NHÂN ĐỌC BÀI
“TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT
ĐỂ PHỤNG SỰ NHÂN SINH”
CỦA T. T. THÍCH NHẬT TỪ
T ôi nghĩ là không chỉ riêng tôi, tất cả những Phật Tử của Đại Thừa hẳn không khỏi hoang mang khi đọc bài “Trở về Đạo Phật nguyên chất để phụng sự nhân sinh”. Của T.T. Thích Nhật Từ, trong đó đưa ra một số chứng cứ có vẻ thuyết phục để công kích Đại Thừa. Thật vậy, làm sao chúng ta không khỏi hoang mang, nghi ngờ, khi T.T. Thích Nhật Từ một Tiến Sĩ Phật học, và là một trong những vị có chức sắc trong PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY khẳng định chắc nịch :
1/-“Việc tạo dựng Đại Thừa rất âm thầm, có lẽ lúc bấy giờ cũng có nhiều vị Cao Tăng chống đối một việc làm có tính cách đảo lộn giáo lý Phật cho nên chẳng có Kết Tập, chẳng biết ai là người chủ tọa, chứng minh cho sự ra đời của Đại Thừa”. “Đại Thừa“không nêu lên được một vị Thánh Tổ nào đã có công trong việc đưa ra Tông Phái Đại Thừa”.
2/- “KINH NGỤY TẠO, chỉ xuất hiện khoảng 500 năm sau ngày Phật nhập Niết Bàn, không rõ ngồn gốc, xuất xứ, với nhiều giả thuyết khác nhau, không phải do chính kim khẩu của Đức Phật thuyết”.
3/- Dùng những lời giảng trong Kinh A DI ĐÀ của TỊNH ĐỘ TÔNG, cho đó là của Đại Thừa.
4/- Nêu bài Kệ của Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đế của Trung Quốc được đưa vô đầu Kinh Đại Thừa, làm Kệ khai Kinh để chê trách Đại Thừa.
5/- Nêu việc Trung Quốc chiếm hai đảo của Việt Nam để cho rằng “Trung Quốc bao giờ cũng có ý đồ xấu, nhưng nguy hiểm hơn cả là lèo lái đời sống tâm linh của Phật Tử đã xuất hiện từ hơn 2 ngàn năm trước bằng cách sáng tạo ra cái thứ giáo lý ma quái để người tin theo trở thành một thứ nô lệ tâm linh, rơi vào ma lộ mà không hay biết”.
Làm sao chúng ta không chạnh lòng khi thấy những vị Tổ ĐẠI THỪA mà mình hết sức tôn trọng, cả đời muốn noi gương, hóa ra lại là “những vị Tăng bị trục xuất ra khỏi Tăng Đoàn vì phạm Giới”. Kinh Đại Thừa mình học hỏi chỉ là những “NGỤY KINH, là cái thứ giáo lý ma quái nhằm mục đích để người tin theo trở thành nô lệ, rơi vào mà lộ mà không hay biết”!
Sự thật có đúng như vậy không ? Nếu đúng, thì chúng ta có nên tiếp tục theo học thứ Giáo Pháp mạo nhận, là “hàng giả mà tuyên truyền là hàng có chất lượng cao”? Nhưng nếu những cáo buộc đó không đúng thì dựa vào tài liệu nào ? chứng cứ nào để minh oan cho Đại Thừa?
Là người đã bỏ ra một thời gian khá dài để học hỏi, thực hành Giáo Lý của Đại Thừa, cũng như nghiên cứu lịch sử của Đạo Phật, tôi nhận thấy những điểm mà T.T. Thích Nhật Từ đưa ra để chỉ trích Đại Thừa hoàn toàn thiếu cơ sở. Không biết Chư Vị lãnh đạo tinh thần của ĐẠI THỪA chính thống có câu trả lời nào cho những cáo buộc đó hay không ? Riêng bản thân tôi, dù không phải là Tu Sĩ, không có trách nhiệm với Đại Thừa, nhưng cũng rất đau lòng thấy Đại Thừa bị quy chụp, bị tấn công những bằng chứng cứ thiếu xác thực, nhưng lại có nguy cơ làm cho nhiều người mất niềm tin, nên không thể đứng ngoài cuộc. Vì thế, xin được đưa ra quan điểm cá nhân để trả lời cho từng điểm mà Thượng Tọa Thích Nhật Từ đã nêu ra :
1/- “Việc tạo dựng Đại thừa rất âm thầm, có lẽ bị nhiều Cao Tăng chống đối một việc làm có tính cách đảo lộn Giáo Lý Phật cho nên chẳng có Kết Tập, chẳng biết ai là người chủ tọa, chứng minh cho sự ra đời của Đại Thừa. Đại Thừa không nêu lên được một vị Thánh Tổ nào đã có công trong việc đưa ra Tông Phái Đại Thừa”.
Xin được trả lời như sau :
Câu chuyện về nguyên nhân mà ĐẠI THỪA ra đời hơi dài, liên quan đến việc TRUYỀN Y BÁT của Đạo Phật.
Sử sách của Đạo Phật có ghi lại, sau bao nhiêu năm thuyết giảng, Đức Phật thấy mình đã già yếu nên muốn tìm người để giao lại trọng trách giữ gìn và phổ biến Chánh Pháp khi Ngài nhập diệt. Thế rồi, trong một lần giữa đại chúng, Thế Tôn cầm Cành Sen đưa lên. Đại chúng ngơ ngác không hiểu ý Phật muốn nói gì, chỉ có Ngài Ca Diếp mỉm cười. Qua nụ cười của Ngài Ca Diếp khi nhìn thấy Cành Sen, Phật biết Ngài đã nắm được yếu chỉ của Giáo Pháp của mình, nên trước đại chúng, Phật đã tuyên bố : “Ta có Chánh Pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay ta phó chúc cho ngươi. Người phải ân cần mà lãnh thọ rồi sau sẽ truyền lại cho A Nan”. Việc TRUYỀN Y BÁT, là giao lại quyền cằm nắm Tăng Chúng và giữ gìn, phổ biến Giáo Pháp của Phật sau khi Ngài nhập diệt.
Nếu thật sự là người tu hành nghiêm túc thì lẽ ra Di Ngôn của Đấng Đạo Sư phải được tuân giữ một cách tuyệt đối. Nhưng mới đến đời Tổ Thứ 3, cách 100 năm sau khi Phật nhập diệt, thì Tăng Đoàn đã chia thành hai khối. Nguyên nhân chia rẻ được giải thích theo TIỂU THỪA là “do một nhóm Tỳ Kheo không giữ một số Giới mà Phật đã dạy, nên bị trục xuất khỏi Tăng Đoàn” ! Dù câu chuyện diễn ra cũng đã lâu, không thể xác minh, nhưng theo tôi, đó là một lời giải thích không hợp lý, bởi lúc đó Tổ Thứ Ba đang là thủ lĩnh của Tăng Đoàn, các Trưởng Lão chỉ là thành viên thì quyền gì trục xuất Thủ Lĩnh và những người ủng hộ Ngài ra khỏi Tăng Đoàn ? Hơn nữa, đã là người cằm nắm Tăng Đoàn thì đương nhiên là Giới, Hạnh phải nghiêm minh, lẽ nào lại vi phạm một số Giới vụn vặt để mang tiếng ? Và rồi theo tài liệu được T.T. Thích Hạnh Bình ghi lại, thì các Trưởng Lão đã lập hẳn ra một Tòa Án với một vài Trưởng Lão cũng của bên Trưởng Lão Bộ được cử ra làm đại diện cho phe bị kết án trong phiên Tòa ! Lập Tòa Án mà không mời được bị cáo, chứng tỏ Tòa không đủ thẩm quyền, uy tín. Rồi nội bộ tự mở phiên Tòa với nhau : Phe mình ngồi xử án. Đại diện cho bị cáo cũng là người của phe ta, thì lấy gì làm bằng chứng để nói rằng phiên Tòa đó trung thực nếu sự thật có Tỳ Kheo bên Đại Thừa phá Giới ?
Trong khi đó, theo lịch sử bên Đại Thừa thì thời điểm mà các Trưởng Lão tách ra trùng hợp với thời điểm mà Đức Thương Na Hòa Tu là Tổ Thứ Ba quyết định Truyền Y Bát lại cho Tổ Thứ Tư tên là Ưu Ba Cúc Đa - là một thanh niên mới 20 tuổi, mới Xuất Gia được có 3 năm - Lịch sử không nói rõ chi tiết, nhưng theo nhận định của tôi, qua cái tên TRƯỞNG LÃO BỘ thì tôi cho rằng hẳn các TRƯỞNG LÃO trong Tăng Đoàn không bằng lòng với quyết định của Tổ, vì nghĩ rằng mình tu lâu năm, lẽ ra phải được trao Y Bát, sao Tổ lại giao cho một thanh niên vừa trẻ, vừa mới vào tu, lại được giao cho cấm nắm Tăng Đoàn, trong đó có nhiều người đã nhiều năm tu hành, nên không chấp nhận tiếp tục ở trong Tăng Đoàn nữa, tách ra lập nhóm riêng. Do các Trưởng Lão không hiểu rằng việc Truyền Y Bát là một việc rất quan trọng, vì cằm nắm cả vận mệnh của Đạo Phật, không thể tùy tiện giao cho người nào đó chỉ vì ưu ái riêng tư, mà bắt buộc phải là người đã Chứng Đắc, đã Thấy Tánh. Việc Chứng Đắc hay Thấy Tánh không liên quan đến tu lâu hay mới tu, già hay trẻ, vì “mê nhất kiếp, ngộ nhất thời”. Điều này mà các vị Trưởng Lão còn chưa hiểu thì liệu có xứng đáng để được giao quyền cầm nắm Tăng Đoàn và phổ biến Đạo Pháp không?
Việc bất đồng trong nội bộ Tăng Đoàn là một biến cố lớn, chắc chắn làm kinh động mọi người, đâu thể diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ được ! Vì thế, việc tạo dựng ĐẠI THỪA không phải âm thầm, lén lút, cũng không phải do bị nhiều Cao Tăng chống đối vì có tính cách đảo lộn Giáo Lý Phật, mà do sự phân chia trong nội bộ Tăng Đoàn. Các TRƯỞNG LÃO tách ra lập một nhóm để tu hành riêng, không chấp nhận tiếp tục dưới quyền điều hành của đương kimTổ. Họ lấy tên là TRƯỞNG LÃO BỘ, nên buộc lòng Tổ Thứ Tư phải lấy một tên mới cho nhóm còn lại do mình lãnh đạo là ĐẠI CHÚNG BỘ hay ĐẠI THỪA để phân biệt. Nhưng phải nói rằng công lớn nhất trong việc tạo dựng ĐẠI THỪA chính là do các VỊ TRƯỞNG LÃO. Vì nếu các Trưởng Lão không tách ra thì Tăng Đoàn vẫn là một khối duy nhất thì làm gì có ĐẠI CHÚNG BỘ ? THƯỢNG TỌA BỘ ? Tiểu Thừa hay Đại Thừa ?
Nhưng điều quan trọng là Đại Thừa vẫn là THỪA chính thức nối truyền Giáo pháp của ĐỨC THÍCH CA, vì các Tổ Đại Thừa vẫn tiếp tục giữ thứ tự từ Ngài Ca Diếp là Tổ thứ Nhất, cho đến Tổ Huệ Năng thứ 33 cuối cùng đều nằm trong hệ thống Truyền Thừa chính thức của Đức Thích Ca. Ngược lại, chính bên TIỂU THỪA đã chứng tỏ mình tách ra khỏi Tăng Đoàn, qua việc lập TRƯỞNG LÃO BỘ, sau đó chỉ nhìn nhận có hai Tổ là TỔ CA DIẾP và TỔ A NAN, không nhìn nhận Tổ Thứ Ba và tất cả những Tổ về sau. Con cháu của bên này không hề biết gì về việc Truyền Y Bát.
Sau khi các Trưởng Lão tách ra thì phía ĐẠI THỪA vẫn tiếp tục việc TRUYỀN Y BÁT ở Ấn Độ. Mãi cho đến đời TỔ thứ 28 là BỒ ĐỀ ĐẠT MA, thấy căn khí Đại Thừa bên Trung Quốc vượng, nên đã đi thuyền suốt 3 năm để đến Trung Quốc truyền tiếp cho 5 đời Tổ người Trung Quốc, là TỔ HUỆ KHẢ, Tổ TĂNG XÁN, Tổ ĐẠO TÍN, Tổ HOẰNG NHẪN, cuối cùng là Lục Tổ HUỆ NĂNG.
Các Tổ bên Trung Quốc, dù không phải là người Ấn Độ, nhưng là những người được chính thức tiếp nối truyền thống Truyền Y Bát từ Tổ thứ 28 của Ấn Độ là BỒ ĐỀ ĐẠT MA. Do đó, việc tuyên truyền, kêu gọi để chống đối các Tổ Trung Quốc chứng tỏ những người làm việc đó đã không nghiên cứu cho kỹ lịch sử của đạo Phật nên coi thường Di Ngôn của Đức Thích Ca. Bởi với người đời, việc trao lại Ấn Tín của Vua, là để người nhận được sẽ nối ngôi. Người dân cả nước phải tuân hành. Với Đạo Phật thì Y BÁT là hai vật dụng mà Đức Thích Ca đã dùng, nói lên người được trao có toàn quyền thay Phật để cằm nắm Tăng Đoàn và giữ gìn, phổ biến Đạo Pháp. Thấy Y Bát tức là thấy Phật. Lời của người giữ Y bát tức là lời của Phật. Người chống lệnh của Tổ đương nhiên cũng phải hiểu là chống Phật.
2/- “Kinh Đại THỪA chỉ xuất hiện khoảng 500 năm sau ngày Phật nhập Niết Bàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ với nhiều giả thuyết khác nhau, không biết do ai kết tập vào thời kỳ nào. Kinh thông thường phải có ít nhất 1.000 vị Thánh Tăng trong mỗi lần kết tập”.
a) Trước hết, xin nói về việc KẾT TẬP :
Thời Phật giảng pháp có nơi thì nói là chưa có chữ viết, chưa thể ghi ra thành văn bản để lưu lại. Nhưng có nơi nói là đã có chữ viết bằng chứng là đã có Kinh Vệ Đà. Nhưng có lẽ Phật muốn những Đệ Tử Phật phải nghe và tự ghi nhớ, nên không ghi lại thành văn bản. Theo sách sử ghi lại thì khoảng 3 tháng sau khi Phật Nhập Diệt, Ngài CA DIẾP sợ Tăng Chúng quên những gì Phật đã dạy, nên tụ họp Tăng Đoàn lại và kêu mọi người trình bày lại những gì đã nghe Phật thuyết, có sự chứng kiến của Ngài A Nan – người được xem là ghi nhớ lời dạy của Phật như nước trong bình đổ ra, không thiếu một giọt – xác nhận là chính Ngài cũng có nghe những lời đó. Phần GIỚI thì do Ngài ƯU BA LY, thời Phật tại thế được mệnh danh là ĐỆ NHẤT TRÌ GIỚI kể lại. Sau đó, Tăng Đoàn chia nhau thành từng nhóm. Mỗi nhóm chịu trách nhiệm học thuộc lòng một phần để truyền lại cho thế hệ kế tiếp, gọi là KHẨU TRUYỀN. Lúc đó cũng chưa ghi lại thành văn bản. Công cuộc gom lại những gì Phật đã thuyết từ những Đại Đệ Tử đã trực tiếp nghe gọi là KẾT TẬP. Đó là lần KẾT TẬP đầu tiên.
Lịch sử Đạo bên TIỂU THỪA có ghi thêm nhiều cuộc KẾT TẬP. Nhưng theo tôi, chỉ lần KẾT TẬP THỨ NHẤT đáng gọi là KẾT TẬP. Vì đó là những lời Phật được gom lại bởi chính những Đại Đệ Tử của Phật, những người đã chính tai nghe Phật thuyết. Những lần Kết Tập về sau chỉ là Tăng Đoàn họp nhau để ôn lại những gì đã học trong suốt thời gian qua mà thôi.
Chúng ta điểm sơ qua về những lần Kết Tập về sau.
Lần Kết tập thứ Hai cách xa thời Phật nhập diệt hàng trăm năm. Chư Tăng đã đến đời thứ mấy rồi, và việc Kết Tập chỉ là những vị Tăng tham dự cùng kể lại những gì đã học. Nhưng Tăng Đoàn bắt đầu chia rẻ vào thời kỳ Kết Tập Thứ Hai này. Từ sau đó hẳn là mỗi bên sẽ có Kết Tập riêng của mình.
Theo tài liệu Phía Tiểu Thừa, thì sở dĩ có lần KẾT TẬP thứ Ba vì lúc đó vào thời vua Asoka, Đạo Phật được xem là Quốc Giáo. Chư Tăng được nhiều ưu ái nên nhiều ngoại đạo cũng xuất gia, trà trộn trong hàng ngũ Tăng sĩ rất nhiều. Họ không giữ Giới Luật nghiêm chỉnh, thậm chí 7 năm cũng không họp nhau để làm lễ Bố Tát. Vua nghe chuyện nên cử một Đại thần đến nhắc nhở mà họ vẫn không tuân lệnh, nên vị đại thần đó tức giận ra lệnh sát hại rất nhiều Tăng Sĩ. Có một vị Thánh Tăng rất có uy tín đã đứng ra can ngăn nên vị Đại thần đó ngưng sát hại Tăng sĩ, quay về báo cáo với vua. Lúc đó vua mới phối hợp với Chư Tăng để làm một cuộc thanh lọc trong nội bộ Tăng Già. Theo lịch sử ghi lại thì thời điểm đó đã loại ra khỏi hàng ngũ Tăng chúng đến 60.000 tu sĩ giả hiệu !
Lần Kết tập thứ Tư là ở TÍCH LAN. Vào khoảng năm 236 vua Asoka đã cử con trai Ngài đã xuất gia tu hành là Đức Mahinda đến truyền giáo tại đất nước này. Được vua Tích Lan hết lòng ủng hộ nên không bao lâu, hoàng gia và thường dân đều quy y. Vua khuyến khích dân chúng xuất gia tu học, xây Chùa và cử người qua Ấn Độ để yêu cầu cử phái đoàn Ni chúng sang để đào tạo cho phụ nữ Tích Lan được xuất gia tu học. Phật Giáo lúc đó ở Tích Lan rất hùng mạnh, người Xuất Gia đông đảo nên Ngài Mahinda yêu cầu nhà vua cho tổ chức kết tập vào năm 313 (tức là năm 232 trước Công Nguyên), có 68.000 vị Thánh Tăng tham dự dưới sự chủ trì của Ngài Mahinda.
Lần Kết Tập Thứ Năm diễn ra tại Mandalay thủ đô của Miến Điện năm 1871 theo Tây lịch do Trưởng Lão Pong Yi Sumagalasumi chủ trì với 2.400 vị Tăng tham dự. Đặc biệt, sau kỳ kết tập này tất cà Tam Tạng được viết trên 729 phiến đá cẩm thạch. mỗi phiến cao hơn 1m5, rộng hơn 1m. Luật Tạng được viết trên 101 phiến đá.Kinh tăng được viết trên 520 phiến đá. Luận tạng được viết trên 108 phiến đá cẩm thạch. Phần chú giải của Tam Tạng thì được khắc trên 1.774 phiến đá khác. Tất cả được đem tôn thờ ở tháp Mahalocamarakhin và Candamuni. Đây được coi như công trình tiến bộ nhất của Phật Giáo Trưởng Lão Bộ.
Lần Kết tập thứ Sáu tổ chức tại Miến Điện, cách lần trước 83 năm. Bắt đầu từ ngày 17.5.1954 đến năm 1956 mới hoàn tất. Lần Kết Tập này có mời đại diện 8 quốc gia Phật Giáo Nam Truyền đến tham dự trong đó có Việt Nam do Giáo Hội tăng Già Nguyên Thủy tổ chức. Trưởng đoàn là Hòa Thượng Thích Bửu Chơn.
b) KINH ĐẠI THỪA có phải là Kinh ngụy tạo ?
Trước hết, xin trả lời ngay là không thể nói Kinh Đại Thừa là Kinh Ngụy Tạo. Lý do như sau :
1) - ĐẠI THỪA chỉ mới xuất hiện vào thời kỳ KẾT TẬP lần thứ Hai, sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm. Kinh ĐẠI THỪA theo ghi nhận là mới xuất hiện sau Phật nhập diệt 500 năm. Đã có tên gọi là KINH ĐẠI THỪA, tức là Kinh do các Tổ ĐẠI THỪA viết, đâu có nói là Kinh do Đức Thích Ca viết, nên đâu thể bắt lỗi là Ngụy Kinh, vì Đại Thừa đâu cần làm giả Kinh của Phật Thích Ca ? Hai bên đã tách ra riêng. TIẾU THỪA cũng có quyền viết Kinh riêng cho mình, ĐẠI THỪA cũng có quyền viết Kinh riêng của mình. Đâu có vi phạm Luật nào của Đạo, vì đâu có luật nào cấm ? Đương nhiên những lời trong KINH ĐẠI THỪA là do Tổ ĐẠI THỪA giảng nên không phải những lời do chính kim khẩu của Đức Thích Ca thuyết đâu có gì phải ngạc nhiên.
c) TỔ có phải là PHẬT không ? :
Đức Phật Thích Ca đã Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành. Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành” có nghĩa là Quả vị Phật không dành riêng cho Đức Thích Ca hay Chư Tổ, mà tất cả những ai cùng tu theo những công hạnh như Ngài đều cũng sẽ Thành Phật như Ngài. TỔ ĐẠI THỪA là người được Đức Thích Ca Ấn Chứng qua việc Truyền Y Bát càng chứng tỏ điều đó.
“Thành Phật”không phải là thành một vị Thần Linh có quyền phép, ngồi trên Tòa Sen để cứu độ người khác, mà chỉ là “thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân hết Khổ”.
Đọc quá trình tu hành của Đức Thích Ca, ta thấy công năng tu hành để “Thành Phật” của Ngài chỉ là 49 ngày đêm Thiền Định dưới cội Bồ Đề để gọi là “Đắc Đạo”. “Đắc” có nghĩa là gặp được. “Đạo” có nghĩa là CON ĐƯỜNG. Có nghĩa là Đức Thích Ca đã tìm được cách thức để không chế “Kẻ đã làm ra Ngôi Nhà Sinh tử”mà thôi. Điều này được chứng minh qua lời tuyên bố của Đức Thích Ca vừa ngay sau khi Xả Thiền, đứng dậy : “Ta lang thang trong vòng Luân Hồi qua bao nhiêu kiếp. Tìm mãi mà không gặp Kẻ Làm Nhà”. Hỡi Kẻ Làm Nhà, ta đã gặp được người rồi.Từ đây người không được Lam Nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của người đã gảy vụn cả rồi. Tui mè của người cũng đã tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn Giải Thoát” . Việc Đắc Đạo đó cũng mới là thấy được Con Đường Giải Thoát. Để hoàn thành công việc Giải Thoát thì phải Độ Sinh. Bao giờ Độ hết Chúng Sinh thì sẽ Thành Phật. Như vậy, đâu có gì quá khó khăn hay cao siêu ghê gớm để người sau không thể làm được ? Miễn là có người đi trước đã Chứng Đắc chỉ lại cách thức cho.
Chính vì không quá khó khăn, nên Đức Thích Ca đã Thọ Ký cho tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành. Do vậy, không riêng gì Ngài và Chư vị Giác ngộ thời trước. Tất cả mọi người, mọi thời, đều có thể tu hành, thành Phật. Do đó, Đạo Phật gọi là có TAM THẾ PHẬT, tức là Phật Quá Khứ, Phật Hiện Tại, và Phật Vị Lai, không phải là PhẬt A Di Đà, Phật Thích Ca và Phật Di Lặc như nhiều nơi đã giải thích. Chúng ta nghĩ sao khi Phật Thích Ca đã nhập diệt mấy ngàn năm rồi mà gọi là PHẬT HIỆN ĐỜI ?
Đã thành Phật, thì “Phật trước Phật sau đều bình đẳng”. Do đó, Đức Phật Thích Ca thuyết Pháp được thì Chư Vị Giác Ngộ thời nào cũng có quyền thuyết Pháp, bởi tất cả cùng chung một Hạnh, cùng Nguyện Độ Sinh, cùng Chứng Đắc như nhau, thì cũng đồng là PHẬT như nhau. Giống như các Bác Sĩ, dù ra trường trước hay sau thì cùng được gọi là Bác Sĩ, cùng được đào tạo và có khả năng để trị bệnh như nhau.
KINH Đại THỪA đúng là không phải do chính Đức Phật Thích Ca thuyết, mà do các Vị Tổ về sau viết, hay giảng rồi các Đệ Tử chép lại. Nhưng trong đó, những lời giải thích về Đạo Pháp và tất cả những điều khuyên dạy, nhắc nhở trong đó, là lời của những người của những người đã Chứng Đắc, chính thức kế thừa Giáo Pháp của Đức Thích Ca qua việc Truyền Y Bát. Vì vậy, những lời giải thíchvề con đường tu hành, những gì cần hành trì và kết quả đều hoàn toàn giống như những gì Đức Thích Ca đã thuyết.
Nếu chúng ta phủ nhận việc Chứng Đắc, Thành Phật, cho rằng chỉ mỗi mình Đức Thích Ca là Phật. Tất cả mọi người vô lượng đời sau không ai có thể đạt đến trình độ như Ngài, tức là phủ nhận lời Thọ Ký “Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành” của Đức Thích Ca. Thật vậy. Đối với thế gian thì không khác nào chỉ công nhận mỗi Ông Tổ của ngành Y là Hippocrate là Bác Sĩ, cho rằng tất cả Bác Sĩ về sau đều là Bác Sĩ giả mạo, không được quyền trị bệnh hay viết sách nói về những phương án để ngừa bệnh, ra những phác đồ, toa thuốc để trị bệnh !
Người nêu ra nhận định là mọi người không bao giờ tu hành, thành Phật được, kẻ nào dám đòi Thành Phật là Tăng Thượng Mạn, rõ ràng chưa học kỹ lịch sử và Giáo Pháp của Đạo Phật, nên cũng không hiểu ý nghĩa của lời Thọ Ký của Phật về việc tu hành, Thành Phật, và giá trị của việc Truyền Y Bát của Đạo Phật, cũng như con đường tu hành và Chứng Đắc của Đạo Phật.
d) Đòi hỏi Kinh ĐẠI THỪA phải có cả ngàn Thánh Tăng chứng minh :
Người đã Chứng Đắc, đã Thành Phật thì trình độ, sự hiểu biết cũng ngang với người đi trước, đương nhiên có toàn quyền viết ra hay thuyết giảng để hướng dẫn cho người sau để họ cũng tu hành thành tựu. Kinh dạy : “Chỉ có Phật mới hiểu Phật”. Những bạn đồng tu nếu chưa Chứng Đắc hay những Đệ Tử làm sao hiểu nổi để mà chứng minh ? Cho nên, so sánh việc KẾT TẬP đầu tiên – là những lời Phật đã thuyết, được những Đệ tử đã từng nghe Phật giảng, gom chung lại với nhau thành những Bộ Kinh - và Kinh Đại Thừa của Chư Tổ Chứng Đắc giảng, để cho rằng nhất định phải có một số đông Thánh Tăng khác chứng minh, là một so sánh hết sức khập khiễng. Bởi nếu ai tu học cũng đều Chứng Đắc, cũng có quyền rao giảng Đạo Phật, thì Đức Thích Ca còn bày ra việc Truyền Y Bát để làm chi ? Nếu tất cả Đệ Tử học với Đức Thích Ca đều Chứng Đắc thì tại sao Phật chỉ Truyền Y bát cho Tổ Ca Diếp mà không tuyên bố Ấn Chứng cho tất cả Tăng Chúng ? Hơn nữa, ai bảo đảm tất cả những người tu đều là Thánh Tăng ? Kỳ kết tập THỨ BA đã loại 60.000 Tăng giả hiệu ra khỏi Tăng Đoàn đủ để chứng minh điều đó !
e) Mở đầu Kinh ĐẠI THỪA bằng cách mượn lời của Ngài A Nan “Tôi nghe như vầy…” có mang tội lừa dối người đọc không ?
Sở dĩ trong những Kinh Đại Thừa - dù được viết sau khi Phật nhập diệt hàng mấy trăm năm - nhưng vẫn dùng mở đầu bằng câu “Tôi nghe như vầy..” không phải là lợi dụng danh nghĩa Đức A Nan để đánh lừa người đọc, cũng không phải là “hàng giả mà mạo nhận là hàng thật”, vì người viết Kinh Đại Thừa là Tổ đã được Ấn Chứng, tức là người đã chứng đắc, là PHẬT HIỆN ĐỜI. Do đó, những gì Tổ thuyết cũng là lời của Phật. Vì vậy, mượn lời Ngài A Nan, theo tôi, đó cũng chỉ là phương tiện để cho người sau tin nhận để đọc mà tu hành để được lợi lạc. Quan trọng là nội dung trong Kinh có đúng Chánh Pháp. Có đưa người đọc, hiểu, hành để đi đến kết quả Giải Thoát như Đức Thích Ca mong mỏi hay không ? Còn dùng ngay chính lời Phật thuyết mà không hiểu, không áp dụng được thì có lợi ích gì ?
Nói về Phương Tiện thì chính Đức Thích Ca ngày xưa khi giảng pháp cũng phải dùng rất nhiều phương tiện. Tả Phật Quốc trang nghiêm. Hứa Tứ Quả Thánh cho người tu, để cuối cùng nói rằng đó chỉ là những “Hóa thành dụ”, để cho người lười mỏi nghỉ ngơi, sợ họ tu hoài mà không thấy có kết quả gì đâm ra nản chí. Tất cả cảnh giới Phật Quốc lộng lẫy, trang trí bằng 7 Món châu báu, chỉ là phương tiện để con người vì ham thích những thứ đó mà Xả bớt những thói quen tranh dành, ôm giữ vật chất của trần gian để rồi phải Khổ. Phẩm Anh Nhi Hạnh, Kinh Đại Bát Niết Bàn đã dùng thí dụ, là người cha thấy con khóc, nên đã dùng lá dương, mà dỗ con : “Nín đi, đừng khóc. Vàng đây, ta cho con”. Nhờ đó mà đứa con nín khóc. Nhưng đó là lá dương, chẳng phải là vàng thật. Như vậy, Đức Thích Ca và Chư Tổ thấy người đời đau khổ vì cuộc sống dập vùi, nên sử dụng nhiều phương tiện, cách thức, mục đích là để họ tin tưởng rồi hành theo mà được Thoát Khổ thì có lỗi gì ? Nếu bắt lỗi sử dụng phương tiện thì ngay cả Đức Thích Ca cũng đã sử dụng phương tiện rất nhiều. Tả Tây Phương Cực lạc, Đông Phương Tịnh Quốc, Phật, Bồ Tát bay lướt 10 phương để cứu độ Chúng Sinh v.v… cuối cùng tất cả những điều đó cũng chỉ là để diễn tả những tình trạng xao động hay an ổn trong Tâm của mỗi người mà thôi. Không phải là cảnh giới Phật thật sự ở Đông Phương, Tây Phương, bên ngoài hay ở trên trời cao xa xôi diệu vợi nào.
Do đó, chúng ta cần phân biệt Chính Kinh do những vị Tổ đã Chứng Đắc, được Truyền Y Bát viết, và những Kinh về sau do những người tu học bên Đại Thừa một thời gian, hiểu được chút gì đó, viết ra. Nếu Kinh nào không phải do Các Tổ đã Chứng Đắc viết thì thì không thể gọi là Chính Kinh, không thể xem đó là đường lối hay tiếng nói chính thức của Đại Thừa.
Thật vậy. Càng về sau, những người tu hành xuất thân từ Đại Thừa cũng rất đông. Lần hồi các vị tự chia ra thành nhiều Tông, nhiều Phái, trong đó có vị hiểu đúng, hiểu sai, hiểu nhiều, hiểu ít..đều có quyền viết Kinh rồi in ra, nhiều đến nỗi được gọi là Thiên Kinh vạn Quyển
Tuy nhiên, đọc những Bộ Kinh được gọi là Chính Kinh của ĐẠI THỪA được nhiều thời công nhận như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Viên Giác, Sáu Cửa vào Động Thiếu Thất, Pháp Bảo Đàn Kinh. Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Vị Tằng Hữu thuyết nhân duyên… tôi chưa hề thấy trong đó có chứa thứ Giáo Lý ma quái nào làm cho người tin theo trở thành một thứ nô lệ tâm linh, rơi vào ma lộ như T.T. Thích Nhật Từ nói. Vì rõ ràng không có Kinh Đại Thừa nào dạy Tụng Kinh, Niệm Phật, Thờ Phật, Thờ Chư Bồ Tát. Cũng không có dạy Cầu An, Cầu Siêu, Cất Chùa cho to, dựng Tượng cho lớn, mà dạy Giới, Định, Huệ, Nghiệp, Duyên, Nhân Quả, dạy con người Cải Ác, hành Thiện ! . Hầu hết đều hướng dẫn con đường tu hành rất là nghiêm túc, khai triển cho rõ thêm những lời Phật đã dạy mà do thời xưa ngôn ngữ chưa phong phú nên chưa thể diễn tả cho rõ ràng.
Đọc Kinh LĂNG NGHIÊM chúng ta thấy, Đức Phật phải 7 lần diễn tả cái Tâm thì Ngài A Nan mới hiểu ra. Thời của Tổ Đạt Ma, để tả cái Tâm mà Ngài còn nói : “Tâm, Tâm, Tâm, nan khả tầm. Tung ra bao trùm cả thế giới. Thu lại chưa đầy mũi kim”, huống là thời của Đức Thích Ca cách trước đó hàng ngàn năm ? Nhưng đến thời này, nói về Cái Tâm thì ai cũng có thể biết đó là phần tư tưởng của mỗi chúng ta. Dù lao xao, khởi, diệt, tốt, xấu, toan tính, thiện, ác đủ thứ, nhưng vô hình, vô ảnh không thể nhin thấy, nhưng mọi người ai cũng hiểu và chấp nhận được. Đó là do ngôn ngữ qua thời gian ngày càng phong phú nên dễ diễn tả. Thời của Phật cách đây hàng mấy ngàn năm, những gì Phật hiểu rất khó diễn tả, vì nói về phần VÔ TƯỚNG, không thể nhìn thấy. Đâu phải là Phật cao siêu thì đương nhiên nói ra mọi người đều hiểu ?
Trong Kinh ĐẠI THỪA chúng ta thấy : Ngoài quy trình tu hành là GIỚI-ĐỊNH- HUỆ, VĂN-TƯ-TU, BÁT CHÁNH ĐẠO. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN còn nhấn mạnh về TƯ DUY : “Này Thiện Nam Tử ! Tất cả pháp lành đều do Tư Duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳng Tư Duy thời trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề”. Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân còn nhấn mạnh về GIỚI : “Nếu có 100 hay 1.000 vị A La Hán, thì từ vị A La Hán đầu tiên cho đến vị A La Hán cuối cùng đềy nhân Giới mà thanh tựu”. Chư Tổ còn sợ người sau cứ nhắm mắt hành theo những gì được viết qua văn tự mà không tìm hiểu ý nghĩa, nên đã dặn dò phải “Y Pháp bất Y Nhân. Y Trí bất Y thức. Y nghĩa bất y ngữ và Y Kinh liễu nghĩa bất Y Kinh vị liễu nghĩa”. Do đó, chúng ta thấy đa số người hành sai vì chưa hiểu đúng những gì chư Tổ muốn truyền đạt. Không chịu VĂN, TƯ rồi mới TU. Không biết rằng ngoài NGỮ còn có NGHĨA, cần phải tìm Nghĩa để Y. Cứ thấy Kinh viết có Phật, Bồ Tát… có thể “cứu độ Chúng Sinh” thì không cần biết Chúng Sinh là gì ? Việc cứu độ diễn ra ở đâu ? vội họa ảnh, tạc tượng để Thờ, để cầu xin phù hộ ! Thậm chí có người còn chưa đọc trọn hết các Phẩm của một quyển Kinh để đánh giá cho đúng về phương tiện mà Phật đã dùng cho từng giai đoạn giáo hóa chúng sinh. Thấy Kinh viết gì thì cứ “Y Kinh giải nghĩa” nên đã làm cho “Tam thế Phật oan”. Đại Thừa mang tiếng cũng do những “con trùng trong thân Sư Tử”, mang hình tướng Đệ Tử Phật, giảng pháp thao thao trong khi chưa nắm rõ đường lối tu hành ! Số này tôi tin là không ít trong những Tu Sĩ đang giảng pháp hiện nay.
Một thí dụ cụ thể là Kinh A Di Đà của Tịnh Độ Tông, cho Phật là Thần Linh, nên đã dạy mọi người“Niệm Phật để phát sinh công đức để được vãng sanh”, hoàn toàn không giống như đường lối tu hành của Đức Thích Ca dạy mà T. T. Thích Nhật đã trích ra để công kích ĐẠI THỬA ! T. T. Thích Nhật Từ cũng đã trách oan cho các Tổ Trung Quốc khi cho rằng : “Tịnh Độ đã được phát triển ở Ấn Độ, nhưng khi truyền qua Trung Quốc thì các Tổ Sư biến Tịnh Độ thành một Tông Phái”. Có lẽ T.T. Thích Nhật Từ không có đọc tài liệu hay Kinh sách bên Đại Thừa để thấy : Tông, Phái là do những Đệ Tử nhiều đời của Đại Thừa tu học một thời gian tự ý lập ra. Không phải do Tổ Sư đặt ra. Thời Đức Lục Tổ sinh tiền được ghi lại trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH thì chưa có Tông, Phái nào xuất hiện. Ngay cả Ngũ Phái Thiền cũng do đệ tử đời thứ mấy của Lục Tổ tự lập ra sau khi Ngài nhập diệt hàng trăm năm. Như vậy trách Tổ Sư sao được ?
Cũng giống như các Vị Trưởng Lão, khi tách ra khỏi Tăng Đoàn, lập TRƯỞNG LÃO BỘ thì Tăng Đoàn đâu có còn chịu trách nhiệm về hành vi của các TRƯỞNG LÃO nữa. Những TÔNG, PHÁI của Đạo Phật cũng thế. Một khi họ đã muốn tách ra khỏi Tăng Đoàn, rời khỏi Giáo Hội để lập riêng Giáo Phái hay Tông nào đó của riêng họ thì từ đó Tăng Đoàn hay Giáo Hội đâu có chịu trách nhiệm cho hành động hay tuyên bố nào của họ ? TỊNH ĐỘ TÔNG theo Thư Viện Hoa Sen thì do Ngài Huệ Viễn (333-416) sáng lập. Ngài là Đệ Tử của Ngài Đạo An. Không thấy nói Ngài Đạo An tu học với ai ? Không thấy kể về những bậc Thầy đã đào tạo. có thể do một vị nào đó trong Đại Thừa, sau khi Tổ nhập diệt nhiều năm, nên không dính líu gì đến 5 Vị Tổ Trung Quốc do Tổ Đạt Ma Truyền Y Bát. Như vậy, gán ghép cho Kinh A Di Đà của Tịnh Độ Tông là Kinh của ĐẠI THỪA để chỉ trích Đại Thừa thì quả là hết sức phi lý.
Trường hợp bà Võ Tắc Thiên cũng thế. Dù bà là Vua, nhưng cũng chỉ là một Phật Tử bình thường. Không có trách nhiệm giảng nói hay phổ biến đường lối của Đại Thừa. Ai cũng biết Kinh sách thì thường in đi in lại nhiều lần do Phật Tử phát tâm ấn tống. Trường hợp có người đã lấy Kệ của bà VÕ TẮC THIÊN in trước những quyển Kinh Đại Thừa, làm Kệ khai Kinh, có thể là do một cá nhân hay Tu Sĩ nào đó đã nhận tài trợ của Vua để ấn tống Kinh nên phải in Kệ của bà vô theo sự mong muốn của bà. Đó cũng là những hành vi của cá nhân hay của Tu Sĩ đó, nhưng chắc chắn không phải là ý của Tổ, bởi vì người tu hành chân chính không dựa vào quyền lực để cầu Danh, cầu Lợi. Nếu vì Danh, vì Lợi mà đi tu thì không xứng là Tu Sĩ chân chính. Hơn nữa, các Tổ thời xưa chỉ “Một Y, một nạp”, “ăn ít, biết đủ” không có lên xe xuống ngựa, không có nhiều nhu cầu như các Tu Sĩ thời nay, do đó không cần nhiều tài trợ để phải nịnh hót, dựa dẫm vua quan !
Đọc trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH Phẩm Hộ Pháp ta thấy viết : Khi Bà Võ tắc Thiên và Trung Tôn Hoàng Đế xuống chiếu “Thỉnh Huệ An và Thần Tú vào cung để cúng dường và nhân lúc rảnh về việc quốc chánh chúng ta mỗi người sẽ khảo về việc Nhất Thừa”. Nhưng hai Sư đều từ chối và dâng sớ báo với Vua nên thỉnh Huệ Năng Thiền Sư vì “Thiền Sư được mật thọ Y Pháp của Hằng nhẫn Đại Sư. Đó là người được truyền Tâm Ấn của Phật, xin thỉnh Sư mà hỏi đạo”. Vua sai Tiết Giản dem chiếu đi rước thì Tổ Huệ Năng cáo bệnh, không đi, chỉ trả lời những thắc mắc của Tiết Giản để ông về trình lại với Vua.
Qua đó, ta thấy cả hai Sư Thần Tú, Huệ An và Tổ Huệ Năng đã từ chối vào triều giảng pháp cho vua, vì “Không cầm nắm tàng lọng vua quan”. Mặt khác, Bà Võ Tắc Thiên cũng chưa trực tiếp học Pháp với Tổ Sư, không được Tổ Ấn Chứng, cũng không có nhiệm vụ giảng Pháp, thì đâu thể dùng Kệ của Bà làm cho đó là đại diện của Đại Thừa ?
Sư Huệ Viễn tự lập ra TỊNH ĐỘ TÔNG và viết Kinh A Di Đà, là việc làm của cá nhân Sư Huệ Viễn, không liên quan đến Giáo Pháp của Đại Thừa. Nhưng gán cho đó của của Đại Thừa, rồi quy tội là “Đại Thừa sáng tạo ra cái thứ giáo lý ma quái, dắt người vào mê lộ” thì quả là trách oan cho ĐẠI THỪA.
Trong khi Kinh ĐẠI THỪA không hề dạy phân biệt đối xử. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa viết rõ : Vì thương những đứa con bị kẹt ở trong Nhà Lửa, nên người cha hứa cho chúng những đồ chơi mà chúng vẫn thích là XE DÊ, XE TRÂU và XE NAI. Nhờ ham thích những món đồ chơi nên chúng tranh nhau mà chạy ra. Kinh giải thích rõ : Những Cái Xe là Các Thừa. Thinh Văn, Bồ Tát hay Duyên Giác mà các con dù thích xe nào mà chạy ra cũng đều được Thoát chết trong Nhà Lửa như nhau. Trong khi đó, những người theo PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY luôn tìm cách bài bác, công kích Đại Thừa, thậm chí H.T. Từ Thông còn cho rằng ĐẠI THỪA Trung Quốc gieo rắc hạt giống mê tín để dưa ra kết luận : “Trong đây nhiều lắm là 20% lời của Phật, còn 80% chỉ toàn rác rưởi”!. Tôi tin chắc là chưa vị nào bỏ thì giờ để đọc hết một quyển Chính Kinh của Đại Thừa để hiểu Chư Tổ nói gì trong đó nên mới đưa ra kết luận như thế.
Kết Luận : Do các vị BÊN Phật Giáo Nguyên Thủy không biết gì về việc TRUYỀN Y BÁT, nên cũng không hiểu việc đó cũng giống như việc lãnh bằng cấp, tốt nghiệp của Trường đời. Người được Truyền Y Bát là người đã tốt nghiệp trong Đạo, được phép dạy lại cho người khác. Sở dĩ Đức Thích Ca phải Truyền Y Bát, vì không phải bất cứ ai tu hành đều được quyền giảng Đạo. Chỉ người được Ấn Chứng , được TRUYỀN Y BÁT mới được giao nhiệm vụ giữ gìn và phổ biến Giáo Pháp của Đạo Phật. Vì vậy, Kinh ĐẠI THỪA do những Tổ được Truyền Y bát viết hay giảng, dù không được thốt ra từ kim khẩu của Đức Thích Ca, nhưng không khác với lời của Ngài, vì Đức Thích Ca là Phật Quá khứ, còn các vị Tổ là PHẬT hiện đời thời đó, nên dù cách thức diễn tả có thể khác nhau, nhưng nội dung chỉ là một, cùng hướng người tu học đến kết quả Giải Thoát.
Theo tôi, bên PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY hoàn toàn có quyền phủ nhận việc Truyền Y Bát. Không công nhận tất cả những Tổ về sau. Nhưng muốn công kích Đại Thừa thì không nên xét việc làm của cá nhân, những Kinh, sách, luận.. do những người tu học với Đại Thừa viết ra. Những hành vi xấu xa của quốc gia nơi có Đại Thừa xuất hiện thì Chư Tổ cũng không dính líu tới, vì người tu không tham gia việc quốc sự. Ngay những Kinh, sách của các Tông, Phái, dù xuất phát từ nguồn gốc Đại Thừa, nhưng Đại Thừa cũng không chịu trách nhiệm những gì họ phổ biến, vì đó không phải đại diện cho tiếng nói chính thức của Đại Thừa. Chỉ có những Chính Kinh do các Tổ được Truyền Y Bát viết mới là tiếng nói đại diện chính thức cho ĐẠI THỪA. Vì vậy, muốn chỉ trích ĐẠI THỪA thì các vị cần đọc những Bộ CHÍNH KINH do các Tổ chính thức được TRUYỀN Y BÁT viết hay giảng, rồi phê phán những gì sai sót trong đó, như vậy người đọc mới tâm phục, khẩu phục, vì chỉ trích đúng đối tượng cần chỉ trích, bởi những vì những gì được viết trong Chính Kinh mới thật sự là đại diện cho đường lối, cách thức tu hành của ĐẠI THỪA.
Cảnh báo cho bá tánh để không bị mê muội rồi bị dẫn dắt bởi những kẻ hướng dẫn sai lạc, trở thành mê tín, cuồng tín, là điều cần làm của người có trách nhiệm với Đạo Phật. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, không nghiên cứu cho kỹ lịch sử hình thành và phát triển Đạo Phật một cách công tâm, cứ căn cứ vào lời người đi trước, không cần kiểm chứng để chỉ trích, phỉ báng Chư Tổ, xúc phạm cả danh dự, uy tín của ĐẠI THỪA - là những người được Truyền Thừa chính thức từ Đấng Đạo Sư - thì coi chừng trở thành có lỗi với Đức Thế Tôn, vì Chư Tổ là những bậc tu hành chân chính, Giới, Hạnh không khiếm khuyết, đã được Phật giao cho giữ gìn và phổ biến Giáo Pháp của Ngài, để những lời Phật dạy còn lưu truyền đến nay. Qua tìm hiểu Giáo Pháp của PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY, tôi thấy trong đó hướng dẫn không khác với bên ĐẠI THỪA : Cùng nhìn Đức Thích Ca là Đạo Sư. Cùng tin rằng Ngài không phải là Thần Linh, chỉ là một người bình thường, nhờ đoạn trừ lậu hoặc mà được Giải Thoát. Cùng chấp nhận các pháp Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Lý duyên khởi, Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã, Giới Định Tuệ, Nghiệp Quả. .. Chỉ cần hành đúng theo bao nhiêu đó đủ để là bậc Thánh Nhân giữa đời, kiếp sống được an lành, hạnh phúc, như mục đích Đức Thích Ca đã đặt ra mà bên Đại Thừa gọi là đạt được Hữu Dư Y Niết Bàn. Những người đọc Kinh rồi cứ Y Ngữ, không chịu tư duy tìm Nghĩa để Y, nên hành trì mà không đạt kết quả, thì đó là lỗi tại họ, không phải tại Kinh dạy sai.
Để kết thúc, xin trích Đại Giáo Pháp trong TRƯỜNG BỘ KINH để thấy lời Phật dặn dò các Tỳ Kheo cần thận trọng khi tán thán hay hủy báng những gì được nghe :“Này các Tỳ Kheo. Có thể có vị Tỳ Kheo nói : Tại trú xứ kia, có nhiều vị Tỳ Kheo Thượng Tọa ở. Những vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ miệng những vị Thượng tọa ấy, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là là lời dạy của vị Đại Sư”. Này các Tỳ Kheo. Các ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của vị Tỳ Kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ưng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận : “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Đức Thế Tôn và vị Tỳ Kheo ấy đã thọ giáo sai lầm” Và này các Tỳ kheo, các người hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận : “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Đức Thế Tôn và vị Tỳ Kheo ấy đã lãnh giáo chơn chánh. Này các Tỳ Kheo, như vậy là Đại giáo Pháp Thứ ba, các ngươi hãy thọ trì”.
(Tháng 2/2020)