Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






TƯ TƯỞNG TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN

Ở VIỆT NAM THỂ HIỆN TỪ TRONG

CHIẾU DỜI ĐÔ 1.000 NĂM TRƯỚC




  
        

Đ ọc lại nội dung “Chiếu dời đô” (Thiên đô chiếu) của vua Lý Thái Tổ (tên thật Lý Công Uẩn) ra đời vào mùa xuân năm 1010, chúng ta nhận thấy luận chứng mang tính khoa học nhuốm màu sắc Tam giáo rõ ràng của một ông vua mới lên ngôi. Từ đó cho tới nay, trải qua một ngàn năm lịch sử và còn tồn tại lâu dài, thủ đô Hà Nội nay, kinh thành Thăng Long xưa không hề thay đổi vị trí mặc dù có thời thu hẹp, có lúc mở rộng, thậm chí còn bị chôn vùi sâu dưới lòng đất cả trăm năm mà ngành khảo cổ học mới khai quật khu vực Hậu lâu đã xác định vị trí của hoàng thành thời nhà Lý.

Ngoài việc dùng phương pháp so sánh, đối chiếu để chứng minh cái lý dời đô của mình là đúng khi tác giả đề án “dời đô” phỏng theo những ông vua đi trước mà ông gọi là tiên vương. Trước hết, ông xuất thân ở tự viện Phật giáo của chùa Cổ Pháp (Bắc Ninh), được nhà sư Lý Khánh Vân nhận làm nghĩa tử và nhà sư Vạn Hạnh có công bảo hộ giáo huấn (cả văn lẫn võ) để trở thành một quan võ của triều đình nhà Tiền Lê (cụ thể là dưới thời vua Lê Long Đĩnh) làm đến “Điện Tiền Chỉ Huy Sứ”, là một chức quan võ chỉ huy quân đội bảo vệ kinh thành. Do đó, ông suy tôn đạo Phật là chuyện thường. Hơn nữa, trong triều lúc đó ngoài Thiền sư Vạn Hạnh trực tiếp làm tham mưu cho ông còn nhiều nhà sư uyên bác nổi tiếng khác nữa luôn ở bên cạnh góp ý, ủng hộ, cổ võ, động viên, thậm chí còn đề ra kế hoạch, chấp bút cho nhiều sắc chiếu..

Chắc chắn ý tưởng dời đô của ông đã được bộ tham mưu bàn thảo trước và nội dung chiếu có thể cũng do bộ tham mưu chấp bút. Thế nhưng, trong Chiếu dời đô có câu sau đây đã thể hiện cùng một lúc tư tưởng của ba “đạo” hay tôn giáo : “Trên vâng mệnh Trời (Lão), dưới theo ý dân (Nho), nếu thấy thuận tiện thì thay đổi (Phật)”. Rõ ràng ông vừa nhìn nhận triết lý của đạo Lão xác định có Trời là đấng tối cao (khác với thiên mệnh của Nho học), vừa hành đạo theo Khổng Mạnh lấy dân làm gốc nên làm theo ý kiến của nhân dân (Dân vi quý). Ông lại khéo léo sử dụng giáo lý nhà Phật là “phá chấp” tức không câu nệ, chấp nhất mà linh hoạt trong hành động dời đô để làm kết luận của phép định đề “Tam đọan luận” sau khi đưa ra hai định đề trước. Đó là : A=B mà B=C, vậy A=C. Ông đã dẫn chứng trước lý luận sau. Mở đầu chiếu chỉ, nhà vua đưa ra các thí dụ về việc làm có kết quả tức đã kinh qua thực chứng dời đô của nhà Thương, nhà Chu, của Bàn Canh, Thành Vương thuộc các triều đại trước ở phương Bắc mà có người thời nay đưa ra phê phán phép so sánh khoa học của ông. Người ta cho rằng vua Lý đã quá tôn thờ chủ nghĩa bành trướng phương bắc, khen người lại chê mình, như trường hợp trong chiếu có đề cập tới như :”Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh Trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu cứ đóng yên đô thành nơi đây (tức Hoa Lư), khiến cho triều đại không được bền lâu, số phận ngăn ngủi, trăm họ phải hao tổn..” Thậm chí còn kết tội Lý Công Uẩn là “không có tinh thần dân tộc”, “phủ nhận công lao của các vua trước”. Phải chăng, ngày nay chúng ta đã hẹp hòi khi chỉ nhìn một mặt của sự vật, hướng theo một chiều, lấy ý riêng để phê phán người xưa ? Đó chẳng qua vua đã lấy căn cứ hiện thực để làm cơ sở lý luận cho phép phản biện xã hội của mình. Đó là căn cứ khoa học của đề án dời đô mang tính thực tiễn của ông.

Chiếu còn xác định tính phong thủy (dịch học hay kinh dịch của phái Đạo giáo) về vị trí, địa hình khi viết :”Thành Đại La ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đúng ngôi nam, bắc, đông, tây lại tiện nhìn sông (sông Nhị và sông Tô Lịch) tựa núi (non Nùng – nay là gò nỗng bên cạnh phủ Chủ tịch, sông Nhị tức Hồng Hà). Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Rồi tác giả đi tới kết luận :”Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương trên đời.”

Như vậy, tác giả đề án dời đô đã thấm nhuần tư tưởng Tam giáo, vận dụng sáng tạo nhuần nhuyển Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo đồng quy, hợp nhất hay điều hòa trong Chiếu dời đô mà tác giả vốn là con nhà Phật. Điều này còn cho thấy ba giáo phái này du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc ngàn năm xuất phát từ Trung Quốc (riêng đạo Phật có thể còn từ hướng Tây qua Nam rồi lên Bắc Việt Nam theo hai phái Đại thừa và Tiểu thừa), thịnh hành thời Hán, Đường, Tống nhưng hoàn toàn không xung đột hoặc bị bài xích mà trái lại còn được triều đình và người dân dung nạp một cách tích cực và nhiệt tình.

. Tại sao có sự dung nạp Tam giáo?

Theo giáo sư Trần Văn Giàu, thời quốc sơ, các nhà Ngô, Đinh, Lê ít lưu tâm tới việc học do việc võ cấp thiết hơn việc văn.Việc học lúc này hình như là do các nhà chùa đảm nhận. Tam giáo tự do hoành hành. Nhà nước sử dụng nhân tài từ cả ba nguồn - Phật, Đạo, Nho – mà trước hết là từ Phật giáo, kế đó Đạo giáo, còn Nho giáo lại hiếm hoi, mờ nhạt…(Triết học và tư tưởng, NXB thành phố Hồ Chí Minh – 1988, trang 113).

Qua bốn triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, hoàn cảnh lịch sử đã làm cho Việt Nam trở thành mảnh đất tốt để Tam giáo lớn mạnh trong lòng bao dung của người Việt. Các vua Đinh Tiên Hoàng (968-979), Lê Đại Hành (980-1005), Lý Thái Tổ (1010-1028) v.v… đã chọn các đại sư, đạo sĩ vào triều đình làm cố vấn. Vua Lý Thái Tổ còn tôn Thiền sư Vạn hạnh lên làm Quốc sư. Vua Lý Nhân Tông (1027-1127) đi đâu cũng hay kề cận Thiền sư Giác Hải và Đạo sĩ Thông Huyền…Pháp sư Đỗ Pháp Thuận (915-990) đã được vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, Ngài khuyên vua dùng đường lối “vô vi”của đạo Lão (Lê Anh Dũng, Con đường Tam giáo Việt Nam, NXB thành phố Hồ Chí Minh - 1996, trang 68).

Nhà Lý sùng đạo Phật nhưng muốn trị nước, muốn củng cố chế độ phong kiến thì ở  vào thế một nước láng giềng có nhiều mối quan hệ văn hóa và chủng tộc với Trung Quốc, nhà Lý không thể không cậy vào Nho giáo mỗi lúc thêm nhiều. Bởi vậy cho nên vào năm 1070, Lý Thánh Tông sai dựng Văn miếu ở kinh đô Thăng Long, đắp tượng Chu Công, Khổng Tử và 72 tiền hiền. Năm 1075, Lý Nhân Tông mở khoa thi Nho học tam trường. Năm 1095, Lý Cao Tông mở kỳ thi Tam giáo…Như vậy, thời Lý triều đình sử dụng cả hai nguồn Nho và Phật để trị nước. Thêm vào đó, các nhà vua còn vận dụng Đạo giáo hay Lão giáo Trung Quốc kết hợp với Thần đạo Việt Nam. Thần đạo là đạo tôn thờ vong linh của các công thần, tiền hiền hay anh hùng liệt sĩ để kích thích lòng yêu nước của nhân dân ở các đình, đền, miếu hay lăng, một nét tín ngưỡng độc đáo của người Việt theo truyền thống và bản sắc dân tộc “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”.

Theo đó, từ thời nhà Lý đã thành lập nhiều đạo quán (đền) vừa để tôn thờ vừa để sử dụng như một thứ thần bảo vệ, trấn áp các thần linh ngoại xâm, như Trấn Vũ Quán hay Quán thánh một trong “Tứ trấn” được vua Lý Thái Tổ xây ở mặt Bắc (nay ở đường Quan Thánh với đường Thanh Niên quận Ba Đình) lúc mới dời đô về Đại La -Thăng Long, đền Ngọc Sơn bên hồ Hoàn Kiếm, lúc đầu thờ Đức Quán thánh Đế quân, sau trùng tu lại thờ Phật nên gọi là chùa Ngọc Sơn, về sau nữa lại thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. v.v…

. Tam giáo trong văn học dân gian

Như trên đã dẫn chứng, Tam giáo đã có  từ 1.000 năm nay, kể từ đầu thời nhà  Lý mà nổi bật là được thể hiện trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ. Sau đó, Tam giáo luôn có mặt trong hệ thống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam ngày càng đậm nét trong thời phong kiến. Nói đúng hơn, các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều tôn thờ đạo Phật và đạo Nho (hay Khổng) tuy có lúc mạnh có lúc yếu để làm chỗ dựa về mặt tư tưởng, cương lĩnh trị vì thiên hạ. Còn trong dân gian, đạo Lão, đạo Thần tiếp tục phát triển có lúc trở thành mê tín dị đoan trong việc thờ cúng, sinh hoạt tín ngưỡng ở các đình, đền, miếu theo từng cộng đồng dân tộc có mặt ở Việt Nam.

Lễ hội ngày vía các thần, thánh ngày càng trở nên rộn ràng, thậm chí thể hiện sự lãng phí, xa hoa qua cách thức tổ chức mang tính phô trương và buôn thần bán thánh. Từ nhiều năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và thực hiện “nếp sống văn minh đô thị - mỹ quan” đã làm hạn chế bớt sư mê tín ở nhiều nơi nhưng vẫn còn tồn tại một số tập tục chưa bài trừ rốt ráo như tục rãi, đốt vàng mã, làm ma chay linh đình, đám tang kèn trống ầm ỉ kéo dài nhiều ngày v.v…

Nhưng tư tưởng Tam giáo xuất hiện trong thơ ca đã có phần nào mang tính giáo dục khá cao như  ca dao, tục ngữ trở thành dấu ấn làm đẹp truyền thống dân tộc :

1-Dấu ấn của Phật giáo :

  Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

     Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người.

2-Dấu ấn Nho giáo :

  Làm trai giữ trọn ba giềng/ Thảo cha, ngay chúa, vợ hiền chớ vong.

    Trai thì trung, hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh là câu trau mình (Lục Vân Tiên)

     Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

3-Dấu ấn Lão giáo :

Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây đức để đời mai sau.

  Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

. Dân tộc Việt Nam dung nạp đa giáo :

Cho tới nay, sau 1.000 năm, tư tưởng và hình thức tín ngưỡng theo Tam giáo tuy có thâm trầm nhưng vẫn tiếp tục tồn tại trong dân gian thể hiện ở  tập quán thờ cúng ở các gia đình và ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Hơn thế nữa, với chính sách tôn giáo đúng đắn , trong xã hội Việt Nam ngày càng phát triển thêm nhiều hệ phái tôn giáo du nhập từ nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới và trong nước coi như được đồng quy và điều hòa thông qua sự phối hợp của hệ thống MTTQ, trở thành hòa hợp và đại đoàn kết tòan dân tộc.

Theo một tài liệu chính thức của MTTQ Việt Nam, cho tới nay nhà nước Việt Nam đã chính thức công nhận (tư cách pháp nhân) các tôn giáo và cùng hệ phái sau đây :

1- Phật Giáo

2- Thiên Chúa giáo

3- Đạo Tin lành với 9 hệ phái (Hội thánh Tin lành Việt Nam, miền Bắc, miền Nam), Hội truyền giáo cơ đốc Việt Nam, Tổng hội Báp-tít Việt Nam, (Ân điền, Nam phương), Hội thánh Báp-tít Việt Nam (Nam phương), Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam, Giáo hội cô đốc phục lâm Việt Nam, Hội thánh Mennonite Việt Nam, Hội thánh Liên hữu cơ đốc Việt Nam).

4- Đạo Cao đài với 9 Hội thánh (Hội thánh Cao đài Tây Ninh, Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo, Hội thánh Cao đài Tiên thiên, Hội thánh truyền giáo Cao đài, Hội thánh Cao đài Minh chơn đạo, Hội thánh Cao đài Chiếu minh Long châu, Hội thánh Cao đài Cầu kho Tam quan, Hội thánh Cao đài Chơn lý, Hội thánh Cao đài Bạch y).

5- Phật giáo Hòa hảo.

6- Đạo Hồi (Hồi giáo)

7- Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam.

8- Đạo Baha’i

9- Đạo Bửu sơn kỳ hương.

10- Đạo Tứ ân hiếu nghĩa.

11- Minh sư đạo.

12- Minh lý đạo.

13- Đạo Bà la môn.  

Như vậy, 1.000 năm trước, xã hội Việt Nam có Tam giáo đồng quy nhưng tới 1.000 năm sau, nước ta có Đa giáo điều hòa, hòa hợp thông thoáng và linh hoạt trong chính sách rộng mở tôn trọng tự do tín ngưỡng .  



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .