LÝ VĂN SÂM
VÀ CON NGƯỜI CỐ THOÁT RA KHỎI
SỰ VÂY HÃM CỦA THÀNH THỊ U BUỒN
I.- TỔNG QUAN
Lý Văn Sâm là một nhà văn đặc biệt. Ông ở giữa những nhà văn viết truyện tranh đấu mà không nhập hẳn vào môi trường đó, bối cảnh của truyện ông đi về hai hướng nhưng ở đâu cũng vẫn là người mực thước, nhẹ nhàng, sự kiện không quá đáng. Ông có lối nhìn, cách tả hé mở cánh cửa vấn đề để người đọc giải quyết và tìm kết luận.
Ở hướng xã hội ông vừa trình bày cho ta thấy thực trạng người “tự do” trong đất đai, trong vòng tay kẻ thù, cho ta thấy cái khổ của người muốn kiếm miếng ăn để sống nhưng không thể được, vừa biện hộ cho hành động những người nầy để gián tiếp kết án
xã hội đó, giai đoạn đó.
Vì sống không thoả tự do của mình, bị giới hạn đủ mọi bề, con người ở đây lúc nào cũng hướng về một mảnh trời khác, nơi đây có gió lộng, thác reo, núi cao, rừng vắng… nghĩa là mơ một hành động một mảnh trời có thể kéo sập thục tại nầy đi, sửa lại, sửa lại tất cả.
Và có người làm thật, thực hiện ý mình…
Đó là những người hùng, chiếm cứ một nơi trên núi, tụ tập quân đội để dành quyền quyết định vận mạng quốc gia lại cho mình, đó là những người lên đường tranh đấu để lấp bằng những hố sâu ngăn cách giữa nhóm…người nầy, nhóm người khác, để mong đem tự do, hạnh phúc cho những đồng bào cơ khổ, không may.
Để diễn tả tư tưởng trên, Lý văn Sâm viết rất nhiều, truyện ngắn, truyện dài, kịch, tập văn nho nhỏ (như loại cho “La Jeupesse héroique” của Pháp trước đây)36 bằng hai mặt, dã sử phiêu lưu - đường rừng và xã hội tranh đấu. Ở loại sau tư tưởng ông nổi bật hơn, trình bày cho người đọc thấy sự khổ đau về tinh thần và vật chất, của người sống trong vòng kiềm tỏa của xã hội khép kín đến ngột ngạt, cho thấy con người phải làm gì để thoát ra ngoài xã hội đó, hoặc làm sao để cứu vớt những người còn mắc trong vòng nầy. Lý văn Sâm nhấn mạnh đến mặt tâm tình ý nghĩ nên tôi cho rằng ở
hướng nầy ông muốn trình bày tâm sự một người lạc loài nơi thành thị u buồn, cố bước chân ra.
Ở loại dã sử phiêu lưu ông diễn tả vài nét hùng tráng của con người bất khuất, sống
gần thiên nhiên, tranh đấu với thiên nhiên, với đồng loại để sống, ở đây tác giả luôn luôn nhắc đến quê hương mình (Tân Uyên) nên tôi cho rằng phần nầy không quan trọng chỉ đánh dấu được ảnh hưởng quê hương lên tác phẩm của Lý Văn Sâm mà thôi. Nhìn chung giọng văn họ Lý nhẹ nhàng, bay bướm, trôi chảy, gợi cảm và đi thẳng vào tâm tư người đọc nên ông thành công trong sự diễn đạt và là tác giả được yêu chuộng lúc ấy (49-50) sau Vũ Anh Khanh.
Chúng tôi xin kể những tác phẩm sau:
. Chiếc Vòng Ngọc Thạch 1948 truyện dài
. Kòn Trô , Tân Việt 1949 tập truyện
. Sau Dãi Trường Sơn, Nam Việt 1949 truyện dài . Nắng Bên Kia Làng, Sống chung 1949 tập truyện
. Ngoài Mưa Lạnh, Sống Chung 1949 tập truyện . Sương Gió Biên Thùy, Tân Việt 1949 tập truyện . Nga Và Thuần, Phạm Văn Sơn 1950 truyện dài
. Người Đi Không Về, Nam Việt 1950 tập kịch như những gì chứa đựng tư tưởng
của ông.
Ngoài ra ông còn viết cho “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” của Vũ Đình Long (1949-1950) cho loại sách “bạn trẻ” 37 loại sách Thần Đồng 38 . Ở những quyển nho nhỏ nầy Lý Văn Sâm vẫn được chú ý nhiều một phần vì người đọc cảm thấy nhân vật như gần gũi, thân thiết với mình.
II.- NHẬN XÉT VỀ TƯ TƯỞNG
Như đã nói đề tài của Lý Văn Sâm có hai hướng chúng tôi xin lần lược xét từ đề tài và thử tìm ở đó một ý nghĩa.
A.- Loại đường rừng với hình ảnh người hùng cô độc.
Lý Văn Sâm có ba truyện dài mỗi truyện độ một trăm trang thì loại nầy chiếm hết hai ấy là Chiếc Vòng Ngọc Thạch và Sau Dãy Trường Sơn. Tuy nhiên nhiều chi tiết rườm rà, tâm lý nhân vật cưỡng ép, không sống thật… nên truyện dài của ông ít thành công. Loại chuyện đưa tác giả lên vinh quang và đặt trưng tư tưởng của ông là những chuyện ngắn thuộc loại sau.
. Chiếc Vòng Ngọc Thạch
Chuyện lấy đề tài lịch sử Cao Miên năm 1866. Sau khi Norodom đệ nhất nhận ngai vàng trên tay người Pháp, một vài nơi hiểm yếu bùng lên những cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình, quang trọng nhất là hoàng đệ Prakeo Tha. Trên bước đường lưu vong hoàng đệ si tình nàng Préa Chameleng. Prakeo Tha trao nàng chiếc vòng Ngọc Thạch gia bảo, biểu hiện hoàng tộc. Sau đó Préa Chameleng thụ thai. Hoàng đệ bị mắc mưu anh nên phải sống trong cảnh chim lồng. Đau đớn hơn nữa ông lại phải ép lòng lãnh sứ mạng đi tiểu trừ những thân tướng cũ. Sau khi nghe người yêu vì mình mà chết oan, hoàng đệ Prakeo Tha trèo tường sống đời lưu lạc.
Hai mươi năm sau một đêm ân ái với một kỷ nữ, Prakeo Tha biết đó là con mình…Ông đành ôm hận mà chôn cuộc đời trong thiên nhiên, hẻo lánh để tìm lãng quên.
. Sau Dãy Trường Sơn
Khi lãnh việc xây một phi trường ở một miền rừng núi Ai Lao cho quân đội Nhật, con Phú là Quý một cậu bé mười sáu tuổi, lớn trước tuổi. Một đêm Phou Ta Cốc một nhà cách mạng trước khi chết trao Phú một bản đồ bí mật. Tùy, bạn Phú tưởng đó là một bản đồ chỉ chỗ kho tàng nên lén ám hại Quý, nhưng Quý không chết, về sau chiếm một cứ điểm hiểm yếu để chống nhau với quân Nhật, ít lâu sau hai cha con được trùng phùng để rồi, để ích lợi thiết thực cho Quốc gia, Phú tiển con ra đi cứu nước.
. Kòn Trô
Hai chuyện quan trọng mang nhiều hình ảnh sống động trong tập truyện là Kòn Trô và Mũi Tổ.
- Kòn Trô: mô tả cuộc đời kiêu hùng của một tướng cướp, nhưng sau chết vì tình lụy.
Kòn Trô đang sống trong núi rừng thì Thể Phụng một học sinh đi lạc đất của anh. Anh đối xử với nàng rất nồng hậu, lễ độ, nên nữ sinh từ tâm trạng ghê tởm, ngờ vực biến thành nồng nàng thắm thiết. Khi đưa Thể Phụng ra bìa rừng để về với thành thị, Kòn Trô hẹn giờ để thấy nàng lần chót, vô tình Phụng nói lại với người khác, Kòn Trô do đó bị phục kích chết.
Bốn năm sau, hay được tin nầy, Phụng nhỏ vài giọt nước mắt tiếc thương.
. Mũi Tổ: Nói về cuộc đời của một người hy sinh cho việc nước. Cả Tiển, một nhân vật “bí mật”, vì không ai biết được ông ta, đến Hố Nai ở ẩn. Cả Tiểu bắn cung rất giỏi, khi mùa kháng chiến đến, để giúp đỡ dân quân chống nhau với quân Anh Ấn, Cả Tiển phải bắn ngay mắt một người lính Ấn đang núp vào chỗ vô cùng kín đáo, việc nầy phạm vào cấm điều của một nhà thiện xạ, cấm điều ấy là Mũi Tổ, nên cuối cùng Cả Tiển bị bắt, bị đánh mù mắt, phải sống cuộc đời tàn tật, mai danh ẩn tích.
Ở ba tập truyện đường rừng, phiêu lưu nầy sự lý thú là đặt ra vấn đề người đi chiến đấu (để bảo vệ quê hương xứ sở hay tánh mạng) đều nên dè dặt với tất cả mọi người, kể cả người thân. Phrakeo Tha tin anh để phải sông đời giam hảm, bỏ rơi lý tưởng, phụ người yêu, người thân, đồng chí (Chiếc Vòng Ngọc Thạch). Phú tin bạn nên bị ám hại, để rồi gia đình ly tán. (Sau Dãy Trường Sơn). Kòn Trô tin sự kín miệng của người con gái nên phải chết dưới mười mấy mũi súng, trên đường đi tiễn người mình yêu (Kòn Trô) Kòn Trô là tác phẩm đầu tay, vì viết trước 45, nên không có màu sắc chiến đấu mà chỉ là để ghi lại một vài kỷ niệm, tâm sự…Ở những tác phẩm kia, tác giả cũng không đưa đến một ý gì sâu sắc. Ngoài những khuôn khổ ái quốc cổ điển. Một vài đoạn đúng đường văn nghệ lúc đó nhưng có vẻ miễn cưỡng, mơ hồ, không ở trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của tác phẩm.
Chẳng hạn, lời của Hoàng đệ Prakeo Tha; trong “Chiếc Vòng Ngọc Thạnh”.
Từ lâu ta xa cung điện, vàng son, phi tần, mỹ nữ, lăn mình theo chí lớn, ta mới thấy đời có nghĩa. Đi như hoàng huynh ta, tự nhiên giao quyền chính cho người khác nắm giữ”.
Một đoạn khác:
Ngày nay ta bị triều thần liệt vào hạng người phản loạn và tiếng súng phản kháng càng ngày càng bị hiểu sai nghĩa. Quốc dân phần đông còn ngu muội lại đời đời bị ngăn lẫy bên ngoài chớ họ không bao giờ biết được những sự mụt nát bên trong. Từ mấy năm nay có biết bao nhiêu sự biến đổi đã làm cho Ngai vàng của hoàng huynh ta lung lay mà bên ngoài thì dân chúng vẫn nhắm mắt toại hưởng thái bình. Ta vì chánh nghĩa tự tay phất mạnh ngọn cờ những mong mở mắt cho quốc dân thấy rằng Non Sông gấm vóc của ta phải là của ta chớ không vì một lẻ gì mà phải lệ thuộc vào một quyền hành nào khác nữa. Nhưng đau đớn cho người nghĩa sĩ, trải những năm vất vả ở bãi sậy, đồng lầy, càng ngày càng bị đồng bào ghê sợ tránh xa hơn là lại gần ủng hộ. Đối với họ, ta chỉ là một kẻ chọc trời khuấy nước, kéo thiên hạ về mình làm cho giang sơn nghiêng ngữa. (trang l8-19) lời lẽ chân thật gợi cảm mặc lòng, nhưng vì lạc lõng trong một kết cấu mà phần quan trọng không ở trong đề tài chiến đấu nên ý trên bị loãng đi, bơ vơ và chìm mất trong các ý khác, dễ thấy, dễ nhớ hơn.
Nhiểu khi tác giả còn đi xa hơn, mạt sát chê bai những người bất tri vong quốc hận, thảnh thơi vui thú kể như nước nhà đang ở trong cảnh thái bình. Thật ra, che đậy trong một màn yên vui giả tạo, thanh bình tạm bợ là cảnh nước mất chủ quyền, mà phải chịu áp lực của ngoại bang, bao nhiêu tài nguyên, thuế má bị bốc lột tất cả, đường hướng của quốc gia cũng do người ngoài đặt định, hướng dẫn. Chỉ có những người sáng suốt, yêu mến thật sự quê hương mình mới đau buồn, còn những hạn không biết gì hơn cái nơi hiện tại dửng dưng ca hát, như chẳng có việc gì quan trọng hơn. Sự đau buồn không phải thấy chông gai trước mặt mà thấy người đồng tâm với mình quá ít:
Trong một mái lều, một giọng hát khàn khàn đưa ra: Sacrava, Pra ca pipok
(Chú thích Lý Văn Sâm: Hoa cà chua giắt túi, dạo chơi chợ lợn, thấy nhân tình rút hoa ở túi ra
cho nhân tình ngửi).
Prakeo Tha nghe như có một chiếc dùi nhọn xuyên qua lòng mình. Chàng lẫm bẫm:
- Giữa lúc vận nước ngữa nghiêng mà còn có kẻ nằm khào, hát những câu vớ vẩn như thế kia sao? (trang 26)
Thỉnh thoảng có tiếng vỗ tay và tiếng cười vô sự của những kẻ được được bạc ở một sòng đỏ đen nào đó, trong đám thuyền chài. Rõ là giọng cười, tiếng nói của những kẻ ngô nghê mặc cho thế sự xoay chìu. (trang 15)
Nhưng rồi cũng chỉ bấy nhiêu thôi, tác giả dường như còn mơ hồ e ngại ngòi bút mình khi viết về sự tranh đấu mà chỉ chú ý tới những việc khác: ở quyển Sau Dãy Trường Sơn tư tưởng đã trội hơn, nhân vật đã có ý thức, biết yêu mến tổ quốc, quê hương nhưng vì tác giả quá chú trọng đến cách diễn tả anh hùng, cao thượng nên nhiều khi tâm lý nhân vật quá bộc lộ để trở thành tự cao đến trơ trẽn.
Chẳng hạn, lời than của một người cách mạng, có khuynh hướng anh hùng cá nhân
Phou Ta Cốc. bao giờ tôi ngưng một phút chiến đấu. (trang 99)
Hoặc lời khoe khoang của anh chàng tên Phú:
Tôi đã nghĩ ngay đến vợ con, nhưng đã can đảm đi theo việc lớn cho tròn sứ mạng.
(trang 115)
Và tác giả vẫn còn để ngòi bút mình đi lang thang, mô tả rừng núi, công việc, nguồn gốc lịch sử giống người Thái, lòng nhớ thương lẩm cẩm, để rồi cuối cùng trước khi chấm dứt câu chuyện, tác giả kéo ngòi bút về con đường chiến đấu, bằng cách diễn tả cảnh lên đường của hai người trai - Quý và Danh Sum, bạn của Quý, với lời dặn vói theo của người cha:
Giàu sang không hôn mê, võ lực không khiếp phục, nhớ nhé ! Ta ở bên nầy bờ
sông xây hy vọng dưới chân núi Trường Sơn đợi các con mang huân nghiệp trở về” (trang
121)
Khuyết điểm nầy đặc biệt nhất ở cuốn Kòn Trô, nhưng ta không trách được vì nó xuất hiện trước giai đoạn. không ai có thể trách tính cách thiếu chiến đấu trong quyển Đồng Quẽ của Phi Vân (1943) cũng không ai trách được Dương Tử Giang còn mơ hồ lông bông trong quyển Duyên Hay Nợ (1942) thì không ai lại có can đảm nói rằng Kòn Trô còn quá xa vời thực tế vì mặc dù xuất bản 1949 nhưng tác phẩm đã được viết xong trước đó mấy năm, lúc phong trào văn nghệ chưa bùng dậy.
Bởi lẻ đó, vài dòng mang màu sắc chiến đấu trong các quyển truyện thiên về phiêu lưu, đường rừng nầy, quá khắc khe ta cho là không đủ, nhưng dễ dãi ta có thể bảo như vậy cũng khá nhiều, vì tác giả đã đi trước giai đọan, đã chuẩn bị tinh thần khi phong trào văn nghệ nầy chưa có gì hết.Vã lại đem ý tưởng tranh đấu vào tác phẩm phiêu lưu, đường rừng là việc khó khăn. Những dòng sau đây, trong quyển Kòn Trô tôi cho rằng là những dòng đầu tiên của văn nghệ tranh đấu thật sự:
Tôi đã thường nói với chú rằng tôi không có gia đình và quyến thuộc. Gia đình tôi là Tổ quốc Việt Nam của chúng ta. Thân quyến tôi là những đồng bào đau khổ. Chú còn chưa hiểu tôi nữa sao? (Kòn Trô , Mũi Tổ - 113)
Hay rõ ràng hơn nữa:
Quân Anh Ấn đánh thẳng một con đường ra Phan Thiết và thiết lập một “ổ canh phòng” giữa quan lộ. Một tên lính ấn, đứng núp sau một ụ đất chĩa súng vào rừng. Nếu muốn trừ tên lính da đen ấy cũng không khó gì, nhưng một tiếng nổ sẽ làm hỏng đại cuộc.
Người ta nghĩ ngay đến Cả Tiển và yêu cầu nhà “thiện xạ” thanh toán giùm. Cả Tiển lúc bấy giờ đã bước vào hàng ngũ kháng chiến. Anh ta ngắm nghía một lúc rồi nhìn thẳng vào tôi, buồn rầu nói:
- Tôi sẽ phạm vào “Mũi Tổ” vì tên lính da đen kia chỉ cho ta nhìn thấy đôi mắt trắng dả của gả mà thôi! Đây có lẽ là mũi tên cuối cùng, chấm dứt cái tài thiện xạ của tôi. Nhưng, “tôi không ngần ngại gì mà không hy sinh cho đại cuộc”. Vâng! Tôi đã dành một mũi tên cho Tổ quốc! Nay là lúc tôi dùng nó vậy…(Mũi Tổ Kòn Trô - trang114)
Nghĩa là, với Lý Văn Sâm nền văn nghệ hổ trợ cho kháng chiến đã tiềm tàng trong tác phẩm của ông trước khi các văn nghệ sĩ ở miền Nam hướng gòi bút mình về đường hướng nầy, mặc dầu lúc ấy điều nầy còn mơ hồ, quá ít, mấy dòng tư tưởng trong Kòn Trô, trong Mũi Tổ còn mập mờ như trong làn sương, nhưng nó đã có ở đấy, và sau nầy phong của phong trào vì vấn đề nầy cần một thời gian khảo cứu kỹ lưỡng, trở về tất cả ngọn ngành của văn học, là một vấn đề tương đối khó khăn. Vấn đề đặt ra là tại sao nhà văn Lý Văn Sâm viết truyện phiêu lưu đừng rừng. Tôi cho rằng ảnh hưởng của quê hương tác giả (quê ngoại) ở những hình ảnh trước mặt ông khi ông theo cha coi lò gạch “Cái Thác Nước” ở Trị An. Mấy dòng chữ, trong bài “Tôi Viết Văn “ của Lý Văn Sâm sau đây rất quan trọng cho thấy ảnh hưởng của núi rừng, khung cảnh chung quanh khi ông bước chân vào sự nghiệp văn chương.
Mãi đến lúc thấy (theo?) ba tôi cai quản lò than “Cái thác nước” ở Tự (Trị?) An, tôi rất thiếu bạn bè. Quanh tôi chỉ có rừng và thác. Trước mặt tôi bút giấy là bạn. Tự nhiên tôi cần phải viết để quên buồn, chớ không phải để gởi đăng báo. Truyện thứ nhất hồi ấy là “Kòn Trô”.Trong ấy tôi tả nỗi “xa đời” của một nhân vật bị “đời xa”.Viết rồi cất đó, để đọc chơi…39
Theo tác giả quyển Kòn Trô, sanh ra trên núi rừng, do đó ta thấy núi rừng, có trong đó là truyện đương nhiên, nhưng không phải bao nhiêu đó thôi, các tác phẩm khác cũng chịu ảnh hưởng nầy. Sau Dãy Trường Sơn, Chiếc Vòng Ngọc Thạch đã đành, đến Sương Gió Biên Thùy cũng vậy, mà còn nhiều nữa là khác, hình ảnh, núi, rừng, thác, đó luôn luôn có mặt ở đây, và tư tưởng cũng vậy, ông gần như chủ trương rằng người hùng lúc nào cũng cần có giang sơn riêng để vẫy vùng cho phỉ chí (Sương gió Biên Thùy trang 13-14). Tác phẩm mang màu sắc xã hội thời đại, gần đây nhất là Nắng Bên Kia Làng cũng vậy, gần như nguyên truyện ngắn nầy ông dùng để tả quê ngoại với sự nghèo nàn, buồn bã, lặng lẽ; đáng yêu của nó để đưa vào đó tâm sự của cha mình, một người ôm hoài vọng không thoả mãn được, nên nhìn sự bất biến của núi rừng để mà tiếc nhớ.
Lý Văn Sâm chịu ảnh hưởng khung cảnh sống nhưng ông bước ra ngoài hơn khung cảnh đưa cho ông ý tưởng tạo một mẫu người hùng, sống ngoài vòng kiềm tỏa, ngang tàng, dọc ngang không biết trên đầu có ai, và rất yêu mến chốn mình đã sinh trưởng, đã chôn nhau cắt rún.
Bà coi, bọn chúng tôi trồng khoai, cấy lúa, gieo bắp, gây riêng một thế giới phóng
khoáng, xa hẳn chốn gió bụi kinh kỳ. (Kòn Trôn trang 22)
Bọn thủ hạ tôi hơn một trăm người đều sống chung với nhau trong những căn trại ấy… Tôi bảo chết họ chết. Tôi bảo sống, họ sống. Họ thương tôi và kính trọng như cha.
Bà nghĩ còn lòng thương nào khắn khít hơn lòng thương của những kẻ vô gia cư,
không cha, không mẹ, thân thế và cuộc đời gần giống nhau. Không cần cắn máu ăn thề
mà họ cũng ăn ở với nhau một niềm chung thủy. Ấy cũng bởi sự chung đụng trường niên nó gây cho họ cái dây đoàn thể bền bĩ, không ai có thể cắt đứt được. Ở đây không có sự phản bội, không có sự man trá, không có sự ghen tị nó làm cho người ta phải cực lòng
lo nghĩ vì nhau. Tâm hồn họ đã hoà hợp cùng cỏ cây hoang dại. (Kòn Trô, trang 21)
Đó là người hùng Kòn Trô, anh đơn độc đối với xã hội bên ngoài, nhưng không đơn độc tuyệt đối, còn có cơ sở, còn bọn thủ hạ, còn được diễm phúc gặp một cô gái đẹp, chỉ một thời gian ngắn sau là thu được cảm tình của nàng. Và khi nghe tin anh chết, những giọt
nước mắt tiếc thương, hối hận đã nhỏ xuống. Đến người hùng Prakeo Tha thì bị nhốt ở
cung vàng, điện ngọc, chung quanh không người thân tình, không kẻ đồng tâm, không
gặp người yêu, thân tướng cũ cũng xa lánh mình. Người hùng Cả Tiển lại càng bi thảm hơn, cô độc, bí ẩn, không ai biết thân thế ra sao, từ đâu đến, sống trong vùng hoang vu, để rồi cuối cùng phải buộc lòng quay mặt lại với đời, không muốn gặp ai hết, không muốn quay lại kỹ niệm xưa, chôn chặt đời mình trong tăm tối muôn đời…
Anh chàng Phú cũng vậy, sau bao khó nhọc vì công việc, gần cuối đời mình, gặp lại
con thì chỉ còn nhìn theo bước con đi để tìm nguồn vui.
Chúng tôi gọi Kòn Trô Cả Tiển, Prakeo Tha, Phú là những người hùng đội đá vá trời, chiếm riêng một cõi của Lý Văn Sâm. Nhưng họ, cũng như tác giả khi sắp bước vào làng văn, chỉ có bạn cùng cây bút tập giấy, chỉ là những người hùng cô độc, thui thủi một mình, rốt cuộc toàn là thất bại, bi thương. Kết thúc cuộc đời họ như sự lặng lẽ, lững lờ, chập chùng của rừng núi.
Tóm lại, truyện đường rừng của Lý Văn Sâm là một sáng tác để giải tỏa tình cảm mình, một tình cảm phong phú bị bao vây bởi sự cô đơn, do đó nhân vật sinh ra tuy có phóng khoáng, hùng dũng như núi rừng, cũng có cô đơn bi thảm như người sanh ra họ.
Tóm lại, tác phẩm phiêu lưu, đường rừng của Lý Văn Sâm sinh ra vì hình ảnh quê hương ông, đập vào tâm não. Từ đó ông tạo ra một mẫu người hợp với tình cảm mình, tôi gọi là người hùng cô độc và đương nhiên người hùng phải có hành vi tranh đấu, anh hùng, cao thượng, coi thân mình là nhẹ.
Nhưng phần quan trọng, theo chúng tôi vẫn là những tác phẩm thuộc khuynh hướng tranh đấu mang màu sắc chính trị thời đại và những đề tài thiên về xã hội, với những trạng huống nỗi niềm của con người lúc đó.
B.- Loại tranh đấu xã hội hay tâm sự một người lạc giữa Thành thị u buồn.
Các tác phẩm ở trong khuynh hướng nầy là: Nắng Bên Kia Làng
Người Đi Không Về
Hai quyển quan trọng nhất, biểu lộ tư tưởng của Lý Văn Sâm là Ngoài Mưa Lạnh và
Nắng Bên Kia Làng, các quyển còn lại không quan trọng lắm. Đại khái Sương Gió Biên
Thùy mang hình ảnh quê hương của tác giả như đã nói ở trên 41
Tập kịch ngắn Người Đi
Không Về quan trọng hơn đôi chút cho thấy sự khổ sở đau buồn vì ngóng trông tin tức của người ra đi, nhưng thường người ở xa đến đều báo một hung tin (Chớp Bể Mưa Nguồn –
42
Trùng Dương - Người Đi Không Về
- Nửa Mãnh Trăng Thề) và lòng nham hiểm của người
có dự tâm thống trị,muốn đè đầu, đè cổ dân tộc ta. Sự ác độc của Trương Phụ trong kịch Nham Hiểm khiến ta nhớ đến phương sách của người Pháp trước đây đối với người có tài, có khuynh hướng tự do thường bị chích thuốc cho tê bại hoặc điên khùng.
Thiêm Bình:
Vì còn chút tình xưa mới tha Quốc Sĩ. Nhưng con rất ngại…Gã là một tay học sĩ của
nước nầy.
Trương Phụ:
Con đừng lo! Từ đây về sau Quốc Sĩ sẽ thành kẻ vô dụng. Chỉ trong vài hôm nữa rượu sẽ ngắm vào cốt tủy. Gã sẽ thành một kẻ điên dại nhìn đời với đôi mắt ngây ngô. Ta vì con tha chết cho hắn, nhưng không thể tha cái tài ba lợi hại của hắn…
(Người Đi Không Về , trang 64)
Lòng hy sinh, cố gắng thi hành nhiệm vụ, luôn luôn an ủi, làm vừa lòng người thương binh cũng được tác giả diễn tả ở đây với sự kết cấu tế nhị, thú vị:
Một thương binh sắp chết, yêu cầu cô nữ điều dưỡng đóng vai người yêu của mình trở về để nói tiếng yêu đương. Người nữ điều dưỡng ngại ngùng, nhưng trước cái chết của người chiến sĩ cô bằng lòng nhận lời, để rồi từ lòng thương đóng kịch trở thành tình thương thật sự:
Hai tay anh đã lạnh, anh Hưng ơi! Từ mai em sẽ còn ai để mà đóng kịch nữa! Tấn bi kịch đã hạ màn rồi, nhưng “người đóng trò” vẫn chưa thôi đau khổ đến thiên thu, thế là vết thương của anh em đã mang rồi đấy! (Một Bi Kịch Đã Hạ Màn)
- Quyển Nga và Thuần có tư tưởng cao ở chỗ nhân vật biết hy sinh quyền lợi, coi chuyện nhà là nhẹ, trong sứ mạng, có tinh thần cao cả, giải quyết nhiều chuyện rất đẹp:
Cô Nga đề cao người chiến đấu:
Lên tỉnh, theo thiển ý của Nga là đi tìm sự vui riêng, là chạy theo phù hoa và ánh sáng, trong khi các bạn trai, bạn gái trong lứa nàng cố quên hết mọi lạc thú và đang chiến đấu trong những bải sậy, đồng lầy. (Nga và Thuần, trang 12)
và buồn lòng vì người dân thành thị nhưng tâm hồn trống rổng, chỉ biết ăn ngon, mặc
đẹp, bạn bè, khách khứa, vật dục, cuồng vọng:
Các chị “tiểu thơ” con bác Ký, suốt ngày hết thay quần áo lại đánh phấn. Bạn trai
đầy nhà. Dầu thơm ngợp mũi. Hình như họ sống để trang điểm và đánh bạn, đánh bè cho thật nhiều. Ngoài ra không thấy họ có tư tưởng gì khá hết…
Bác Ký trai thì cứ uống rượu quanh năm và cứ nhìn con chòng chọc, con sợ quá.
Không khéo con lại phải khổ vì “ông già” nầy nữa. (Nga Và Thuần, trang 37-38)
Đại khái tư tuởng trong quyển Nga và Thuần không mới lạ với các tác phẩm khác của Lý Văn Sâm, và giống như tư tưởng của Vũ Anh Khanh đã trình bày ở trên, nên chúng tôi mạn phép không nói nhiều 43 . Chúng tôi xin sang phần cá biệt của họ Lý trong các tập truyện ngắn Nắng Bên Kia Làng và Ngoài Mưa Lạnh. Hai tác phẩm đưa ông lên đài vinh quang của nghệ thuật.
Ở đây tư tưởng của Lý Văn Sâm chia ra làm hai giai đoạn:
1) Giai đoạn của một người bất đắc chí sống ở thị thành, bị xã hội vây quanh; với vợ, con, nghèo khổ, với tình cảm kéo lôi và với kỷ niêm, ước vọng, lý tưởng dày vò. (Tác giả diễn tả bằng những tác phẩm thiên về xã hội)
2) Giai đoạn vùng lên của người nầy, bỏ lại tất cả những gì làm mình dằn vật nội tâm, buồn khổ cho kiếp sống, trở về với ước vọng mình, lý tưởng mình, một người hùng quyết xây đắp vinh quang cho tổ quốc (Tác giả diễn tả bằng những tác phẩm thiên về tranh đấu, thời đại)
1) Con Ngưới Bất Đắc Chí Sống Không Nhằm Nơi
Con người sống trong xã hội nên bị xã hội quấn quýt lấy mình, bận bịu vướng víu, người ta không thể nhất đán mà bỏ rơi tất cả để ra đi, mặc dù đó là ước vọng mà từ lâu mình ôm ấp, tôn thờ. Sự vướng víu, đó là vợ con, là thực tế. Người ôm ấp ước vọng sẽ bị dày vò, bức rức vì một đàng tiếng gọi thúc hối bên lòng như những mời đón, kéo lôi, một mặt hoàn cảnh gia đình như một trở ngại, ngăn chận bước đường và nước mắt nhỏ xuống làm họ không làm gì khác hơn, đành ngồi buồn tủi ôm ấp mộng mình; rồi cố giải bày ra trên trang giấy, mong vơi bớt phần nào nổi đau thương đang gặm nhắm cõi lòng:
Có những hôm mưa, gã ngồi giữa “thảo lư” rách nát, mơ một tiếng thác đổ động sơn ngàn, gã vùng
đứng lên nhưng ba đứa con của gã níu áo, kéo gã xuống:
- Trọng có cảm giác như có một bàn tay giá lạnh vừa bóp quả tim mình. Chân trời sụp xuống thành những tấm vách thành chắn ngang bước ngang tàng của gã.
Trọng nghiến răng, thì thầm: “ Cơm áo! Vì cơm áo cả! “ Bàn tay gã chỉ đủ sức cầm nổi một ngọn bút mà thôi. Tơ lòng gã chảy ra trên mặt giấy như giòng tơ nhỏ của một con tằm. Nhưng đời nào cũng như đời nào, kiếp con tằm là khổ.
Cho nên gã rất lấy làm lúng túng giữa cái khám gia đình mà gã thấy chật như “cái kén” của con
tằm…
(Ngàn Lau Sông Dịch Ngoài Mưa Lạnh, trang 47-48)
Cơm áo. vợ, con làm khổ lòng, làm cho con người cảm thấy mình là người bỏ đi, vì phải mang tiếng thất phu. Nhưng người có tinh thần không chịu thua dễ dàng như vậy, người nào lại chẳng muốn yên thân bên cạnh chồng con, không phải họ không có tình người , nhưng họ không muốn vượt ra khỏi nồi cơm, trách cá để dính líu vào những hoạt động to rộng. Người chồng hoặc là gạt phăng tất cả để ra đi hoặc tìm một lối thoát khác. Lý Văn Sâm, nhắc đến lối thoát nầy nhiều lần: ngòi bút nói lên sự cần thiết phải cải tạo quốc gia để gây ý thức trong quần chúng, đàng nào cũng là phục vụ, không bằng đôi tay nắm chắc của mình, không bằng cảnh băng rừng lội suối thì bằng trí óc quan sát chân thành, bằng ngòi bút rướm máu, thét gào. Mỗi đường đều có cái hay của nó trực tiếp hay gián tiếp đều có công với cách mạng cả.
Huyền nhớ xa xôi, buồn lên quan ải. Huyền nghĩ thương những người bạn còn nằm trong ngục thất, ngày nhai cơm ẩm, đêm gối căm hờn, mơ một chân trời gió lộng. Huyền đã “từng mơ, mơ một chân trời gió lộng…
Nhưng, cho mãi đến bây giờ, Huyền vẫn còn ngồi yên một chỗ. Huyền chưa làm được lời hứa với bạn đồng tâm khi từ giả nhà tù.
Bởi vì Huyền đã gặp vợ, gặp con. Bởi vì chị Huyền đã khóc…không làm được một chiến sĩ thì làm một văn sĩ. Đằng nào cũng là con đường dẫn tới một mục đích cao quý.
Huyền sẽ viết thật nhiều. Viết những gì? Cuộc đời chán vạn sự đau khổ. Viết cũng là kiến thiết. Viết cũng là cải tạo. Nước nhà đã sứt mẻ nhiều rồi. Phải đắp, phải vá! Kẻ làm trai nào cũng là một người thợ của quốc gia cả.
(Thêm Một Ngọn Đèn – Ngoài Mưa Lạnh trang 87-88)
Nhưng vấn đề ta thấy được thật sự lòng mình muốn gì, không phải bị vòng vây vợ con giam hảm, bất đắc chí vì không thực hiện được những gì theo ý mình rồi phổ cái buồn vào lời văn câu thơ mà được. Bởi vì như vậy văn thơ của mình chưa có đối tượng chính xác, chính mình cũng chưa biêt hướng về đâu hơn là nỗi buồn bất đắc chí. Do đó sự lông bông đương nhiên phải có và vô ích lợi biết bao.
Muốn lời thơ, bài văn mình có ích thật sự, người viết phải đặt lý tưởng mình làm đề mục khảo sát , để tìm hiểu rõ ràng tất cả mọi mặt của nó. Sau khi hiểu rõ rồi thì hành động cho lý tưởng đó, không được để trí mình hiểu một cách mơ hồ, rồi không biết mình
muốn gì để chỉ hành động tiêu cực là buồn chán để rồi gieo buồn chán cho người khác.
Khi tìm được rõ ràng nguyên nhân sâu sa nỗi buồn của mình, theo tác giả, đó là tiếng gọi của hồn nước, ngòi bút mình sẽ có đối tượng rõ rệt nên ích lợi hơn và mình sẽ không còn buồn bã vô cớ nữa:
“Con không làm đúng ý nguyện ba, ba chết đi không khỏi có điều ân hận. Ba không dám nghĩ đến sự phiền trách con vì con là đứa con trai lớn lên giữa thời đại vong quốc. Con không làm gì hơn được ngoài sự thố lộ một vài ý tứ phiền muộn vào lời thơ, giọng văn. Ba cũng hiểu tâm trạng con là tâm trạng của một thằng con trai bất mãn mà không
sao tìm ra nguyên do sự bất mãn ấy. Rồi đây con sẽ còn bất mãn đến suốt đời nếu con không giải quyết được sự đau đớn kinh niên đã làm tím ngắt lòng con, tối sẳm đời con. Con là một kẻ bị vây không tìm ra lối thoát. Con là một kẻ bị vây hãm càng cố vẫy vùng càng thấy mình bị vướng lưới. Con ơi! Con có bao giờ nhớ đến hồn nước không?
Và người đáng lẽ làm chiến sĩ, bất đắc dĩ phải làm nhà thơ, trong buổi đầu, nói lên được tiếng lòng thổn thức của mình, vạch rõ con đường cho người chưa vướng bận phải đi nên được hoan nghinh, vì đó là con đường chính thi sĩ đã suy nghĩ chín chắn, những hình ảnh mà trước đây người thi sĩ đã từng thực hiện.
Thơ Hoàng nặc mùi gió mặn của đại dương, loạn những hình cây, bóng núi: Thơ Hoàng đọc lên nghe đau như một tiếng nghẹn thở, xa xôi, như con đường dài của một viễn khách khi bóng chiều rơi, nặng nề như nghĩa vụ của một chiến sĩ bơ vơ bên bờ lý tưởng… (Tàn Một Mùa Thơ, Nắng Bên Làng, trang 33)
Nhưng rồi người vợ với cái nhìn thực tế, với những cử chỉ và ước muốn tầm thường nhưng không viễn vong của họ, với những cách giải quyết vấn đề 44 làm nảo lòng người “chiến sĩ” đội lốt thi sĩ ấy, nhà thơ bắt đầu thấy vợ mình là cả một sự ngăn cách với mình, là một sự hoà hợp miễn cưỡng, nếu không nói là kẻ đâm vào tim mình những nhát dao tàn bạo, nên đành lòng xếp đi những kỷ niệm mà quay về thực tế, cũng từ đó tiếng lòng
của anh hết hay, “thơ của anh bây giờ không ai đọc nữa đâu…thơ của anh bây giờ giả dối quá “Những câu thơ gào mây thét núi”bây giờ không phải là tiếng lòng của anh nữa (Nắng Bên Kia Làng – trang 35-37) Thơ hết hay, không phải vì tài bị cùn, ngòi bút bị bẻ cong, mà vì những hình ảnh mình mơ trước đây, những khung cảnh cũ nhớ lại, bây giờ bị che bởi một bức màn thực tế, vợ con.. Người vợ nào lại chẳng muốn gia đình êm ấm, không bị tai bay vạ gió vì những chuyện không dính dấp đến họ. Mở cửa cho một người con gái bị thương vào nhà là có thể bị tù cả lũ. Rước thêm một miệng ăn, dù đó là người chí thiết với chồng trước đây, là mang thêm một gánh nặng cho gia đình, đó là chưa kể “rủi có bề nào, thật khổ cả nhà” – (Ngoài Mưa Lạnh, trang 50), đùm bọc một người đàn bà góa, tay xách nách mang, dù trước đây, người đó đã giúp đở chồng mình cũng là đem oan gia về gia đình.
Thực tế dày vò làm khổ lòng người chồng có lý tưởng, chỉ còn biết sống cho kỷ niệm, mơ màng đến những hình ảnh ngoài xa để quên thực tại và quên mình là kẻ chiến bại, thất bại mà chưa chiến đấu thật sự:
Hoàng mơ mơ màng màng tới một cảnh làng mạc tiêu sơ có những liều tranh, mái rạ đứng thu mình dưới những bụi tầm vong. Bên những ao bèo nước đọng có đĩa quắn mình nhiều bóng người lẵng lặng bước đi quên cả mưa ướt, gió lạnh”.
(Tàn Một Mùa Thơ - Nắng Bên Kia Làng, trang 36)
Thực tế làm buồn lòng, ước vọng lôi kéo và cảnh ao tù thành thị, vòng vây cương tỏa, chí nguyện không thành ray rức nội tâm, chạy cơm chạy áo làm cho con người ta sẽ dễ dàng bệ rạc, già nua rách rưới. Dưới ngòi bút của Lý Văn Sâm, con người đó còn bi đát hơn nhiều. Họ còn thua xa những kẻ vướng mắc trong vòng lao lý vì đã thực hành lý tưởng của mình. Hình ảnh bề ngoài chính là hình ảnh bên trong nội tâm. Người ở ngoài thiếu manh áo che thân, hún hắn ho, trong người ở tù ra còn có bộ đồ, còn có thân hình mạnh khoẻ bởi vì họ được hổ trợ, bảo vệ bỡi lý tưởng. Bỏ rơi lý tưởng là bỏ mất tất cả, ho hen ở đây chính là hình ảnh tượng trưng cho sự bệ rạc của tâm hồn. Không phải bệ rạc vì chạy theo ảo ảnh, đuổi theo tiếng gọi của kim tiền mà bệ rạc vì không can đảm giữ vững lập trường của mình. Đời một nhà văn bi thảm là sống trong ảo tưởng, để rồi có dịp mới thấy rằng ảo tưởng đó chôn chặt mình, đè mình xuống, không cho lối thoát, và phải chấp nhận lời thương hại của người bạn có can đảm bám giữ lý tưởng mình.
Sĩ đập nhẹ vai Huyền, mỉm cười như mếu.
Lấy cái áo mà mặc. Chính lời người bạn bảo phải vỏ trang bằng lý tưởng như vậy sẽ
không còn lo gió rét không khổ đau vì sự hất hủi của cuộc đời.
Sự đau khổ của người có ý thức nhưng vì hoàn cảnh phải ở lại càng bẽ bàng hơn khi người chung quanh không ai hiểu mình, càng ngày càng nghe tâm tư gặm nhắm lòng mình, nghe tài năng hao mòn, trơ trẻn vì thực tế đè nặng. Nhưng đó không khổ bằng bị những kẻ mà trước đây – và ngay cả bây giờ - mình muốn cứu giúp, muốn kéo họ ra khỏi cảnh bùn nhơ cực nhọc hiện tại nhìn mình với cặp mắt nghi ngờ, khinh ghét.
Với họ, kẻ ở trong vùng nầy, ai cũng như ai, đều là những người đã bỏ rơi lương tâm như nhau, không ai có quyền tự cho mình cao hơn ai. Vào thành rồi, vấn đề quan trọng là sinh kế, vì miếng cơm manh áo của gia đình người ta phải giành giựt nhau, những người
lý thuyết ở đất nầy là không nhằm chỗ, là cố tạo cho mình một cái vỏ cao sang không đúng. Nếu đã biết đến hy sinh, cao cả, nhẫn nhịn, lý tưởng, tranh đấu thì người nói lý thuyết đó đã không có mặt ở đây. Ở lại mà lý thuyết là gian trá, bịp bợm mặc dầu chỉ bịp bợm để được lòng kính trọng được tiếng khen là có cái nhìn sáng suốt mà thôi.
Sự cách biệt nầy tự nó có. Một đàng người cần lao thực tế, không làm được người hùng thì cứ lầm lủi lo công ăn chuyện làm của mình, không dính dáng vào chuyện thiên hạ. Một đàng người trí thức ảo tưởng, biết mình không làm được người hùng, nhưng vẫn cứ ôm ấp trong lòng hình ảnh ấy, để rồi hể có dịp là thực hành ý mình, không ngại ngùng
nhúng tay vào chuyện riêng tư của người với tiêu đề: mong diệt bớt phần nào cảnh trái tai gay mắt, và tạo ý thức ở người khác. Thực tế là người khác không cần sự góp mặt của mình vì giữa hai đàng đã có một sự thẩm định giá trị từ lâu rồi. Sự nghi ngờ, tức giận, ghét bỏ đã âm ỉ trong lòng, có dịp là bùng cháy.
- Em ơi! Anh vốn là một kẻ cần lao trí thức nên anh rất yêu giới cần lao trong xứ! Em nhớ lại mà coi, từ trước giờ anh đã viết bao nhiêu bài báo, bài văn, bài thơ để phô bày cảnh khổ của lớp người đã đem mồ hôi nước mắt ra đổi lấy áo, cơm?
Anh thường bảo họ là hạng người khiêm tốn, giỏi chịu đựng, hạng người nhẫn nhục trong lầm than, cơ khổ. Nhưng từ nay, anh đã bắt đầu ngờ vực, anh đã bắt đầu lo sợ…anh đã bắt đầu thấy những kẻ dốt nát phần nhiều mất dạy và vô cùng võ phu.
- Anh kể tiếp chuyện cho em nghe!
- Hồi trưa nầy lúc anh đi ngang Cầu Bông, anh đã chứng kiến một cảnh giành mối mất lịch sự của hai anh phu xích lô. Hai gã đàn ông lực lượng, kéo níu một chị đàn bà có mang, không đành lòng bỏ qua sự ngang ngổ của hai gã phu xe, anh can thiệp. Anh cố dùng những câu nhỏ nhẹ để cảm hoá lòng họ, nhưng thật là đáng thương cho anh, anh đã “thuyết lý” không nhằm chỗ. Những lời nói của anh bị coi là vô nghĩa. Rồi thì những cái đấm cái đá trả lời anh. Em nghĩ coi một kẻ yếu đuối như anh làm sao cự lại hai kẻ quen dùng sức lực. Anh kêu cầu với những bác đánh xe. Nhưng họ mỉm cười và bảo rằng: “Cứ đánh cho chết. Ai bảo gánh vác chuyện người!”
(Rửa Hờn - Nắng Bên Kia Làng, trang 46-47).
Sự kiện nầy làm đau khổ nhiều cho những người trí thức ở lại: về vật chất cũng như tinh thần. Nhiều khi làm cho lòng họ xuống dốc, chán nản, muốn phá vở tất cả, bỏ rơi tất cả để trả thù.
Nhưng đó chỉ là phản ứng nhất thời, phản ứng vì sự tức giận, phản ứng của một
người quá đau khổ nên coi trọng cá nhân, tự ái của mình quá lớn không còn đủ bình tỉnh để đem lòng bao dung và ý thức của mình trước đây ra áp dụng. Sau đó nếu có dịp gặp lời khuyên, gặp lời nói dịu hiền của một người vợ biết chuyển tâm lý của chồng, hết dẫn dắt ý tưởng chồng thì những quyết định, phản ứng nầy sẽ tiêu tan tất cả và người chồng sẽ trở lại con người bình thường nghĩa là con người vẫn ôm ấp lý tưởng trước đây. Nhiều khi còn đi xa hơn bằng cách tìm ra một phương pháp để giải quyết vấn đề đặt ra. Sự phân cách giữa người bình dân và trí thức vì sự ngộ nhận, ít thông cảm sẽ bị phá vở niềm cảm thông giữa hai giới sẽ đến ngay.
Từ mai trở đi, chúng ta sẽ phác hoạ một chương trình vĩ đại. Chúng ta sẽ cố sức mình, giáo hoá bọn người dốt nát và thiếu giáo dục của xứ sở ngày mai… Ngày mai nữa, khi mà xã hội Việt Nam được nằm đúng trong một chế độ mà anh và em hằng ao ước thì công của chúng ta không phải nhỏ…Tờ báo “Cần Lao” của thi sĩ Nom Lam đã ra đời sẽ là một tờ báo ấy được phần đông anh em giới lao động hoan nghinh.
(Rửa Hờn - Nắng Bên Kia Làng, trang 50-51)
Phá vở sự ngộ nhận bằng cách vạch cho người lao động thấy rằng chính chế độ đã tạo cho họ sự khổ sở, biến họ thành dốt nát và ù lì vì thì giờ phải dùng để kiếm miếng cơm manh áo, không còn dư để học hỏi, để tìm hiểu vì sao mình khổ sở. Và người trí thức thức tỉnh rất đau khổ và sự việc nầy bởi vì lực lượng chính của quốc gia là thế giới lao động và sự chênh lệch giữa hai hạng người là một sự bất công cần xóa bỏ, nó còn tồn tại ngày nào ngày đó họ còn cảm thấy bất lực vô ích.
Nhưng tạo sự thông cảm không chưa đủ. Tờ báo chỉ mới là tiếng nói, là lời kêu gọi, là con đường vạch ra, nhưng hành động mới là việc chánh. Lý Văn Sâm cho rằng không
làm được việc lớn thì bắt đầu bằng việc nhỏ không giải quyết được chuyện cao xa thì
giải quyết những chuyện gần gũi bên mình. Xã hội tạo ra bất công, dốt nát, mình hơn họ
phần nào thì phải nghĩ đến những người ít may mắn hơn mình.
- Khâu áo ai đó?
- Cho em Bê, kia!
Trần đưa mắt nhìn theo ngón tay trỏ của vợ: Một cậu bé xanh xao ngồi trong một góc nhà tối.
Cậu ấy là hình ảnh của bọn nhi đồng Việt Nam. Nghèo khổ, bịnh hoạn, rách rưới! Cha mẹ chúng làm không đủ ăn thì làm sao nuôi cho đầy đủ được?
…Em xin nói: Sự dốt nát của dân tộc ta bởi đâu mà ra? Vì sự dốt nát nên kém giáo dục…lỗi không phải ở những người phu xích lô đã đánh đập anh, mà lỗi của một chế độ, một xã hội. (Rửa Hờn - Nắng Bên Kia Làng, trang 49-50)
Ta thấy ý tưởng nầy ở Sơn Khanh đã có nói đến. Nhưng giống về hành động và ý hướng mà khác về nguyên nhân sanh ra hành động đó. Ở Sơn Khanh nguyên nhân là thiên lương của người trí thức, chưa va chạm với thực tại, muốn giúp đở vì muốn bớt đi phần nào nỗi khổ của xã hội. Và Sơn Khanh không tin tưởng ở phương pháp nầy mới cho
Long lên đường góp phần dẹp giặc (Giai Cấp). Ở đây trái lại nguyên nhân của Lý Văn Sâm tạo một hành động thông cảm hoà hợp với những lời thông cảm (trên tờ báo “Cần Lao”
của thi sĩ Non Lam). Một đàng là cứu giúp nhưng vẫn còn cách biệt giữa hai giới, vẫn còn làm hạ phẩm giá nhân vị của người được cứu giúp, một đàng xoá bỏ đi sự cách biệt đó, và không làm mất nhân vị, không làm tủi người được cứu giúp. Cái nhìn của Lý Văn Sâm cao hơn của Sơn Khanh ở điểm nầy.
2) Con Người Bất Đắc Chí Đứng Dậy
Đó là đại khái những gì mà chúng tôi gọi là tư tưởng xã hội tranh đấu của Lý Văn Sâm, ta thấy ngay tác giả nhấn mạnh về tâm tư một người bất đắc chí vì không được thực hiện ý mình, nằm dài ở thành thị với sự khổ sở tâm hồn và cuộc sống.
Nhưng người nầy không chịu như vậy, vùng lên, thỏa ý mình phần nào bằng cách tìm một lối thoát khác đó là giúp đở quốc gia bằng cách nói lên sự đau khổ của xã hội, diễn tả tơ lòng rướm máu của mình; giúp đở xã hội bằng phương tiện eo hẹp của mình. Nhưng những lối thoát nầy tác giả vẫn không bằng lòng, vẫn chưa đủ và còn gượng ép, thể hiện lòng yêu nước vẫn còn tiêu cực quá, phải tích cực hơn. Và nhân vật của ông đứng thẳng dậy vức bỏ xiềng xích đã trói buộc mình do những tình cảm yếu hèn trước đây, do những an ủi bằng các phương sách ích quốc lợi dân có tính cách tự dối mình: Đó là phần tư tưởng tranh đấu thời đại đúng nghĩa của nó.
Nhưng chúng tôi xin nói ngay rằng phần nầy chỉ là hơi hướm thời đại, chỉ là tiếng
vọng xa xa mà tác giả cố đem âm thanh đến cho chúng ta. Phải có, không có thì mình vẽ xa cách trào lưu, nhưng tự thâm tâm có lẻ ông để ý đến đường lối trên nhiều hơn, vì thật ra trình bày nỗi khổ của người dân phập phòng vì súng đạn vô tình có thể rơi vào nhà lúc nào; của người nghèo làm việc không đủ ăn đủ mặc, không có công việc để làm; của người bị nghi ngờ bắt điều tra một vài năm, khi được thả ra thì đã trắng tay; của người văn nghệ sĩ không có được một căn nhà, một ngọn đèn cũng là góp phần vào việc tránh
đấu vì vạch ra thảm trạng của người dân sống trong xích xiềng lệ thuộc của người ngoại nhân. Những sự mô tả nầy có tác dụng làm sôi máu căm hờn những người biết yêu đồng bào, biết nghĩ sâu xa để tìm nguyên nhân sanh ra vấn đề đứng lên giải quyết vấn đề.
Giúp cho họ tìm hiểu là võ trang tinh thần của họ, vì khi hiểu được nguyên nhân rồi, con đường cứu nước đã mở ra trước mặt, thế nào họ cũng phải bước vào, và sẽ bước vào một cách hùng dũng. Do đó ta không lấy làm lạ khi thấy Lý Văn Sâm mô tả ít về những người chiến sĩ; ít nhưng không phải là không có, bởi vì, dù sao sự tranh đấu bằng võ lực, bằng đôi tay, vẫn là hành động tích cực, có thể xô ngã được nguyên nhân đã tạo ra nỗi khổ cho đồng bào dân tộc, tuy rằng việc nầy là hậu quả tất nhiên của việc tranh đấu tiêu cực nói trên. Sự tranh đấu tiêu cực chỉ được dành riêng cho một số người, chớ tranh đấu tích cực là công việc của hầu hết mọi người, không thể bỏ qua được.
Nhưng theo Lý Văn Sâm chỉ lên đường để lật đổ bọn gây ra sự khổ sở cho dân chúng thôi sao? Còn gì nữa không?
Còn.
Vì ông công nhận rằng công việc thiện, ý hướng tốt chưa đủ, con người không phải muốn là được, vì bằng lòng với và vài sự giúp ích nho nhỏ cho người chung quanh tự dối mình để khỏi giải quyết vấn đề lớn rộng hơn chỉ giải quyết phần nào bề mặt phơn phớt mà không giải quyết căn bản, nguyên nhân. Vả lại, không phải muốn là được, muốn tạo sự thông cảm nhưng sự thông cảm rất khó tạo, vì vấn đề không giản dị, không phải chỉ có cá nhân nầy với cá nhân kia, còn có giống người nầy, giống người kia, còn có tổ quốc trước mặt, hố thẳm ngăn cách. Phải lấp bằng vực thẳm đó để người ta nhìn mặt nhau mà không cảm thấy ngăn cách nữa.
Và nhân vật của Lý Văn Sâm lên đường làm nhiệm vụ đó, lấp bằng vực thẳm đã chôn bao nắm xương của những kẻ muốn yêu thương nhau sau những năm dài đau đớn.
(Ngoài Mưa Lạnh, trang 31)
Nhưng trước khi đi phải dứt khoát tất cả những tình cảm yếu hèn, những sợi dây có thể làm chùn chân mình lại. Ai lại chẳng có những mối tình, nhưng sự quan trọng là lúc cần biết dứt bỏ để đi về phía tiếng lòng của dân tộc.
Gã nhìn xuống mặt hồ lơ thơ vài tờ lá rụng. Gã ngùi ngùi vào chuyện.
Có một lần ấy xa lắm lắm. Có hai đứa tóc xanh yêu nhau, thề đi trọn đường dài…Gã là dũng sĩ. Nàng vốn gái đài trang gót son đỏ hỏn. Nhưng khói lửa của đoàn quân chính Nam nổi lên làm đau lòng những kẻ quốc sĩ. Gã hiên ngang vung gươm chém đôi mảnh tình, ra đi vì tiếng gọi núi sông cao cả” (Nửa Mảnh Ngân Tiền – Ngoài Mưa Lạnh) trang 60-61
Can đảm dứt khoát không phải vì đã vui thú với ái tình, không phải vì say rượu rồi vùi dập đời hoa, toét miệng cười hả hê, nắm tay nhau lên đường (vực thẳm) vì người con gái không là đối tượng của căm thù mà là đối tượng của tình yêu, thương hại. Vung gươm
chém đôi mảnh tình là biểu hiện của lòng dứt khoát, dẹp bỏ qua một bên tình cảm mình,
bởi vì đời mình đã biến chuyển theo vận nước. Vận nước khi cần mình thì không có lý do gì chậm trể chần chờ, không có lý do gì để vương bịu mềm lòng.
Nhưng đó là lúc ra đi. Trong lúc thực hiện bổn phận, hay những phút rảnh rổi, ta có quyền nhớ lại, để hồn về với người đã đau khổ vì mình đã làm mình đau khổ, đã giữ một nửa mảnh hồn mình. Đó là tình người, đó là một việc không thể nào cấm đoán được. Do đó người chiến sĩ chỉ ngậm ngùi vào chuyện…kể lại, mà không bỏ nhiệm vụ để trở về.
Kiếp gió sương vẫn có những nỗi nhọc nhằn, bi thương riêng của nó, mặc dầu biết rằng ra đi là chấp nhận khó khăn, chết chóc. Biết như vậy nhưng mấy ai cầm lòng cho được khi cảnh rơi rớt, vương vải dọc đường của các bạn đồng hành đã từng chia xẻ ngọt bùi với mình. Tình đồng đội thắm thiết chăng là lúc nầy, chân thật nhau chăng là lúc nhắm mắt xuôi tay, người còn lại có nhỏ xuống vài giọt nước mắt tiếc thương hay không, có thấy lòng buồn vời vợi không. Chớ còn lúc bình thường ai cũng như ai, ai cũng đẹp, cũng đáng yêu đáng mến.
Sự thất bại đối với người nằm xuống qua đi, nhưng sự thất bại của người còn lại thật là vô vàn, bào nát nội tâm, phủ kín hồn.
Năm ấy, bọn Kỷ không ở lại góc Châu Mai lâu được vì mùa Xuân của một năm khói
lửa đã thành ra mùa đông trong tâm hồn người chiến sĩ.
(Đờn Chìn Kho La – Ngoài Mưa Lạnh , trang 68)
Nhưng không phải tiếc thương, nhớ nuối mãi, còn nhiệm vụ trước mặt, còn đất nước bị dày xéo, còn những thân người ngả ngục, còn vực thẳm phải lấp bằng, còn biết bao người đau khổ cơ cực. Phải làm tròn, phải giải quyết. Cho nên người chiến sĩ tìm thấy một lời an ủi khi bạn mình, hay cả chính mình nữa, buộc lòng phải nằm xuống mãi mãi không đứng dậy, đó là xây đắp cho tương lai, hy sinh hiện tại đau khổ để tạo mai sau sung sướng, không còn cảnh bốc lột, đàn áp, gông cùm, mất tự do nữa, cũng như những chiếc lá rơi xuống làm phân cho cây sanh những chiếc lá sau tươi tốt hơn… Chân trời tươi sáng ở đàng kia:
Lê ơi! Anh hãy nằm yên đó nhé!
Trong anh một mùa ve đã tàn rồi. Nhưng dưới thung lũng, trên nóc đồi, lá xanh đang xây một mùa thu tương lai, một mùa thu trông đợi của một giống nòi anh dũng.
(Tàn Một Mùa Ve – Ngoài Mưa Lạnh, trang 40)
Và họ quyết tâm làm những chiếc lá mùa thu đó.
III.- KẾT LUẬN :
Lý Văn Sâm viết nhiều, nhưng đại khái có hai đề tài chánh, một loại cảm hứng từ thiên nhiên ông sống trong thời đầu tiên khi biết suy tư và sắp bước vào sự nghiệp văn chương, một loại mang tính cách thời đại, đấu tranh xã hội.
Ở loại trước đã hé mở cho thấy những tư tưởng, kháng chiến, vị quốc gia, tranh đấu đã lờ mờ hiện ra với những người hùng, muốn vạch một khung trời, tìm một thế giới riêng biệt cho mình, nhưng cuối cùng vì lý do nầy, lý do khác đành mang thất bại.
Ở loại sau tác giả gởi gấm vào đó tâm sự u uất của mình, một người lâm vào cảnh cùng đường, thua thiệt, phải sống ở thị thành, với khung trời xám ngắt, với người vợ tẳn mẳn, nhỏ mọn, không tên 45 không có lòng bao dung, không phải như mình và không
chấp nhận một biến chuyển nào mới lạ đều với gia đình. Đến một lúc nào đó, không chịu được sự ngột ngạt, hồn nước thúc hối, bèn dứt tất cả, để ra đi.
Giải thích tư tưởng của Lý Văn Sâm tôi cho rằng đó là của một người phóng khoáng, thích cảnh trời cao mây rộng. Rừng sâu, sông dài, bây giờ buộc lòng giam chân nơi đô hội, nhìn sự chật hẹp tù hảm, cầu an của mình mà bực tức và thương cho khoảng đời bay nhảy trước đây của mình.
Trọng hình dung ra một người đàn ông đang bước mau qua lau lách và đang ngóng đò trên một bải sông xa. Buổi chiều loang xuống mặt đất rất mau mà tuyệt nhiên không một bóng thuyền. Người viễn khách bối rối giữa hoàng hôn.
(Ngàn Lau Sông Dịch – Ngoài Mua Lạnh, trang 44)
Hoàng hôn là giao thời của hai khuynh hướng của cuộc đời mình, đi thẳng vào rừng sâu, vui cảnh thiên nhiên, làm bạn với người hùng, hay quay về thành thị để chứng kiến những cảnh làm ray rức tâm tư…
Đàng nào tác giả cũng thấy trước sự bi đát của nó, do đó tác giả sẵn sàng biện hộ cho những tội nhân của xã hội, hình ảnh của mình, mặc dù người ấy vẫy vùng nơi rừng sâu:
Bà coi bọn chúng tôi trồng khoai, cấy lúa, gieo bắp, gây riêng một thế giới phóng khoáng, xa hẳn gió bụi chốn kinh kỳ, chỉ vì một năm gạo thua, lúa kém, chúng tôi phải ép lòng đón giật của cướp kho lương của ông đồn tại đây. Từ đó, tôi chỉ bạo động trong một năm ấy thôi rồi thì, cải ác tùng thiện về chốn cũ lại cái cày, quơ lại cái cuốc, sống một cuộc đời lương thiện như những kẻ nông dân. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bị bao vây, nhưng vì không thuộc đường lối nên trăm người vào đây khó lòng mà về cho đủ. Cuộc đời tôi, từ đó càng ngày càng nặng tội, càng lem luốc, càng ngày càng xa nhân loại. Người đời cho tôi là một lũ quỉ sống, uống máu người không tanh.
(Kòn Trô, trang 22-23)
hay vì miếng cơm, làm việc trái với qui luật của xã hội, để rồi phải trả nợ đời trong tiếng súng vô tình:
Giữa lúc ta no cơm, ấm áo ngồi đây, ta lấy làm yên ổn. Ngày mai ta thức dậy, ta đã có gạo rồi. Nếu ta không có gạo ta sẽ vay hàng xóm, hoặc ta sẽ bán đi một cái áo, một cái quần để qua cơn túng ngặt. Còn kẻ bạc mạng kia! Biết đâu gã đã nhịn đói trong bao nhiêu ngày giữa một cơn kịch bệnh không người săn sóc thuốc thang. Đêm ấy,giữa lúc đồng bào gã yên việc sau khi no cơm, no cháo, no sắc đẹp và kim tiền thì gã vì đòi hỏi thúc bách của dạ dày đến nỗi phải trả nợ đời trong tiếng súng…
(Ngoài Mưa Lạnh, trang 11)
Đau đớn cho tác giả là chỉ có ông đồng ý với họ, cảm thông với họ, vì ở ông có những ý nghĩ vượt lên trên thế tình thông thường, mới có những cái nhìn đi ra ngoài khuôn khổ, cho nên giọng văn tác giả luôn luôn bi đát, eo sèo, âm điệu nhẹ nhàng thanh thoát, như muốn trút lên người đọc tâm tư u uất của mình.
Tôi cho rằng Lý Văn Sâm thành công nhờ biết chọn hình thức diễn đạt và nhờ nội
dung ray rứt, u buồn, nghẹn ngào, thê lương của những tác phẩm.
Địa vị của ông trên văn đàn Nam Bộ cũng nhờ đấy mà có.
Dac krapao
Đeng deng psa thom
Khoi mi lao
Đor pi trapaô
Oi mi lao thóp
Ngoài Mưa Lạnh
Sương Gió Biên Thùy
Nga Và Thuần
Ba tin rằng có. Vậy con cứ quanh quẩn mãi bên cái vấn đề ấy. Con sẽ thấy đời con bớt khổ. Sở dĩ người ta khổ vì lòng mhiều thắc mắc,
người ta lúng túng vì đời mình không lý tưởng. (Nắng Bên Kia Làng – trang 15)
Hai gã đàn ông bá vai nhau và kéo cao quần bước qua một ngỏ hẹp lầy lội.
Sĩ nhìn Huyền mỉm cười:
- Mầy ở tù về mà…”bộ đồ” mầy coi bảnh hơn tao nhiều…
Nghe bạn húng hắng ho, Huyền cởi áo, bảo bạn:
- Mày lấy áo mà mặc! Mày ở Saigon không sướng hơn tao ở trên rừng.
(Mưa Saigon- Ngoài mưa lạnh, trang 106-107)
________________________________________________________
CHÚ THÍCH :
36 Như loại cho “La Jeupesse héroique” của Pháp trước đây
37 do nhà xuất bản Nam Việt, Phan Xuân Hoà chủ trương
38 do nhà xuất bản Tân Việt Nam, Thẩm Thệ Hà chủ trương
39 Tôi Viết Văn (Xuân Sống Mới, 1950 – Saigon), trích lại của Thế Phong, Lược Sử Văn Nghệ Việt
Nam, Nhà Văn Miền Nam 1945-1950, trang 8.
40 Năm 1949, Lý Văn Sâm viết quyển sách nhỏ “Cỏ Mọn Hoa Hèn” trong “Loại sách Bạn Trẻ” của nhà xuất bản Nam Việt, truyện dài 29 trang, sau đó, 1950 ông đem in lại ở nhà xuất bản Phạm Văn Sơn, thêm phần thứ hai và đổi tựa lại theo tên nhân vật trong chuyện, sách dầy 103 trang khổ nhỏ hơn và chữ lớn hơn quyển “Cỏ Mọn Hoa Hèn”
41 Và lập lại tư tưởng trong chuyện Vực Thẳm ở Ngoài Mưa Lạnh.
42 Kịch Người Đi Không Về giống truyện Kinh Kha, kịch Trùng Dương giống một chuyện củ Vũ Anh
Khanh.
43 Mặt khác kỹ thuật của tác giả ở đây quá kém: nhân vật không thực (Thuần mai là ngày cưới vợ, có lệnh thuyên chuyển, bỏ đi ngay không báo tin cho Nga hay trong khi đó có đủ thì giờ để báo; lời nói của các nhân vật nhiều khi cưỡng ép, ngây ngô, văn hoa một cách giả tạo, trơ trẻn (trang 46-47; 23;57-58). Nhiều sự việc được tác giả cấu tạo chỉ với mục đích tạo thành sự sống động, sôi nổi nên người đọc dễ thấy bàn tay của tác giả đặt vào ( Thuần bị mảnh đạn làm mù mắt và biến khuôn mặt của anh trở thành dữ tợn, nhưng cách hai năm sau Nga gặp lại lần đầu tiên, chưa nghe tiếng nói, đã nhận được ngay. Thanh bị thương, bổng nhiên lại được khiên đi vào nhà Nga Thuần, Thuần bỏ trốn, vài giờ sau Nga đi tìm là gặp ngay). Mặt khác sự ra đi chiến đấu để quên Nga, của Thanh là một sự việc làm hạ giá người chiến sĩ….
44 Ngoài Mưa Lạnh: Lòng nhân đạo không để tôi làm ngơ được nữa phải mở cửa; vợ chàng rên rỉ:
- Mình ơi! Nên nghe em…Mình mở cửa thì được rồi, nhưng ngày mai tiếng tăm sẽ bay ra khắp chợ. Tai hoạ không phải nhỏ. (trang 15).
Ngàn Lau Sông Dịch: Trước cũng tưởng anh Cường tá túc trong vài ngày thôi. Nay đã ngót tháng rồi, không thấy anh tính sao cả. Vậy mình cứ để cho em tự tiện dàn xếp một mình…Ở đời nầy sống bằng tình cảm chẳng ích gì! Nếu anh giữ cho trọn vẹn tình bạn thì rồi cũng đến nghèo khổ thôi. Mình cứ để mặc em xếp đặt (trang 51-52).
Oan gia: Mặc kệ! Dì Sáu hay Dì Mười thật đi nữa cũng là đồ oan gia hết. Mình định rước họ về nhà phải không? (trang 98).
45 Tác giả thường không đặt tên cho người đàn bà loại nầy, chỉ viết chị Lâm (Ngoài Mưa Lạnh), chị Trọng
(Ngàn Lau Sông dịch), vợ Điển, vợ Sã (Một Cốt Truyện Mới), vợ Huyền, (Thèm một Ngọn Đèn), người vợ (Oan Gia).