Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CỬ ĐẦU VỌNG THANH SƠN







1 857 - 1867 , chỉ mười năm sau biến cố Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây, toàn bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh rơi vào tay thực dân Pháp.
     Năm sau, 1868, quan Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Phiên có đứa con trai chào đời ở làng Liên Bạt, Hà Đông : Nguyễn Thượng Hiền ! Thượng Hiền được sinh ra gặp lúc đất nước biến động dữ dội bởi chính sách thuộc địa của các nước Tây Âu. Tiếng súng Tây đã làm đau nhói trái tim của cậu bé, khiến cậu có những suy nghĩ trước tuổi của mình.

1884, mới 16 tuổi đầu, Nguyễn Thượng Hiền đỗ cử nhân ngay lần thi Hương đầu tiên.
Năm sau, 1885, ông đậu kỳ thi Hội, và vào thi Đình. Kết qủa kỳ thi chưa được công bố thì xảy ra biến cố ở kinh đô.

Lúc phong trào Cần Vương dấy lên là lúc Nguyễn Thượng Hiền về Thanh Hoá, tuổi 20 mơ ước có một ngày…
Trở lại Huế, đọc được Đại Thế Thiên Hạ Luận của Nguyễn Lộ Trạch.

Năm 1892, đi thi, dỗ Hoàng Giáp, vào làm Quốc Sử Quán, được đọc Tân Thư của Trung Quốc, và kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh thúc Kháng…, trao cho các sĩ phu yêu nước này cuốn Đại Thế Thiên Hạ Luận, và Tân Thư.

Năm 1898, qua giao tiếp với Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền đã quyết chí Đông du, nhưng quan Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Phiên bị bệnh nặng nên đành phải ở lại lo cho cha.
Năm 1905, tiễn Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ ra nước ngoài, Nguyễn Thượng Hiền vận động phong trào ở trong nuớc, hẹn ngày gặp lại.

Năm 1907, cha mất. Thọ tang cha xong, Nguyễn Thượng Hiền từ biệt vợ con sang trung Quốc cùng hoạt động với Phan Bội Châu trong Duy Tân Hội, rồi sang Việt Nam Quang Phục Hội vào mùa xuân năm Canh Tý (1912) trong Bình Nghị Bộ phụ trách xứ Bắc Kỳ, cùng với Phan Sào Nam (Trung Kỳ) và Nguyễn Thành Hiền (Nam Kỳ).

Qua năm (1913), Phan Sào Nam và một số đồng chí bị bắt. Từ đó về sau, thêm nhiều đồng chí khác nữa bị bắt, nhiều người tuẫn tiết ở Hà Nội…Có lẻ vì nghĩ rằng con đường đấu tranh cho đất nước, dân tộc chưa có lối ra, ngặt nỗi :

Hăm lăm triệu xương tan thịt nát,
xót đồng bào đương giữa biển trầm luân ;

Nên :

Toan một mình trống tối chuông mai,
dắt đại chúng thoát ra vòng khổ nạn.
Những ước trời Nam đất Việt,
khắp mọi vùng mưa pháp mây từ.

Nguyễn Thượng Hiền tu ở ngôi chùa nhỏ Thường Tích Quang tại Hàng Châu, rồi viên tịch ở đó vào ngày 28-12-1925, để lại di chúc cùng 200 đồng thời bấy giờ để lo việc hỏa thiêu và rải tro than thân xác Người xuống sông Tiền Đường với ước vọng nương theo triền nước về quê mẹ.

Lửa can tịnh thiêu xương người khí tiết,
sống thanh cao mà chết cũng thanh cao !

Là chiến sĩ hay tu sĩ, trọn đời Nguyễn Thượng Hiền cử đầu vọng thanh sơn !


Mồng Một Tết Bính Tý



. Cập nhật nguyên bản của tác giả trong Văn Tuyển số 4 tháng 5.1996 do nxb Văn Nghệ tp HCM phát hành.
do cố văn sĩ Nguyễn Mai chuyển, Từ Vũ đánh máy và đã đăng tải trên vietart.voila.fr (tiền thân của NVA và Việt Văn Mới) .

Trở Về Trang Chính