CHÙA THIỂM KHÊ, MỘT DI SẢN
CỦA NGHỆ THUẬT THỜI NHÀ MẠC
T hiểm Khê là một làng nằm ven sông Giá (tên cổ gọi là Đô Lí Giang), nơi đã từng xảy ra trận Trúc Động lẫy lừng, chặn đánh đoàn thủy quân của giặc Mông – Nguyên.
Nhân dân Thiểm Khê cùng quân, dân thời Trần hoàn thành nhiệm vụ chặn đường sông Giá để bảo đảm bí mật cho trận địa mai phục và buộc toàn bộ binh thuyền của địch phải hành quân theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng, nghĩa là phải dấn thân vào trận địa do Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chọn sẵn. Thiểm Khê còn có một ngôi chùa cổ được xem như đài tưởng niệm về chiến thắng Trúc Động. Đó là chùa Hoa Linh, hay còn gọi là chùa Thiểm Khê.
Chùa Hoa Linh dựng trên sườn cao của một thung lũng, lưng dựa vào núi thiểm, bên phải có núi Chùa Hang, bên trái là núi Mẫu Ba. Dưới con mắt phong thùy, Chùa Hoa Linh tọa lạc trên khu đất mang thế ỷ ngai, hai bên có tay long hổ. Thật là chốn địa linh hiếm thấy. Phía trước chùa, các dãy núi mở ra để cửa tam bảo có điều kiện hướng về Tây Phương cực lạc của giáo chủ A-di-đà, xa xa là dòng sông Giá trong xanh, lững lờ với đôi bờ dạt dào sóng lúa. Vườn chùa xạnh thẫm một màu của "rừng" vải xum xuê in nền hoa gấm trên dãy núi đồi phe-ra-lít đỏ au và đẹp đến đột ngột khi gặp "nắng quái chiều hôm". Tương truyền, thung lũng chùa Thiểm này, ở thời điểm chuẩn bị cho trận "quyết chiến chiến lược" trên sông Bạch Đằng năm 1288, được Trần Quốc Tuấn chọn làm nơi đóng quân, luyện tập binh sĩ, yết bảng tuyển chọn nhân tài phục vụ chiến dịch.
Chùa Hoa Linh nguy nga, tráng lệ thuở nào đâu còn nữa, ngoài những cấp nền bạt núi hình bậc thang, gieo vào lòng người nỗi luyến tiếc khôn nguôi về một cổ tự nằm sâu trong miền "sơn cước". Chùa đã từng là nơi nuôi dưỡng những câu hò giao duyên của bao thế hệ "trai thanh nữ tú" Thiểm Khê, trong các buổi hội chùa, những đêm trăng rằm. Câu "ơ…ơ…ơ hò" đã ngấm vào mạch núi, quyện trong khóm tre làng bao lời đối đáp, tỏ tình. Hò giao duyên Thiểm Khê rất cần được sưu tầm, phổ biến và đó cũng là một trong những viên ngọc văn hóa quý giá của người Thủy Nguyên.
Về kiến trúc, chùa đã bị giặc phá hoại hồi kháng chiến chống Pháp hoặc bị dỡ bỏ dùng vào việc khác, nên hầu hết những công trình hiện còn tuổi đời rất non trẻ. Nhưng trong những tòa nhà mà phong cách kiến trúc còn vắng bóng những nét đẹp của nghệ thuật truyền thống này, còn bảo lưu nhiều pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật cao, được xếp vào loại tượng gỗ cổ nhất còn lại ở nước ta.
Tượng của chùa bị hư hại nhiều, nên số lượng hiện còn không lớn ngoài bộ Tam Thế, bộ Di Đà Tam Tôn, Quan âm Chuẩn Đề, hai pho Bồ Đề Đạt Ma, tượng Bồ Tát, Ngọc Hoàng và Nam Tào Bắc Đẩu, Thích Ca sơ sinh và cuối cùng là tượng Đức Ông và Thánh Tăng mà thôi.
Hai pho tượng có niên đại cổ nhất và cũng là những pho tượng đẹp nhất là Quan âm Chuẩn Đề và tượng A-di-đà. Pho A-di-đà ngồi ở trung tâm Phật Điện, hai bên có trợ thủ là Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát hợp thành bộ Di Đà Tam Tôn. A-di-đà là pho tượng to cao nhất chùa. Tượng cao đến 2m. Đầu tượng chạm kiểu "bụt ốc", nổi chỏm "nhục kháo". Các hàng tóc xoắn, xếp đều là biểu tượng những chữ "thánh" của nhà Phật, tượng trưng cho sự hội tụ sức mạnh vô lượng vô biên vào đức Phật. Bộ mặt tượng thanh tú, mắt khép hờ, miệng thoáng cười. Song điều đáng chú ý là má và cằm nổi, tạo nên những khối căng, no đủ, khiến vẻ mặt tượng đầy nét cao sang và đậm chất điêu khắc. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu mĩ thuật thì thời gian đã làm phai nhạt màu vàng kim (giải thoát) khiến cho màu sơn cánh gián nổi lên thật đậm và bóng, tạo cho tượng một giá trị cao hơn gấp bội về nghệ thuật. Niên đại của tượng được xếp vào nửa đầu thế kỉ 17, cùng phong cách và niên đại với pho tượng cùng loại ở chùa Thầy, do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cúng tiến. Pho tượng này đã góp phần san lấp khoảng trống cho nghệ thuật điêu khắc thế kỉ 17 ở Hải Phòng và của dân tộc.
Pho Quan âm Chuẩn Đề to bằng người thực (cao 1.12m) trong thế ngồi kiết già, phu tọa toàn phần trong thể hình tháp vững chãi, mang nhiều nét kế thừa tượng Quan âm chùa Bút Tháp, chùa Bối Khê. Bệ tượng là một đài sen ba lớp cánh ngửa, cánh sen múp phồng, cong vênh như nở mãn khai. Tượng có 10 đôi tay, nhưng tiếc rằng người ta đã thay sửa lại toàn bộ hệ thống tay tượng khác hẳn với cách đây mười năm, làm giảm hiệu quả thẩm mĩ của tác phẩm đi nhiều. "Thiên quan" (mũ tượng) chung quanh đều gắn nổi 15 pho tượng Phật và bồ tát, đỉnh mũ có "tấm che" búi tóc như nhiều pho tượng Quan âm khác mang phong cách nghệ thuật thế kỉ 16 mà chúng ta đã gặp ở chùa Thượng Trưng (Vĩnh Phú), Đa Tốn (Hà Nội), chùa Mía (Hà Tây)… Mặt tượng trái xoan thon thả, mang dáng dấp của một khuôn mặt nữ nhân từ, sang quí. Cổ cao ba ngấn, miệng thoáng cười cảm thông cứu độ. Đây là pho tượng được làm rất kĩ, từng chi tiết nhỏ đều được quan tâm. Các kĩ thuật đục chạm rất điêu luyện. Đặc biệt đến thăm chùa, du khách thường bị quyến rũ đến đắm say bởi những cánh tay để trần trong các thế ấn quyết mà lại như đang trong động tác múa liên hoa. Đôi tay trên cùng đỡ hai cụm mây thiêng, ẩn hiện. Mặt trời, mặt trăng như biểu hiện ánh sáng vô lượng của Phật pháp chiếu rọi suốt ngày đêm, không gì ngăn cản nổi.
Đôi tay thứ hai: Tay phải trong thế ấn thuyết pháp. Tay trái cầm bình nước cam lồ để diệt trừ 108 phiền não cho chúng sinh.
Đôi tay thứ ba: Tay phải như đỡ cuốn kinh Phật, biểu hiện cho Phật pháp vô lượng vô biên. Tay trái cầm pháp loa cảnh tỉnh.
Đôi tay thứ tư: cầm ghi vật, chưa xác định được là vật gì.
Đôi tay thứ năm: Tay phải cầm một linh vật. Tay trái cầm hoa sen, biểu hiện của bản thể chân như.
Đôi tay thứ sáu: Tay phải cầm chuông cảnh tỉnh, tay trái cầm cành dương liễu tùy duyên mà hóa độ.
Đôi tay thứ bảy: Tay phải đỡ một dải mây thiêng, tay trái kết ấn gia từ bổn tôn.
Đôi tay thứ tám: Chắp trước ngực trong thế chuẩn đề, hội cho Quan âm một siêu lực vô lượng.
Đôi tay thứ chín: Trong thế ấn liên hoa. Đôi tay thứ mười đặt trên lòng đùi, trong thế ấn tam muội. Thông qua kĩ thuật tạo tượng, chúng ta có thể tin, tượng có niên đại cuối thế kỉ 16, cùng thời với niên đại nhà Mạc xây dựng thành quách (Thành Dền) của mình ở Liên Khê – Trúc Động.
Chùa Thiểm Khê, một di sản của nghệ thuật thời nhà Mạc.