Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Bản đồ Nước Văn Lang







BIÊN GIỚI VIỆT CỔ





S ách Lĩnh Nam Chích quái liệt truyện- Truyện Hồng Bàng ghi: “Nhà nước Văn Lang: Đông giáp Nam Hải (nay là Quảng Đông- Trung Quốc) Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên- Trung Quốc) Bắc đến Động Đình Hồ (nay thuộc Tỉnh Hồ Nam Trung Quốc) Nam đến nước Hồ Tôn (Chiêm Thành).

Theo sách Những khám phá mới, nhận thức mới về Nguồn gốc dân tộc Việt và nền Văn minh Việt cổ.

Giáo sư, Bác sĩ Trần Đại Sỹ (Trường Y khoa Arma- Paris, Giám đốc Trung Quốc sự vụ Viện Pháp- Á) dịp khai giảng niên khoá 1991- 1992 tại Viện Pháp- Á đã công bố nghiên cứu khoa học của ông bằng cổ sử, triết học, khảo sát địa lý, di tích các vùng trên tại Trung Quốc, và hệ thống ADN, Trần Đại Sỹ xác định biên giới cổ của Việt Nam đúng như Truyện Hồng Bàng.

Trần Đại Sỹ đã du ngoạn Động Đình Hồ cái nôi của Việt tộc. Ông đã xác định ADN huyết thống Việt tộc tại vùng Động Đình Hồ và hùng hồn tuyên bố:

- Cho tới Bắc thuộc lần I, từ phía Nam sông Dương Tử xuống là vùng đất cư trú của cư dân Bách Việt, không cùng hệ thống ADN với người Trung Quốc.

Công trình khoa học về hệ thống AND của Trần Đại Sỹ đã kết thúc cuộc tranh cãi chín mươi năm qua về biên giới cổ của Việt Nam. Kết luận về nguồn gốc dân tộc Việt Nam bằng ADN đảo ngược tất cả các thuyết từ trước đến nay cho rằng “Người Việt do người Hoa di cư xuống để trốn lạnh, để tỵ nạn..”

Thực tế ADN khẳng định:

“Chính người Việt tộc vùng Đông Nam Á đã đi lên phương Bắc để thành người Hoa”

Giáo sư, bác sĩ Trần Đại Sĩ nói:

- Tôi may mắn biết chừng nào, về công cuộc đi tìm lại biên giới cổ và nguồn gốc tộc Việt. Quí vị sẽ thấy rằng tộc Việt chúng tôi anh hùng biết bao. Tôi được học Nam sử bằng chữ Nho. Người Việt cổ có một sức bảo vệ quốc gia cực mạnh. Sang đầu thế kỷ thứ nhất, nổ ra cuộc khởi nghĩa của một phụ nữ và một trăm sáu mươi hai anh hùng, trong đó có hơn trăm là nữ. Cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, đuổi ngoại xâm Trung Hoa, lập nên triều đình Lĩnh Nam. Nối tiếp các thời đại sau đều có tinh thần bất khuất để tạo thành niềm tin vững chắc. Tộc Việt đã chiến đấu không ngừng để chống cuộc Nam tiến liên miên trong hai nghìn năm của người Hoa. Bất cứ thời nào, người Việt dù bị phân hoá đến đâu, nhưng khi đất nước bị ngoại xâm, họ lập tức ngồi lại với nhau để bảo vệ quốc gia. Trong những lớp phế hưng của lịch sử Việt Nam, hễ ai dựa theo chủ đạo tộc Việt, họ đều thành công trong việc cai trị dân. Việt Nam nay đang trên đà phục hưng chủ đạo tộc Việt.

Tôi đi tìm nguồn gốc tộc Việt nhiều nhất bằng phương pháp y khoa, dùng biện chứng y khoa vào khảo cổ. Nước tôi có một tôn giáo mà toàn dân đều theo, đó là thờ các anh hùng dân tộc. Tại những đền thờ chư vị anh hùng, thường có một cuốn gia phả kể sự tích các ngài. Theo thời gian, tiểu sử các ngài được dân chúng huyền thoại hoá, nên dù là huyền sử cũng có chứng tích con người thật và khảo cổ học đã trả lời chính xác. Chúng tôi dùng hệ thống ADN, hệ thống sinh học mới nhất thử nghiệm ngay những người đang sống của ba mươi lăm dòng họ tại Hoa Nam, những dòng họ khác tại Hoa Bắc. Lại cũng thử nghiệm những bộ xương của ba vùng trên, không phân biệt thời gian. Cuối cùng chúng tôi tìm ra sự khác biệt của những tộc Hoa Nam, Việt Nam, với những tộc Hoa Bắc và kết luận: “Lãnh thổ Văn Lang tới Hồ Động Đình”.

Cổ sử nói rằng trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng khi Trưng Nhị, Trần Năng, Phật Nguyệt, Lại Thế Cường, Trần Thiếu Lan đem quân đánh Trường Sa năm 39, thì nữ tướng Trần Thiếu Lan tử trận, mộ chôn ở ghềnh Thẩm Giang (sự thật là Tương Giang thông với Hồ Động Đình). Năm 42 có trận đánh giữa Lĩnh Nam và Hán. Tướng Lĩnh Nam Tổng trấn Hồ Động Đình là Phật Nguyệt, tướng Hán là Mã Viện, Lưu Long. Sau năm 42 ba thống lĩnh kỵ binh của Bà Trưng là Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống, Đào Tam Lang, đánh nhau với quân Hán tại Bồ Lăng thuộc Tượng Quận vùng Ba Thục (Tứ Xuyên).

Theo ánh sáng cổ sử và huyền thoại, cuối năm 1980 tôi bay đi Bắc Kinh, rồi đi Trường Sa là thủ phủ của tỉnh Hồ Nam. Tất cả các di tích của Việt tộc như Hồ Động Đình, núi Tam Sơn, núi Ngũ Lĩnh, Sông Tương, Thiên Đài, cánh đồng Tương đều nằm ở tỉnh này. Tôi đi tìm núi Ngũ Lĩnh không khó nhọc. Tôi thấy ngay đó là năm dãy núi gần như ngăn đôi Nam, Bắc Trung Quốc hiện nay. Lập tức tôi thuê xe đi vòng quanh năm núi này. Tôi đi mất mười ngày, trải gần mười lăm ngàn cây số.

Tôi đi thăm ngọn Thiên Đài, chia lãnh thổ Lĩnh Bắc tức Trung Quốc, Lĩnh Nam tức Đại Việt. Ngọn đồi nhỏ cao 179m, đỉnh tròn có đường thoai thoải đi lên. Trên đỉnh có ngôi chùa nhỏ, nay để hoang. Chùa xây bằng gạch nung, mái lợp ngói, nhiều chỗ bị khuyết, tường mất hết vữa, lún sâu. Duy cổng và nền bằng đá vẫn còn nguyên, cột kèo bằng gỗ đã nứt nẻ khá nhiều. Những câu đối, chữ còn, chữ mất.

Tại Thư Viện Hồ Nam, tôi tìm được một tài liệu rất cũ, giấy hoen ố, chữ viết như phượng múa, rồng bay. Đầu đề ghi Thiên Đài di sự lục do tiến sĩ Chu Minh Văn soạn, niên hiệu vua Đường Thái Tông năm 627. Sách được chép lại vào đời Thanh Khang Hy.

Tôi đọc sách nhắc lại việc vua Đế Minh đi tuần thú phương Nam, kết hôn với nàng tiên sinh ra Lộc Tục.

Thái tử Lộc Tục lên ngôi hiệu là Kinh Dương (năm Nhâm Tuất 2789 TCN). Sau người Việt lấy năm này là kỷ nguyên lập quốc. Tôi cộng cho đến năm 1991 tôi đến đền này là 4870 năm vì vậy người Việt tự hào rằng đã có năm nghìn năm văn hiến.

Kinh Dương đặt tên nước là Xích Quỉ, đóng đô ở Phong Châu nay là Phú Thọ. Vua Kinh Dương lấy con gái vua Động Đình là Long Nữ đẻ ra thái tử Sùng Lãm. Sùng Lãm lên ngôi hiệu là Lạc Long Quân, đổi tên nước là Văn Lang. Nước Văn Lang Bắc tới Hồ động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông Hải trong huyền thoại Việt Nam là có thật. Miếu thờ hai vua Đế Minh và Kinh Dương, tổ tông Việt tộc còn đây, hoang tàn đổ nát, không người phụng thờ hương khói. Đau xé lòng con cháu Việt tộc mấy ngàn năm.

Tôi chép một đoạn sách Thiên Đài di sự lục làm tin:

“ Cổ thời đỉnh núi có Thiên Đài thờ vua Đế Minh, vua Kinh Dương. Thời Đông Hán có một tướng của vua Bà tên là Đào Hiển Hiệu được lệnh rút khỏi Trường Sa. Khi rút tới Quế Dương ông cùng nghìn quân lên Thiên Đài lễ, nghe người đền kể sự tích xưa. Ông cùng quân sĩ nhất định tử chiến, khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm được núi.”

Tôi biết vua Bà là vua Trưng. Tướng Đào Hiển Hiệu là em con chú của Bắc Bình Vương Đào Kỳ lĩnh chức Đại Tư Mã thời vua Trưng. Còn tướng Đào Hiển Hiệu tước phong quốc công, giữ chức Hổ Nha đại tướng quân. Nữ tướng Hoàng Thiếu Hoa chỉ huy trận rút lui khỏi Trường Sa, Hồ Động Đình, đã sai Hiển Hiệu đi cản trận, đóng rút chặn ở Thiên Đài, đợi quân Lĩnh Nam rút hết, sẽ rút sau. Nhưng Hiển Hiệu cùng chư quân lên núi thấy di tích thời Quốc Tổ, Quốc Mẫu, đã không chịu lui quân, tử chiến với quân Hán trên mảnh đất Thiêng của Tổ Tiên Việt tộc.

Nơi đền cổ hoang nát Thiên Đài còn đôi câu đối khắc vào đá:

Thiên Đài đại đại phân Nam Bắc
Địa lĩnh niên niên dữ Việt Thường

Nghĩa là:

      Từ sau lễ vua Đế Minh tế cáo ở đây, đài thành Thiên Đài, biết bao đời phân ra Nam, Bắc.

      Núi Ngũ Lĩnh năm này qua năm khác với giòng giống Việt Thường.

Nơi bệ thờ Đào Hiển Hiệu có đôi câu đối:

Nhất kiếm Nam Hồ kinh Vũ Đế
Thiên đao Bắc Lĩnh trấn Lưu Long

Nghĩa là:

     Một kiếm đánh trận ở phía Nam Hồ Động Đình làm kinh tâm vua Quang Vũ nhà Hán. Ý chỉ nữ tướng Phật Nguyệt đánh bại Mã Viện ở phía Nam Hồ Động Đình. Một nghìn tàu đao do Hiển Hiệu thủ ở Bắc núi Ngũ Lĩnh trấn Lưu Long.

Như vậy là tôi đã tìm được di tích Tổ tông Việt tộc đã ghi trong cổ sử và huyền thoại. Vua Đế Minh tế cáo Trời Đất trên vùng núi Ngũ Lĩnh là có thật. Và vì có Thiên Đài thiêng của Việt tộc, nên thời Lĩnh Nam của vua Trưng mới có trận Hồ Động Đình. Hai sự kiện đó chứng tỏ lãnh địa thời vua Trưng cũng như Văn Lang xưa tới Ngũ Lĩnh, Hồ Động Đình. Vua Trưng đã thu được sáu mươi lăm thành rộng lớn tới núi Ngũ Lĩnh là chiến công hiển hách huy hoàng của quân và dân triều đình Lĩnh Nam, làm cho mỗi chúng ta kinh ngạc.

Trong những năm 1979- 1989 tôi dẫn phái đoàn Uỷ ban y học Pháp đi trao đổi tại các tỉnh Phú Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quí Châu tôi thấy các tỉnh này ít nhiều đều có đạo thờ vua Bà. Tôi ghi chú được hàng trăm ngôi đền. Một cuốn phổ soạn chép sự tích nứ tướng Phật Nguyệt, có đôi câu đối:

Tích trù Động đình uy trấn Hán
Tên còn trong sử sức phù Trưng

Câu chuyện về giáo sư bác sĩ Trần Đại Sỹ đã dày công sức, tài năng, tâm huyết đi vào những chi tiết huyền thoại, huyền sử, cổ sử, cùng triết học, tin học, y học, khảo cổ để tìm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, quả là một hiện tượng phi phàm, đầy thuyết phục khoa học. Không còn nghi ngờ. Không bàn cãi được.

Qua nhiều tài liệu xa xưa, của các vị quan Việt Nam đi sứ sang Trung Quốc, họ đã thắp hương trong những đền thờ Hai Bà Trưng ở Hồ Nam Trung Quốc. Nhiều vị sáng tác thơ gửi lại.

Tiến sĩ Nguyễn Thực (1544- 1637) người ở làng Vân Điền (tên Nôm gọi là làng Đóm) xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Ông thi đỗ tiến sĩ đệ nhị giáp (Hoàng Giáp) khoa thi đình đầu tiên thời Lê Trung Hưng (1595) mở tại Thăng Long. Ông được cử làm sứ thần Việt Nam đi Trung Quốc, thời gian này ông có làm một số bài thơ, sau bị thất lạc. Mãi đến thế kỷ XVIII, Lê Quí Đôn sưu tầm được mười bài, có bốn bài làm trong thời gian đi trên đường đi sứ về. Trong bốn bài đó, có một bài ông nói về Đền thờ Hai Bà Trưng ở phía Nam dãy núi Ngũ Lĩnh.


Nam Hoài Chỉ Ngũ Lĩnh

Ngũ Lĩnh điêu nghiêu trấn Việt thuỷ Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kỳ
Uất thông, đông hậu thuỳ thiên cán
Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi
Đồng trụ Trưng Vương lưu cựu tích
Thạch Nhai Trưng tướng phục tùng trì
Phong cương đại cổ phần trung ngoại
Thậm tiễn thiên công xảo thiết thơ.


Dịch nghĩa:


Về Nam đến rặng núi Ngũ Lĩnh

            Ngũ Lĩnh chất ngất trấn ở vùng biên cương đất Việt
            Biết bao cảnh trí tươi tắn lạ kỳ
            Sau mùa đông ngàn cây tùng xanh um
            Tươi mùa xuân một cành mai diễm lệ
            Cột đồng còn lưu dấu cũ Trưng Vương
            Đường đá nghiêng nghiêng bên ngôi đền Trưng Vương
            Chốn biên cương từ xưa phân rõ trong ngoài
            Rất phục thợ trời sao khéo đặt hang.

Hai thế kỷ sau. Ngô Thì Nhậm (1746- 1803) được cử đi sứ nhà Thanh, có nhắc lại cụ thể là năm 1783, ông sáng tác một tập thơ có hình vẽ Hoàng Hoa đồ phả, trong đó có bài Phân Mao Lĩnh (Núi Phân Mao)

Nhất đới thanh sơn Sở, Việt giao
Hoàng Mao dịch lộ nhận Phân Mao
Thiên thu bất tận Hành Sơn Lĩnh
Địa khí hoành phù Nhạn Trạch Mao
Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ
Uy Đà quế để lạc sơn sào
Phong lai giải uẩn tay nam lợi
Vị ứng hùng bi vạn nhận cao

Dịch nghĩa:

      Một giải núi xanh ở nơi giáp với Sở và Việt; Trên đường đến trạm hoàng mai nhận ra đó là núi Phân Mao; (Ranh giới Trung Hoa là do sách Trời đưa ra không quá núi Hành Sơn) (*); Khi đất làm trôi ngược lông chim nhạn ô nhạn trạch (về phía Nam); Lưỡi kiếm của Bà Trưng mở ra động phủ; Sân quế của Triệu Đà còn đầy trong hang núi; Gió từ Tây Nam làm nguôi cơn nồng; Coi thường núi Hùng bi dù cao tới muôn sải (**)

Ngô Thì Nhậm chú thích:

(*) “ Núi Phân Mao ở địa giới Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, ở đây có cỏ mao, rẽ hai ngả Nam Bắc, trên đường đi có biểu đồ Phân Mao Lĩnh”.

(**) “Sách cũ ghi rõ khi Mã Viện thắng lợi đã bắt hơn ba trăm tướng lĩnh cừ khôi người Việt của Hai Bà Trưng đưa về Linh Lăng ở phần đất phía Nam tỉnh Hồ Nam”.

Hùng Bi là một dãy núi ở huyện Kỳ Dương, vùng cực Nam tỉnh Hồ Nam.


Khởi nghĩa Hai Bà Trưng thu lại 65 thành từ Nam sông Dương Tử đến Giao Chỉ


Di tích, chứng tích về cuộc chiến của Hai Bà chống giặc Hán còn muôn thuở linh thiêng tại nhiều nơi trên vùng đất Lĩnh Nam của Lạc tướng Hùng Định.

Miếu thờ thần Quản Mã, Quản Tượng là những người huấn luyện voi ngựa cho Hai Bà và các tướng tại Khoang Mục, cách Cổ Lôi khoảng ba cây số. Xung quang Khoang Mục là bãi cỏ non rộng ngút ngàn, dâng thức ăn cho trâu bò, voi, ngựa.

Quán Ao Sen trước cửa đền Hạ Lôi (Thạch Thất- Hà Nội) thờ gia đình Hai Bà Trưng, có một ao trồng sen rộng khoảng vài mẫu gọi là Ao Sen. Xung quanh Quán Ao Sen có ba cây đa cổ thụ cao vút trời xanh, theo thế tam gíac. Dân làng truyền nhau chuyện “Nồi da xáo thịt”:

- Thời Lĩnh Nam, tuy có nhiều quặng, đồng trong vùng, song phải dùng đúc vũ khí, chiêng, trống, loa, cồng, nên rất thiếu vạc đồng loại to để làm bếp nuôi quân. Nhân dân giết trâu bò, gỡ lấy thịt, còn da trâu căng rộng ra, nối vào rễ phụ của ba cây đa, đứng theo thế chân kiềng bắc bếp, làm nên chiếc vạc lớn, đem thịt chất lên vạc bằng da đó, chất củi đun thịt chín trong vạc da. Từ đó có thành ngữ “Nồi da nấu thịt”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tại một bản Mường giáp ranh giữa hai huyện Lương Sơn và Thạch Thất còn di tích Làng Nam Giao, có nơi Hai Bà Trưng lập Đàn Nam Giao cúng tế Trời Đất. Sau khi đuổi sạch quân Đông Hán, Bà Trưng Trắc được suy tôn làm Hoàng Đế Cõi Lĩnh Nam, lễ đăng quang được cử hành trọng thể. Hoàng Đế Lĩnh Nam trong triều phục khăn áo vàng, cùng triều đình tới Đàn Nam Giao đã đắp sẵn, để tế lễ và tạ ơn Trời Đất và các tiên vương dòng Hùng.

Trong vùng Cổ Lôi Trang, cánh đồng phì nhiêu có miếu Quan Hoàng thờ Quan Hoàng Ba, đọc kiêng huý là ông Hoàng Bơ, em trai và là vị huân thần dũng tướng của Hai Bà Trưng. Ông Hoàng Bơ thường hoá thân hiển hách trong giá đồng thờ Mẫu. Bà Bát Nàn, tướng quân Vũ Trinh Thục của Hai Bà Trưng được tôn làm “Bà Chúa Thượng Ngàn” trong Tứ phủ công đồng Đạo Mẫu. Sinh thời bà được Hoàng đế Lĩnh Nam trao quyền thống quản mười tám cửa rừng từ Bạch Hạc xuống tới đèo Ba Dội.

Sử sách xác nhận thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, nước ta vẫn còn là Lĩnh Nam thuộc thời kỳ Văn Lang- Bách Việt. Lãnh thổ Lĩnh Nam Bách Việt cũ trước và thời Hai Bà Trưng gồm vùng Động Đình Hồ nay thuộc tỉnh Hồ Nam Trung Quốc gọi là đất Dương Việt. Địa bàn của người Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử (từ núi Ngũ Lĩnh) đến Hà Tĩnh ngày nay.

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã thu lại được sáu mươi lăm thành từ Nam sông Dương Tử đến Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thuộc vùng đất miền Bắc nước ta hiện nay.

Gần hai nghìn năm lịch sử biến thiên, con cháu Việt tộc dò những bước chân, soi kính khoa học hiện đại, vẽ lại bản đồ non nước Lĩnh Nam, càng sáng rõ hơn về khí phách oai hùng và chiến công đánh giặc ngoại xâm của Hai Bà Trưng thuộc tầm nhân loại. Người dân Việt đời này sang đời khác tôn thờ Hai Bà trong thế giới tâm linh hiển sáng. Sức mạnh tâm linh đó đang truyền cho thời đại chúng ta.

Đền Hai Bà Trưng Cổ Lôi Thờ chiến thắng lấy lại Biên giới Việt cổ

Thăng Long- Hà Nội tháng 4- 2012. Tôi đọc sách cổ, luôn bị ám ảnh về chuyện “Hai Bà Trưng về đền Hát Môn báo mộng cho vua Lý Anh Tông, xin xây đền ở Hương Cổ Lai. Vua đã xây đền Cổ Lai”.

Câu chuyện hư ảo, mang màu sắc u linh, thần thánh, linh thiêng, mà ngôi đền Cổ Lai thì có thực. Cổ Lai thơm hương khói mấy nghìn năm nay trên đất làng Việt Nam mà đức vua Lý làm theo giấc mơ linh ứng là có thật.

Đền Cổ Lai ở đâu?

Thế rồi, linh thiêng làm sao. Ngày Lễ Phục Sinh 2012, tôi được về thắp nén tâm nhang tại ngôi đền Cổ Lai cổ xưa do vua Lý Anh Tông xây, theo giấc mộng gặp Hai Bà Trưng.

Ngôi đền linh thiêng huyền diệu Cổ Lai nay mang tên Đền thờ Hai Bà Trưng ngự ngay trong thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh thành phố Hà Nội.

Tôi hỏi ông từ trông đền:

- Thưa cụ, đây có phải là Đền Cổ Lai ở Hương Cổ Lai xưa không?

- Vâng. Đất này là Cổ Lôi Trang, là Hương Cổ Lai của gia đình Lạc tướng Hùng Định. Ngôi đền thờ này được xây trên nền đất ngôi nhà của Hai Bà thuở trước. Đây chính là Đền Cổ Lai.

Tôi rưng rưng linh cảm, linh nghiệm từng bước đi may mắn của mình, bất ngờ về tìm lại Cổ Lôi Trang. Thắp nén hương lòng trong hậu cung, trước hai pho tượng Hai vua Bà linh hiển của Lĩnh Nam, đặt tay trên hoa văn mặt Trống Đồng được thờ trang nghiêm trước tượng Hai Bà, tôi thầm khấn nguyện:

- Xin anh linh Hai vua Bà trở về cứu con cháu, phù hộ độ trì cho chúng con giữ trọn đạo Việt, trung hiếu nghĩa nhân quả cảm, thông thái và minh triết của các vua Hùng, vững lòng trước cuồng phong, bão tố để giữ gìn non sông gấm vóc Việt Nam, gọi an vui trở về trong mỗi tâm hồn Việt Nam hiện đại.

Bâng khuâng, xao xuyến trước khung cảnh đền Cổ Lai nghìn năm xưa, nay khang trang bề thế, một không gian trên mười hai ha, thơm hương khói. Ngôi Tam toà chính điện cổ được bảo tồn nguyên vẹn. Hai bên tả hữu có nhà thờ thân phụ, thân mẫu sư phụ, sư mẫu của Hai Bà, nhà thờ Thi Sách và thân phụ, thân mẫu, nhà thờ các nam tướng, nữ tướng.

Dưới gốc cây muỗm cổ thụ nở hoa trắng li ti, toả hương mát dịu chúng tôi lặng nghe ông từ kể chuyện triều đình Trưng Vương:

“Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta/ Thưởng công tướng lính, tạ lòng dân/ Ơn cha mẹ ơn chồng/ Thương dân giảm thuế, chăm lo cấy trồng/ Một lòng phụng sự non sông/ Chăm lo xây dựng triều đình nhân văn”.

Cổ Lôi Trang thiêng liêng! Cổ Lôi Trang hùng khí nay trở thành cánh đồng Hoa Hồng. Cánh đồng Hoa Hồng bạt ngàn hoa. Hoa Hồng của Hai Bà Trưng dâng tặng dân làng Cổ Lôi Trang. Hoa Hồng Cổ Lôi Trang thơm hương đằm thắm nghĩa vợ, tình chồng, tình non nước, vua Bà Lĩnh Nam dâng tặng non sông Việt Nam. Linh thiêng thay!