Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







TÁC DỤNG CỦA LỜI HỨA, LỜI THỀ




I. Đại cương


Xưa nay nhiều người cho rằng lời hứa, lời thề chỉ nói suông thôi chớ không có tác dụng gì. Có người có việc tức tối cùng người khác thì chọn đền, miếu linh thiêng để cùng nhau thề. Thề xong, cuộc sống cũng cứ diến tiến bình thường. Có lẽ đó là những việc nhỏ mọn nên báo ứng của lời thề không có hay không thấy. Nhưng những việc lớn, coi chừng có báo ứng.


II. Các chuyện thề


1. Lời thề của hai người đàn bà về một cái quần.

Đây là câu chuyện tôi đọc thời còn đi học, sách nào tôi cũng không nhớ, có lẽ sách viết về các vị trạng nguyên của Việt Nam. Tôi xin kể lại câu chuyện nầy để cho thấy có khi thần thánh cũng linh thiêng lắm, ta không nên vái bậy thề càn.

Xưa có một anh nho sanh ở vùng quê, một hôm ngồi trước hiên nhà, anh thấy chị đàn bà nhà ở gần đó lấy cây sào dài khều cái quần lãnh ở nhà kia. Đưa được cái quần tới hàng rào, chị đem cất cây sào. Anh nho sanh vội lánh mặt để khỏi làm chứng cho phiền. Trở ra, ngó quanh ngó quẩn, chị tới hàng rào lấy cái quần xếp gọn lại đem vô nhà.

Chiều, nhà kia về, thấy mất quần, chị đi tìm hbốn phía không thấy, chị liền kêu chủ nhà giáp đó hỏi. Sau một hồi nói qua nói lại, chị mất quần nói rằng nhà chị ở đây, có khi quần tôi bay qua đó mà chị lượm được, xin chị cho tôi xin lại. Chị lấy quần nói không thấy và không lượm được. Tranh cãi không được, hai chị thách nhau tới đình mà dân làng cho là linh lắm để thề. Cả hai đều hăng hái ra đi. Tới đình, chị lấy quần thề:

Nếu tôi có lấy quần chị nầy mà chối thì bước ra khỏi đình cho tôi hộc máu mà chết. Còn chị nầy đề quyết oan cho tôi thì ra khỏi đình chị cũng hộc máu mà chết.

Cả hai ra về trong êm ả. Nửa tháng sau, cậu nho sanh tới đình, đứng trước bàn thờ thần mà nói:

Chính mắt tôi thấy chị nọ lấy quần của chị kia mà lại thề bán mạng như vậy, thần không xử gì thì tôi chê thần không linh. Nói xong, cậu ra về.

Tối đến, cậu nho sanh thấy một ông quan mũ cao áo dài bước vô nhà xá cậu nho sanh một cái rồi nói:

Tôi là thần của đình làng đây. Cậu mai kia sẽ đậu Trạng nguyên và làm quan to. Xin hỏi cậu, khi xử kiện, cậu có vì một cái quần mà giết một mạng người không?

Nói xong, ông quan lặng lẽ ra về. Bữa sau, cậu nho sanh sắm lễ vật tới cúng đình để xin lỗi.

Sự việc nầy có hay không? Xét thấy không có gì là bằng chứng xác đáng. Ta chỉ nghe và ghi nhận sự việc thôi.


2. Lời hứa của Lịch Sanh thời Hán Sở tranh hùng.

Khi Hàn Tín chực đem quân đánh nước Tề, Lịch Sanh xin Hán vương cho sang Tề khuyên vua Tề đầu hàng để tránh đổ máu. Hán vương thảo chiếu giao cho Lịch Sanh sang Tề. Gặp vua Tề, Lịch Sanh nói:

- Nếu đại vương nghĩ đến nước mất nhà tan thì cùng tôi bàn bạc, bằng không thì cứ giết tôi đi.

Câu nói nầy cần giải thích vế thứ hai là “bằng không thì cứ giết tôi đi”. Vế nầy có nghĩa là nếu đại vương không nghĩ đến nước mất nhà tan, cứ để sự thế tự nhiên diễn tấu, Hàn Tín sẽ đến đánh Tề thì cứ giết tôi đi. Sau khi bàn bạc, vua Tề bằng lòng đầu hàng nhưng Hàn Tín vẫn đem quân tới đánh. Như vậy lời hứa giải quyết cho Hàn Tín không đánh Tề không có hiệu quả. Vua Tề giết Lịch Sanh bằng cách quăng vô vạc dầu đang nấu sôi cho chết. Như vậy, lời hứa của Lịch Sanh đã ứng nghiệm.


3. Lời thề của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi thời Tam Quốc.

Nhà Hán suy vi, giặc khăn vàng nổi lên đánh phá. Lưu Bị, Trương Phi và Quan Công kết nghĩa anh em cùng đi đầu quân giết giặc và thề rằng:

Chúng tôi là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi dẫu rằng khác họ, song đã kết nghĩa anh em thì phải cùng lòng hợp sức cứu khổn phò nguy, trên báo đền nợ nước, dưới yên định lê dân. Chúng tôi không cần sanh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, chỉ muốn chết cùng năm, cùng ngày, cùng tháng. Hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng nầy. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết.

Tình Lưu Quan Trương gắn bó nhau. Sau, Đông Ngô đánh Kinh Châu, bắt được Quan Công giết đi, Lưu Bị hưng binh báo thù và báo cho Trương Phi cùng hợp lực. Trương Phi chuẩn bị đi đánh báo thù, vì quá nôn nóng nên đánh đập thuộc hạ. Phi uống rượu say, hai tên thuộc hạ vô cắt đầu đem sang đầu Tôn Quyền. Vậy là Quan Công và Trương Phi cùng chết một năm. Lưu Bị hưng binh đánh Đông Ngô. Hai bên lập thế trận, giằng giai thách đánh… Thế rồi Lưu Bị bị Lục Tốn đánh cho tan tác phải chạy về Bạch Đế thành rồi sanh bịnh mà băng hà. Có lẽ Lưu Bị chết sau Quan Công chỉ một hai năm thôi. Như vậy, tôi cho rằng lời thề đã ứng nghiệm. Với thế nước, tôi cho rằng phải như vậy thôi.


4. Lời thề của Tôn Kiên về ngọc tỷ, thời Tam Quốc.

Đổng Trác chuyên quyền, chư hầu họp nhau đánh chiếm được Lạc Dương, Viên Thiệu cho đóng quân ở đó. Kiên tới giếng nọ trong Lạc Dương mò được Ngọc Tỷ (Ấn của vua). Tôn Kiên qua trại Viên Thiệu cáo từ để về Giang Đông. Viên Thiệu đòi Ngọc Tỷ, Tôn Kiên nói không lượm được và thề:

Tôi được của ấy mà giấu đi thì sẽ chết dưới mũi tên hòn đạn.

Tôn Kiên nhổ trại bỏ Lạc Dương mà đi. Về Giang Đông, rèn luyện quân mã. Tôn Kiên đem quân đánh Lưu Biểu, vây thành Tương Dương. Một tướng ở Tương Dương phá vòng vây để đi cầu viện. Một mình Tôn Kiên phóng ngựa rượt theo thì bị đá và tên bắn trúng đầu chết ở chân núi.

Như vậy lời thề của Tôn Kiên đã ứng nghiệm.


5. Văn kiện mượn Kinh Châu của Lưu Bị mà không trả.

Sau khi Lưu Bị, Tôn Quyền hợp lực phá Tào xong, Lưu Bị chiếm Kinh Châu. Lỗ Túc sang đòi vì có công phá Tào. Khổng Minh nói Kinh Châu là của Lưu Biểu, nay con Lưu Biểu là Lưu Kỳ giữ thì đứng rồi, Lỗ Túc nói:

Nếu công tử có mệnh hệ nào thì phải đem thành trì trả lại cho Đông Ngô.

Khổng Minh chấp nhận. Lưu Kỳ mất, Lỗ Túc sang đòi, Lưu Bị viết văn kiện mượn Kinh Châu cho tới khi nào lấy được Tây Xuyên sẽ trả. Thế rồi Lưu Bị chiếm được Tây Xuyên của Lưu Chương, Lưu Bị viết giấy nói trả trước ba quận là Trường Sa, Quế Dương và Linh Lăng nhưng Quan Công đang giữ Kinh Châu lại không giao. Lưu Bị lại hẹn chiếm được Đông Xuyên và Hán Trung sẽ trả. Chiếm được Đông Xuyên và Hán Trung cũng chưa chịu trả. Tôn Quyền hẹn với Tào Tháo đánh úp Kinh Châu. Quan Công đang đánh Tào, Lã Mông đánh úp chiếm Kinh Châu rồi chia quân đánh chiếm các nơi. Quan Công bị Lã Mông bắt giết đi.

Lưu Bị biểu Quan Công giao ba quận trước, Quạn Công không giao nên bị bắt và bị giết để Kinh Châu và các quận huyện mất trọn về Đông Ngô. Lời hứa đã thành hiện thực.


6. Lời thề của gian thần nhà Tống là Trương Ban Xương và Vương Đạt (đoạn sau ghi là Vương Trạch. Có lẽ tên và sự phiên âm có gì bất nhứt mà ghi như vậy?)

Vua nhà Tống muốn chọn người hiền tài để giúp nước nên mở khoa thi võ trạng và cử Ban Giám Khảo là:

1. Thừa tướng Trương Ban Xương

2. Binh bộ Đại Đường Vương Đạt (sau nầy ghi Vương Trạch?)

3. Hữu quân Đô Đốc Trương Tuấn

4. Nguyên Nhung Tông Trạch (có lẽ ở tại triều đình, Tông Trạch có phẩm trật nào riêng nhưng gọi là Nguyên Nhung có lẽ oai hơn chăng? Khi được lịnh cầm quân ra trận mới gọi Nguyên soái)

Trước khi bắt đầu khảo hạch, Tông Trạch yêu cầu mọi giám khảo phải thề để tỏ lòng ngay thẳng:

Tông Trạch thề: “… như tôi có lòng khi quân ngộ quốc, ăn hối lộ thì cho tôi thác về nghiệp đao tiễn.”

Trương Ban Xương thề: “… như tôi có khi quân ngộ pháp, ăn hối lộ thì cho tôi đời nầy hóa làm heo ngoại quốc chết về nghiệp đao kiếm.”

Vương Đạt thề: “… lòng tôi có khi quân thì cho tôi hóa ra làm dê và đồng thác như vậy.”

Trương Tuấn thì thề rằng: “… nếu tôi có lòng khi quân thì tôi chịu chết nơi miệng muôn người.”

Khoa thi nầy có tiểu Lương Vương Sài Quế dự thi. Sài Quế sắm bốn phần lễ vật xứng đáng với bốn bức thư mang đến cho các vị Giám Khảo để nhận cho y đậu chức võ trạng. Ba kia nhận còn Tông Trạch thì không.

Khảo thí bắt đầu, Trương ban Xương mắng đè Nhạc Phi. Đến thi bắn cung, Nhạc Phi bắn 9 mũi tên đều trúng hồng tâm. Sài Quế xin thi thí võ để dụ dỗ Nhạc Phi chịu thua, nếu Nhạc Phi không chịu thì thừa kế giết đi. Sài Quế nói với Nhạc Phi nếu ngươi giả thua chạy thì ta trọng thưởng, bằng không thì tánh mạng khó toàn. Nhạc Phi không chịu nhưng không dám đánh, chỉ tránh né. Giám Khảo Trương Ban Xương cho Sài Quế đậu Trạng Nguyên. Nhạc Phi không chịu và nói nếu lập sanh tử mạng, ai chết nấy chịu thì mới dám đấu. Sanh tử mạng lập xong, Nhạc Phi đâm chết Sài Quế.

Trương Ban Xương đòi giết Nhạc Phi, Nhạc Phi phải trốn.

Về sau, Trương Ban Xương mưu bắt các vua Tống đưa sang Kim. Khương Vương trốn về, bỏ Kinh đô ở Biện Lương mà tức vị tại Kim Lăng. Nhạc Phi được vời về triều phong quan chức chống giặc. Nhạc Phi bị Trương Ban Xương gạt về triều để giết. Mưu gian bị lộ, Trương Ban Xương bị cách chức. Nhạc Phi đang dẹp giặc ở Hồ Quảng, quâm Kim đánh Kim Lăng. Vua và các đại thần bỏ chạy và rủi gặp Trương Ban Xương, hắn bắt nhốt và qua dinh Hồ Hản (anh Ngột Truật) gọi tới bắt. Vợ Xương thả cho chạy. Ban Xương bỏ nhà theo luôn Hồ Hản. Vua lại gặp Vương Trạch, hắn bắt vua trói lại và đi báo Hồ Hản. Con của Trạch thả cho vua trốn. Trạch theo luôn Hồ Hản. Hồ Hản, Ngột Truật vây vua Tống ở Ngưu Đầu Sơn. Nhạc Phi tới bảo vệ vua và hạ chiếu thơ. Nhạc Phi sai Vương Quới đi bắt một con heo về để giết tế cờ. Và sai Ngưu Cao bắt một con dê để tế cờ. Cả hai, mỗi người bắt một lính Kim thế cho heo và dê.

Ngột Truật muốn lên núi bắt hai lính Tống về làm heo dê để tế cờ nhưng sợ nguy hiểm nên dừng Trương Ban Xương và Vương Trạch làm heo dê để tế cờ.

Như vậy, lời thề của Trường Ban Xương và Vương Trạch đã ứng nghiệm.


7. Lời hứa của toàn quyền Pháp với vua Thành Thái.

Bắt đầu từ sau lễ đăng quang ngày 02 – 02 – 1889, Hoàng tử Bửu Lân, con vua Dục Đức lên ngôi vua lấy hiệu là Thành Thái. Năm 1897, cầu Tràng Tiền được khởi công xây dựng bắc qua sông Hương từ kho đúc tiền. Buổi lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng cầu có sự hiện diện của vua Thành Thái. Với ý cho rằng hãng thầu Eiffel đảm trách là vĩnh cửu, khâm sứ Levécque nói với vua Thành Thái: (“Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua” của Thi Long xuất bản ngày 29 – 8 – 1999)

Khi nào cái cầu nầy gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho bệ hạ.

Bất ngờ, năm Giáp Thìn 1904, một cơn bão ác liệt thổi qua Kinh Thành Huế, thổi luôn bốn vại cầu xuống sông. Mấy bữa sau, trong một buổi tiệc, vua Thành Thái bắt tay viên Khâm sứ và hỏi:

Thế nào, thưa ông, cái cầu gãy rồi đó.

Viên Khâm sứ đánh trống lãng nói sang chuyện khác.

Cuộc thế chiến lần hai 1939 – 1945. Nhựt hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương và hứa tạo điều kiện cho Việt Nam tuyên bố độc lập. Tranh thủ cơ hội đó, ngày 11 – 3 – 1945 vua Bảo Đại tuyên bố Độc lập, hủy bỏ tất cả các hiệp ước đã ký với Pháp trước đây. (Gần 400 vua chúa triều Nguyễn của Lưỡng Kim Thành xuất bản ngày 15 – 7 – 2014). Như vậy Hòa ước 1874 qui định vua nước Nam phải thuận nhường đứt đất sáu tỉnh miền Nam cho nước Pháp và hòa ước 1883 rằng nước Nam chịu nhận nước Pháp bảo hộ. Giao thiệp với ngoại quốc phải do nước Pháp chủ trương. Hai hòa ước 1874 và 1883 bị hủy bỏ đương nhiên không còn hiệu lực nữa. Năm 1884 Pháp sửa lại hòa ước 1883 là Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa thuộc về Trung Kỳ. Hòa ước ký xong, Pháp bắt đem cái ấn của vua Tàu phong cho vua Việt Nam, thụt bễ nấu lên và hủy đi.

Tháng 9 – 1945 Nhựt đầu hàng đồng minh, Việt minh cướp chánh quyền và yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 30 – 8 – 1945 vua Bảo Đại thoái vị và được mời làm cố vấn cho Bác Hồ. Khi được cử vô phái đoàn sang Trung Hoa, Bảo Đại gởi đơn từ nhiệm và sống lưu vong ở Trung Hoa. Tháng 3 – 1947, các đảng phái quốc gia họp ở Quảng Châu tuyên bố đặt dưới sự lãnh đạo của vua Bảo Đại. Thấy vậy, Pháp thỏa hiệp với vua Bảo Đại.

Thỏa ước 05 – 6 – 1948 Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam. Nước Việt Nam được tự do thực hiện nền thống nhứt. Ngày 02 – 3 – 1949, Nam Kỳ quyết sáp nhập Nam Kỳ vô Việt Nam. Như vậy, từ đây Việt Nam được độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như xưa. Nước Pháp chánh thức trả độc lập cho Việt Nam.

Ngày 24 – 4 – 1949 Bảo Đại về nước và 01 – 7 – 1949, chánh phủ lâm thời của Bảo Đại được thành lập. Bảo Đại lấy danh hiệu là Quốc Trưởng. Như vậy, lời hứa của Levécque đã thành hiện thực.


Khánh Hội, Quận Tư Sài Gòn ngày 05 – 10 – 2019