THÁNH CAO SƠN ĐẠI VƯƠNG
(Tư liệu điền dã khoa học)
T hánh Cao Sơn Đại vương là một nhân vật huyền thoại, sự tích mỗi nơi ghi mỗi khác. Âu cũng là lẽ thường. Thật khó mà nói tư liệu nào là đúng và ai là người kiểm chứng. Để rộng đường tham khảo, tôi cung cấp cho các nhà nghiên cứu và các bạn đọc tham khảo từ sự thờ phụng Cao Sơn Đại vương ở làng quê tôi, mà tôi nghĩ có cơ sở từ sự ghi chép của nhà bác học Lê Quí Đôn ( 1726 – 1784).
Thánh Cao Sơn Đại vương, được thờ chủ yếu ở miền Bắc, mà điều tra khoa học ghi nhận, nơi thờ ông nhiều nhất nước, 172 nơi, nhiều hơn cả thờ Trần Hưng Đạo. Riêng một xã tôi ( xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương) có 2 làng mà có đến 4 nơi thờ Cao Sơn Đại vương, trong đó làng tôi, gọi là làng Rồng (*) thì có 3 nơi liền nhau cùng thờ ông. Theo Lê Quí Đôn trong Kiến văn tiểu lục thì Cao Sơn là người ở xứ Đầu Hồ làng Lương Giản huyện Chí Linh (**), nay là huyện Nam Sách. Trước đây, phía bắc huyện Nam Sách hiện nay, trong đó có làng xã tôi, thuộc huyện Chí Linh, phủ Nam Sách.
Trong các hồ ấy ở “ xứ Đầu Hồ” , thì cái hồ đầu tiên là ở trước cửa nhà tôi. Chuỗi hồ hàng chục cái liền nhau này, thông nước ra sông Kinh Thày, theo hướng Nam – Bắc, qua 3 làng: Điền Trì, Lương Giản, Hà Liễu và cái cống rất to ở làng Hà Liễu ( trong thân đê, gần cầu Bình hiện nay - ở phía Tây cầu). Từ nhiều chục năm, hồ bị lấp từng đoạn để làm ruộng, rồi làm nhà. Cầu Rồng bằng đá, ở làng Lương Giản bắc theo hướng Đông Tây, qua một cái hồ trong dẫy hồ nối liền nhau này. Thuở nhỏ, tôi đã nhiều lần đi qua cái cầu đá rất cổ kính ấy, mà nay không còn và cũng không nhớ nó đã từng ở chỗ nào, trong số những ngôi nhà tầng khang trang đô thị hóa. Làng Lương Giản cách làng Điền Trì của tôi chỉ có một con đường, và theo đó, nơi được coi là nhà Cao Sơn ở, chỉ cách nhà tôi khoảng 400 mét về phía Bắc Đông Bắc, nếu đi theo đường bộ - là 2 cạnh của một góc vuông - còn đường chim bay chỉ khoảng 250 mét. Đời Chính Hòa nhà Lê (1681 – 1705) đình Rồng của làng xã tôi, đã được xây rất khang trang để thờ ông, hiện còn một tấm bia đá lớn, hình chữ nhật, cao 185cm, ngang 71cm, chữ khắc chìm cả 4 mặt vào đá nguyên khối, cùng với ngôi đình Rồng nho nhỏ mới xây lại, đã được công nhận là Di tích lịch sử và văn hóa cấp tỉnh năm 2013. Văn của tấm bia này do cụ tổ 9 đời của tôi, Tiến sĩ, Phương Trì Hầu, Tham tụng, Hình bộ Thượng thư Trần Thọ, soạn và cho khắc bia năm 1686, lúc đó cụ mới là Tiến công lang cấp sự trung bộ Lễ (*). Tấm bia này hiện đã được bảo quản trong một nhà bia do dân làng xã tôi bỏ tiền ra xây dựng. Chính nhờ sự đồ sộ đó mà nó mới còn lại sau nhiều cuộc hủy hoại của con người.
Năm 1740, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Diên tràn vào tàn phá làng, san phẳng đình Rồng và các di tích văn hóa khác, khai quật mộ Chánh phu nhân ( vợ tiến sĩ Trần Thọ, mẹ đẻ tiến sĩ Trần Cảnh). Làng tôi chỉ còn là một đống gạch vụn ( theo Ghi chép của Tiến sĩ, Sách Huân Bá, Lễ bộ Thượng thư – Phó đô Ngự sử Trần Tiến, con Trần Cảnh - cụ tổ 7 đời của tôi, trong NIÊN PHẢ LỤC, 1764). Khoảng năm 1748 đến 1753, cụ tổ 8 đời của tôi là Tiến sĩ, Diệu Quận Công, Tham tụng Lễ bộ Thượng thư Trần Cảnh chủ trì việc xây dựng lại, bằng tiền cấp cho của vua Lê Hiển Tông, gồm ngôi đình lớn 5 gian 2 chái, mỗi chái rộng như 1 gian đình, 1 cái đền và 1 cái nghè, đều gọi chung theo tên làng tôi là Rồng, gồm đình Rồng, nghè Rồng và đền Rồng, cùng thờ Cao Sơn Đại vương, dựng trên đất được coi là nền nhà cũ của Cao Sơn Đại vương. Sau đình có 1 gian Hậu Cung, ở đó, chỉ có 1 ngôi mộ đất, được cho là mộ của Cao Sơn Đại vương. Trần Cảnh mất năm 1758, năm 1770 được phong thành hoàng làng Điền Trì và được phối thờ ở đình Rồng, cùng 2 vị khác – và được chính thờ tại Văn chỉ Linh Khê, xã Thanh Quang bên cạnh, cùng với Mạc Đĩnh Chi và Trần Quốc Tảng (***).
Đền Rồng và nghè Rồng hoang phế dần, chỉ còn có đình Rồng là vẫn giữ được nguyên vẹn sau thời gian. Năm 1952, sau khi có quả đại bác nổ ở vạt đất gần tường hồi trái đình Rồng, làm xô một phần ngói trên mái của chái phía Bắc đình, nhân đó, ta phá rỡ toàn bộ đình, để lấy đất và vật liệu làm việc khác. Năm 1990, chính tôi là người đã sưu tầm các tài liệu cũ chuyển cho Ban Vận động xây lại đình Rồng, đại diện là bà Trần Thị Vẹn, ông Trần Sơn, sau bổ sung ông Trần Cáp, Trần Nhâm và một số vị khác, trình lên cấp trên, cho phép khôi phục lại đình và nhiều năm sau đó, nhân dân góp tiền xây lại cái đình nhỏ, trong đó có sự đóng góp của nhà hảo tâm Nguyễn Chính. Đình vẫn gọi theo tên cũ là đình Rồng, ở ngay đầu làng tôi, cách cái nghè cũ khoảng 40 mét ( cái nghè này trên gò cao, cây cối um tùm, đúng như Lê Quí Đôn đã ghi) cách cái đình cũ khoảng 15 mét, và ngôi mộ ( gió) của ông hiện nay, cách cái gò đất trong Hậu Cung – được coi là mộ ông - khoảng gần 30 mét về phía Nam ( ghi theo trí nhớ thuở nhỏ của tôi).
Ông là một nhân vật truyền thuyết, không biết được tạo dựng từ thuở xa xưa nào, rồi sau đó, nhiều người đời sau, trong đó có các cụ tổ tôi và cụ Lê Quí Đôn theo đó mà ghi lại. Từ nhỏ, tôi vẫn thuộc câu “sấm truyền” về Thánh Cao Sơn “ Sinh ư Bản Giẫm, tử tại Điền Trì”. Điền Trì là làng xã tôi, còn Bản Giẫm được giải thích là ở tỉnh Bắc Giang.
Ở nhiều nơi thờ phụng khác, Cao Sơn Đại vương được ghi là một vị tướng của vua Hùng hoặc là con trai của vua Hùng. Lại có tài liệu ghi là con trai của Lạc Long Quân. Còn ở khu vực làng xã tôi, dường như người dân chỉ biết ông là một thầy thuốc giỏi, đã chữa khỏi bệnh sởi và bệnh đậu mùa cho nhân dân địa phương. Cơ sở để người dân quê tôi nghĩ thế, theo tôi là căn cứ vào những dòng ghi chép của Lê Quí Đôn. Tương truyền thời ấy, nhiều người chết vì bệnh này, cho là bị “quan ôn bắt lính” và bệnh sởi, bệnh đậu mùa cũng được gọi là bệnh “đạo ôn” và người bị chết, gọi là bị “ôn vật”. Lê Quí Đôn trong Kiến văn tiểu lục chỉ ghi ông là một vị thầy thuốc giỏi, chữa khỏi bệnh sởi và bệnh đậu mùa cho dân mà thôi.
(*) Theo Đặng Văn Lộc – An Văn Mậu – trong bài “ Tấm bia đá cổ ở Trực Trì” tư liệu lưu của Bảo tàng tỉnh Hải Dương, thì tên đình Rồng ( của làng Rồng) là tên vua ban cho, còn lưu trong hồ sơ công nhận Di tích văn hóa và lịch sử cấp tỉnh của Di tích. (**) Lê Quý Đôn, toàn tập. Tập II Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học xã hội, H. 1977, tr 445 – 446. Làng Lương Giản và làng Điền Trì thời ấy đều thuộc xã Điền Trì, huyện chí Linh, phủ Nam Sách, lộ Hải Dương. (***) Xem thêm Tục phả ( trong NIÊN PHẢ LỤC, Nxb Văn học, H. 2003, tr. 269 – 270 của Trần Quí ( tức Trần Quí Nha – Trần Trợ, Trợ giáo Thái tử, Viên ngoại lang bộ Lại, tác giả Tục biên Công dư tiệp kí ). Theo đó Trần Tiến là người: xem khắp địa hình, chọn địa điểm này - giảng đường cũ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, để xây Từ chỉ, thờ các bậc tiên hiền. Trần Trợ là con Trần Tiến, cháu Trần Cảnh, chắt Trần Thọ. Hiện vẫn có tượng thờ 3 vị “tiên hiền” này trong Văn chỉ Linh Khê, cạnh đường Cầu Bình đi Nam Sách.