ai từng biết về sự âu yếm của ông và không ai ban thưởng cho ông cả. Có lẽ ông đặc biệt yêu thích trẻ em. Đã có những nông dân như thế. Sự gặp gỡ xảy ra trong vùng đồng quê hoang vắng, chỉ có Chúa chứng kiến hành động nhân ái sâu xa và sự dịu dàng vô kể của người nông dân Nga thô lỗ, vô học thức này, một người có lẽ chẳng bao giờ mang tư tưởng rằng một ngày trong tương lai, chế độ nông nô sẽ phải bị bãi bỏ.”]

Cũng tại Darovoye mà Dostoievski gặp nàng Agrafena ngây dại, quanh năm suốt tháng chỉ mặc trên người chiếc áo cánh rách rưới, đi chân đất quanh làng, ban đêm thường vào nghĩa trang, kể lễ một mình về đứa con đã chết trong trận cháy làng năm 1832. (Nàng trở thành nhân vật Lizaveta Smerdiakov trong tác phẩm vĩ đại Anh Em Nhà Karamazov về sau.) Ngôi làng Darovoye trở đi trở lại nhiều lần trong các tác phẩm Dostoievski. Nhà văn không bao giờ quên những mùa hè ở Darovoye.

[Năm 1877, không lâu sau khi trở về thăm làng cũ kể từ thời thơ ấu, Dostoievski đã viết trong Nhật Ký Một Nhà Văn: “Cái góc nhỏ bé và không có gì đáng lưu tâm ấy đã ghi dấu một ấn tượng sâu đậm trong tôi cho đến cuối đời.”

Hơn cả thiên nhiên, những nông dân hiền lành của vùng đất thô dã này đã chiếm được một chỗ đứng rất lớn trong tâm hồn nhà văn. Kỷ niệm về những người dân quê làm mạnh thêm trong ông sự tin tưởng rằng “chế độ nông nô phải bị bãi bỏ”.

Trải qua các mùa nghỉ hè tại Darovoye, Dostoievski thâu lượm được rất nhiều hiểu biết xác thật về giới người cùng khổ Nga so với nhiều nhà văn đồng thời. Tuổi thiếu niên vô tư liên hệ với những nông dân rõ ràng cấu thành tư tưởng xã hội của Dostoievski về sau. Có thể nói rằng, qua văn chương, nhà văn đã cố gắng xây dựng một nấc thang quốc gia hòa hợp tốt đẹp giữa giới học thức và giới nông dân, điển hình là các người nhà quê chân thật mà ông quen biết từ khi niên thiếu. Do đó, sự quyết đoán của nhiều nhà viết tiểu sử rằng “Dostoievski không hề giao thiệp thật sự với người dân quê Nga cho đến khi bị lưu đày Tây Bá Lợi Á” thì rõ ràng là sai.]

VIII.

Năm 1833, sau khi hoàn tất sự học tại nhà, Mikhail và Fyodor được gửi theo học trong trường của Monsieur Souchard, một giáo sư nghèo người Pháp, cùng với vợ dạy văn phạm Pháp cho đám trẻ.

Mùa thu kế tiếp, 1834, hai anh em được chuyển sang trung học nội trú Chermak ở Moscow, do Leonty Ivanovich Tchermak làm hiệu trưởng.

Mặc cho sự nóng nảy của người cha, với Fyodor, gia đình vẫn là nơi chốn an toàn thân mật trong tình thương và sự che chở của người mẹ. Ngược lại, một thế giới mới phải tiếp nhận, rõ ràng là đáng sợ. Do đó, sự chuyển đổi từ nhà đến trường học, đặc biệt trong trường nội trú, đã là một cú xốc ghê gớm cho Fyodor.

Ngôi trường Chermak dành cho “nam sinh con nhà quyền quý” vào thời buổi đó được xem là một trong những trường có tiếng nhất của Nga. Học sinh ở đây toàn xuất thân gia đình giàu có và trí thức bậc nhất, địa vị rất cao so với gia đình Dostoievski.

[Trong Tuổi Trẻ Trinh Nguyên xuất bản năm 1875, Dostoievski diễn tả nỗi đau khổ và sự bất an trong nội tâm riêng khi gia nhập vào một xã hội “toàn đám con cái kiêu mạn của những công hầu khanh tướng”.“Mi không được phép ngồi chung với những đứa trẻ quyền quý; mi đến từ một gia đình giai cấp bình dân và không khá hơn của một người hầu.”]

Gửi con vào học trong một trường như vậy rõ ràng là vượt quá khả năng của bác sĩ. Lệ phí mỗi năm phải đóng cho một học sinh là 800 rúp, phỏng bằng số lương hằng năm của bác sĩ tại bệnh viện. Nhưng bác sĩ là một con người kiêu hãnh mang nhiều khát vọng. Thay vì gửi con vào một trường công, ông chọn sự làm việc càng nhiều hơn và chấp nhận sỉ nhục vay mượn từ gia đình Kumanin để đánh đổi cho con một nền giáo dục đáng kính trọng.

Chương trình học rất nặng, đòi hỏi sự cố gắng tối đa. Một ngày học bắt đầu từ 6 giờ sáng và không chấm dứt trước 9 giờ tối. Học sinh phải học đủ các môn (Kinh Thánh, lịch sử, địa dư, tu từ học, toán và y học); các môn nghệ thuật (viết văn, vẽ, âm nhạc, khiêu vũ). Quan trọng hàng đầu là tiếng Latin và tiếng Nga, nhưng học sinh cũng bị buộc phải trau giồi cả tiếng Hy Lạp, Đức, Anh và Pháp.

Thành phần ban giáo sư của trường Chermak được kể là hoàn hảo nhất thời ấy. Có nhiều giáo sư ngoại hạng. Một vị học giả rất nổi danh tên Davydos, là giáo sư văn chương Nga. Vài người là giảng sư đại học Moscow, hay thành viên của Viện Khoa Học. Giữa các giáo sư, có vị thầy người Nga tên Nikolai Bilevich đã đóng một vai trò quan trọng trong sự khai mở kiến thức văn chương cho anh em Dostoievski. Với ông, khoa sư phạm có nghĩa là dạy cho học sinh “sự suy diễn và trình bày mạch lạc mọi ý nghĩ”. Ông cũng là nhà văn, bạn học của Gogol, nên có thể giảng giải rành rẽ cho học sinh về những chủ kiến và tư tưởng trong các trào lưu văn chương hiện hành ở Moscow. Mikhail và Fyodor rất mến mộ ông, xem ông như hình ảnh “vị giáo sư vĩ đại nhất của tất cả các người Nga”. Ngày thứ Bảy, khi hai anh em về nhà, lớp dạy của giáo sư Bilevich đã là đầu đề cho những bàn luận nồng nhiệt. “Ông ta hoàn toàn trở nền thần tượng của họ”, Andrei đã kể lại trong tập hồi ký của mình.

Trường nội trú Chermak nổi tiếng vì đã ban cho học sinh một sự hiểu biết hạng nhất về văn chương. Thư viện rộng lớn với đủ loại sách. Fyodor rất thích thú theo điều này. Chàng tuổi trẻ đã hoàn toàn biến thành kẻ mơ mộng say mê, tìm kiếm sự cô đơn và tự chìm đắm trong thế giới tưởng tượng riêng. Nhà văn đọc tất cả và ghi nhớ tất cả; điều này không chỉ vì tò mò mà còn vì mối say mê văn chương dữ dội làm cho nẩy sinh ra.   

Tại trường Chermak, ngoài Mikhai, Dostoievski không có lấy một người bạn.

“Một cậu bé nghiêm trang và đầy nghĩ ngợi, mái tóc màu hung, khuôn mặt xanh lướt”, một bạn học diễn tả Dostoievski như vậy.

Con người từng được cha mẹ gọi là “cậu nhỏ điên đảo” hoang dã sôi động, bấy giờ trở nên buồn tẻ. Sự rực lửa trước kia đã được chuyển hẳn vào nỗi đam mê sách vở. Chẳng bất cứ ai có thể khiến Dostoievski cảm nghe hòa hợp.

[“Trong lớp, tên tôi luôn luôn đứng đầu hạng”, Dostoievski viết trong Tuổi Trẻ Trinh Nguyên (1874), “nhưng tôi không có khả năng giãi bày tâm sự với bất cứ ai trong số bạn học.” Nhân vật chính của tác phẩm này kể lại rằng, trong đời sống học đường, chàng không muốn liên hệ với các bạn trỗi bật hơn mình về phương diện khoa học, sức mạnh thân thể hay sự ứng đối mau lẹ. Chàng không ghét họ và cũng không mong cho họ bị thương tổn. Chàng chỉ đơn giản quay mặt đi nơi khác mỗi khi có dịp phải gần gũi họ.

Nhà văn cũng nói về Alyosha trong tác phẩm Anh Em Nhà Karamazov: “Chàng có khuynh hướng tự biến mất trong nghĩ ngợi.”]

Một bạn học tại Chermak củng cố thêm nền tảng cho bản tiểu sử của nhà văn như sau:

“Fyodor tỏ ra không thích thú lắm với các trò chơi của chúng tôi. Vào giờ nghỉ, hiếm khi thấy anh rời quyển sách; nếu có phải làm điều ấy thì chỉ là để nói chuyện với một trong những học           sinh lớn nhất trong số chúng tôi.”

Thêm lời kể của một người bạn yếu đuối cùng sống trong khu bệnh viện và giao thiệp với anh em Fyodor những năm trong trường Chermak:

“Ngày đầu đến trường, tâm trạng tôi ứ đầy tuyệt vọng khi bỗng dưng thấy mình bị rút ra khỏi gia       đình để gia nhập vào một môi trường toàn những khuôn mặt lạ. Trong giờ chơi, tôi nghe tiếng gọi quen thuộc giữa đám trẻ đông đảo. Đó là Fyodor Dostoievski, khi nhận ra tôi, lập tức tìm đến cạnh bên, xua đuổi những học sinh đang vây quanh nhạo báng tôi. Sau đó, anh thường xuyên tìm đến sau giờ học, chỉ dẫn tôi bài vở và xoa dịu nỗi buồn cho tôi bằng những câu chuyện vui thú của anh.”

Những dẫn chứng trên đã soi sáng hai phương diện nổi bật trong cá chất Dostoievski: “Sự trung kiên độc lập và ước muốn đích thân can thiệp chống lại những bất công nhìn thấy chung quanh.”

* *

Thập niên 1830 là thời kỳ mang nhiều phản ứng trên địa hạt văn hóa của nước Nga.  Cuộc lật đổ của nhóm Décembristes –tuy chóng thất bại- đã du triều đình Nicholas I vào nỗi ám ảnh sợ hãi. Một chế độ kiểm soát chặt chẽ trên từng lời nói vây bủa khắp các tầng lớp dân chúng. Một số sách xuất bản tự do bị cấm chỉ. Nhà triết học Chadaayev bị tuyên bố mất trí. Nhà phê bình Nadezhin, người đã phát hành những bản văn nói lên ý tưởng báng bổ sự lạc hậu vô vọng của nước Nga, khi ấy bị lưu đày.

Các nhà văn cũng chịu chung số phận đau khổ theo vận số không may của toàn nước Nga thời kỳ này: Púshkin bị cô lập giữa triều đình (và năm 1837 bị giết chết trong một cuộc đấu súng). Lermontov bị buộc phải đổi tới vùng đất Caucase. Gogol suy nhược thần kinh và biến mất khỏi nước Nga trong các chuyến lưu vong ngoại quốc.

Thập niên 1830 cũng lại là thời kỳ phong phú, sinh sản được nhiều trái quả tốt trong văn chương Nga và đặt nền tảng cho những sáng kiến mới trong tiểu thuyết văn xuôi sẽ đến trong thập niên kế tiếp. Púshkin viết những tác phẩm hàng đầu như Con Đầm Bích, Con Gái Ngài Đại Úy. Lermon -tov với Con Người Của Thời Đại Hôm Nay. Gogol gây một mối xúc động mạnh trong sự chọc thủng nền văn chương cổ điển với tuyển tập Những Buổi Tối Trong Trang Trại Gần Dikaka, tiếp liền sau đó là sự phô bày tàn nhẫn về giới quan lại suy đồi trong Viên Tổng Thanh Tra. Ngoài ra, Gogol còn vẽ thêm những bức chân dung kỳ diệu về cảnh sống của giới người hèn kém trong tập Những Chuyện Kể St. Pétersbourg và Những Linh Hồn Chết. Nhiều tác phẩm của tác giả ngoại quốc cũng được phiên dịch sang Nga ngữ trên các báo định kỳ: Honoré de Balzac, Victor Hugo, George Sand, Paul de Kock và Frédéric de Soulié.

Tại trường nội trú, say mê đọc tất cả những tác phẩm này, một chân trời huyễn mộng đã mở ra trước mắt Dostoievski. Cái thực tại buồn bã được nhà văn chôn vùi trong chữ nghĩa, trong những giấc mộng cô đơn và trong các cuộc tâm sự với người anh mà ông vô cùng yêu quí.

Thế rồi, cùng với Mikhail, Dostoievski cũng bắt đầu xây dựng cho mình một thế giới riêng. Dự tính đầu tiên là về một “tiểu thuyết rút từ cuộc sống ở Venice.” Trong khi Mikhail âm thầm sáng các vần thơ, Fyodor lại lần lượt mơ màng chính mình trong vai trò các nhân vật thời Trung Cổ. Trên sự tưởng tượng, Fyodor không ngớt vẽ hình các thành phố Venice, Constantinople và phương Đông huyền bí nhiều màu sắc. Mầm yêu thích văn chương mà ông bà bác sĩ Dostoievski từng cấy trồng trong con cái, bấy giờ đã bắt đầu thấy trái quả nẩy sinh.  

IX.

Thời gian này, sức khỏe bác sĩ Dostoievski khởi sự xuống dốc, nhưng ông không ngừng lo nghĩ theo tương lai con cái. Ông sợ các con sẽ phải kết thúc cuộc đời như những kẻ hành khất. Lúc nào ông cũng bảo với họ rằng ông là một người nghèo, và họ phải tự lo liệu sửa soạn cho chính cuộc đời họ về sau.

Những năm cuối cùng của anh em Dostoievski trong Moscow nhuốm màu đen tối bởi sự đau yếu của người mẹ. Từ năm 1835, sau khi sanh người con cuối cùng, bệnh lao phổi thật sự hoành hành trên cơ thể bà. Mùa thu 1836, bà kiệt sức hẳn đến không thể rời phòng hay ngay cả tự cầm lược chải đầu.

[Trong một bản hồi ký cảm động, Andrei viết: “Đây là thời gian buồn bã nhất trong thời thơ ấu của chúng tôi. Chúng tôi sắp phải mất đi người mẹ thân yêu trên từng giây phút. Cha trở nên hoàn toàn suy sụp (...) Luôn luôn, mẹ buộc chúng tôi phải hé mở cánh cửa để bà có thể nghe tiếng chồng con trong những đêm đọc sách. Những ngày cuối tuần, bà xin hai anh Mikhail và Fyodor đọc cho nghe những tác phẩm của Púshkin và Schiller. Cho đến ngày cuối đời, bà vẫn muốn dự phần trong mọi chuyện của gia đình.”]

Nhưng không chỉ sự đau yếu của bà mẹ làm rối loạn đời sống gia đình thôi, lại còn cái quyết định về tương lai đám trẻ đã là nỗi đe dọa nội tâm anh em Dostoievski nhiều nhất. Bác sĩ biết rằng hai người con trai lớn đã nuôi chắc hy vọng được tiếp tục theo học đại học. Nhưng với ông, một nền giáo dục đại học sẽ chỉ cung ứng cho con ông kiến thức chứ không phải nghề nghiệp. Ông muốn cuộc đời các con sẽ được bảo đảm vật chất hơn trong những địa hạt thuộc chính phủ. Vì thế, mùa thu 1836, dựa vào chức vụ riêng, bác sĩ nạp đơn lên Hoàng Đế xin cho hai con lớn được thừa nhận vào trường Kỹ Sư Công Binh ở St. Pétersbourg, trực thuộc nhà nước và do chính phủ đài thọ mọi khoản phí tổn. Làm điều này, bác sĩ nhắm vào lợi điểm: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được bảo đảm một cuộc sống chắc chắn. Vả chăng, vào thời ấy, khi Hoàng đế Nicholas I lưu tâm đến việc củng cố quanh ông một chế độ chuyên quyền thì điều khôn ngoan nhất là trở thành những kỹ sư quân đội. Thêm nữa, tại một nơi như trường Kỹ Sư Công Binh, bác sĩ yên tâm hơn trong việc giữ con xa khỏi tư tưởng nổi loạn âm ỉ lúc bấy giờ đã trở thành luồng sóng cuốn hút sinh viên tại các trường đại học.

Nhưng với anh em Dostoievski, quyết định của cha đã tạo nên một cú xúc động lớn. Cả hai đều muốn trở thành nhà văn! Đặc biệt với Fyodor, mọi khát vọng âm thầm dành nghĩ về con đường văn chương dường như đang bị phá nát. Tất cả đều phải dẹp hết trước ý muốn sắt đá của người cha, nhất là khi lá đơn gửi lên Hoàng Đế đã được chấp nhận.

[“Anh tôi và tôi được đem đi St. Pétersbourg để theo học trường Kỹ Sư Cơ Khí. Một tương lai ước mơ rõ ràng đã bị tàn hủy”, Dostoievski đã viết, ba mươi hai năm sau.

Duy chỉ một lời phát biểu trực tiếp (thời gian bác sĩ còn sống) là nói lên lẫn lộn giữa lòng thương dành cho cha và nỗi bất mãn âm thầm trong tâm hồn Dostoievski: “Thật tội nghiệp cha đáng thương của chúng ta. Quả là con người kỳ lạ! Cha đã cưu mang biết bao bất hạnh. Em muốn khóc khi nghĩ đến những cay đắng của cha mà chẳng điều gì có thể an ủi nổi ông. Nhưng anh ạ, Papa không biết gì về thế giới bên ngoài. Ông đã sống trong đời 50 năm nhưng lúc nào cũng chỉ mang trong đầu các ý nghĩ cổ hủ có từ ba mươi năm trước. Thật là một sự ngờ nghệch đầy hạnh phúc! Dường như ông không chút nào thấm cảm điều ấy, nhưng đó lại là nguyên nhân cho số phận khổ sở của chúng ta.”

Những lời trên được viết ra trong một lá thư gửi Mikhail năm 1837, ngay sau cái chết của bà mẹ, điều đã làm rút đi gần hết năng lực chống đỡ của bác sĩ Dostoievski.]

X.

Tháng 2/1837, bà Marya Netchayeva Dostoievski qua đời. Cái chết của người mẹ mang cùng ý nghĩa “phân tán gia đình”.

[Về sau, trong văn chương, Dostoievski làm sống dậy hình ảnh mẹ qua các nhân vật Aleksandra Mikhailovna trong Netochka Nezvanova; bà mẹ của Arkady trong Tuổi Trẻ Trinh Nguyên; và bà mẹ của Alyosha trong Anh Em Nhà Karamazov.]

Cũng thời gian đám tang mẹ, tin chết của Púshkin trong cuộc đấu súng ngày 27/1/1837 lại là biến cố đau lòng thứ hai cho anh em Dostoievski. Điều này rõ ràng tác động tâm não Fyodor. Nhà văn đã nói với anh: “Nếu trong gia đình không có tang của mẹ, hẳn là em sẽ xin phép cha để tang cho Púshkin.”

Năm 1837, tất cả xem ra đều mất hết!

Những năm tại Moscow của Dostoievski chấm dứt trong buồn bã, nhưng điều ấy không có nghĩa rằng ông trải qua thời kỳ ấu thơ ảm đạm. “Tôi không bao giờ quên tình thương của cha mẹ đã cho khi tôi còn bé”, ông viết lúc gần cuối đời.

[Trong nhiều tác phẩm, Dostoievski thường vẽ hình cuộc sống đau khổ của trẻ em; nhưng phải lưu ý rằng, với cuộc sống riêng ông thời tuổi nhỏ chưa hẳn là như thế. Sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình Dostoievski được ràng buộc bằng một sợi dây tình cảm tốt. Quả thật bác sĩ là người có một cá chất đa nghi, khó chịu, luôn bị dày vò lo lắng bởi tiền bạc. Nhưng người ta phải tự hỏi Fyodor Dostoievski sẽ ra sao nếu không từng có được một người cha nhiều nghị lực, giỏi xoay sở và cố lòng đặt trên con mình nhiều hoài bão?

Thời thơ ấu, Dostoievski sống trong tình thương vô biên của cha mẹ, tình bạn với các anh chị em;        những mùa nghỉ hè ở Darovoye, những giáo đường và tu viện giữ vai trò trọng yếu trong đời sống tín ngưỡng của gia đình, và, có lẽ nhiều hơn hết là những quyển sách ông từng được đọc.

Chính cha mẹ Dostoievski đã nhen nhúm trong ông một tình yêu sâu xa cho văn chương, sôi nổi và hoàn hảo đến độ đời sống kỷ luật và sự rèn luyện khắc kỷ của trường Kỹ Sư Công Binh về sau cũng không làm tiêu diệt được.

Những điều như thế đã nói lên rằng, Dostoievski có được một tuổi thơ dễ chịu may mắn hơn so với nhiều văn thi sĩ (Nga và thế giới) đi trước, hoặc cùng thời với ông --như Lermontov, John Keats, Edgar Poe..v.v.]

[]

(1) André Gide, nhà văn Pháp (1869-1951).
(2) William Shakespear, kịch tác gia vĩ đại người Anh (1564-1616).
(3) Ngày nay nó được dùng làm cơ sở nghiên cứu bệnh lao phổi. Hai tòa nhà khác của bệnh viện cũng được bảo trì. Tòa nhà bên trái nhìn vào từ đường phố bây giờ là viện bảo tàng Dostoievski.
(4) Anna Grigoyevna, người vợ thứ hai của nhà văn, về sau kể lại : “Fyodor Mikhailovich hay gợi nhắc thời thơ ấu êm đềm và nói rất nồng nhiệt về bà mẹ –người thường gọi chàng là ‘cậu nhỏ Fedya điên đảo’. Chàng đặc biệt yêu thương anh Mikhail và Varenka. Còn những người em khác không lưu lại bao nhiêu cảm nghĩ sâu đậm trong lòng chàng.”
(5) Sự tương phản rõ rệt trong tính tình giữa cha và mẹ sẽ được tìm thấy đầy trong các tác phẩm về sau của Dostoievski, qua đó, những nhân vật chính thường sở hữu cả hai cá chất cực độ trái ngược.
(6) Sự trình bày của Goethe về cha mẹ –rằng từ cha, Goethe nhận được “khổ người, sự rành mạch và những phương cách nghiêm trang” và từ mẹ, ông thừa hưởng “tinh thần vui vẻ, yêu thích các câu chuyện kể” thì cũng ứng dụng với Fyodor Dostoievski
(7) Về sau, lòng ngưỡng mộ của nhà văn đối với loại hài kịch này được phô bày rõ rệt qua bức tranh miêu tả tình yêu của người tù cho sân khấu ca kịch trong tác phẩm Căn Nhà Của Thần Chết.
(8) Ann Radcliffe, nữ văn sĩ Anh (1764-1823), sống cùng thời với Coleridge và cuộc cách mạng 1789 ở Pháp, bà là tác giả những tập truyện kinh dị như le Roman de la Forêt, les Mystères d’Udolpho; l’Italien ou le Confessional des pénitents noirs…
(9) Miguel de Cervantès, nhà văn Tây Ban Nha (1574-1616), tác giả của la Galatea à Don Quichotte rất nổi tiếng…
(10) Sir Walter Scott, nhà văn Tô Cách Lan (1771-1832).


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ HoaKỳ.