GHI NHẬN VỀ
HỒ BIỂU CHÁNH
H
ắn đã quyết định. Hắn sẽ đi. Hắn sẽ từ giã những người hắn yêu nhất đời, người mẹ nhẫn nhục người chị đau khổ cũng như người cha bình thản nằm dưới mộ đá, cũng như đứa con gái mười bảy tuổi người yêu của hắn. Hắn sẽ từ bỏ mái gia đình của người cha hà khắc để đi bất cứ nơi nào lập nghiệp. Hắn sẽ kiếm tiền, hắn phải có thật nhiều tiền để một ngày nào đó trở về, đem sung sướng cho mẹ, chị, người yêu. Tạo lại một mái gia đình khác. Hắn đưa tay chỉ vào miếu Bà, nói : Qua thề có Bà trong miểu này làm chứng cho qua. Nếu qua bỏ em thì Bà vặn họng qua chết, đừng để mạng qua. " Và hắn đi với lời thề đó, lời thề khắc ghi tâm hồn, lời thề khiến hắn phải nhớ về, tìm cách quay về : hình ảnh những người thân yêu, hình ảnh một mái gia đình.
Người con trai nói trên đây là nhân vật trong một cuốn truyện Hồ Biếu Chánh. Tên hắn ? Tên cuốn truyện ? Và sau lời thề đó hắn đã làm những gì ?
Hắn có đạt được ý nguyện không ? Hắn có trở về không ? Những câu hỏi bình thường có thể đạt ra ở bất cứ một độc gỉa bình thường nào.
Nhưng với Hồ Biểu Chánh, những câu hỏi tương tự hoá ra thừa thãi, vô ích. Bởi vì có thể câu trả lời đã có ngay khi câu hỏi đặt ra.
Bởi vì có thể hầu hết tác phẩm của Hồ Biếu Chánh đã tạo nên một dòng duy nhất ( Dòng truyện Hồ Biếu Chánh không thể vượt khỏi truyền thống cố định của nó.
Phải nhìn nhận là chúng ta đã có hẳn một truyền thống Hồ Biếu Chánh. Bao nhiêu người đã tiếp tục truyền thống đó ? Bao nhiêu người đã chỉ làm sáng cái
tên Hồ Biểu Chánh mà chính họ vẫn không hay biết ?). Người con trai thề thốt trước miểu Bà, hắn có thể là nhân vật của bất cứ một cuốn truyện nào của
Hồ Biểu Chánh. Người đọc có cảm tưởng khi tác giả đặt tên cho nhân vật mình (hay cho cả cuốn truyện) đó chỉ là một cái cớ để thực hiện hay phát triển
một ước mơ, một dự phóng ở đời có tính cách nền tảng. Nhân vật Hồ Biểu Chánh gập nhau trong cùng một ý hướng trở về hay khát khao một mái nhà.
Họ mang nặng tình cảm gai đình ngay trong sự trồng không . Họ hoài niệm ao ước quay nề mái nhà của họ mặc dù đó có thể chỉ là địa ngục, địa ngục mà họ đã từ bỏ do một bước lỡ lầm hay một sự xua đuổi khắc nghiệt nào đó.
II
Hồ Biểu Chánh trước tiên là một người kể chuyện. Chuyện ông kể căn cứ vào một hoàn cảnh xã hội và lịch sử có thật,
nền tảng sống của chính ông. Nó đơn giản, mộc mạc, hồn nhiên mặc dù không kém phần phong phú hay lôi cuốn.
Nó không đòi hỏi ở chúng ta một tài năng suy tư hay cảm xúc lớn lao, sâu xa. Nó không cần tạo ở người đọc bất cứ
một mặc cảm trí thức nào. Đừng bao giờ nghĩ rằng Hồ Biểu Chánh làm văn chương mặc dù đôi khi người ta nói một cách
ngượng nghịu về một thứ văn chương Hồ Biểu Chánh. Hồ Biểu Chánh vĩ đại không phải nhờ những câu văn ông viết ra.
Ông không cần tới điều đó. Ông chỉ mượn ngôn ngữ để chuyên chở những câu chuyện đời. Ngôn ngữ Hồ Biểu Chánh chính là lời nói,
lời kể. Và lời nói, lời kể ở đây gần gũi với đời sống hơn hết. Nói cách khác, ngôn ngữ hy sinh cho
thực tại cho câu chuyện. Người ta có thể thích Hồ Biểu Chánh mà không cần viện dẫn một lý do nào xa xôi.
Đọc Hồ Biểu Chánh tức là sống chính những gì ông đã viết hay kể ra. Những nhân vật, những câu truyện kể của Hồ Biểu Chánh,
tất cả tham dự vào dòng sống giầu có đó. Chúng không ly kỳ, nổi bật hay sáng chói. Bởi đời sống giầu có mà đơn sơ.
Tất cả mọi hình dung tự gán ghép cho nó chỉ có ý nghĩa một sự quyết đoán độc tôn : Chúng thể hiện dự phóng của trí tuệ,
của con người. Cho nên Hồ Biểu Chánh kể chuyện với một giọng điệu bình thản. Vẻ bình thản tuyệt đẹp của ca dao,
của những lời ru em một buổi trưa nồng chẳng hạn. Ngay lúc Hồ Biểu Chánh phác họa một tấn bi kịch, vẻ bình thản vẫn còn.
Ta có thể gọi là : một thứ bi kịch không có sự bi thảm.
Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh luôn dẫn người đọc tới một lối thoát,
một trật tự rõ ràng, không ẩn ý, không huyền nhiệm, không phi lý. Người ta có thể nói tác giả quá dễ dãi. Người ta cũng
có thể nói tác giả muốn trung thực với những hoàn cảnh sống mình đã chứng kiến và viết lại. Cuộc sống phát hiện dưới ngòi bút
Hồ Biểu Chánh nhằm đạt gần tới mức độ tự tại của nó, nó hiện hữu chống lại ngôn ngữ mặc dù ngôn ngữ là cơ hội xuất hiện cho nó,
nó hiện hữu chống lại tác giả vì tác giả đã vẽ nên nó quá sống thật. Hồ Biểu Chánh, người kể chuyện đời. Chuyện đời trăm ngàn
bộ mặt do tác giả kể lại cho chúng ta hay tự chúng đang lên tiếng dưới ngòi bút tác giả ? Đâu là biên giới giữa câu chuyện kể
và lời kể câu chuyện ? Phải chăng điều kiện tồn tại của câu chuyện kể chính là sự phủ nhận của chính lời kể, người kể.
Phát biểu có nghĩa là phát biểu sự thật. Nhưng sự thật ngay khi được phát biểu đã chống lại sự phát biểu.
Những câu chuyện kể của Hồ Biểu Chánh, chúng quấn quít đâu đây. Chúng đeo đẳng người đọc. Chúng làm quen với
người đọc. Chúng đi tìm một ràng buộc mật thiết với người đọc. Đọc Hồ Biểu Chánh tức là tham dự vào những câu chuyện kể đó,
là phá bỏ khoảng cách để đạt tới một bầu không khí thân mật không phải với tác giả mà với những gì tác giả nói.
Tác giả không dẫn người đọc đi quá xa. Có lẽ vì tác giả không có tham vọng nào quá lớn lao ngoài công việc mô tả,
làm sống lại một tập thể xã hội, một hoàn cảnh sống, một giai đoạn lịch sử với những nền nếp, những niềm tin,
những cách thế của nó. Hồ Biểu Chánh gần gũi chúng ta vì ông đã nói đúng, đã ghi nhận xác thật, ngay trong
những chi tiết tỉ mỉ nhưng không kém phần thú vị, hình ảnh một xã hội trong giai đoạn trở mình của nó, những
giằng co giữa cái mới và cái cũ. Những cái nhìn phóng tới trước, đồng thời những lưu luyến, những tiếc nhớ.
Tác giả không ồn ào, không cực đoan, không quyết liệt khi bênh vực một giá trị cổ truyền (luân lý, tập quán...)
cũng như khi đề cao những tư tưởng cấp tiến, tự do hấp thụ từ những xã hội bên ngoài.
Vẫn một giọng điệu trầm tĩnh của một chứng nhân từng trải, và nếu cần, một ông thầy đôn hậu.
III
Nhân vật Hồ Biểu Chánh ăn ở, tình tự, sinh hoạt...theo một chiều hướng nhất định, gần như bắt buộc :
cải thiện. Không có những tranh chấp gay go đến độ vô phương hàn gắn dù ngoại tại hay nội tại. Điều đí quá dễ hiểu :
Ở nhân vật Hồ Biểu Chánh, thông thường cái tốt, cái thiện hoặc tiềm ẩn hoặc bộc lộ. Những kẻ lầm lạc sau cùng sẽ biết
mình lầm lạc mà trở về. Những người cấp tiến thường hô hào tranh đấu cho cái mới đồng thời còn lưu giữ những tâm tình xưa cũ.
Giữa những người đối kháng lẫn nhau hãy còn sự gắn bó. Ta có thể nói không ngần ngại rằng Hồ Biểu Chánh đã vẽ những nhân vật
mình, đã kể chuyện bằng tất cả tình thương hay sự rộng lượng. Con người do Hồ Biểu Chánh nhào nặn nên có thể cực đoan, nham hiểm,
xấu xa, lầm lạc, sa ngã...nhưng họ chỉ chờ một cơ hội để trở thành một cá nhân ngoan ngoãn, một công dân xứng đáng.
Bà Cả Kim trong quyển " Tại Tôi "sau cùng cũng đã buột miệng : " Tại tôi tất cả ". Cũng như thầy Bính, cũng như cô Thinh trong
" Lời Thề Trước Miểu " cũng đã trở về. Cũng như bao " đứa con hoang " khác đã trở về dưới ngòi bút Hồ Biểu Chánh.
Sách vở Hồ Biểu Chánh là thể hiện cái thiện bao giờ cũng thắng. Nhân vật Hồ Biểu Chánh chỉ có thật trong cái tốt,
ngoài ra là những cách thế hiện hữu giả tạo. Ở đây người kể chuyện vượt ngoài chính câu chuyện kể.
Nói cách khác kể là xác nhận, là phủ quyết, là minh định một lập trường. Lập trường đạo đức của Hồ Biểu Chánh
đơn giản và dứt khoát. Đó là : Sự hiện hữu đương nhiên của giá trị đạo đức trong con người cũng như trong thế cuộc.
Truyện Hồ Biểu Chánh được viết ra cũng như được đọc tới : đó là giá trị đang lần lượt vén mở, đang tìm cách khẳng định
cho chính nó. Phủ nhận đạo đức, điều này vô ích vì chính nó lại sẽ tìm cách trở lại với chúng ta.
Phải chăng đó là câu nói sau cùng của tác giả. trong ý nghĩa đó phải chăng sách vở Hồ Biểu
Chánh chính là tiếng nói âm thầm nhưng khẳng định đang lên tiếng, đang nhắc nhở, đang làm sống lại
một cái gì có thể đã lãng quên, khuất mờ. Và cũng trong ý nghĩa đó, ta có thể nói Hồ Biểu Chánh là
một người kể chuyện với tất cả lòng khoan dung và sự lạc quan. Hãy nghe Hồ Biểu Chánh phát biểu về
công việc viết văn của mình : " Phải viết chớ, viết đặng giải phiền, viết đặng bớt giận.
Phải viết đặng ghi cái hay cái dở của nhơn tình thế thái, về khoảng đời trụy lạc mà để lại
cho em cháu đời sau được biết chỗ thấp chỗ cao. Phải viết đặng giải nỗi u sầu của mình và
luôn dịp đặng chỉ đường vạch nẻo cho con cháu trong nhà ngó thấy ".
( đoạn mở đầu quyển Bức Thư Hối Hận ). Tác giả phát biểu tầm quan trọng của công việc mình
làm một cách thẳng thắn không chút mặc cảm, không chút lẩn tránh. Câu nói gói trọn một niềm
tin đương nhiên, mãnh liệt ở vai trò sáng tạo của người viết truyện, sáng tạo một giá trị
tinh thần làm mẫu mực cho kẻ khác. Người viết truyện trong ý nghĩ đó bắt buộc phải là một
kẻ sáng suốt đứng trên, là kẻ đầu tiên nhận thức giá trị, vai trò cũng như sứ mạng tốt đẹp
của mình. Hồ Biểu Chánh, nhà đạo đức của chúng ta.
IV
Bằng ngôn ngữ thường ngày, bằng những đề tài linh động quen thuộc thấm nhuần vể sử tính và xã hội tính sống thật, và nhất là bằng một bầu không khí tác giả tạo được bao trùm lên khắp dòng chữ có thể gây nên ở người đọc một cảm xúc tức thì, cũng như bằng một ý hướng về giá trị đáng yêu, Hồ Biểu Chánh cần được xác định một vị trí riêng biệt trong nền văn học Việt Nam. Cũng như mỗi lần chúng ta nhắc tới những Vũ Trọng Phụng, Lê Van trương..v..v... Bởi Hồ Biểu Chánh là kẻ tiền phong, dĩ nhiên ở đây, cho một truyền thống mà ta đã không ngần ngại đặt tên cho nó : truyền thống Hồ Biểu Chánh.
Để trở lại với một ý nghĩ ở trên, ta có thể nói, kẻ tạo nên truyền thống thường chính là kẻ giết chết truyền thống, điều này cho tới bây giờ thiết tưởng đúng với Hồ Biểu Chánh. Bao nhiêu người đã và còn tiếp tục con đường của ông, lối viết, lối kể, lối tả của ông, tuy nhiên, và đây cũng là một điều thảm hại vô cùng, người đọc chỉ thấy những bóng mờ, những bước đi quờ quạng hoặc giả những kích thước đầy gian trá. Có phải cánh cửa đã khép lại sau Hồ Biểu Chánh ? Có phải là ngay khi người ta chọn một lối mòn, người ta đã chọn một lỡ lầm tai hại ? Không thể có hơn một trường hợp Hồ Biểu Chánh trong văn chương.