Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






ĐẠO PHẬT MUỐN NÓI GÌ

QUA PHÁP VÔ THƯỜNG?






C ho đến thời này thì dù có phải là Đệ Tử Nhà Phật hay không, thì mọi người đều hiểu và chấp nhận pháp VÔ THƯỜNG. Đúng như thế. Dù không lên tiếng, không đe dọa ai, nhưng pháp Vô Thường vẫn quanh quẩn đâu đó, cứ lặng lẽ xuất hiện hàng ngày trên báo chí, trên các bản tin, để mọi người đều thấy : Có nhiều người phút trước đang khỏe mạnh bình thường, lấy xe đi công việc, rồi tai nạn xảy ra và không trở về nữa. Người đang hát karaoke, bỗng nhà cách mấy căn có vụ nổ, một chiếc thùng phi bay tung lên, xuyên qua mấy nhà khác, bay đến sát thương bất ngờ ! Cả gia đình mấy người lái xe đi chơi rồi không về, mấy ngày sau tìm được cả người và xe rơi xuống một cái ao gần nhà và đã chết hết trong xe ! Shipper đang giao hàng thì tự ngả xuống và không đứng lên nữa !. Một người chuyên bán kem để nuôi con mới hơn 60 tuổi gục chết ngay trên xe ! Người đi làm ngoài đồng rồi không thấy về. Con cháu sốt ruột đi tìm thì thấy đã chết từ lúc nào ! Sóng thần, lở núi, nhà sập, lũ cuốn ..đã mang đi bao nhiêu con người đang tràn trề sức sống, chưa bao giờ nghĩ đến cái chết ! . Từ đầu năm nay, căn bệnh Corona quái ác giết hại biết bao nhiêu người bên Trung Quốc mà đau lòng nhất là một số Bác Sĩ cũng bị lấy mạng khi còn quá trẻ. Có Bác Sĩ định cưới vợ thì phải dời ngày cưới rồi ngày đó không bao giờ đến ! Nó đã bùng nổ trên nhiều quốc gia làm thành một đại dịch cho đến nay, đe dọa cuộc sống của nhiều người, và chưa có thuốc đặc trị ! Mấy mươi Linh Mục và hơn 3.000 người dân nước Ý đã gục ngã ! Ở Iran cứ mười phút lại có người chết ! Vô Thường đã và đang hoành hành mà nhiều bệnh Y Học còn đang bó tay, cho chúng ta thấy : Con người dù khỏe mạnh là thế, thông minh là thế, chinh phục cả không gian, nhưng chỉ cần con vi rút bé xíu, vô hình, vô ảnh, chỉ thấy được qua kính hiển vi, xâm nhập vô cơ thể là ngả ra chết một cách dễ dàng, còn nguy hiểm hơn là bệnh AIDS một thời đã đe dọa con người ! Điều đó phải chăng là một sự nhắc nhở mạnh mẽ để chúng ta không được phép quên là cuộc sống không cứ phải lúc nào cũng theo quy luật : Sinh, Lão, Bệnh, Tử ?

Thật vậy, nếu được thuận theo quy luật Sinh Lão Bệnh Tử. Cứ sinh ra sống đến già, rồi Bệnh rồi mới Chết thì đó cũng là điều an ủi cho con người. Cha mẹ có thể nuôi dạy con cho đến trưởng thành rồi mới ra đi. Con cái có cơ hội đế báo hiếu cho cha mẹ trước khi họ đi theo ông bà. Trái lại, Vô Thường không theo một quy luật nào hết, nên các nhà Khoa học thời nào cũng cố gắng nghiên cứu để làm sao chiến thắng bệnh tật, kéo dài tuổi thọ cho con người. Qua kinh nghiệm được kế thừa và phát huy từ hàng ngàn năm, khoa học cũng giúp khắc phục được phần nào bằng những loại thuốc viên, thuốc nước, châm cứu, bấm huyệt. Khuyên con người thay đổi thói quen ăn uống. Tập vận động. Cải tạo môi trường. Mổ xẻ, thay những bộ phận bị bệnh. Hóa trị, Xạ trị. Những tiến bộ của Khoa Học cũng giúp kéo dài cuộc sống thêm cho con người. Nhưng cơ thể con người vốn mong manh và là một bộ máy rất tinh vi, nhưng chất liệu lại bằng da, thịt, nên rất dễ bị tổn thương. Cứ tưởng tượng những mạch máu nhỏ xíu mà có nhiệm vụ đưa máu lưu thông khắp châu thân để nuôi cái thân. Chỉ cần có một cục máu nào đó đông lại, rồi nghẽn ở chỗ nào đó thôi, là có chuyện xảy ra rồi ! Trái tim phải đập để bơm máu đi nuôi cơ thể mà vì lý do nào đó nó bị trục trặc, hay mỏi mệt không chịu đập nữa, là có chuyện ngay ! Hoặc bất cứ bộ phận nào đó trong cơ thể có vấn đề mà khoa học can thiệp không được là kể như xong phim ! Số phận đã an bày : Đã Sinh là phải Tử. Dù khéo giữ gìn cỡ nào ! Con người và tất cả sinh vật Biết Sống không làm sao tránh khỏi cái chết ! Đó là điều mà bất cứ ai vào Tu Phật cũng được nhắc nhở phải thường xuyên Soi, Quán để đừng tiếp tục bám vào cái Thân nữa, bởi nó không sống mãi, vậy mà trong thời gian tồn tại chính nó còn là nguyên nhân của bao nhiêu tội ác của mọi người.

Đạo Phật là tôn giáo đề cập đến Vô Thường, nhưng mục đích khi nói về VÔ THƯỜNG, nói đến sự mong manh của kiếp sống là gì ? Phải chăng để mọi người chán đời, bỏ hết mọi việc, chê cuộc đời là cõi tạm, là cõi phiền não, là hư vô, để vô Chùa tu hành, nương nhờ Phật, ngày ngày tụng Kinh, gỏ mõ để chờ Phật rước về Niết Bàn như Tu Sĩ bao thời đã làm ?

Đó là một trong những điều mà Phật Tử từ nhiều đời đã bị hiểu lầm, do tin vào những người chưa học hết Giáo Pháp của Đạo Phật quảng bá.

Thật vậy. nhìn chung chúng ta thấy : Đa số Tu Sĩ Xuất Gia cũng vì tin tưởng, vì ngưỡng mộ Phật, nhưng lại do hiểu lầm về PHẬT, và sự cứu độ của Phật. Họ đâu cần tìm để biết thật ra Phật là gì ? Chỉ là được nghe giảng, hay đọc Kinh thấy nói về Phật có khả năng “Cứu độ Chúng Sinh” “Độ thoát cho Tam Thiên Đại thiên thế giới”, “Bồ Tát bay lướt mười phương để cứu độ Chúng Sinh”, “Quán Thế Âm Bồ Tát luôn lắng nghe tiếng kêu của chúng sinh để cứu độ”. Địa Tạng Vương Bồ Tát với lời nguyện : “Ngày nào còn một chúng sinh chưa đợc độ, con thề không ngồi vào nơi Vô Thượng Chánh Giác” .. thì cho rằng rõ ràng Kinh nói Phật, Bồ Tát luôn cứu độ Chúng Sinh. Tất cả mọi người là Chúng Sinh của Phật, Phật lại luôn Từ, Bi, Hỉ, Xả, cứ cầu xin là sẽ “Được Độ”. Lời Phật, lời Kinh thì không thể nào sai được. Vì thế, không chỉ bản thân người đọc Kinh thấy như thế hoàn toàn tin tưởng, mà còn truyền bá cho bá tánh mọi thời. Cho đến thời này thì việc xem Phật, Bồ Tát là Thần Linh tối cao, có quyền ban ân, giáng phúc, cứu khổn, phò nguy đã làm Phật Tử đặt hết hy vọng vào các Vị. Họ cầu xin, nương tựa lúc sống cũng như lúc qua đời. Mặt khác, Chùa chiền nối nhau, thế hệ này kế tiếp thế hệ khác tiếp tục truyền bá thêm. Tu Sĩ ngày nay trình độ cũng cao hơn, nói pháp lưu loát, dễ nghe, nên niềm tin đó ngày càng vững chắc hơn, vì Phật Tử làm gì biết được thế nào là mục đích thật sự của Đạo Phật để so sánh xem những gì mình được nghe có phải đúng là Chánh Pháp hay không ?.

Xã hội văn minh ngày càng tạo thêm nhiều tiện ích để phục vụ cho cuộc sống, vì thế, con người chỉ còn biết quay cuồng theo nó. Đâu ai có thì giờ để tìm hiểu Đạo, vì điều đó không chỉ làm mất thì giờ lại không mang lại lợi ích cụ thể cho cuộc sống . Thôi thì đành phó mặc cho các Tu Sĩ có uy tín hướng dẫn cho. Cứ sống thiện, thỉnh thoảng đi Chùa, làm phước là được rồi. Đôi khi muốn đọc Kinh thì còn nghe nói là “Kinh cao lắm, chỉ dành cho các Tu Sĩ đọc” nên nhục chí. Người dũng cảm lắm thì cũng ráng đọc một vài Phẩm của quyển Kinh nào đó, nhưng làm sao có thì giờ nghiền ngẫm để biết rằng ngoài Chữ còn có Nghĩa, mà Nghĩa mới là điều cần hiểu để thực hành ? Làm gì biết được thế nào là‘Y pháp bất y nhân”, “Y trí bất y thức””y Kinh liễu nghĩa bất y kinh vị liễu nghĩa” ? Do đó dễ dàng trở thành con mồi của những người trong màu áo tu hành, thuộc một số Kinh, Kệ, giải thích Phật Pháp nghe có vẻ suông sẻ. Nhất là những vị tu hành lâu năm, có nhiều đệ tử, hoặc có bằng Phật Học được nước ngoài cấp.

Cũng nhờ tính tò mò và không thích chấp nhận những gì được người khác hiểu rồi giảng lại cho nghe, tôi đã dấn thân vào tìm hiểu Kinh sách. Buổi đầu cũng gặp không ít khó khăn, phải nhờ Thầy hướng dẫn cho từng bước. Thời gian sau, với lòng kiên trì, tìm hiểu từng chữ, từng câu, và chịu khó đọc Chính Kinh để tìm lời giải thích của Chư Tổ trong đó. Hết quyển này, đọc tiếp quyển khác, vòng đi vòng lại rất nhiều bận. Nhiều lúc khởi nghi ngờ, hoang mang, không biết mình hiểu đúng hay chưa ? Nhiều đáp án có vẽ lạ lẫm so với những gì được các Tu Sĩ giải thích. Cuối cùng, sau hơn 10 năm kiên trì, vừa đọc kinh, vừa thực hành theo lời dạy trong đó, nên lần hồi tôi cũng đã khám phá ra những điều trước kia tưởng chừng như “xa kín nhiệm sâu” không thể lý giải, không thể hiểu nổi, để nhiều người hoặc không hiểu, hoặc vì lợi dưỡng đã dựa vào đó để huyền bí hóa Đạo Phật, nhưng nếu ai có nghiên cứu và tinh ý thì sẽ thấy ngay những sơ hở rất quan trọng !

Thật vậy, mọi người đều có nghe nói rằng Đạo Phật là Tự Độ, vậy mà các Chùa thời nào cũng khuyến khích bá tánh cầu xin để “Được Độ”lúc còn sống cũng như khi qua đời. Giáo Pháp Đại Thừa hay Phật Giáo Nguyên Thủy đều nói rằng “Đức Thích Ca không phải là Thần Linh, chỉ là một người bình thường, nhờ đoạn trừ lậu hoặc mà được Giải Thoát”. Vậy mà không thấy ai dạy bắt chước Ngài, “đoạn trừ lậu hoặc” để thục hiện lời Thọ Ký, “Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành”, mà Chùa nào cũng sớm chiều chuông mõ, khói hương nghi ngút, để cầu Phật Độ, xui bá tánh cất thật nhiều Chùa, dựng thật nhiều Tượng Phật để cầu xin phù hộ ? Phật dạy mọi người phải nương Giáo Pháp, đừng ôm ngón tay chỉ mặt trăng của Ngài thì họ vô Chùa núp bóng Từ Bi của Ngài. Phần tâm linh thì có Phật Độ, phần thân phàm thì bá tánh độ, còn gì hơn !

Trong Giáo Pháp có đề cập đến VÔ THƯỜNG, mà ý nghĩa nó dù sâu hay cạn thì có lẽ mọi người cũng có thể hiểu, là nói về sự không trường tồn của Các Pháp, trong đó bao gồm cái Thân của mỗi chúng ta. Nhưng người không quan tâm thì chỉ biết cắm cúi sống, cố làm ra tiền bằng cách này hay cách khác để nuôi dưỡng, phụng sự cho mọi nhu cầu của cái Thân. Tới chuyện mới mang vàng hương, hoa quả tới Chùa nhờ chuyển lời cầu xin Phật cứu khổn phò nguy cho. Người hiểu lầm “Phật Độ” thì bỏ hết mọi việc đời, chạy đi vô Chùa để “nương cửa Phật”với danh nghĩa “phụng sự chúng sinh”, bỏ lại gia đình, cảnh đời mặc những người bên ngoài làm gì đó thì làm, họ chỉ một lòng hướng Phật, cho đó là hy sinh cuộc đời để phục vụ Đạo Pháp !

Khi đề cập đến Vô Thường, nói rằng đã SINH thì phải TỬ, chạy đâu cũng không thoát, thì Đạo Phật giải quyết vấn đề đó ra sao ? Kinh DUY MA CẬT giải thích : Ngài Văn Thù Sư Lợi lại hỏi :

Sự Sanh Tử đáng sợ. Bồ Tát phải y nơi đâu ?

Ông Duy ma Cật đáp :

- Bồ Tát ở trong Sanh Tử đáng sợ đó, phải y nơi công đức của Như Lai. Ngài Văn Thù Sư Lợi lại hỏi :

- Bố Tát muốn y sức công đức của Như Lai phải trụ nơi đâu?

- Bồ Tát muốn y sức công đức của Như Lai phải trụ nơi chỗ độ thoát tất cả chúng sanh.

Lại hỏi :

- Muốn độ Chúng sanh phải trừ những gì ?

- Muốn độ chúng sanh phải trừ phiền não

- Muốn trừ phiền não phải thực hành những gì ?

- Phải thực hành Chánh Niệm

- Thế nào là thực hành Chánh Niệm ?

- Phải thực hành pháp không sanh không diệt.

- Pháp gì không sanh, pháp gì không Diệt ?

- Pháp bất thiện không Sanh, Pháp Thiện không Diệt.

Những người hiểu lầm về Phật, về Như Lai, đọc thấy như thế càng thêm tin tưởng là phải cầu xin, nương tựa vào Phật Tổ Như Lai để độ cho mình khỏi bệnh, khỏi chết mà quên rằng Đức Thích Ca, người sáng lập Đạo Phật cũng đã chết, không ai thoát khỏi quy luật vũ trụ : Thành, trụ, hoại, không. Tu hành theo Đạo Phật là chấp nhận cuộc sống, chấp nhận quy luật vũ trụ chỉ thay đổi cái nhìn, cách sống để phù hợp mà thôi!

Như Lai không phải là Phật Tổ có toàn quyền ban ân, giáng phúc, cứu khổn, phò nguy cho mọi người. Nghĩa của Như Lai là người tu hành đạt được trình độ Giải Thoát rồi thì không còn bị các pháp làm cho điên đảo. Pháp đến, pháp đi vẫn an nhiên, nên gọi là Như Lai. Vì vậy, “Y nơi công đức của Như Lai” tức là nương tựa vào sức định nơi Bổn Thế Tâm của mình để không còn bị các pháp vùi dập. Muốn vậy thì phải làm công việc là Độ Thoát tất cả Chúng Sanh”. Chúng Sanh mà Đức Thích Ca dạy rằng tất cả những người muốn Thành Phật phải “Độ Tận”, không phải là đi cứu độ, giảng pháp cho bá tánh bên ngoài, mà là những “Phiền Não” trong mỗi chúng ta. Vì vậy, Độ Chúng Sanh là Trừ Phiền Não. Nơi đây, Kinh Duy Ma Cật chỉ Phương pháp để trừ Phiền Não là : Không Diệt Pháp Thiện và Không để cho Pháp Bất Thiện sanh.

Chỉ một đoạn Kinh, đã phá cho chúng ta những hiểu lầm về Như Lai, về Độ Sanh, về cách Trừ Phiền Não.

Vậy thì Vô Chùa tu hành có phải là cách tối ưu để Trừ Phiền Não hay không ? Điều này ta thấy Lục Tổ Huệ Năng dạy :

            “Phật pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác.

             Ly thế mịch Bồ Đề. Cáp như cầm thố giác”.

Ý Tổ cũng giống như cách mà Đức Thích Ca muốn mọi người hiểu khi cầm Cành Sen đưa lên giữa đại chúng, sau đó trao Y Bát cho Tổ Ca Diếp. Đó là : Kết quả mà người tu Phật đạt được, không phải là thành Thánh, Thành Phật, về Niết Bàn hay cõi Phật, mà được giống như Hoa Sen, sống giữa bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm. Người tu Phật không phải là vô Chùa để tránh phiền Não, mà phải Thoát phiền Não ngay giữa đời thường. Hoa Sen phải sinh trưởng, tàn tạ ngay chính nơi bùn nhơ. Không phải bứng đi mang trồng vô chậu nước tinh khiết, cách ly khỏi bùn để bùn không làm cho nó bị ô nhiễm. Ngược lại, chính Bùn là dưỡng chất nuôi Hoa Sen, thiếu bùn Hoa Sen không thể sống. Chính trong cuộc sống thường nhật đầy dẫy Phiền Não mới chứng minh được hiệu quả Giải Thoát của người tu Phật.

Đạo Phật không ở ra để tách, hay mang con người xa rời cuộc đời, vì con người sinh ra giữa cuộc đời, sống và chết giữa cuộc đời. Nhưng chính vì thiếu hiểu biết, không ý thức về sự mong manh của cái Thân mà nhiều người trong thời gian sống ngắn ngủi đã gây tội, tạo Nghiệp chỉ để phục vụ cho nó. Vì thế Đạo Phật nhắc nhở người tu một sự thật không thể chối bỏ : Đó là Pháp Vô Thường, để mọi người ý thức mà đừng tiếp tục tạo Nghiệp xấu, ngược lại, tạo Thiện Nghiệp để mình và tất cả những người chung quanh có được cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Theo Đức Thích Ca, sở dĩ mọi người gây Nghiệp, làm những điều sai quấy là vì không nghĩ gì về cuộc đời, không ý thức được rằng kiếp sống không lâu dài và cũng không kết thúc sau khi cái Thân hết Nghiệp. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta xuất hiện trong đời. Các Pháp cũng không phải chỉ thấy đó, rồi biến mất không để lại dấu vết, mà chỉ là sự thay đổi hình thức mà thôi. Chúng sẽ lại xuất hiện qua dạng khác. Với con người thì cái Thân mỗi chúng ta đang mang hiện tại chỉ là Thân Nhân Quả, có mặt để NHẬN những gì đã làm tốt ở kiếp truớc, hay TRẢ những cái Ác đã gieo. Do đó, tu hành theo Đạo Phật không phải là để rủ bỏ hết tất cả, tốt hay xấu cũng đều không làm, mà PHÁP ÁC KHÔNG SANH. PHÁP THIỆN KHÔNG DIỆT, bởi tính chất của CHÂN TÁNH là THƯỜNG HẰNG, hình tướng chỉ là sự tập hợp do Nhân Quả mà thôi, và kiếp sống hiện tại không chỉ là Trả hay Nhận những gì đã làm, mà còn làm Nhân cho kiếp sau. Do vậy, Đạo Phật dạy người tu phải đền TỨ ÂN, tức là phải sống và cư xử với mọi người một cách tốt đẹp nhất để đền đáp. Nhưng một số người học Đạo Phật nửa vời vừa mới nghe nói VÔ THƯỜNG đã cho rằng các Pháp thấy đó rồi mất đó, là KHÔNG, nên bỏ hết mọi việc để vô Chùa, nương của Phật mà quên rằng Đạo Phật tùy theo sự chấp nhất từng giai đoạn của con người mà tìm cách hướng dẫn cho thích hợp.

Thật vậy. Với những người chỉ biết có hiện tại, chỉ biết có kiếp sống này và những gì trước mắt, không hiểu Lý Nhân Quả, sẵn sàng làm mọi việc ác, làm tổn thương người khác, miễn được lợi cho mình thì Phật dạy đó là những người CHẤP CÓ. Khi vào tu học, Phật dạy Quán Sát để thấy rằng các Pháp là KHÔNG. Bản chất các Pháp vốn là Không. Cuối cùng rồi cũng sẽ trở về Không. Cuộc sống là VÔ THƯỜNG. Thế là mọi người bỏ được cái CHẤP CÓ để quay sang CHẤP KHÔNG tưởng như thế là đã đạt mục đích của Đạo Phật.

Nhưng thật ra cuộc sống không phải HOÀN TOÀN KHÔNG, bởi vì hiện tại các Pháp đang TẠM CÓ. Người tu Phật là để giải quyết cái TẠM CÓ sao cho ổn, để tất cả đầu được sống an lành, hạnh phúc trong kiếp sống ngắn ngủi. Nếu bao nhiêu tai nạn chưa đủ cho con người thức tỉnh, thì dịch bệnh mang tên CORONA đã làm cho con người thấy rõ hơn bao giờ hết sự mong manh của cái Thân người. Ngay cả Bác Sĩ là thần hộ mạng mà người bệnh đặt niềm tin cũng đã ngả gục một số cho mọi người thấy mức độ nguy hiểm của dịch bệnh ! Sự ra đi đột ngột của nhiều người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh cho thấy uy lực của VÔ THƯỜNG. Nhưng Đạo Phật đưa ra Pháp Vô Thường không phải để chúng ta mất niềm tin vào cuộc sống, mà để chúng ta thấy rằng cuộc sống quý giá biết bao. Có ai chắc sẽ sống mãi bên cạnh ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái hay bạn bè thân thiết, vì Vô Thường có thể mang bất cứ ai đi, bất cứ thời điểm nào mà không cần báo trước. Vì thế, ngày nào còn có duyên sống bên nhau chúng ta nên đối xử hết lòng với nhau. Còn nhớ vụ hỏa hoạn ở Intershop năm nào. Báo chí đăng có nhiều người cứ nằng nặc đòi vô nhà xác khi mọi việc còn chưa ổn định, mục đích để gặp người thân của mình, vì còn bao nhiêu điều chưa kịp nói, bởi mới vài giờ trước đây, người thân của họ còn vui vẻ dự dám cưới của bạn bè, hát hò rôm rả !

Dịch Corona đến bao trùm cả thế giới để nhắc nhở mọi người rằng Vô Thường không trừ ai, già, trẻ, giàu nghèo, nhiều tuổi hay it tuổi, có học hay không, để mọi người có dịp xem lại coi mình đã làm gì trong kiếp sống ? Với ông, bà, cha mẹ, có yêu thương, chăm sóc họ để đền phần nào ân dưỡng dục ? Với vợ, chồng, con, cái đã yêu thương và làm hết trách nhiệm của mình chưa ? Với xã hội mình đã đóng góp được những gì ? để nếu Vô Thường mang đi thì không có gì phải hối tiếc. Trong cương vị người công dân bình thường, chúng ta đã đóng góp gì cho xã hội ? Trong cương vị những nhà lãnh đạo, chúng ta đã lo gì được cho dân, cho nước ? Trong cương vị người tu Phật, chúng ta đã học hỏi Giáo pháp một cách tinh tấn, để truyền bá Chánh Pháp như những gì ta quyết tâm khi Xuất Gia, để không uổng cơm áo của bá tánh chưa ?

Đến nay thì một vài nước tuyên bố đã sản xuất thành công thuốc đặc trị Corona. Đó là tin vui cho toàn thể nhân loại. Hy vọng cơn đại dịch vừa qua là bài học Vô Thường để nhắc nhở cho mọi người không còn thờ ơ với cuộc sống nữa, và biết rằng một ngày còn sống là ân huệ của Thượng Đế để sống cho xứng đáng một kiếp người.


(Tháng 3/2020)



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .