Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Vua Trần Duệ Tông





MỘT CÁCH HIỂU CÂU ĐỐI CỦA VUA

TRẦN DUỆ TÔNG VÀ ĐẠI SƯ ĐÀO TOÀN BÂN


        

Đ ào Toàn Bân quê Kinh Bắc, định cư tại Cổ Lễ, Tây Chân (nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), đỗ Nhị giáp Tiến sĩ thời Trần, nổi tiếng là nhà giáo có tài, từng được Chu Văn An khen là "Đại sư vô nhị"...      

   Một số bài viết nghiên cứu về Thái học sinh Đào Toàn Bân đăng báo và in trong sách có nói đến giai thoại đối đáp của ông với vua Trần đã dịch hai câu đối rất khác nhau.       

   Đại lược giai thoại như sau:       

   Trong buổi đăng khoa năm 1374, biết Đào Toàn Bân có ba học trò đều đỗ đại khoa là Trạng nguyên Đào Sư Tích (con trai Đào Toàn Bân), Bảng nhãn Lê Hiến Giản, Thái học sinh Lê Hiến Tứ, vua Trần Duệ Tông khen ông là “Phụ giáo tử đăng khoa” (Cha dạy con đỗ đạt) và ra vế đối:     

             Viên ngoại ba tiêu vô phu quân tứ thời hữu tuyết.    

      Đào Toàn Bân xin đối lại là:     

             Mộc tại nguyệt thiên vô thổ bồi bát nguyệt giai xuân.

      

     Do câu đối là truyền khẩu từ đời xưa, chỉ có phiên âm mà không có chữ Hán nên mỗi người hiểu một cách khác nhau. Chẳng hạn, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm trong cuốn “Nam Định đậm đà bản sắc dân tộc” (Sở Văn hóa Thông tin Nam Định xuất bản năm 2000, trang 186) dịch hai câu đối này như sau:        

            Cây chuối ngoài vườn, người quân tử ngồi bên cửa sổ cũng thấy vui vui;
                 Cây dưới trăng không lấp đất vào gốc thì từ tháng tám không được tốt tươi.     
 

    Nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang lại dịch hai câu đối này là:     

              Cây chuối ngoài vườn không có chồng bốn mùa có tuyết,  
                     Cây ở trời trăng không đất đắp bồi tháng tám đều xuân.

          Cụ Lê Xuân Quang khi còn sống có gửi cho tôi bản thảo bài viết về câu đối dịch của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm với tiêu đề “Câu đối dịch của một kỹ sư nông nghiệp” (sau bài viết này được đăng trên Tuần tin Thể thao văn hóa). Cụ chê tác giả không biết chữ Hán nhưng cứ dịch bừa. Không biết Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm có đọc bài của cụ Lê Xuân Quang không, nhưng trong cuốn “Nam Định đậm đà bản sắc dân tộc” (Sở Văn hóa Thông tin Nam Định tái bản năm 2007, trang 204) tác giả đã sửa câu đối dịch lại là:     

             Chuối ở ngoài vườn, không có chồng vợ bốn mùa (quanh năm) luôn nhuận sắc;      
                  Cây trên mặt trăng không được đất bồi tháng tám (tiết thu) vẫn sắc xuân.    
 

     Như vậy, hai chữ “Phu quân” trong vế đối “Viên ngoại ba tiêu vô phu quân tứ thời hữu tuyết” được nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang dịch là người “chồng” (Tiếng vợ gọi chồng là “phu quân”), Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm dịch là “người quân tử ngồi bên cửa sổ” sau sửa lại là “(không có) chồng vợ”.        

  Chúng tôi không phê bình các tác giả dịch, chỉ với tư cách cá nhân, “điếc không sợ súng”, góp thêm một cách hiểu về hai câu đối này:      

    Theo chúng tôi, hai chữ này trong câu đối có lẽ là:

  - Chữ 膚 phu: có nghĩa là lớp da bọc bên ngoài, dịch thoáng là áo mặc (đối với người), vỏ bọc (đối với thực vật). - Chữ 均 quân: có nghĩa là đều, bằng, đồng đẳng. Với hai chữ này, vế đối được viết và hiểu là: 


                       園外芭蕉無膚均四時有雪      

                     Viên ngoại ba tiêu vô phu quân tứ thời hữu tuyết.

 Tạm dịch :      

            Cây chuối ngoài vườn không vỏ bọc, (như) bốn mùa đều có tuyết.      

     Còn chữ “bồi” ở vế đối sau là chữ 陪 bồi: có nghĩa là giúp thêm.

 Vế đối sẽ được viết và hiểu là:

    

                      木在月天無土陪八月皆春   

                        Mộc tại nguyệt thiên vô thổ bồi bát nguyệt giai xuân.

 Tạm dịch :   

                Cây ở trời trăng không có đất, (nhưng) tháng tám cũng đều xuân.         

  Trong bài “Câu đối hay câu đá?” bản thảo gửi tặng chúng tôi, nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang phân tích khá sâu sắc trên cơ sở luật đối, chỉ ra những chỗ đối không chỉnh của câu đối này và kết luận đây không thể là câu đối của vua Trần và Tiến sĩ Đào Toàn Bân - những người nổi tiếng về văn học.      

    Dịch giả Dương Văn Vượng cho tôi xem một cuốn sách chữ Hán của dòng họ Đỗ ở La Ngạn (Yên Đồng, Ý Yên), trong đó có viết về một giai thoại đối đáp giữa Hoàng giáp Phạm Văn Nghị với Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu. Câu đối của hai ông như sau:      

                      園外芭蕉無淫欲而四時有孕
                           月中丹桂非栽培而八節皆春
        

 Phiên âm:

             Viên ngoại ba tiêu vô dâm dục nhi tứ thời hữu dựng,
                  Nguyệt trung đan quế phi tài bồi nhi bát tiết giai xuân.

 Tạm dịch :  

                 Cây chuối tiêu ở ngoài vườn không có lòng dâm mà bốn mùa có chửa;
                       Cây quế đỏ trong cung trăng không được trồng trỉa mà tám tiết đều xuân.  
   

     Hai câu đối này rất gần với hai câu đối của vua Trần và Đại sư Đào Toàn Bân, nhưng chỉnh hơn về luật đối, hay và có lôgíc hơn về ý nghĩa. Không biết có phải câu đối sau do được tiếp thu tinh hoa của câu đối trước mà hay hơn, hay do người đời sau nhầm lẫn về tác giả của các câu đối này, hoặc do câu đối được truyền khẩu mà tam sao thất bản chăng? Dẫu sao, đây cũng là những di sản quý của lớp người đi trước làm giàu cho kho tàng văn hoá dân tộc, rất đáng được trân trọng và nghiên cứu. Hy vọng các nhà nghiên cứu quan tâm góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.                      


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Nam Định .