GIẢI MÃ SẤM VĂN ĐỀN LÊ HOÀN
Đ ền thờ vua Lê Đại Hành được xây dựng trên nền cung điện Hoa Lư xưa nay thuộc địa phận thôn Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều di sản Hán Nôm từ thời phong kiến ca ngợi công đức Lê Hoàn đồng thời thể hiện tư tưởng văn hóa đặc trưng của người Việt. Với đặc tính ẩn ước vốn có, phủ thêm lớp bụi thời gian, mỗi tác phẩm tựa như một bức mật mã từng đời thêm thách thức con người khám phá tầng sâu ý nghĩa ngụ trong mình.
1. Sấm ngữ đền Lê Hoàn
Thư sách cổ có câu: “安南理学有程泉An Nam lý học hữu Trình Tuyền”i, tạm dịch: “Về lý học của An Nam có Trình Tuyền là người giỏi”. Trình Tuyền ở đây chỉ Nguyễn Bình Khiêm (1491 – 1585), từng đỗ trạng nguyên và giữ nhiều chức quan to dưới triều Mạc. Ông cũng nổi tiếng giỏi lý số, để lại cho đời sau nhiều sấm vĩ linh ứng. Tuy nhiên trước thời Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn 600 năm lý số và sấm vĩ khuyết danh về vận mệnh tiền định của các triều đại Đinh, Lê, Lý trên đất Ninh Bình đã lưu truyền trong dân gian. Dấu vết lịch sử này có thể tìm thấy trong câu đối trên hai cột ngoài cùng gian chính điện đền thờ Lê Đại Hành:
應讖ii文於太平五年黎家出聖
耀神武於iii支陵iv - 陣宋詔班師
嗣德十年秋月日, 本社文會恭進
Phiên âm
Ứng sấm văn ư Thái Bình ngũ niên, Lê gia xuất thánh,
Diệu thần võ ư Chi Lăng nhất trận, Tống chiếu ban sư.
Tự Đức thập niên thu nguyệt nhật, bản xã Văn hội cung tiến
Tạm dịch:
“Ứng nghiệm sấm văn vào năm Thái Bình thứ 5, nhà Lê xuất hiện thánh nhân,
Rạng rỡ võ công một trận Chi Lăng, khiến triều Tống phải xuống chiếu lui quân.
Mùa thu năm Tự Đức 10, Văn hội bản xã cung tiến.”
Câu đối được Văn hội địa phương cung tiến năm 1857 nhắc đến sự kiện vào năm 980, vua Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Toàn bị Đỗ Thích giết hại, Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, đánh lui giặc Tống phương Bắc sau trận Chi Lăngv, dẹp yên bờ cõi, phát triển kinh tế xã hội giàu mạnh, được nhân dân Đại Cồ Việt xưng thánh, ứng với hai câu đầu trong bài sấm ngữ lưu truyền từ năm Thái Bình thứ 5 (974) trước đó. Theo Đại Việt Sử Lược toàn văn sấm ngữ như sau: "Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất Thánh minh, cạnh đầu đa hoành tử, đạo lộ thiểu nhân hành”. Nghĩa là: “Đỗ Thích giết 2 vị họ Đinh, Họ Lê lên trị vì, tranh ngôi nhiều kẻ chết, ngoài đường ít nguời đi.”
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép khác hai chữ và thêm 4 câu dự đoán việc triều Lý lên thay triều Lê như sau: “Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi, đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, thập ác vô nhất thiện, thập bát tử đăng tiên, kế đô nhị thập thiên.”
Tạm dịch:
“Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nổi thánh minh, tranh nhau nhiều hoành nhi, đường sá người vắng tanh. Mười hai xưng đại vương (câu này chỉ việc 12 người con trai của Lê Hoàn đều xưng vương, hoặc có thể chỉ 12 sứ quân), toàn ác không một thiện, mười tám con lên tiên (nhà Lý lên), sao kế đô hai chục ngày (dự đoán việc dời đô hoặc có sao chổi xuất hiện).”
2. Nghi vấn quanh câu sấm
Đây là lần đầu tiên sấm vĩ xuất hiện trong sử sách nước ta và can dự vào việc định đoạt vận mệnh quốc gia, kết hợp với điềm trời làm thần thoại hóa sự ra đời của các triều đại, thánh nhân, vĩ nhân hoặc sự kiện lớn…. Liệu câu sấm có thực xuất hiện đúng vào thời điểm năm 974, hay do người đời sau nghĩ thêm nhằm làm huyền thoại hóa cá nhân, tạo niềm tin vào lí số, vận mệnh? Nếu là thực, gạt đi lớp vỏ vận mệnh thần bí, trên phương diện khoa học bài sấm cho ta nhiều đoán định về tình hình khi ấy:
1) Đỗ Thích nằm mơ nuốt sao tự mình nảy ý định soán ngôi là có thực, có người biết nên tìm cách báo trước cho cha con vua Đinh.
2) Lòng người tại kinh thành lúc này dường như đã thuộc về thập đạo tướng quân Lê Hoàn, hay chí ít những người muốn ông lên ngôi đã nắm chắc mọi việc của đất nước và đang tạo dư luận tuyên truyền bằng câu sấm vừa để thử lòng, vừa để yên nhân tâm.
Câu sấm được lưu truyền rộng rãi trong dân gian nên nếu không bị bưng bít cha con vua Đinh Tiên Hoàng chắc chắn phải biết rõ. Với phẩm chất của một vị Đại Thắng Vương giỏi thu phục lòng người, sẵn sàng hi sinh tư tình vì đại cuộc, hẳn hoàng đế Đinh Tiên Hoàng đã chọn cách không tin vào mê tín dị đoan, tiếp tục trọng dụng Đỗ Thích và Lê Hoàn để yên phục nhân tâm, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua chiến tranh cần tránh giết hại công thần.
Dù biết sớm hay muộn, phòng bị hay không, cuối cùng mọi việc đã diễn ra đúng như lời tiên đoán. Giả thiết câu sấm xuất hiện đúng thời điểm ghi trong sử sách hoàn toàn có cơ sở, trong đó 4 câu Đại Việt sử ký toàn thư chép thêm có thể xuất hiện muộn hơn vào cuối triều Tiền Lê khoảng năm 1009, tác giả có thể là thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1018), người viết và giải nghĩa bài sấm “Hòa đao mộc lạc (nhà Lê mất), thập bát tử thành (nhà Lý lên)” trên cây gạo bị sét đánh tại làng Diên Uẩn, dự báo việc nhà Tiền Lê mất, nhà Lý lên, giúp Lý Công Uẩn thế ngôi Lê Long Đĩnh.
Sự kiện Đỗ Thích giết vua như sấm ngữ ghi trong chính sử cũng gây nhiều nghi vấn cho các học giả hiện đại:
Nhà giáo Hoàng Đạo Thúy và một số nhà nghiên cứu cho rằng Đỗ Thích không thể giết vua để giành ngôi báu bởi y chỉ là viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh. Triều đình còn vô số bạn của vua là người giỏi cả văn lẫn võ đang nắm trọng quyền, nên Thích khó có thể mơ tưởng sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để ngồi trên ngai vàngvi.
Tác giả Lê Văn Siêu trong sách Việt Nam văn minh sử lại nêu giả thiết: “Trong cuộc chiến cung đình giữa các hoàng hậu, bà mẹ Hạng Lang (Hạng Lang là con trai thứ ba của Bộ Lĩnh) đã chọn Nguyễn Bặc làm vây cánh. Khi Hạng Lang bị giết mà thủ phạm Đinh Liễn không bị trừng trị, bà nảy ý định trả hận và đã cùng Nguyễn Bặc dùng Đỗ Thích ra tay. Sau đó, Nguyễn Bặc theo lệnh của bà bắt giết Thích để diệt khẩu”.
Một số học giả khác lại giả thiết chủ mưu là hoàng đế Lê Hoàn và thái hậu Dương Vân Nga. Gia phả họ Đỗ ở Đại Đê, huyện Vụ Bản và sự tích đền Thảo Mã (tức đền Gạo ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cho biết Đỗ Thích có công cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi ông bị Nam Tấn Vương đuổi, cho thấy Đỗ Thích phải là một người cao lớn, có sức khỏe mới có thể cõng được Đinh Tiên Hoàng chứ không phải một viên hoạn quan sức mọnvii.
Dù ai hành thích Đinh Tiên Hoàng thì cuối cùng thiên mệnh của nhà Đinh đã hết. Viên ngọc quý dưới đáy sông 12 năm chờ vua Đinh vớt theo truyền thuyết đã tới lúc ứng nghiệm. Bóng dáng người lãnh tụ mới của đất nước đã lộ rõ trong bài sấm. Nhân tâm dường đã được chuẩn bị để đón nhận vua Lê Hoàn từ hơn 40 năm trước qua giấc mơ hoa sen nở trong bụng của bà họ Đặng lúc mang thai. Giấc mơ ấy cũng được kí gửi trong đôi câu đối tại hàng cột chính giữa điện thờ:
蓮花夢應天生聖
龍衮威嚴帝乃神
Liên hoa mộng ứng thiên sinh thánh
Long cổn uy nghiêm đế nãi thần
Ứng mộng hoa sen trời sinh thánh
Áo long cổn uy nghiêm, hoàng đế cũng là thần.
Dù nhiều học giả vẫn đang đặt dấu hỏi về tính minh bạch trong sự kiện Đỗ Thích giết vua, việc các câu đối xưng tụng vua Lê Hoàn như “thánh”, “thần” cho thấy lòng kính ngưỡng, niềm tin sâu sắc cũng như niềm tự hào của nhân dân địa phương đời sau đối với đức vua của mình.
3. Kết luận
Sấm vĩ trở thành chủ đề sáng tạo của văn chương, được ghi chép vào chính sử và lưu truyền rộng rãi cho thấy sự công nhận của tri thức trung đại và chính quyền phong kiến, niềm tin của người dân vào lý học, tử vi. Trong giai đoạn khoa học, kỹ thuật chưa phát triển, với tâm thế phương Đông huyền bí, sấm ngữ đã vượt qua giới hạn dự đoán tương lai đơn thuần, một mặt kết hợp điềm trời trở thành khuôn phép vô hình uốn nắn con người vào thế thường đạo lý, mặt khác trở thành công cụ tuyên truyền đắc lực của các thế lực trong xã hội, góp phần huyền thoại hóa các danh nhân, vĩ nhân trong lịch sử. Câu đối đền Lê Hoàn là một chứng tích rõ nét của thời kỳ ấy.