Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









ĐƯỜNG TRỜI THĂM THẲM SAO !






A nh A.H..

Mồng một Bính Tý, Hà Nội trời trở rét nhưng Sàigon thì nắng vàng tươi. Đôi cánh của tôi cụp lại vì cơn cúm ập tới vào cuối năm làm tôi " bám trụ một mình trên Am Bồ Câu vắng lặng. ". Hứng tới không thể ngăn, hứng đi không thể giữ, tôi quên xuân đời để cùng tâm sự với anh về Thuật Hoài.

Văn chương Việt Nam có bao nhiêu bài Thuật Hoài ?

Tôi chỉ biết có ba ! Một của Phạm Ngũ Lão, một của Đặng Dung, và một của Nguyễn Thượng Hiền. Cả ba đều ghi lại hào khí của người trai trong thời buổi loạn ly, chống giặc cưú nước :. hai chống giặc phương bắc, một chống giặc phương tây. Một thì vừa thành công vừa thành danh, còn hai thì phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách, khí phách còn gói trọn trong mấy vần thơ.

Thuở còn học lớp Nhì, tôi đã sớm cảm hai câu Thuật Hoài của Đặng Dung do Nguyễn Siêu dịch trong bài học lịch sử :

" Thù nước chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài vầng nguyệt đã bao ngày. "
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma.

Lịch sử có ghi : Giản Định Đế vì bị xúi giục nên đã giết Quốc Công Đặng Tất và Tham Mưu Nguyễn Cảnh Dị, từ đó uy thế đành tan rã dần dần. Con Đặng Tất là Đặng Dung, con Nguyễn Cảnh Dị là Nguyễn Cảnh Chân bỏ Giản Định Đế, đem quân về Thanh Hóa rước Trần Qúy Khoách là cháu vua Nghệ Tông vào huyện Chi La ở Nghệ An rồi tôn lên làm vua lấy hiệu là Trùng Quang. Bấy giờ, vua Trần Trùng Quang bèn lập kế bắt Giản Định Đế đem về và tôn làm Thượng Hoàng để hợp nhất lực lượng mà kháng Minh. Tuy tinh thần có thừa, song vì thiếu tổ chức, tướng tá lẻ tẻ, quân binh ô hợp, còn quân giặc thì mãnh liệt, quỉ quyệt, nên nhà Hậu Trần thua binh liên tiếp, rốt cuộc lại bị quân Minh bắt cả vua tôi : Trần Qúy Khoách, Đặng Dung, Nguyễn Súy bị đem về Yên Kinh. "
Người xưa - Đặng Dung - là vậy, gác thù riêng vì nghĩ đến nghĩa chung. Bởi thế mà khi nhận bản dịch Thuật Hoài của anh và đọc xong, tôi lại nhớ tới Đặng tiền bối để đối chiếu hai tấm lòng vì dân vì nước.
Anh đừng trách tại sao viết thơ mà tôi lại mò đến sử, vì hai tiền bối chỉ mượn thơ để thuật lại công việc chống giặc của mình !

Hai thời điểm, hai cuộc đời chống giặc, dù giặc ấy có khác màu da. Một người bỏ đế kinh vào rừng, còn một người biệt xứ. Một người bị giặc bắt, còn một người viên tịch chốn Thiền Môn, nhưng tấm lòng không khác nhau : Yêu tự do, độc lâp như cha ông ngày trước !
Cả hai đều năng động nhưng thiếu Thiên Thời, Nhân Hoà. Người có mưu sâu, qủy kế thì có thể đổi mệnh trời, buộc nhân hoà khi cờ tới tay, cũng chỉ một thời, không thể vĩnh viễn : còn cả hai chỉ biết lầy điều ngay thẳng để đuổi giặc, chăn dân trị nước.

Ngày trước Đặng Dung đã thấm thía :

Thời lai đồ điếu thành công dị
Sự khú anh hùng ẩm hận đa.

Hơn 5 thế kỷ sau, Nguyễn Thượng Hiền cũng đề cập tới sa cơ lỡ vận nhưng thanh thoát hơn, có lẽ Nguyễn tiền bối nhờ chốn thiền môn. Buồn, vẫn có buồn. Hận, vẫn có hận. Nhưng không trách ai, mà chỉ biết tự trách mình :

Cố quốc âm tín tuyệt
Tha hương trù lữ hy
Cử đầu vọng thanh sơn
Ngô sinh tương an quy
Thanh sơn mặc vô ngữ
Dãn kiếm thu vân phi
Tà dương phục tây đọa
Thân tức yểm kinh phi

Đọc "Cử đầu vọng thanh sơn" tôi bỗng nhớ đến câu " Cử đầu vọng minh nguyệt " trong Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch. Thế ra các tráng sĩ xưa nay, lúc tha hương, cô đơn vò võ nhớ quê hương tư :

Thử thân như cô bồng
Khứ quốc thập dư tải ( )

Chao ôi Tôi thương hình ảnh " cô bồng " của Nguyễn tiền bối biết dường nào ! " khứ quốc, cô bồng " là vì " quốc thù " . Nhưng " quốc thù bất khả phục , Thiên đạo lương du du ( Thù nước không trả nổi - Đường trời thăm thẳm sao ! ) " nên " Bấc tàn ngồi tuốt kiếm - Mưa gió động trời cao ". Ấy cái tâm của người vì nước. Ra đi là có mục đích. Mục đích chưa đạt, đạn lửa bạo tàn mịt mờ. Nguyễn Thượng Hiền " bấc tàn ngồi tuốt kiếm " nào khác chi Đặng Dung " gươm mài bóng nguyệt " ! Một mình một kiếm, không người thân, chỉ mong Trời hiểu lòng Người . Hình ảnh thật bi tráng ! Chẳng thế mà cụ Phan Bội Châu, trong bài văn tế, phác thảo lại hoạt động của khoảng đời Người :

Phong trần đất khách, đá đã phai xanh ;
Nhật nguyệt trời riêng, lòng không bầy tỏ.
Hăm lăm triệu xương tan thịt nát, xót đồng bào đương giữa biển trầm luân.
Toan một mình trống tối chuông mai, dắt đại chúng thoát ra vòng khổ nạn.
Những ước trời Nam đất Việt, khắp mọi vùng mưa pháp mây từ .
Thôi đành cửa Phật buồng Thiền, chuyên một niệm câu kinh quyển tán. "

Trộm nghĩ Nguyễn tiền bối đã thấy được : " Đường Trời thăm thẳm sao ! " lượng được sức mình không bươn chải nổi nên đã cầu đến cửa Phật, tìm đạo " tự giác, giác tha " , chỉ có cái tâm của mọi người ( kể cả kẻ gây binh lửa bạo tàn ) có sáng mới hy vọng " dắt đại chúng thoát ra vòng khổ nạn " . Niềm tin ấy khó thể có nhưng vẫn là niềm tin, nghĩa là sẽ có !

Anh A.H…

Nguyễn Thượng Hiền đến với cửa Phật là tìm đến với Tánh Không, như cây trúc và gió, như chim yến với ao hồ có trong cảnh những câu thơ của vị sư gìa chùa Trúc Lâm :

Phong lai sơ trúc
Phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
Nhạn qúa hàn đàm
Nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh

Đường trần trăm năm vật đổi sao dời. Đường trời thăm thẳm, chỉ mong vật đổi sao dời vào chốn tự tại. Nguyễn Thượng Hiền tiền bối thấy rõ con đường ấy lẽ nào không phù hợp lớp hậu sinh !


. Theo nguyên bản trong "Khúc Đoạn Đi Qua" do cố văn sĩ Nguyễn Mai chuyển, Từ Vũ đánh máy và đã đăng tải trên vietart.voila.fr (tiền thân của NVA và Việt Văn Mới) .



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả trong Văn Tuyển số 4 tháng 5.1996 do nxb Văn Nghệ tp HCM phát hành.

Trở Về Trang Chính